Chuyển động Quốc Phòng (27/10 – 2/11/2023)


Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

  • Moscow nói Ukraine dùng drone tấn công cơ sở xử lý chất thải hạt nhân của Nga sẽ gây ra thảm họa
  • Nga tuyên bố bắn hạ tên lửa tầm xa Mỹ cung cấp cho Ukraine
  • Ukraine tố Nga tấn công tên lửa vào khu vực Kharkov làm 8 người bị thương
  • TT Zelenskyy nói Nga mất ‘ít nhất một lữ đoàn’ khi cố gắng chiếm Avdiivka
  • Ukraine có kế hoạch tăng sản lượng drone hàng tháng vào cuối năm nay
  • Lầu Năm Góc cảnh báo Nga sẽ thành công ở Ukraine trừ khi Mỹ tiếp tục hỗ trợ
  • Các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ bắt đầu tăng doanh thu nhờ cuộc chiến tại Ukraine
  • Triều Tiên có thể đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Chiến tranh Israel – Hamas:

  • Israel phát động giai đoạn thứ hai của cuộc chiến ở Gaza bằng chiến dịch trên bộ
  • Lực lượng Israel tấn công thành phố chính của Gaza từ hai hướng
  • Israel tấn công trại tị nạn đông đúc ở Gaza, giết chết chỉ huy Hamas
  • Israel triển khai tàu tên lửa ở Biển Đỏ khi phiến quân Houthi tấn công từ Yemen
  • Hezbollah cho biết họ đã bắn hạ drone của Israel ở miền nam Lebanon

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

  • Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Hương Sơn trong khi vắng mặt Bộ trưởng Quốc phòng
  • Trung Quốc đồng ý đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ
  • Trung Quốc bắt kịp năng lực tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và Nga bằng tàu mới
  • Máy bay Trung Quốc áp sát nguy hiểm máy bay ném bom Mỹ trên Biển Đông
  • Trung tướng PLA nói việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan sẽ là ‘cuộc chiến chính nghĩa và hợp pháp’
  • Đài Loan giám sát nhóm tàu sân bay Trung Quốc ở Thái Bình Dương
  • Cơ sở công nghiệp tàu ngầm của Mỹ có thể và sẽ hỗ trợ AUKUS
  • Lãnh đạo quân đội Papa New Guinea giữ chức phó tư lệnh Lữ đoàn 3 của Quân đội Úc ở Townsville
  • Mỹ và Úc đồng ý hợp tác với Nhật Bản về drone quân sự
  • Nhật Bản luân phiên triển khai máy bay chiến đấu tới Úc
  • Cảnh sát biển Trung Quốc, Nhật Bản lại đối đầu gần quần đảo tranh chấp
  • Hàn Quốc, Úc tập trận chung trên biển Đông
  • Máy bay chiến đấu Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung
  • Quân đội Mỹ mua số lượng lớn hải sản Nhật Bản để chống lại lệnh cấm của Trung Quốc
  • Ấn Độ quyết định mua 26 máy bay phản lực Rafale của Pháp

Đông Nam Á:

  • Quân đội Trung Quốc tố tàu Philippines ‘đi vào trái phép’ vùng biển gần bãi cạn Scarborough
  • Nhật Bản, Philippines trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán về viện trợ an ninh
  • Quân đội Myanmar tìm cách lập lại trật tự khi liên minh nổi dậy tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

  • Raytheon, Kongsberg tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa NASAMS
  • Tên lửa bắn vào căn cứ không quân Ain al-Asad của Iraq có lực lượng Mỹ đồn trú – nguồn an ninh
  • Jordan yêu cầu Mỹ triển khai tên lửa phòng không Patriot
  • RSF cho biết họ đã chiếm được thành phố thứ hai của Sudan

Chuyên mục Phân tích:

  • Chiến hào và công nghệ ở mặt trận phía nam Ukraine
  • Liệu cuộc xâm lược trên bộ của Israel vào Gaza sẽ đạt được mục tiêu?
  • Mỹ, Iran và nguy cơ chiến tranh rộng hơn ở Trung Đông
  • Hezbollah tham chiến tại Gaza sẽ khiến Mỹ phải hy sinh Đài Loan?
  • Mỹ, Úc, Nhật Bản sẽ tham gia ‘cuộc chiến’ giữa Philippines-Trung Quốc?
  • Ấn Độ đang cố gắng vươn lên với nỗ lực chế tạo vũ khí như thế nào?

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Moscow nói Ukraine dùng drone tấn công cơ sở xử lý chất thải hạt nhân của Nga sẽ gây ra thảm họa

Một drone của Ukraine hôm thứ năm đã đâm vào cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân tại nhà máy điện Kursk ở miền Tây nước Nga, làm hư hại các bức tường của cơ sở này. Nga cho biết Ukraine hẳn phải biết rằng hành động của mình có thể gây ra một thảm họa hạt nhân toàn diện và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Vụ việc xảy ra một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói rằng một cuộc tấn công bằng drone của Nga ở khu vực Khmelnitskyi phía tây Ukraine có thể đã nhắm vào nhà máy điện hạt nhân của khu vực.

Xem thêm tại: Reuters, Ukrainian drone struck Russian nuclear waste facility risking disaster, Moscow says. Truy cập ngày 29/10/2023

Nga tuyên bố bắn hạ tên lửa tầm xa Mỹ cung cấp cho Ukraine

Quân đội Nga hôm thứ tư cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ hai tên lửa ATACM tầm xa do Mỹ sản xuất được Ukraine sử dụng nhắm vào các mục tiêu của Nga. Vào tuần trước, Ukraine cho biết họ đã sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ gây thiệt hại nặng nề cho hai sân bay có trực thăng Nga và các thiết bị khác.

Xem thêm tại: Reuters, Russia says it shot down long-range US missiles given to Ukraine. Truy cập ngày 27/11/2023

Ukraine tố Nga tấn công tên lửa vào khu vực Kharkov làm 8 người bị thương

Một tên lửa của Nga hôm thứ sáu đã bắn trúng tòa nhà sở cứu hỏa ở khu vực phía bắc Kharkov, khiến ít nhất 8 nhân viên cứu hộ bị thương. Cuộc tấn công của Nga nhắm vào thị trấn Izium. Năm trong số sáu drone của Nga đã bị phá hủy trong hai đợt tấn công vào các khu vực phía nam Mykolaiv và Kherson.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine says Russian missile attack in Kharkiv region injures eight. Truy cập ngày 28/10/2023

TT Zelenskyy nói Nga mất ‘ít nhất một lữ đoàn’ khi cố gắng chiếm Avdiivka

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ sáu cho biết lực lượng Nga đã mất ít nhất một lữ đoàn trong chiến dịch tiến công vào thị trấn Avdiivka phía đông Ukraine. Các lữ đoàn có quy mô khác nhau và có thể có quân số từ 1.500 đến 8.000 quân.. Cuộc tấn công của Nga tại Adviivka đã trở thành tâm điểm chiến trường gần 5 tháng sau khi Kyiv phát động phản công ở phía nam và phía đông bị chiếm đóng. Kyiv đã đạt được tiến bộ chậm hơn mong muốn do trở ngại từ chiến hào và bãi mìn rộng lớn của Nga, nhưng nước này vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu nhỏ ở miền nam.

Xem thêm tại: Reuters, Zelenskiy says Russia loses ‘at least a brigade’ trying to take Avdiivka. Truy cập ngày 28/10/2023

Ukraine có kế hoạch tăng sản lượng drone hàng tháng vào cuối năm nay

Ukraine đặt mục tiêu sản xuất hàng chục nghìn drone mỗi tháng vào cuối năm nay khi nước này tăng cường sản lượng của ngành công nghiệp quốc phòng. Đối mặt với tình trạng kho vũ khí của phương Tây đang cạn kiệt khi chiến tranh kéo dài, Ukraine muốn tăng cường sản xuất trong nước các thiết bị quân sự và đạn dược khác nhau để đảm bảo nguồn cung ổn định và nhanh hơn. Các quan chức Ukraine hy vọng sự hợp tác với các nhà sản xuất vũ khí phương Tây cũng có thể giúp vực dậy ngành công nghiệp vũ khí trong nước và tạo thêm động lực cho nền kinh tế.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine plans to ramp up monthly drone output by year-end – minister. Truy cập ngày 26/10/2023

Lầu Năm Góc cảnh báo Nga sẽ thành công ở Ukraine trừ khi Mỹ tiếp tục hỗ trợ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ ba cho biết Nga sẽ thành công ở Ukraine trừ khi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Kyiv. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu 61,4 tỷ USD cho Ukraine, khoảng một nửa trong số đó sẽ được chi vào việc bổ sung kho vũ khí đã cạn kiệt của Mỹ sau khi đã viện trợ cho Ukraine. Bộ trưởng Austin cho biết chính quyền Biden muốn Ukraine tiếp tục hoạt động trong suốt mùa đông, nhưng Kyiv không thể làm điều đó nếu họ buộc phải tạm hoãn vì thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.

Xem thêm tại: Reuters, Russia will succeed in Ukraine unless US support continues-Pentagon chief. Truy cập ngày 1/11/2023

Các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ bắt đầu tăng doanh thu nhờ cuộc chiến tại Ukraine

Các nhà thầu quốc phòng của Mỹ như Lockheed Martin, General Dynamics và những nhà thầu khác dự kiến rằng sẽ có nhiều đơn đặt hàng hiện có cho hàng trăm nghìn viên đạn pháo, hàng trăm tên lửa đánh chặn Patriot và xe bọc thép trong thời gian tới. Các công ty này đã tăng sản xuất từ 14.000 viên đạn (pháo) mỗi tháng lên 20.000, thậm chí lên tới 100.000 viên đạn mỗi tháng. Đơn vị Hệ thống Chiến đấu của General Dynamics, đơn vị sản xuất xe bọc thép, xe tăng và pháo mà Ukraine sử dụng, đã chứng kiến doanh thu tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine war orders starting to boost revenues for big US defense contractors. Truy cập ngày 28/10/2023

Triều Tiên có thể đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Triều Tiên có thể đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa phòng không di động bên cạnh đạn pháo cho cuộc chiến ở Ukraine. Các quan chức quân sự ước tính khoảng 2.000 container thiết bị quân sự và đạn dược đã được vận chuyển từ cảng Rajin phía đông bắc Triều Tiên đến Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga, tăng mạnh so với 1.000 container. Các container này được cho là có khả năng chứa hơn 200.000 viên đạn pháo 122 mm hoặc hơn 1 triệu viên đạn pháo 152 mm được cả Nga và Triều Tiên sử dụng. Bình Nhưỡng cũng có thể đã cung cấp các loại vũ khí khác cho Nga, bao gồm đạn xe tăng dòng T, tên lửa chống tăng dẫn đường, bệ phóng tên lửa, súng trường, súng máy và có thể cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Xem thêm tại: Yonhap News, JCS says N. Korea might have provided Russia with short-range ballistic missiles. Truy cập ngày 2/11/2023


Chiến tranh Israel – Hamas:

Israel phát động giai đoạn thứ hai của cuộc chiến ở Gaza bằng chiến dịch trên bộ

Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm thứ bảy cho biết lực lượng Israel đã bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc chiến ở Gaza khi tiến hành các chiến dịch trên bộ chống lại phiến quân Hamas. Thủ tướng Netanyahu cảnh báo người Israel rằng đây sẽ là một chiến dịch quân sự “kéo dài và khó khăn” nhưng chiến dịch này sẽ không phải là một cuộc xâm lược toàn diện. Thủ tướng Netanyahu cũng nhắc lại lời kêu gọi thường dân Palestine sơ tán khỏi phía bắc Dải Gaza, nơi Israel đang tập trung tấn công, đồng thời thề rằng sẽ thực hiện mọi nỗ lực để giải cứu hơn 200 con tin bị Hamas bắt giữ.

Xem thêm tại: Reuters, Israel launches Gaza war’s second phase with ground operation, Netanyahu says. Truy cập ngày 29/10/2023

Lực lượng Israel tấn công thành phố chính của Gaza từ hai hướng

Lực lượng thiết giáp của Israel đã tấn công thành phố chính của Dải Gaza từ hai hướng hôm thứ hai và nhằm vào con đường chính nối thành phố này với phía nam Gaza. Xe tăng của Israel đã tiến tới con đường Salahudeen ven biển chính bắc-nam của Gaza nhằm tăng cường cuộc bao vây ở phía bắc bằng cách cắt đứt Thành phố Gaza khỏi nửa phía nam của vùng đất này. Quân đội Israel cho biết họ đã tấn công hơn 600 mục tiêu của phiến quân trong vài ngày qua khi mở rộng hoạt động trên bộ trên lãnh thổ, nơi thường dân Palestine đang rất cần nhiên liệu, thực phẩm và nước sạch khi chiến tranh bước sang tuần thứ tư.

Xem thêm tại: Reuters, Israeli forces attack Gaza’s main city from two directions. Truy cập ngày 1/11/2023

Israel tấn công trại tị nạn đông đúc ở Gaza, giết chết chỉ huy Hamas

Các cuộc không kích của Israel đã tấn công một trại tị nạn đông dân ở Dải Gaza hôm thứ Ba, giết chết ít nhất 50 người Palestine và một chỉ huy Hamas, và các bác sĩ phải vật lộn để điều trị những người thương vong, thậm chí phải thiết lập các phòng phẫu thuật trong hành lang bệnh viện. Cuộc tấn công vào Jabalia, trại tị nạn lớn nhất Gaza, đã giết chết Ibrahim Biari.

Xem thêm tại: Reuters, Israel strikes dense Gaza camp, says it kills Hamas commander. Truy cập ngày 1/11/2023

Israel triển khai tàu tên lửa ở Biển Đỏ khi phiến quân Houthi tấn công từ Yemen

Quân đội Israel cho biết họ đã triển khai các tàu tên lửa ở Biển Đỏ hôm thứ tư để tiếp viện sau khi phiến quân Houthi tấn công bằng tên lửa và drone vào Israel. Các hình ảnh được quân đội phổ biến cho thấy các tàu hộ tống lớp Saar đang tuần tra gần cảng Eilat ở Biển Đỏ, nơi Israel coi là mặt trận mới khi cuộc chiến ở Gaza gây ra sự trả đũa từ các lực lượng ủng hộ Hamas liên kết với Iran ở những nơi khác trong khu vực. Phiến quân Houthi hôm thứ ba cho biết họ đã tiến hành ba cuộc tấn công bằng drone và tên lửa nhằm vào Israel kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Hamas-Israe và thề rằng sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công như vậy xảy ra “để giúp người Palestine chiến thắng”.

Xem thêm tại: Reuters, Israel deploys missile boats in Red Sea as Houthis attack from Yemen. Truy cập ngày 2/11/2023

Hezbollah cho biết họ đã bắn hạ drone của Israel ở miền nam Lebanon

Hezbollah của Lebanon hôm chủ nhật cho biết họ đã bắn hạ một drone của Israel trên miền nam Lebanon bằng tên lửa đất đối không. Hezbollah đã bắn rơi drone Israel gần Khiam, cách biên giới với Israel khoảng 5 km và được nhìn thấy rơi xuống lãnh thổ Israel. Israel cho biết quân đội của họ đã tấn công một căn cứ ở miền nam Lebanon đang cố gắng bắn tên lửa chống tăng về phía Israel và máy bay của họ đã tấn công các mục tiêu của Hezbollah để đáp trả các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Lebanon.

Xem thêm tại: Reuters, Hezbollah says it downs Israeli drone in south Lebanon. Truy cập ngày 31/10/2023


Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Hương Sơn trong khi vắng mặt Bộ trưởng Quốc phòng

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đã diễn ra vào chủ nhật mặc dù bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, chủ tọa của sự kiện, vắng mặt. Trung Quốc hy vọng sử dụng diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về một thế giới an toàn hơn và kéo các nước đang phát triển lại gần nhau hơn, khi nước này phải đối mặt với sự phối hợp ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh nhằm hạn chế tham vọng quân sự của nước này. Nga đang được coi là trung tâm tại diễn đàn. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cử một phái đoàn do Xanthi Carras, Giám đốc Quốc gia Trung Quốc tại Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Hôm thứ Ba, Bắc Kinh đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nhưng không nêu tên người thay thế.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, China kickstarts Xiangshan Forum in absence of defence minister. Truy cập ngày 30/10/2023

Trung Quốc đồng ý đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ hai cho biết Bắc Kinh và Washington sẽ tổ chức “các cuộc tham vấn về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân” trong những ngày tới, cũng như các cuộc đàm phán riêng về các vấn đề hàng hải và các vấn đề khác. Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động trong kho vũ khí của mình và có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Nhưng Bắc Kinh từ lâu đã lập luận rằng Mỹ đã có kho vũ khí lớn hơn nhiều. Các cuộc đàm phán vũ khí sẽ diễn ra trước cuộc gặp có thể xảy ra giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco vào tháng 11.

Xem thêm tại: Reuters, China agrees to nuclear arms-control talks with US -WSJ. Truy cập ngày 2/11/2023

Trung Quốc bắt kịp năng lực tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và Nga bằng tàu mới

Theo báo cáo mới nhất của Mỹ, Trung Quốc đã hạ thủy các tàu ngầm tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên – mang lại cho nước này các lựa chọn tấn công trên bộ và trên biển từng là địa bàn duy nhất của các tàu Mỹ và Nga. Báo cáo của Lầu Năm Góc xác nhận rằng các tàu ngầm cải tiến được nhìn thấy tại các xưởng đóng tàu của Trung Quốc trong 18 tháng qua là tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Type 093B. Ngoài ra, báo cáo cũng nói rằng hải quân Trung Quốc sẽ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên đất liền từ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của họ bằng cách sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất, đặc biệt là tăng cường khả năng triển khai sức mạnh trong ngắn hạn.

Xem thêm tại: Reuters, China chases US and Russia guided-missile submarine capabilities with new vessels. Truy cập ngày 26/10/2023

Máy bay Trung Quốc áp sát nguy hiểm máy bay ném bom Mỹ trên Biển Đông

Một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát máy bay ném bom B-52 của Mỹ trong phạm vi ba mét khi bay qua Biển Đông. Trong cuộc đụng độ, máy bay chiến đấu hai động cơ Thẩm Dương J-11 đã áp sát máy bay Mỹ với “tốc độ quá mức không kiểm soát được, bay bên dưới, phía trước và trong vòng 10 feet so với chiếc B-52, khiến cả hai máy bay gặp nguy hiểm”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ, cho rằng máy bay của Washington bay qua Biển Đông là hành động khiêu khích có chủ ý.

Xem thêm tại: Al Jazeera, China’s jet comes dangerously close to US bomber over South China Sea: US. Truy cập ngày 28/10/2023

Trung tướng PLA nói việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan sẽ là ‘cuộc chiến chính nghĩa và hợp pháp’

Một trung tướng PLA hôm chủ nhật cho biết việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan sẽ là một “cuộc chiến chính đáng và hợp pháp” và là một chiến dịch “ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài”. Trung tướng Hà Lôi (He Lei) cho biết một khi chính phủ Trung Quốc buộc phải sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, đó sẽ là một cuộc chiến thống nhất, một cuộc chiến chính đáng và hợp pháp được người dân Trung Quốc ủng hộ và tham gia, và một cuộc chiến để đè bẹp sự can thiệp của nước ngoài. Song song đó, trung tướng Hà cũng quy trách nhiệm “kích động” cuộc xâm lược thuộc về các nhà lãnh đạo Đài Loan, các lực lượng ly khai và các thế lực bên ngoài. Ngoài ra, trung tướng Hà cũng cảnh báo rằng sau khi cuộc xâm lược hoàn tất, Bắc Kinh sẽ “đưa những phần tử ly khai ‘Đài Loan độc lập’ ngoan cố ra trước công lý và trừng phạt họ nghiêm khắc.”

Xem thêm tại: Taiwan News, PLA lieutenant general says Chinese invasion of Taiwan will be ‘just and legitimate war’. Truy cập ngày 31/10/2023

Đài Loan giám sát nhóm tàu sân bay Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Quân đội Đài Loan đã cử lực lượng giám sát sau khi đội hình hải quân Trung Quốc do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu đi qua phía nam hòn đảo và tiến vào phía tây Thái Bình Dương. Tàu Sơn Đông đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan vào tháng 4, hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương. Nó cũng đi qua eo biển Đài Loan vào tháng 6 và tháng trước cũng tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương. Trước đó vào thứ Năm, Đài Bắc cho biết họ đã phát hiện 15 máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng phòng không của Đài Loan.

Xem thêm tại: Reuters, Taiwan monitors Chinese carrier group in Pacific. Truy cập ngày 27/10/2023

Cơ sở công nghiệp tàu ngầm của Mỹ có thể và sẽ hỗ trợ AUKUS

Cơ sở công nghiệp tàu ngầm của Mỹ có thể và sẽ hỗ trợ quan hệ đối tác công nghệ quốc phòng AUKUS để cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và bản thân nó sẽ được củng cố nhờ dự án đó. Vào tháng 7, 25 nhà lập pháp Đảng Cộng hòa của Mỹ đã thúc giục tổng thống Biden tăng tài trợ cho hạm đội tàu ngầm của Mỹ, nói rằng kế hoạch của AUKUS bán các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Úc sẽ “làm suy yếu” hạm đội Mỹ nếu không có kế hoạch rõ ràng để thay thế chúng .

Xem thêm tại: Reuters, US submarine industrial base can and will support AUKUS -Pentagon official. Truy cập ngày 26/10/2023

Lãnh đạo quân đội Papa New Guinea giữ chức phó tư lệnh Lữ đoàn 3 của Quân đội Úc ở Townsville

Một nhà lãnh đạo quân sự từ Papua New Guinea sẽ trở thành chỉ huy thứ hai của một trong các lữ đoàn chiến đấu của Australia trong một động thái lịch sử nhằm củng cố mối quan hệ quân sự giữa hai quốc gia. Trung tá Boniface Aruma thuộc Lực lượng Phòng vệ PNG sẽ trở thành phó chỉ huy Lữ đoàn 3 tại Townsville, thành phố đồn trú lớn nhất của Úc, từ năm tới. Khả năng phòng thủ của cả hai quốc gia đều được hưởng lợi từ sự tham gia của ông vào vị trí chỉ huy cấp cao của lữ đoàn Úc.

Xem thêm tại: ABC, PNG military leader to serve as deputy commander of Australian Army’s 3rd Brigade in Townsville. Truy cập ngày 31/10/2023

Mỹ và Úc đồng ý hợp tác với Nhật Bản về drone quân sự

Mỹ và Úc sẽ hợp tác với Nhật Bản để phát triển drone quân sự thế hệ tiếp theo, đẩy mạnh nỗ lực trong lĩnh vực “máy bay chiến đấu hợp tác”. “Máy bay chiến đấu hợp tác” là một khái niệm mới của Không quân Mỹ trong đó drone hoạt động độc lập hoặc song song với máy bay có người lái. Vào tháng 12, Washington và Tokyo đã đưa ra tuyên bố chung nêu rõ các đồng minh sẽ tiến hành nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá chung về khả năng của hệ thống tự hành. Những drone như vậy có thể bổ sung cho máy bay chiến đấu tiếp theo của Nhật Bản mà nước này đang phát triển cùng với Anh và Ý

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. and Australia agree to cooperate with Japan on military drones. Truy cập ngày 27/10/2023

Nhật Bản luân phiên triển khai máy bay chiến đấu tới Úc

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bắt đầu triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu tới Úc sớm nhất là vào năm tài chính tiếp theo để tham gia các cuộc tập trận chung nhằm chống lại một cuộc tấn công vào Canberra. Cuộc tập trận chung sẽ được tiến hành theo kịch bản Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phản công một cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng Australia. Khoảng thời gian này dự kiến ​​sẽ kéo dài vài tháng mỗi năm và một số máy bay chiến đấu như F-35, F-15 và F-2 dự kiến ​​sẽ được triển khai cùng một lúc. Nhật Bản đã triển khai các đơn vị SDF trên bộ và trên biển tới căn cứ ở Djibouti để chống cướp biển ở Vịnh Aden ngoài khơi bờ biển Somalia ở miền đông châu Phi.

Xem thêm tại: Asahi Shimbun, Japan to deploy ASDF fighters to Australia on rotational basis. Truy cập ngày 31/10/2023

Cảnh sát biển Trung Quốc, Nhật Bản lại đối đầu gần quần đảo tranh chấp

Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Nhật Bản hôm thứ tư lại đối đầu trong vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông, cả hai nước đều cho biết họ đã triển khai tàu tuần tra để thúc giục bên kia rời khỏi lãnh thổ. Quần đảo tranh chấp, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku, đều được cả hai nước tuyên bố chủ quyền. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết ba tàu Nhật Bản và một số tàu tuần tra đã xâm nhập trái phép lãnh hải của họ hôm thứ Tư và họ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết theo luật pháp.

Xem thêm tại: Reuters, China, Japan coast guards face off again near disputed island. Truy cập ngày 2/11/2023

Hàn Quốc, Úc tập trận chung trên biển Đông

Hàn Quốc và Úc đang tiến hành một cuộc tập trận hàng hải song phương ở Biển Đông nhằm tăng cường khả năng tác chiến và khả năng tương tác chung. Cuộc tập trận hải quân bắt đầu hôm thứ Ba với cuộc diễn tập kéo dài 4 ngày ở vùng biển ngoài khơi Ulsan, cách Seoul 299 km về phía đông nam, với sự tham gia của 6 tàu Hải quân Hàn Quốc, trực thăng giám sát hàng hải và trực thăng quân sự. Úc đã huy động tàu khu trục lớp Anzac Toowoomba, máy bay trực thăng MH-60R Seahawk và máy bay tuần tra hàng hải cho cuộc tập trận hai năm một lần, lần thứ chín thuộc loại này.

Xem thêm tại: Yonhap News, S. Korea, Australia hold joint maritime drills in East Sea. Truy cập ngày 2/11/2023

Máy bay chiến đấu Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung

Mỹ và Hàn Quốc hôm thứ hai đã bắt đầu cuộc tập trận phòng không cảnh giác với sự tham gia của 130 máy bay chiến đấu của cả hai nước để mô phỏng các hoạt động thời chiến kéo dài 24 giờ. Cuộc tập trận có các biến thể của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của cả Mỹ và Hàn Quốc, cùng với các máy bay khác. Cuộc tập trận nhằm mục đích cải thiện khả năng tương tác giữa quân đội hai nước bằng cách thực hiện các nhiệm vụ trên không lớn như diễn tập bắn đạn thật trên không đối đất, hoạt động phản công phòng thủ trên không và huấn luyện khẩn cấp khác.

Xem thêm tại: Reuters, US, South Korean warplanes kick off joint air drills. Truy cập ngày 31/10/2023

Quân đội Mỹ mua số lượng lớn hải sản Nhật Bản để chống lại lệnh cấm của Trung Quốc

Mỹ đã bắt đầu mua số lượng lớn hải sản Nhật Bản để cung cấp cho quân đội nước này nhằm đáp lại lệnh cấm của Trung Quốc đối với các sản phẩm như vậy được áp đặt sau khi Tokyo xả nước đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị tê liệt ra biển. Việc mua hàng – sẽ cung cấp thức ăn cho binh lính trong các khu lộn xộn và trên tàu cũng như được bán trong các cửa hàng và nhà hàng trong các căn cứ quân sự – sẽ tăng theo thời gian đối với tất cả các loại hải sản.

Xem thêm tại: Reuters, Exclusive: US military bulk buys Japanese seafood to counter China ban. Truy cập ngày 31/10/2023

Ấn Độ quyết định mua 26 máy bay phản lực Rafale của Pháp

Ấn Độ đã chính thức thông báo với Pháp quyết định mua 26 phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu Rafale cho Hải quân Ấn Độ. Vào tháng 7, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt việc mua các máy bay phản lực Rafale (hàng hải) từ Pháp, chủ yếu để triển khai trên tàu sân bay INS Vikrant do nội địa chế tạo. Không quân Ấn Độ đã mua 36 máy bay đang trong tình trạng bay. IAF có ý kiến ​​cho rằng họ nên mua thêm ít nhất hai phi đội máy bay phản lực Rafale nữa.

Xem thêm tại: The Hindu, India communicates to France decision to procure 26 Rafale Marine jets. Truy cập ngày 29/10/2023


Đông Nam Á:

Quân đội Trung Quốc tố tàu Philippines ‘đi vào trái phép’ vùng biển gần bãi cạn Scarborough

Quân đội Trung Quốc hôm thứ hai cho biết một tàu quân sự Philippines đã “đi vào trái phép” vùng biển gần bãi cạn Scarborough mà không được phép và kêu gọi Philippines ngừng ngay các hành động khiêu khích. Tuyên bố này đánh dấu cảnh báo hiếm hoi của quân đội Trung Quốc đối với Philippines về các động thái của nước này trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Quân đội chủ yếu đưa ra các cảnh báo chống lại các tàu chiến Mỹ trong khu vực. Trung Quốc và Philippines đã có nhiều cuộc đối đầu ở Biển Đông, gần đây có những cáo buộc lẫn nhau về vụ va chạm giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Philippines.

Xem thêm tại: Reuters, China military says Philippine ship ‘illegally entered’ waters near Scarborough Shoal. Truy cập ngày 31/10/2023

Nhật Bản, Philippines trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán về viện trợ an ninh

Người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Nhật Bản hôm thứ tư cho biết Nhật Bản đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Philippines về những thiết bị sẽ cung cấp cho Manila và thời điểm ký thỏa thuận theo chương trình hỗ trợ an ninh chính thức của Tokyo. Chương trình này nhằm mục đích giúp tăng cường khả năng răn đe của các nước đối tác của Tokyo.

Xem thêm tại: Reuters, Japan, Philippines in final stages of talks on security aid – Japan govt spokesperson. Truy cập ngày 2/11/2023

Quân đội Myanmar tìm cách lập lại trật tự khi liên minh nổi dậy tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ

Quân đội cầm quyền của Myanmar hôm thứ sáu cho biết họ đang tìm cách tái lập trật tự gần biên giới với Trung Quốc sau khi một liên minh quân đội dân tộc thiểu số tiến hành một loạt các cuộc tấn công phối hợp bất ngờ vào các mục tiêu của chính quyền. Tình trạng bất ổn xảy ra ở phía bắc bang Shan sau khi “liên minh ba quân”, một mặt trận thống nhất của quân đội dân tộc thiểu số ở bang Shan và Rakhine, cho biết họ đang tìm cách bảo vệ lãnh thổ và dân thường của mình khỏi các cuộc tấn công của chính quyền. Hai đồn quân sự đã bị chiếm giữ vào sáng sớm thứ Sáu, chính quyền và liên minh cho biết.

Xem thêm tại: Reuters, Myanmar army seeks to restore order as rebel alliance launches surprise attacks. Truy cập ngày 28/10/2023


Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Raytheon, Kongsberg tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa NASAMS

Bộ Quốc phòng Na Uy hôm thứ ba cho biết họ đã đồng ý hợp tác mới với đơn vị RTX có trụ sở tại Mỹ và Kongsberg Gruppen của Na Uy để phát triển hơn nữa hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS. Chính phủ Na Uy có kế hoạch đệ trình hai dự án phòng không để quốc hội phê duyệt vào mùa thu này trong bản sửa đổi ngân sách nhà nước năm 2023 sắp tới. Hai dự án sẽ mua tên lửa cho phòng không NASAMS và mua lại các bộ phận chính được tài trợ cho NASAMS.

Xem thêm tại: Reuters, Raytheon, Kongsberg to further develop NASAMS missile system, Norway says. Truy cập ngày 1/11/2023

Tên lửa bắn vào căn cứ không quân Ain al-Asad của Iraq có lực lượng Mỹ đồn trú – nguồn an ninh

Bốn tên lửa Katyusha hôm thứ hai đã bắn vào căn cứ không quân Ain al-Asad của Iraq, nơi có lực lượng Mỹ và các lực lượng quốc tế khác đồn trú ở miền Tây Iraq. Tên lửa được bắn từ một khu vực sa mạc cách căn cứ khoảng 25 km về phía bắc và lực lượng an ninh Iraq đã tiến hành truy tìm những kẻ tấn công. Các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ đã gia tăng kể từ khi xung đột ở Israel nổ ra và các nhóm vũ trang Iraq liên kết với Iran đe dọa sẽ tấn công các lợi ích của Mỹ bằng tên lửa và drone nếu Washington can thiệp để hỗ trợ Israel chống lại Hamas ở Gaza.

Xem thêm tại: Reuters, Rockets fired at Iraq’s Ain al-Asad air base housing U.S. forces – security sources. Truy cập ngày 31/10/2023

Jordan yêu cầu Mỹ triển khai tên lửa phòng không Patriot

Đồng minh trung thành của Mỹ, Jordan, đã yêu cầu Washington triển khai các hệ thống phòng không Patriot để tăng cường phòng thủ biên giới vào thời điểm căng thẳng và xung đột trong khu vực gia tăng. Tên lửa Patriot của Mỹ đã được triển khai tại vương quốc này vào năm 2013 sau cuộc nổi dậy ở nước láng giềng phía bắc Syria, nơi vương quốc này lo ngại một cuộc nội chiến có thể lan rộng và châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực. Các quan chức cho biết Jordan ngày càng lo lắng rằng việc Israel ném bom không ngừng vào Gaza kể từ cuộc tấn công chết người của Hamas vào Israel từ vùng đất này vào ngày 7 tháng 10 cũng có thể lan rộng thành một cuộc xung đột rộng hơn.

Xem thêm tại: Reuters, Jordan asked US to deploy Patriot air defence missiles, army says. Truy cập ngày 31/10/2023

RSF cho biết họ đã chiếm được thành phố thứ hai của Sudan

Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đang chiến đấu với quân đội Sudan để giành quyền kiểm soát đất nước cho biết họ đã chiếm giữ Nyala, thành phố lớn thứ hai của nước này, vào hôm thứ Năm. Việc chiếm được thủ đô của bang Nam Darfur ở phía tây đất nước có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng của Sudan. Trong khi RSF đã bao phủ hầu hết thủ đô Khartoum trên thực địa thì quân đội vẫn cố gắng bảo vệ các căn cứ then chốt của mình ở đó. Trong khi đó phần lớn chính phủ đã chuyển đến Port Sudan trên bờ Biển Đỏ. RSF cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã chiếm trụ sở chính của quân đội ở Nyala và tịch thu tất cả trang thiết bị của quân đội. Nyala, một trung tâm thương mại mà các nhà quan sát cho rằng có thể đóng vai trò là căn cứ cho RSF, từng là nơi xảy ra các cuộc giao tranh ác liệt, với các cuộc không kích và pháo binh giết chết hàng chục người, phá hủy nhà cửa dân sự, vô hiệu hóa các dịch vụ cơ bản.

Xem thêm tại: Reuters, Paramilitary RSF say they have seized Sudan’s second city. Truy cập ngày 27/10/2023


Chuyên mục Phân tích:

Chiến hào và công nghệ ở mặt trận phía nam Ukraine

Ukraine là quốc gia tiên phong về drone góc nhìn thứ nhất (FPV), một phương tiện được điều khiển giống như trò chơi điện tử bởi các phi công đeo kính bảo hộ có khả năng cơ động theo thời gian thực. Drone đã đóng vai trò hàng đầu trong việc làm suy giảm hỏa lực của Nga trong cuộc phản công phía nam của Ukraine ở khu vực Zaporizhia. Nhưng dù Ukraine ban đầu chiếm ưu thế hoàn toàn trong loại drone mới này, nhưng người Nga đang bắt kịp. Các drone FPV đầu tiên của Nga đã xuất hiện vào tháng 7 và hiện đang gây rối các đơn vị Ukraine dọc chiến tuyến. Ukraine cũng bị cản trở bởi drone của nước này phần lớn vẫn được các tình nguyện viên lắp ráp và trả tiền. Các cơ cấu chỉ huy cũng vô chính phủ tương tự với những người điều khiển drone tự do, drone của lữ đoàn, các cơ quan mật vụ và những người khác hoạt động trong cùng khu vực. Nhưng các drone chiến trường FPV cỡ nhỏ đã thách thức nhiều quy tắc chiến tranh được chấp nhận và các học thuyết đang gặp khó khăn trong việc thích ứng.

Người Nga đang học hỏi từ những sai lầm của họ và từ những sai lầm của Ukraine. Đầu mùa hè, một số đơn vị Nga đã bắt đầu trang bị thiết bị gây nhiễu cho các khí tài có giá trị cao hơn như xe tăng và pháo, giúp tạo ra trường năng lượng cao xung quanh một vật thể để tín hiệu từ xung quanh nó ngừng hoạt động. Nhưng tấn công các thiết bị như vậy mà không có phản hồi video là một nhiệm vụ khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Nhìn chung, các đơn vị Ukraine vẫn chưa có công nghệ tương tự. Phi công cũng hoạt động mà không có bất kỳ sự bảo vệ điện tử nào. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 6, quân Ukraine chỉ di chuyển được 12km so với vị trí ban đầu. Họ vẫn còn cách mục tiêu trước mắt nhất là Tokmak, một trung tâm đường sắt chiến lược trên đường tới Biển Azov, 17 km. Các bãi mìn và mạng lưới chiến hào đa cấp có nghĩa là sẽ cần một phép màu để họ đến được Tokmak trước mùa đông.

Xem thêm tại: Economist, Trenches and tech on Ukraine’s southern front. Truy cập ngày 30/10/2023

Liệu cuộc xâm lược trên bộ của Israel vào Gaza sẽ đạt được mục tiêu?

Mục tiêu của Chiến dịch Swords of Iron có vẻ tham vọng hơn nhiều so với bất kỳ mục tiêu nào mà quân đội Israel đã lên kế hoạch ở Gaza trước đây. Nhưng đó có phải là một sứ mệnh quân sự thực tế và làm thế nào những người chỉ huy có thể hoàn thành nó? Một cuộc xâm lược trên bộ vào Dải Gaza liên quan đến giao tranh đô thị mang đến những rủi ro to lớn cho dân thường. Các cuộc không kích đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và hơn 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Ngoài ra, chiến dịch quân sự phụ thuộc vào một số yếu tố có thể làm nó chệch hướng. Cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Izzedine al-Qassam, sẽ chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Israel bằng cách cài các thiết bị nổ và tổ chức kế hoạch phục kích. Hamas có thể sử dụng mạng lưới đường hầm khét tiếng và rộng khắp của mình để tấn công lực lượng Israel. Người Israel đã được cảnh báo rằng cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng và con số kỷ lục là 360.000 quân dự bị đã được kêu gọi.

Câu hỏi đặt ra lúc này là Israel có thể tiếp tục chiến dịch của mình trong bao lâu mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực quốc tế. Nhiều con tin là người Israel, nhưng trong số đó cũng có một số lượng lớn công dân nước ngoài và người mang hai quốc tịch. Hiện chưa rõ số phận của các con tin sẽ ảnh hưởng đến các nhà hoạch định quân sự đến mức nào và cũng có áp lực trong nước đối với các nhà lãnh đạo Israel. Việc giải cứu rất nhiều người bị giam giữ ở các khu vực khác nhau của Gaza có thể vượt quá khả năng của lực lượng biệt kích của đơn vị tinh nhuệ Sayeret Matkal của Israel. Hamas đã đe dọa bắn con tin để ngăn chặn cuộc tấn công của Israel. Điều cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian và kết quả của một cuộc tấn công trên bộ là cách các nước láng giềng của Israel phản ứng. Israel cũng có thể phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng từ Ai Cập, quốc gia có chung đường biên giới với Gaza và đang thúc đẩy viện trợ được phép đi qua cửa khẩu biên giới Rafah. Nhưng điều đó sẽ không kéo dài, vì điều này cho phép hàng loạt người Gaza vượt biên sang Ai Cập hoặc nhân danh họ hành động quân sự chống lại Israel. Biên giới phía bắc của Israel với Lebanon cũng đang được giám sát chặt chẽ. Cho đến nay đã có một số cuộc tấn công xuyên biên giới liên quan đến nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah, nhưng chúng chưa trở thành một mặt trận mới chống lại Israel.

Xem thêm tại: BBC, Could an Israeli ground invasion of Gaza meet its aims? Truy cập ngày 1/11/2023

Mỹ, Iran và nguy cơ chiến tranh rộng hơn ở Trung Đông

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang ngày càng tập trung vào nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh chung ở Trung Đông có thể kéo theo Iran, Mỹ và thậm chí cả Ả Rập Saudi. Cuối tuần qua, Iran đã đưa ra lời đe dọa rõ ràng rằng hành động của Israel ở Gaza đã vượt qua lằn ranh đỏ và điều này có thể buộc tất cả phải hành động. Vậy làm thế nào sự leo thang có thể diễn ra? Một dấu hiệu đã xuất hiện vào tuần trước, khi Mỹ ném bom Iran nhằm đáp trả các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria do các lực lượng ủy nhiệm của Iran thực hiện. Nếu các cuộc tấn công đó tiếp tục và quân đội Mỹ thiệt mạng, phản ứng tiếp theo của Mỹ sẽ còn khốc liệt hơn. Mặt khác, nếu Hezbollah đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Israel, thì lực lượng này có đủ tên lửa dẫn đường chính xác trong kho vũ khí của mình để về cơ bản buộc hầu hết dân thường Israel vào hầm tránh bom. Các lực lượng ủy nhiệm quanh khu vực cũng có thể sẽ đáp trả một cuộc chiến liên quan đến Hezbollah bằng cách tăng cường tấn công vào các mục tiêu của Israel và Mỹ. Hậu quả kéo theo là nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khó khăn và cũng đe dọa trực tiếp đến Ả Rập Saudi. Hải quân Mỹ sẽ cố gắng mở lại eo biển. Nhưng điều đó có thể khiến Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ đánh trả. Mỹ có quân đội và cơ sở trên khắp khu vực có thể trở thành mục tiêu – bao gồm ở Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Syria và Iraq. Một lực lượng được Iran hậu thuẫn mà người Mỹ đang đặc biệt quan tâm là lực lượng Houthi ở Yemen – lực lượng đã trở thành mục tiêu trong cuộc chiến tàn khốc với Ả Rập Saudi. Lực lượng Houthi đã bắn tên lửa về phía Israel vào tuần trước. Họ cũng đã tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi trong quá khứ. Một số tên lửa chính xác có thể phá hủy các nhà máy khử muối cung cấp nước cho thủ đô Riyadh của Saudi. Một cuộc xung đột diễn ra theo cách này sẽ là một thảm họa đối với mỗi bên tham gia – và tất cả họ đều biết điều đó.

Xem thêm tại: Financial Times, America, Iran and the threat of a wider war in the Middle East. Truy cập ngày 30/10/2023

Hezbollah tham chiến tại Gaza sẽ khiến Mỹ phải hy sinh Đài Loan?

Châu Á đang ngày càng lo ngại rằng các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Israel đang làm cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược của Mỹ, khiến nước này rơi vào thế yếu hơn trong việc bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù có một số điểm trùng lặp nhưng các loại vũ khí cần thiết để chống lại cuộc chiến trên bộ ở Ukraine hoặc chống lại tên lửa tầm ngắn từ Gaza lại khác với những gì cần thiết trong một cuộc xung đột trên biển ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, lực lượng dân quân Hezbollah có trụ sở tại Lebanon được Iran hậu thuẫn có thể là người thay đổi cuộc chơi. Nếu Hezbollah tham chiến và tiến hành một cuộc tấn công tên lửa từ phía bắc Israel, điều đó sẽ tạo ra sự đánh đổi trực tiếp với các loại vũ khí cần thiết trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ với Đài Loan.

Để so sánh, trong khi 6.000 đến 8.000 viên đạn có thể được sử dụng mỗi ngày ở Ukraine thì Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ sử dụng khoảng 5.000 viên mỗi tuần. Nếu cuộc chiến mở rộng sang cả Hezbollah, họ có thể bắn với tốc độ mà Israel ước tính là 6.000 đến 8.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Hezbollah được cho là có tên lửa dẫn đường chính xác tiên tiến và tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran cung cấp. Những tên lửa cao cấp hơn này sẽ gây ra mối đe dọa đáng sợ hơn đối với hệ thống phòng không Iron Dome của Israel so với các tên lửa thô sơ hơn của Hamas. Điều đó có thể sẽ thúc đẩy Israel yêu cầu Mỹ cung cấp các hệ thống phòng không như Patriot, vốn đang thiếu nguồn cung và sẽ trực tiếp làm mất đi sự chuẩn bị của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một lĩnh vực khác là tên lửa tầm xa, nếu xung đột của Israel với Hezbollah ngày càng gia tăng hoặc nếu Iran tham gia trực tiếp hơn, Israel có thể thấy cần phải tiến hành một số cuộc tấn công tầm xa hơn. Tên lửa hành trình tầm xa, phức tạp chỉ có sẵn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và khi kho dự trữ này cạn kiệt, máy bay phải sử dụng đạn có tầm ngắn hơn khiến chúng chịu nhiều rủi ro hơn.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Hezbollah entry into war would mean Taiwan trade-off, U.S. analysts say. Truy cập ngày 1/11/2023

Mỹ, Úc, Nhật Bản sẽ tham gia ‘cuộc chiến’ giữa Philippines-Trung Quốc?

Ba quốc gia, trong đó có Úc, Nhật Bản và Mỹ, có thể sẽ tham gia vào “cuộc chiến” của Philippines với Trung Quốc về các cuộc giao tranh và đối đầu ở Biển Đông. Manila cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã cố tình va chạm với các tàu của họ trong một nhiệm vụ tiếp tế cho một đội quân nhỏ đóng trên một con tàu rỉ sét. Vụ việc gần đây với Trung Quốc “có thể khiến nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chiến của chúng tôi hơn”. Nhóm đầu tiên bao gồm Úc, Nhật Bản và Mỹ, những quốc gia “cam kết nhất” với động thái này vì họ là những nước trực tiếp nhận “các động thái kinh tế và quân sự quyết đoán” của Trung Quốc. Cấp độ thứ hai liên quan đến Liên minh châu Âu và Anh, những quốc gia đã công nhận Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính hệ thống xét về mặt giá trị tự do” và mặc dù họ sẽ làm những gì có thể nhưng họ có thể không thể tăng cường hỏa lực do khoảng cách với khu vực. Cấp thứ ba bao gồm Hàn Quốc và New Zealand. Mặc dù Seoul và Wellington khó có thể tham gia vào các nỗ lực răn đe hiện tại, nhưng họ có thể làm như vậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, “cuộc chiến” mà Manila nhắc tới chủ yếu sẽ là về ngoại giao. Philippines đang tập hợp một liên minh đối tác ngày càng nhiều nhưng ai sẵn sàng hỗ trợ vật chất trong một cuộc xung đột vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Manila đã và đang thực hiện “một công việc xuất sắc” trong việc ghi lại hành vi của Trung Quốc trên tuyến đường thủy đang tranh chấp, sử dụng các hình ảnh và video hấp dẫn về những gì đang diễn ra trên biển như “một phần của chiến dịch ngoại giao công chúng” nhằm tăng cường sự ủng hộ cho quan điểm của mình. Chiến dịch của Manila “đang mang lại kết quả khi ngày càng có nhiều quốc gia cam kết hỗ trợ”, Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines trong tuần này và chỉ ra các hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích.

Xem thêm tại: SCMP, South China Sea: US, Australia, Japan would join Philippines-China ‘fight’, says analyst. Truy cập ngày 29/10/2023

Ấn Độ đang cố gắng vươn lên với nỗ lực chế tạo vũ khí như thế nào?

Trung Quốc và Mỹ nằm trong số nhiều quốc gia bơm rất nhiều tiền vào vũ khí. Nhưng không nước nào tăng cường chi tiêu quốc phòng lớn như Ấn Độ. Chi tiêu quân sự của Ấn Độ hiện cao thứ tư trên thế giới. Ngân sách quốc phòng cho năm tài chính hiện tại là 19,3 tỷ USD, tăng 8% so với năm ngoái. Trước đây, có tới 80% chi tiêu của Ấn Độ cho vũ khí sẽ được dùng để mua vũ khí Nga. Tuy nhiên, thủ tướng Modi đã thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuyển hướng việc mua sắm từ Nga sang sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc sản xuất vũ khí hiện đại cần nhiều vốn và ít nhân công. Trong quá khứ, New Delhi có thể lập luận rằng chi tiêu quốc phòng đã giúp tạo ra việc làm có chất lượng cho lực lượng thanh niên thiếu việc làm khổng lồ của Ấn Độ. Việc cung cấp những cơ hội như vậy, có thể mang lại con đường quan trọng để thăng tiến cho các gia đình ở những vùng khó khăn của đất nước, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Nhưng việc hiện đại hóa quân đội Ấn Độ đồng nghĩa rằng nguồn nhân lực thô sẽ dần bị thay thế bởi công nghệ và trang thiết bị tốt hơn. Vì nhiều công nghệ có cả ứng dụng dân sự và quân sự, chính phủ có thể lập luận ở một mức độ nào đó rằng chi tiêu cho sản xuất vũ khí trong nước có thể góp phần tạo ra một lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng, sôi động hơn cũng như cải thiện cán cân tài khoản vãng lai của đất nước. Nhưng việc mua và chế tạo vũ khí có thể là một công việc khó khăn. Như lịch sử nhập khẩu quốc phòng của Ấn Độ cho thấy, hoạt động kinh doanh vũ khí dễ xảy ra tham nhũng. Việc sản xuất nhiều hơn sẽ được thực hiện ở Ấn Độ thay vì ở châu Âu không có nghĩa là không có lý do để lo ngại. Dù sao đi nữa, chính phủ Modi có lý do chính đáng để nâng cấp vũ khí của mình. Nước này sống trong một khu vực đầy thách thức, với căng thẳng gia tăng dọc biên giới với Trung Quốc trong khi chính phủ Pakistan ngày càng trở nên rối loạn. Trong mọi cuộc chiến mà Ấn Độ tham gia kể từ khi giành độc lập vào năm 1947, vũ khí của nước này đều đến từ Nga. Moscow đã chia sẻ công nghệ của mình với đồng minh Nam Á theo cách mà không nhà cung cấp nào khác có thể làm được. Nhưng cuộc chiến Ukraine đã cho thấy chất lượng công nghệ vũ khí của Nga kém xa so với vũ khí phương Tây hiện nay. Các nhà cung cấp hiện đang hy vọng tận dụng sự phát triển này bao gồm Pháp và Mỹ. Trong khi Ấn Độ đã bắt đầu tìm kiếm khách hàng nước ngoài cho các loại vũ khí như tên lửa hành trình siêu âm BrahMos được phát triển với sự trợ giúp của Nga, một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu các nhà sản xuất vũ khí trong nước có đủ công nghệ để tự mình đi ra ngoài. Vẫn còn những ngày đầu cho việc thúc đẩy sản xuất quốc phòng của Ấn Độ. Hiện tại, xuất khẩu tăng cao đôi khi khiến New Delhi vướng vào tranh cãi vì nước này sẵn sàng bán vũ khí cho một số chế độ, như của Myanmar, mà các nhà cung cấp khác tránh xa vì lý do nhân quyền.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, India is shooting for the moon with its arms-making push. Truy cập ngày 27/10/2023

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế


Tags: , , , , , ,

Comments are closed.