Thời sự Thứ Năm 07/12/2023: *Nvidia hợp tác chặt chẽ với Mỹ. *Lập pháp Mỹ muốn vinh danh cựu binh Hmong giúp CIA. *Ý rút khỏi dự án Con đường Tơ lụa.*Tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ Campuchia. *Joe Biden tiết lộ lý do tái tranh cử. *Ông Biden: ‘Chớ để Putin chiến thắng’. *Ông Putin đi UAE. *TTK LHQ sử dụng điều 99 Hiến Chương kêu gọi ngưng bắn


Võ Thái Hà tổng hợp


Nvidia hợp tác chặt chẽ với Mỹ, đảm bảo chip mới cho Trung Quốc tuân thủ quy định 

06/12/2023 

Reuters 

Một điện thoại thông minh có logo NVIDIA hiển thị được đặt trên bo mạch chủ máy tính.

Một điện thoại thông minh có logo NVIDIA hiển thị được đặt trên bo mạch chủ máy tính. 

Hãng Nvidia đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ để đảm bảo các loại chip mới cho thị trường Trung Quốc tuân thủ các hạn chế xuất khẩu, Giám đốc điều hành Jensen Huang cho biết hôm thứ Tư 6/12.

Hãng thiết kế chip trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại California đã chiếm hơn 90% thị phần chip AI trị giá 7 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích nói những hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip có thể sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ Trung Quốc giành thị phần.

Reuters tháng trước đưa tin Nvidia đã thông báo với khách hàng ở Trung Quốc rằng họ sẽ trì hoãn việc ra mắt chip AI mới cho thị trường Trung Quốc cho đến quý đầu tiên của năm sau.

Ông Huang từ chối xác nhận bài viết của Reuters.

“Nvidia hợp tác rất chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ để tạo ra các sản phẩm tuân thủ các quy định của họ”, ông Huang nói trong một cuộc họp báo ở Singapore.

“Kế hoạch của chúng tôi bây giờ là tiếp tục làm việc với chính phủ để đưa ra bộ sản phẩm mới tuân thủ các quy định mới có những giới hạn nhất định”.

Ông nói Nvidia cần tham vấn về thị trường và quá trình này đang diễn ra, đồng thời nói thêm rằng Huawei là một đối thủ cạnh tranh “đáng gờm”.

Nvidia đã cảnh báo trong báo cáo thu nhập tháng 11 rằng họ dự kiến doanh số bán hàng quý 4 tại Trung Quốc sẽ giảm mạnh do các quy định mới của Hoa Kỳ.

Ông Huang lưu ý rằng đóng góp doanh thu từ thị trường Trung Quốc cho Nvidia lâu nay là khoảng 20%, nhưng thật khó để dự đoán mức đóng góp này sẽ thay đổi bao nhiêu do các hạn chế xuất khẩu mới của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, ông cho hay Nvidia đang đàm phán với Singapore về các khoản đầu tư lớn tiềm năng và hợp tác với chính quyền quốc gia có quy mô một thành phố này để giúp phát triển mô hình ngôn ngữ lớn của riêng của mình: Sealion.

Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA) hôm 4/12 công bố sáng kiến trị giá 70 triệu đô la Singapore (52 triệu USD) để phát triển mô hình ngôn ngữ lớn đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ông Huang lưu ý Singapore có hệ sinh thái AI sôi động và đóng vai trò là trung tâm dữ liệu lớn cho nhiều thị trường châu Á.


Các nhà lập pháp Mỹ muốn vinh danh các cựu binh Hmong giúp CIA trong Chiến tranh Việt Nam 

06/12/2023 

VOA Tiếng Việt 

Đội danh dự trong Ngày tưởng niệm người Hmong Lào tại Đài tưởng niệm Cựu chiến binh ở Cadott, Wisconsin, ngày 14/5/2023.

Đội danh dự trong Ngày tưởng niệm người Hmong Lào tại Đài tưởng niệm Cựu chiến binh ở Cadott, Wisconsin, ngày 14/5/2023. 

Năm nhà lập pháp Hoa Kỳ đang dẫn đầu một nỗ lực lưỡng đảng để vinh danh các cựu chiến binh người Hmong từng giúp Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong Chiến tranh Việt Nam bằng cách trao tặng họ giải thưởng dân sự cao nhất của Quốc hội Mỹ.

CIA trong Chiến tranh Việt Nam đã tuyển mộ người Hmong làm binh lính để giúp ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á. Những người Hmong đã chiến đấu trên bộ, thu thập thông tin tình báo về các cuộc di chuyển của quân Bắc Việt, làm gián đoạn việc tiếp tế trên Đường mòn Hồ Chí Minh và giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi trong hậu tuyến của địch. Các hoạt động này khi đó được gọi là “cuộc chiến tranh bí mật.”

Theo thông cáo báo chí từ văn phòng của Thượng nghị sỹ Mỹ Amy Klobuchar, đảng viên Dân chủ đại diện tiểu bang Minnesota, người Hmong đã “chịu tổn thất nặng nề” và những người lính Hmong “đã chết với tỷ lệ cao gấp 10 lần so với lính Mỹ ở Việt Nam”.

TNS Klobuchar đã cùng TNS Johnson, đảng viên Cộng hòa đại diện Wisconsin, TNS Gary Peters, đảng viên Dân chủ đại diện Michigan, TNS Tammy Baldwin, đảng viên Dân chủ đại diện Wisconsin, và TNS Thom Tillis, đảng viên Cộng hòa đại diện North Carolina, giới thiệu Đạo luật Huy chương Vàng Quốc hội cho người Hmong (Hmong Congressional Gold Medal Act) nhằm “ghi nhận sự phục vụ xuất sắc của các cựu chiến binh người Hmong cùng với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam”.

Dự thảo luật, được giới thiệu tới cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nói rằng hơn 30.000 người Hmong đã tham gia trong các nhiệm vụ giúp CIA chống lại chủ nghĩa Cộng sản ở Bắc Việt Nam và Pathet Lào.

“Trong Chiến tranh Việt Nam, người Hmong là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, họ đã hy sinh mạng sống của mình để giúp đỡ quân đội của chúng ta và cống hiến sự phục vụ của họ cũng như đã hy sinh dũng cảm”, TNS Klobuchar nói trong thông cáo.

Dự thảo luật được giới thiệu nhằm công nhận sự cống hiến của người Hmong bằng cách trao Huy chương Vàng của Quốc hội Mỹ cho họ.

“Sau Chiến tranh Việt Nam, nhiều người Hmong bị mất nhà cửa và làng mạc do bị quân Bắc Việt ném bom hoặc đốt cháy”, dự thảo luật viết. “Hơn 150.000 người Hmong đã chạy trốn khỏi Lào khi đất nước này rơi vào tay của các lực lượng Cộng sản vào ngày 14/5/1975”.

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chính thức kết thúc vào ngày 30/4/1975 khi quân Bắc Việt chiếm được Sài Gòn và thiết lập một chính quyền thống nhất do Đảng Cộng sản cầm quyền trên khắp Việt Nam. Cùng năm 1975, Lào cũng trở thành quốc gia Cộng sản khi tổ chức dân tộc cánh tả Pathet Lào, có hợp tác với tổ chức Việt Minh của Bắc Việt, nắm quyền kiểm soát đất nước và thay thế chế độ quân chủ tồn tại 600 năm trước đó.

Theo trang web của Trung tâm người Mỹ gốc Hmong (Hmong American Center), người Hmong bị chính quyền Cộng sản thắng trận ở Lào và Việt Nam ngược đãi. Trung tâm này nói rằng người Hmong bị “truy lùng” và “bị đưa đến các trại tập trung” cũng như “bị bức hại”. Theo ước tính được trung tâm này trích dẫn, hơn 10% (tức khoảng 35.000) trong toàn bộ dân số Hmong ở Lào đã chết do liên quan đến Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

“Do mối liên hệ của họ với quân đội Mỹ, nhiều người Hmong chạy trốn khỏi Lào đã tới Hoa Kỳ như những người tị nạn và bắt đầu cuộc sống mới ở đây”, dự thảo luật viết.

Trong những thập kỷ sau đó, người Hmong và truyền thống của họ đã ăn sâu vào các cộng đồng trên khắp nước Mỹ. Theo thông cáo của văn phòng TNS Johnson, hiện có hơn 327.000 người Hmong sinh sống ở Mỹ, phần lớn trong số đó ở California, Minnesota và Wisconsin.

Trong thông cáo, TNS Johnson nói rằng ông “vui mừng” được dẫn đầu trong việc giới thiệu đạo luật nhằm “đảm bảo người Hmong nhận được sự công nhận mà họ xứng đáng có được vì những cống hiến của họ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản”.

Chưa có phản ứng chính thức từ hai chính quyền Việt Nam và Lào về nỗ lực của các nghị sĩ Mỹ nhằm vinh danh các cựu binh Hmong.


Ý rút khỏi dự án Những Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc

Trọng Thành /RFI – 07/12/2023

Chính quyền Ý vừa quyết định rút khỏi dự án Những Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, bốn năm sau khi tham gia. Hôm nay, 07/12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã gián tiếp chỉ trích quyết định nói trên của Roma. 

Italian Premier Giorgia Meloni addresses the Senate in Rome, Thursday, Nov. 23, 2023.

Ảnh minh họa: Thủ tướng Ý Giorgia Meloni phát biểu tại Thượng Viện Ý ở Roma, ngày 23/11/2023. AP – Roberto Monaldo 

Một nguồn tin chính phủ Ý cho AFP hay là Roma đã quyết định rút khỏi dự án, nhưng ‘‘để ngỏ các kênh đối thoại chính trị’’ với Trung Quốc. Theo nhật báo Ý Corriere della sera, được Radio France hôm nay dẫn lại, chính quyền Ý chọn cách thông báo một cách rất kín đáo với Trung Quốc về vấn đề này, để giữ thể diện cho hai bên. Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani hôm qua, 06/12, chỉ khẳng định Ý đang tìm cách ‘‘tái khởi động đối tác chiến lược’’ với Bắc Kinh. Trước quyết định này, Ý là quốc gia duy nhất khối G7, tức bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới, tham gia vào đại dự án của Trung Quốc.

Theo AFP, trả lời báo giới tại Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố: ‘‘Trung Quốc cực lực phản đối sự bôi nhọ và các nỗ lực làm suy yếu các hợp tác liên quan đến Những con đường Tơ lụa mới, phản đối các hành động đối đầu và gây chia rẽ’’. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh là hiện tại có hơn 150 quốc gia tham gia vào đại dự án hợp tác về hạ tầng cơ sở ‘‘lớn nhất thế giới’’, được khởi sự từ năm 2013, năm cầm quyền đầu tiên của ông Tập Cận Bình. 

Bốn năm hợp tác trong dự án Những Con đường Tơ lụa mới Ý-Trung Quốc khiến thâm hụt trong cán cân thương mại song phương thêm trầm trọng, gây bất lợi cho Ý, theo nhật báo kinh tế Nhật Bản Nikkei Asia. Xuất khẩu của Ý chỉ tăng 17%, đạt mức 17 tỉ đô la, trong lúc xuất khẩu Trung Quốc vào Ý tăng hơn 70%, đạt 60 tỉ đô la. Chính quyền Ý cũng bị Mỹ và phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu lo ngại trở thành ‘‘nội gián’’ của Trung Quốc, khi tham gia dự án.

Về tác động của việc nước Ý rút khỏi dự án đến Trung Quốc, theo chuyên gia Pháp François Godement – nhà tư vấn chính trị quốc tế Viện Montaigne, quyết định này ‘‘không gây ra một thiệt hại vật chất lớn cho Trung Quốc, bởi chính Bắc Kinh cũng đã không đầu tư nhiều nỗ lực để thúc đẩy thỏa thuận này’’. 

Dự án khổng lồ trị giá khoảng 2.000 tỉ đô la của Trung Quốc có mục tiêu chính thức là cải thiện các tuyến đường thương mại nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi, thậm chí vươt xa hơn. Theo giới quan sát, dự án này thường xuyên bị tố cáo là một phương tiện để Bắc Kinh lôi kéo các nước đang phát triển vào vòng ảnh hưởng. 


Mỹ theo dõi tin tàu chiến Trung Quốc hiện diện tại căn cứ Campuchia 

07/12/2023 

Reuters 

Hình ảnh vệ tinh của căn cứ hải quân Ream đang được xây dựng tại Campuchia

Hình ảnh vệ tinh của căn cứ hải quân Ream đang được xây dựng tại Campuchia 

Hoa Kỳ đang theo dõi các tin tức về việc tàu chiến Trung Quốc cập cảng Campuchia và bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Bắc Kinh nhằm độc quyền kiểm soát các phần của căn cứ hải quân chính ở đây, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết hôm 6/12.

Đài Á Châu Tự do (RFA) hôm 5/12 loan tin các tàu chiến Trung Quốc đã đến Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia và dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Seiha, từ dòng tin đăng trên Facebook rằng đây là “sự chuẩn bị cho hoạt động huấn luyện” của Hải quân Campuchia.

RFA cho biết chuyến thăm của tàu chiến trùng hợp với các cuộc gặp tại Phnom Penh đầu tuần này giữa các nhà lãnh đạo Campuchia với ông He Weidong, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan chỉ huy quân sự hàng đầu của Bắc Kinh.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington đang theo dõi các tin tức và nói thêm: “Mặc dù chúng tôi không có bình luận nào về diễn biến cụ thể này, nhưng chúng tôi thực sự lo ngại về kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát độc quyền các phần của Căn cứ Hải quân Ream.”

Hoa Kỳ thúc giục Campuchia đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không được phép “hiện diện hoặc có công nghệ nhạy cảm” tại Ream để “làm suy yếu chủ quyền của Campuchia, trái với hiến pháp của nước này và ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực”, quan chức này cho biết.

Trong thuật ngữ quân sự, “sự hiện diện hoặc công nghệ nhạy cảm” thường đề cập đến radar hoặc các khả năng giám sát khác.

RFA cho biết không rõ có bao nhiêu tàu chiến Trung Quốc cập cảng Ream, nhưng những hình ảnh trên trang Facebook của ông Tea Seiha dường như cho thấy ít nhất hai chiếc. Nguồn tin này nói các hình ảnh vệ tinh từ ngày 3/12 cũng cho thấy hai tàu, có thể là tàu hộ tống hoặc tàu khu trục, tại một bến tàu mới ở đó.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.

Quyết định của Campuchia cho phép Trung Quốc phát triển Căn cứ Hải quân Ream đã khiến Washington khó chịu và các nước láng giềng lo ngại điều này sẽ mang lại cho Bắc Kinh một tiền đồn mới gần Biển Đông đang tranh chấp.

Ngũ Giác Đài tin rằng các kế hoạch mở rộng căn cứ Ream bao gồm việc sử dụng độc quyền phần phía bắc cho quân đội Trung Quốc và cho biết cả hai nước đều không chia sẻ đầy đủ thông tin chi tiết về quy mô của kế hoạch. Washington cho rằng điều này cho thấy sự thiếu minh bạch.

Chuyên gia về Biển Đông, Gregory Poling, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết mối quan tâm chính của Mỹ và các đối tác sẽ là bất kỳ thiết bị radar nào mà Trung Quốc có thể lắp đặt tại Ream.

Chuyên gia này nói: “Các khía cạnh hải quân của căn cứ này không phải là mối lo ngại đặc biệt đối với Mỹ, chẳng hạn như không đưa tàu Trung Quốc đến gần eo biển Malacca hơn những căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa.”

“Họ sẽ khiến Thái Lan và Việt Nam lo ngại một chút, nhưng câu hỏi thực sự sẽ là những khả năng nào sẽ được xây dựng ở nửa phía bắc của căn cứ được dành riêng cho Trung Quốc sử dụng. Chẳng hạn, khả năng cảm biến ở đó sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc đối với Vịnh Thái Lan và phía đông Ấn Độ Dương.”

Campuchia đã bác bỏ những lo ngại rằng nước này sẽ cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên đất của mình, nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở ở Ream, trong khi nước này sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ quân sự từ bất kỳ ai.

Vào năm 2020, Campuchia cho biết họ đã san bằng một cơ sở do Mỹ tài trợ tại Ream để mở rộng ở đó.


Tổng thống Joe Biden tiết lộ lý do tái tranh cử

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/bidentaidg.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Marlin360/Shutterstock) 

Tổng thống Joe Biden ngày 5/12 tuyên bố rằng ông tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 một phần vì ông Donald Trump cũng tái tranh cử, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu tại buổi gây quỹ tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Tổng thống Biden tuyên bố ông quyết định tái tranh cử để ngăn ông Trump giành lại Nhà Trắng. Ông cho hay rằng “nếu ông Trump không tranh cử, chưa chắc tôi đã tranh cử”, đồng thời nhấn mạnh không thể “để ông Trump thắng”.

Thời gian qua, bản thân đảng Dân chủ của ông Biden cho rằng ông nên nhường thế hệ trẻ hơn lên lãnh đạo. Tuy nhiên, ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng vẫn quyết định tái tranh cử. Nhiều người cho rằng ông quyết định như vậy một phần do ông Trump cũng tuyên bố tranh cử và một phần do bản thân Tổng thống Biden tin rằng ông là người duy nhất thắng được ông Trump, nhân vật đang dẫn đầu những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Hôm 5/12 vừa qua, Tổng thống Biden đã tham gia 3 buổi gây quỹ ở Boston trong số 7 buổi gây quỹ tổ chức từ nay tới ngày 11/12 và thêm một số buổi nữa trong tháng này để chuẩn bị cho cuộc đua vào vị trí ông chủ Nhà Trắng diễn ra vào năm sau.

Phan Anh


‘Chớ để Putin thắng’, ông Biden van nài phe Cộng hòa viện trợ cho Ukraine 

07/12/2023 

Reuters 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi Quốc hội thông qua yêu cầu bổ sung an ninh quốc gia của ông, bao gồm tài trợ để hỗ trợ Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi Quốc hội thông qua yêu cầu bổ sung an ninh quốc gia của ông, bao gồm tài trợ để hỗ trợ Ukraine. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/12 khẩn khoản yêu cầu đảng Cộng hòa tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, cảnh báo rằng chiến thắng của Nga trước Ukraine sẽ khiến Moscow rơi vào thế tấn công các đồng minh NATO và có thể lôi kéo quân đội Mỹ vào một cuộc chiến.

Ông Biden phát biểu trong lúc Hoa Kỳ dự định công bố viện trợ bổ sung 175 triệu đô cho Ukraine từ nguồn quỹ ngày càng cạn kiệt dành cho Kyiv.

Ông Biden tỏ dấu hiệu sẵn sàng thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chính sách di trú dọc biên giới với Mexico để cố gắng thu hút sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

“Nếu Putin chiếm Ukraine, ông ấy sẽ không dừng lại ở đó,” Tổng thống Biden nói và dự đoán rằng ông Putin sẽ tấn công một đồng minh NATO, và “chúng ta sẽ rơi vào điều không mong đợi mà hiện chưa xảy ra: quân đội Mỹ chiến đấu với quân đội Nga.”

“Chúng ta không thể để Putin thắng,” Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tuy vậy, các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện sau đó đã chặn dự luật do đảng Dân chủ hậu thuẫn vốn có thể cung cấp hàng tỷ đô la hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine và Israel, giữa các mối lo ngại quốc tế khác, nói rằng họ muốn nhấn mạnh quan điểm của mình về tầm quan trọng của chính sách biên giới chặt chẽ hơn.

Tòa Bạch Ốc tuần này cảnh báo rằng Mỹ sắp hết thời gian và tiền bạc để giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters về việc xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, cho biết Mỹ vẫn giữ quan điểm lâu nay là không gây áp lực buộc Ukraine phải đàm phán với Nga.

Ông Sullivan nói: “Điều đó sẽ tùy thuộc vào họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu ngày này qua ngày khác để cố gắng đảm bảo số tiền này.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định rằng việc Hoa Kỳ rời bỏ Ukraine vào thời điểm này sẽ là một sai lầm lịch sử và chúng tôi tin rằng lập luận đó cuối cùng sẽ thấm và thắng thế.”

Ông cho biết Tổng thống Biden sẵn sàng có “các cuộc thảo luận hợp lý, có trách nhiệm để đạt được kết quả lưỡng đảng về chính sách biên giới và các nguồn lực biên giới.”

Giám đốc ngân sách Hoa Kỳ Shalanda Young cho biết tính tới giữa tháng 11, Bộ Quốc phòng đã sử dụng 97% trong số 62,3 tỷ đô la tài trợ bổ sung mà họ nhận được và Bộ Ngoại giao đã sử dụng toàn bộ số tiền 4,7 tỷ đô la hỗ trợ quân sự mà họ đã được phân bổ.

Một quan chức Mỹ cho biết Washington có dưới 1 tỷ đô la trong ‘thẩm quyền bổ sung’, nghĩa là nếu Quốc hội không cấp kinh phí mới để mua thiết bị thay thế thì Mỹ, Ukraine và các nhà sản xuất vũ khí có thể phải thực hiện các bước khác để bổ sung vào kho dự trữ.

An ninh biên giới với Mexico là vấn đề lớn đè nặng lên các cuộc đàm phán về nguồn tài trợ cho Ukraine và Israel.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện ủng hộ việc tái tục xây dựng tường biên giới vốn là mục tiêu đặc trưng của cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời coi số lượng lớn di dân là không đủ điều kiện để xin tị nạn và muốn khôi phục chính sách gây tranh cãi mà qua đó những người xin tị nạn được yêu cầu ở bên phía Mexico trong khi chờ hồ sơ được xét duyệt.

Tổng thống Biden cho biết ông sẵn sàng thực hiện những thỏa hiệp ‘đáng kể’ về vấn đề biên giới nhưng cho biết đảng Cộng hòa sẽ không đạt được mọi thứ họ muốn.

“Phải đàm phán thương lượng,” ông nói.

Ông Biden, người đã thảo luận về Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 trước đó cùng ngày 6/12, cho biết các đồng minh của Mỹ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng nhằm đẩy lùi quân xâm lược Nga.

Ông Biden chỉ trích phe Cộng hòa lấy nguồn tài trợ cho Ukraine làm con tin cho “chính sách biên giới đảng phái cực đoan”.

Thượng đỉnh EU – Trung Quốc

Vào thứ Năm tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc và EU sẽ tổ chức thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2019. Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, và Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu, dự kiến sẽ có một cuộc thảo luận “thẳng thắn” với chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc khác. Những bất đồng giữa hai bên chủ yếu là về thương mại và địa chính trị.

EU đang điều tra xem liệu các khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc trả cho các nhà sản xuất xe điện có gây tổn hại cho các nhà sản xuất châu Âu hay không. Tiếp đó sẽ là trợ cấp cho các nhà sản xuất thép. Nhưng thay vì “tách rời” khỏi Trung Quốc bằng cách cắt đứt quan hệ thương mại, bà von der Leyen ủng hộ việc “giảm thiểu rủi ro” một cách thận trọng bằng cách thay Trung Quốc bằng các nhà cung cấp khác. Giới chức Trung Quốc cũng không muốn xảy ra chiến tranh thương mại vào thời điểm nền kinh tế đang chậm lại.

Người châu Âu khó chịu với việc Trung Quốc giúp đỡ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, và đã nói một cách mơ hồ về việc áp trừng phạt lên các công ty Trung Quốc đang tiếp tay cho cuộc chiến của Nga. Cuối cùng, cả hai bên sẽ tự hỏi, ít nhất là trong riêng tư, rằng mối quan hệ của họ sẽ ra sao nếu Donald Trump quay lại làm tổng thống Mỹ vào năm tới, và một lần nữa làm xáo trộn trật tự quốc tế.

Liệu đào tạo các mô hình AI có vi phạm bản quyền?

Vào thứ Năm, một tòa án ở San Francisco sẽ tổ chức điều trần để quyết định xem có nên bác bỏ vụ kiện bản quyền chống lại OpenAI, nhà sản xuất của ChatGPT, hay không. Sarah Silverman, một tác giả và diễn viên hài người Mỹ, đã thay mặt một số người khác đệ đơn kiện tập thể công ty này, với cáo buộc OpenAI vi phạm tác quyền của họ khi dùng các cuốn sách do họ viết, cùng nhiều tác phẩm khác, để huấn luyện các mô hình AI. OpenAI đã bác bỏ hầu hết các vụ việc.

Bà Silverman và các đồng nguyên đơn có một cuộc chiến khó khăn phía trước. Hồi tháng 11, một tòa án khác đã bác bỏ hầu hết một vụ kiện tương tự đối với Meta, chủ sở hữu Facebook. Nhưng tranh cãi về vấn đề bản quyền của AI vẫn chưa kết thúc. Thẩm phán trong vụ Meta không hề bác bỏ tuyên bố chính: rằng việc đào tạo mô hình bằng tác phẩm của bà Silverman là vi phạm bản quyền — và không phải là “sử dụng hợp pháp” như các công ty AI tuyên bố.

Thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Athens hôm thứ Năm để hội đàm xây dựng lòng tin với thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và chính phủ của ông. Bất chấp lịch sử đầy biến động của hai quốc gia, nhìn chung cuộc họp sẽ diễn ra trong tinh thần lạc quan một cách thận trọng.

Dù là đồng minh NATO, hai nước này vẫn có tranh chấp ở biển Aegean cũng như nguồn dầu khí bên dưới nó. Quan hệ song phương đặc biệt trở nên căng thẳng từ năm 2020 khi tàu khu trục của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vô tình va chạm trong vùng biển tranh chấp.

Một cuộc họp cấp cao của các bộ trưởng nội các hai nước dự kiến sẽ hoàn tất các thỏa thuận về ngăn chặn người di cư vượt biển Aegean, cũng như về du lịch và thương mại. Ông Erdogan và ông Mitsotakis sẽ tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn – từ quyền khai thác khoáng sản dưới đáy biển đến tình trạng suy giảm của nhóm dân tộc thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ ở Hy Lạp. Ông Erdogan đã nói đến việc hình thành mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” với Hy Lạp. Nhưng để đạt được điều đó sẽ phải đàm phán nhiều hơn nữa.


Ông Putin đi UAE trong chuyến công du nước ngoài hiếm hoi

Tác giả, George Wright

Vai trò, BBC News

06/12/2023

Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Vladimir Putin được Ngoại trưởng UEA chào đón

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến công du nước ngoài hiếm hoi tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và dự kiến ông cũng sẽ ​​tới Ả Rập Saudi.

Ông Putin được trông đợi ​​sẽ thảo luận về các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, cũng như vấn đề sản xuất dầu mỏ với tổng thống UAE.

UAE hiện đang đăng cai hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc, nhưng Điện Kremlin chưa cho biết liệu ông Putin có tham dự hội nghị này hay không.

Ông Putin đã hầu như không ra khỏi nước Nga kể từ tháng 3, khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông.

ICC cáo buộc ông đã buộc đưa trẻ em Ukraine sang Nga – một tội ác chiến tranh – nhưng cả UAE và Ả Rập Saudi đều không công nhận quyền tài phán của tòa này.

Nhà lãnh đạo Nga đã bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh quốc tế gần đây khác, trong đó có kỳ họp của Brics ở Nam Phi vào tháng 8 và hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 ở Ấn Độ.

Các chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh Nga muốn tăng cường ảnh hưởng của mình và làm yếu nỗ lực của phương Tây trong việc muốn cô lập Moscow.

Ông Putin nói với Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan rằng “mối quan hệ của chúng ta đã đạt đến mức chưa từng có”.

Thương mại và dầu mỏ sẽ nằm trong chương trình nghị sự của UAE, quốc gia mà Điện Kremlin trong một thông cáo gọi là “đối tác kinh tế chính của Nga trong thế giới Ả Rập”.

Tổng thống Nga dự kiến ​​tới Ả Rập Saudi vào cuối ngày thứ Tư để gặp người nắm quyền thực sự của vương quốc, Thái tử Mohammed bin Salman.

Hai nhà lãnh đạo sẽ “cân nhắc các cách để thúc đẩy việc giảm bớt căng thẳng” của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, Điện Kremlin nói.

Trợ lý tổng thống Nga, Yury Ushakov, cho biết xung đột ở Syria, Yemen và Sudan cũng sẽ được thảo luận ở cả UAE và Ả Rập Saudi.

Các quan chức Điện Kremlin cũng thông báo rằng ông Putin sẽ gặp Tổng thống Iran Ibrahim Raisi vào thứ Năm để thảo luận về cuộc chiến ở Gaza.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine hồi tháng 2/2022 cho tới nay, ông Putin chỉ mới đến thăm vùng Ukraine bị Nga chiếm đóng, Iran và Trung Quốc.


Tổng thư ký LHQ lần đầu tiên sử dụng điều 99 trong Hiến Chương để kêu gọi ngừng bắn ở Gaza

Minh Phương /RFI

07/12/2023

Trong một bức thư gửi tới Hội Đồng Bảo An ngày 06/12/2023,  tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lần đầu tiên đã viện dẫn điều 99 trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để cảnh báo nguy cơ “sự sụp đổ hoàn toàn” ở Gaza. Chiểu theo điều khoản này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có thể “lưu ý Hội Đồng Bảo An về bất kỳ vấn đề nào bị coi là có thể đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. 

A woman cooks as Palestinians, who fled their houses amid Israeli strikes, shelter at a United Nations-run school, amid the ongoing conflict between Israel and the Palestinian Islamist group Hamas, in

Người dân ở Khan Younès, phía nam Dải Gaza, ngày 04/12/2023. REUTERS – IBRAHEEM ABU MUSTAFA 

Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten cho biết thêm thông tin :

Bức thư này cảnh báo về một “thảm họa nhân đạo”, về nguy cơ “trật tự công cộng sắp sụp đổ hoàn toàn ở Gaza”… Đó là những lời lẽ mà chúng ta thường được nghe từ phía nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc kể từ đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas hôm 7 tháng 10. Khác biệt lần này là ông Antonio Guterres giờ đây sử dụng mức cảnh báo cao nhất được Liên Hiệp Quốc trong Hiến Chương của minh. Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của ông Guterres giải thích : 

“Trong khuôn khổ hiến pháp của Liên Hiệp Quốc, đây là một quyết định rất hệ trọng. Chúng tôi hiểu rằng cách nhìn nhận từ thế giới bên ngoài có thể khác đôi chút, nhưng đối với chúng tôi, đây là một bước đi rất mạnh mẽ của ngài Tổng Thư Ký và chúng tôi hy vọng rằng các thành viên của Hội Đồng Bảo An sẽ xúc động trước điều đó, chúng tôi hy vọng thúc đẩy được cộng đồng quốc tế gây sức ép để thiết lập một lệnh ngừng bắn nhân đạo. »

Ngay cả trong chiến tranh Nga-Ukraina, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc thậm chí đã không sử dụng điều 99, nhưng với 15.000 nạn nhân và 130 nhân viên của Liên Hiệp Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột này, cùng với kết quả của những cuộc điều tra đầu tiên trên thực địa, ông đã quyết định viện dẫn điều khoản này, một điều khoản rất có trọng lượng chính trị. 

Động thái của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có thể dẫn tới việc triệu tập một cuộc họp mới về cuộc xung đột, nhưng trên hết, định chế này đang chờ đợi một bước đột phá giữa các thành viên trong Hội Đồng Bảo An, hiện đang chia rẽ hoàn toàn với nhau trên hồ sơ.

Vẫn về tính hình chiến sự, hôm nay, thủ tướng Israel tuyên bố rằng quân đội nước này đang bao vây nhà của thủ lĩnh phe Hamas, ông Sinouar, ở thành phố Khan Younes. Ông Yahya Sinouar, 61 tuổi, bị coi là kiến trúc sư của cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào Israel hôm 07/10 vừa qua.


Tags: , , , ,

Comments are closed.