Thời sự Thứ Ba 12/12/2023: *Philippines triệu tập đại sứ TQ về vụ ‘quấy rối’ ở Biển Đông. *Tổng thống Ukraine tới Washington, kêu gọi viện trợ Mỹ *Cuộc điều trần làm chấn động các trường đại học Mỹ. *TQ: Trẻ em không ho vẫn bị viêm phổi, ra lệnh đeo khẩu trang trở lại


Võ Thái Hà tổng hợp


Philippines triệu tập đại sứ Trung Quốc về vụ ‘quấy rối’ ở Biển Đông 

12/12/2023- Reuters 

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc phu vòi rồng vào tàu Philippine, ngày 10/12/2023.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc phu vòi rồng vào tàu Philippine, ngày 10/12/2023. 

Hôm 12/12, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Manila để phản đối “các hành vi quấy rối liên tiếp” ở Biển Đông vào dịp cuối tuần, cùng lúc sự căng thẳng địa chính trị bấy lâu nay tiếp tục diễn ra trên tuyến đường thủy chiến lược, theo Reuters.

Manila yêu cầu Trung Quốc chỉ đạo các tàu của nước này chấm dứt những hành động mà họ cho là bất hợp pháp và các hoạt động nguy hiểm nhằm vào các tàu Philippines, đồng thời ngừng can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Philippines, Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Ma. Theresa Lazaro đã trực tiếp lên tiếng phát biểu phản đối các hành động của Trung Quốc dẫn đến va chạm cũng như phản đối việc sử dụng vòi rồng nhằm vào các tàu Philippines đang gửi hàng tiếp tế cho binh sĩ trú đóng trên một tàu chiến cũ kỹ ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas).

Bộ nói rằng: “Hành động của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là bất hợp pháp và vi phạm quyền tự do hàng hải”.

Họ cũng phản đối việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun vào 3 con tàu của Cục Thủy sản đang trên đường vận chuyển dầu và hàng tạp hóa cho ngư dân gần Bãi Cỏ Mây.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị đưa ra bình luận.

Hai nước láng giềng này đã cáo buộc nhau vào hôm 10/12 và Philippines gọi hành động của Trung Quốc là “sự leo thang nghiêm trọng”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối điều mà họ nói là một vụ va chạm hôm 10/12, nhưng Philippines nói rằng lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc liên tục phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của họ, gây ra “hư hỏng động cơ nghiêm trọng” cho một chiếc tàu và “cố ý” đâm vào một chiếc tàu khác.


Tổng thống Ukraine tới Washington, kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ 

12/12/2023 – Reuters 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gặp bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tại Washington ngày 11/12/2023.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gặp bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tại Washington ngày 11/12/2023. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 11/12 nói với các cử toạ quân sự Hoa Kỳ rằng ông hy vọng ông vẫn có thể tin tưởng vào Hoa Kỳ. Phát biểu được đưa ra khi ông Zelenskyy bắt đầu chuyến thăm quan trọng tới Washington trong bối cảnh có nhiều thắc mắc về sự hỗ trợ an ninh quan trọng của Mỹ.

“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Chúng tôi biết phải làm gì và các bạn có thể tin tưởng vào Ukraine. Và chúng tôi cũng hy vọng đủ để có thể tin tưởng vào các bạn”, ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu trước Đại học Quốc phòng Quốc gia.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Quốc hội rằng việc không gia hạn hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể khiến cuộc chiến kéo dài gần hai năm có lợi cho Nga, tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia cho phương Tây.

Ông Zelenskyy đã được mời tham dự các cuộc họp tại Toà Bạch Ốc và với các thành viên Quốc hội vào ngày 12/12. Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa của Mỹ đã nêu nghi vấn về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào đầu năm ngoái, gây ra một cuộc chiến khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng hoặc bị thương và dẫn đến cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây trong sáu thập niên.

Được hỗ trợ bởi hàng tỷ viện trợ quân sự của Mỹ cũng như tình báo Mỹ, Ukraine đã có thể chống lại nỗ lực ban đầu của Nga muốn xóa sổ Ukraine và đẩy lùi lực lượng Nga tại các thị trấn trọng điểm. Nhưng Kyiv đã thất bại trong việc xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga trong một đợt phản công lớn năm nay và Nga hiện đang tấn công ở phía đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo rằng ông Putin vẫn hy vọng đạt được chiến thắng ở Ukraine.

Ông Austin nói trong tiếng vỗ tay: “Bất chấp tội ác của mình và bất chấp sự cô lập của mình, ông Putin vẫn tin rằng ông có thể tồn tại lâu hơn Ukraine và có thể tồn tại lâu hơn Mỹ. Nhưng ông ấy đã sai”.

Ông nói thêm với ngụ ý nhắn nhủ Quốc hội Mỹ: “Các cam kết của Mỹ phải được tôn trọng.”

Quốc hội Mỹ đã chấp thuận hơn 110 tỷ đô la cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 nhưng chưa chấp nhận bất kỳ khoản tiền nào kể từ khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ vào tháng 1 năm nay.

Giám đốc ngân sách Hoa Kỳ Shalanda Young trong tuần trước nói rằng tính tới giữa tháng 11, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã sử dụng 97% trong số 62,3 tỷ đô la tài trợ bổ sung và Bộ Ngoại giao đã sử dụng toàn bộ số tiền 4,7 tỷ đô la tài trợ hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà Bộ đã được phân bổ.


Đảng Cộng Hòa Mỹ gặp phe Thủ tướng Hungary Orban tìm cách chặn viện trợ Ukraine — The Guardian

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/fhfgfd.jpg

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tỏ ra lạnh lẽo và không đón chào Tổng thống Ukraine trong dịp “chụp ảnh gia đình” của EU tháng 2/2023, quãng thời gian mà dòng vũ khí đạn dược khổng lồ được đổ vào Ukraine để chuẩn bị cho chiến dịch phản công bắt đầu vào tháng 6 sau đó. Hiện nay chiến dịch này đã kết thúc trong thất bại. (Ảnh cắt từ video) 

Sẽ có cuộc họp kín giữa Đảng Cộng hòa Mỹ với đồng minh của Thủ tướng Hungary Orban, người gần đây liên tiếp kiên trì và tuyên bố sẽ phủ quyết các viện trợ quân sự của EU cho chính quyền Kiev, để tìm cách ngừng hẳn các viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, The Guardian báo cáo.

Bên lề một sự kiện của cánh hữu, theo kế hoạch bắt đầu từ Thứ Hai 11/12 do The Heritage Foundation đứng ra tổ chức, trong đó có các bài thuyết về Ukraine và ‘Chiến tranh Văn hóa Xuyên Đại Tây Dương’, Đảng Cộng hòa, gồm cả các nghị sỹ Quốc hội, sẽ họp kín với các thành viên của Viện Quan hệ Quốc tế Hungary và người của Sứ quán Hungary ở Mỹ. Theo thông tin mà The Guardian được biết, thì nội dung gặp mặt sẽ là tìm cách chặn dòng viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev.

Cuối tháng trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, trong bức thư mà ông Orban gửi cho người đứng đầu Hội đồng Châu Âu Charles Michel, đã tuyên bố và đe dọa rằng Hungary sẽ phủ quyết tất cả những viện trợ của EU cho Ukraine cũng như tiến trình Ukraine gia nhập EU, hay các lệnh trừng phạt nào gia tăng thêm nữa lên Nga, nếu như trong cuộc họp giữa các lãnh đạo EU dự kiến vào giữa tháng 12 này không có được các cải thiện chiến lược về vấn đề Nga – Ukraine, theo Politico báo cáo hôm 22/11.

“Hội đồng Châu Âu nên đánh giá lại việc thực hiện và tính hiệu quả của các chính sách hiện tại của chúng ta đối với Ukraine, bao gồm các chương trình hỗ trợ khác nhau,” bức thư có đoạn viết, và chất vấn rằng tại sao EU lại phải theo đuổi việc viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev, nếu như Quốc hội Mỹ đã đang ngăn chặn việc này.

Ông Orban từng nhiều lần nói chính quyền Kiev là tham nhũng hàng đầu thế giới. Ông cho rằng chiến lược hiện nay của EU về chiến tranh Ukraine là có hại cho EU nói chung và cho Hungary nói riêng.

“Hội đồng châu Âu phải có cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở về tính khả thi của các mục tiêu chiến lược của EU tại Ukraine,” ông viết trong bức thư. “Chúng ta thật sự còn coi những mục tiêu này có thể đạt được trên thực tế không? Chiến lược này có bền vững nếu không còn sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ? Chúng ta có thể coi việc tiếp tục hỗ trợ từ Mỹ là điều hiển nhiên hay không? Chúng ta hình dung thế nào về kiến ​​trúc an ninh của châu Âu sau chiến tranh.”

Theo Reuters báo cáo hôm Thứ Sáu vừa qua, dẫn nguồn quan chức cao cấp của Liên minh Châu Âu EU bên lề cuộc họp thượng đỉnh của khối liên minh nay, thì EU đang tìm cách viện trợ cho Kiev kể cả khi ông Orban phủ quyết.

Theo quan chức này, nếu ông Orban kiên trì phủ quyết gói lớn – 50 tỷ euro (khoảng 54 tỷ USD) cho đến năm 2027 – thì các thành viên khác của EU sẽ tìm cách điều chuyển các gói viện trợ nhỏ hơn. Bởi vì, theo ông, chính quyền Kiev hoàn toàn dựa vào phương Tây mà tồn tại.

“Chúng tôi biết nó tồn tại như thế nào. Các lãnh đạo Châu Âu —ít nhất là 26 thành viên EU— họ sẽ giữ cam kết của mình,” quan chức này đã nói với Reuters như vậy.

EU đã viện trợ 18 tỷ euro cho Ukraine năm nay. Trong đó khoản 13 tỷ là điều mà Hungary ban đầu phủ quyết, nhưng sau đó đã phải nhượng bộ vì bị EU thỏa hiệp bằng cách gỡ bỏ phong tỏa tài chính cho Hungary.

Theo Reuters, trong cuộc họp thượng đỉnh tháng này, EU sẽ tập trung vào phương án cung cấp 5 tỷ cho Ukraine, lấy từ quỹ mang tên là Hoà bình Châu Âu, thực chất là quỹ chiến tranh của liên minh.

Sự kiện tuần này của The Heritage Foundation là nhắm chủ yếu vào vận động cho một chính quyền cánh hữu vào lần bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ. Trong hoạt động vận động này có cả sự tham gia của các đồng minh cánh hữu của nước khác ví như cánh hữu của Anh quốc, theo The Guardian báo cáo.

Phe thủ tướng Viktor Orban cũng là một trong các đồng minh cách hữu tham gia sự kiện. Hồi tháng 4, khi The Heritage Foundation tổ chức sự kiện 50 thành lập, người của chính quyền Orban cũng có tới tham gia phát biểu, ủng hộ việc cổ xúy văn hóa truyền thống, đặc biệt là truyền thống của Kitô giáo.

Nhật Tân

Tổng thống Zelensky thăm Mỹ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đến thăm Washington, DC vào thứ Ba trong nỗ lực kêu gọi phương Tây tiếp tục hỗ trợ nước ông. Ông sẽ gặp tổng thống Joe Biden, các lãnh đạo Thượng viện, và chủ tịch Hạ viện. Ông Zelensky vừa có chuyến thăm Argentina, nơi ông tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Javier Milei. Tại đây, ông Zelensky đã có cuộc trò chuyện “thẳng thắn” với Viktor Orban, lãnh đạo Hungary, để thúc giục ông không cản trở EU viện trợ thêm cho Ukraine và bắt đầu đàm phán gia nhập với nước này.

Ông Biden kỳ vọng sức hút của ông Zelensky sẽ giúp đảm bảo thỏa thuận tại Quốc hội về việc gia hạn hỗ trợ cho Ukraine (hiện đi kèm trong một gói có cả tài trợ cho Israel và Đài Loan). Tuy nhiên, các hạ nghị sĩ Cộng hòa muốn có các chính sách tị nạn cứng rắn hơn ở biên giới phía nam nước Mỹ để đổi lấy viện trợ cho Ukraine.

Chỉ một năm trước, Quốc hội đã dành cho ông Zelensky sự hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng giờ đây nguồn cung vũ khí của phương Tây đang cạn kiệt. Ukraine sẽ rất khó khăn nếu không có hỗ trợ của Mỹ và châu Âu.


Cuộc điều trần làm chấn động các trường đại học Mỹ

Một tuần sau phiên điều trần quốc hội về chủ nghĩa bài Do Thái, một số trường đại học ưu tú của Mỹ đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Từ hôm điều trần 5 tháng 12, ba hiệu trưởng – của Harvard, Đại học Pennsylvania và Viện Công nghệ Massachusetts – đã bị chỉ trích rộng rãi vì phần trả lời của mình. Hiệu trưởng của Penn đã từ chức cuối tuần qua. Vào thứ Hai theo giờ địa phương, hội đồng trường của Harvard sẽ họp và thảo luận về tương lai của hiệu trưởng của họ.

Mọi chuyện bắt đầu khi Elise Stefanik, một hạ nghị sĩ Cộng hòa, hỏi họ liệu việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm nội quy của trường học hay không. Liz Magill của Penn cho biết: “Nếu lời nói trở thành hành vi thì đó có thể là hành vi quấy rối.” Sally Kornbluth của MIT nói có “nếu [nó] nhắm vào các cá nhân.” Riêng Claudine Gay của Harvard cho biết, nó phụ thuộc “vào bối cảnh.”

“Một đi. Còn hai người nữa,” bà Stefanik nói khi bà Magill từ chức. Hiện các giáo sư Harvard đang lên tiếng ủng hộ bà Gay, người đã xin lỗi vì phát biểu của mình. Cuộc họp của hội đồng trường đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng tương lai của bà Gay sẽ là bổ sung mới vào chương trình nghị sự.

Tình hình lạm phát ở Mỹ

Lạm phát ở Mỹ đang giảm dần. Số liệu công bố hôm thứ Ba dự kiến cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 11 cao hơn khoảng 3% so với một năm trước đó, đưa tỷ lệ lạm phát đến gần hơn với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Tỷ lệ theo năm đã giảm từ mức cao nhất là 9% vào giữa năm 2022. Điều đó làm dấy lên kỳ vọng Fed đã hoàn tất tăng lãi suất và thậm chí có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau mùa xuân tới.

Song dữ liệu mới nhất có thể làm giảm không khí lạc quan đó. Áp lực giá cơ bản có thể vẫn lớn. Những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng hầu hết đã được tháo gỡ. Do đó, phần lạm phát còn lại sẽ khó giải quyết tận gốc hơn, mà chủ yếu xuất phát từ chi phí tiền lương cao và khả năng phục hồi đáng kể của tăng trưởng kinh tế. Fed có thể thận trọng với việc cắt giảm lãi suất trước khi hoàn toàn tin tưởng lạm phát đã được chế ngự.

Vận mệnh chính trị của Thủ tướng Anh Rishi Sunak trên lằn ranh

Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, đứng trước một thử thách quan trọng trên cương vị thủ tướng vào thứ Ba. Hạ viện sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu đầu tiên về Dự luật An toàn Rwanda (có tên khác là Tị nạn và Nhập cư). Năm ngoái, chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận gửi người nhập cư đến các bờ biển Anh lên những chiếc thuyền nhỏ đến Rwanda, trước khi yêu cầu tị nạn của họ được xem xét. Nhưng tháng trước Tòa Tối cao Anh đã bác bỏ kế hoạch này. Các thẩm phán tuyên bố có nguy cơ yêu cầu tị nạn sẽ bị xử lý sai và những người xin tị nạn sẽ bị đưa trở lại các nước nguy hiểm.

Dự luật mới của ông Sunak cố gắng vượt qua rào cản đó bằng cách tuyên bố Rwanda an toàn về mặt pháp lý và ngăn chặn các thách thức của tòa án. Song đảng Bảo thủ của ông chia rẽ sâu sắc về vấn đề này, và ông Sunak có thể đối mặt với những cuộc nổi dậy tiềm tàng từ cả cánh hữu và cánh trung dung của đảng. Nếu thua, quyền lực của ông sẽ tan vỡ. Tuy nhiên, hậu quả của cuộc bỏ phiếu có thể còn nghiêm trọng hơn đối với những người đến Anh bằng thuyền nhỏ.

TIN GIỜ CHÓT

Rishi Sunak suýt tránh được một cuộc nổi loạn lớn của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ cánh hữu sau khi họ bỏ phiếu trắng đối với dự luật Rwanda gây tranh cãi của ông nhưng thủ tướng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn trong năm mới. (The Guardian)


TQ: Trẻ không ho vẫn bị viêm phổi, chính quyền ra lệnh đeo khẩu trang trở lại

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/dgdeg.jpg

Gần đây, “mã y tế” đã xuất hiện ở nhiều nơi tại Trung Quốc, ít nhất 3 loại vắc-xin mới được đưa vào danh sách “sử dụng khẩn cấp”, làm dấy lên nghi ngờ rằng chính quyền một lần nữa che giấu sự thật về dịch bệnh. (Ảnh: Getty Images) 

Gần đây, tại Trung Quốc đại dịch hô hấp ở trẻ nhỏ bùng phát trên diện rộng. Nhiều trẻ bị viêm phổi mà không ho. Giới chức đã ban hành “Hướng dẫn đeo khẩu trang” vào tối ngày 9/12, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, khiến làn sóng dịch bệnh lần này trở nên vô cùng kỳ lạ.

Ngày 10/12, tờ “Nhân dân Nhật báo”, cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa tin, nhiều phụ huynh Trung Quốc đặt câu hỏi: “Trẻ không bị ho một cách rõ rệt, nhưng khi đến bệnh viện kiểm tra thì đã bị viêm phổi.”

Về vấn đề này, ông Chu Vinh Dịch, thành viên Chi nhánh Nhi khoa của Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc, kiêm phó chủ nhiệm nhi khoa tại Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Hà Nam, cho biết trong số các ca viêm phổi do mycoplasma hiện nay, một số trẻ không có triệu trứng ho rõ ràng, thậm chí không sốt.

Ông Trương Hải Lân, Chủ nhiệm Khoa Hô hấp Nhi thuộc Bệnh viện trực thuộc số 2 của Đại học Y Ôn Châu, chỉ ra rằng ho là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi và là cơ chế phòng vệ, nhưng mức độ ho ở mỗi người là khác nhau.

Ví dụ, mycoplasma thường ảnh hưởng đến các tế bào lông của biểu mô đường hô hấp, cũng giống như ho gà, do đó ho tương đối nặng. Một số bệnh viêm phổi do virus có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp nhỏ, gây ra các triệu chứng thở khò khè nổi bật hơn. Một số bệnh viêm phổi do vi khuẩn có biểu hiện viêm phế nang rõ ràng ở giai đoạn đầu, và cơn ho chỉ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian hồi phục.

Ông Trương Hải Lân cũng nhắc nhở: “Tiêu chí đáng tin cậy nhất để đánh giá bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi là khó thở, tức là nhịp thở vượt quá tiêu chuẩn dành cho lứa tuổi tương ứng. Ví dụ, trẻ dưới 12 tháng tuổi có nhịp thở vượt quá 60 lần mỗi phút, trẻ từ 2 -12 tháng tuổi vượt quá 50 nhịp mỗi phút, và trẻ từ 12 tháng đến 3 tuổi vượt quá 40 nhịp mỗi phút. Ngoài ra, trạng thái tinh thần, nhiệt độ cơ thể, có thở khò khè hay không, v.v. cũng có thể giúp phán đoán tốt hơn. Nếu cần thiết thì chụp X-quang ngực.”

Theo báo cáo của tờ The Paper ngày 7/12 của Trung Quốc, bà Lý Văn, Chủ nhiệm khoa nhi tại Bệnh viện Long Hoa Thượng Hải, bệnh viện tổng hợp cấp 3 cấp cao nhất của Trung Quốc, chỉ ra rằng so với những năm trước, các bệnh về đường hô hấp năm nay đến sớm hơn và phát triển rất âm ỉ.

Bà cũng nhận thấy, ngay cả khi một số trẻ không có triệu chứng rõ ràng như ho, nhưng sau khi chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), mới phát hiệm bị viêm phổi, nên các bác sĩ lâm sàng cần chú ý hơn đến việc chụp CT.
Giới chức Trung Quốc yêu cầu đeo khẩu trang trở lại

Ngày 30/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh đã công bố báo cáo dịch bệnh hàng tuần trên trang web của mình, từ ngày 20/11/2023 – 26/11/2023, số ca mắc bệnh truyền nhiễm ở Bắc Kinh đã vượt quá 70.000 người, tăng gấp đôi. Con số này được nhiều người cho là đã được cơ quan chức năng che giấu một cách nghiêm trọng.

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng chính thức tuyên bố có 16 bệnh truyền nhiễm đáng chú ý được báo cáo, trong đó 2 bệnh hàng đầu là cúm và COVID-19.

Theo báo cáo của VOA ngày 2/11, gần đây, các phòng khám nhi khoa của Trung Quốc phải chịu áp lực rất lớn. Ít nhất có 7 mầm bệnh lưu hành cùng lúc, gồm cúm, viêm phổi do mycoplasma, adenovirus, rhinovirus, COVID-19, virus viêm phổi kẽ ở người (metapneumovirus), và virus corona thông thường. Trong đó bệnh viêm phổi do mycoplasma là nghiêm trọng nhất.

Thật trùng hợp, khi bệnh viêm phổi không rõ nguồn gốc tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, tối ngày 9/12, tài khoản WeChat của Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra thông báo “Hướng dẫn đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng ngừa bệnh hô hấp (phiên bản 2023)”.

Thông báo yêu cầu các nhân viên dịch vụ công như nhân viên y tế, phục vụ ăn uống, vệ sinh và an ninh tại viện dưỡng lão, cơ sở phúc lợi xã hội, cơ sở giữ trẻ, trường học và các cơ sở quan trọng khác phải đeo khẩu trang khi làm việc.

Bệnh nhân hoặc những người có triệu chứng nhiễm bệnh đường hô hấp phải đeo khẩu trang N95 hoặc KN95 và các loại khẩu trang phòng chống giọt bắn khác (không có van thở) hoặc khẩu trang bảo hộ y tế. Các nhân viên khác được khuyến khích đeo khẩu trang y tế dùng một lần, hoặc khẩu trang phẫu thuật y tế.

Ngoài ra, ngày 4/12, Ủy ban Y tế Trung Quốc cũng ban hành lệnh khẩn cấp, “phải làm mọi cách có thể, khai thác nguồn lực để thực hiện các dịch vụ chẩn đoán và điều trị nhi khoa”.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành “Thông báo của Tổng cục Bộ Giáo dục về phòng, chống dịch bệnh ở trường học trong mùa đông”, yêu cầu trường học các cấp phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh vào mùa đông.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tại văn bản số 34 của Bộ Giáo dục, các quan chức ĐCSTQ đã nhắc tới từ nhạy cảm “virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19)” ít nhất 6 lần.

Theo báo cáo của APP vào ngày 1/12, Công ty TNHH Dược phẩm Sáng tạo CSPC thông báo, vắc-xin mRNA hóa trị hai cho COVID-19 do Công ty sinh học Jushi (Cự Thạch) phát triển, đã được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc phê duyệt được sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc, nhằm ngăn ngừa các bệnh do nhiễm COVID-19.

Shenzhou Cell (Tế bào Thần Châu) thông báo rằng vắc-xin protein S-Trimer biến thể COVID tái tổ hợp được phát triển độc lập của công ty này cũng được các cơ quan Trung Quốc hữu quan phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Walvax Biotechnology cũng thông báo về vắc-xin mRNA biến thể COVID (Omicron XBB.1.5) đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Theo dữ liệu do Trung Quốc cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm phổi do mycoplasma đã lây lan kể từ tháng 5. Virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus và virus cúm khiến số lượng bệnh nhân ngoại trú và nhập viện ở trẻ nhỏ tăng mạnh kể từ tháng 10.

Hiện tại, bệnh viêm phổi do mycoplasma vẫn chưa biến mất hoàn toàn ở Trung Quốc. Ngoại giới vẫn chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi bị nhiễm thêm các chủng virus khác.

Trước hàng loạt hiện tượng nêu trên ở Trung Quốc, thế giới bên ngoài không khỏi đặt câu hỏi rằng đợt dịch viêm phổi này rất có thể là sự bùng phát trở lại của biến thể COVID-19, nhưng ĐCSTQ một lần nữa lại có dấu hiệu che giấu.

Bình Minh 


Miến Điện: Trung Quốc làm trung gian đàm phán giữa tập đoàn quân sự và lực lượng nổi dậy

Trọng Thành /RFI

12/12/2023

Tập đoàn quân sự Miến Điện và liên minh ba lực lượng nổi dậy miền đông bắc bắt đầu đàm phán nhằm tìm một ‘‘giải pháp chính trị’’ cho xung đột qua trung gian của Trung Quốc. Trên đây là thông báo của phát ngôn viên tập đoàn quân sự hôm qua, 11/12/2023. Cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng xác nhận thông tin này 

Ảnh do truyền thông của phiến quân phổ biến: Quân nổi dậy kiểm tra vũ khí thu được từ quân đội chính phủ Miến Điện tại một địa điểm ở bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023.

Ảnh do truyền thông của phiến quân phổ biến: Quân nổi dậy kiểm tra vũ khí thu được từ quân đội chính phủ Miến Điện tại một địa điểm ở bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023. AP 

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn quân sự, tướng Zaw Min Tun, phát biểu trên truyền hình, cho biết là đã tiếp xúc với đại diện cả ba lực lượng thuộc liên minh ‘‘Three Brotherhood’’ và ‘‘một cuộc đàm phán khác sẽ được tổ chức vào cuối tháng này’’. Phát ngôn viên tập đoàn quân sự nhấn mạnh là đàm phán được tổ chức với sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh khẳng định ‘‘tin tưởng việc xuống thang ở miền bắc Miến Điện là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên và sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Trung Quốc-Miến Điện’’. Ông thông báo Trung Quốc ‘‘sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ’’ để các đàm phán đạt được ‘‘kết quả tích cực’’. 

Liên minh lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông báo

Hiện tại, liên minh ba lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông tin chính thức về cuộc đàm phán nói trên, theo hãng tin Mỹ AP. Nhà quan sát Ye Myo Hein, Trung tâm Wilson và Viện Hòa bình Mỹ, được The Diplomat hôm nay dẫn lại, cho biết do có sự ‘‘can thiệp của Trung Quốc’’,  Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA), thuộc sắc tộc Kokang, một trong ba lực lượng nổi dậy, đã chấp nhận ‘‘ngừng bắn tạm thời với quân đội chính phủ ở Kokang (khu tự trị thuộc bang Shan) cho đến ngày 30/12’’. Chuyên gia này cho biết thêm, dù đã có “các cuộc đàm phán gần đây với quân đội Miến Điện tại Trung Quốc”, hai lực lượng nổi dậy còn lại (TNLA – Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang và AA – Quân đội Arakan) vẫn tiếp tục chiến đấu.

Theo giới quan sát, liên minh ba lực lượng nổi dậy đã mở chiến dịch quân sự từ ngày 27/10, gây khó khăn chưa từng có cho tập đoàn quân sự Miến Điện kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021. Phe nổi dậy cho biết đã chiếm được hơn 200 đồn bốt, và 4 cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc. Theo nhà báo Sebastian Strangio chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, tranh thủ thời gian hưu chiến, tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ ‘‘tập hợp lực lượng bảo vệ một số khu vực tại bang Shan hiện còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ và có thể chuẩn bị cho cuộc phản công mang tính chất quyết định chống lại liên minh ba lực lượng nổi dậy’’.


Ba Lan: Phe đối lập dân chủ lập tân chính phủ với Donald Tusk làm thủ tướng

Donald Tusk

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, 

Thủ tướng tân cử Donald Tusk sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 13/12

8 giờ trước

Sau vài tuần trì hoãn không trao quyền dù thiếu phiếu nghị sĩ để tiếp tục cầm quyền, đảng Pháp luật và Công lý (PiS) ở Ba Lan đã thất bại, và Quốc hội nước này vừa bầu ra tân chính phủ thuộc liên minh đối lập dân chủ trung tả.

Ông Donald Tusk, người từng làm thủ tướng Ba Lan giai đoạn 2007-2014, một lần nữa trở thành người đứng ra lập tân nội các sau khi các đảng thuộc liên minh của ông thắng phiếu trong bầu cử tháng 10 vừa qua.

Dù được tổng thống đề cử ra lập tân chính phủ nhiệm kỳ hai, đương kim thủ tướng, ông Mateusz Morawiecki (PiS) không được Hạ viện Ba Lan tín nhiệm đêm thứ Hai 11/12.

Các báo Ba Lan đồng loạt đăng tin “Nội các Morawiecki sụp đổ, Quốc hội bổ nhiệm Tusk làm thủ tướng”.

Theo hiến pháp Ba Lan, Quốc hội giành lại quyền bổ nhiệm tân thủ tướng từ tay tổng thống và liên minh của ông Tusk, chiếm đa phiếu ghế nghị sĩ, đã trao quyền đó cho ông bằng cuộc bỏ phiếu hôm qua, giờ Trung Âu.

Nghị sĩ từ liên minh các đảng dân chủ và trung tả của ông Donald Tusk và các ông Wladyslaw Kosniak-Kamysz và Szymon Holownia đã chiếm đã cùng nhau hát quốc ca Ba Lan trong nghị trường khi ông Tusk chính thức được đề cử làm thủ tướng.

Tổng thống Andrzei Duda (cựu đảng viên PiS) sẽ phải chấp nhận làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho nội các của Donald Tusk vào thứ Tư tuần này ở Warsaw.

Như thế, sau tám năm cầm quyền gây nhiều điều tiếng, đảng PiS theo xu hướng bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa và thường xuyên xung khắc với EU, sẽ mất quyền.

Ông Tusk cam kết sẽ hợp tác với lãnh đạo EU để mở ngân khoản 36 tỷ euro dành cho Ba Lan vốn bị EU ách lại vì cho rằng chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ trước không đảm bảo nguyên tắc pháp quyền trong ngành tư pháp.

Tusk

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Tusk chủ trương hàn gắn với EU

Chính sách với Nga và Ukraine

Về xu hướng chính trị, Ba Lan trong nhiệm kỳ của tân chính phủ sẽ giữ vững tinh thần ủng hộ Ukraine.

Tuy thế, có dấu hiệu rằng họ không chấp nhận việc Ba Lan trợ giúp cho Ukraine tới mức gây hại cho công dân và kinh tế nước mình.

Tân Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosniak-Kamysz khi còn là nghị sĩ đối lập đã phát biểu hồi tháng 9, ủng hộ việc cấm toàn bộ người Nga vào EU.

Ông cho rằng việc không cấp visa cho tất cả công dân Nga vào EU (gồm có Ba Lan), quả là hành động “trừng phạt tập thể”, nhưng vẫn phải làm thế để gửi ra cho xã hội Nga tín hiệu rõ ràng về thái độ của châu Âu.

Cùng lúc, ông ủng hộ các tài xế xe tải Ba Lan biểu tình, chặn xe chở hàng từ Ukraine ở biên giới. Họ chống lại việc “dịch vụ vận tải Ukraine phá giá thị trường”.

Trong số các chính trị gia kỳ cựu nay trở lại nắm quyền có ông Radek Sikorski, cựu bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao, nay trở lại nắm bộ ngoại giao ở tuổi 60.

Từng sang Afghanistan tham gia chiến đấu chống quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, ông Sikorski học ở Anh và có vợ là nhà báo Mỹ Anne Applebaum, một tác giả nổi tiếng về địa chính trị khu vực “cận biên” hậu Liên Xô giữa các nước Đông Âu, Baltic và Nga.

Hồi tháng 11 năm 2022, bà Applebaum bị Kremlin đưa vào danh sách 200 người “bị trừng phạt, cấm nhập cảnh vì thái độ bài Nga”.

Thế hệ trẻ nắm quyền ở Ba Lan

Nhìn chung, ngoài ông Donald Tusk đã 63 tuổi, cuộc bầu cử lần này đưa vào Nghị viện và chính phủ Ba Lan nhiều chính trị gia khá trẻ.

Tân Chủ tịch Hạ viện Szymon Holownia năm nay 47 tuổi.

Tân Bộ trưởng chuyên về quan hệ với EU, một vị trí chủ chốt cho Ba Lan, là ông Adam Szlapka, năm nay 39 tuổi.

Phó thủ tướng Wladyslaw Kosniak-Kamysz năm nay 42 tuổi, một phó thủ tướng khác, ông Krzysztof Gawkowski, kiêm chức Bộ trưởng Kỹ thuật số năm nay mới 43 tuổi. Bộ trưởng Nội vụ Marcin Kierwinski hiện 47 tuổi và Bộ trưởng Tư pháp Adam Bodnar 46 tuổi. Về phía nữ cũng vậy, bà Paulina Hennig-Kloska, tân Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường, 46 tuổi, bà Agnieszka Dziemianowicz-Bąk, bộ trưởng Gia đình và Chính sách Xã hội, mới 39 tuổi.

Họ thuộc thế hệ Ba Lan trưởng thành và vào chính trường hoàn toàn trong thời kỳ dân chủ sau khi hệ thống XHCN ở Ba Lan giải tán năm 1989.


Tags: , , , ,

Comments are closed.