Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm tổng thống đơn phương rút khỏi NATO


Tổng thống Hoa Kỳ không thể rút khỏi NATO mà không có sự cho phép của Thượng viện hoặc sử dụng quỹ được Quốc hội phê chuẩn để xem xét việc rút khỏi NATO nếu có.

Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm tổng thống đơn phương rút khỏi NATO

Biểu ngữ hiển thị logo NATO được đặt ở lối vào trụ sở mới của NATO trong quá trình chuyển đến tòa nhà mới, tại Brussels, Bỉ, vào ngày 19/04/2018. (Ảnh: Yves Herman/Reuters)

Allen Zhong

Allen Zhong

Thứ bảy, 16/12/2023

Một điều luật mới trong dự luật quốc phòng vừa mới được thông qua cấm bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào đơn phương rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều luật này, được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 65 phiếu thuận – 28 phiếu chống hồi tháng Bảy, đã được bổ sung như một bản sửa đổi cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia 2024 mới được thông qua (NDAA 2024).

NDAA 2024 đã được gửi đến Tòa Bạch Ốc để chờ Tổng thống Joe Biden ký thành luật sau khi được Thượng viện thông qua vào tối thứ Tư (13/12) và Hạ viện thông một ngày sau đó (14/12).

Điều luật này, còn được gọi là “Bản sửa đổi Kaine số 429,” được Thượng nghị sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đưa ra lần đầu tiên hồi tháng 03/2022 và được giới thiệu lại hồi tháng 07/2023 trước khi được thêm vào NDAA 2024.

Bản sửa đổi viết, “Tổng thống không được phép đình chỉ, chấm dứt, tố cáo, hoặc rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương… trừ phi có lời khuyên và sự đồng ý của Thượng viện, với điều kiện là hai phần ba số Thượng nghị sĩ có mặt đồng thuận, hoặc tuân theo một Đạo luật của Quốc hội.”

Bản sửa đổi này còn đi xa hơn nữa khi cấm sử dụng bất kỳ quỹ nào được Quốc hội phê chuẩn để xem xét, trực tiếp hoặc gián tiếp, một quyết định tương tự.

Thay vào đó, tổng thống nên thông báo trước cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và ủy ban tương đương ở Hạ viện về bất kỳ cân nhắc nào về việc rút khỏi NATO. Trong khi đó, các cố vấn pháp lý từ Thượng viện hoặc Hạ viện có thể được phép tiến hành các thách thức pháp lý nhằm ngăn chặn bất kỳ cân nhắc rút khỏi NATO của tổng thống.

Hai Thượng nghị sĩ Kaine và Rubio hoan nghênh việc thông qua bản sửa đổi.

“NATO đã tỏ ra mạnh mẽ trước cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine và những thách thức ngày càng gia tăng trên khắp thế giới,” Thượng nghị sĩ Kaine nói. “Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện ngày hôm nay để thông qua dự luật lưỡng đảng của tôi nhằm ngăn chặn bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào đơn phương rút khỏi NATO, tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với liên minh quan trọng này, vốn là nền tảng cho an ninh quốc gia của chúng ta. Điều đó cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà độc tài trên khắp thế giới rằng thế giới tự do vẫn hiệp lực cùng nhau.”

Thượng nghị sĩ Rubio nói: “Thượng viện nên duy trì sự giám sát về việc quốc gia của chúng ta có rút khỏi NATO hay không. Chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và bảo vệ an ninh của các đồng minh dân chủ của chúng ta.”

Luật pháp hiện hành của Hoa Kỳ quy định rằng cần có sự cho phép của Quốc hội để Hoa Kỳ tham gia các hiệp ước quốc tế, nhưng không nói rõ liệu tổng thống có cần sự chấp thuận tương tự để rút khỏi hiệp ước hay không.

Tổng thống đương thời Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Paris vào tháng 11/2019 mà không cần sự cho phép của Quốc hội.

Hồi tháng 06/2017, chính phủ cựu TT Trump cho biết hiệp định này đã “tiêu tốn của nền kinh tế Hoa Kỳ gần 3 ngàn tỷ USD do sản lượng giảm, hơn 6 triệu việc làm trong ngành công nghiệp và hơn 3 triệu việc làm trong ngành sản xuất bị mất.”

Không rõ liệu điều luật này có nhằm vào bất kỳ người đắc cử tổng thống tiềm năng nào vào năm 2024 hay không. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán rằng điều luật được áp dụng trong trường hợp cựu TT Donald Trump giành được một nhiệm kỳ nữa vào năm 2024 và sau đó sẽ rút khỏi NATO.

Cựu TT Trump không nói gì về việc rút khỏi NATO trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông cũng không ám chỉ rằng mình sẽ rút khỏi nhóm tự vệ tương hỗ này nếu đắc cử vào năm 2024.

Ngược lại, ông thúc đẩy tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu của các thành viên NATO từ mức 2% GDP.

Tuy nhiên, ông Trump tỏ ra nghi ngờ về việc bảo vệ Montenegro, quốc gia đã gia nhập NATO hồi năm 2019.

Montenegro là một quốc gia ở phía đông nam của châu Âu với dân số ít ỏi, chỉ khoảng 620,000 người.

Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ cơ chế phòng thủ chung của NATO, đặc biệt sau khi Nga xâm lược Ukraine. Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều hơn vào tổ chức này và hoạt động tích cực trong việc bảo đảm tư cách thành viên cho Phần Lan và sự gia nhập trọn vẹn của Thụy Điển vào khối này trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden.

Những điểm chính rút ra từ dự luật NDAA 2024

Dự luật quốc phòng trị giá 886.3 tỷ USD này dành riêng 841.5 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng (DOD) — cao hơn gần 32 tỷ USD so với dự luật quốc phòng hồi năm ngoái (2022), 32.26 tỷ USD cho Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia, và 12.1 tỷ USD cho các vấn đề liên quan đến quốc phòng cho các cơ quan liên bang khác.

Dự luật cũng bao gồm việc tăng lương 5.2% cho binh sĩ, 145 tỷ USD để nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và siêu vượt âm, đầu tư vào Lực lượng Không gian, và các hạng mục khác.

Dự luật này gia hạn thêm bốn tháng đối với Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA), vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/12.

Chủ tịch Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) cho biết việc kéo dài thời gian đến giữa tháng 04/2023 sẽ cung cấp thêm thời gian để cải tổ FISA trong khi không cản trở hoạt động của các cơ quan tình báo.

Mục 702 của FISA cho phép các cơ quan tình báo chặn thông tin liên lạc của ngoại quốc mà không cần có trát lệnh.

Những người theo phái bảo tồn truyền thống lập luận rằng mục này dẫn đến một “hoạt động bí mật” để dò tìm các cuộc trò chuyện của người Mỹ với người có quốc tịch ngoại quốc.

Một quân nhân xem một người lính khác được chích vaccine ngừa COVID-19 từ Cơ quan Y tế Dự phòng Quân đội ở Fort Knox, Kentucky, vào ngày 09/09/2021. (Ảnh: Jon Cherry/Getty Images)
Một quân nhân xem một người lính khác được chích vaccine ngừa COVID-19 từ Cơ quan Y tế Dự phòng Quân đội ở Fort Knox, Kentucky, vào ngày 09/09/2021. (Ảnh: Jon Cherry/Getty Images)

NDAA gộp vào hầu như toàn bộ bản sửa đổi đã được Hạ viện thông qua để phục chức cho 8,600 quân nhân đã bị cho giải ngũ vì từ chối tuân theo lệnh bắt buộc chích vaccine COVID-19 của DOD.

Để đủ điều kiện phục chức, các cựu chiến binh bị cho giải ngũ phải là những người đã giải ngũ trong vòng chưa quá hai năm và đã yêu cầu được miễn chích vaccine.

NDAA cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng tiến hành một nghiên cứu đánh giá tác động của vaccine COVID-19 đối với sức khỏe, thành lập một hội đồng để xem xét việc cho giải ngũ và theo dõi để truy vấn những người đã bị cho giải ngũ nhằm phục vụ cho việc tái nhập ngũ trong vòng sáu tháng tới.

Dự luật quốc phòng này cũng sẽ dành 300 triệu USD trong cả năm tài khóa 2024 và năm tài khóa 2025 — tổng cộng 600 triệu USD — cho quỹ Sáng kiến Trợ giúp An ninh Ukraine (USAI).

Một số người theo phái bảo tồn truyền thống ở Hạ viện phản đối việc tài trợ cho quốc phòng Ukraine, cho rằng nước này đang lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến với Nga và rút cạn tiền của những người nộp thuế vốn đang phải gánh khoản nợ 34 ngàn tỷ USD của chính phủ.

Ông Rogers cho biết việc phân bổ ngân sách cho Ukraine sẽ được một tổng thanh tra đặc biệt kiểm toán.

Bản tin có sự đóng góp của John Haughey

Thanh Nhã biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Tags: , , ,

Comments are closed.