Thời sự Thứ Tư 06/12/2023: *TT Ukraina nói chuyện với G7. *Philippines mở căn cứ hạm đội tại Vịnh Subic. *Ukraine có thể ‘thua’ nếu Mỹ hoãn viện trợ. *Anh thắt chặt nhập cư. *WTO đánh giá Hồng Kông. *Quân Israel tràn ngập Gaza. *“Ngân hàng ngầm” TQ rửa tiền cho mafia Ý. *Zhongzhi Enterprise Group (ZEG) gặp nguy. *Núi lửa Marapi bất ngờ hoạt động ở Indonesia, 22 nhà leo núi thiệt mạng 


Võ Thái Hà tổng hợp


TT Ukraina nói chuyện với các lãnh đạo G7 sau khi bất ngờ hủy cuộc họp với Thượng Viện Mỹ

Trọng Nghĩa /RFI – 06/12/2023

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào hôm nay, 06/12/2023 tham gia một cuộc họp trực tuyến cùng với các lãnh đạo nhóm G7 sau khi ông đột ngột hủy bỏ bài phát biểu qua cầu truyền hình trước Thượng Viện Mỹ vào hôm qua. 

Ukraine's Foreign Minister Dmytro Kuleba is seen on a monitor as Germany's Foreign Minister Annalena Baerbock, U.S. Secretary of State Antony Blinken, Japan's Foreign Minister Yoko Kamikawa, Canada's

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trên màn hình), các ngoại trưởng G7, và đại diện ngoại giao Liên Âu, ngoại trưởng Anh, tham dự một phiên họp tại Nhà khách Iikura, ngày 08/11/2023, ở Tokyo, Nhật Bản via REUTERS – POOL 

Theo ông Hirokazu Matsuno, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, nước hiện là chủ tịch luân phiên nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – G7, tổng thống Ukraina đươc mời tham gia phần đầu của hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo G7, bắt đầu từ 14g30 GMT vào hôm nay.

Ông Matsuno cho biết là cuộc họp của G7 được tổ chức dưới sự chủ tọa của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, để thảo luận về những chủ đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, như tình hình ở Ukraina và Trung Đông.

Riêng về Ukraina, hồi đầu tháng 11, ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo đã bảo đảm là sự ủng hộ của các nước trong nhóm dành cho Ukraina sẽ “không bao giờ” suy yếu.

Sự kiện ông Zelensky tham gia cuộc họp của G7 diễn ra chỉ vài giờ sau sự cố tổng thống Ukraina bất ngờ hủy bỏ bài phát biểu qua video, dự kiến trước Thượng Viện Mỹ vào lúc 15g00 giờ địa phương hôm qua.

Khi thông báo quyết định không phát biểu của tổng thống Ukraina, ông Chuck Schumer lãnh đạo đảng Dân Chủ hiện nắm đa số tại Thượng Viện Hoa Kỳ chỉ giải thích đơn giản là ông Zelensky không thể phát biểu do “đã xảy ra chuyện vào phút cuối”.

Đấu khẩu căng thẳng tại Quốc Hội Mỹ về viện trợ cho Ukraina

Sự kiện ông Zelensky “lỡ hẹn” với Thượng Viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh nguồn tài chính dành cho các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraina vẫn bị chặn tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Các thượng nghị sĩ Mỹ sau đó đã họp kín, nhưng mọi việc không diễn ra suôn sẻ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình:

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã được loan báo là sẽ cố gắng thuyết phục các thượng nghị sĩ Mỹ tiếp tục ồ ạt viện trợ quân sự lớn cho nước ông. Thế nhưng ông Zelensky đã hủy bỏ buổi nói chuyện vào giờ chót.

Lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Chuck Schumer, người đã thông báo sự kiện tổng thống Ukraina phát biểu qua video, đã nêu ra lý do một sự kiện bất ngờ vào phút cuối. Thế nhưng không gì cấm cản giả thuyết về một sự chia rẽ chính trị.

Các thượng nghị sĩ đã tập hợp lại để nghe các thông tin mật đến từ ngoại trưởng Antony Blinken, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và tham mưu trưởng Lực Lượng Vũ Trang, tướng Brown. Theo các nguồn tin báo chí, cuộc họp đã không diễn ra suôn sẻ vì rõ ràng mọi người không đến để nói về cùng một điều.

Đảng Cộng Hòa nói rằng họ cũng muốn tài trợ nhiều cho nỗ lực chiến tranh của Ukraina, nhưng lại muốn gắn liền điều đó với các biện pháp cứng rắn hơn ở biên giới với Mêhicô. Đảng Dân Chủ thì phản đối. Khi được hỏi về tình hình biên giới, một số diễn giả đã trả lời khá rõ ràng rằng đó không nằm trong thẩm quyền của họ và không phải là chủ đề thảo luận. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã quyết định rời khỏi cuộc họp. Các cuộc thảo luận trong vài ngày tới có lẽ sẽ khá sôi nổi.


Philippines dự trù mở căn cứ hạm đội tuần duyên tại Vịnh Subic

Minh Anh /RFI – 06/12/2023

Ngày 05/12/2023, Philippines cho biết đang xem xét xây dựng một căn cứ hạm đội tuần duyên mới ở Vịnh Subic, một cảng chiến lược nhìn ra Biển Đông, và từng là căn cứ của hải quân Hoa Kỳ. 

FILE - In this April 27, 2016, file photo, the amphibious assault ship USS Wasp (LHD-1), center, sits pier side along with support ships at Naval Station Norfolk in Norfolk, Va. The U.S. Navy amphibio

Ảnh tư liệu : Tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS Wasp (G) tại Vịnh Subic, Philippines, ngày 27/04/2016. AP – Steve Helber 

Theo trang tin Nhật Bản The Mainichi, đô đốc Ronnie Gavan, chỉ huy Lực lượng Tuần Duyên Philippines, khi trả lời truyền thông Nhật Bản tại Manila, trước hết khẳng định việc tìm kiếm địa điểm xây dự cơ sở cảng để có thể tiếp nhận các loại tầu lớn hơn là một phần trong chính sách của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. vào lúc Philippines liên tục đối mặt với hành động xâm nhập lãnh thổ của Trung Quốc.  

Vẫn theo đô đốc Gavan, Philippines đang nghiên cứu khả năng thành lập căn cứ hạm đội tuần duyên ở Subic cũng như là nhiều khu vực khác trong vùng Vịnh Manila.  

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã tiến hành khảo sát về việc  xây dựng một cơ sở tuần duyên ở Vịnh Subic, một vị trí chiến lược nhưng cũng là một cảng nước sâu tự nhiên. Hiện trụ sở của lực lượng tuần duyên Philippines được đặt tại khu cảng Manila.  

Ngoài việc thông báo khả năng mở căn cứ mới và bổ sung thêm nguồn nhân sự cho lực lượng tuần duyên Philippines, đô đốc Gavan còn cho biết chính phủ Manila sẽ tăng cường mua thêm tầu tuần tra. 

Một bản ghi nhớ hợp tác sửa đổi năm 2017 với Nhật Bản bao gồm cả việc mua tàu mới sẽ được ký kết bên lề thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản tổ chức ở Tokyo vào ngày 16/12 tới.  


Ukraine có nguy cơ lớn ‘thua cuộc’ nếu Mỹ hoãn viện trợ 

06/12/2023 – Reuters 

Tư liệu - Quân nhân Ukraine chuẩn bị khai hỏa vào các vị trí của Nga từ một khẩu pháo M777 do Mỹ cung cấp ở Kharkiv, Ukraine, vào ngày 14 tháng 7 năm 2022.

Tư liệu – Quân nhân Ukraine chuẩn bị khai hỏa vào các vị trí của Nga từ một khẩu pháo M777 do Mỹ cung cấp ở Kharkiv, Ukraine, vào ngày 14 tháng 7 năm 2022. 

Chuyện hoãn hỗ trợ Ukraine đang được tranh luận tại Quốc hội Mỹ tạo ‘nguy cơ lớn’ cho việc Ukraine thất bại trong cuộc chiến với Nga, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine tuyên bố hôm 5/12.

Phát biểu của ông Andriy Yermak là một trong những nhận xét thẳng thắn nhất từ một quan chức cấp cao của Kyiv giữa lúc sự không chắc chắn đang bao trùm tương lai của các gói hỗ trợ quan trọng từ Mỹ và EU trong khi cuộc chiến giữa Ukraine với Nga vẫn tiếp diễn.

Ông nói nếu viện trợ bị hoãn, “điều đó sẽ gây ra rủi ro lớn là chúng ta có thể rơi vào tình thế tương tự như hiện tại.”

“Và tất nhiên, không thể tiếp tục giải phóng và gây ra rủi ro lớn là thua trong cuộc chiến này.”

Đầu tuần này, các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ sắp hết thời gian và tiền bạc để giúp Ukraine chống lại Nga.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào tháng 10 đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp gần 106 tỷ đô la để tài trợ cho các kế hoạch viện trợ Ukraine, Israel và an ninh biên giới Hoa Kỳ nhưng đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã khước từ.

Các quan chức Mỹ hy vọng vẫn có một gói viện trợ quan trọng được phê duyệt.

Ông Yermak chỉ ra mối đe dọa không còn hỗ trợ ngân sách trực tiếp là một vấn đề. Chính phủ Ukraine dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách 43 tỷ đô vào năm tới.

Ông nói: “Tất nhiên, nếu không có sự hỗ trợ ngân sách trực tiếp này, sẽ khó giữ… ở những vị trí cũ và… để người dân thực sự sống sót… trong tình hình chiến tranh vẫn tiếp diễn.”

“Đó là lý do tại sao điều cực kỳ quan trọng là gói ủng hộ này phải được biểu quyết và được bỏ phiếu càng sớm càng tốt.”

Ông Yermak đang thực hiện chuyến thăm thứ hai tới Washington chỉ trong vài tuần. Ông cho biết ông có kế hoạch thúc đẩy với các nhà lập pháp và quan chức chính quyền về tầm quan trọng của việc Quốc hội Mỹ phê duyệt gói viện trợ mới.

Ukraine đã tiến hành một đợt phản công lớn trong năm nay nhưng không thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Nga hiện đang tấn công ở phía đông.

Ông Yermak cho biết Kyiv đã có kế hoạch cho năm tới.

Ông nói: “Chúng tôi thực sự có một kế hoạch và kế hoạch này…bao gồm các hoạt động quân sự…bao gồm cả hoạt động ngoại giao và tất nhiên nó bao gồm sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực liên lạc và thông tin.”


Vương Quốc Anh thắt chặt các biện pháp thị thực để giảm nhập cư

Anh Nguyễn, theo Reuters

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/ttBVUOHGH.jpg

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tổ chức một cuộc họp báo, sau phán quyết về chính sách Rwanda của Tòa án Tối cao – giữ nguyên phán quyết trước đó của Tòa phúc thẩm rằng kế hoạch của Chính phủ Anh gửi một số người xin tị nạn đến Rwanda. Điều này nhằm ngăn chặn những người di cư băng qua eo biển Manche từ châu Âu trên những chiếc thuyền nhỏ để tiến vào Anh, là bất hợp pháp. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images) 

Anh Quốc hôm thứ Hai (4/12) đã công bố kế hoạch cắt giảm số lượng người nhập cư bằng các con đường hợp pháp. Kế hoạch này bao gồm biện pháp tăng mức lương tối thiểu mà người nhập cư vào Anh Quốc phải kiếm được khi làm công việc có tay nghề thêm 1/3 mức hiện tại. Kế hoạch được công bố trong bối cảnh áp lực lên Thủ tướng Rishi Sunak phải giải quyết con số di cư ròng kỷ lục.

Mức độ di cư hợp pháp cao đã thống trị bối cảnh chính trị của Anh Quốc trong hơn một thập kỷ và là nhân tố chính trong cuộc bỏ phiếu đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2016. Thủ tướng Sunak đã hứa sẽ giành được nhiều quyền kiểm soát hơn sau khi các nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ chỉ trích thành tích của ông trước cuộc bầu cử dự kiến ​​vào năm tới, trong khi Đảng Lao động đối lập dẫn trước rất xa trong các cuộc thăm dò ý kiến.

Nhưng các doanh nghiệp và công đoàn đều chỉ trích các biện pháp này là phản tác dụng và thách thức đối với tư nhân và dịch vụ y tế nhà nước, cả hai đều bị thiếu hụt lao động.

Số liệu tháng Mười Một cho thấy số lượng người di cư ròng hàng năm đến Vương quốc Anh đạt kỷ lục, 745.000 người vào năm 2022 và duy trì ở mức cao kể từ đó, với nhiều người di cư hiện đến từ những nơi như Ấn Độ, Nigeria và Trung Quốc thay vì EU.

Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết các biện pháp mới có thể giảm con số đó xuống 300.000 người.

Ông Sunak cũng đang cố gắng trục xuất những người di cư bất hợp pháp đến từ Rwanda, ông nói: “Tỷ lệ nhập cư quá cao. Hôm nay chúng tôi đang thực hiện hành động triệt để để giảm tỷ lệ này”.

Ông James Cleverly cho biết chính phủ sẽ nâng ngưỡng lương tối thiểu đối với lao động nước ngoài có tay nghề lên 38.700 bảng Anh (48.900 USD), từ mức hiện tại là 26.200 bảng Anh, tuy nhiên nhân viên y tế và xã hội sẽ được miễn trừ.

Các biện pháp khác bao gồm ngăn chặn nhân viên y tế nước ngoài đưa thành viên gia đình vào thị thực của họ, tăng phụ phí mà người di cư phải trả để sử dụng dịch vụ y tế lên 66% và tăng thu nhập tối thiểu cho thị thực gia đình.

Thắt chặt thị trường lao động

Các biện pháp này có thể gây ra những tranh cãi mới với các chủ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công trong những năm gần đây do thị trường lao động liên tục bị thắt chặt của Anh Quốc và sự kết thúc của phong trào tự do sau khi nước Anh rời khỏi EU vào năm 2020.

Vào tháng Mười, cố vấn di cư độc lập của chính phủ đã khuyến nghị bãi bỏ ‘danh sách nghề nghiệp thiếu hụt’ – một trong những con đường chính để các doanh nghiệp thuê lao động nhập cư trong những lĩnh vực đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Bộ trưởng Cleverly cho biết chính phủ sẽ chấm dứt hệ thống hiện tại cho phép người sử dụng lao động chỉ trả cho người di cư 80% mức lương để làm những công việc đang thiếu lao động và danh sách các ngành nghề thiếu hụt sẽ được xem xét.

“Chúng tôi sẽ ngăn chặn tình trạng nhập cư làm giảm lương của công nhân Anh Quốc”, ông Cleverly nói với các nhà lập pháp. “Chúng tôi sẽ tạo ra một danh sách lương nhập cư mới với số lượng ngành nghề giảm bớt”.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy lao động nước ngoài có ít hoặc không có tác động đến mức lương hoặc việc làm nói chung, và tình trạng thiếu ứng viên trầm trọng ở Anh Quốc và để lấp chỗ trống vẫn là một vấn đề đối với nhiều ông chủ công ty.

Bà Kate Nicholls, giám đốc điều hành của cơ quan thương mại UKHospitality, cho biết: “Những thay đổi này sẽ tiếp tục thu hẹp nguồn nhân tài mà toàn bộ nền kinh tế sẽ tuyển dụng và chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt mà các doanh nghiệp khách sạn đang phải đối mặt”.

“Chúng tôi rất cần thấy một hệ thống nhập cư phù hợp với mục đích và phản ánh cả nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Hệ thống hiện tại không làm được điều đó”, bà Kate Nicholls nói.

Ngân hàng Anh Quốc hồi tháng Mười cho biết rằng các doanh nghiệp đang thấy việc tuyển dụng dễ dàng hơn một chút nhưng tình trạng thiếu lao động kỹ năng dai dẳng vẫn tồn tại ở một số lĩnh vực.

Các công đoàn cũng lên tiếng lo ngại về kế hoạch của ông Cleverly. Bà Christina McAnea, tổng thư ký của UNISON, công đoàn chính trong lĩnh vực y tế, nói rằng đây là “thảm họa toàn diện” đối với dịch vụ y tế.

Bà McAnea nói: “Người di cư giờ đây sẽ đến các quốc gia thân thiện hơn thay vì bị buộc phải sống ở nơi không cho phép gia đình họ cùng di cư”.


Đánh giá của WTO về Hồng Kông

Khi Anh chiếm đóng Hồng Kông vào năm 1841, Charles Elliot, đặc mệnh toàn quyền của nước này tại Trung Quốc, đã nhanh chóng tuyên bố đây là một cảng tự do. Cho đến nay thành phố này vẫn cam kết duy trì thương mại không cản trở. Hồng Kông không áp thuế quan, dù xuất nhập khẩu tương đương hơn 380% GDP của họ. Vì điều đó, Hồng Kông chắc chắn sẽ được các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới tán dương trong quá trình xem xét các chính sách thương mại của thành phố bắt đầu vào thứ Tư.

Nhưng việc theo đuổi toàn cầu hóa của Hồng Kông hiện đang trở nên phức tạp do địa chính trị. Trưởng đặc khu John Lee không thể tham dự một diễn đàn kinh tế quan trọng ở San Francisco vào tháng trước vì ông phải chịu các lệnh trừng phạt do Mỹ đặt ra sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra luật an ninh quốc gia hà khắc ở Hồng Kông.

Mỹ cũng đặt câu hỏi về tình trạng của Hồng Kông như một lãnh thổ hải quan riêng biệt với Trung Quốc. WTO cho đến nay vẫn đứng về phía Hồng Kông. Nhưng trong khi Hồng Kông là một thành viên đáng khen ngợi, Mỹ lại là một thành viên đáng gờm.


Quân đội Israel tràn ngập Gaza

Lực lượng Phòng vệ Israel hôm thứ Ba xác nhận đang hoạt động trên mặt đất ở phía nam Dải Gaza. Tham mưu trưởng IDF, trung tướng Herzi Halevi, cho biết binh lính hiện đang bao vây Khan Younis, thành phố lớn nhất ở miền nam Gaza, đồng thời là quê hương và được cho là nơi ẩn náu của Yahya Sinwar và Muhammad Deif, các thủ lĩnh cao cấp nhất của Hamas ở Gaza.

Israel đã từ chối đặt ra bất kỳ giới hạn thời gian nào cho cuộc chiến ở Gaza. Nhưng áp lực hạn chế các hoạt động trên mặt đất có thể sớm đến từ chính phủ Mỹ. Mặc dù chính quyền của tổng thống Joe Biden đã ủng hộ chiến dịch tiêu diệt Hamas của Israel, cuộc khủng hoảng nhân đạo và thương vong nặng nề đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ quốc tế. Bộ y tế của Hamas ở Gaza cho biết khoảng 16.000 dân thường đã thiệt mạng.

IDF vẫn đang hoạt động ở phía bắc Gaza, tấn công các thành trì còn lại của Hamas ở Thành phố Gaza. Họ sẽ tiếp tục làm như vậy miễn là còn được Mỹ hỗ trợ.

Liệu ông Trump có đủ tư cách pháp lý để tái tranh cử?

Vào thứ Tư, Tòa án Tối cao Colorado sẽ nghe tranh luận xem liệu Donald Trump có nên bị tuyên bố là không đủ điều kiện về mặt hiến pháp để có tên trong lá phiếu của bang này vào năm 2024 hay không.

Gốc rễ của thách thức này là một điều khoản của Tu chính án thứ 14 — được phê chuẩn sau nội chiến — cấm các quan chức được bầu đã tham gia vào “nổi dậy hoặc nổi loạn” chống lại hiến pháp, “hoặc viện trợ hay ủng hộ kẻ thù của [hiến pháp],” tái cử. Tu chính án này, vốn nhằm ngăn những người ủng hộ Liên minh miền Nam ra giữ chức vụ công, gần đây được viện dẫn trở lại sau vụ bạo loạn 6 tháng 1 của những người ủng hộ Trump ở Điện Capitol.

Trước đó, một thẩm phán tòa cấp dưới ở Colorado đã phán quyết rằng ông Trump tham gia vào cuộc nổi dậy nhưng tổng thống không được coi là “một quan chức của Hoa Kỳ” như quy định trong hiến pháp. Các vụ kiện tương tự ở các bang khác vẫn chưa thành công. Có lẽ chỉ bằng lá phiếu, chứ không phải toà án, ông Trump mới có thể bị loại vào năm 2024.


Khối Mercosur họp thượng đỉnh với nhiều thách thức bủa vây

Vào thứ Tư, các bộ trưởng từ Mercosur, một khu vực thương mại tự do Nam Mỹ, sẽ gặp nhau tại Rio de Janeiro. Sau đó, vào thứ Năm, tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và chủ tịch tạm thời của khối, sẽ tiếp đón những người đồng cấp Argentina, Paraguay và Uruguay. (Tư cách thành viên của Venezuela bị đình chỉ từ năm 2016.) Khả năng thúc đẩy thương mại của Mercosur đã suy giảm trong những năm gần đây, và giới quan sát không nên kỳ vọng quá nhiều.

Sau 8 năm chờ đợi, Bolivia sẽ trở thành thành viên chính thức. Nhưng tin tức quan trọng hơn có lẽ là thông báo – sau 24 năm đàm phán – về một hiệp định thương mại tự do giữa Mercosur và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã gặp trở ngại vào tháng 11 khi Argentina bầu Javier Milei, người muốn rút khỏi Mercosur, làm tổng thống. Hôm thứ Bảy, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cũng lên tiếng chỉ trích các khía cạnh môi trường của thỏa thuận còn đang phôi thai này.

Không ai thất vọng hơn Lula, người sẽ mãn nhiệm chủ tịch Mercosur sau cuộc họp này. Ông từng kỳ vọng thỏa thuận Mercosur-EU sẽ giúp nâng cao vị thế quốc tế của Brazil. Nhưng thay vào đó, nó dường như làm nổi bật sự rối loạn chức năng của Mercosur.


 “Ngân hàng ngầm” Trung Quốc rửa tiền cho mafia Ý – Phóng viên Đức

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/ruatien.jpg

(Ảnh minh họa: Smit/ Shutterstock) 

Cảnh sát châu Âu năm nay đã phát hiện “ngân hàng ngầm” Trung Quốc đã giúp những tổ chức mafia Ý như Ndrangheta rửa tiền từ buôn bán ma túy, số tiền liên quan tính từ năm 2020 đến nay ít nhất hàng chục triệu euro. Phóng viên David Klaurt người Đức đã mở một cuộc điều tra về việc này, ông kể lại câu chuyện trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với DW.

Nguồn tin hôm 1/12 từ tờ DW Đức cho hay, phóng viên David Klaurt của Frankfurter Allgemeine Zeitung chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với DW rằng hồi tháng 5, cảnh sát đã giải được các tin nhắn mã hóa của thế giới ngầm, qua đó phát hiện tổ chức mafia Ý Ndrangheta có hàng triệu euro tiền mặt được chuyển từ “ngân hàng ngầm” ở Trung Quốc.

David Klaurt đã xem xét hồ sơ điều tra về mafia ở Calabria Ý và phát hiện “mạng lưới ngầm” của Trung Quốc đã được nhắc đến trong 5 hoặc 6 trường hợp, ngoài ra còn có trường hợp “chuyển tiền mặt” ở Đức.

Ông cho hay thông tin điều tra đề cập các phương thức chuyển tiền mặt (bao gồm như giấu hơn 700.000 euro tiền mặt trong xi lanh ô tô…), cho thấy ở Đức thực sự có dấu hiệu của mạng lưới ngầm của Trung Quốc.

Mạng lưới ngầm của Trung Quốc cũng cung cấp dịch vụ “mang tiền tận nhà”, họ có thể cử người mang tiền mặt đến tận nhà nếu số tiền vượt quá 500.000 euro, thậm chí họ có thể đảm bảo sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền nếu bị tịch thu hoặc bị cướp.

Ông nói rằng điều ông ngạc nhiên là trong nhiều trường hợp mạng lưới rửa tiền chuyển tiền trực tiếp sang Trung Quốc bằng máy bay, dùng những chiếc vali chứa đầy tiền mặt mang đến Trung Quốc, cho dù có khi bị tịch thu hàng triệu euro nhưng họ sẵn sàng chấp nhận, vì suy cho cùng thì đó là cách dễ nhất cho dù rủi ro cũng cao nhất.

Lợi thế cho các nhóm buôn bán ma túy trong vấn đề này là vì các nhà điều tra tư pháp châu Âu không thể hợp tác với Trung Quốc để điều tra dòng tiền, các nhà điều tra châu Âu sẽ không cách nào biết được tiền đi đâu sau khi số tiền được chuyển qua Trung Quốc.

Trong thông tin điều tra, ông chỉ ra chỉ riêng từ tháng 8/2020 – 2/2021 nhóm mafia Ý Ndrangheta đã giao tổng số hơn 20,4 triệu euro cho bên trung gian Trung Quốc.

DW dẫn báo cáo của Reuters hồi tháng 10 cho biết, cảnh sát Ý đã đột kích một mạng lưới rửa tiền liên quan Trung Quốc và bắt giữ 33 người, trong đó có 7 người là công dân Trung Quốc, họ có liên quan đến việc rửa hơn 50 triệu euro cho các nhóm buôn bán ma túy như Ndrangheta.

Một số cuộc điều tra gần đây đã tiết lộ rằng ngày càng nhiều các tập đoàn ma túy ở Ý đang sử dụng mạng lưới mờ ám của các bên môi giới tiền tệ Trung Quốc không có giấy phép, qua đó để che giấu các khoản thanh toán xuyên biên giới.

Trong một vụ án mới liên quan, hoạt động rửa tiền này xảy ra tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu quần áo và phụ kiện thời trang Trung Quốc (ở quận Esquilino của thủ đô nước Ý). Các tổ chức này hoạt động như một trung tâm thu thập các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, cuối cùng được chuyển sang Trung Quốc một cách ẩn danh, không thể theo dõi được.

Truyền thông Ý hồi đầu năm nay đưa tin, các nhóm lợi ích Trung Quốc cũng đã sử dụng tiền điện tử bất hợp pháp để cung tiền cho những tổ chức tội phạm khét tiếng nhất Ý như Ndrangheta. “Thế lực ngầm” của Trung Quốc đang phân phối số lượng cocaine kỷ lục trên khắp thế giới, hợp tác với tội phạm Ý và tội phạm Albania kiểm soát các cảng châu Âu.

Một viện nghiên cứu của Ý ước tính doanh thu hàng năm của Ndrangheta lên tới 47 tỷ USD.

Vương Quân, Vision Times


Nhà phân tích: Nhiều quỹ tín thác Trung Quốc gặp khó – Bảo Nguyên

Nhà phân tích: Nhiều quỹ tín thác Trung Quốc gặp khó

Một người phụ nữ đi bộ trên đường trước văn phòng Bắc Kinh của Zhongrong International Trust Co, thuộc sở hữu một phần của Zhongzhi Enterprise Group, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/8/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images) 

Bốn năm trước, một nhà phân tích đã dự đoán về một loạt cuộc khủng hoảng đối với các ngân hàng khu vực Trung Quốc. Giờ đây, nhà phân tích này đang đưa ra cảnh báo tương tự về ngành tín thác trị giá 3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Bloomberg hôm 3/12 đưa tin, ông Jason Bedford, người từng là nhà phân tích tại Bridgewater Associates và UBS Group AG, cho biết nhiều công ty tín thác đang gặp khó khăn và có vấn đề về khả năng thanh toán.

Ông Bedford nổi tiếng vì đã cảnh báo về rắc rối mà các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc gặp phải sau khi phân tích gần 250 báo cáo tài chính. Hiện ông đang đưa ra cảnh báo tương tự đối với các công ty tín thác của Trung Quốc.

Theo tính toán của ông Bedford, 14 trong số 55 quỹ tín thác công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã báo cáo hơn 1/3 tổng tài sản của họ là các tài sản thuộc diện đáng lo ngại. Theo ông Bedford, một số lượng đáng kể trong số 13 công ty không báo cáo cũng có thể đang gặp rắc rối.

Năm 2016, ông Bedford, khi đó là nhà phân tích tại UBS Securities, đã nghiên cứu hàng loạt ngân hàng chiếm gần 87% tài sản ngành ngân hàng Trung Quốc và cảnh báo điểm bùng phát của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể xảy ra vào năm 2019. Năm 2019, sau khi xem xét báo cáo tài chính của gần 250 ngân hàng Trung Quốc, ông một lần nữa khẳng định rằng các ngân hàng mà ông xem xét phải đối mặt với mức thiếu vốn lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 349 tỷ USD).

Tính đến cuối tháng 6/2023, ngành tín thác của Trung Quốc quản lý lượng tài sản trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD. Ngành công nghiệp tín thác từ lâu đã là nguồn tài chính quan trọng cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, nhưng những rạn nứt đã xuất hiện trong ngành này. 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/ntdvn_ntdvn-gettyimages-1598046255.jpeg

Biển hiệu của nhà phát triển Country Garden Holdings của Trung Quốc tại một khu nhà ở ở Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam miền trung của Trung Quốc, vào ngày 14/08/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images) 

Vào tháng 8 năm nay, một số nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng về việc mất tiền đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Zhongrong International Trust, một công ty con của Zhongzhi Enterprise Group (ZEG), và lớn tiếng biểu tình. Nhiều sản phẩm tài chính của Zhongrong Trust đã sụp đổ. Vào tháng 5 năm nay, Công ty Tín thác Xinhua sụp đổ, trở thành công ty tín thác đầu tiên phá sản kể từ khi Luật Tín thác được ban hành năm 2001.

Các quỹ tín thác thường nhận tiền gửi từ các nhà đầu tư cá nhân giàu có và các công ty rồi đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác, bao gồm cả việc cung cấp các khoản vay cho các công ty không có khả năng tiếp cận các ngân hàng truyền thống. Theo Bloomberg Economics, các quỹ tín thác, hoạt động với ít sự giám sát theo quy định hơn so với các ngân hàng, chiếm gần 10% tổng số khoản vay của Trung Quốc.

Ông Bedford cho biết mặc dù Zhongrong không có những dấu hiệu căng thẳng điển hình, với tài sản xấu chỉ chiếm 3,7% tổng tài sản vào năm ngoái, nhưng các vấn đề của nó dường như xuất phát từ công ty mẹ là ZEG, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn.

Vào tháng trước, gã khổng lồ ngân hàng ngầm này [ZEG] đã tiết lộ khoản thiếu hụt tài chính 36,4 tỷ USD (khi so sánh nợ và tài sản) trên bảng cân đối kế toán. Sau đó, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh quản lý vốn của ZEG.

Ông Bedford cho biết: “Trong khi một số quỹ tín thác vẫn còn tương lai, thời kỳ cho các nhà phát triển bất động sản vay với lãi suất cao, vốn từ lâu đã trở thành xương sống của nhiều quỹ tín thác, dường như đã kết thúc”.


Tình thế nguy hiểm của Zhongzhi Enterprise Group

Cuộc khủng hoảng tài chính đang tàn phá công ty quản lý tài sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, ZEG, đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc.

Thường được mệnh danh là “Blackstone” của Trung Quốc, ZEG quản lý khối tài sản vượt quá khoảng 516,7 tỷ USD. Nhưng khi thông tin vào tháng 8 cho thấy rằng ZEG đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản, sự hoảng loạn trên thị trường đã xảy ra sau đó. Người ta lo ngại rằng cuộc khủng hoảng của ZEG có thể nghiêm trọng tương đương hoặc còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng Evergrande hoặc Country Garden, gây ra mối đe dọa tài chính đáng kể cho Trung Quốc.

Nền tảng quản lý đầu tư cốt lõi của ZEG, Zhongrong International Trust và các công ty con, cụ thể là Hengtian Wealth, Datang Wealth, Xinhu Wealth và Gaosheng Wealth, đều đang trải qua những vụ vỡ nợ nghiêm trọng.

Các sản phẩm trả lãi cố định được cung cấp bởi bốn công ty quản lý tài sản thuộc ZEG này đã liên tiếp bị vỡ nợ, dẫn đến việc tạm dừng việc mua lại tất cả các sản phẩm kể từ tháng 7. Chỉ riêng trong tháng 7, việc gia hạn trái phiếu đã đạt xấp xỉ 31,94 tỷ USD. Các khoản nợ chưa thanh toán và trái phiếu quá hạn mới tiếp tục tích lũy chồng chất.

Vào tháng 8, một số sản phẩm của Zhongrong Trust đã vỡ nợ, với ước tính khoảng 48,3 tỷ USD trong các sản phẩm ủy thác bị đình chỉ mua lại. Cho đến nay, có 15 công ty niêm yết đại chúng đã tiết lộ khoản đầu tư vào các kế hoạch bị vỡ nợ.

Nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan Wu Chia-lung đã ví cuộc khủng hoảng ZEG với “khoảnh khắc Lehman phiên bản Trung Quốc” trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Nhà bình luận độc lập Gia Cát Dương Minh đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 30/10 rằng cuộc khủng hoảng của ZEG là điềm báo về sự sụp đổ sắp xảy ra của khu vực tài chính Trung Quốc.

Kể từ năm 2017, các cơ quan quản lý – tuân theo chính sách “Nhà ở để ở, không phải để đầu cơ” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – đã tăng cường kiểm soát nguồn tài chính trong ngành bất động sản, áp đặt các hạn chế trực tiếp đối với các khoản vay ngân hàng. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn tài chính từ các công ty nằm dưới sự bảo trợ của ZEG, bao gồm cả Zhongrong Trust. Với nguồn vốn đáng kể, ZEG nổi lên như một nhà hỗ trợ tài chính lớn cho nhiều công ty bất động sản trên khắp Trung Quốc.

Về cốt lõi, hoạt động kinh doanh chính của ZEG có thể được chia thành hai thành phần chính.

Một thành phần xoay quanh việc tài trợ và tìm kiếm vốn, chủ yếu được hỗ trợ thông qua các công ty con bao gồm quỹ tín thác, công ty vốn cổ phần tư nhân, công ty quản lý tài sản và bốn công ty quản lý tài sản lớn. Các khoản vốn có được này sau đó được chuyển vào việc mua cổ phần, đầu tư vốn cổ phần, các hoạt động về vốn nhằm tăng giá cổ phiếu và cuối cùng thực hiện chiến lược rút lui thông qua chuyển nhượng vốn cổ phần, mang lại lợi nhuận đáng kể.

Cách tiếp cận này cho kết quả tốt trong điều kiện thị trường vốn thuận lợi. Tuy nhiên, chiến lược rút lui của ZEG gặp phải một loạt những trở ngại: các cơ quan quản lý Trung Quốc ban hành các quy định mới về thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán trì trệ, áp lực suy giảm mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải gánh chịu và hậu quả của các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch. Trong khi đó, nguồn vốn cổ phần tư nhân phải đối mặt với những hạn chế, dẫn đến thách thức về thanh khoản.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang suy thoái, các sản phẩm tài chính của ZEG cuối cùng đã vỡ nợ.

Việc vỡ nợ của ZEG cũng có tác động đáng kể đến tài sản cá nhân của nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.

Ông Liang Liang, giám đốc quản lý tài sản tại Hengtian Wealth, cho biết trong số các khách hàng có khoản đầu tư cá nhân vượt quá 417.000 USD, có tới 150.000 người bị ảnh hưởng, trong đó khoản đầu tư cá nhân lớn nhất lên tới 694 triệu USD.

ZEG, cùng với các đơn vị do nó kiểm soát, đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao với lãi suất cạnh tranh. Đáng chú ý, ZEG không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhà nước mà còn nắm giữ tất cả 6 giấy phép hoạt động tài chính quan trọng, khiến nó trở thành một lựa chọn rất hấp dẫn cho các hoạt động gây quỹ.

Bảo Nguyên tổng hợp


Núi lửa Marapi bất ngờ hoạt động ở Indonesia, làm 22 nhà leo núi thiệt mạng 

05/12/2023 

AP 

Nhân viên cứu hộ gần núi lửa Marapi ở Agam, West Sumatra, Indonesia.

Nhân viên cứu hộ gần núi lửa Marapi ở Agam, West Sumatra, Indonesia. 

Hôm 5/12, các quan chức cho biết các nhân viên cứu hộ tìm kiếm trên sườn dốc nguy hiểm của núi lửa Marapi ở Indonesia đã tìm thấy thêm 11 thi thể của những nhà leo núi không kịp trở tay khi xảy ra vụ phun trào bất ngờ hồi cuối tuần, nâng số người được xác nhận thiệt mạng lên thành 22 người, theo AP.

Hơn 50 nhà leo núi được giải cứu sau đợt phun trào đầu tiên hôm 3/12 và 11 người khác ban đầu được xác nhận đã chết. Ông Abdul Malik, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Padang, cho hay các đợt phun trào hôm 4/12 và 5/12 đã phun thêm tro nóng cao tới 800 mét vào không khí, làm giảm tầm nhìn và buộc các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ phải tạm dừng.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia cho biết người ta tìm thấy thi thể của 2 nhà leo núi hôm 4/12 và 9 thi thể khác hôm 5/12.

Ông Edi Mardianto, phó cảnh sát trưởng tỉnh West Sumatra nói rằng một nhà leo núi vẫn mất tích và được cho là đã chết vì ở rất gần địa điểm phun trào.

Ông nói thêm rằng các thi thể được tìm thấy sẽ được đưa đến bệnh viện để nhận dạng.

Lực lượng cứu hộ phải đối mặt với thời tiết xấu và địa hình khó khăn, cùng với gió mang theo sức nóng từ các vụ phun trào.

Theo Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa của Indonesia, thông tin cảnh báo về núi lửa Marapi vẫn ở mức cao thứ ba trong tổng cộng 4 mức kể từ năm 2011, cho thấy hoạt động núi lửa trên mức bình thường, theo đó những người leo núi và dân làng phải ở cách đỉnh núi hơn 3 km.

Núi lửa Marapi phun ra những cột tro dày cao tới 3.000 mét trong đợt phun hôm 3/12 và những đám mây tro nóng lan rộng vài km.

Khoảng 1.400 người sống trên sườn núi Marapi ở Rubai và Gobah Cumantiang, những ngôi làng gần ngọn núi này nhất, cách đỉnh núi khoảng 5 đến 6 km.

Núi lửa Marapi đã hoạt động kể từ đợt phun hồi tháng 1 và không gây thương vong. Đây là một trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, vốn dễ bị biến động địa chấn do nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy bao quanh lưu vực Thái Bình Dương.


Tags: , , , , ,

Comments are closed.