Thời sự Thứ Hai 18/3/2024: *Khai mạc Hội Nghị Cao Cấp Dân Chủ lần ba ở Hàn Quốc *Liên Âu bàn cấp đạn dược cho Ukraina *SpaceX xây mạng lưới vệ tinh gián điệp cho tình báo Mỹ *Putin tái đắc cử tổng thống Nga, Trung Quốc chúc mừng, phương Tây lên án! *Ngoại trưởng TQ công du New Zealand *


Võ Thái Hà tổng hợp


Khai mạc Hội Nghị Cấp Cao về Dân Chủ lần thứ ba ở Hàn Quốc

Phan Minh /RFI

18/3/2024

Hội Nghị Cấp Cao về Dân Chủ (Summit For Democracy) lần thứ ba chính thức mở ra hôm nay 18/03/2024 tại Seoul, Hàn Quốc. Hội nghị diễn ra trong vòng 3 ngày quy tụ các tổ chức phi chính phủ, các quan chức chính phủ từ hơn 100 quốc gia thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng, trong đó có sự phát triển vượt tầm kiểm soát của công nghệ mới. 

U.S. Secretary of State Antony Blinken and South Korean Foreign Minister Cho Tae-yul pose for a photo during a lunch meeting at the Foreign Ministry in Seoul, South Korea, Monday, March 18, 2024.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và đồng nhiệm Hàn Quốc Cho Tae-yul chụp ảnh chung tại bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/03/2024. via REUTERS – Ahn Young-joon 

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết cụ thể :

Những mối đe dọa do công nghệ mới gây ra cho các nền dân chủ là chủ đề trọng tâm của hội nghị cấp cao khai mạc hôm nay tại Hàn Quốc. Với cuộc bầu cử lập pháp diễn ra vào ngày 10/04 tới, trong đó có nguy cơ Bắc Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công mạng, những mối đe dọa này là chủ đề mang tính thời sự trên bán đảo Triều Tiên.

Bóp méo thông tin và sử dụng trí thông minh nhân tạo nằm trong số những chủ đề được thảo luận trong ngày họp đầu tiên, với sự hiện diện đáng chú ý của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Chuyến thăm Hàn Quốc chớp nhoáng của ông Blinken trước khi tới Philippines là một hình thức ‘chuyển giao trách nhiệm’ cho tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người nhận quyền chủ trì hội nghị cấp cao lần thứ ba về dân chủ sau hai lần được tổ chức dưới sự chủ trì của Washington.

Quyết định này gây tranh cãi ở Hàn Quốc, khi tổng thống Yoon đang bị chỉ trích trong nước vì tấn công quyền tự do ngôn luận, truyền thông và quyền bình đẳng giới. Xứ sở kim chi thậm chí còn đang trong tình trạng “dân chủ thụt lùi”, theo báo cáo gần đây về dân chủ của viện V-DEM tại đại học Goteborg.

Nhưng sáng kiến chung về hội nghị cấp cao này cũng bị chỉ trích, bởi đáng chú ý là danh sách khách mời không bao gồm những quốc gia tự coi mình là các nền dân chủ như Thái Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Bắc Triều Tiên hôm nay đã bắn nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn, mà theo các nhà phân tích, nhằm thu hút sự chú ý, trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ Blinken có mặt tại Hàn Quốc để dự thượng đỉnh về dân chủ.


Liên Âu bàn cấp đạn dược cho Ukraina và trừng phạt các khu Israel chiếm đóng ở Cisjordanie

Thùy Dương /RFI

18/3/2024

Ngoại trưởng của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm nay 18/03/2024 họp tại Bruxelles, Bỉ, vài ngày trước khi thượng đỉnh Liên Âu dự kiến diễn ra ngày thứ Năm 21/03. Trong chương trình nghị sự, các ngoại trưởng của Liên Âu thảo luận việc cấp đạn dược như đã hứa cho Ukraina, cũng như các biện pháp trừng phạt nhắm vào các khu mà Israel chiếm đóng, định cư ở Cisjordanie có những hành vi bạo lực chống người Palestine. 

European Union Foreign Policy Chief Josep Borrell arrives for a meeting of European Union foreign ministers in Brussels, Belgium February 19, 2024.

Hình tư liệu: Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, tại cuộc họp các ngoại trưởng EU, Bruxelles, ngày 19/02/2024. REUTERS – YVES HERMAN 

Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota cho biết chi tiết :

« Cuộc họp của các ngoại trưởng bắt đầu bằng một cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Trước tiên là về cuộc chiến ở Ukraina. Hồi tháng trước, Liên Âu đã không đạt được thỏa thuận về khoản tài chính mới nào để viện trợ vũ khí cho Kiev. Ngành quốc phòng châu Âu cũng không thể thực hiện được cam kết về số đạn dược cung cấp cho chiến binh Ukraina đối phó với quân Nga.

Một chủ đề thảo luận khác là về Trung Đông, với tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi ở dải Gaza. Theo một quan chức cấp cao, Liên Hiệp Châu Âu hôm nay thứ Hai sẽ công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào những những người Israel tại các khu chiếm đóng ở Cisjordanie. Họ bị các buộc có hành vi bạo lực chống người Palestine.

Các ngoại trưởng của Liên Âu cũng sẽ có một « cuộc thảo luận sơ bộ » về khả năng đình chỉ thỏa thuận liên kết với Israel, theo đề xuất của Tây Ban Nha và Ireland. Thỏa thuận này vốn dĩ cho phép Liên Âu trao đổi thương mại với Israel ».


Tối cao Pháp viện Mỹ: Các quan chức đôi khi có thể bị kiện vì chặn các chỉ trích trên mạng xã hội 

16/03/2024 – AP 

Mặt tiền tòa nhà của Tối cao Pháp viện Mỹ ở thủ đô Washington.

Mặt tiền tòa nhà của Tối cao Pháp viện Mỹ ở thủ đô Washington. 

Tối cao Pháp viện Mỹ đồng nhất ra phán quyết hôm thứ Sáu 15/3 quy định các quan chức nhà nước đôi khi có thể bị kiện vì chặn (block) những người chỉ trích họ trên mạng xã hội. Đây là vấn đề ban đầu đã nảy sinh liên quan đến Tổng thống Donald Trump trong thời gian trước đây và vụ việc đã được chuyển đến tòa tối cao.

Thẩm phán Amy Coney Barrett nêu rõ rằng các quan chức sử dụng tài khoản cá nhân để đưa ra các tuyên bố chính thức có thể không được tự do xóa các bình luận về những tuyên bố đó hoặc chặn hoàn toàn những người chỉ trích.

Mặt khác, bà Barrett viết trong phán quyết: “Các quan chức nhà nước có cuộc sống riêng tư và các quyền hiến định của riêng họ”.

Tòa án đã ra phán quyết nêu trên về hai vụ kiện của những người bị chặn sau khi đưa ra những lời chỉ trích trên các tài khoản mạng xã hội của các thành viên hội đồng trường học ở Nam California và một viên quản lý thành phố ở Port Huron, Michigan, phía đông bắc Detroit. Những vụ này tương tự như vụ việc liên quan đến ông Trump và quyết định của ông ấy chặn những người chỉ trích khỏi tài khoản cá nhân của ông trên Twitter, giờ đây có tên là X. Các thẩm phán đã bác vụ này sau khi ông Trump rời chức vụ vào tháng 1/2021.

Các vụ kiện buộc tòa án phải xử lý giữa một bên là các quyền tự do ngôn luận của các quan chức nhà nước còn bên kia là các quyền đó của cử tri, tất cả đều diễn ra trong một thế giới ảo đang phát triển nhanh chóng. Những vụ kể trên nằm trong số 5 vụ kiện có yếu tố mạng xã hội được tòa án ghi vào nhóm hồ sơ cần giải quyết trong nhiệm kỳ này.

Bà Barrett đưa ra ý kiến: “Khi một quan chức của chính quyền đăng bài về các chủ đề liên quan đến công việc trên mạng xã hội, rất khó để biết lời phát biểu đó là chính thức hay riêng tư”.

Vẫn bà Barrett viết trong phán quyết rằng các quan chức phải có thẩm quyền phát biểu thay mặt các cấp chính quyền của họ và có ý định sử dụng thẩm quyền đó để các bài đăng của họ về cơ bản được coi là các bài của chính phủ. Trong những trường hợp như vậy, họ phải cho phép mọi người chỉ trích, nếu không, họ có nguy cơ bị kiện, bà viết.


SpaceX của Elon Musk đang xây dựng mạng lưới vệ tinh gián điệp cho tình báo Mỹ 

17/03/2024 

Reuters 

Tàu vũ trụ Starship của SpaceX được phóng lên từ Starbase ở Boca Chica, Texas, ngày 14 tháng 3 năm 2024. (Ảnh tư liệu).

Tàu vũ trụ Starship của SpaceX được phóng lên từ Starbase ở Boca Chica, Texas, ngày 14 tháng 3 năm 2024. (Ảnh tư liệu). 

SpaceX đang xây dựng một mạng lưới hàng trăm vệ tinh do thám theo một hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ, 5 nguồn tin quen thuộc với chương trình này cho biết, điều này thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa công ty vũ trụ của nhà doanh nghiệp tỷ phú Elon Musk và các cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Các nguồn tin cho biết mạng này đang được đơn vị kinh doanh Starshield của SpaceX xây dựng theo hợp đồng trị giá 1,8 tỷ đôla được ký vào năm 2021 với Cục Trinh sát Quốc gia (NRO), một cơ quan tình báo quản lý các vệ tinh gián điệp.

Các kế hoạch này cho thấy mức độ tham gia của SpaceX vào các dự án tình báo và quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy Lầu Năm Góc đầu tư sâu hơn của vào các hệ thống vệ tinh bay ở tầm thấp của trái đất để hỗ trợ cho các lực lượng trên mặt đất.

Các nguồn tin cho biết nếu thành công, chương trình này sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chính phủ và quân đội Mỹ trong việc nhanh chóng phát hiện các mục tiêu tiềm tàng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Các nguồn tin nói rằng hợp đồng này báo hiệu sự tin tưởng ngày càng tăng của cộng đồng tình báo đối với một công ty có chủ sở hữu đã từng xung đột với chính quyền Biden và gây ra tranh cãi về việc sử dụng kết nối vệ tinh Starlink trong cuộc chiến Ukraine.

Wall Street Journal hồi tháng 2 đưa tin về một hợp đồng Starshield tuyệt mật trị giá 1,8 tỷ đôla với một cơ quan tình báo không xác định mà không nêu chi tiết mục đích của chương trình.

Reuters lần đầu tiên loan tin SpaceX dành được hợp đồng xây dựng một hệ thống gián điệp rất mạnh mới với hàng trăm vệ tinh có khả năng chụp ảnh trái đất, có thể hoạt động như một bầy đàn ở quỹ đạo thấp và cơ quan gián điệp mà công ty của ông Musk đang hợp tác là Cục Trinh sát Quốc gia (NRO).

Reuters không thể xác định khi nào mạng lưới vệ tinh mới sẽ hoạt động và không thể xác định những công ty nào khác tham gia chương trình với các hợp đồng riêng của họ.

SpaceX, nhà khai thác vệ tinh lớn nhất thế giới, không trả lời một số yêu cầu bình luận về hợp đồng, vai trò của họ trong hợp đồng và thông tin chi tiết về các vụ phóng vệ tinh. Lầu Năm Góc đã chuyển yêu cầu bình luận tới NRO và SpaceX.

Trong một tuyên bố, NRO thừa nhận sứ mệnh phát triển một hệ thống vệ tinh tinh vi và quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ, công ty, tổ chức nghiên cứu và quốc gia khác, nhưng từ chối bình luận về phát hiện của Reuters về mức độ tham gia của SpaceX vào nỗ lực này.

Người phát ngôn cho biết: “Cục Trinh sát Quốc gia đang phát triển hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian có khả năng, đa dạng và linh hoạt nhất mà thế giới từng thấy”.

Các nguồn tin cho biết, các vệ tinh có thể theo dõi các mục tiêu trên mặt đất và chia sẻ dữ liệu đó với các quan chức quân sự và tình báo Hoa Kỳ. Về nguyên tắc, điều đó sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng ghi lại hình ảnh liên tục về các hoạt động trên mặt đất ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, hỗ trợ các hoạt động tình báo và quân sự.

Ba nguồn tin cho biết khoảng một chục nguyên mẫu đã được phóng lên không gian kể từ năm 2020, cùng với các vệ tinh khác bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Cơ sở dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ về các vật thể trên quỹ đạo cho thấy một số sứ mệnh của SpaceX đã triển khai các vệ tinh mà cả công ty này lẫn chính phủ đều chưa từng thừa nhận. Hai nguồn tin đã xác nhận đó là nguyên mẫu của mạng Starshield.

Tất cả các nguồn tin đếu yêu cầu giấu tên vì họ không được phép thảo luận về chương trình của chính phủ Hoa Kỳ.

Lầu Năm Góc, vốn là một khách hàng lớn của SpaceX, sử dụng tên lửa Falcon 9 để phóng các thiết bị quân sự lên vũ trụ. Một trong những nguồn tin cho biết vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của Starshield được phóng vào năm 2020 là một phần của một hợp đồng riêng trị giá khoảng 200 triệu đôla đã giúp SpaceX giành được hợp đồng 1,8 tỷ đôla sau đó.

Mạng Starshield tách biệt với Starlink, nhóm băng thông rộng thương mại đang phát triển của SpaceX có khoảng 5.500 vệ tinh trong không gian để cung cấp Internet gần như toàn cầu cho người tiêu dùng, công ty và cơ quan chính phủ.

Chương trình bí mật chòm vệ tinh gián điệp là một trong những khả năng được chính phủ Hoa Kỳ muốn có nhất trong không gian vì nó được thiết kế để cung cấp phạm vi bao phủ liên tục, rộng khắp và nhanh chóng nhất của các hoạt động trên trái đất.

“Không ai có thể che giấu gì được”, một trong những nguồn tin nói về khả năng tiềm tàng của hệ thống khi mô tả phạm vi tiếp cận của mạng.

Ông Elson Musk, cũng là người sáng lập và giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla và chủ sở hữu của công ty truyền thông xã hội X, đã thúc đẩy sự đổi mới trong không gian nhưng cũng gây ra sự thất vọng đối với một số quan chức trong chính quyền Biden về việc kiểm soát Starlink ở Ukraine, nơi quân đội Kyiv sử dụng nó để liên lạc trong cuộc chiến với Nga. Quyền kiểm soát và sử dụng Starlink trong vùng chiến sự thuộc về ông Musk chứ không phải quân đội Hoa Kỳ đã tạo ra căng thẳng giữa ông và chính phủ Hoa Kỳ.

Mạng lưới Starshield này là một phần của việc tăng cường cạnh tranh giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc quân sự thống trị trong không gian, một phần bằng cách mở rộng các hệ thống vệ tinh do thám thay cho các tàu vũ trụ cồng kềnh, đắt tiền ở quỹ đạo cao hơn. Thay vào đó, một mạng lưới rộng lớn, có quỹ đạo thấp có thể cung cấp hình ảnh Trái đất nhanh hơn và gần như liên tục.

Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng các chòm vệ tinh của riêng mình và Lầu Năm Góc đã cảnh báo về các mối đe dọa vũ khí không gian từ Nga, vốn có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới vệ tinh.

Starshield nhằm mục đích được xây dựng kiên cố hơn trước các cuộc tấn công từ các lực lượng không gian phức tạp.

Mạng lưới này cũng nhằm mục đích mở rộng đáng kể khả năng viễn thám của chính phủ Hoa Kỳ và sẽ bao gồm các vệ tinh lớn có cảm biến hình ảnh, cũng như một số lượng lớn hơn các vệ tinh chuyển tiếp truyền dữ liệu hình ảnh và các thông tin liên lạc khác trên mạng bằng cách sử dụng tia laser giữa các vệ tinh, hai trong số các nguồn tin cho biết.

NRO bao gồm nhân viên của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ và CIA và cung cấp hình ảnh vệ tinh mật cho Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo khác.

Ba nguồn tin cho biết các vệ tinh do thám sẽ chứa các cảm biến do một công ty khác cung cấp.


Ukraine bắn hạ 17 trong số 22 drone của Nga 

18/03/2024 – Reuters 

Hình ảnh của quân Nga tung ra cho thấy xe tăng Ukraine bị trúng đạn từ máy bay không người lái

Hình ảnh của quân Nga tung ra cho thấy xe tăng Ukraine bị trúng đạn từ máy bay không người lái 

Hệ thống phòng không Ukraine đã bắn hạ 17 trong số 22 máy bay không người lái (drone) của Nga trên 9 vùng của Ukraine trong cuộc không kích khiến một tòa nhà dân cư bị cháy vào đầu giờ ngày 18/3, các quan chức cho biết.

Không có thương vong được báo cáo từ vụ cháy ở thành phố trung tâm Kryvyi Rih, nơi các lực lượng cứu hộ có thể sơ tán người dân và vô hiệu hóa hỏa lực của máy bay không người lái trước khi nó nổ tung, giới chức địa phương cho biết.
Tại khu vực trung tâm Kirovohrad, vụ không kích đã làm hư hại các cơ sở công nghiệp tư nhân và các tòa căn hộ gần đó, nhưng không ai bị thương, Thống đốc Kirovohrad, ông Andriy Raykovych, viết trên Telegram.
Nga cũng đã phóng bảy rốc két vào các mục tiêu ở Ukraine trong đêm, không quân Nga cho biết trong một tuyên bố trên Telegram.
Một cuộc không kích bằng tên lửa trong đêm vào khu vực đông Kharkiv đã làm hư hại một trạm cứu hỏa và làm một người bị thương, cơ quan cứu hộ khẩn cấp nhà nước cho biết.
Hiện chưa rõ điều gì đã xảy ra với các tên lửa và máy bay không người lái không bị phá hủy.


Quân đội Israel lại tấn công bệnh viện Al Shifa 

18/03/2024 – Reuters 

Al Shifa là bệnh viện lớn nhất ở dải Gaza

Al Shifa là bệnh viện lớn nhất ở dải Gaza 

Quân đội Israel đã đột kích vào Bệnh viện Al Shifa ở dải Gaza vào sáng sớm ngày 18/3 trong chiến dịch mà giới chức y tế Palestine cáo buộc gây ra nhiều thương vong và khiến một trong các khối nhà bị cháy dữ dội.
Quân đội Israel cho biết lính của họ đã tiến hành một ‘chiến dịch chính xác’ dựa trên thông tin tình báo cho biết bệnh viện này đang được các lãnh đạo Hamas cấp cao sử dụng, và họ đã bị bắn khi tiến vào bệnh viện.
Al Shifa, bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza trước chiến tranh, hiện là cơ sở y tế duy nhất thậm chí chỉ còn hoạt động cầm chừng ở phía bắc khu vực và cũng là nơi trú ẩn của hàng trăm thường dân mất nhà cửa.
“Đột nhiên, chúng tôi bắt đầu nghe thấy những tiếng nổ, vài tiếng bom, và liền sau đó xe tăng bắt đầu lăn bánh, chúng đến từ đường phía tây và chạy hướng về Al Shifa, sau đó tiếng súng và tiếng nổ càng dồn dập,” ông Mohammad Ali, 32 tuổi, cha của hai đứa con và sống cách bệnh viện khoảng một km, nói với Reuters qua một ứng dụng hội thoại.
“Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng có vẻ thành phố Gaza đang bị tái chiếm,” ông nói thêm và cho biết các hoạt động quân sự bắt đầu vào khoảng 1:00 sáng.
Bộ Y tế của Gaza do Hamas nắm cho biết đã xảy ra cháy tại cổng vào bệnh viện, khiến một số phụ nữ và trẻ em di tản đang trú ẩn trong bệnh viện bị ngạt. Họ cho biết thông tin liên lạc đã bị cắt đứt và có người đang mắc kẹt trong khu phẫu thuật và cấp cứu trong một tòa nhà.
“Có thương vong, trong đó có người chết và bị thương, và không thể cứu được ai do mức độ cháy dữ dội và bất cứ ai đến gần cửa sổ đều bị nhắm bắn,” cơ quan này cho biết.
Quân đội Israel đã rải truyền đơn mới xung quanh bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza.
“Tất cả những ai đang ở Rimal hay phải di tản đến đó và những ai trú ẩn ở Al Shifa và khu vực lân cận: quý vị đang trong vùng chiến sự nguy hiểm. Quân đội Israel đang hoạt động mạnh mẽ trong các khu dân cư ở những khu vực này để phá hủy cơ sở hạ tầng khủng bố,” truyền đơn ghi và yêu cầu người dân đi theo con đường ven biển về phía Al-Mawasi ở phía nam Dải Gaza.
Quân đội Israel đã công bố hình ảnh chiến dịch được quay bằng máy bay không người lái mà họ nói cho thấy binh sỹ của họ bị nã súng từ một số tòa nhà trong bệnh viện. Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội dường như cho thấy một xe tăng Israel chặn cổng chính của Al Shifa.
Quân đội Israel cho biết binh lính của họ đã được hướng dẫn về tầm quan trọng của việc hành động thận trọng cũng như có các biện pháp để tránh gây tổn hại cho bệnh nhân, dân thường, nhân viên và thiết bị y tế, đồng thời cho biết bệnh nhân không được yêu cầu sơ tán.
Hamas ra tuyên bố nói rằng quân Israel đã phạm một tội ác mới khi nhắm thẳng vào bệnh viện mà không quan tâm đến bệnh nhân, nhân viên y tế hoặc những người trú ẩn bên trong.


Ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga 

18/03/2024 – Reuters 

Ông Vladimir Putin bỏ phiếu trực tuyến.

Ông Vladimir Putin bỏ phiếu trực tuyến. 

Ông Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga với 87,97% số phiếu bầu, theo kết quả chính thức đầu tiên được công bố hôm 17/3 sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.

Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 17/3 nói rằng cuộc bầu cử ở Nga “rõ ràng là không tự do và công bằng” vì Tổng thống Vladimir Putin đã bỏ tù các đối thủ và ngăn cản những người khác ra tranh cử.

Ông Putin, 71 tuổi và đã nắm quyền hơn hai thập kỷ, hiện sẽ có thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Trước đó, Reuters đưa tin, ông Putin sẵn sàng siết chặt quyền lực hôm 17/3 trong cuộc bầu cử ở Nga, vốn chắc chắn sẽ mang lại cho ông chiến thắng vang dội, mặc dù hàng nghìn người phản đối đã tổ chức một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng vào buổi trưa tại các điểm bỏ phiếu.

Ông Putin, người lên nắm quyền vào năm 1999, dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ 6 năm nữa, giúp ông có thể vượt qua ông Josef Stalin và trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm.

Cuộc bầu cử diễn ra chỉ hơn hai năm kể từ khi ông Putin tiến hành cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến II bằng cách ra lệnh xâm lược Ukraine. Ông gọi nó là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Chiến tranh đã phủ bóng lên cuộc bầu cử kéo dài ba ngày: Ukraine đã liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu ở Nga, pháo kích các khu vực của Nga và tìm cách xuyên qua biên giới Nga bằng các lực lượng ủy nhiệm – một động thái mà ông Putin nói sẽ không để yên.

Trong khi khả năng tái đắc cử của ông Putin là điều không thể nghi ngờ nhờ sự kiểm soát của ông đối với nước Nga và không có bất kỳ đối thủ thực sự nào, cựu điệp viên KGB muốn chứng tỏ rằng ông nhận được sự ủng hộ đông đảo của người Nga. Vài giờ trước khi các cuộc bỏ phiếu đóng cửa vào buổi chiều, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc đã vượt qua mức 67,5% của năm 2018.

Những người ủng hộ nhân vật đối lập Alexei Navalny, người đã chết trong một nhà tù ở Bắc Cực vào tháng trước, đã kêu gọi người Nga tham gia cuộc biểu tình gọi là “Buổi trưa chống lại Putin” để thể hiện sự bất đồng quan điểm của họ đối với một nhà lãnh đạo mà họ cho là một kẻ chuyên quyền tham nhũng.

Không có con số độc lập nào về việc có bao nhiêu trong số 114 triệu cử tri Nga đã tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập, trong bối cảnh an ninh hết sức chặt chẽ với sự tham gia của hàng chục nghìn cảnh sát và quan chức an ninh.

Các nhà báo của Reuters chứng kiến sự gia tăng dòng cử tri, đặc biệt là những người trẻ tuổi, vào buổi trưa tại một số điểm bỏ phiếu ở Moscow, St Petersburg và Yekaterinburg, với hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người, xếp hàng.

Một số người cho biết họ đang biểu tình dù có rất ít dấu hiệu bên ngoài để phân biệt họ với cử tri bình thường.

Khi vợ góa của ông Navalny, bà Yulia, xuất hiện tại đại sứ quán Nga ở Berlin, nơi người Nga đang chờ bỏ phiếu, một số người đã cổ vũ bà và hô vang “Yulia, Yulia”.

Những người sống lưu vong vốn ủng hộ ông Navalny đã phát sóng các đoạn phim về các cuộc biểu tình ở Nga và nước ngoài trên YouTube.


Bầu cử tổng thống Nga : Trung Quốc chúc mừng Putin, phương Tây lên án

Thanh Hà /RFI

18/3/2024

Sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Nga, ngày 18/03/2024 Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran gửi điện chúc mừng tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử. Trong khi đó, phương Tây ghi nhận một cuộc bầu cử « không tự do, không công bằng và phi dân chủ ». Tổng thống Ukraina nói đến một Putin « say sưa với quyền lực muốn trị vì đến mãn đời ». 

Russian President Vladimir Putin speaks with Chinese President Xi Jinping during a welcoming ceremony at the Belt and Road Forum in Beijing, China, October 17, 2023.

Ảnh tư liệu: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự Diễn đàn “Một vành đai một con đường”, Bắc Kinh, ngày 17/10/2023. © Sputnik / Reuters 

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp « ghi nhận » bầu cử tổng thống Nga đã diễn ra trong bối cảnh « một lần nữa » những « điều kiện của một cuộc bầu cử tự do, đa nguyên và dân chủ » không được chính quyền Matxcơva bảo đảm. Luân Đôn nhấn mạnh đến một cuộc tuyển cử « không công bằng ». Ba Lan, Litva xem kết quả bầu cử của Nga là « bất hợp pháp » khi mà Vladimir Putin là ứng viên duy nhất, ba đối thủ còn lại chỉ là « bù nhìn ». Đức và Liên Hiệp Quốc xoáy vào kết quả bầu tổng thống Nga tại các vùng thuộc về Ukraina bị Nga chiếm đóng là « bất hợp pháp ». Còn tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói đến một Vladimir Putin « sau sưa với quyền lực và muốn trị vì mãn đời » do vậy « trò hề dân chủ » Matxcơva đang dựng nên « không có tính chính đáng ».

Trái lại từ Iran đến Bắc Triều Tiên và nhất là Trung Quốc đều gửi điện chúc mừng Vladimir Putin tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ năm. Bình Nhưỡng và Teheran ca ngợi một thắng lợi vững chắc. Trong lúc Trung Quốc tin tưởng quan hệ song phương sẽ « tiếp tục được phát triển » trong những năm sắp tới. Thông tín viên RFI từ Bắc Kinh, Stéphane Lagarde tường thuật :

« Thắng lợi của Vladimir Putin sau cuộc bầu cử tại Nga là chủ đề được nhắc đến trên tất cả các màn hình tivi Nhà nước và cũng được bình luận rất nhiều trên các mạng xã hội ở Trung Quốc sáng nay. Trong bối cảnh các mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ, thì đã có rất nhiều những thông điệp chúc mừng tổng thống Nga. Tương tự như là trên mạng xã hội của người từng là cây bút xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo. Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) viết ‘chào mừng’ và ‘ủng hộ’ việc Vladimir Putin tái đắc cử. Ông cũng ‘hoan nghênh nước Nga mạnh mẽ chống lại đàn áp của Mỹ và phương Tây (…) Tôi mạnh mẽ ủng hộ quan hệ chiến lược Nga –Trung’.

Một điểm khác cũng được nhắc đi nhắc lại trong các phần bình luận và trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc sáng nay đó là Matxcơva và Bắc Kinh ‘tay trong tay’ trên vấn đề Đài Loan. Phát biểu sau chiến thắng tối qua của chủ nhân điện Kremlin được phía Trung Quốc nhắc đi nhắc lại : ‘không còn nghi ngờ gì nữa, ông Putin một lần nữa tái khẳng định Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc’.

Trong số rất nhiều biểu tượng cảm xúc ca ngợi tổng thống Nga, tuy nhiên có vài smeiley ‘nực cười’ về một nhân vật ‘rất nổi tiếng’ và một số người bình luận ‘uy tín của ông Putin lớn đến nỗi không cần lá phiếu của cử tri mà vẫn đắc cử’ ».


Thủ tướng Netanyahu nói Israel sẽ không giữ thường dân Palestine ở Rafah 

18/03/2024 – Reuters 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 17/3 nói rằng Israel sẽ không để dân thường bị mắc kẹt ở Rafah trong khi lực lượng của họ bắt đầu một cuộc tấn công được mong đợi từ lâu vào thành phố phía nam Gaza, nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang lánh nạn.

Ông nói trong cuộc họp báo ở Jerusalem với Thủ tướng Đức Olaf Scholz: “Đó không phải là điều chúng tôi sẽ làm trong khi vẫn nhốt người dân tại một chỗ. Trên thực tế, chúng tôi sẽ làm ngược lại, chúng tôi sẽ cho phép họ rời đi”.

Thủ tướng Đức cho rằng một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ khiến hòa bình khu vực “rất khó khăn”.

Ông Scholz hôm 17/3 cũng cho biết rằng ông đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu về sự cần thiết phải cung cấp viện trợ nhân đạo toàn diện cho người dân ở Gaza.

Ông Scholz nói trong cuộc họp báo chung với ông Netanyahu ở Jerusalem: “Chúng tôi không thể đứng nhìn người Palestine có nguy cơ chết đói. Đó không phải là chúng tôi. Đó không phải là điều chúng tôi ủng hộ”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 17/3 nói rằng Gaza đang phải đối mặt với nạn đói và cần phải có một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

“Gaza đang phải đối mặt với nạn đói và chúng tôi không thể chấp nhận điều này”, bà von der Leyen nói với các phóng viên khi phát biểu tại Cairo sau khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.

“Điều quan trọng là phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn để giải phóng con tin và cho phép nhiều viện trợ nhân đạo đến Gaza”.


Ngoại trưởng Trung Quốc công du New Zealand để củng cố quan hệ song phương

Thùy Dương /RFI

18/3/2024

Trong chuyến công du hiếm hoi và cũng là chuyến đầu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc đến New Zealand tính từ năm 2017, ông Vương Nghị hôm nay 18/03/2024 đã có cuộc gặp với phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng New Zealand, Winston Peters, tại Wellington, thủ đô New Zealand. 

New Zealand Deputy Prime Minister and Foreign Minister Winston Peters meets with Chinese Foreign Minister Wang Yi during a formal bilateral meeting at New Zealand Parliament in Wellington, New Zealand

Đoàn New Zeland (P) do phó thủ tướng Winston Peters dẫn đầu hội đàm với đoàn Trung Quốc do ngoại trưởng Vương Nghị tại Wellinton, New Zealand, ngày 18/03/2024. via REUTERS – Ben Mckay 

Hãng tin Mỹ AP trích dẫn phát biểu của phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng New Zealand, Winston Peters, khi khai mạc cuộc họp tại trụ sở Quốc Hội New Zealand : « Đã có một số sự phát triển đáng kể kể từ lần cuối chúng ta gặp nhau, nhất là một đại dịch toàn cầu đã tác động đến cả hai nước chúng ta (…) Hôm nay là cơ hội quý giá để suy ngẫm về những thách thức và cơ hội ở phía trước chúng ta ».

Theo AFP, ông Vương Nghị nhấn mạnh chuyến công du này là dịp để củng cố vững chắc quan hệ song phương. Trước cuộc họp kín với phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng New Zealand, Winston Peters, ông Vương Nghị khẳng định là quan hệ hai nước đã phát triển suôn sẻ và theo chiều hướng tốt đẹp.

Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh : « Đối diện với tình hình quốc tế hỗn loạn, chúng tôi muốn tăng cường các mối liên hệ chiến lược với các bạn hữu New Zealand về các vấn đề quốc tế và các vấn đề chung trong khu vực (…) Và chúng tôi sẽ hợp tác với nhau để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới ».

New Zealand là một thành viên của tổ chức hợp tác tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), cùng với Mỹ, Canada, Anh và Úc, nhưng đã bị chỉ trích vì thái độ mềm mỏng với Trung Quốc và vì chủ trương đặt quan hệ thương mại lên trên mối lo ngại về an ninh của các nước đồng minh.

Xin nhắc lại là New Zealand có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc trong những năm gần đây và là quốc gia phát triển đầu tiên ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương với Bắc Kinh vào năm 2008. Trung Quốc hiện giờ là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, các sản phẩm như thịt, rượu, sữa và gỗ của New Zealand rất được người Trung Quốc ưa chuộng.

Theo dự kiến, tại Wellington, ông Vương Nghị cũng sẽ có các cuộc gặp ngắn với thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và bộ trưởng Thương Mại Todd McClay.

Sau chặng dừng chân ở New Zealand, ngoại trưởng Vương Nghị đến Canberra ngày thứ Tư 20/03 và gặp đồng nhiệm Úc Penny Wong.


Tags: , , , , , ,

Comments are closed.