Thời sự Thứ năm 27/7/2023: *Lãi suất leo thang lên 5.5% *NATO tăng cường giám sát biển Đen *Quân đội Niger đảo chính *Moldova trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga *Tàu chở 3.000 xe ô tô bốc cháy ngoài khơi Hà Lan *Bán đảo Triều Tiên: tái diễn Chiến Tranh Lạnh?


Võ Thái Hà tổng hợp

Lãi suất cơ bản đồng USD leo thang lên 5.5%, mức cao nhất trong 22 năm

Lãi suất cơ bản đồng USD leo thang lên 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), tại trụ sở Cục Dự trữ Liên bang, Washington, D.C., 27/07/2022. (Drew Angerer / Getty Images) 

Sáng sớm nay, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã đưa lãi suất tăng thêm 0,25%, lên mức 5,25-5,5%. Chi phí vay của Mỹ đã tăng cao nhất để từ tháng 1/2001. Giá dầu lập tức leo thang. 

Không ngoài kỳ vọng thị trường, trong cuộc họp tháng 7/2023, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản lên 5,25%-5,5% vào tháng 7/2023; đưa chi phí đi vay của Hoa Kỳ mức cao nhất kể từ tháng 1/2001. Lãi suất đi vay tăng thêm 0,25% sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell khẳng định rằng lạm phát vẫn là vấn đề lớn và cần phải đưa về mức mục tiêu 2%. Fed cho rằng chặng đường đưa lạm phát về 2% còn dài và khó khăn. Mặc dù vậy, việc Fed quyết định tăng lãi suất còn dựa vào các yếu tố vĩ mô như việc làm, tác động của lãi suất tới các các lớp tài sản sử dụng đòn bảy cao, nhạy cảm với lãi suất trên thị trường tài chính… Theo Fed, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tránh được suy thoái trong khi thị trường tài chính có thể chống chịu được mức lãi suất cao như hiện nay. Hiện tại, mặc dù lạm phát chung đã về mức 3% nhưng lạm phát lõi còn cao và phức tạp khi giá dầu không giảm như kỳ vọng cũng như mùa tiêu dùng đang đến gần. Điều này khiến Fed quyết định tăng lãi suất điều hành thay vì giữ nguyên. Quan điểm chính sách của Fed cho thấy cơ quan này sẽ không đảo chiều lãi suất ít nhất cho tới đầu năm 2024. Phản ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Fed, giá dầu tăng thêm 5% so với tuần trước với cả dầu WTI và Brent, lần lượt ở mức 5,17% và 5,07% (giá hôm nay 27/7 ở lần lượt là 79,5 và 83,7 USD/thùng). 

Quang Nhật

Căng thẳng leo thang, NATO tăng cường giám sát biển Đen

Liên Thành

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-27-luc-094120.png

NATO đang huy động thêm máy bay tuần tra biển và máy bay không người lái để đảm bảo an ninh Biển Đen. (Ảnh: UK Defence Journal). 

NATO hôm 26/07 cho biết: họ đang tăng cường giám sát khu vực biển Đen, trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang.

Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng NATO – Ukraina – cơ quan được thành lập hồi đầu tháng này, để điều phối hợp tác giữa liên minh quân sự phương Tây với Kyiv.

Tuyên bố của NATO cho hay: “Hội đồng lên án mạnh mẽ quyết định của Nga rút khỏi Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen và những nỗ lực có chủ ý của nước này nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraina mà hàng trăm triệu người trên toàn thế giới phụ thuộc vào”. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga “vũ khí hóa nạn đói và đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bằng tình trạng mất ổn định lương thực”. 

“Hành động của Nga cũng đặt ra những rủi ro đáng kể đối với sự ổn định ở Biển Đen, khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với NATO,” ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết thêm rằng, các đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina và tăng cường giám sát, trinh sát ở khu vực Biển Đen bao gồm cả máy bay tuần tra biển và máy bay không người lái.

Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào ngày 17/07, Nga đã tăng cường tấn công vào các bến cảng và cơ sở lưu trữ ngũ cốc ở Odesa, khiến Kyiv thiệt hại nặng.

Vào tối 26/07, khoảng 12 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga tiếp tục cuộc tấn công khi phóng hoả tiễn vào các mục tiêu của Ukraina. Trước đó, vào đầu giờ chiều, một tàu ngầm của Nga ở Biển Đen cũng phóng hoả tiễn hành trình Kalibr vào mục tiêu ở Ukraina.

Không quân Ukraina cho biết, hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 36 hoả tiễn hành trình, trong đó có 3 hoả tiễn Kalibr, 33 hoả tiễn Kh-101/Kh-555.

Các vụ tập kích trên diễn ra trong bối cảnh Ukraina được cho là đã bắt đầu làn sóng phản công quy mô lớn thứ hai, tập trung vào tỉnh Zaporizhia ở miền Nam nước này.

Nóng: Quân đội Niger đảo chính, Tổng thống bị cận vệ khống chế

Nóng: Quân đội Niger đảo chính, Tổng thống bị cận vệ khống chế

Quan chức quân đội Niger thông báo lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum trên truyền hình nhà nước hôm 26/7. (Ảnh: -/ORTN – Télé Sahel/AFP via Getty Images) 

Quân đội Niger tuyên bố lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc. Trong khi đó, có nguồn tin nói rằng ông Bazoum bị đội cận vệ quản thúc trong dinh thự.

Hôm 26/7, phát ngôn viên quân đội Niger Amadou Abdramane thông báo trên truyền hình nhà nước: “Chúng tôi, lực lượng quốc phòng và an ninh, đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Mohamed Bazoum”. Phía quân đội cáo buộc chính quyền dân sự quản lý yếu kém và khiến tình hình an ninh ngày một xấu đi.

Quân đội Niger tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc cho tới khi có thông báo mới. Ngoài ra, tất cả các cơ quan nhà nước sẽ tạm ngưng hoạt động.

Lực lượng này cũng cảnh báo sẽ chống lại mọi sự can thiệp từ nước ngoài.

Trước đó, một số nguồn tin cho biết Tổng thống Niger Bazoum bị đội cận vệ quản thúc trong dinh thự. Theo CNN, dinh tổng thống Niger đã bị phong tỏa trong ngày 26/7 với khoảng 20 thành viên của đội cận vệ canh gác bên ngoài.

Bộ trưởng Nội vụ Niger Hamadou Souley cũng bị lực lượng cận vệ bắt giữ vào sáng 26/7 (giờ địa phương) và đang bị giữ tại dinh tổng thống cùng với ông Bazoum.

Giữa lúc căng thẳng chính trị gia tăng, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Bazoum tại Niger đã xuống đường biểu tình phản đối vụ bắt giữ nhà lãnh đạo này. Khi người biểu tình chỉ còn cách dinh tổng thống khoảng 300 mét, đội cận vệ đã bắn phát súng cảnh cáo để chặn bước tiến của họ. Không có báo cáo về thương vong.

Cộng đồng quốc tế đã đưa ra những phản ứng đầu tiên về vụ đảo chính này.

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat “mạnh mẽ” lên án cái mà ông gọi là âm mưu đảo chính “do các thành viên quân đội hành động hoàn toàn phản bội nghĩa vụ cộng hòa của họ”.

Tối 26/7, Tổng thống Benin Patrice Talon cũng đã tới Niger để làm trung gian hòa giải vụ Tổng thống Bazoum bị lực lượng cận vệ bắt giữ. Cùng ngày,

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành chính quyền bằng vũ lực ở Niger và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan lên án mọi nỗ lực nhằm bắt Tổng thống Niger hoặc phá hoại chính phủ dân sự. Mỹ cũng kêu gọi quân đội Niger nhanh chóng trả tự do cho Tổng thống Bazoum.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì nói với phóng viên: “Sáng sớm nay tôi đã nói chuyện với Tổng thống Bazoum và nói rõ rằng Mỹ kiên quyết ủng hộ ông ấy với tư cách là tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger. Chúng tôi kêu gọi trả tự do cho ông ấy ngay lập tức”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre ngày 26/7 cho biết Pháp đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận và “lên án những nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực”.

Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập năm 1960. Cuộc đảo chính gần đây nhất ở nước này xảy ra hồi tháng 2/2010, lật đổ Tổng thống khi đó là ông Mamadou Tandja. Tổng thống Bazoum, 64 tuổi, được bầu năm 2021 và là đồng minh thân cận của Pháp.

Niger đang vật lộn với hai chiến dịch của phiến quân Hồi giáo ở khu vực tây nam và đông nam, liên quan tới các lực lượng cực đoan ở nước láng giềng Mali và Nigeria.

Viên Minh (Tổng hợp)

Moldova thông báo trục xuất 45 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/Tinh-hinh-COVID-19-Nga-dung-dau-ve-so-ca-tu-vong-moi-Viet-Nam-co-so-ca-mac-moi-cao-thu-3-1-840x480.jpg

(Ảnh minh họa: Oxana A/Shutterstock) 

Giới chức Moldova ngày 26/7 thông báo đã yêu cầu 45 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga rời khỏi nước này, theo tờ Moscow Times. Nga hiện chưa có phản ứng gì trước thông tin nêu trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Moldova, ông Igor Zaharov nêu rõ 45 nhà ngoại giao và nhân viên của Nga bị trục xuất sẽ phải rời nước này trước ngày 15/8. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Moldova cho biết thêm Đại sứ Nga tại Moldova cũng được triệu tập trong ngày 26/7 để thông báo quyết định này.

Theo đó, đoàn ngoại giao Nga tại Moldova sẽ còn bao gồm 10 vị trí ngoại giao và 15 vị trí hành chính, kỹ thuật và dịch vụ.

Kể từ sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Moldova đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga. Moldova có 2 triệu dân, nằm giữa Ukraine và Romania.

Ở một diễn biến khác, Nga đã phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới vào Kyiv và một số khu vực ở miền Trung và miền Bắc Ukraine trong ngày 25/7, nhưng hiện chưa có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại hoặc thương vong.

Ông Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự Kyiv cho hay, Nga đã sử dụng máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất để tấn công Kyiv lần thứ sáu trong tháng này, và tất cả đều bị bắn hạ.

Cảnh báo không kích đã vang lên trong hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ trên khu vực Kyiv. Thống đốc khu vực Ruslan Kravchenko cho biết, không có báo cáo nào về thiệt hại hay thương vong mặc dù các mảnh vỡ rơi xuống đã gây ra đám cháy trên cánh đồng.

Theo phát ngôn viên lực lượng không quân Yuriy Ihnat, lực lượng phòng không đã được triển khai ở ba khu vực phía Bắc đất nước.

“Khoảng 10 máy bay không người lái đã được ghi lại, thông tin đang được làm rõ”, ông nói trên truyền hình Ukraine, đồng thời lưu ý thêm rằng có tới 5 chiếc máy bay không người lái đã bị phá hủy.

Các quan chức khu vực nói thêm, một vật thể không xác định đã bị tấn công ở khu vực phía Bắc Zhytomyr; hai máy bay không người lái rơi xuống cánh đồng và một chiếc trong nhà chứa máy bay trống ở khu vực miền Trung Cherkasy; và tại miền Trung Poltava và phía Bắc vùng Sumy cũng đều có một máy bay không người lái bị bắn hạ.

Phan Anh

Nga đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi xây trạm vũ trụ mới

Liên Thành

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-27-luc-095735.png

Một mô hình trạm vũ trụ quỹ đạo của Nga được trưng bày tại diễn đàn Army-2022 ở Moscow vào năm 2022. (Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters/Hồ sơ). 

Nga đã đề nghị tới các đối tác trong nhóm BRICS gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi về việc cùng tham gia xây dựng một trạm vũ trụ mới trên quỹ đạo Trái đất.

Việc xây dựng trạm vũ trụ mới diễn ra sau khi Nga vào năm ngoái đã quyết định sẽ chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài hàng thập niên với NASA, và rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) – một trong những kênh hợp tác cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ.

Nhà thiết kế hàng đầu của chương trình Vladimir Kozhevnikov cho truyền thông Nga biết hồi tháng Hai rằng: giai đoạn đầu tiên của trạm vũ trụ theo kế hoạch – được gọi là Hệ thống Quỹ đạo Nga (ROS), dự kiến ​​sẽ được phóng vào năm 2027, với bốn mô-đun khác được đưa lên quỹ đạo từ năm 2028 đến 2030.

Đề nghị mở rộng hợp tác trong dự án với các quốc gia đối tác trong nhóm BRICS đã được Yuri Borisov, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đưa ra trong cuộc họp hôm thứ Hai vừa rồi tại Hermanus, Nam Phi.

“Tôi muốn đề xuất rằng: đối tác của chúng ta trong BRICS xem xét cơ hội tham gia vào dự án này, và tạo ra một mô-đun chính thức thông qua các nỗ lực chung”, truyền thông nhà nước Nga dẫn lời ông Yuri Borisov phát biểu tại cuộc họp.

Chính quyền Nga hy vọng, trạm quỹ đạo mới theo kế hoạch của họ sẽ giúp phát triển công nghệ cho các chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai, bao gồm cả những chuyến bay tới Mặt trăng và Sao Hỏa.

Úc, New Zealand lo ngại về thỏa thuận cảnh sát Trung Quốc-Quần đảo Solomon 

27/7/2023 

Reuters 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare bắt tay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 10/7/2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare bắt tay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 10/7/2023. 

Úc và New Zealand ngày 26/7 bày tỏ lo ngại về một thỏa thuận mới giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon mà họ cho rằng sẽ phá hoại các tiêu chuẩn an ninh khu vực đã nhất trí của Thái Bình Dương.

Đầu tháng này, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và đảng đối lập của Quần đảo Solomon đã kêu gọi Thủ tướng Manasseh Sogavare công bố “ngay lập tức” các chi tiết về thỏa thuận cảnh sát với Bắc Kinh, giữa những lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ tạo ra thêm tranh chấp trong khu vực.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 26/7 bay tới thủ đô Wellington của New Zealand để hội đàm về các chủ đề bao gồm khí hậu, quốc phòng và kinh tế với người đồng cấp New Zealand Chris Hipkins.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc đàm phán kêu gọi minh bạch về thỏa thuận cảnh sát giữa Quần đảo Solomon với Trung Quốc.

“Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng Diễn đàn Các quần đảo Thái Bình Dương cần thảo luận những vấn đề này và khuyến khích sự minh bạch, cho phép khu vực cùng nhau xem xét các tác động đối với an ninh chung của chúng ta”, tuyên bố viết.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ lo ngại về “những thách thức ngày càng tăng đối với ổn định khu vực” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.

Việc tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mỗi quốc gia, là rất quan trọng để quản lý sự khác biệt mặc dù các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và “sự xói mòn có hệ thống” đối với tự do và nhân quyền ở Hong Kong. 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến New Zealand hôm 26/7 như một phần của chuyến công du khu vực bắt đầu ở Tonga và bao gồm một chặn dừng chân ở Úc. Ông Blinken đã chỉ trích “cách hành xử có vấn đề” của Trung Quốc trong khu vực trong một cuộc họp báo vào đầu ngày ở Tonga.

Tàu chở 3.000 ô tô bốc cháy ngoài khơi Hà Lan, một thủy thủ thiệt mạng 

27/7/2023 

Reuters 

Smoke rises as a fire broke out on the cargo ship Fremantle Highway, at sea, July 26, 2023.

Smoke rises as a fire broke out on the cargo ship Fremantle Highway, at sea, July 26, 2023. 

Một con tàu chở gần 3.000 chiếc ô tô đã bốc cháy dữ dội ngoài khơi bờ biển Hà Lan hôm 26/7, làm một thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và một số người khác bị thương, theo lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết.

Ngọn lửa bắt đầu bốc cháy vào đêm 25/7 trên con tàu dài 199 mét được đăng ký tại Panama có tên Fremantle Highway, đang trên đường từ Đức đến Ai Cập, buộc các thủy thủ phải nhảy xuống biển. Đài truyền hình Hà Lan NOS cho biết tất cả các thủy thủ đều là người Ấn Độ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hà Lan cho biết các tàu cứu hộ đã phun nước lên con tàu đang bốc cháy để dập lửa, nhưng phun quá nhiều nước vào con tàu có nguy cơ khiến nó bị chìm. Một tàu cứu hộ đã được móc vào để ngăn nó trôi dạt.

Hãng tin Hà Lan ANP trích dẫn lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết ngọn lửa có thể tiếp tục cháy trong vài ngày nữa. Khói tiếp tục bốc lên từ con tàu hiện đang ở gần đảo Ameland, phía bắc Hà Lan.

“Đám cháy chắc chắn vẫn chưa được kiểm soát. Đó là một đám cháy rất khó dập tắt, có thể do hàng hóa mà con tàu đang vận chuyển”, phát ngôn viên của Bộ Đường thủy và Công trình Công cộng Hà Lan, Edwin Versteeg, cho biết.

Lực lượng bảo vệ bờ biển nói trên trang web chính thức của họ rằng nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định, nhưng một người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển trước đó đã nói với Reuters rằng ngọn lửa bắt đầu từ vị trí gần một chiếc ô tô điện. Khoảng 25 trong số 2.857 chiếc ô tô mà tàu này chuyên chở là ô tô chạy bằng điện.

Một người phát ngôn cho biết Tổ chức Hàng hải Quốc tế, cơ quan quản lý an toàn trên biển, có kế hoạch ra các quy định mới đối với tàu bè chuyên chở ô tô điện vào năm tới do số vụ cháy ngày càng tăng trên các tàu chở loại hàng này.

“Ô tô điện cũng cháy nhiều như ô tô động cơ đốt trong. Khi pin quá nóng và ‘thoát nhiệt’ xảy ra, thì điều đó trở nên nguy hiểm,” Uwe-Peter Schieder, chuyên gia hàng hải và đại diện của Hiệp hội Bảo hiểm Đức cho biết. “Một phản ứng hóa học trong pin tạo ra khí làm phồng pin.”

Có khoảng 350 chiếc Mercedes-Benz trong số gần 3 nghìn chiếc ô tô mà tàu này đang chở, theo công ty (MBGn.DE) cho biết.

Bán đảo Triều Tiên: Sau 70 năm đình chiến, tái diễn kịch bản Chiến Tranh Lạnh?

Thanh Hà /RFI

27/7/2023

Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng rầm rộ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến : Hai cái nhìn về một cuộc xung đột, những vết thương chưa lành. Seoul và Bình Nhưỡng vẫn xem đối phương là một mối « đe dọa đối với sự tồn tại của chính mình ». Mỹ-Nhật-Hàn tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân. Chính quyền Kim Jong Un thắt chặt hợp tác với Nga và Trung Quốc. 

Hình ảnh gần Bàn Môn Điếm nhân ngày kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến. Ảnh chụp ngày 27/07/2023. AP – Ahn Young-joon 

Ngày 27/07/1953 trong bầu không khí nặng trĩu tại Bàn Môn Điếm, hai phái đoàn đặt bút ký hiệp định đình chiến. Ba ngày sau binh sĩ hai bên đồng loạt rút lui, một vùng phi quân sự chính thức được thiết lập, tù nhân chiến tranh bắt đầu được trả tự do. Đâu là điểm khởi đầu chiến tranh Triều Tiên, nổ ra trong đêm 24 rạng sáng 25/06/1950 ? 

Điểm khởi đầu của một cuộc chiến 

Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910. Sau hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật đầu hàng. Mỹ và Liên Xô giải phóng bán đảo Triều Tiên. Thể theo tinh thần hội nghị Yalta (1945), Staline và Roosevelt đồng ý chia đôi bán đảo Triều Tiên ở vĩ tuyến 38. Liên Hiệp Quốc, một định chế đa quốc gia cũng vừa được thành lập, năm 1948 chính thức công nhận Đại Hàn Dân Quốc với thủ đô là Seoul và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, thủ đô đặt tại Bình Nhưỡng.

Nếu như chính quyền ở Seoul đi theo chủ nghĩa tư bản, « phò » Mỹ, thì ở phía Bắc, Matxcơva đưa Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), 38 tuổi, lên lãnh đạo đất nước. Đã ba thế hệ gia đình họ Kim liên tục cầm quyền tại Bắc Triều Tiên cho đến nay.

Ở phía bắc vĩ tuyến 38, Kim Il Sung là một vị anh hùng dân tộc trẻ tuổi, điều hành một vùng đất với nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp có sẵn. Ông cũng đã nhanh chóng tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất, « chia đất cho nông dân ».

Ở miền nam, Syngman Rhee, 75 tuổi lên cầm quyền dưới sự bảo trợ của người Mỹ nhờ thông thạo Anh ngữ. Tổng thống đầu tiên ở Hàn Quốc chóng hiện nguyên hình là một « người bất tài và tham ô ». Vào lúc mà người dân ở phía nam vĩ tuyến 38 còn sống trong cảnh « bần hàn », và theo một số chuyên gia tương lai của họ « còn đen tối hơn cả » so với ở châu Phi, công luận Hàn Quốc do vậy, « không có lý do gì để chọn đi theo phe tư bản hay cộng sản » nuôi dưỡng tham vọng của Kim Nhật Thành « thống nhất đất nước ».

Ngày 25/05/1950 quân đội Bắc Triều Tiên tràn sang biên giới, dễ dàng chiếm được thủ đô Seoul sau ba ngày giao tranh. Liên Hiệp Quốc cho phép « can thiệp quân sự » hỗ trợ Hàn Quốc. Một lực lượng liên quân quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc ra đời và đặt dưới sự chỉ huy của nước Mỹ. Chiến dịch phản công dễ dàng đạt mục tiêu : Liên quân quốc tế tiến vào tận Bình Nhưỡng ngày 19/10/1945 và thậm chí là còn tiến sát đến biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Bắc Kinh nhập cuộc, điều vài trăm ngàn lính sang hỗ trợ chính quyền Kim Nhật Thành. Seoul lại thất thủ vào tháng 01/1951. Phải mất hai tháng liên quân quốc tế mới giúp Hàn Quốc giành lại thủ đô. Chiến tranh sa lầy. Lực lượng của đôi bên dừng lại « gần khu vực phi quân sự » hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Sau hơn hai năm thương thuyết, cuối cùng hiệp định đình chiến được ký kết ngày 27/07/1953 ở Bàn Môn Điếm, nhưng Hàn Quốc đã vắng mặt trong lễ ký kết hiệp định. Tướng Mỹ William Kelly Harrison Jr. đại diện cho Liên Hiệp Quốc. Tướng Nam Il thay mặt chính quyền Bắc Triều Tiên đặt bút ký vào hiệp định, còn về phía Trung Quốc là tư lệnh Bành Đức Hoài (Peng Dehuai). Một bản hòa ước chính thức « kết thúc chiến tranh » chưa bao giờ được ra đời, khu vực phi quân sự ở vĩ tuyến 38 vẫn tồn tại, khoảng 27.000 lĩnh Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Vết thương chưa lành

1950-1953 : Mỹ đã không ngăn chận được « vết dầu loang cộng sản », Bình Nhưỡng bị tàn phá đến 80%, 65% bộ mặt của Seoul phải xây dựng lại từ đầu.  

70 năm hiện hữu, Bàn Môn Điếm là hiệp định đình chiến lâu bền nhất thế giới. Tác động của chiến tranh Triều Tiên tồn tại cho đến tận ngày nay. Giới chuyên gia chưa biết một cách chính xác về thiệt hại nhân mạng. Một số tài liệu chính thức đưa ra con số « ít nhất là 3 triệu người tử vong » ở cả hai phía, chủ yếu là thường dân, một số khác thì nói đến 1 triệu người chết. Có một điều chắc chắn là từ năm 1988 đã có hơn 133 ngàn người Hàn Quốc thuộc diện gia đình bị ly tán, tức là có thân nhân sống ở Bắc Triều Tiên từ khi đất nước bị phân đôi năm 1945. Trong những giai đoạn tan băng hai nước Triều Tiên đã tổ chức một số các cuộc « họp mặt gia đình ». Lần cuối diễn ra vào năm 2018.

Căng thẳng liên Triều thường xuyên « bùng lên » : Từ 2006 Bắc Triều Tiên là quốc gia thứ 9 trên thế giới có bom nguyên tử. Hàn Quốc thì vẫn được đặt dưới ô dù hạt nhân của Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng liên tục bắn tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, thử vũ khí hạt nhân …. đe dọa an ninh khu vực. Tháng 01/2023 Mỹ-Hàn loan báo « phối hợp trong cách xử lý và một cách cụ thể để đối phó với mọi kịch bản, kể cả trong trường họp Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân ». Tháng 7/2023, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ lần đầu tiên từ 1980 quay trở lại Hàn Quốc.

Trong 7 thập niên Hàn Quốc « lột xác » trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất, thịnh vượng nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Tin tức thời sự về Bắc Triều Tiên chủ yếu tập trung vào các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, vào những phát biểu « nẩy lửa » của các quan chức Bình Nhưỡng hay vào nạn đói hoành hành ở quy mô rộng trên quê hương cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tháng 2/2023 Chương Trình Lương Thực Thế Giới báo động về nạn đói tại Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng từ chối viện trợ lương thực của quốc tế và chỉ trông cậy vào một điểm tựa là Bắc Kinh.

Bóng ma « Chiến tranh lạnh »

Chương trình tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến khơi lại « bóng ma thời kỳ chiến tranh lạnh ». Ở Bình Nhưỡng chế độ Kim Jong Un tiếp hai vị khách mời là bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Choigu và ủy viên Bộ Chính Trị Trung Quốc Lý Hồng Trung (Li Hongzhong). 

Về phía Seoul, tổng thống Yoon Seok Yeol mời đại diện 22 nước đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand … và 62 cựu chiến binh ngoại quốc đến Busan, tây nam Hàn Quốc, nhân sự kiện này. Buổi lễ được tổ chức ngay tại Trung Tâm Điện Ảnh Busan, trụ sở của liên hoan phim quốc tế Busan hàng năm. Chính nơi này, 70 năm về trước là một sân bay, là nơi binh đoàn đầu tiên của liên quân quốc tế đã đáp xuống, giải cứu Hàn Quốc.  

Chiến tranh Ukraina càng làm lộ rõ thêm căng thẳng ở hai bên đường vĩ tuyến 38. Bình Nhưỡng bị cáo buộc bán vũ khí cho tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga, giúp Matxcơva trong cuộc chiến Ukraina. Đến dự lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến, bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu tuyên bố Bắc Triều Tiên là một « đối tác quan trọng » của Nga. Bình Nhưỡng xem chiến tranh Ukraina mà Matxcơva đang tiến hành là nhằm mục đích « bảo vệ chủ quyền và lợi ích » của Liên Bang Nga và do vậy Bắc Triều Tiên « hoàn toàn ủng hộ quân đội và nhân dân Nga »

Bình Nhưỡng – Seoul, hai cái nhìn về cùng một cuộc chiến 

Hai cái nhìn về cùng một cuộc chiến. Ở bên trong bảo tàng chiến tranh Bình Nhưỡng có một pho tượng khổng lồ của một người lính Bắc Triều Tiên tay cầm cờ và bên cạnh là tấm bia có khắc hàng chữ « Những thành tích vẻ vang lịch sử sẽ sáng mãi mười ngàn đời ». Câu nói đó là của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tại Seoul, tượng đài Chiến tranh phủ kín những tấm bia với tên tuổi của khoảng 190.000 lính Hàn Quốc và trong liên quân quốc tế hy sinh.

Choe Un Jong, một hướng dẫn viên của viện bảo tàng Bình Nhưỡng được AP trích dẫn giải thích chiến tranh khai mào do lỗi từ Mỹ và những « con rối của họ ở miền Nam », « họ đã tiến sâu vào từ 1 đến 2 km trên lãnh thổ của chúng ta. Quân đội lập tức phản công trước một vụ tấn công bất ngờ ». Giám đốc bảo tàng Seoul Go Hanbin chỉ nhắc lại : chiến tranh xuất phát từ « tham vọng của chính quyền Bắc Triều Tiên muốn thống nhất và đặt bán đảo Triều Tiên dưới chế độ cộng sản ».

Báo Le Monde (ngày 22/07/1994) đưa tin sau khi chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời, bộ ngoại giao Hàn Quốc cho công bố nhiều tài liệu lưu trữ của Liên Xô. Trong số ấy có bức điện thư « Kim Il Sung/Kim Nhật Thành xin phép Staline xâm chiếm miền nam. Một số khác đưa ra những chi tiết về công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch » này.

https://www.rfi.fr/vi


XEM THÊM (HD Press)

Comments are closed.