Thời sự Thứ Sáu 08/9/2023: *Những ưu tiên của Mỹ tại G20 *Mỹ gửi thiết giáp phá mìn MRAP cho Ukraine *Cuba tố cáo ‘đường dây buôn người’ của Nga ở Ukraina *Google bị kiện hơn 8 tỷ USD tại Anh *Ngoại trưởng Mỹ đến Kyiv, công bố khoản tài trợ mới *Giá lương thực toàn cầu tăng
Võ Thái hà tổng hợp
Tổng thống Mỹ Biden đề ra những ưu tiên trước thượng đỉnh G20
Minh Anh /RFI
07/9/2023
Thượng đỉnh G20, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (gồm 19 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu) sẽ khai mạc tại New Delhi ngày mai, 09/09/2023. Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự thượng đỉnh và cũng không có bài phát biểu trực tuyến như năm ngoái. Còn Trung Quốc thông báo thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt chủ tịch Tập Cận Bình đến New Delhi.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Auburn, bang Maine, Hoa Kỳ, ngày 28/07/2023. © AFP / BRENDAN SMIALOWSKI
Thông báo này của Bắc Kinh khiến tổng thống Mỹ Joe Biden thất vọng. Dù vậy, trước khi lên đường đến Ấn Độ, nguyên thủ Mỹ cho biết một số ưu tiên của Mỹ trong kỳ họp này.
Từ New York, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tường thuật :
« Điều trước tiên mà tổng thống Mỹ thể hiện trước khi đi dự G20 là nỗi thất vọng. Ông thất vọng vì không thể gặp trực tiếp nhân vật số một Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ không đến dự cuộc họp. Như vậy, sẽ không có một cuộc gặp giống như năm ngoái ở Bali và như vậy, bớt đi một cơ hội để cố gắng làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việc tổng thống Vladimir Putin vắng mặt 2 năm liên tiếp, đối với ông Biden, là một cơ hội để trình bày mô hình của ông trước các nước dự thượng đỉnh. Các cố vấn của ông giải thích rằng tổng thống tin tưởng vào cơ chế của G20, dù rằng nhiều tác nhân quan trọng đang xa lánh nhóm này và hiện giờ thì không chắc là thượng đỉnh sẽ ra được một thông cáo chung.
Tổng thống Mỹ muốn tán dương Bidenomics, tức là chính sách kinh tế của ông và nhấn mạnh đến phương pháp đầu tư của ông vào cơ sở hạ tầng và tập trung vào các thách thức về khí hậu và công nghệ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ ủng hộ cải tổ Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) để tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang trỗi dậy.
Điều này sẽ được bắt đầu từ nước chủ nhà Ấn Độ. Một cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Narendra Modi dự trù diễn ra trước thượng đỉnh. Nhà Trắng cũng vui mừng chào đón Liên Hiệp Châu Phi lần đầu tiên trở thành thành viên chính thức của nhóm. »
Trước thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ Biden gặp thủ tướng Ấn Độ Modi
Thùy Dương /RFI
08/9/2023
Chưa đầy 3 tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước ở Hoa Kỳ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay, 08/09/2023, đến New Delhi. Trước khi thượng đỉnh G20 khai mạc ngày mai 09/09, theo dự kiến, hôm nay hai nhà lãnh đạo Mỹ – Ấn có cuộc gặp trực tiếp tại phủ thủ tướng ở New Delhi.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hội đàm tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/06/2023. REUTERS – EVELYN HOCKSTEIN
AP nhắc lại là tổng thống Mỹ Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ, và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có tư tưởng dân tộc Hindu bảo thủ, hầu như không có điểm chung về hệ tư tưởng, nhưng cả hai nhà lãnh đạo ngày càng xích lại gần nhau do các hoạt động quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Kể từ năm 2021, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có hơn chục cuộc gặp, trực tiếp hoặc trực tuyến, để thắt chặt quan hệ đối tác Mỹ-Ấn trong bối cảnh có những mối lo ngại lớn chung.
Nhà Trắng rất kín tiếng về những thông báo quan trọng có thể sẽ được đưa ra trong cuộc đàm phán mới nhất của hai nhà lãnh đạo Mỹ Ấn. Nhưng chính quyền Biden dường như muốn tiếp tục bước tiến đã đạt được từ chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 06/2023 của thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ, trong các lĩnh vực khí hậu, y tế, không gian và một số dự án lớn trong khu vực tư nhân.
AP nhận định cuộc họp hôm nay của tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như khó có thể mang lại nhiều thỏa thuận quan trọng. Tuy nhiên, theo Richard Rossow, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, thủ tướng Ấn Độ Modi muốn chính quyền Biden tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương khi Washington điều chỉnh lại chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Nhà Trắng đã tìm cách làm giảm mức độ khác biệt trong quan điểm của Biden và Modi về chiến tranh Ukraina. Còn Ấn Độ hiện có mối lo ngại về an ninh do « Mỹ tập trung quá mức vào Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông và các đảo Thái Bình Dương, nên không chú ý đủ nhiều vào khu vực Ấn Độ Dương », theo chuyên gia Rossow.
Ukraina tìm ra cách ‘bẫy’ người Nga
Ảnh minh họa.
Ukraina tìm ra cách bẫy người Nga; Đặc biệt, bằng việc sản xuất các mẫu thiết bị giúp Lực lượng Phòng vệ Ukraina đánh lừa quân Nga, báo The Guardian đưa tin.
Tờ báo viết: “Trong một xưởng bụi bặm, một nhóm chuyên gia Ukraina đang chế tạo những khẩu pháo không bao giờ bắn, hệ thống radar không thể phát hiện bất cứ thứ gì và tên lửa không có chất nổ. Những mô hình này nhằm mục đích làm chệch hướng hỏa lực của Nga bằng cách lãng phí đạn dược, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương; Đồng thời để bảo vệ thiết bị thực sự và những người lính phục vụ nó”.
Các mô hình thiết bị quân sự được làm bằng nhựa, gỗ vụn, xốp và kim loại. The Guardian cho rằng sự thành công của hoạt động sản xuất bất thường này được đo bằng tốc độ tiêu hủy thành phẩm, bởi để trở thành mục tiêu của kẻ thù, nó phải trông hoàn toàn giống với thiết bị thật.
Một trong những chuyên gia của Metinvest nói với nhà báo: “Khi quân đội đến gặp chúng tôi và nói rằng họ đã hết mô hình, điều đó có nghĩa là chúng tôi đã hoàn thành thành công công việc của mình”. Địa điểm sản xuất không được tiết lộ.
Một tủ trưng bày trong xưởng chứa những bằng chứng của sự thành công. Trong số đó có động cơ và những mảnh vỡ của máy bay không người lái Shahed của Iran, cánh bị gãy của máy bay không người lái Lancet của Nga – cả hai đều bị thu hút bởi các mẫu thiết bị được sản xuất tại đây.
Ý tưởng sản xuất vũ khí mồi nhử thuộc về ba nhà quản lý cấp cao của công ty vào đầu cuộc chiến, khi dường như quân đội Ukraina được trang bị kém. Dự án đã được đích thân cổ đông của doanh nghiệp – Rinat Akhmetov phê duyệt.
Một trong những nhà quản lý cấp cao cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng nếu người Nga nhìn thấy nhiều vũ khí, họ sẽ ngại tiến lên hoặc tấn công lãnh thổ. Đây là một loại vũ khí tâm lý”.
Các mô hình làm sẵn có thể dễ dàng vận chuyển để lắp đặt ở tiền tuyến, chẳng hạn như ở đó, một “súng pháo” có thể được lắp ráp chỉ trong 20 phút.
Vào cuối tháng 8, Metinvest đã công bố các mẫu thiết bị quân sự được thiết kế để đánh lừa kẻ thù.
Là một phần trong sáng kiến quân sự “Mặt trận thép” của Rinat Akhmetov, hơn 250 mẫu như vậy đã được bàn giao cho tiền tuyến. Sản xuất của họ không dừng lại. Tổng cộng, doanh nhân này đã sử dụng hơn 6 tỷ đồng UAH để giúp đỡ quân đội và người dân Ukraina kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.
Liên Thành
Mỹ gửi xe thiết giáp phá mìn MRAP cho Ukraine
Thiết giáp phá mìn MRAP của Mỹ. (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink thông báo trên mạng xã hội hôm 7/9, Mỹ đã gửi hơn 190 chiếc MRAP “cho phép các sĩ quan anh dũng thực thi pháp luật Ukraine có thể bảo vệ nhân dân của mình, đặc biệt là gần chiến tuyến,” kèm tấm ảnh bà được chụp bên cạnh xe thiết giáp và bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, người đi cùng đoàn quan chức Mỹ tới thăm Kiev. Nói về chuyến công du của đoàn với tuyên bố tăng cường hơn 1 tỷ viện trợ cho Kiev, người phát ngôn điện Kremlin bình luận rằng Mỹ muốn ép Kiev “tiến hành chiến tranh cho tới người Ukraine cuối cùng.”
Sự kiện phái đoàn ngoại giao Mỹ, dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Antony Blinken, tới Kiev hôm 6/9 trong chuyến công du 2 ngày, được diễn ra trong bối cảnh chiến dịch phản công của Ukraine không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đang trong quá trình bị sa thải do các vụ bê bối tham nhũng.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần, không chỉ để thành công trong cuộc phản công mà còn có những gì họ cần về lâu dài, để đảm bảo rằng họ có khả năng răn đe mạnh mẽ,” ông Blinken tuyên bố khi đứng cạnh Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
“Chúng tôi đã nhiều lần nghe những tuyên bố rằng [Mỹ] sẽ tiếp tục “viện trợ” Kiev chừng nào còn khả dĩ (as long as it takes),”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, và nói rằng điều đó có nghĩa là Washington sẽ “tiếp tục một cách có hiệu quả sao cho Ukraine vẫn luôn trong trạng thái chiến tranh, và giữ Ukraine trong tình trạng chiến tranh một cách hiệu quả, và tiến hành chiến tranh cho tới người Ukraine cuối cùng, bất chấp phung phí tiền của.”
Lập luận của phe Nga rằng chính quyền Kiev đang bị ép phải đưa những người dân cuối cùng ra tiền tuyến là trên cơ sở Ukraine đang tổn thất nặng nề, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu dù không có khả năng chiến thắng, và chính quyền Kiev sau năm 2014 là được kiến lập trên cơ sở đảo chính do Mỹ đứng sau.
Ukraine đã tổn thất 66.000 quân cùng 7.600 xe tăng và vũ khí hạng nặng bị phá hủy trong hơn 2 tháng “chiến dịch phản công” của quân Ukraine, theo RT dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội thông qua việc tăng 24 tỷ USD cho quỹ ủng hộ cho chính quyền Kiev, trong bối cảnh đa số dân Mỹ không muốn tiếp tục cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev.
Nhật Tân
Số người Ukraina thiệt mạng vì bom chùm vượt kỷ lục
Ảnh minh họa: AP.
Los Angeles Times dẫn số liệu từ một cơ quan giám sát quốc tế cho thấy, chỉ tính riêng số người thiệt mạng và bị thương do bom chùm ở Ukraina vào năm 2022, đã đẩy quốc gia này vượt qua Syria để trở thành quốc gia có số thương vong cao nhất do loại vũ khí còn nhiều tranh cãi này gây ra.
Trong khi tại Syria và các quốc gia khác ở Trung Đông, mặc dù đã đi qua các cuộc chiến, nhưng nhưng tàn dư của loại vũ khí nổ này vẫn tiếp tục giết chết và làm bị thương hàng chục người mỗi năm. Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều nạn nhân như vậy.
Bất chấp mối nguy hiểm lâu dài có thể gây ra cho dân thường trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập niên sau khi các cuộc chiến tranh qua đi, vào tháng 7, Mỹ vẫn quyết định sẽ cung cấp cho Ukraina loại vũ khí này để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.
Hiện tại có khoảng 124 quốc gia đã tham gia công ước của Liên hợp quốc cấm bom và đạn chùm. Mỹ, Nga, Ukraina đều là những quốc gia tham gia hiệp ước này.
Liên Thành
Cuba phát hiện ‘đường dây buôn người’ tuyển dụng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla (ảnh: Reuters).
Chính phủ Cuba cho biết, nước này đã phát hiện một đường dây buôn người nhằm tuyển dụng người Cuba làm lính đánh thuê cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraina.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết chính quyền nước này đang nỗ lực “vô hiệu hóa và phá bỏ” mạng lưới mà họ cho biết đang hoạt động ở quốc đảo Caribe và ở Nga.
Bộ Ngoại giao Cuba nói thêm: “Cuba có quan điểm lịch sử vững chắc và rõ ràng về việc chống lại việc sử dụng lính đánh thuê… Cuba không tham gia vào cuộc chiến ở Ukraina”.
Bộ Ngoại giao không đề cập việc liệu có người Cuba nào tham gia cuộc chiến ở Ukraina như một phần của đường dây buôn người, hay đường dây này có bất kỳ mối liên hệ nào với chính phủ Nga hay không.
Tháng 5 năm ngoái, tờ báo Ryazan Gazette của Nga cho biết một số công dân Cuba đã gia nhập lực lượng Nga chiến đấu ở Ukraina.
Chiến tranh Ukraina đang làm sống lại liên minh thời chiến tranh lạnh trước đây giữa một nước Nga ngày càng bị cô lập và một nước Cuba nghèo khó. Những tuyên bố công khai của chính quyền Havana hôm 4/9 là khoảnh khắc xích mích hiếm hoi giữa hai nước.
Nga đã sử dụng lính đánh thuê trong cuộc xâm lược Ukraina, đáng chú ý nhất là nhóm Wagner.
Cuba theo truyền thống là đồng minh thân cận của Nga, trước đây đã chỉ trích phương Tây kích động chiến tranh ở Ukraina. Tổng thống Cu Ba Miguel Díaz-Canel nói rằng Nga nhận được “sự ủng hộ vô điều kiện của Cuba” trong cuộc xung đột với phương Tây.
Liên Thành
Hãng Google đối mặt vụ kiện trị giá hơn 8 tỷ USD tại Anh
(Ảnh minh họa: Linda Parton/Shutterstock)
Hãng Google đang phải đối mặt với vụ kiện mới ở Anh, trong đó tập đoàn công nghệ Mỹ bị cáo buộc bóp nghẹt sự cạnh tranh trên thị trường công cụ tìm kiếm và là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao trên toàn nền kinh tế của Anh, theo tờ The Guardian.
Cụ thể, đơn kiện thay mặt cho tất cả người tiêu dùng tại nước Anh, được đệ trình lên Tòa phúc thẩm cạnh tranh Vương quốc Anh, yêu cầu bồi thường thiệt hại khoảng 7 tỷ bảng Anh (tương đương với 8,7 tỷ USD). Bên nguyên đơn cáo buộc Google vi phạm luật cạnh tranh khi loại bỏ chức năng cạnh tranh tìm kiếm trên thiết bị di động và sử dụng vị thế thống trị thị trường của mình để tăng mức giá mà các nhà quảng cáo phải trả để được nổi bật trên trang tìm kiếm Google.
Theo đơn kiện, những chi phí quảng cáo này sau đó được chuyển sang người tiêu dùng, khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ mà họ mua.
Nguyên đơn lập luận rằng hãng Google đã lạm dụng vị trí thống trị của mình khi ràng buộc chức năng Tìm kiếm của mình với các ứng dụng và dịch vụ khác, như yêu cầu nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cài đặt sẵn ứng dụng Google Search và trình duyệt Google Chrome để có được giấy phép sử dụng cửa hàng ứng dụng Google Play. Đơn kiện cũng nêu rõ Google đã trả tiền cho Apple để đảm bảo Google là công cụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt Safari trên các thiết bị của Apple như iPhone.
Đại diện tập thể trong vụ kiện trên, bà Nikki Stopford, một nhà vận động vì quyền lợi người tiêu dùng, cho hay: “Đây rõ ràng là hành vi vi phạm luật cạnh tranh, mà người tiêu dùng phải trả giá”. Theo bà, vụ kiện này nhằm buộc Google phải chịu trách nhiệm về việc liên tục vi phạm pháp luật, và lấy lại số tiền họ nợ người tiêu dùng.
Theo nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Consumer Voice, đơn kiện được đưa ra thay mặt cho 65 triệu người tiêu dùng ở Vương quốc Anh. Nếu vụ kiện thành công, mỗi nguyên đơn có thể được bồi thường khoảng 100 bảng Anh.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Google nhận định rằng vụ kiện trên mang tính “suy diễn và cơ hội”, đồng thời cho biết công ty “sẽ đáp trả mạnh mẽ”. Phía Google tuyên bố: “Mọi người sử dụng Google vì tính hữu ích của nền tảng này. Chúng tôi chỉ kiếm tiền nếu quảng cáo hữu ích và phù hợp, được biểu thị bằng số lần nhấp chuột – với mức giá được đặt ra thông qua đấu giá theo thời gian thực”. Google cũng cho biết thêm rằng quảng cáo đóng vai trò quan trọng, giúp mọi người tìm hiểu các doanh nghiệp mới, mục tiêu mới và sản phẩm mới.
Phan Anh
Ấn Độ muốn đưa quan điểm của Nga vào tuyên bố chung G20
Ấn Độ đề xuất đưa quan điểm của Nga và Trung Quốc về vấn đề Ukraine vào tuyên bố chung của G20 để tránh bế tắc tại hội nghị thượng đỉnh.
“Đồng thuận là khi mọi thành viên đều nhất trí với cấu trúc của tuyên bố chung. Chúng tôi đang cố gắng để tất cả các bên tham gia, gồm cả Nga, G7 và Trung Quốc, đều hài lòng vì quan điểm của họ được đề cập”, một quan chức Ấn Độ nói ngày 7/9.
Các quan chức Ấn Độ cho rằng dù tuyên bố chung của G20 có lên án những khổ đau mà chiến dịch của Nga gây ra ở Ukraine, tài liệu này cũng cần phản ánh quan điểm của Moskva và Bắc Kinh rằng đây không phải là một diễn đàn địa chính trị.
Nhân viên an ninh đứng gác gần bảng truyền thông hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi ngày 7/9. Ảnh: AFP
Các nước phương Tây muốn tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người thay Tổng thống Vladimir Putin dự sự kiện, cho biết Moskva sẽ chặn tuyên bố chung nếu nó không phản ánh lập trường của nước này về vấn đề Ukraine.Advertisement https://vnexpress.net/an-do-muon-dua-quan-diem-cua-nga-vao-tuyen-bo-chung-g20-4650647.html
Dự thảo tuyên bố chung đã được nhóm đại diện các quốc gia G20 trao đổi trong bốn ngày trước khi lãnh đạo các nước bắt đầu thảo luận vào ngày 9/9.
Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách sử dụng vai trò chủ nhà của Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra ngày 9-10/9, để chứng tỏ khả năng tạo dựng sự thống nhất của New Delhi trong các vấn đề lớn toàn cầu.
Nếu hội nghị sắp tới không thể đưa ra tuyên bố chung, đây sẽ là lần đầu tiên G20 gặp phải điều này và có thể làm dấy lên hoài nghi về năng lực và ảnh hưởng của nhóm.
“Nó chắc chắn dẫn tới cuộc khủng hoảng tín nhiệm đối với nhóm G20”, Creon Butler, giám đốc Chương trình Kinh tế và Tài chính Toàn cầu tại tổ chức Chatham House ở London, nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali, Indonesia năm ngoái, các lãnh đạo đã cố gắng đưa ra tuyên bố chung vào phút chót sau những tranh luận gay gắt về xung đột Ukraine.
Chuyên gia Butler dự đoán hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi sẽ đối mặt nhiều khúc mắc và khó khăn, song các nước cuối cùng vẫn sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung, vì G20 là mối liên kết quan trọng giữa nhóm quốc gia giàu có G7 và các nước đang phát triển.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Kyiv đàm phán, đồng thời công bố khoản tài trợ mới
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Kyiv vào hôm nay để gặp gỡ các quan chức chủ chốt của Ukraina, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba. (Ảnh: CNN).
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Kyiv vào hôm nay (6/9) để gặp gỡ các quan chức chủ chốt của Ukraina, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba.
CNN đưa tin, chuyến đi của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraina đang diễn ra chậm hơn dự kiến.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Blinken cũng dự kiến công bố khoản tài trợ mới trị giá hơn 1 tỷ USD cho Ukraina.
CNN cho biết, theo chính quyền quân sự thành phố, Kyiv đã bị tên lửa Nga nhắm tới trong đêm và nó đã bị đánh chặn.
Ông Blinken đến Kyiv vào sáng thứ Tư sau khi thực hiện chuyến hành trình vào ban đêm bằng tàu hỏa từ Ba Lan, điểm chung của hầu hết các du khách cấp cao đến Kyiv đang bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã có chuyến công du vào tháng Hai.
Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Blinken tới thủ đô Ukraina, kể từ khi Nga tiến đánh nước láng giềng.
Liên Thành
Elon Musk bí mật đóng cửa Starlink để ngăn chặn cuộc tấn công vào hạm đội Nga
Vệ tinh Starlink. (Ảnh: ukrinform).
Năm ngoái, Elon Musk đã bí mật tắt Starlink ngoài khơi bờ biển Crimea nhằm ngăn chặn cuộc tấn công bằng xuồng không người lái dưới nước của Ukraina nhằm vào hải quân Nga, theo CNN đưa tin hôm 7/9.
Elon Musk – người sáng lập SpaceX, công ty cung cấp thông tin liên lạc vệ tinh Starlink đã bí mật đóng cửa mạng Starlink gần Crimea vào năm ngoái. Điều này xảy ra khi các xuồng không người lái dưới nước của Ukraina mang theo chất nổ tiếp cận hải quân Nga, chúng “mất liên lạc và dạt vào bờ mà không hề hấn gì”, bài báo viết.
Cần lưu ý rằng, Musk đã làm điều này vì sợ Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân trước cuộc tấn công của Ukraina vào Crimea.
Theo nguồn tin trên, trước đó, người sáng lập công ty SpaceX đã nói chuyện với các quan chức Nga, họ nói rằng: Liên bang Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraina tấn công Crimea.
Liên Thành
Elon Musk phủ nhận việc tắt Starlink để ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine
Theo Telegraph, Elon Musk phủ nhận việc tắt Internet vệ tinh Starlink và kêu gọi đình chiến ngay lập tức giữa Nga và Ukraine.
Tỷ phú 52 tuổi gốc Nam Phi này đã bị cáo buộc ngấm ngầm chỉ đạo các kỹ sư của mình vô hiệu hóa mạng lưới liên lạc trong một cuộc tấn công lớn của Ukraine.
Họ tuyên bố đây là một phần trong kế hoạch ngăn chặn cuộc tấn công bí mật, đồng thời nói thêm rằng các máy bay không người lái của tàu ngầm Ukraine, được trang bị chất nổ, đã mất kết nối khi tiến về phía tàu chiến Nga.
Nhưng ông Musk đã phủ nhận những cáo buộc trên Twitter hôm thứ Năm.
“Các khu vực Starlink được đề cập chưa được kích hoạt. SpaceX không hủy kích hoạt bất cứ thứ gì”, ông viết.
“Cả hai bên nên đồng ý đình chiến. Mỗi ngày trôi qua, có thêm nhiều thanh niên Ukraine và Nga chết để giành và mất những mảnh đất nhỏ, với biên giới hầu như không thay đổi. Điều này không đáng giá bằng mạng sống của họ.”
Các thiết bị đầu cuối vệ tinh do SpaceX của ông Musk cũng như chính phủ Mỹ và các nhà tài trợ tư nhân tài trợ đã trở nên quan trọng đối với liên lạc quân sự của Ukraine.
Nga sẽ sớm hoàn thiện ‘Sức mạnh Siberia 2’ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc
Hệ thống đường ống cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ.
Nga cho biết họ sẽ sớm hoàn thiện tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2”, một dự án lớn nhằm cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc, theo AFP.
Matxcova có kế hoạch bắt đầu xây dựng đường ống vào năm tới, sau khi cuộc chiến ở Ukraina buộc nước này phải rời khỏi thị trường châu Âu để chuyển sang mua ở châu Á.
Phó thủ tướng Alexander Novak – một quan chức năng lượng hàng đầu của Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí ‘Chính sách Năng lượng của Nga’ rằng, dự án đang ở giai đoạn cuối.
Ông Novak cho biết, đường ống này sẽ chạy qua miền nam Siberia gần thành phố Achinsk và rẽ về phía đông tới Krasnoyarsk và Irkutsk trước khi đến biên giới Mông Cổ.
Liên Thành
Giá lương thực toàn cầu tăng
Vào thứ Sáu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp FAO của Liên Hợp Quốc sẽ công bố chỉ số giá lương thực tháng 8. Giá lương thực toàn cầu đã giảm trong những tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thước đo của FAO cho thấy có tăng nhẹ trong tháng 7 so với tháng 6 trong khi các chỉ dấu của tháng 8 có thể còn tệ hơn.
Nga đang ném bom các cảng của Ukraine sau khi rút khỏi thỏa thuận cho phép ngũ cốc Ukraine đi qua Biển Đen. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati sau những trận mưa lớn. Và El Niño, một hiện tượng thời tiết gây gián đoạn chu kỳ mùa màng, có thể sẽ tạo ra hạn hán ở phần lớn châu Á và Trung Mỹ.
Hậu quả là thị trường thực phẩm rơi vào tình trạng khó khăn. Giá gạo toàn cầu đã lên gần mức cao nhất 12 năm sau lệnh cấm của Ấn Độ. Giá dầu thực vật cũng đang nóng hổi. Các nước nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Lạm phát gia tăng có thể khiến các ngân hàng trung ương của họ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, khiến cho nền kinh tế bị thiếu hụt tín dụng.
Toà Florida xem xét luật cấm phá thai
Vào thứ Sáu, Tòa án Tối cao Florida sẽ xem xét đơn kiện do các nhà cung cấp dịch vụ phá thai đưa ra đối với lệnh cấm phá thai sau 15 tuần thai của bang. Họ cho rằng phá thai được bảo vệ bởi quyền riêng tư do cử tri bổ sung vào hiến pháp bang năm 1980. Giới hoạt động ủng hộ quyền phá thai đưa quyền này vào luật để phòng khi quyền phá thai trên toàn quốc, có từ sau vụ Roe kiện Wade năm 1973, bị đảo ngược — điều đã trở thành hiện thực vào năm ngoái.
Nhưng lệnh cấm sau 15 tuần thai có thể sẽ được giữ nguyên, khi tất cả bảy thẩm phán của toà đều do đảng Cộng hòa bổ nhiệm (trong đó có năm người được chính đương kim thống đốc và ứng viên tổng thống Ron DeSantis giới thiệu). Nếu tòa giữ nguyên lệnh cấm, 30 ngày sau lệnh cấm phá thai sau sáu tuần sẽ có hiệu lực. Ông DeSantis đã ký luật này từ tháng Tư. Ngoài Florida, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ bên ngoài tiểu bang, vì bang này chiếm gần 10% số ca phá thai ở Mỹ. Phụ nữ từ Alabama, Georgia và Nam Carolina, những bang láng giềng có luật cấm phá thai nghiêm ngặt hơn, thường đến Florida để phá thai.
Đức muốn cải cách hệ thống sưởi trong nhà
Năm 2004, ngay trước khi trở thành thủ tướng Đức, Angela Merkel từng nói “những cánh cửa sổ được đóng kín” luôn hiện lên trong tâm trí mỗi khi bà nghĩ về đất nước mình. Bà cũng có lý: nhà ở Đức mất nhiệt chậm hơn ba lần so với nhà ở Anh vốn có nhiều gió lùa qua hơn. Giờ đây, Đức sắp đưa ra luật giúp xanh hoá hệ thống sưởi trong nhà, bằng cách cấm các nồi hơi đốt dầu và khí đốt và trợ cấp máy bơm nhiệt. Nhưng nhiều người Đức không ủng hộ. Sự tức giận của họ đã giúp tăng ủng hộ cho đảng dân túy cánh hữu Con đường Thay thế cho nước Đức (Afd).
Quốc hội có vẻ sẽ thông qua dự luật vào thứ Sáu. Liên minh cầm quyền đã đạt được thỏa hiệp vào mùa hè, trong đó bao gồm cho các hộ gia đình thêm thời gian để thay đổi hệ thống sưởi. Nhưng tòa án cao nhất nước Đức yêu cầu quốc hội dành thêm thời gian để thảo luận về vấn đề, khiến cuộc bỏ phiếu bị trì hoãn cho đến sau kỳ nghỉ hè. Câu chuyện này cho thấy thách thức của việc xanh hóa hệ thống sưởi trong nhà: bắt buộc áp dụng các hệ thống mới sẽ khiến người dân tức giận, trong khi trợ cấp hoàn toàn là quá tốn kém.
Triều Tiên hạ thủy ‘tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật’
08/9/2023
Một sự kiện mà truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin là lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới của nước này ở Triều Tiên, trong bức ảnh được công bố vào ngày 8 tháng 9 năm 2023.
Triều Tiên đã hạ thủy ‘tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật’ đầu tiên được đưa vào hoạt động và giao cho hạm đội tuần tra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, truyền thông nhà nước loan tin ngày 7/9.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự lễ hạ thủy hôm 6/9 và tuyên bố việc trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân là một nhiệm vụ cấp bách và hứa sẽ chuyển thêm các tàu có trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật cho lực lượng hải quân, hãng thông tấn KCNA đưa tin.
Tàu ngầm số 841 – được đặt tên là Anh hùng Kim Kun Ok theo tên một nhân vật lịch sử của Triều Tiên – sẽ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với tư cách là ‘một trong những phương tiện tấn công dưới nước cốt lõi của lực lượng hải quân’ Triều Tiên, ông Kim nói.
Vẫn theo lời ông, Triều Tiên có kế hoạch biến các tàu ngầm hiện có của mình thành các tàu ngầm tấn công được trang bị vũ khí hạt nhân và đẩy nhanh nỗ lực chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các nhà phân tích lần đầu tiên phát hiện các dấu hiệu cho thấy ít nhất một tàu ngầm mới được chế tạo vào năm 2016, và vào năm 2019, truyền thông nhà nước chiếu cảnh ông Kim đang kiểm tra một tàu ngầm được chế tạo dưới sự ‘quan tâm đặc biệt của ông’ và sẽ hoạt động ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông.
Truyền thông nhà nước vào thời điểm đó không mô tả hệ thống vũ khí của tàu ngầm, cũng không cho biết cuộc thanh sát của ông Kim diễn ra ở đâu và khi nào, nhưng các nhà phân tích cho biết kích thước bên ngoài của con tàu mới cho thấy nó được thiết kế để mang phi đạn.
Hiện chưa rõ tàu ngầm mới này sẽ được trang bị phi đạn gì. Triều Tiên đã bắn thử một số phi đạn đạn đạo phóng từ tàu ngầm và phi đạn hành trình có thể bắn từ tàu ngầm.
Cũng không rõ liệu Triều Tiên đã phát triển đầy đủ đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cho những phi đạn ấy hay chưa. Các nhà phân tích cho rằng việc hoàn thiện các đầu đạn nhỏ hơn rất có thể sẽ là mục tiêu chính nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân.
Triều Tiên có hạm đội tàu ngầm lớn nhưng chỉ có tàu ngầm mang phi đạn đạn đạo thử nghiệm (Anh hùng 24 tháng 8) được biết là đã phóng một phi đạn.
Lễ hạ thủy diễn ra trong lúc Triều Tiên chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày thành lập vào thứ Bảy tuần này và sau các báo cáo rằng ông Kim có kế hoạch tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin bàn chuyện cung cấp vũ khí cho Moscow.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 7/9 đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Jakarta và yêu cầu Bắc Kinh làm nhiều hơn với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
XEM THÊM:
- ISW đánh giá chiến sự Nga – Ukraine ngày 7 tháng 9 năm 2023 (ngày thứ 561) September 7, 2023
- Tình hình ở Ukraine ngày 7/9/2023 (ngày #561): *Mỹ viện trợ quân sự 175 triệu USD *Ukraine bắn hạ 25/33 UAV Shahed-136/131 *Tổng thiệt hại của Nga: 266.900 quân; 4506 xe tăng; 8703 xe bọc thép; 5722 pháo… *Pháo binh Ukraine: 1.527 vụ bắn vào trục Tavriia, tiêu diệt 114 quân, 187 bị thương. Phá hủy 59 thiết bị quân sự và 3 kho đạn của Nga September 7, 2023
- Cập nhật tin chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 561 (7/9/2023): *Nga thêm quân ngăn chặn bước đột phá của Ukraine *Kremlin chỉ trích Mỹ chuyển tiền tịch thu của Nga tới Ukraine *Zelensky: tân bt quốc phòng lấy lại niềm tin *TTK NATO nói Ukraine ‘giành được thế chủ động’ trong phản công *Blinken ca ngợi ‘sự kiên cường’ của Ukraine September 7, 2023
- Ukraine tiến bộ khi Nga giảm sức chiến đấu xuống 50% September 7, 2023
- UAV Ukraine tấn công gần trụ sở phía nam của Putin September 7, 2023
- Chúng ta đối phó với sự suy tàn của Trung Quốc như thế nào?
- Cơ quan giám sát Hoa Kỳ: Việt Nam đang trên “quỹ đạo tương tự Trung Quốc về quản lý và kiểm soát tôn giáo”
- Chuyện Việt Nam Thứ Năm 07/9/2023: *Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo *Nhân quyền trong chuyến thăm của TT Biden *Phụ huynh khó khăn năm học mới *Ai đứng đầu Nhà nước CSVN? *Tiếp viên hk bị bắt ở Hàn Quốc *Mỹ áp thuế 220% móc áo thép Việt Nam *Bình Thuận vẫn phá 600 ha rừng
- Nhiều tin đồn: Phạm Đoan Trang đi Mỹ trước khi Biden thăm Việt Nam!
- Tưởng Năng Tiến – Vũng Lầy Giáo Dục
- Chuyến công du của Biden chẳng mang lại chút hy vọng nào cho các nhà hoạt động ở Việt Nam