Cuộc chiến về mạch bán dẫn Hoa Kỳ – Trung Quốc diễn ra khốc liệt 


John Mills 

Tuệ Minh biên dịch – 27/9/2023

Cuộc chiến về vi mạch bán dẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra khốc liệt

” Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đang thống trị trong sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới. 

Nhật Bản, Nam Hàn, và Hoa Kỳ vừa công bố một thỏa thuận an ninh ba bên mới. Trong khi tập đoàn TSMC của Đài Loan sản xuất 80% số lượng vi mạch trên thế giới thì Nhật Bản, Nam Hàn, và Hoa Kỳ lại đóng góp phần lớn trong 20% công suất sản xuất vi mạch còn lại của thế giới. Lý do cho thỏa thuận an ninh mới này phần lớn là do căng thẳng khu vực đến từ hành vi gây hấn của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan. “

Một công nhân sản xuất vi mạch bán dẫn tại một nhà máy ở Thành phố Tú Thiên, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 28/02/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images) 

Đã có ba cuộc khủng hoảng “Eo biển” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. 

Có hai cuộc khủng hoảng trong những năm 1950 và một trong những năm 1990. Cuộc khủng hoảng trong những năm 1990 đã tránh được các hoạt động chiến đấu, nhưng hai cuộc khủng hoảng trong những năm 1950 đã chứng kiến những cuộc đọ súng và nhiều thương vong. Riêng cuộc khủng hoảng thứ hai vào năm 1958 cho thấy các chiến đấu cơ hiện đại hơn của Trung Quốc đã chiếm lợi thế hơn so với các chiến đấu cơ phản lực F-86 cũ của Đài Loan từ thời kỳ Chiến tranh Triều tiên. 

Tình thế đó đã thay đổi khi người Mỹ cung cấp hỏa tiễn Sidewinder đời đầu, thứ đã khiến các trận không chiến trở nên cân sức hơn (tương tự như tác dụng của hỏa tiễn Javelin ở Ukraine). Sau một loạt tổn thất, Lực lượng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) đã rút lui, vì biết rằng có rất nhiều chiến đấu cơ, tân tiến hơn của Hoa Kỳ đang ở gần trên không và phía trên các căn cứ của Đài Loan [sẽ can thiệp], nếu hỏa tiễn Sidewinder F-86 của Đài Loan không hoạt động. 

Với thách thức liên tục, và hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với chủ quyền của Đài Loan kể từ khi Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia Tài khóa 2023 vào tháng 12/2022, có lẽ có một “Cuộc khủng hoảng Eo biển” lần thứ tư đang diễn ra, nhưng với một chút biến tấu. Các điểm xung đột và tiếp xúc không chỉ là trong lĩnh vực quân sự mà còn về thương mại, kinh tế, và kỹ thuật — và chúng diễn ra trên phạm vi toàn cầu. 

Một điểm trung tâm độc đáo của mặt trận này đó là các vi mạch bán dẫn máy điện toán mà công ty TSMC của Đài Loan đã chế tạo thành thạo. Đội ngũ của ông Biden đã chọn cách tăng áp lực lên Trung Quốc trong lĩnh vực vi mạch máy điện toán. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã làm rõ rằng “chúng tôi đang cố gắng bóp nghẹt năng lực quân sự của họ” bằng cách từ chối cung cấp vi mạch máy điện toán cho Trung Quốc. 

Những hạn chế về vi mạch bán dẫn đối với Trung Quốc

Những bình luận của bà Raimondo đề cập trực tiếp đến việc Trung Quốc sử dụng vi mạch máy điện toán cho các nền tảng vũ khí. Thực tế là những vi mạch bán dẫn này có công dụng kép; chúng có thể được sử dụng cho vũ khí, nhưng chúng cũng rất quan trọng đối với các thiết bị gia dụng, xe hơi, và điện thoại 5G. 

Mặc dù hỏa tiễn Sidewinder của những năm 1950 đã có những phiên bản xử lý của “máy điện toán” đơn giản hóa đời đầu trước khi có sự xuất hiện của “vi mạch” đời mới, nhưng các loại hỏa tiễn hiện đại như Javelin, HIMARS, Patriot, hay thậm chí là mìn biển “thông minh” đều cần có khả năng tính toán vượt trội, tiên tiến, vốn được tìm thấy trong các vi mạch. 

Các hỏa tiễn tân tiến của Trung Quốc, như hỏa tiễn siêu thanh DF-17 hoặc hỏa tiễn đạn đạo dẫn đường DF-26, rất có thể tận dụng các vi mạch máy điện toán được sản xuất tại Trung Quốc hoặc đã bị đánh cắp có chủ ý từ chuỗi cung ứng hoặc sử dụng thông qua việc vi phạm các điều khoản và điều kiện đã được quy định đối với cách thức mà họ có được những vi mạch này. 

DF-17 và DF-26 cần có năng lực xử lý tân tiến để thực hiện điều hướng và căn thời gian chính xác nhằm tấn công thành công vào các mục tiêu đã định. Quân đội Trung Quốc cần các vi mạch bán dẫn để duy trì số lượng hỏa tiễn hiện có, cũng như sản xuất hỏa tiễn mới, bảo dưỡng định kỳ, và cải tiến kỹ thuật để bảo đảm DF-17, DF-26, và các hỏa tiễn khác duy trì ưu thế trước các biện pháp đáp trả của Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Vương quốc Anh, Ấn Độ, và các quốc gia khác có thể bị lôi kéo vào xung đột với Trung Quốc. 

Nếu không có nguồn cung cấp ổn định các vi mạch máy điện toán hiện có và được cải tiến, hỏa tiễn của Trung Quốc sẽ trở nên kém tin cậy hơn, và các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc sẽ mất niềm tin vào hệ thống vũ khí của họ. Đội ngũ của ông Biden dường như đang sử dụng cuộc chiến về vi mạch này như một đòn bẩy để kìm hãm và hạn chế sự mạo hiểm quân sự của Trung Quốc. 

Đội ngũ của ông Biden không muốn tách rời khỏi Trung Quốc

Sự khôn ngoan của Đội ngũ của ông Biden, ít nhất là từ quan điểm của bà Raimondo, có thể hợp lý. Tuy nhiên, có một số vấn đề. Việc tiêu thụ vi mạch bán dẫn cho nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát mức độ bất mãn của người dân Trung Quốc trong nước. Nhìn bề mặt, quan điểm của bà Raimondo không cho biết các vi mạch “tốt” phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ được cho phép ra sao trong khi các vi mạch “xấu” phục vụ cho các ứng dụng quân sự sẽ bị hạn chế mà những vi mạch này có thể là cùng một loại. 

Thông điệp [với Trung Cộng] cũng rất mâu thuẫn từ Đội ngũ của ông Biden. Là người đầu tiên trong số bốn người đến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken đã bị chỉ trích, chuyến thăm đầu tiên của ông bị dời lại sau khi khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua các bãi phóng hỏa tiễn và căn cứ oanh tạc cơ của Hoa Kỳ. Một cuộc khủng hoảng thứ hai đã xảy ra và gần như gây nguy hiểm cho chuyến đi đã thay đổi lịch trình của ông Blinken này với công bố về việc Trung Quốc chiếm đóng căn cứ gián điệp cũ của Liên Xô ở Lourdes, Cuba. Chuyến đi của ông Blinken đã được đền đáp bằng một thông báo rằng căn cứ gián điệp ở Cuba cũng chính là nơi sẽ diễn ra hoạt động huấn luyện quân sự của Trung Quốc ở Cuba. Thông báo này dường như là sự thể hiện rõ ràng về cách người Trung Quốc nhìn nhận chuyến đi của ông Blinken. 

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã có chuyến công du với lời đề nghị trước rằng không nên tách rời. Thuật ngữ “tách rời” thường được Đội ngũ ông Biden liên kết với cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này nhiều năm trước khi ông Trump trở thành tổng thống. 

Sau đó, đặc phái viên John Kerry đã đến Hoa lục, đề nghị sự chiếu cố cho Trung Quốcー nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới ー để đổi lấy các cuộc đàm phán mới về khí hậu. 

Bốn quan điểm khác biệt nhau về những mối bang giao từ cùng một chính phủ, với quan điểm mới đây nhất đó là nỗ lực bóp nghẹt Trung Quốc, đang gửi đi một loạt các thông điệp. 

Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đang thống trị trong sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới. 

Nhật Bản, Nam Hàn, và Hoa Kỳ vừa công bố một thỏa thuận an ninh ba bên mới. Trong khi tập đoàn TSMC của Đài Loan sản xuất 80% số lượng vi mạch trên thế giới thì Nhật Bản, Nam Hàn, và Hoa Kỳ lại đóng góp phần lớn trong 20% công suất sản xuất vi mạch còn lại của thế giới. Lý do cho thỏa thuận an ninh mới này phần lớn là do căng thẳng khu vực đến từ hành vi gây hấn của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan. 

Sự hiếu chiến mới của Trung Quốc cộng sản bộc lộ một vấn đề nan giải. Nghị trình của Trung Quốc hiện đang được thúc đẩy bởi nhu cầu thực sự của họ về vi mạch máy điện toán mà Đài Loan đã làm chủ trong việc sản xuất. Thực tế này có nghĩa là chính quyền Trung Quốc phải chiếm Đài Loan làm sao để không gây thiệt hại cho sáu “nhà máy” (trung tâm chế tạo) lớn của TSMC ở Đài Loan mà cũng cần lực lượng lao động TSMC và gia đình của họ. Đây là một loạt các yêu cầu rất thách thức để đi đến thành công cho bất kỳ cuộc xâm lược nào của Trung Quốc. Đài Loan đóng vai trò trong kế hoạch chuyển hướng năng lực sản xuất của TSMC đến các nhà máy mới ở Hoa Kỳ. 

Dù được sử dụng cho mục đích quân sự hay dân sự, các vi mạch máy điện toán đang rời xa tầm kiểm soát công khai của Trung Quốc trong khi “Cuộc khủng hoảng Eo biển” lần thứ tư diễn ra ở quy mô và phạm vi mới.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

https://www.epochtimesviet.com

Tags: , ,

Comments are closed.