Thời sự Thứ tư 13/12/2023: *Ủy ban Hạ viện Mỹ lên kế hoạch đối phó với Trung Quốc. *TT Zelenskyy tới Mỹ tìm viện trợ quân sự. *Chủ tịch Hạ viện gắn an ninh biên giới vào viện trợ cho Ukraine. *Cộng hoà Hạ viện Mỹ muốn luận tội Biden. *Biden: Israel đang đánh mất sự ủng hộ toàn cầu 


Võ Thái Hà tổng hợp


Ủy ban Hạ viện Mỹ lên kế hoạch đối phó với Trung Quốc 

13/12/2023 – Reuters 

Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban thuộc Hạ viện chuyên trách vấn đề Trung Quốc.

Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban thuộc Hạ viện chuyên trách vấn đề Trung Quốc. 

Một ủy ban trong quốc hội Hoa Kỳ ngày 12/12 đưa ra một danh sách mở rộng các khuyến nghị lưỡng đảng để lập lại mối quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc, đặt ra các mục tiêu lập pháp cho năm 2024 mà ủy ban cho rằng sẽ ngăn cản Hoa Kỳ trở thành “chư hầu kinh tế” của Trung Quốc, đối thủ địa chính trị chính của Mỹ.

Các đề nghị này được rút ra sau một năm điều trần và điều tra của ủy ban thuộc Hạ viện chuyên trách vấn đề Trung Quốc, và bao gồm những thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận quản lý của Hoa Kỳ trong đó có việc bổ sung các hạn chế đối với đầu tư vào Trung Quốc, cùng với các chỉnh sửa pháp lý về mặt kỹ thuật chẳng hạn như giảm ngưỡng cho các lô hàng miễn thuế từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

Trong một phúc trình, ủy ban do đảng viên Cộng hòa Mike Gallagher làm Chủ tịch và thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Raja Krishnamoorthi dẫn đầu cho biết việc thực hiện các biện pháp này sẽ “đòi hỏi sự đánh đổi cứng rắn và sẽ không phải là không có thiệt hại”.

Ủy ban cho biết: “Hoa Kỳ hiện có một sự lựa chọn: chấp nhận tầm nhìn của Bắc Kinh về nước Mỹ là chư hầu kinh tế của họ hoặc đứng lên bảo vệ an ninh, giá trị và sự thịnh vượng của chúng ta”.

Ông Gallagher và ông Krishnamoorthi cho biết cuộc gặp vào tháng 11 giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở San Francisco, nhằm xoa dịu mối quan hệ khó khăn, chẳng thay đổi gì mấy 150 khuyến nghị của họ.

Trong số đó có việc chỉ đạo Bộ Thương mại áp thuế nhập khẩu đối với các chất bán dẫn truyền thống của Trung Quốc, yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang kiểm tra nghiêm ngặt khả năng của các ngân hàng Hoa Kỳ trong việc chống chọi với nguy cơ mất khả năng tiếp cận thị trường vào Trung Quốc, và hạn chế các cơ quan liên bang Hoa Kỳ mua máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất.

Ông Krishnamoorthi nói: “Tôi nghĩ đây thực sự là kế hoạch chi tiết cho một số đạo luật lưỡng đảng mà chúng tôi hy vọng sẽ thực hiện trong năm tới”.

Ủy ban được thành lập vào đầu năm nay với nỗ lực thuyết phục người Mỹ tại sao họ nên quan tâm đến việc cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc tách rời có chọn lọc giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Ông Gallagher nói đảng Cộng hòa đang có một “cuộc thảo luận sôi nổi” về cách tiến hành luật hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, một phiên bản của luật này đã bị loại khỏi dự luật ủy quyền quốc phòng hàng năm. Ông nói thêm rằng ông hy vọng những cuộc thảo luận đó sẽ dẫn đến “hoạt động lập pháp có trách nhiệm” trong quý đầu tiên của năm 2024.


Tổng thống Zelenskyy tới Mỹ tìm cách thúc đẩy viện trợ quân sự 

13/12/2023 – Reuters 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, giữa, đi cùng Lãnh đạo Khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, trái, và lãnh đạo Khối đa số Thượng viện Chuck Schumer, phải, tại Điện Capitol, Washington D.C., ngày 12/12/2023.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, giữa, đi cùng Lãnh đạo Khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, trái, và lãnh đạo Khối đa số Thượng viện Chuck Schumer, phải, tại Điện Capitol, Washington D.C., ngày 12/12/2023. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gặp các nhà lập pháp Hoa Kỳ tại Điện Capitol hôm 12/12 để thử kêu gọi lần nữa sự hỗ trợ quân sự trong khi ông chiến đấu với Nga, nhưng vấp phải sự đón nhận hoài nghi từ một số đảng viên Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa đã ngần ngừ trong việc chấp thuận yêu cầu tài trợ từ Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden, theo đó Ukraine sẽ nhận được 61,4 tỷ đô la.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một đảng viên Cộng hòa, cho biết sau cuộc gặp với ông Zelenskyy rằng chính quyền của ông Biden phải cung cấp thêm chi tiết về cách sử dụng số tiền này.

“Những gì chính quyền Biden dường như đang yêu cầu là thêm hàng tỷ đô la mà không có sự giám sát phù hợp, không có chiến lược rõ ràng để giành chiến thắng và không có câu trả lời nào mà tôi nghĩ người dân Mỹ cần có”, ông nói sau cuộc gặp với ông Zelenskyy.

Các đảng viên Cộng hòa khác đặt câu hỏi liệu viện trợ bổ sung có giúp Ukraine đánh bại Nga sau cuộc tấn công mùa hè không mang lại lợi ích rõ ràng hay không.

Đang bước vào mùa đông, với hàng chục nghìn người Ukraine thiệt mạng, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và những bước tiến của Nga ở phía đông, ông Zelenskyy kêu gọi Washington cung cấp những hỗ trợ rất cần thiết.

Ông Zelenskyy nhận được những tràng pháo tay kéo dài khi ông bước vào cuộc họp kín với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hạ viện đã cam kết ủng hộ.

Một số đảng viên Cộng hòa, đặc biệt là những người có quan hệ mật thiết nhất với cựu Tổng thống Donald Trump, phản đối việc tăng thêm viện trợ cho Ukraine và chất vấn về mục tiêu chiến tranh cũng như tiền của Mỹ được chi tiêu như thế nào. Họ nói rằng bất kỳ khoản tiền bổ sung nào cũng phải đi đôi với những thay đổi trong chính sách di trú – một vấn đề gây chia rẽ đặc biệt trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nói: “Người hạnh phúc nhất lúc này về tình trạng bế tắc ở Quốc hội là ông Vladimir Putin. Ông ấy vui mừng trước thực tế là các chính sách biên giới của Donald Trump đang phá hoại viện trợ quân sự cho Ukraine”.

Chủ tịch Hạ viện Johnson cho biết ông sẽ không hành động cho đến khi Thượng viện thông qua luật. Ông nói với các phóng viên: “Tôi cầu xin họ hãy làm việc vì thời gian rất cấp bách và chúng tôi muốn làm điều đúng đắn”.

Tòa Bạch Ốc hôm 4/12 thông báo với Quốc hội rằng chính phủ sẽ không còn nguồn tài trợ để cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sau cuối năm nay. Quốc hội đã chấp thuận hơn 110 tỷ đô la cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 nhưng không có khoản tiền mới nào kể từ khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ vào tháng 1 năm nay.

Bà Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho biết, thông tin tình báo mới được giải mật của Mỹ cho thấy “Nga dường như tin rằng sự bế tắc quân sự trong suốt mùa đông sẽ làm cạn kiệt sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine” và cuối cùng mang lại lợi thế cho Nga.

Bà nói thêm rằng Ukraine đang thành công trong việc ngăn chặn lực lượng Nga nhưng ông Putin vẫn tiếp tục ra lệnh cho quân đội của mình tiến lên bất chấp tổn thất nặng nề về quân đội và trang thiết bị kể từ tháng 10.

Theo một nguồn tin quen thuộc với một báo cáo tình báo được giải mật của Mỹ, cuộc chiến đã khiến 315.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và bị thương, gần 90% nhân lực mà nước này có khi xung đột bắt đầu.

Chỉ còn ba ngày nữa là Quốc hội Mỹ nghỉ lễ, và các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện cho đến nay vẫn từ chối thông qua gói chi tiêu bao gồm 61,4 tỷ đô la viện trợ Ukraine mà không có những thay đổi đối với vấn đề di trú của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy, người dẫn đầu các cuộc đàm phán, nói ông nghĩ các nhà lập pháp có thể đạt được thỏa thuận di trú và thông qua gói chi tiêu trước cuối năm nay.

Nhưng đảng Cộng hòa cho rằng điều đó khó có thể xảy ra.

Thượng nghị sĩ Susan Collins nói với các phóng viên: “Tôi ngày càng trở nên bi quan.”

Ông Biden đã nhận xét tình hình một cách rõ ràng, nói rằng “lịch sử sẽ phán xét gay gắt những người quay lưng lại với chính nghĩa tự do.”

Cuối cùng, quân đội Mỹ có thể bị buộc phải chiến đấu với Nga, ông Biden và những người khác cảnh báo, nếu một Putin không bị kiểm soát tấn công một đồng minh châu Âu được bảo vệ bởi các cam kết phòng thủ chung của NATO.

Được hỗ trợ bởi hàng tỷ đô la vũ khí, viện trợ nhân đạo và tình báo của Mỹ, Ukraine đã có thể chống lại nỗ lực ban đầu của Nga nhằm càn quét đất nước. Nhưng Kyiv đã thất bại trong việc xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga trong một đợt phản công lớn trong năm nay và Nga hiện đang tấn công ở phía đông.

Cả vấn đề chiến tranh và nhập cư đều được dự đoán sẽ là vấn đề nóng bỏng trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Hoa Kỳ năm 2024. Hai ông Trump và Biden đều đang tranh cử tổng thống.

Khoảng 41% người Mỹ trưởng thành được Reuters/Ipsos thăm dò vào tháng trước ủng hộ việc gửi vũ khí tới Ukraine, so với 32% phản đối và số còn lại không chắc chắn.

Trong khi đó Hoa Kỳ hôm 12/12 áp đặt các chế tài đối với hơn 250 cá nhân và thực thể liên quan đến cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Động thái mới nhất này là một phần trong nỗ lực trấn áp việc Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt bằng cách chỉ định nhiều mục tiêu cụ thể – bao gồm các cá nhân và thực thể ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nước thứ ba khác – bên cạnh các mục tiêu hiện có ở Nga.

Hoa Kỳ cho biết các chế tài mới nhắm vào các cá nhân và thực thể đã nâng cao khả năng của Nga trong việc tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine và đang củng cố “năng lực xuất khẩu và sản xuất năng lượng trong tương lai của Nga”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ có sẵn để qui trách nhiệm đối với tội ác của Nga ở Ukraine cũng như những người tài trợ và hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga”.

Mỹ đã áp dụng các chế tài đối với nhiều cá nhân và tổ chức tài chính của Nga, cũng như các công ty năng lượng của Nga liên quan đến việc phát triển một kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên một cảng biển Baltic.

Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, các chế tài cũng nhắm vào các công ty hình ảnh vệ tinh thương mại có trụ sở tại Trung Quốc đã cung cấp hình ảnh quan sát có độ phân giải cao cho công ty lính đánh thuê Wagner của Nga.

Nga nói các chế tài được áp đặt kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine là bất hợp pháp và khẳng định chúng sẽ không cản trở sự phát triển của nền kinh tế Nga.


Chủ tịch Hạ viện Johnson gắn yêu cầu về an ninh biên giới vào điều kiện viện trợ cho Ukraine sau cuộc gặp với ông Zelensky 

Ryan Morgan / Từ NTD News

Vân Sa biên dịch – 13/12/2023

Đảng Cộng Hòa lập luận rằng khoản chi tiêu mới liên quan đến biên giới và nhập cư không đủ để giải quyết những lo ngại lâu dài của họ. 

Chủ tịch Hạ viện Johnson gắn yêu cầu về an ninh biên giới vào điều kiện viện trợ cho Ukraine sau cuộc gặp với ông Zelensky

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) nói chuyện với giới báo chí sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Capitol Hill ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 12/12/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images) 

Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Ba (12/12), Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) ủng hộ lời kêu gọi của Đảng Cộng Hòa trong việc ràng buộc các đợt viện trợ mới của Hoa Kỳ dành cho Ukraine với các chính sách an ninh biên giới cứng rắn hơn. 

Ông Zelensky đã đến thăm Capitol Hill hôm thứ Ba (12/12) để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra giữa Ukraine và Nga và đề nghị các đợt viện trợ quân sự bổ sung của Hoa Kỳ dành cho Ukraine. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine đã cạn kiệt phần lớn viện trợ quốc tế để tiếp tục chiến đấu với Nga. 

Trong số những hoạt động của ông Zelensky hôm thứ Ba, có cuộc gặp với ông Johnson, người đã không sẵn lòng chấp thuận thêm chi tiêu của Hoa Kỳ cho Ukraine cho đến khi một số yêu cầu chính sách nhất định của Đảng Cộng Hòa được đáp ứng. 

Quốc hội hiện đang xem xét dự luật chi tiêu bổ sung trị giá 111 tỷ USD, trong đó có 15 tỷ USD của Bộ Quốc phòng trợ giúp trực tiếp cho quân đội Ukraine, khoảng 14 tỷ USD viện trợ kinh tế bổ sung của Hoa Kỳ dành cho Ukraine, và hàng chục tỷ dollar chi bổ sung để mở rộng sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ nhằm tái vũ trang cho Ukraine. Ngoài hàng chục tỷ dollar chi tiêu mới liên quan đến Ukraine, dự luật chi tiêu bổ sung còn đề nghị hàng chục tỷ dollar viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Israel, chi tiêu để trợ giúp các đồng minh và các quốc gia đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và chi tiêu mới cho biên giới Hoa Kỳ, nhân viên nhập cư và các trang thiết bị. 

Đảng Cộng Hòa lập luận rằng khoản chi tiêu mới liên quan đến biên giới và nhập cư không đủ để giải quyết những lo ngại lâu dài của họ về an ninh biên giới Hoa Kỳ và khẳng định họ sẽ không ủng hộ gói chi tiêu bổ sung 111 tỷ USD trừ khi gói này đi kèm với một thỏa thuận áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về thời điểm người vượt biên có thể yêu cầu tị nạn và thời điểm quan chức biên giới có thể cấp quyền nhập cảnh tạm thời vào Hoa Kỳ cho người vượt biên thông qua các chương trình tạm tha. Dự luật chi tiêu bổ sung trị giá 111 tỷ USD đã bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu thủ tục vào tuần trước, do các yêu cầu về an ninh biên giới của Đảng Cộng Hòa vẫn chưa được đáp ứng. 

Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine vào chiều thứ Ba, ông Johnson cho biết ông đã có một “cuộc gặp tốt đẹp” nhưng bày tỏ rằng ông vẫn tiếp tục tán thành các yêu cầu an ninh biên giới của Đảng Cộng Hòa như một điều kiện để ủng hộ gói chi tiêu bổ sung. 

“Điều kiện đầu tiên của chúng tôi đối với bất kỳ gói chi tiêu bổ sung an ninh quốc gia nào trước hết là dành cho an ninh quốc gia của chính chúng ta,” ông Johnson nói: “Biên giới thực sự là một thảm họa, và nguyên nhân là do các chính sách của Tòa Bạch Ốc và Chính phủ này.” 

Ngoài dự luật chi tiêu bổ sung cụ thể, ông Johnson cũng nhắc lại lời kêu gọi của nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa, những người đang tìm kiếm lời giải thích rõ ràng từ chính phủ Tổng thống Biden về mục tiêu của việc Hoa Kỳ trợ giúp cho Ukraine. 

“Kể từ ngày tôi được giao trọng trách làm Chủ tịch Hạ viện, tôi đã yêu cầu Tòa Bạch Ốc về sự rõ ràng đó. Chúng tôi cần có sự trình bày rõ ràng về chiến lược để cho phép Ukraine giành chiến thắng, và cho đến nay, họ vẫn chưa trả lời đầy đủ cho chúng tôi và chưa cung cấp cho chúng tôi câu trả lời rõ ràng và chi tiết mà chúng tôi đã yêu cầu liên tục đúng 24 giờ qua sau khi tôi nhận chức Chủ tịch Hạ viện,” ông nói. “Những gì Chính phủ Tổng thống Biden dường như đang yêu cầu là thêm hàng tỷ dollar mà không có sự giám sát phù hợp, không có chiến lược rõ ràng để giành chiến thắng, và không đưa ra câu trả lời nào mà tôi nghĩ họ đang nợ người dân Mỹ quốc.” 

Ông Johnson cho biết các điều kiện mà Đảng Cộng Hòa đang thúc ép đối với viện trợ liên quan đến Ukraine phản ánh “điều kiện của người dân Mỹ” và văn phòng của ông giữ vững lập trường “kiên quyết” về vấn đề này. 

Ông Zelensky cũng đã có một cuộc họp riêng với một nhóm lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và một cuộc họp khác với các lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện vào thứ Ba (12/12). Chủ tịch Nhóm họp kín của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện Pete Aguilar (Dân Chủ-California) chỉ trích ông Johnson vì đã không tổ chức một cuộc họp lưỡng đảng tại Hạ viện tương tự như ở Thượng viện. 

“Chúng tôi rất cảm ơn [ông Zelensky] vì đã xuất hiện và can đảm để đến đây. Thật không may, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã không đưa ra lời đề nghị gặp mặt như Thượng viện đã làm – một cuộc gặp với tất cả các thành viên của Thượng viện,” ông Aguilar nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba.. “Sẽ thật tuyệt nếu Chủ tịch Hạ viện Johnson sẽ đưa ra lời đề nghị đó, nhưng ông ấy đã không làm vậy.”

Các nhà lập pháp sắp hết thời gian để đạt được thỏa thuận về gói chi tiêu bổ sung trước khi Quốc hội nghỉ trong thời gian còn lại của năm. Quốc hội dự kiến ​​sẽ nghỉ sau thứ Sáu, ngày 15/12. Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba với The Hugh Hewitt Show, ông Johnson cho biết ông không quan tâm đến việc giữ Hạ viện hoạt động sau thứ Sáu để chờ tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong khi các nhà đàm phán ở Thượng viện dường như còn lâu mới đạt được thỏa thuận về các yêu cầu an ninh biên giới của Đảng Cộng Hòa.


COP28 vẫn chưa có tuyên bố cuối cùng

Vào Chủ nhật, Sultan Al Jaber – chủ tịch của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc tại Dubai – đã đề xuất các đại biểu cần “di chuyển nhanh hơn rất nhiều.” Nhưng câu đùa của ông không có tác dụng. Cho đến rạng sáng thứ Tư, các cuộc đàm phán lẽ ra đã kết thúc gần cả ngày trước đó vẫn chưa khép lại. Có rất ít dấu hiệu cho thấy thời điểm xuất hiện thoả thuận cuối cùng.

Đàm phán bế tắc xoay quanh cam kết đối với nhiên liệu hóa thạch. Người ta từng kỳ vọng thỏa thuận cuối cùng sẽ buộc các nước gần như ngừng sản xuất và tiêu thụ dầu, than và khí đốt (dù đi kèm những khó khăn nghiêm trọng). Nhưng một số nước, chủ yếu là các nhà sản xuất dầu mỏ, đã cố gắng làm suy yếu ngôn ngữ này, gây ra phản đối từ các quốc gia khác bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc đảo nhỏ. Trong bối cảnh đó, hoặc là hội nghị thượng đỉnh làm nên lịch sử, hoặc nó sụp đổ hoàn toàn.

Giờ chót: AP

DUBAI, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (AP) – Gần 200 quốc gia hôm thứ Tư đã đồng ý loại bỏ nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh – lần đầu tiên họ đưa ra cam kết quan trọng đó trong nhiều thập kỷ đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, mặc dù nhiều người cảnh báo rằng thỏa thuận này vẫn còn những thiếu sót đáng kể.

Thỏa thuận đã được thông qua mà không cần phải đấu tranh trên sàn mà nhiều người lo sợ — và mạnh hơn một bản dự thảo được đưa ra hồi đầu tuần khiến một số quốc gia tức giận. Nhưng nó không kêu gọi loại bỏ hoàn toàn dầu, khí đốt và than đá — và nó mang lại cho các quốc gia khoảng trống đáng kể trong quá trình “chuyển đổi” khỏi những nhiên liệu đó.


Phe Cộng hoà tại Hạ viện Mỹ muốn luận tội Biden

Từ thứ Tư các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu để chính thức hóa cuộc điều tra luận tội ông Joe Biden. Ba ủy ban Hạ viện đã điều tra tổng thống từ tháng 9 nhưng không có nhiều kết quả. Theo James Comer, chủ tịch ủy ban Giám sát Hạ viện, một cuộc điều tra chính thức sẽ trao thêm quyền lực cho họ đối với “bất kỳ ai từ chối” trát đòi hầu tòa.

Đó là lời ám chỉ đến Hunter Biden, con trai của tổng thống. Hồi tháng 11, ủy ban của ông Comer đã ban hành trát đòi Hunter hầu tòa, yêu cầu ông làm chứng tại một buổi lấy lời khai kín. Hunter phản đối bằng lời đề nghị điều trần công khai, nhưng phe Cộng hòa từ chối. Họ hy vọng chứng tỏ được tổng thống hưởng lợi từ các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con trai ông. Hunter gần đây đã bị buộc tội không nộp 1,4 triệu USD tiền thuế (một cáo buộc mà luật sư của ông cho rằng có động cơ chính trị) và có thể phải đối mặt với điều tra thêm. Tuy vậy, ông Comer còn lâu mới xây dựng được một vụ án chống lại cái mà ông gọi là “gia đình tội phạm Biden.”


EU họp bàn mở rộng

Một loạt cuộc họp căng thẳng sẽ bắt đầu tại Brussels vào thứ Tư với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo từ EU và Tây Balkan. Cuộc gặp thường xuyên này từ lâu đã là một truyền thống nhằm giải thích vì sao các nước như Serbia và Bắc Macedonia không có mấy tiến bộ trong nỗ lực gia nhập EU suốt hai mươi năm qua. Nhưng triển vọng mở rộng đã được cải thiện kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Chiến tranh đã khiến các thành viên muốn lôi kéo các nước láng giềng vào câu lạc bộ để chống lại sự can thiệp của Nga.

Sự nhiệt tình đó sẽ được thử thách một lần nữa vào thứ Năm và thứ Sáu khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm. Các nhà ngoại giao từ 27 thành viên của khối đã hy vọng mở đàm phán chính thức về việc Ukraine gia nhập và ký kết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho nước này trong 4 năm. Nhưng cả hai đều bị Viktor Orban, thủ tướng chuyên quyền của Hungary, cản trở, một phần vì ông luôn sẵn sàng đánh giá cao quan điểm của Điện Kremlin.


Donald Tusk sẽ dự họp EU lần đầu sau khi đắc cử thủ tướng Ba Lan

Cuộc chuyển giao quyền lực trong mấy ngày vừa qua ở Ba Lan cũng không kém cay đắng so với những năm tháng đấu tranh chính trị trước đây. Sau kết quả đáng thất vọng trong cuộc bầu cử hồi tháng 10, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan thua tiếp cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm thứ Hai. Quốc hội sau đó ủng hộ Donald Tusk của Liên minh Dân sự làm thủ tướng. Lãnh đạo của PiS, Jaroslaw Kaczynski, vu cáo ông Tusk là “đặc vụ Đức” – một lời bóng gió bắt nguồn từ mối quan hệ nồng ấm của ông với các nhà lãnh đạo châu Âu.

Ông Tusk, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thứ Tư, đã hứa sẽ hàn gắn mối quan hệ của Ba Lan với EU sau nhiều năm PiS phá hoại nhà nước pháp quyền. Vào thứ Năm, ông sẽ đến Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo. Với tư cách là cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông chắc chắn sẽ được chào đón nồng nhiệt. Nhưng để Ba Lan được quay lại nhận ưu đãi tốt đẹp của khối (và huy động được hàng tỷ euro tiền tài trợ), ông sẽ cần phải phi chính trị hóa các tòa án và phương tiện truyền thông của Ba Lan.


Tổng thống Argentina Milei ký lệnh xóa bỏ ½ số bộ trong ngày đầu nhậm chức

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/ttargentina.jpg

Tân Tổng thống Argentina Javier Milei trong lễ nhậm chức (Reuteurs) 

Tân Tổng thống Argentina Javier Milei đã ký sắc lệnh trong ngày đầu nhậm chức để tái cấu trúc chính phủ, cắt giảm một nửa số bộ từ 18 xuống còn 9, bước đầu thực hiện lời hứa chiến dịch về cắt giảm chi tiêu công.

Sắc lệnh của ông Javier Milei có hiệu lực ngay thứ Hai (11/12), theo Financial Times đưa tin.

Theo sắc lệnh, các bộ còn lại gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Thương mại Quốc tế và Văn hóa, Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế, Bộ Cơ sở hạ tầng, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh, Bộ Y tế và Bộ Lao động.

Các bộ bị cắt bỏ hoặc hợp nhất bao gồm những bộ quản lý các vấn đề về phát triển, giáo dục & phụ nữ, giới tính & sự đa dạng.

Ba bộ gồm Tổng bộ, Văn phòng Truyền thông và Thông tin, và Văn phòng Luật pháp và Công nghệ được nâng cấp lên cấp độ nội các, nhưng không có chức năng đầy đủ của bộ.

Động thái cắt giảm số bộ ngành nêu trên là đồng điệu với những khoảng khắc chiến dịch tranh cử đáng nhớ nhất của ông Milei, khi đó một video lan truyền rộng rãi trên mạng Internet cho thấy hình ảnh chính trị gia cánh hữu này vừa xé bỏ những tờ giấy ghi chú dán được trên đó có tên của các bộ mà ông muốn loại bỏ, vừa hét lên “afuera” (tiếng Tây Ban Nha) có nghĩa là “cút xéo đi”.

“Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc lịch sử buồn của sự điêu tàn và suy thoái, và chúng ta sẽ bắt đầu hành trình tái thiết đất nước ta”, ông Milei nói khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống hôm Chủ nhật (10/12) trước sự vui mừng của đám đông người ủng hộ.

“Thách thức trước mắt chúng ta là rất to lớn, nhưng sức mạnh thực sự của một dân tộc có thể được đo lường theo cách họ đối mặt với các thách thức khi họ được đại diện cho chính bản thân họ”, ông Milei nói thêm.

Ông Milei hôm thứ Hai (11/12) đã đăng tải một bức ảnh nội các của ông chụp trong văn phòng tổng thống vào đầu giờ làm việc cùng ngày, kèm theo khẩu hiệu chiến dịch tranh cử, “¡viva la libertad, carajo!” (tiếng Tây Ban Nha) có nghĩa là “Chết tiệt, Tự do muôn năm!”

Argentina hiện tại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất lịch sử, hậu quả của nhiều thập kỷ bội chi ngân sách công và quản lý đất nước yêu kém theo các chương trình xã hội chủ nghĩa.

Argentina hiện là một trong những quốc gia có mức lạm pháp cao nhất thế giới, đã tăng lên gần 200% trước khi ông Milei nhậm chức tổng thống. Hơn nữa, quốc gia Nam Mỹ này cũng đang có tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm vào nghèo đói cao.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ông Milei đã tranh cử tổng thống với lời hứa sẽ giảm chi tiêu chính phủ và coi đó là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới khôi phục nền kinh tế đất nước và tạo dựng sự phồn vinh nhiều nhất có thể.

Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức hôm Chủ nhật (10/12) với sự tham gia của khoảng 25.000 người ở thủ đô Buenos Aires, Tổng thống Milei đã cảnh báo rằng tình hình đất nước sắp tới sẽ tồi tệ hơn trước khi được cải thiện trong dài hạn. Ông cũng cam kết sẽ tận diệt nạn tham nhũng và sự lười biếng trong toàn bộ chính quyền liên bang.

“Trong hơn 100 năm nay, các chính trị gia đã đang khăng khăng bảo vệ mô hình mà thứ duy nhất nó đã đang tạo ra là sự nghèo đói, đình trệ và khổ đau. Một mô hình mà coi nhiệm vụ của một chính trị gia là để chỉ đạo mọi khía cạnh, mọi mặt đời sống của mỗi cá nhân. Một mô hình coi nhà nước như một chiến lợi phẩm để những chiến hữu cùng nhau chia chác”, ông Milei nói.

Tân Tổng thống Milei hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy những thay đổi mà đất nước này cần bởi vì chúng tôi chắc chắn rằng bám chắc vào những ý tưởng của tự do (liberty) là cách duy nhất chúng ta sẽ có thể thoát ra được cái hố chúng ta đã mắc kẹt vào”.

Hải Đăng (T/h)


Tổng thống Biden: Israel đang đánh mất sự ủng hộ toàn cầu 

13/12/2023 – Reuters 

Tổng thống Mỹ Joe Biden, trái, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu họp song phương mở rộng, ngày 18/10/2023, tại Tel Aviv.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, trái, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu họp song phương mở rộng, ngày 18/10/2023, tại Tel Aviv. 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 12/12 tuyên bố Israel đang mất đi sự ủng hộ sau vụ ném bom “bừa bãi” vào Gaza và rằng ông Benjamin Netanyahu nên thay đổi chính phủ cứng rắn của mình, phơi bày rạn nứt mới trong quan hệ với Thủ tướng Israel.

Phát biểu của ông Biden, được đưa ra trước các nhà tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông, là lời chỉ trích gay gắt nhất của ông cho đến nay về cách ông Netanyahu xử lý cuộc chiến của Israel ở Gaza. 

“An ninh của Israel có thể dựa vào Hoa Kỳ, nhưng hiện tại họ không chỉ có Mỹ. Họ có Liên hiệp Châu Âu, có Châu Âu, có hầu hết thế giới … Nhưng họ đang bắt đầu mất đi sự hỗ trợ đó bởi việc ném bom bừa bãi đang diễn ra”, ông Biden nói.

Các quan chức Gaza cho biết, sự trả đũa của Israel đối với vụ đột kích khai chiến của Hamas đã khiến 18.000 người thiệt mạng, 50.000 người bị thương và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nhận xét của ông Biden đã mở ra một cánh cửa mới cho những cuộc thảo luận riêng tư thẳng thắn của ông với ông Netanyahu, người mà ông đã có những bất đồng sâu sắc trong nhiều thập niên.

Những bình luận gay gắt đó cũng được đưa ra khi cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, chuẩn bị tới Israel để hội đàm với nội các chiến tranh Israel.

Ông Netanyahu nói trong một tuyên bố ngày 12/12 rằng Israel nhận được “sự ủng hộ hoàn toàn” từ Mỹ cho cuộc tấn công trên bộ vào Gaza và rằng Washington đã cản áp lực đình chiến từ quốc tế.

Nhưng ông nói thêm có sự bất đồng giữa Mỹ với Israel về tương lai Gaza thời hậu chiến và ông hy vọng rằng “chúng tôi cũng sẽ đạt được đồng thuận về việc đó luôn.”

Ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hoạt động quân sự của Israel chống lại các phần tử hiếu chiến Hamas ở Gaza nhưng ông ngày càng bày tỏ lo ngại về cái chết của thường dân Palestine.

Một quan chức Tòa Bạch Ốc nói, ông Biden dự kiến ngày 13/12 gặp mặt tại Tòa Bạch Ốc các thành viên gia đình của những người Mỹ bị Hamas bắt làm con tin trong cuộc tấn công vào miền nam Israel hôm 7/10 khiến 1.200 người thiệt mạng.

Ông Sullivan ngày 12/12 cho hay trong chuyến thăm Israel, ông sẽ thảo luận với các quan chức Israel về thời gian biểu của họ cho cuộc chiến ở Gaza.

Ông Sullivan quy trách nhiệm Hamas về việc phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 24/11 đến ngày 1/12 vì phe Hamas từ chối thả thêm con tin.

“Hamas cho đến ngày nay vẫn tiếp tục giam giữ phụ nữ, người già, thường dân với số lượng đáng kể. Tuy nhiên, họ vẫn nói: ‘Này, sao mọi người không dừng lại.’ Vì vậy, chúng tôi tin rằng Israel có quyền tự vệ.”


Tags: , , , , ,

Comments are closed.