Do Thái – Á Rập: 6000 năm cùng nguồn gốc; 107 năm đổ máu, tranh chấp lãnh thổ…


NGUỒN GỐC 600 NĂM GẦN GŨI NHAU CỦA DÂN TỘC DO THÁI VÀ PALESTINE, VÀ NHỮNG KHÁC BIỆT GÂY HẬN THÙ LÂU ĐỜI

* KHU VỰC TRUNG ĐÔNG (CẬN ĐÔNG), NGUỒN GỐC CỦA HAI DÂN TỘC

Vùng đất phì nhiêu Lưỡng Hà là một trong những nôi văn minh của nhân loại

Đa số các nước ở vùng Trung Đông hiện nay (còn được gọi là Cận đông) đều phát xuất từ vùng bình nguyên lưỡng hà (Mesopotamia nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris), là nơi được xem như cái nôi văn minh của nhân loại, được gọi là văn minh Mesopotamia (tức văn minh lưỡng hà), nơi có đất đai màu mỡ do hai con sông này tạo ra.

Mảnh đất mà hiện nay có hai nước Do Thái và Palestine đang sinh sống, trước đây khoảng 6000 năm có sự xuất hiện của nhiều dân tộc khác nhau được gọi chung là Semite (nói loại tiếng Semitic) bao gồm Akkadian, Canaanites, Phoenician, Hebrew (Do Thái), Arabs (người Á Rập), Philistine… có  nghĩa là họ phát xuất từ cái  nôi chung ở vùng Tây Nam Á Châu (Southwest Asia) (theo encyclopedia và Wikipedia).

Như vậy dân tộc Do Thái và Á Rập đều phát xuất từ bình nguyên Lưỡng Hà, từng chung sống, có lúc va chạm, lấn áp và chèn ép nhau để sống còn và phát triển trở thành vùng Trung Đông hiện nay.

NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI DO THÁI

Mose

Khoảng năm 2000 TCN, dân tộc Do Thái đã phải chạy tỵ nạn ở Ai Cập, nơi đây họ bị hành hạ như nô lệ, sau được một anh hùng người Ai Cập gốc Do Thái có tên là Mose giải thoát và đưa họ về sống ở vùng Sinai, với cuộc sống rất cơ cực, nhưng họ được tự do. Vốn là dân du mục, chăn  nuôi, người Do Thái sau đó đã về cư ngụ ở vùng đất bên cạnh Địa Trung Hải, họ đánh đuổi thổ dân, xây thành Jerusalem (Jerusalem có nghĩa là ‘bình trị’), dạy người dân đạo đức, cách sống làm người, qua những giới răn (10 điều răn in trên phiến đá của ông Mose), sau đó họ đã thống nhất các chi tộc và trở thành một chế độ quân chủ có nhiều vị vua nổi tiếng như Saul, David, Solomon..

Cần nói thêm, Ông Mose được người Do Thái, người theo Thiên Chúa Giáo, người theo Hồi Giáo đều kính trọng cho là ‘đấng tiên tri’ do Thượng đế sai đến.

Nhưng về sau, do hiềm khích bộ tộc, người Do Thái chia rẽ nhau và tách thành 2 vượng quốc Bắc và Nam: Phía Bắc là Vương Quốc Israel (Samaria) và phía Nam là Judea (người Trung Hoa đọc Judea là Do Thái theo cách phiên âm của họ).

Hai vương quốc sau này bị đế quốc Assyria hùng mạnh tấn công và chiếm đóng. Kế đó họ lần lượt bị đô hộ bởi những đế quốc Ba Tư, Hi Lạp, rồi La Mã (Roma), Á Rập (Hồi Giáo), đế quốc Ottoman tức Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã phải phân tán khắp nơi trên thế giới, sống một cuộc sống vô tổ quốc, nhưng luôn luôn hướng về Jerusalem thề có ngày sẽ trở về cố đô dựng lại đất  nước. Người Do Thái có một sức sống mãnh liệt do truyền thống tôn giáo ghi trong kinh thánh và tôn thờ đấng Jehova, tức là thượng đế sáng lập ra thế giới.

NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI PALESTINE

Theo những nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, di truyền học và tư tưởng thì người Palestine là những người Ả Rập theo Hồi giáo, không đồng nhất, đa dạng về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa.

Theo Britanica Encyclopedia, tên Palestine bắt nguồn từ chữ Philistina, là  tên đặt cho vùng đất của người Philistines vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (tức là gần 4000  năm trước), họ đã chiếm giữ một vùng đất nhỏ ở bờ biển phía nam, giữa Tel Aviv–Yafo và Gaza hiện đại. Cái tên Palestina đã được người La Mã đặt cho vào thế kỷ thứ 2 sau CN ở “Syria Palaestina”, để chỉ phần phía nam của tỉnh Syria và từ đó chuyển sang tiếng Ả Rập, nơi nó được sử dụng để mô tả kể từ đầu thời kỳ Hồi giáo.

Cuộc chiến giữa người Do Thái và đế quốc La Mã rất dai dẳng gây ra sự chết chóc, di tản hoặc làm nô lệ của nhiều người Do Thái, từ đó số người dân Do Thái ở Judea giảm mạnh

Vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, người Hồi giáo lan rộng ở khu vực này và được Ả Rập hoá, Hồi giáo hoá do sự chuyển đổi và tiếp nhận văn hóa cùng với việc định cư của người Hồi giáo.

Theo truyền thuyết trong kinh thánh, Israel (Do Thái) và Á rập đều phát xuất từ một ông tổ là Abraham. Người Do Thái thành  lập Do Thái giáo, người Á rập thành hình Hồi Giáo.

Hai dân tộc Do Thái và Á Rập trước sự thăng trầm của dải đất ở vùng được gọi là Palestine sau này vẫn sống lẫn lộn với nhau, có lúc hòa bình, có lúc xung đột, nhiều người đã phải di cư đi nơi khác, nhưng cũng có số đông quyết bám lấy quê cha của mình.

Cho đến khi bị đế quốc Ottoman xâm chiếm vào năm 1516, hai dân tộc đã có nhiều thay đổi khác nhau: Người Do Thái bị đày đọa, di tản đi nơi khác, có người vẫn bám trụ ở lại. Người Palestine bị người Á Rập đồng hóa, Hồi Giáo Hóa. Đến khi đế quốc Ottoman tan rã, cơ hội để hai dân tộc này phục quốc đã bắt đầu có hy vọng sau thế chiến thứ I.

Do đó, có thể nói là người dân Palestine chính là người Á Rập theo Hồi Giáo sống tại một vùng đất trong sử là Philistina, sau được La Mã đặt tên là Palestina. Sống tại nơi đây cũng có người Do Thái bám trụ.

TÁI LẬP QUỐC GIA DO THÁI VÀ NƯỚC Á RẬP PALESTINE

SAU THẾ CHIẾN THỨ NHẤT (1914-1918)

Các cường quốc thắng trận đồng ý sẽ thành lập quốc gia Do Thái trên mảnh đất có tên là Palestine, nơi đây có sự sống chung của người Á Rập Palestine và Do Thái..

Thỏa thuận Sykes-Pycot tháng 5/1916: Đất Palestine được đặt dưới quyền cai trị của Anh, Pháp, Nga.

Ngày 2 tháng 11, 1917: Tuyên bố Balfour thành lập quốc gia Do Thái trên mảnh đất Palestine. Chủ nghĩa Phục Quốc Do Thái (Zionist) được tăng cường vì họ rằng đất Palestine trước đây là đất của họ cũng như thành Jerusalem. Họ đã từ  nhiều nơi tìm về cố quốc.

Trong khi đó, người Á Rập phản đối tuyên bố Balfour, vì thế xảy ra hận thù với người Do Thái.

Tháng 7. 1922, Hội Quốc Liên (đổi tên thành Liên Hiệp Quốc hiện nay) trao cho Anh quyền tạm cai trị vùng đất Palestine và sẽ tạo ra hai quốc gia Do Thái và Palestine sau này.

Người Do Thái từ nhiều nơi hồi cư và mua đất, ngày càng mạnh. Trong lúc đó, người Palestine có sự tranh chấp giữa các nhóm, trở nên suy yếu. Tuy nhiên hai dân tộc vẫn sống chung dưới sự điều phối của người Anh.

THẾ CHIẾN THỨ HAI

Trong thế chiến II, người Do Thái bị Đức Quốc Xã tàn sát trong vụ Holocaust. Rất nhiều người dân họ sống khắp nơi trên thế giới, hòa nhập với nơi họ định cư, gây thanh thế lớn.

Trong khi đó, Người Á Rập nổi dậy từ 1936-1939 phát huy chủ nghĩa Dân Tộc quyết thành lập quốc gia Á Rập Palestine.

Năm 1947, sau khi thế chiến thứ Hai kết thúc, người Do Thái sống tản mác trên thế giới, nhất là Anh, Mỹ, Pháp… vận động cho quốc gia của họ, LHQ đồng ý thành lập quốc gia Do Thái bằng cách cắt một phần đất của các nước Á rập tại vùng đất Palestine sát cạnh Địa Trung Hải. Các nước Á Rập phản đối mạnh mẽ.

Nghị quyết 181 ngày 29/11/1947 của Liên Hiệp Quốc chính thức phân vùng cho Do Thái và Á Rập

Palestine (xem hình) và quốc gia Israel sẽ chính thức được thành lập vào ngày 14 tháng 5 năm 1948

Ngày 14/5/1948, Do Thái tuyên bố độc lập. Người Á Rập chống đối. Liên đoàn Á Rập xua quân tấn công Do Thái nhưng bị Do Thái đánh cho tan tác, sau phải chịu đình chiến, người Do Thái chiếm thêm được 8,000 dặm vuông ngoài đất do LHQ đã ấn định.

Tháng 12 năm 1949, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thành lập Cơ quan Cứu trợ của Liên hiệp quốc cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) để hỗ trợ người tị nạn Palestine. 

VẬY NGƯỜI PALESTINE LÀ AI?

Đó chính là người Á Rập sống trên giải đất Palestine được Anh quản trị trước đây, họ không có quốc gia, mà chỉ là một thành phần của người Á Rập theo Hồi Giáo. Họ sống ở Bờ Tây (Tây ngạn) và dải Gaza, do Liện Hiệp Quốc giúp đỡ như người tỵ nạn. Họ luôn luôn tranh đấu để thành lập quốc qua với sự giúp đỡ của các nước Á rập. Người Á Rập Palestine sống ở nhiều nơi ngoài dải đất Palestine như Lebanon, Jordan, Syria… họ hoạt động bí mật để tấn công Do Thái bằng bạo động.

Những mốc lịch sử của người Palestine sau thế chiến thứ Hai.

THÀNH LẬP TỔ CHỨC PLO

Năm 1964, các nước khối Á Rập thành lập tổ chức giải phóng Palestine PLO (Palestine Liberation Oranization) để đại diên cho người Palestine. Họ cung cấp tiền bạc, phương tiện kể cả vũ khí cho tổ chức này.

Nhiều phong trào đấu tranh bí mật đã nổi dây tranh đấu cho Palestine ở nhiều  nơi tại các nước Á rập.

CHIẾN TRANH 6 NGÀY

Năm 1967: Chiến tranh 6 ngày giữa Do Thái và các quốc gia Á Rập. Do Thái đánh bại liên minh các  nước gồm Ai Cập,  Syria, Jordan chiếm thêm được nhiều đất bao gồm Đông Jerusalem, Tây ngạn và dải Gaza.

PLO ĐƯỢC CÔNG NHẬN – BẠO LỰC GIA TĂNG

Năm 1969, Yasser Arafat được bầu làm chủ tịch PLO. PLO gia tăng những hoạt động mạnh, đạt được sự công nhận của quốc tế.

Tháng 1/1977: Do trung gian của Hoa Kỳ, Hiệp ước hòa bình Trại David ở Maryland giữa Do Thái và Ai cập được ký ngày 1979,  thành lập cơ quan tự quản tại Tây Ngạn và dải Gaza, để 5 năm sau đi đến tự trị cho PLO.

PLO được nhiều nước trên thế giới công nhận với điều kiện là ngưng hành động khủng bố.

Tuy nhiên, nhiều phe phái Palestine tăng cường bạo lực chống Do Thái, trong đó có nhóm cực đoan Hamas (Phong Trào Kháng Chiến Hồi Giáo), nổi lên ở nhiều nơi, nhóm này thành lập một cánh võ trang được gọi là Lữ đoàn Sheikh ʿIzz al-Dīn al-Qassām.

CUỘC NỔI DẬY (INTIFADA) LẦN 1

Năm 1987, sau vụ một tài xế Do Thái đụng làm chết 4 người Palestine, người Palestine nổi dậy chống Do Thái tại Bờ Tây và Dải Gaza trong vòng 6 năm gây nhiều thương vong cho hai bên.

HIỆP ĐỊNH OSLO

Ngày 13 tháng 9 năm 1993, PLO và Israel đã ký Tuyên bố lịch sử tại Washington, DC., công nhận lẫn nhau, Bờ Tây và Gaza sẽ dần dần được chuyển giao cho một hội đồng Palestine (PA) để quản lý thời gian tạm thời là 5 năm,

THÀNH LẬP CHÍNH QUYỀN PALESTINE

Tháng 5 năm 1994, Israel rút quân khỏi thị trấn Bờ Tây Jericho và một phần Dải Gaza. Ngày 1 tháng 7, 1994, Arafat tiến vào Gaza, thành lập Chính quyền Palestine (PA) ở Jericho,

Bạo lực và chống đối vẫn tiếp tục tại Do Thái và Palestine bởi các nhóm cực đoạn từ hai phía.

Ngày 28 tháng 9 năm 1995, Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã ký một thỏa thuận tại Washington mở rộng quyền tự trị của người Palestine ở Bờ Tây và tổ chức các cuộc bầu cử gồm chủ tịch và hội đồng lập pháp của PA. Quy chế vĩnh viễn sẽ được kết thúc vào năm 1999.

CUỘC NỔI DẬY LẦN II NĂM 2000

Một số cựu viên chức Do Thái đến viếng thăm Núi Đền/Haram al-Sharif. Người Palestine lấy lý do là Do Thái tìm cách chiếm cả vùng này, nên biểu tình tiếp theo trở nên bạo lực, đánh dấu sự khởi đầu của intifada thứ hai, kéo dài đến 5 năm. Bốn ngàn người Palestine và một ngàn người Israel chết.

THẢM SÁT LỄ VƯỢT QUA 3/2002

Một vụ tấn công khủng bố giết chết 30 người Do Thái vào ngày Lễ Vượt Qua tại một khách sạn ở thành phố Netanya Israel. Quân đội Israel tái chiếm các phần của Bờ Tây, bao gồm cả thành phố Ramallah, nơi đặt trụ sở của Chính quyền Palestine và nơi Yasir Arafat đặt trụ sở ở Bờ Tây.

XÂY HÀNG RÀO GAZA-ISRAEL

Từ tháng 12 năm 2000 đến tháng 6 năm 2001, hàng rào giữa Gaza và Israel đã được xây dựng. Một rào trên biên giới Dải Gaza-Ai Cập được xây dựng bắt đầu từ năm 2004

DO THÁI RÚT QUÂN KHỎI GAZA 2005

Vào tháng 2 năm 2005, những người định cư Israel bắt đầu rời khỏi Dải Gaza. Tất cả các khu định cư của Israel ở Dải Gaza và Khu công nghiệp Erez chung giữa Israel và Palestine đã bị dỡ bỏ, 9.000 người Israel, hầu hết sống ở Gush, Katif, đã bị trục xuất.

Vào ngày 12 tháng 9 năm 2005, nội các Israel chính thức tuyên bố chấm dứt sự chiếm đóng quân sự của Israel đối với Dải Gaza.

HAMAS NẮM QUYỀN TẠI GAZA

2006: Hamas nắm quyền ở Gaza trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine ngày 25 tháng 1 năm 2006, tuy nhiên, Hamas không chịu nhìn nhận quốc gia Do Thái và đi đến xung đột liên miên.

KHỦNG HOẢNG 2007 GIỮA NGƯỜI PALESTINE

Năm 2007, giao tranh nổ ra giữa  người Palestine: Hamas và Fatah, Cuộc đụng độ đẫm máu nhất xảy ra ở phía bắc Dải Gaza,

TẤN CÔNG GAZA 2008

Ngày 27 tháng 12 năm 2008, do Hamas bắn rocket vào Do Thái, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Israel bắt đầu tấn công trên bộ vào Dải Gaza vào ngày 3 tháng 1 năm 2009

CHIẾN TRANH GAZA 2014

Chiến tranh Gaza 2014 là một chiến dịch quân sự do Israel phát động vào ngày 8 tháng 7 năm 2014 tại Dải Gaza, sau vụ các chiến binh Palestine  Hamas bắt cóc và sát hại ba thiếu niên Israel ở Bờ Tây. Nội bộ Palestine cũng có sự bất hòa giữa phe PLO và Hamas.

NGHỊ QUYẾT 2016 CỦA LHQ Xác định việc Israel xây cất khu định cư là vi phạm luật quốc tế

2017 – HOA KỲ CÔNG NHẬN JERUSALEM LÀ THỦ ĐÔ CỦA DO THÁI vào thời TT Trump, HK di chuyển tòa đại sứ đến Jerusalem.

2020 – HOA KỲ LÀM TRUNG GIAN HIỆP ƯỚC HÒA BÌNH ABRAHAM Giữa Do Thái và các nước Á Rập: Bahrain, Sudan, Morocco, UAE (Tiểu Vương Á rập Thống Nhất)

KHỦNG HOẢNG 2021

Một đợt leo thang xung dột khác từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 8 năm 2022 đã dẫn đến thiệt hại về tài sản và khiến người dân phải sơ tán do các cuộc không kích của Do Thái. Hơn 200 người Palestine và 10 người Do Thái thiệt mạng.

KHỦNG HOẢNG 2023

Ngày 7 tháng 10, 2023: Hamas bất ngờ tấn công tàn bạo vào Israel giết chết hơn 1400 thường dân,vài ngàn bị thương, trên 200 bị bắt làm con tin.

Israel thề tiêu diệt Hamas để diệt trừ mối nguy trong tương lai.

Cuộc chiến đang tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng khi có sự can dự của Iran, lực lượng ủng hộ Hamas. Hoa Kỳ mang 2 hàng không mẫu hạm và 2000 thủy quân lục chiến đến biển Địa Trung Hải.


KẾT LUẬN

Điểm qua  những sự tương đồng và đối đầu trong lịch sử lâu đời cũng như cận đại, chúng ta thấy có những sự khác biệt, mâu thuẫn trầm trọng về nguồn gốc lịch sử, tôn giáo, văn hóa… khiến cho sự xung đột rất dễ xảy ra chưa kể lúc nào cũng có các thế lực bên ngoài xúi giục và hỗ trợ như Iran thề tiêu diệt Do Thái, luôn luôn yểm trợ Hamas cũng như Nga và Trung Quốc luôn luôn muốn có bất ổn ở Trung Đông nhằm tạo sự ảnh hưởng và tranh giành với Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng hiện  nay là do sự quá khích và cực đoan của Hamas luôn luôn kích động Do Thái phải động bịnh. Chính Hamas đã tạo ra cuộc tấn công vào Do Thái gây thương vong quá nhiều cho thường dân Do Thái, nên Do Thái buộc lòng phải trả đũa và gây thương vong cho dân thường, tạo ra sự phẫn nộ trên khắp thế giới.

Vòng luẩn quẩn vẫn không bao giờ dứt. Nguy cơ thế chiến có thể xảy ra.

Đỗ Văn Hội


Tài liệu tham khảo:

  • Britanica Encyclopedia
  • Wikipedia History of Israel – of Palestine
  • History.com
  • Lịch sử thế giới: Nguyễn Hiến Lê

Tags: , , ,

Comments are closed.