Chuyện Việt Nam Thứ tư 20 tháng 3 năm 2024: Võ Văn Thưởng từ chức *TQ và đườngbổ sung Vịnh Bắc Bộ *Nhà hoạt động Khmer Krom *Luận tội bà Trương Mỹ Lan


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam: Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức

Thanh Phương /RFI – 20/3/2024

Theo báo chí trong nước, hôm nay, 20/03/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã “đồng ý để chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ” trong Đảng. 

Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. Ảnh chụp ngày 21/03/2023 tại Hà Nội.

Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. Ảnh chụp ngày 21/03/2023 tại Hà Nội. AP – Hau Dinh 

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng giải thích: “Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Bí Thư, ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.” 

Thông cáo nhấn mạnh: “Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”. Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ đó là những vi phạm gì.

Cũng theo Văn phòng Trung ương Đảng, “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.

Trong những ngày qua, đã có nhiều tin đồn về việc chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ buộc phải từ chức. Quyết định của Trung ương Đảng sẽ được Quốc Hội chính thức hóa trong một phiên họp bất thường bàn “về các vấn đề nhân sự” vào ngày mai, 21/03.

Chủ tịch nước là một chức vụ phần lớn mang tính chất nghi thức, nhưng bất cứ ai nắm giữ chức vụ này đều có lợi thế trong cuộc chạy đua để kế nhiệm ông Trọng, dù là với tư cách quyền tổng bí thư hay chính thức được bầu sau Đại hội Đảng Cộng sản kỳ tới vào năm 2026. 

Thông tin Quốc hội Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường được đưa ra sau khi Hoàng gia Hà Lan thông báo Việt Nam đã yêu cầu hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu vốn được dự kiến diễn ra trong tuần này (19-22/03)  theo lời mời của ông Võ Văn Thưởng. Hà Nội yêu cầu hoãn do “những vấn đề nội bộ”, nhưng cũng không đề nghị một ngày khác cho chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240320-vi%E1%BB%87t-nam-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-v%C3%B5-v%C4%83n-th%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c


Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước chỉ sau hơn một năm được đưa lên vị trí này

RFA – 20/3/2024

Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước chỉ sau hơn một năm được đưa lên vị trí này

Ông Võ Văn Thưởng trong vai trò Chủ tịch nước Việt Nam tại một họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Tokyo hôm 27/11/2023 

AFP 

Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước Việt Nam chỉ sau hơn một năm được đưa lên vị trí này.

Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam Khóa XIII ngày 20/3 ra thông báo đồng ý việc để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng- An ninh.

Lý do được nêu rõ “vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) và các cơ quan chức năng, đồng chí Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và chịu trách nhei65m người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí.”

AP loan tin đưa ra nhận định việc ông Võ Văn Thưởng từ chức xảy ra vào khi chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ đang đụng đến hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam.

Tại cuộc họp diễn ra ngày 20/3 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản VN cũng ra quyết định khai trừ ra khỏi đảng bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.

Bà này bị khởi tố và bị bắt vào ngày 8/3 vừa qua theo cáo buộc “nhận hối lộ” trong vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại & Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.

Trong diễn biến liên quan, vào sáng ngày mai 21/3, Quốc hội Việt Nam Khóa XV sẽ họp kỳ bất thường thứ 6 để quyết định công tác nhân sự. Thông báo do Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đưa ra sau khi ông Võ Văn Thưởng được Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản chấp thuận cho từ chức như vừa nêu.


Liu điu lại nở ra dòng liu điu

Võ Xuân Sơn 19/3/2024

Lâu lắm rồi không xem TV. Hôm nay, qua phòng ăn hơi trễ, cô giúp việc đang mở TV, đoạn nói về vụ luận tội và đề nghị mức án đối với bà Trương Mỹ Lan. Thấy TV nói, bà Lan đã sử dụng các biện pháp tinh vi để lũng đoạn ngân hàng SCB, tham ô tài sản, chiếm đoạt tài sản…

Tôi nghĩ, bà Trương Mỹ Lan phạm tội rõ ràng thật, chiếm đoạt số tiền lớn thật, hậu quả của những việc làm của bà Lan là rất lớn, rất nặng nề. Nhưng nói bà Lan phạm tội một cách tinh vi thì tôi không đồng ý. Bà Trương Mỹ Lan phạm tội một cách liều lĩnh, bất chấp tất cả, chứ có tinh vi gì đâu. Bà ấy vi phạm hàng loạt các qui định, các điều luật, chứ có tinh vi, trí tuệ gì đâu.

Sở dĩ bà Trương Mỹ Lan phạm tội lâu dài, chiếm đoạt số tiền lớn khủng khiếp, lôi kéo bao nhiêu người, trong đó có cả cháu gái mình vô vòng lao lý, là do cái hệ thống này nó thối nát quá. Người ta bảo có những cán bộ lãnh đạo cao cấp chống lưng cho bà Lan suốt một thời gian dài. Tôi không biết chuyện đó có thật hay không, nhưng rõ ràng là cái bộ máy quản lý bà Lan quá thối nát, đã để cho bà Lan dùng đồng tiền cướp đoạt được mua nó, lũng đoạn nó, để tiếp tục vi phạm trắng trợn các điều luật, các quy định, đạp lên trên pháp luật.

Nói cho đúng hơn, là cả một bộ máy kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, cả một thể chế với nhiều bộ máy được lập ra để kiểm tra chéo lẫn nhau, để bảo vệ luật pháp, đã cùng với bà Lan đạp lên trên pháp luật, cùng với bà Lan chiếm đoạt tiền của. Thần giữ của đã câu kết với bọn cướp, trở thành kẻ cướp, họ dùng quyền lực của thần giữ của, để cùng với kẻ cướp, cướp của mà họ được giao cho làm thần giữ của. Tệ hơn nữa, 100% thần giữ của đã mang theo quyền lực của mình để trở thành tay sai và phụng sự cho kẻ cướp Trương Mỹ Lan.

Thực ra, bà Lan chỉ là một kẻ dám liều lĩnh tận dụng sự thối nát của bộ máy này. Ngoài bà Lan, vẫn còn những nhân vật khác, có học nhiều hơn bà ấy, không liều lĩnh bằng bà ấy, hoặc chưa có kẻ chống lưng mạnh như bà ấy, phạm tội theo kiểu giống như bà ấy. Ngày hôm nay, mạng xã hội lại xôn xao với 10.030 tỉ đồng trái phiếu do Tân Hoàng Minh, phát hành trên cơ sở các dự án ảo. Rõ ràng, mức độ phạm tội chỉ phụ thuộc vào mức độ liều lĩnh, chứ làm gì có chút trí tuệ, tinh vi nào đâu.

Để không còn những Trương Mỹ Lan, những Trịnh Văn Quyết, những Đỗ Anh Dũng… thì thể chế này phải được làm lại, phải loại bỏ những kẻ như Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… và đồng phạm của chúng, những kẻ đưa chúng lên những vị trí để phạm những tội ác tày trời, ra khỏi bộ máy quyền lực.

Ồ. Xin lỗi, tôi hơi quá mất rồi. Nếu làm vậy thì lấy ai điều hành nhỉ? Ờ, mà nếu không làm vậy, thì sẽ ra sao nhỉ? Các cụ nói “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.


Về vụ Trung Quốc công bố đường cơ sở bổ sung ở Vịnh Bắc Bộ

Trương Nhân Tuấn

20/3/2024

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/2-6.jpeg

Phần đường cơ sở Trung Quốc vừa bổ sung (màu đỏ). Ghi Chú của nhà nghiên cứu Phan Văn Song 

Vụ Trung Quốc công bố hệ thống đường căn bản bổ túc trong Vịnh Bắc Việt gây “giật gân” trong giới nghiên cứu và báo chí hải ngoại, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng “chữa lửa”. Nhứt là BBC, trang này đăng ý kiến nhiều chuyên gia, có ý kiến đọc qua “té ghế”. Vụ này tôi nói rồi, hôm kia.

Việt Nam bị “nguy hiểm” về điều gì? Không thấy BBC nói tới.

Trên nguyên tắc, mục đích của “đường cơ bản” là xác định hệ thống các điểm chuẩn từ đó đo bề rộng lãnh hải của quốc gia.

Trung Quốc không hề “vẽ lại đường cơ sở” như chuyên gia nói trên BBC mà chỉ “bổ túc” thêm ở các khu vực chưa vẽ đường cơ sở (hay đường căn bản). Trường hợp này là từ giới điểm số 9 cho đến điểm cuối cùng (hệ thống đường căn bản) trên đảo Hải nam.

Câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc có thể vịn vào hệ thống đường căn bản mới để yêu cầu Việt Nam phân định lại ranh giới trong Vịnh Bắc Việt hay không? Theo tôi là không.

Bởi vì phía Việt Nam cũng có thể công bố hệ thống đường căn bản của mình, mà điều này khiến phía Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nếu phải phân định lại.

Xét hình dưới đây. Đường màu đỏ là đường căn bản phía Trung Quốc (mới công bố). Đường vàng là đường căn bản của Việt Nam giả định sẽ công bố. Đường xanh là đường “trung tuyến có điều chỉnh”.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-59-276x300.jpg

Nếu Việt Nam và Trung Quốc phân định lại ranh giới, theo nguyên tắc “đường trung tuyến có điều chỉnh” (tôi nhớ không lầm tỉ lệ 1:1,15). Từ đường màu xanh, ta thấy ngay giới điểm số 10 sẽ phải dời sâu về phía Trung Quốc.

Tất cả các giới điểm, từ số 11 cho tới số 21 đều phải dời qua phía Trung Quốc. Đặc biệt giới điểm số 17.

Tức là, giả định Việt Nam công bố hệ thống đường căn bản như trong hình, Việt Nam sẽ lấy lại 11 ngàn cây số vuông biển đã mất cho Trung Quốc qua cuộc phân định ngày 25-12-2000.

Từ 20 năm trước, khi hai bên Việt Nam và Trung Quốc công bố nội dung Hiệp định Phân định vịnh Bắc Việt 2020, tôi đã viết bài chỉ ra những thiệt hại phía Việt Nam. Trong đó có vấn đề Việt Nam không vẽ hệ thống đường căn bản trong Vịnh Bắc Việt, từ đảo Cồn Cỏ tới cửa sống Bắc Luân.

Hệ thống đường căn bản giả định do tôi vẽ hoàn toàn phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Điều mà người ta lo ngại về việc Trung Quốc công bố hệ thống đường căn bản bổ túc (mà BBC News Tiếng Việt không thấy nói) là do hệ quả của nó có thể gây tiền lệ ở eo biển Đài Loan.

Eo biển Đài Loan, cũng như eo biển Quỳnh Châu (giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam), sẽ trở thành nội thủy của Trung Quốc.


VNCS: Ngân hàng Nhà nước hút ròng 75.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần

Phương Nguyên/VNTB

20/3/2024

VNTB – Ngân hàng Nhà nước hút ròng 75.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần

 (VNTB) – Trong 4 phiên giao dịch trước đó, nhà điều hành đã hút gần 60.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu với cùng kỳ hạn 28 ngày và lãi suất 1,4%/năm.

Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút về tổng cộng gần 75.000 tỷ đồng thanh khoản khỏi hệ thống, trong khi không có động thái bơm thêm tiền ra thị trường như những lần trước.

Giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hút tiền trong bối cảnh thanh khoản dư thừa khi tín dụng quay đầu giảm trong những tháng đầu năm (tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 2-2024 giảm 0,72%). Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm mạnh so với mức đỉnh từng đạt được trong ngày 21-2 (4,14%), và đang có xu hướng tiến về mặt bằng thấp được duy trì trong giai đoạn dư thừa thanh khoản vào cuối năm 2023.

Mặt khác, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền (ngày 11-3), tỷ giá đã có xu hướng giảm so với mức đỉnh. Tỷ giá trên thị trường chợ đen đã có xu hướng hạ nhiệt trong 3 ngày đầu nhà điều hành hút 45.000 tỷ đồng qua tín phiếu. Tuy nhiên, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục tăng trong ngày cuối tuần.

Trên thị trường một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo đó, ngày 15-3, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 4,7%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm. Tại các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng đã giảm 0,1%, từ 4,8%/năm xuống 4,7%năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%/năm.

Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng tại ngân hàng này đang thấp nhất trong nhóm Big 4; lãi suất kỳ hạn 6-18 tháng ngang bằng với Vietcombank và cũng thấp nhất hệ thống. Kể từ đầu tháng Ba đã có 14 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động gồm: Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Các chủ thể tham gia mua bán tín phiếu có Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại Ngân hàng Nhà nước.

Mục tiêu ngắn hạn khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ. BSC cho rằng, thông qua việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa mà tổ chức tín dụng chưa dùng đến.

Trong một diễn biến liên quan, sau tuần giảm điểm trước đó, thị trường chứng khoán hồi phục tương đối tích cực cả về điểm số lần thanh khoản trong tuần từ 11 đến 15-3. Dòng tiền tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm bán lẻ, dầu khí, vận tải biển và bất động sản – xây dựng. Đóng cửa tuần, VN-Index tăng 16,4 điểm (+1,32%) lên 1.263,8 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 25.200 tỷ đồng/phiên; HNX-Index tăng 3,2 điểm (+1,36%) lên mức 239,5.

Sau khi bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ MA20 (1.230-1.234 điểm), chỉ số đại diện thị trường hiện đang giao dịch sát vùng kháng cự 17 tháng (ngưỡng 1.270-1.280 điểm). Cùng với diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại cũng trở thành lực cản khi bán ròng tới 2.850 tỷ đồng trong tuần qua (bao gồm 2.606 tỷ đồng trên HoSE, 88 tỷ trên HNX và 152 tỷ đồng trên sàn UPCoM). Chỉ tính riêng phiên cuối tuần, nhóm này đã rút hơn 1.300 tỷ ra khỏi thị trường.

Được biết, tuần qua là thời điểm cơ cấu của ba quỹ ETF ngoại lớn nhất trên thị trường Việt Nam gồm VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF. Đây là nguyên nhân dẫn đến lực bán ròng tăng đột biến. Dù vậy, hoạt động này không khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh như tuần trước đó. Theo thống kê, cổ phiếu VNM, VHM và MWG là 3 mã bị bán mạnh nhất với lần lượt 532 tỷ đồng, 375 tỷ và 291 tỷ đồng. Các mã VPB, VCB, HPG, SBT và MSN bị bán ròng từ 188 – 268 tỷ đồng.

Có thể thấy, nhóm cổ phiếu bán lẻ là tâm điểm rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần thị trường chứng khoán hồi phục. Bản thân nhóm này cũng là công thần giúp chỉ số đi lên. Những mã như FRT, PET, MSN, MWG đã tăng cả chục % trong “trận đánh” ngắn hạn của các dòng tiền cá mập.

Dường như tin tức về hậu trường “đấu đá” nhau ở các quan chức lãnh đạo đã không mấy ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống kinh tế – tài chính hiện tại.


Hai nhà đầu tư sừng sỏ đặt cược vào Việt Nam liên quan đến ‘Trung Quốc + 1’ 

20/3/2024 – VOA Tiếng Việt 

Việt Nam đang nổi lên là nơi để các hãng nước ngoài đa dạng hóa chuỗi cung, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam đang nổi lên là nơi để các hãng nước ngoài đa dạng hóa chuỗi cung, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. 

Hai nhà sáng lập của Muddy Waters Research ở Mỹ và Gaw Capital Partners ở Hong Kong nói trong những cuộc phỏng vấn riêng rẽ mới đây rằng Việt Nam là một trong ba nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ra ngoài Trung Quốc.

Nói với kênh Bloomberg và được đăng lại trên trang Wiscnews hôm 19/3, ông Carson Block, Nhà sáng lập và Giám đốc Đầu tư của hãng nghiên cứu đầu tư Muddy Water Research, cho hay ngay khi đại dịch COVID-19 lên cao điểm cách đây 4 năm, hãng của ông đã nhìn thấy sẽ có những thay đổi lớn trên thế giới với những hệ quả rất tốt cho Việt Nam.

“Vào tháng 4/2020, dịch COVID làm hầu hết nước Mỹ đóng cửa, làm phần lớn thế giới đóng cửa. Nó làm chúng tôi suy ngẫm rằng khi hết dịch, sẽ có sự điều chỉnh lớn nhất về địa-chính trị kể từ Đệ nhị Thế chiến, và hoàn toàn là về mối quan hệ của thế giới với Trung Quốc”, ông Block nói.

“Chúng tôi thấy đất nước sẽ hưởng lợi to lớn nhất từ sự điều chỉnh này, ít nhất là xét theo quy mô thị trường và nền kinh tế, hẳn phải là Việt Nam. Việt Nam sẽ là bến đỗ cho tiền, cho đầu tư trực tiếp của nước ngoài mà đáng lẽ chảy vào Trung Quốc nhưng nay tìm đến những mái nhà khác vì người ta có nhu cầu phải đa dạng hóa chuỗi cung, vì những rủi ro chính trị gắn với Trung Quốc”, ông Block nói tiếp.

Dưới góc nhìn của ông, với khuôn khổ địa-chính trị mới, những nước có vị trí tốt nhất là quốc gia nào có ít liên kết nhất, là những nước có quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc.

“Như vậy, điều đó sẽ bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, cả Indonesia nữa. Đối với chúng tôi, đó là những điểm tối ưu và đó là lý do chúng tôi thấy phấn khích về Việt Nam, ít nhất là trong tương lai gần”, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của Muddy Water Research nói trên Bloomberg.

Một ngày trước, báo South China Morning Post đăng bài trích dẫn ông Goodwin Gaw, Nhà sáng lập và Lãnh đạo hàng đầu của Gaw Capital Partners ở Hong Kong, cho biết hãng này tập trung vào lĩnh vực hậu cần, kho vận (logistics) ở Việt Nam và Mexico, cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) giữa lúc có những thách thức đối với sự phục hồi kinh tế ở Trung Hoa đại lục.

Gaw Capital Partners là một trong những hãng quản lý quỹ tư nhân về bất động sản lớn nhất ở Hong Kong.

Ông Gaw cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ vẫn là một vấn đề trong 10, 15 năm nữa và ông “muốn đầu tư vào những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược Trung Quốc + 1”, theo bài báo đăng hôm 18/3 trên trang web của South China Morning Post.

Trung Quốc + 1 là chiến lược của các hãng chế tạo nhằm đa dạng hóa bằng cách giảm lệ thuộc vào cơ sở sản xuất ở Trung Hoa đại lục. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, cũng là nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu với các chuỗi cung rộng khắp nhất.

Việt Nam, Ấn Độ và Mexico được coi là những quốc gia có khả năng cao sẽ thu hút nhiều hoạt động kinh doanh nhất từ Trung Quốc, bài báo của South China Morning Post viết.

“Việt Nam và Mexico là hai nước dễ dàng hơn vì họ chào đón [các công ty Trung Quốc] đến thiết lập cơ sở sản xuất. Nhưng Ấn Độ không thích đầu tư trong nước từ Trung Quốc”, ông Gaw nói.

“Những nước hưởng lợi lớn nhất sẽ là những nước cho phép các nhà máy Trung Quốc mở cửa và thuê lao động địa phương để sản xuất cùng loại hàng hóa cho khách hàng nước ngoài”, nhà sáng lập kiêm lãnh đạo hàng đầu của Gaw Capital Partners nói với South China Morning Post.


Hai nhà hoạt động Khmer Krom bị xử tù vì bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

RFA
20/3/024

Hai nhà hoạt động Khmer Krom bị xử tù vì bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương trước phiên tòa xét xử vào ngày 20/3/2024 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Trà Vinh 

Tòa án huyện Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh tuyên án 7,5 năm tù giam đối với hai nhà hoạt động vì quyền của người bản địa Khmer Krom, chuyên gia nhân quyền gọi bản án này là “sự nhạo báng công lý trắng trợn.”

Truyền thông địa phương đưa tin cho biết, phiên toà sơ thẩm kết thúc đầu giờ chiều 20/03 với kết quả: ông Tô Hoàng Chương, 38 tuổi, bị kết án bốn năm tù giam còn ông Thạch Cương, 37 tuổi, bị kết án ba năm sáu tháng tù giam về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Không rõ hai ông có luật sư bào chữa trong phiên tòa hay không, cả hai cùng thường trú ở ấp Lạc Sơn, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, và cùng bị bắt ngày 31/7/2023.

Bình luận về phiên toà, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS), nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn:

Việc kết án các nhà hoạt động Tô Hoàng Chương và Thạch Cường ngày nay về tội ‘lạm dụng các quyền tự do dân chủ’ là một sự nhạo báng công lý trắng trợn. 

Cả hai đều là mục tiêu vì ủng hộ quyền lợi của cộng đồng Khmer Krom và lẽ ra không bao giờ bị đưa ra tòa.”

Ông cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nêu lên trường hợp của họ và những người bảo vệ nhân quyền khác đang bị bỏ tù ở Việt Nam chỉ vì các hoạt động ôn hòa. 

Báo Trà Vinh dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh cho rằng, từ ngày 18/9/2021 đến ngày 25/6/2023, ông Thạch Cương đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo và sử dụng tài khoản cá nhân facebook tên là “Cuong Thach” thực hiện 11 lần đăng phát trực tiếp video clip của bản thân, 03 lần đăng tải hình ảnh, chia sẻ đoạn video clip của kênh nước ngoài.

Còn ông Tô Hoàng Chương bị cho là đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, sử dụng tài khoản facebook tên “TO Hoang Chuong” thực hiện 08 lần đăng, chia sẻ bài viết, hình ảnh, video của cá nhân, trang mạng nước ngoài và video clip của Thạch Cương phát biểu trong thời gian từ ngày 04/6/2021 đến ngày 26/6/2023. 

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh kết luận những bài viết, hình ảnh, video clip mà hai ông đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp có nội dung bị cho là “gây ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, tôn giáo; xuyên tạc chính quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xúc phạm uy tín của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương, Công an tỉnh Sóc Trăng, Công an huyện Trà Cú, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trà Cú, Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh và cá nhân bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh.”

Ông Tô Hoàng Chương là một nhà hoạt động từng đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa cho người dân. 

Tháng 6 năm ngoái, ông cho Đài Á Châu Tự Do biết Công an tỉnh Sóc Trăng chặn xe, đánh đập ông sau khi đi thăm một người bạn tại xã Mỹ  Tâm, huyện Mỹ Xuyên về.

Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ sau đó ra thông cáo báo chí lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về “hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo” đối với ông Tô Hoàng Chương.

Một người Khmer ở tình Kiên Giang, là bạn trên Facebook của ông Tô Hoàng Chương phát biểu với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

“Tôi là người theo dõi thường xuyên Facebook của Tô Hoàng Chương nhưng không thấy bài viết nào có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, mà chỉ phản ánh đúng thực tế sự đàn áp đối với cộng đồng Khmer ở Nam Bộ.

Tôi thấy bản án đối với ông Tô Hoàng Chương hoàn toàn sai lệch nếu ta so với luật pháp quốc tế, các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.”

Ông này cho rằng, việc phân phát Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Công ước quốc tế về quyền của người bản địa không nên bị coi là tội bị bỏ tù. Cáo trạng của vụ án mà báo chí đăng tải không nhắc đến việc làm này của hai nhà hoạt động. 

Đầu tháng trước, một toà án ở tỉnh Sóc Trăng đã kết án nhà hoạt động Khmer Krom Danh Minh Quang bốn năm sáu tháng tù giam cùng về tội danh theo Điều 331. Ông cũng bị bắt trong ngày 31/7/2023.


Tags: , , , ,

Comments are closed.