Thời sự Thứ Sáu 24/11/2023: *Lệnh ngừng bắn có hiệu lực ở Gaza. *Đụng độ dữ dội giữa Hezbollah Liban và Israel. *Mỹ-Trung sau cuộc gặp: Bước tiến nhỏ, thách thức vẫn lớn. *WHO: Biến thể virus corona vẫn đe dọa. *Na Uy sẵn sàng đóng biên giới với Nga. *Thần đồng 6 tuổi IQ gần bằng Albert Einstein. *Nga ca ngợi ‘thân thiết hơn’ với Trung Quốc. *Bắc Hàn hủy thỏa thuận quân sự với Nam Hàn


Thái Hà tổng hợp


Lệnh ngừng bắn có hiệu lực ở Gaza trước khi con tin được thả, viện trợ được đưa vào 

24/11/2023 

Reuters 

Đoàn xe cứu thương và 1 xe tải của LHQ đi đến miền bắc Gaza khi Israel và Hamas ngừng bắn tạm thời, 24/11/2023. (REUTERS/Ibraheem Abu Mustafa)

Đoàn xe cứu thương và 1 xe tải của LHQ đi đến miền bắc Gaza khi Israel và Hamas ngừng bắn tạm thời, 24/11/2023. (REUTERS/Ibraheem Abu Mustafa) 

Một số trong các con tin đầu tiên (Times of Israel)

Lệnh ngừng bắn tạm thời giữa các lực lượng Israel và Hamas đã được thực thi ở Dải Gaza hôm thứ Sáu 24/11, là lần đầu tiên hai bên tạm dừng tác chiến sau 48 ngày xung đột đã tàn phá vùng đất Palestine, nhưng cả hai bên đều cảnh báo rằng chiến tranh còn lâu mới kết thúc.

Lệnh ngừng bắn – bắt đầu lúc 7 giờ sáng, giờ địa phương (tức 5h00, giờ chuẩn quốc tế GMT) – cũng bao gồm việc thả 13 phụ nữ và trẻ em Israel bị Hamas bắt làm con tin trong cùng ngày 24/11, đổi lại, các tù nhân Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel cũng được phóng thích.

Các nhà báo của Reuters nhìn thấy xe tăng của Israel đi ra khỏi Dải Gaza ở đầu phía bắc và xe tải chở hàng viện trợ đi từ Ai Cập vào ở đầu phía nam. Không có tiếng động từ hoạt động của lực lượng không quân Israel trên bầu trời ở miền bắc Gaza, cũng như không có bất kỳ vệt khói nào thường thấy từ rocket của phía Palestine.

Tại thị trấn Khan Younis ở miền nam Gaza, nơi tá túc của hàng nghìn gia đình phải chạy nạn từ miền bắc, đường phố đông đúc những người mạnh dạn ra khỏi nhà và nơi trú ẩn.

Hamas xác nhận rằng mọi hoạt động tác chiến của họ sẽ dừng lại. Nhưng Abu Ubaida, người phát ngôn của cánh vũ trang thuộc Hamas, sau đó nhấn mạnh rằng đây là một “thỏa thuận ngừng bắn tạm thời”.

Trong một thông điệp bằng video, ông này kêu gọi “leo thang đối đầu với (Israel) trên tất cả các mặt trận kháng chiến”, kể cả Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

Quân đội Israel cũng nói rằng giao tranh sẽ sớm nổ ra trở lại.

Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói: “Đây sẽ là một khoảng thời gian tạm dừng ngắn, hết giai đoạn này, cuộc chiến (và) giao tranh sẽ tiếp tục với cường độ cực mạnh và sẽ tạo áp lực đòi trao trả thêm nhiều con tin nữa”.

Quân đội Israel cũng yêu cầu người Palestine chớ có cố quay về nhà ở miền bắc Gaza, phía Israel mô tả nơi đó là “vùng chiến sự nguy hiểm”.

Israel phát động cuộc tấn công vào Gaza sau khi các chiến binh Hamas xông qua hàng rào biên giới tiến sang miền nam Israel hôm 7/10, giết chết 1.200 người và bắt giữ khoảng 240 con tin, theo thống kê của Israel.

Kể từ đó, theo cơ quan y tế Palestine, Israel đã ném bom ồ ạt xuống khu vực do Hamas cai trị, giết chết khoảng 14.000 người Gaza, khoảng 40% trong số đó là trẻ em.

Hàng trăm ngàn người trong số 2,3 triệu dân ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh chiến sự trong khi tình hình ngày càng trở nên thê thảm hơn, bao gồm cả tình trạng lương thực, nước uống, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cơ bản khác cạn kiệt dần.

Đây là thời kỳ đẫm máu nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine. Israel tuyên bố chủ trương sẽ tiêu diệt Hamas một lần dứt điểm.

Lệnh ngừng bắn tạm thời được thực thi trong bối cảnh quốc tế lo ngại về số phận của các con tin và hoàn cảnh khốn khó của thường dân Palestine bị mắc kẹt ở Gaza. Israel đã bác bỏ lời kêu gọi hãy ngừng bắn hoàn toàn vì cho rằng làm như thế chỉ có lợi cho Hamas, một lập trường được Mỹ hậu thuẫn.

Những con tin đầu tiên, bao gồm cả các phụ nữ lớn tuổi, sẽ được trả tự do lúc 4 giờ chiều, giờ địa phương (tức 14h00, giờ GMT), và tổng số người được thả sẽ tăng lên thành 50 trong 4 ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari cho hay tại Doha. Toàn bộ những người này đều bị bắt đi trong cuộc tấn công ban đầu của Hamas vào miền nam Israel.

Dự kiến là các con tin sẽ được giao cho Hội Chữ thập Đỏ và một phái đoàn an ninh Ai Cập đã tới Gaza hôm 23/11, sau đó họ được đưa qua Ai Cập rồi được chuyển về Israel, các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết.

Một quan chức Palestine cho hay Israel sẽ thả 39 tù nhân Palestine, trong đó có 24 phụ nữ và 15 thanh thiếu niên, ở Bờ Tây bị chiếm đóng để đổi lấy 13 con tin sẽ được trả tự do hôm 24/11.

Israel nói rằng lệnh ngừng bắn có thể được gia hạn sau 4 ngày đầu tiên nếu Hamas tiếp tục thả con tin với tốc độ ít nhất 10 người mỗi ngày. Một nguồn tin Palestine cho biết tổng số người được thả có thể lên tới 100 người.

Theo thỏa thuận, hàng viện trợ vô cùng cần thiết bắt đầu được chuyển đến Gaza. Theo cơ quan quản lý biên giới Gaza, đến giữa buổi sáng, 60 xe tải chở hàng viện trợ đã đi từ Ai Cập sang qua cửa khẩu Rafah.

Ai Cập cho hay 130.000 lít dầu diesel và 4 xe tải chở khí đốt sẽ được chuyển đến Gaza hàng ngày và 200 xe tải chở hàng viện trợ sẽ đi vào Gaza hàng ngày.

Cơ quan COGAT của Israel, chuyên trách việc liên lạc với phía Palestine về các vấn đề dân sự, cho biết 4 bồn chứa nhiên liệu và 4 bồn chứa gas đun nấu đã được chuyển từ Ai Cập đến các nhóm nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ở miền nam Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.


Đụng độ bùng phát dữ dội chưa từng có giữa lực lượng Hezbollah Liban và quân đội Israel

Thùy Dương /RFI

Tại mặt trận Liban – Israel, trong ngày 23/11/2023 đã diễn ra những vụ tấn công ở mức chưa từng có kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa lực lượng Hezbollah Liban và quân đội Israel hôm 08/10, một hôm sau vụ tổ chức Hamas tấn công Israel. 

Khói lửa tại khu biên giới Israel-Liban. Ảnh ngày 23/11/2023.

Khói lửa tại khu biên giới Israel-Liban. Ảnh ngày 23/11/2023. REUTERS – GIL ELIYAHU 

Bạo lực leo thang dữ dội ở biên giới Israel – Liban sau cuộc không kích của quân đội Israel khiến 5 thành viên Hezbollah thiệt mạng. Con trai của người đứng đầu đảng Hezbollah ở Nghị Viện Liban và ít nhất 3 sĩ quan cấp cao của đơn vị tinh nhuệ Al Radwan là các nạn nhân.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh gửi về bài tường trình :

Đối với Hezbollah, cái chết của 5 sĩ quan quân sự cấp cao thuộc các lực lượng tinh nhuệ của họ trong một cuộc đột kích vào một địa điểm cách biên giới 12 km cho thấy có sự vi phạm các quy tắc ngầm giữa các bên tham chiến. 

Điều này có lẽ giải thích cho việc triển khai hỏa lực mạnh chưa từng thấy với con số kỷ lục về số vụ tấn công mà đảng thuộc hệ phái Shia này phát động : 22 cuộc tấn công tính từ sáng thứ Năm.

Biện pháp đáp trả trực tiếp cho cái chết của 5 quan chức quân sự của Hezbollah là việc phóng loạt 50 rốc-kết Katioucha vào một căn cứ gần thành phố Safad ở vùng núi cao Galilée, cách biên giới khoảng 15 km. 

Đảng của Hassan Nasrallah thông báo đã dùng các loại vũ khí « đặc biệt » để tấn công một đơn vị bộ binh đang cố thủ trong một ngôi nhà gần Metoula, ở một vùng núi được gọi là « Ngón tay Galilée ». Tên lửa hạng nặng Al Burkan, được gắn 300 kg chất nổ, cũng đã được sử dụng trong ngày thứ ba liên tiếp. Một số căn cứ của Israel đã là mục tiêu bị tấn công nhiều lần bằng tên lửa dẫn đường, rốc-kết hoặc đạn pháo. 

Hỏa lực mà Israel triển khai cũng ở mức mạnh chưa từng có. Các chiến đấu cơ và drone đã tấn công vào khoảng 15 địa phương trên lãnh thổ Liban. Lực lượng pháo binh cũng hoạt động cả ngày nhắm vào một vùng rộng khoảng 100km nằm dọc biên giới. 

Theo AFP, tại Liban, các vụ đụng độ ở biên giới với Israel đã khiến tổng cộng 109 người thiệt mạng, gồm trên 77 chiến binh Hezbollah và ít nhất 14 thường dân, trong đó có 3 nhà báo.


Quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập: Bước tiến thì nhỏ còn thách thức vẫn lớn 

Ryan Morgan 

Cẩm An biên dịch

24/11/2023

Một nhà phân tích cho biết ông không ‘đặt nhiều niềm tin’ vào việc Trung Quốc sẽ thực hiện những cam kết mà ông Tập đã đồng ý trong cuộc gặp với ông Biden. 

Quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập: Bước tiến thì nhỏ còn thách thức vẫn lớn

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhìn chăm chú trong một cuộc họp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (không có trong ảnh) trong tuần lễ Các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Woodside, California, hôm 15/11/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images) 

Tổng thống (TT) Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý thực hiện một số nỗ lực nhằm hâm nóng mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng các nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng những bước đi mà họ thực hiện là khiêm tốn và vẫn còn khoảng cách ngoại giao rộng lớn giữa hai quốc gia sau hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi tuần trước (13-19/11). 

Theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc về cuộc họp hôm 15/11, Tổng thống Biden và ông Tập đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự cấp cao giữa hai quốc gia và các nỗ lực song phương mới nhằm ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán ma túy quốc tế. 

Phó Giám đốc Viện Đài Loan Toàn cầu (GTI) John Dotson cho biết bất kỳ cuộc gặp nào giữa các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc “vốn dĩ đã là một dấu hiệu của sự tiến triển,” nhưng ông cũng nói với chương trình “Capitol Report” của NTD rằng những kết quả hữu hình từ cuộc gặp của họ có lẽ sẽ còn “khá khiêm tốn.” 

“Đã có sự thổi phồng nào đó về những dấu hiệu tiến triển còn hạn chế, chẳng hạn như khôi phục hoạt động liên lạc giữa quân đội hai nước, và những nỗ lực được cho là của Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc sản xuất fentanyl. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung đây thực sự là những bước tiến khá khiêm tốn,” ông Dotson cho biết. 

Ông nói rằng ông không “đặt nhiều niềm tin” vào việc phía Trung Quốc sẽ thực sự thực hiện những cam kết mà ông Tập đã đồng ý trong cuộc họp hôm 15/11. 

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một thành viên cao cấp và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cũng mô tả kết quả từ cuộc họp hôm 15/11 giữa Tổng thống Biden và ông Tập là “rất hạn chế” và khuyên mọi người hãy có thái độ chờ xem thế nào đối với các mục hành động mà họ đã thảo luận trong buổi trao đổi kín đó. 

Ông Dư nói với chương trình “Capitol Report” rằng những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm cải thiện hoạt động liên lạc giữa quân đội với quân đội, mở rộng các hoạt động chống ma túy song phương, và cam kết không vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo nghe thì có vẻ đều “rất tốt,” nhưng ông cho biết ông vẫn có “sự nghi ngờ nhất định về khả năng thực thi những thỏa thuận đó.” 

Đài Loan vẫn là vấn đề gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Một vấn đề cụ thể vẫn còn gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chính sách của hai nước này đối với Đài Loan. 

Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã tự trị như một quốc gia độc lập trong nhiều thập niên, nhưng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) cho rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Hoa lục. Hoa Kỳ đã duy trì một quan điểm mơ hồ hơn về lời tuyên bố quyền kiểm soát Trung Quốc của cả hai bên, duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền Trung Quốc, trong khi tiếp tục quan hệ không chính thức với Đài Loan và cung cấp vũ khí để hòn đảo này có thể sử dụng trong việc chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát hòn đảo thông qua sức mạnh quân sự. 

Sứ mệnh mà tổ chức GTI của ông Dotson đã tuyên bố là “tăng cường mối quan hệ giữa Đài Loan và các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.” 

Ông Dotson đánh giá rằng sau cuộc gặp của Tổng thống Biden với ông Tập, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc “vẫn khá kiên định với quan điểm của mình về Đài Loan.” 

Theo tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc, trong cuộc gặp với ông Tập hôm 15/11, Tổng thống Biden tuyên bố rằng phía Hoa Kỳ mong đợi một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp xuyên eo biển về chủ quyền của Đài Loan và kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này. 

Kể từ năm 2019, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay gần như hàng ngày và các cuộc tập trận quân sự khác xung quanh Đài Loan, những hành động mà ông Dotson đánh giá là “một phần của mô hình hoạt động quân sự cưỡng ép lớn hơn nhằm vào Đài Loan.” 

Trong mô tả riêng của mình về cuộc họp hôm 15/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông Tập đã nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phải cam kết không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và ngừng vũ trang cho Đài Loan. 

Mối quan hệ kinh tế làm phức tạp chính sách Mỹ-Trung

Mối quan hệ kinh doanh và thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm tăng thêm mức độ phức tạp cho mối bang giao giữa hai quốc gia. 

Ông Dotson cho rằng Trung Quốc sử dụng quan hệ kinh tế với các quốc gia khác như một công cụ để ép buộc các quốc gia đó phải tuân theo sự chiếu cố của Trung Quốc hoặc trừng phạt những hành động mà phía Trung Quốc không ưa. 

“Khi có một số hành động chính trị ở Đài Loan mà Trung Quốc không thích và họ muốn gửi một thông điệp mang tính biểu tượng, thì đó là lúc họ bỗng phát hiện ra nhiều lỗi trong các lô hàng trái cây và phải ban hành lệnh cấm chúng,” vị phó giám đốc GTI này cho biết. “Vì vậy, chúng ta đã thấy các lệnh cấm trong vài năm qua đối với các sản phẩm của Đài Loan như dứa, cá nhám, sáp ong, táo, những thứ tương tự. Và những lệnh cấm đó có xu hướng được đưa ra vào những thời điểm không phải ngẫu nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ, muốn gửi đi một thông điệp. Nên đúng vậy, ĐCSTQ sử dụng rất nhiều biện pháp cưỡng ép kinh tế như một công cụ chính sách hiệu quả.” 

Ông Dotson cho rằng quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng có những biện pháp cưỡng ép tương tự. 

“Chính phủ Trung Quốc đã có nỗ lực lâu dài trong nhiều năm nhằm kiểm soát việc cung cấp và buôn bán khoáng sản đất hiếm … và đã cố gắng sử dụng vị trí thống trị của họ trên thị trường đất hiếm như một công cụ đòn bẩy trước Hoa Kỳ, trong các lĩnh vực chính sách khác—hoặc là mở các cánh cổng một chút khi họ hài lòng, và chọn đóng các cánh cổng đó khi họ muốn gửi một thông điệp,” ông Dotson nói. 

Ông Dư cho rằng Hoa Kỳ nên bớt tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ song phương với Trung Quốc mà thay vào đó là tăng cường quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

 “Trung Quốc có vấn đề với hầu hết mọi nền dân chủ trên thế giới. Vì vậy, tầm cao giả tạo của tầm quan trọng tối cao này của mối quan hệ song phương Mỹ-Trung thực sự không hữu ích bởi vì những gì chúng ta có thể thấy ở đây là Trung Quốc đối nghịch với phần còn lại của thế giới, chứ không chỉ là Trung Quốc đối nghịch với Hoa Kỳ,” ông Dư nói. 

Một số nhà phân tích chính sách đối ngoại đã kêu gọi thận trọng trong cách Hoa Kỳ xác định lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ông Ted Galen Carpenter, một cựu thành viên cao cấp tại Viện CATO theo chủ nghĩa tự do, đã viết trong một chuyên mục năm 2020 rằng mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khuyến khích cả hai quốc gia giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình và rằng việc hai quốc gia tách rời hoàn toàn về kinh tế sẽ làm gia tăng căng thẳng quốc tế và làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang tốn kém. 

Trong những bình luận của riêng mình với chương trình “Capitol Report”, ông Dotson nói rằng “không có câu trả lời hoàn toàn dễ dàng” về cách Hoa Kỳ nên giải quyết các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong tương lai.”

“Tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn để chúng ta cắt đứt hoàn toàn khỏi nền kinh tế Trung Quốc,” ông nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng có thể thực hiện những bước hợp lý để Hoa Kỳ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực … nhưng đại loại cũng là giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc về sản xuất ở một số lĩnh vực.”

Từ NTD News


WHO: Biến thể của virus corona vẫn là mối đe dọa

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/covidbienthe.jpg

(Ảnh minh họa: Viacheslav Lopatin/shutterstock) 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/11 vừa qua đã lên tiếng cảnh báo rằng COVID-19 vẫn là mối đe dọa trên toàn cầu do những biến thể của virus corona đang duy trì đà lây lan trên trên toàn cầu, theo hãng tin AFP.

Phát biểu tại cuộc thảo luận trên các kênh truyền thông xã hội của WHO, chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO cho hay rằng hiện virus corona vẫn đang lây lan ở mọi quốc gia và vẫn là một mối đe dọa. Theo bà, các nước phải luôn cảnh giác do virus đang lây lan, phát triển và biến đổi.

Bà Van Kerkhove từng là trưởng nhóm kỹ thuật của WHO trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát. Bà hiện là quyền Giám đốc của WHO về chuẩn bị ứng phó và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch.

Theo bà Van Kerkhove, hiện thế giới còn 3 biến thể được quan tâm là XBB.1.5, XXB.1.16 và EG.5, cùng 6 biến thể đang được theo dõi. Một trong 6 biến thể này là BA.2.86 đang chuẩn bị được nâng lên thành biến thể được quan tâm. Bà Van Kerkhove cho biết không thấy sự thay đổi “về mức độ nghiêm trọng” của biến thể này so với các dòng biến thể khác, nhưng đã có sự gia tăng chậm và đều của biến thể này trên toàn thế giới. Bà nhấn mạnh rằng việc phân loại mới sẽ giúp thúc đẩy việc giám sát và nghiên cứu.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tác động nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (mức báo động cao nhất) đối với căn bệnh này vào ngày 30/1/2020 và sau đó đã dỡ bỏ vào ngày 5/5 vừa qua. Ngoài số ca mắc và tử vong liên quan COVID-19, WHO cũng lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài do căn bệnh này gây ra.

Phan Anh


Na Uy sẵn sàng đóng cửa khẩu biên giới với Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/Jonas_Gahr_Store_taler.jpeg

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere (Ảnh: Wikimedia) 

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết quốc gia này sẵn sàng làm theo Phần Lan và đóng cửa trạm kiểm soát biên giới với Nga.

Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Na Uy có nên đóng cửa trạm kiểm soát Storskog hay không, Thủ tướng Jonas Gahr Store ngày 22/11 khẳng định sẽ tiến hành đóng cửa nếu cần thiết. Ông nhấn mạnh rằng Na Uy đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở cả Phần Lan và Estonia.

Theo kênh truyền hình này, chưa có thông tin nào cho thấy số lượng người di chuyển qua trạm kiểm soát Storskog đã gia tăng.

Trước đó, Chính phủ Phần Lan đã quyết định đóng cửa 7 cửa khẩu ở biên giới với Nga, ngoại trừ trạm kiểm soát Raja-Jooseppi.

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen ngày 22/11 cho biết nước này đang cân nhắc đóng cửa một số cửa khẩu hoặc toàn bộ khu vực biên giới với Nga nếu dòng người xin tị nạn từ nước láng giềng tiếp tục tăng.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/11 thông báo đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Phần Lan tại Moscow. Theo chính quyền Nga, việc Helsinki đóng các cửa khẩu biên giới nhộn nhịp với Nga đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người ở cả hai nước.

Trong tháng này, hơn 600 người không có giấy tờ thông hành hợp lệ từ Nga tới Phần Lan để vào Liên minh châu Âu. Helsinki cáo buộc việc này là do Moscow xúi giục, nhưng phía Nga đã bác bỏ thông tin đó.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340km với Nga. Mối quan hệ giữa Nga và Phần Lan đã xấu đi đáng kể sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Phần Lan trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ mùa hè năm nay.

Phan Anh


Thần đồng nhí 6 tuổi gây sốt với chỉ số IQ gần bằng Albert Einstein

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/thandong.jpg

Bé Declan Lopez (6 tuổi, đến từ New Jersey) 

Thần đồng nhí không thể hòa nhập với các bạn mẫu giáo đồng trang lứa. Cha mẹ cô bé mong rằng cộng đồng Mensa sẽ mang đến môi trường học tập tốt hơn cho con gái họ.

Mới đây, cô bé Declan Lopez (6 tuổi, đến từ New Jersey) đã trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của hội Mensa – cộng đồng gồm những người có IQ cao nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Ở Mỹ, chỉ có khoảng 100 người cùng độ tuổi với cô bé là thành viên của hội.

Declan Lopez có chỉ số IQ 138, cao hơn rất nhiều so với dân số nói chung. Một người bình thường thường có chỉ số IQ từ 85 đến 115. Theo Psych Central, có khoảng 98% dân số đạt điểm dưới 130, chỉ 2% đạt điểm cao hơn mức đó và được coi là “trên mức trung bình”.

Gia đình và giáo viên đã rất bất ngờ khi biết Declan Lopez có chỉ số IQ gần bằng Albert Einstein (ước tính khoảng 160).

Bố của Declan Lopez, ông Delano Lopez, là một giáo viên thể dục và sức khỏe ở trường trung học. Mẹ của cô, bà Machel Lopez, vốn là một nhân viên ngân hàng nhưng đã nghỉ việc để hỗ trợ việc học hành cho con gái.

Declan Lopez thích chơi búp bê như mọi cô bé 6 tuổi khác. Nhưng đồng thời cô cũng có thể đọc thuộc lòng các thành phần của bảng tuần hoàn, ghép các lá cờ với các quốc gia tương ứng, kể về các sự kiện địa lý, thành thạo môn toán và đọc rất giỏi.

“Chúng tôi nhận thấy con bé thực sự khác biệt khi mới 18 tháng tuổi. Tôi nhớ con bé đã ngồi trên đùi tôi và nhẩm đếm thầm bằng tiếng Quan Thoại. Tôi không hiểu con bé nói gì, tôi nghĩ có lẽ đó chỉ là lời nói bâng quơ của trẻ nhỏ. Nhưng sau đó chúng tôi nhận ra con bé đã nói theo video học tập trên Youtube mà chúng tôi bật”, Machel nói.

Phòng khách của gia đình Lopez chứa đầy sách, áp phích giáo dục và môt quả địa cầu để thiên tài nhí dễ dàng học tập. Một phóng viên khi đến tác nghiệp đã nhận xét rằng căn phòng “trông giống như một lớp học nhỏ”. Sau khi tan học ở trường mẫu giáo vào buổi chiều, Declan sẽ cùng mẹ học thêm một số số môn. Lịch học của cô bé được ghi rõ ràng trên một bức tường trong phòng.

Ngay từ ngày đầu tiên Declan đến học mầm non tại Learning Experience (Denville), giám đốc Vicki Vigorito đã nhận thấy cô bé rất đặc biệt. Bà chưa từng gặp đứa trẻ nào thông minh như thế trong suốt ba thập kỷ làm trong ngành giáo dục.

“Có rất nhiều sở thích và khả năng của Declan khiến tôi phải sửng sốt. Cô bé rất giỏi môn toán, có thể vẽ các bộ phận cơ thể cực kỳ chính xác về mặt giải phẫu. Cô bé cũng có thể nhớ họ tên của từng người. Những đứa trẻ 4 tuổi thường không thể làm được điều đó”, bà nói.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giữ cho con bé có động lực và cảm thấy hứng thú khi học. Trong khi các bạn trên lớp đang học bảng chữ cái thì Declan đã có trình độ đọc của học sinh lớp 3 hoặc lớp 4. Con bé hoàn thành bài học trên lớp rất nhanh nên thường xuyên cảm thấy buồn chán. Declan thường hỏi giáo viên xem liệu nó có thể đi xung quanh để giúp các bạn làm bài không”, ông Delano cho biết.

Bà Machel cho biết Declan từng bị bạn học bắt nạt ở trường. Một cô bé nói về khí gas trên Sao Hải Vương rõ ràng không thể hòa nhập với những đứa trẻ đang học mẫu giáo.

Gia đình Lopez rất hào hứng khi Declan được nhận vào Mensa. Họ tin rằng cộng đồng này sẽ mang đến cho cô bé môi trường học tập phù hợp và tạo điều kiện cho cô kết bạn với những người giống mình.

“Chúng tôi hy vọng rằng Declan có thể phát triển trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Con bé hãy cứ là chính mình, hãy thỏa sức tỏa sáng, đừng bao giờ thu nhỏ mình lại. Là bậc phụ huynh, chúng tôi chỉ mong con gái của mình được phát huy hết tiềm năng của bản thân và sống hạnh phúc”, bà Machel nói.

Minh Minh/ Theo Breitbart


Chủ tịch Duma Quốc gia Nga ca ngợi mối quan hệ ‘thân thiết hơn’ với Trung Quốc

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/thtudfgd-700x480.jpg

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin phát biểu trong cuộc gặp với các sinh viên ở Innopolis, ngoại ô Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Nga, ngày 13 tháng 2 năm 2017. (Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images) 

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của hai nước và nỗ lực thực hiện các thỏa thuận mà hai nguyên thủ quốc gia Nga-Trung đã đạt được.

Ông Volodin dẫn đầu một phái đoàn quốc hội đến Bắc Kinh và gặp ông Tập vào thứ Tư (22/11). Ông tuyên bố rằng quan hệ Nga-Trung đang ở mức mạnh nhất trong lịch sử. Ông Tập nói với ông Volodin rằng sự hợp tác lập pháp giữa hai nước, bao gồm việc sử dụng các nhóm hữu nghị quốc hội và các ủy ban chung, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ Nga-Trung.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để không ngừng làm sâu sắc thêm tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp, lâu dài, hợp tác chiến lược toàn diện và hợp tác cùng có lợi”, ông Tập nói. Ông nói thêm rằng những nỗ lực như vậy sẽ tạo động lực cho “sự phát triển và hồi sinh của hai nước, đồng thời mang lại sự thịnh vượng và ổn định hơn”.

Ông Tập lặp lại nhận xét của mình hồi tháng Mười trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã gặp mặt trực tiếp hai lần trong năm nay, phản ánh mối quan hệ được tăng cường giữa Moscow và Bắc Kinh trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc hôm thứ Tư (22/11) cho biết bằng cách cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các nỗ lực song phương, các nhà lập pháp ở cả hai nước sẽ giúp đảm bảo sự thành công của Sáng kiến Vành đai & Con đường và Liên minh kinh tế Á-Âu. Ông Tập nói với ông Volodin rằng các nghị sĩ cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác trên các nền tảng đa phương như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và G20.

Ông Volodin đã gặp Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, ông Triệu Lạc Tế hôm thứ Ba (21/11), cho biết nhiệm vụ của cơ quan lập pháp của hai nước là thực hiện phần việc của mình để giúp thực hiện các quyết định do hai nguyên thủ quốc gia đưa ra. Ông Volodin nói: “Những mối quan hệ này rất quan trọng đối với chúng tôi. Trung Quốc là hàng xóm của chúng tôi và chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ từ lâu và chúng tôi coi trọng mối quan hệ đó”.

Ông Tập và ông Putin đã gặp nhau bên lề Diễn đàn Vành đai & Con đường vào tháng Mười tại Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã chủ trì tiếp đãi chuyến thăm Moscow của ông Tập vào tháng Ba. “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, sự phối hợp chính sách đối ngoại chặt chẽ là đặc biệt cần thiết”, ông Putin nói tại cuộc họp tháng Mười. “Vì vậy, về mặt quan hệ song phương, chúng tôi đang tiến tới một cách rất tự tin”.

Anh Nguyễn, theo RT


Broadcom hoàn tất thương vụ kỷ lục 69 tỷ USD sáp nhập VMware

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/231123-broadcom-01.jpg

Hock Tan (71 tuổi), Chủ tịch và CEO của Broadcom, trả lời phỏng vấn về thương vụ mua VMware với giá kỷ lục 69 tỷ USD. (Nguồn video của Broadcom) 

Hãng công nghệ chip Broadcom đã hoàn tất vụ thương vụ sáp nhập công ty điện toán đám mây VMware với 69 tỷ USD. Theo Reuters, những vụ hợp nhất của các hãng khổng lồ đã khiến các nhà chức trách lo ngại.

Hôm Thứ Tư (22/11), Chủ tịch và CEO Broadcom Hock Tan công bố hoàn tất một trong những vụ sáp nhập trị giá cao nhất thời gian qua khi hãng mua và sáp nhập VMware. Thương vụ 69 tỷ USD này được hãng công bố dự định từ tháng 5/2022. Mới tháng trước, Microsoft cũng vừa hoàn tất thương vụ gần 69 tỷ USD mua và sáp nhập Activision/Blizzard mà họ công bố từ hồi tháng 1/2022.

Cả Broadcom và VMware đều là các hãng lớn trong ngành công nghệ thông tin, cung ứng đa dạng các sản phẩm và dịch vụ. Broadcom thường được biết đến như hãng cung ứng chip, còn VMware thường được biết đến trong mảng điện toán đám mây. Theo tuyên bố của CEO Hock Tan, thương vụ này sẽ giúp gia tăng năng lực làm phần mềm của Broadcom.

Theo Reuters, tương tự các thương vụ hợp nhất khổng lồ khác ở phạm vi toàn cầu, Broadcom cũng phải đối mặt trước sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều tháng qua. Broadcom đã phải trì hoãn ngày kết thúc thương vụ này đến tận 3 lần.

Cửa ải về chính sách cuối cùng là khi Trung Quốc cho thông qua vào Thứ Ba, sau khi căng thẳng đang diễn ra với Mỹ xung quanh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip cứng rắn hơn đã làm dấy lên lo ngại ở một số nhà đầu tư về khả năng kết thúc thỏa thuận của công ty trước thời hạn ngày 26/11.

“Giai điệu tâm trạng được cải thiện sau cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng này đã giúp xoa dịu những lo lắng còn lại,” theo Danni Hewson, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính tại AJ Bell, nói hôm Thứ Ba khi dự kiến ngày hoàn tất thương vụ là ngày 22/11.

Ủy ban Châu Âu đã phê duyệt thương vụ này sau khi Broadcom đưa ra các biện pháp nhượng bộ đối thủ Marvell Technology, trong khi Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của Vương quốc Anh bật đèn xanh sau một cuộc điều tra chuyên sâu.

Microsoft sáp nhập Activision/Blizzard cũng gặp những trắc trở từ cơ quan quản lý Mỹ FTC (Hội ủy Mậu dịch Liên bang Mỹ) của bà chủ tịch Lina Khan.

Cabot Henderson, chiến lược gia thị trường tại JonesTrading, nói hôm Thứ Ba rằng “Có lẽ vào lúc này chúng ta thấy một số hội đồng sẵn sàng tiến lên phía trước khi chúng ta thấy (Activision/Blizzard) và (VMware) nhận được sự ủng hộ, nhưng đừng tưởng rằng chúng ta có thể dựa vào điều đó.”

Nhật Tân

Lạm phát được chào đón ở Nhật Bản

Vào thứ Sáu, Nhật Bản sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 10. Chỉ số giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm tươi sống, dự kiến sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong tháng thứ 19 liên tiếp. Dự đoán của các nhà kinh tế là 3%. Xu hướng lạm phát đã bắt đầu với việc tăng giá hàng nhập khẩu. Nhưng hiện nay, giá của gần 90% các mặt hàng trong rổ CPI đều tăng.

Sau nhiều thập niên giảm phát hoặc lạm phát thấp, xu hướng này là đáng hoan nghênh. BoJ thậm chí còn đang tìm kiếm các chiến lược để thoát khỏi chính sách tiền tệ thích ứng của mình. Trong những tháng gần đây, họ đã điều chỉnh các thông số kiểm soát đường cong lợi suất, vốn giới hạn lợi suất trái phiếu dài hạn. Các nhà phân tích kỳ vọng lãi suất âm sẽ bị loại bỏ vào năm tới.

Tuy nhiên, BoJ sẽ không vội vàng thắt chặt. Sau khi tăng 4,8% so với cùng kỳ trong quý 2, GDP của Nhật đã giảm 2,1% trong quý 3. Tăng trưởng tiền lương đạt tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, nhưng vẫn theo sau mức tăng giá. Các cuộc đàm phán về tiền lương vào mùa xuân tới sẽ giúp xác định liệu lạm phát cuối cùng đã trở nên bền vững hay chưa.

Tương lai tươi sáng hơn cho Cathay Pacific?

Đảng Cộng sản Trung Quốc không thực sự hài lòng với hãng hàng không treo cờ Hong Kong. Vào thứ Sáu, Cathay Pacific sẽ cập nhật cho các nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của mình. Hãng này đã nằm trong danh sách đen của đảng kể từ năm 2019, sau khi nhân viên của họ lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong. Swire, công ty mẹ từ thời Đế quốc Anh của Cathay, đang cố gắng thuyết phục đảng về lòng trung thành của mình. Trong năm nay, khi một phi hành đoàn Cathay bị ghi hình cảnh chế nhạo hành khách Trung Quốc đại lục nói tiếng phổ thông, vì những người này không nói được tiếng Anh hoặc tiếng Quảng Đông (phương ngữ của Hong Kong), truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng dữ dội.

Các ông chủ của Cathay cũng có lý do để phẫn nộ với chính phủ Hong Kong (một cách riêng tư). Quá trình cô lập kéo dài của đặc khu này trong thời kỳ đại dịch đã khiến hãng hàng không đứng trước bờ vực phá sản, buộc chính phủ phải tái cấp vốn cho hãng.

Khi Hong Kong mở cửa trở lại, mọi thứ đang dần khởi sắc. Cathay có thể đạt 70% công suất trước đại dịch trong năm nay. Lợi nhuận nửa năm đã đạt 4,27 tỷ đô la Hong Kong (546 triệu đô la). Nguy cơ bị tập đoàn Air China thuộc sở hữu nhà nước tiếp quản đã giảm bớt. Nhưng giờ đây, Cathay phải đảm bảo mối quan hệ của mình với đảng không bị rạn nứt thêm nữa.

Somali gia nhập Cộng đồng Đông Phi (EAC)

Cộng đồng Đông Phi (EAC) khởi đầu là một bộ ba quốc gia có cùng chí hướng—Kenya, Tanzania, và Uganda—nằm giữa Hồ Victoria và Ấn Độ Dương. Hiện nay, đây là khối khu vực hội nhập nhất ở châu Phi, hoạt động dựa trên các biện pháp như thương mại, di chuyển tự do, và liên kết giao thông. Chẳng bao lâu nữa, EAC sẽ trải dài từ Đại Tây Dương đến vùng Sừng Châu Phi. Tại cuộc họp vào thứ Sáu ở Tanzania, EAC dự kiến sẽ chào đón thành viên thứ tám, Somalia.

Somalia sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập một khối vừa là diễn đàn ngoại giao vừa là thị trường kinh doanh. EAC sẽ có hơn 3.000km bờ biển, điều mà các quan chức cho rằng sẽ thúc đẩy thương mại với bán đảo Ả Rập.

Tuy nhiên, EAC cũng phải đối mặt với những trở ngại. Liên minh hải quan của các nước này đang bị suy yếu do chênh lệch thuế quan, vốn ngày càng tăng theo thời gian, và thị trường chung vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong khi đó, Somalia đang phải vật lộn với cuộc nổi dậy thánh chiến kéo dài. Mở rộng tổ chức là phần dễ dàng, nhưng việc hội nhập thành viên mới sẽ đòi hỏi nhiều thời gian.

Nền kinh tế ốm yếu của Đức

Những tin tức gần đây về nền kinh tế Đức đều không mấy tốt đẹp. Việc Ifo, một viện nghiên cứu kinh tế, công bố chỉ số môi trường kinh doanh hàng tháng vào thứ Sáu, khó có thể cải thiện tình hình đó.

Tuần này, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo rằng nền kinh tế sẽ suy giảm trong quý 4—điều có nghĩa là kinh tế suy giảm 3 trong số 4 quý. Các chính trị gia cũng đang quay cuồng với phán quyết của Tối cao Pháp viện, rằng kế hoạch chi 60 tỷ euro (65 tỷ USD) mà chính phủ ban đầu dự định dùng để chống lại COVID-19 cho các dự án xanh là vi hiến. Để cứu vãn những nỗ lực của chính phủ trong việc điều chỉnh lại nền kinh tế, vào tuần tới, Bộ trưởng Tài chính Đức sẽ trình bày một ngân sách bổ sung có thể đình chỉ “phanh nợ,” một đạo luật giới hạn chi tiêu của chính phủ.

Bundesbank tin rằng triển vọng năm tới sẽ đáng khích lệ hơn. Cơ quan này dự báo nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt là máy móc, sẽ bắt đầu phục hồi, đồng thời kỳ vọng tiền lương sẽ tăng trưởng mạnh trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Tuy nhiên, sẽ phải mất thêm một thời gian nữa Đức mới lấy lại được danh tiếng là đầu tàu kinh tế của châu Âu.


Triều Tiên hủy thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc, thề triển khai vũ khí mới ở biên giới 

24/11/2023 

Reuters 

Màn hình TV chiếu tin Triều Tiên phóng vệ tinh do thám lần thứ ba trong năm nay, trong một chương trình tin tức tại Ga Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/ 11/2023. (Ảnh AP/Lee Jin-man)

Màn hình TV chiếu tin Triều Tiên phóng vệ tinh do thám lần thứ ba trong năm nay, trong một chương trình tin tức tại Ga Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/ 11/2023. (Ảnh AP/Lee Jin-man) 

Triều Tiên hôm thứ Năm nói họ sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới ở biên giới với miền Nam, một ngày sau khi Seoul đình chỉ một phần hiệp định quân sự năm 2018 giữa hai miền Triều Tiên để phản đối việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn KCNA đăng tải rằng họ sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự mà nước này đã tạm dừng theo thỏa thuận với Hàn Quốc, được thiết kế để giảm căng thẳng dọc biên giới chung giữa hai nước.

Tuyên bố nêu rõ: “Kể từ bây giờ, quân đội của chúng tôi sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự Bắc-Nam ngày 19/9. Chúng tôi sẽ rút lại các bước được thực hiện để ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi lĩnh vực bao gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và khí tài quân sự mới trong khu vực dọc theo Đường phân giới quân sự.”

Vụ phóng vệ tinh hôm 21/11 là nỗ lực thứ ba của Triều Tiên trong năm nay sau hai lần thất bại và tiếp theo chuyến đi hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga, trong đó Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết vụ phóng mới nhất rất có thể được Nga hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác ngày càng tăng, trong đó Bình Nhưỡng cung cấp cho Nga hàng triệu đạn pháo.

Nga và Triều Tiên phủ nhận các thỏa thuận vũ khí nhưng hứa hẹn hợp tác sâu rộng hơn, bao gồm cả về vệ tinh.

Hàn Quốc hôm thứ Tư 22/11 đã đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều để đáp trả vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và cho biết họ sẽ ngay lập tức tăng cường giám sát dọc biên giới được canh giữ an ninh nghiêm ngặt với Triều Tiên.

Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc hủy bỏ thỏa thuận, được gọi là Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA), đồng thời nói rằng Seoul sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy đụng độ không thể khắc phục” giữa hai miền Triều Tiên.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra vài giờ sau khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía đông vào cuối ngày thứ Tư. Quân đội Hàn Quốc cho biết vụ phóng dường như đã thất bại.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quyết định đình chỉ một phần CMA của Hàn Quốc là một “phản ứng thận trọng và kiềm chế”, với lý do Triều Tiên “không tuân thủ thỏa thuận”.

Quan chức này cho biết: “Việc đình chỉ của Hàn Quốc sẽ khôi phục các hoạt động giám sát và trinh sát dọc theo Đường phân giới quân sự phía Hàn Quốc, cải thiện khả năng của Hàn Quốc trong việc giám sát các mối đe dọa từ Triều Tiên”.

Hãng tin Yonhap đưa tin Hàn Quốc đã nối lại việc sử dụng máy bay trinh sát có người lái và không người lái ở khu vực biên giới vào thứ Tư.

Hiệp ước Bắc-Nam bị đình chỉ đã được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in, một trong những biện pháp cụ thể nhất được đưa ra sau nhiều tháng ngoại giao bị đình trệ vào năm 2019.

Moon Chung-in, giáo sư tại Đại học Yonsei, người từng là cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Moon trong cuộc hội đàm với ông Kim, nói rằng mặc dù Triều Tiên không tuân thủ tất cả các điều của thỏa thuận, nhưng việc bãi bỏ CMA có thể làm tăng nguy cơ đối đầu dọc biên giới.

Ông nói: “Các cuộc đụng độ ngẫu nhiên có thể leo thang thành xung đột toàn diện, bao gồm cả tấn công hạt nhân. Chúng ta có mọi lý do để cố gắng giảm thiểu rủi ro và căng thẳng nhưng thay vào đó miền Nam lại đi theo hướng ngược lại”.

Các nhà phê bình cho rằng hiệp ước này đã làm suy yếu khả năng giám sát Triều Tiên của Seoul và Bình Nhưỡng đã vi phạm thỏa thuận.

Bruce Klingner, cựu nhà phân tích của CIA hiện đang làm việc cho Heritage Foundation tại Hoa Kỳ, nhận định: “CMA là một thỏa thuận tốt về mặt lý thuyết, vì các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xây dựng lòng tin và an ninh đều có lợi cho cả hai bên bằng cách giảm nguy cơ xung đột chiến thuật và leo thang vô tình”.

Tuy nhiên, khi các biện pháp tiếp theo bị đình trệ, thỏa thuận này phải trả giá bằng việc cắt giảm hoạt động giám sát và huấn luyện quân sự của đồng minh nhưng không làm giảm mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên, ông Klingner nói.

Triều Tiên hôm thứ Ba cho biết họ đã phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, khiến cộng đồng quốc tế lên án vì hành động đó vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo.

Hàn Quốc cho biết vệ tinh của Triều Tiên được cho là đã đi vào quỹ đạo nhưng sẽ cần thêm thời gian để đánh giá liệu nó có hoạt động bình thường hay không.


Tags: , , , , ,

Comments are closed.