Thời sự Thứ Tư 17/05/2023: *Hội Đồng Châu Âu buộc Nga trách nhiệm thiệt hại gây ra ở Ukraina *Mỹ chưa có giải pháp tránh vỡ nợ, ông Biden cắt ngắn chuyến công du châu Á *
Võ Thái hà tổng hợp
Hội Đồng Toàn Châu Âu nhất trí buộc Nga gánh chi phí thiệt hại gây ra ở Ukraina
17/5/2023
Lãnh đạo 46 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu họp tại Reykjavik, Iceland, ngày 16/05/2023. AP – Alastair Grant
Thu Hằng /RFI
Một năm sau khi khai trừ Nga, Hội Đồng Toàn Châu Âu đã họp thượng đỉnh ngày 16/05/2023 tại Reykjavik, Iceland. Các nhà lãnh đạo của 46 nước nhất trí ủng hộ Kiev và tỏ quyết tâm buộc Matxcơva phải trả giá cho cuộc xâm lăng Ukraina. Hội Đồng Toàn Châu Âu đã công bố một cơ chế nhằm theo dõi những tổn thất và thiệt hại do quân đội Nga gây ra.
Đặc phái viên RFI Valérie Gas tường trình từ Reykjavik :
« Ông Volodymyr Zelensky không đến Reykjavik sau vòng công du châu Âu. Tuy nhiên, tổng thống Ukraina đã phát biểu trực tuyến trước toàn thể nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu. Sau bài phát biểu của ông Zelensky, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án những hành động bạo lực của Nga ở Ukraina.
Ông nói : « Tôi nghĩ đến những vụ oanh kích vào cơ sở hạ tầng dân sự, tôi nghĩ đến những vụ hãm hiếp được sử dụng làm vũ khí chiến tranh, đến những vụ giết người, đến nạn tra tấn phổ biến, đến tình trạng trẻ em Ukraina bị đầy ải sang Nga và các vùng bị chiếm đóng ». Ông Macron cảnh cáo Nga : « Việc cưỡng bức đầy ải trẻ em là tội ác chiến tranh và hành động này được nhân rộng ra thì có thể cấu thành tội ác chống nhân loại ».
Nguyên thủ Pháp muốn gây áp lực với Nga bằng cách chống lại tình trạng không bị trừng phạt. Ông nói : « Hội Đồng Toàn Châu Âu một lần nữa cho thấy tiếng nói bênh vực những nạn nhân của cuộc xâm lược qua việc lập Sổ thống kê quốc tế các thiệt hại do cuộc xâm lược của Nga tại Ukraina gây ra ». Đó là sự hỗ trợ về tư pháp và về tài chính cùng với sự giúp đỡ của Ngân hàng phát triển của Hội đồng toàn châu Âu.
Nguyên thủ Pháp nói tiếp : « Tôi hy vọng chúng ta có thể khởi động một dự án lớn để có thể sớm can thiệp và hỗ trợ thành lập khoảng một trăm trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Ukraina để giúp tất cả những người hàng ngày vẫn phải chịu đựng những chấn thương tâm thần nặng nề do cuộc xung đột bạo lực này gây ra ».
Ngoài viện trợ quân sự cho Ukraina, mục tiêu của ông Emmanuel Macron là bắt đầu chuẩn bị tái thiết Ukraina ».
Cuộc họp tại Iceland là thượng đỉnh lần thứ 4 của Hội Đồng Toàn Châu Âu trong suốt 75 năm tồn tại. Iceland không có quân đội nên không thể viện trợ quân sự cho Ukraina, do đó chính quyền Reykjavik muốn huy động « vũ khí pháp lý». Còn hai nước Anh và Hà Lan muốn lập một « liên minh quốc tế » để giúp Kiev « tăng khả năng chiến đấu trên không, từ đào tạo phi công đến giao chiến đấu cơ F-16 ». Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh đề xuất của hai thủ tướng Anh và Hà Lan trong cuộc hội đàm ngày 16/05 ở Luân Đôn.
Mỹ chưa đả thông giải pháp tránh vỡ nợ, ông Biden cắt ngắn chuyến công du châu Á
17/5/2023
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Phó Tổng thống Kamala Harris lắng nghe Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Quốc hội tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc, ngày 16 tháng 5 năm 2023, Washington D.C.
Tổng thống Dân chủ Joe Biden và nghị sĩ hàng đầu bên Cộng hòa, Kevin McCarthy, hôm 16/5 tiến gần hơn đến một thỏa thuận để tránh tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra của Hoa Kỳ, giữa lúc rủi ro về cơn ác mộng kinh tế đã khiến ông Biden phải cắt ngắn chuyến công du châu Á trong tuần này.
Sau một giờ đàm phán, ông McCarthy, Chủ tịch Hạ viện, nói với các phóng viên rằng hai bên vẫn còn khoảng cách về thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ. Tuy nhiên, ông cho hay “Có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này. Không khó lắm để đạt được một thỏa thuận.”
Đảng Dân chủ không lạc quan về một thời điểm nhanh chóng, nhưng Tòa Bạch Ốc nói các cuộc thảo luận vừa rồi là ‘hiệu quả và trực tiếp.’ Ông Biden cho biết đôi bên đạt được ‘sự đồng thuận áp đảo… rằng việc vỡ nợ không phải là một giải pháp. Nền kinh tế của chúng ta sẽ rơi vào suy thoái.’
“Vẫn còn nhiều việc phải làm,” Tổng thống Biden tuyên bố, đồng thời cho biết các bên đang ‘trên con đường tiến tới phía trước để đảm bảo rằng nước Mỹ không vỡ nợ.’
Tổng thống Biden nói ông thất vọng vì đảng Cộng hòa sẽ không xem xét các cách để tăng doanh thu. Tăng thuế đối với những người giàu có và các công ty để giúp chi trả cho các chương trình dành cho những người Mỹ khác là một phần quan trọng trong ngân sách năm 2024 của ông Biden.
Các đảng viên Cộng hòa đã từ chối biểu quyết nâng trần nợ quá giới hạn 31,3 ngàn tỷ đô trừ khi ông Biden và các đảng viên Dân chủ của ông đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang. Tuy nhiên, ông McConnell nói sau cuộc họp rằng: “Chúng tôi biết chúng ta sẽ không vỡ nợ.”
Chính phủ Hoa Kỳ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1 tháng 6 trừ khi Quốc hội bỏ phiếu dỡ bỏ trần nợ. Các nhà kinh tế lo ngại Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Tòa Bạch Ốc nói ông Biden ‘lạc quan rằng có một con đường dẫn đến một thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng có trách nhiệm nếu cả hai bên đàm phán một cách thiện chí và biết rằng không bên nào sẽ đạt được mọi thứ mình mong muốn.’
Tổng thống Biden sẽ khởi hành đến Nhật Bản vào ngày 17/5. Ông cho biết sẽ nói chuyện thường xuyên với các nhà lãnh đạo quốc hội qua điện thoại và Tòa Bạch Ốc cho hay ông sẽ họp với họ khi trở về.
Sự giằng co về trần nợ đã khiến ông Biden phải cắt ngắn chuyến công du, bỏ qua các điểm dừng chân ở Papua New Guinea và Úc sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.
“Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm trong một khoảng thời gian ngắn,” ông McCarthy nói với các phóng viên, đồng thời cho biết cuộc họp tại Phòng Bầu dục đã tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại trong tương lai.
Úc hủy cuộc họp Nhóm Bộ Tứ ở Sydney sau khi ông Biden hoãn công du
17/5/2023
Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 17/5 cho biết hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ, còn gọi là Quad, sẽ không diễn ra tại Sydney vào tuần tới khi không Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hiện diện, ông Biden hoãn chuyến đi của mình vì các cuộc đàm phán về trần nợ công ở Washington, theo Reuters.
Ông Albanese cho hay rằng thay vào đó, các nhà lãnh đạo của Australia, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ gặp nhau nhận hội nghị G-7 ở Nhật Bản vào cuối tuần này, sau khi ông Biden hủy chuyến đi tới Sydney trong chặng thứ hai của chuyến công du châu Á sắp tới, cũng bao gồm một chuyến thăm đến Papua New Guinea.
“Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Quad sẽ không diễn ra ở Sydney vào tuần tới. Mặc dù vậy, chúng tôi – các nhà lãnh đạo Quad – sẽ có cuộc thảo luận ở Nhật Bản”, ông Albanese nói trong một cuộc họp báo.
Chuyến thăm Sydney của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ vẫn diễn ra vào tuần tới, ông Albanese cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh địa phương.
Ông Albanese nói thêm rằng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng sẽ không đi Australia sau khi ông Biden hủy bỏ chặng thăm đó.
Quad, hay Bộ Tứ, là một nhóm không chính thức nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở. Bắc Kinh coi đây là một nỗ lực nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trong khu vực.
Ông Richard Maude, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho rằng việc ông Biden hủy chuyến thăm tới Papua New Guinea, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới một đảo quốc độc lập ở Thái Bình Dương, có thể làm chậm đi cuộc chiến giành ảnh hưởng của Washington với Bắc Kinh trong khu vực.
Ấn Độ và Úc không thuộc nhóm G-7 của 7 quốc gia giàu có – gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ – nhưng đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản.
Hoa Kỳ: Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang dự định tăng mức lãi suất khi mối đe dọa lạm phát vẫn còn
Tác giả Andrew Moran
17/5/2023
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael W. Bostic trình bày tại một sự kiện của Diễn đàn Tài chính u Châu ở Dublin, Ireland, vào ngày 13/02/2019. (Ảnh: Clodagh Kilcoyne/Reuters)
Thông điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng từ nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang là: lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong năm nay, lãi suất chuẩn có thể tăng và khó có khả năng về bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay. Lạm phát là một vấn đề vẫn đang gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, và khôi phục sự ổn định giá cả, ngay cả nếu phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế, là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.
Kể từ tháng 03/2022, lãi suất quỹ liên bang đã được tăng thêm 500 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu
Chủ tịch Ngân hàng Fed Atlanta Raphael Bostic không trông đợi bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào “cho đến tận năm 2024,” ngay cả khi nền kinh tế Hoa Kỳ bị rơi vào suy thoái.
Theo ông Bostic, việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của Fed “là nhiệm vụ số 1.”
Ông nói với CNBC hôm 15/05 trong Hội nghị Thị trường Tài chính của ngân hàng này: “Nếu phải trả cái giá nào đó cho việc này, thì chúng tôi cũng phải sẵn lòng.”
Ông Bostic nói thêm, do lạm phát cao liên tục, mức chi tiêu của người tiêu dùng ổn định, và thị trường lao động thắt chặt, nên “vẫn sẽ có áp lực tăng giá.”
“Đối với tôi, nếu có một xu hướng trong hành động, thì đó sẽ là xu hướng tăng thêm một chút thay vì cắt giảm,” ông cho biết. “Vẫn có nhiều người tin tưởng rằng các chính sách của chúng tôi sẽ có thể đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Và nói một cách hoàn toàn rõ ràng, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm điều đó xảy ra.”
Hồi tháng Tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 5% trong hai năm. Ngoài ra, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed, đã giảm xuống 4.2%, mức thấp nhất kể từ tháng 05/2021.
Theo CME FedWatch Tool, trong khi các thị trường tài chính chủ yếu mong đợi việc tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng Sáu, thì ngày càng có nhiều người kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Sẽ không bị lừa lần nữa
Chủ tịch Ngân hàng Fed Minneapolis Neel Kashkari sẽ không hài lòng với một vài tháng dữ liệu tích cực.
Trình bày tại Hội nghị Giao thông vận tải Minnesota & EXPO hôm 15/05, ông Kashkari giải thích rằng ngân hàng trung ương này còn “nhiều việc phải làm hơn nữa từ phía chúng tôi” để bảo đảm tỷ lệ lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ở New York vào ngày 17/02/2016. (Ảnh: Brendan McDermid/Reuters)
“Chúng ta cần hoàn thành nhiệm vụ,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Fed cần làm việc này “một cách có trật tự” mà không dẫn đến một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Ông cũng đã tham gia một sự kiện của trường Đại học Bắc Michigan hôm 11/05, lưu ý cách ông tập trung vào mối liên hệ giữa lạm phát, lãi suất, và những tác động của những yếu tố này lên hệ thống ngân hàng. Đồng thời, ông Kashkari thừa nhận rằng triển vọng lạm phát thật đáng kinh ngạc.
“Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về mức độ dai dẳng của lạm phát. Lạm phát đang đi xuống, nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn khá dai dẳng,” người đứng đầu ngân hàng trung ương khu vực này cho biết. “Câu hỏi thực sự là khi nào lạm phát sẽ giảm xuống.”
Các báo cáo gần đây cho thấy triển vọng lạm phát của người tiêu dùng rất dai dẳng.
Kỳ vọng lạm phát trong một năm của Đại học Michigan ở mức 4.5% trong tháng Năm, giảm từ mức 4.6% trong tháng Tư. Tuy nhiên, triển vọng lạm phát trong 5 năm tới tăng lên 3.2%, 3% trong tháng trước.
Kỳ vọng lạm phát tiêu dùng trong một năm của Ngân hàng Fed New York giảm xuống 4.4% trong tháng Tư, giảm từ 4.7%, theo Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng (SCE). Kỳ vọng lạm phát trong ba và năm năm lần lượt tăng lên 2.9% và 2.6%.
Chưa được thuyết phục
Cho dù lạm phát đã chậm lại trong mười tháng liên tiếp, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond, Thomas Barkin, vẫn đang xác định xem liệu áp lực giá có giảm dần hay không. Do đó, ông sẵn sàng tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp hoặc giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang chuẩn ở mức 5.00% và 5.25%.
Hiện tại, các quan chức phải đánh giá dữ liệu này khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng không thay đổi, thị trường lao động vẫn thắt chặt, ngành ngân hàng đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng, và thị trường tài chính đang dõi theo sự bế tắc về mức trần nợ.
Theo giám đốc Ngân hàng Fed Richmond, tình hình việc làm đã “chuyển từ nóng đỏ sang nóng,” thêm vào đó là “lạm phát kéo dài.”
“Quý vị có thể tự kể cho mình một câu chuyện trong đó lạm phát giảm tương đối nhanh chóng… chỉ với một đợt suy thoái kinh tế vừa phải,” ông nói với Reuters trong một hội nghị ở Florida hôm 15/05. “Tôi vẫn chưa bị thuyết phục… Tôi tự hỏi liệu chúng ta có cần phải tác động nhiều hơn đến nhu cầu để đưa lạm phát xuống mức chúng ta thấy cần thiết.”
Ông cũng tiết lộ với Financial Times rằng nếu lạm phát vẫn tiếp tục hoặc tăng nhanh, thì “không có rào cản nào trong tâm trí tôi đối với việc tăng lãi suất hơn nữa.”
Cuối cùng, ông Barkin sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng của mình cho đến trước cuộc họp của FOMC vào ngày 13-14/06.
Một chỉ số lạm phát mà Fed, đặc biệt là Chủ tịch Jerome Powell, đang rất chú ý đến là dịch vụ PCE cốt lõi ngoại trừ nhà ở. Thước đo mà ngân hàng trung ương coi là bức tranh chính xác nhất về lạm phát cơ bản trong nền kinh tế này, loại trừ giá nhà ở và thực phẩm nhưng xét đến mọi thứ, từ cắt tóc đến chăm sóc sức khỏe đến khách sạn. Thật không may cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, chỉ số này vẫn ngoan cố ở mức trên 4%.
Vân Du biên dịch
Hoa Kỳ: Nợ thẻ tín dụng giữ ở mức cao kỷ lục với gần 1 ngàn tỷ USD
Các thẻ tín dụng được nhìn thấy trong một bức ảnh tập tin không ghi ngày tháng. (Ảnh: Republica/Pixabay)
Số dư thẻ tín dụng của Hoa Kỳ không giảm trong ba tháng đầu năm 2023 khi người Mỹ ngày càng thấy họ phải chịu gánh nặng không ngừng của tình trạng lạm phát dai dẳng.
Theo Báo cáo Hàng quý về Nợ và Tín dụng Gia đình của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York hôm 15/05, tổng nợ thẻ tín dụng ở mức 986 tỷ USD trong quý đầu tiên, cho thấy một mức tăng kỷ lục 17% so với năm trước.
Tuy nhiên, tổng số vẫn không thay đổi so với mức kỷ lục 986 tỷ USD của quý 4/2022. Thời điểm này trong năm vẫn chưa từng thấy một mức giảm nào.
“Thông thường, số dư thẻ tín dụng giảm từ quý 4 sang quý đầu tiên khi mùa mua sắm kết thúc và người tiêu dùng ưu tiên trả nợ như một giải pháp cho năm mới,” nhà phân tích cao cấp trong ngành tại Bankrate, Ted Rossman nói với The Epoch Times. “Trên thực tế, đây là lần duy nhất kể từ khi Fed New York bắt đầu theo dõi những số liệu này vào năm 2003 mà số dư thẻ tín dụng không giảm từ quý 4 sang quý đầu tiên.”
Báo cáo nên trên cho biết tổng nợ gia đình đã tăng 0.9% trong quý đầu tiên của năm 2023 lên mức kỷ lục 17.05 ngàn tỷ USD.
Ông Matt Schulz, trưởng bộ phận phân tích tín dụng tại LendingTree, cho biết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng căng thẳng tín dụng này rất đa dạng và có thể bắt nguồn từ sự gia tăng không ngừng của lạm phát cùng với lãi suất không ngừng tăng.
Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm trung bình thường niên của thẻ tín dụng (APR) đạt một mức cao nhất chưa từng có là 20.33% vào tuần trước (08-14/05), theo dữ liệu do Bankrate biên soạn từ năm 1985. Con số này vượt qua kỷ lục 19% trước đó được thiết lập vào tháng 07/1991. Do đó, các cá nhân mang khoản nợ để bù đắp giá tăng cao cuối cùng có thể phải trả khá nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ trong thời gian dài.
Chi phí tài trợ nợ đang gia tăng có thể sớm gây thiệt hại cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất của đất nước.
“Đó là một năm khó khăn đối với những chủ thẻ tín dụng,” ông Schulz nói. “Mặc dù Fed dường như đang giảm lãi suất, nhưng chủ thẻ tín dụng không nên mong đợi một sự cải thiện đáng kể sớm do lãi suất không giảm.”
Lạm phát gia tăng đáng báo động đã gây một áp lực lớn lên tài chính của hầu hết các gia đình ở Hoa Kỳ, buộc họ phải trả khá nhiều tiền hơn cho những thứ thiết yếu thường nhật như thực phẩm và tiền thuê nhà.
Những người Mỹ có thu nhập thấp phải chịu gánh nặng này, vì biến động giá cả ảnh hưởng không tương xứng đến thu nhập ròng của họ. Lạm phát, đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 9.1%, vẫn ở mức cao không hề dễ chịu
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Chỉ số Giá Tiêu dùng tăng 0.4% trong tháng Tư so với tháng trước; đó là một mức tăng đáng kể so với mức tăng 0.1% của tháng Ba. Trên cơ sở hàng năm, giá tăng 4.9%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình được quan sát trước đại dịch.
Tổng thống Biden sẽ giới hạn lệ phí thẻ tín dụng
Đầu năm nay, chính phủ ông Biden đã công bố một quy tắc được đề xướng sẽ giảm đáng kể lệ phí trễ hạn thẻ tín dụng. Quy tắc này, do Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) đưa ra, nhằm mục đích cắt giảm các khoản lệ phí rất cao do trễ hạn được các tổ chức phát hành thẻ tín dụng áp dụng. Hiện tại, các khoản lệ phí này có thể lên tới khoảng 30 USD, gây ra một gánh nặng quá mức cho người tiêu dùng. Theo quy tắc được đề xướng này, lệ phí trễ hạn sẽ được giới hạn ở mức 8 USD, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho các chủ thẻ.
Tổng thống Joe Biden cho biết trong một cuộc họp của Hội đồng Cạnh tranh của Tổng thống hồi đầu tháng Hai: “Mọi người đã mất niềm tin vào khả năng cung cấp dịch vụ của chính phủ, mất niềm tin vào khu vực tư nhân và những gì họ quảng cáo hoặc nói rằng họ đang cung cấp, và đó chỉ là việc cho mọi người biết rằng chúng tôi thấy những gì đang xảy ra và hoàn toàn phù hợp để làm những gì chúng tôi đang làm.”
Liam Cosgrove
Vân Du biên dịch
Thái Lan: Lãnh đạo Move Forward tìm kiếm liên minh với 5 đảng phái để lập chính phủ
16/5/2023
Lãnh đạo Đảng Move Forward, ứng cử viên vào chức thủ tướng, Pita Limjaroenrat vẫy tay chào những người ủng hộ, mừng kết quả bầu cử, Bangkok, Thái Lan, 15/05/2023. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA
Trọng Thành /RFI
Trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 14/05/2023, đảng đối lập Move Forward về đầu nhưng không đủ số ghế dân biểu để lập chính phủ.
Trang mạng Thái PBS World của chính phủ Hoàng gia Thái Lan cho hay, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Pita Limjaroenrat cho biết đã thảo luận lập liên minh với đảng Pheu Thai về thứ hai, và 4 đảng phái khác nhưng không nêu danh tính. Nói chuyện với báo giới, ông Pita Limjaroenrat tỏ ra tin tưởng ” có đủ đa số để tiến về phía trước – tiến về phía trước cũng là tên gọi tiếng Anh của đảng này”.
Theo lãnh đạo đảng Move Forward, liên minh này hiện đã có được tổng cộng 309 ghế tại Quốc Hội (hay Hạ Viện). Để lập được chính phủ mới, phe đa số cần ít nhất 376 ghế tại Quốc Hội lưỡng viện Thái Lan, tức hơn một nửa của tổng số 750 nghị sĩ, bao gồm 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ.
Theo báo Nhật Nikkei Asia, đảng Bhumjaithai, của bộ trưởng Y Tế Anutin Charnvirakul, giành được 71 ghế, để ngỏ khả năng liên minh với đảng về đầu. Hôm nay, 16/05, đảng Bhumjaithai ra tuyên bố ủng hộ về nguyên tắc đảng về đầu đứng ra lập chính phủ. Đảng này “sẽ chờ kết quả chính thức của Ủy ban bầu cử”, sau đó sẽ xem xét hướng đi tiếp theo. Ủy ban bầu cử có tối đa 60 ngày, sau cuộc bỏ phiếu, để công bố kết quả bầu cử.
Thượng nghị sĩ độc lập Chalermchai Fuangkon nêu khả năng đảng về đầu Move Forward cùng các đảng phái liên minh, có thể tìm kiếm sự ủng hộ của đảng Bhumjaithai của bộ trưởng Y Tế Anutin Charnvirakul. Tuy nhiên, chính trị gia này cũng cảnh báo, nếu đảng Move Forward tiếp tục đòi hỏi việc xem xét lại điều luật 112, tức điều luật chống khi quân nổi tiếng, bị coi là thách thức chế độ quân chủ Thái Lan, thì đảng Bhumjaithai chắc chắn sẽ không ủng hộ.
Nhà báo Joshua Kurlantzick, chuyên về Đông Nam Á, trong một bài viết hôm qua, 16/05, trên trang mạng của Viện tư vấn chính trị quốc tế Mỹ Council on Foreign Relations, nêu lên một số kịch bản lập chính phủ cùng các hệ quả. Ngoài khả năng đảng về đầu tìm được liên minh đủ lớn để lập chính phủ, cũng không loại trừ kịch bản chính phủ mãn nhiệm, với sự ủng hộ của Thượng Viện, có thể lập liên minh để ngăn chặn các đảng đòi dân chủ lên nắm quyền.
Nhà báo Joshua Kurlantzick cảnh báo: nếu tân thủ tướng được chọn không phải là người của liên minh với hai đảng về đầu Move Forward-Pheu Thai là nòng cốt, mà thay vào đó là đại diện của đảng ủng hộ quân đội cùng các đồng minh, thì nhiều khả năng ‘‘sẽ có các cuộc biểu tình lớn trên đường phố’’ như lịch sử Thái Lan cho thấy.
Gideon Rachman – Mỹ và châu Âu đối mặt một cuộc khủng hoảng tị nạn mới
Nguồn: Gideon Rachman, “The US and Europe fear a new refugee crisis,” Financial Times, 08/05/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
17/5/2023
Áp lực yêu cầu các chính trị gia phải phản ứng là rất lớn, nhưng không có giải pháp nào nhanh chóng cả.
Các nhà ngoại giao xây dựng chính sách đối ngoại của phương Tây đang bận tâm vì Nga và Trung Quốc. Nhưng câu hỏi quốc tế khiến các nhân vật chính trị này lo lắng nhất lại là vấn đề nhập cư. Như một phụ tá thân cận của Tổng thống Joe Biden đã nói, “Nếu chúng ta thua cuộc bầu cử tiếp theo, thì nguyên nhân đến từ biên giới phía nam chứ không phải Ukraine.”
Áp lực chính trị do di cư tạo ra sẽ gia tăng ở Mỹ trong tuần này với sự hết hạn của Tiêu đề 42 – một chính sách được triển khai trong thời kỳ đại dịch, cho phép nhanh chóng trục xuất những người di cư không có giấy tờ vì lý do sức khỏe cộng đồng. Các quan chức Mỹ đang chuẩn bị đón khoảng 13.000 người di cư qua biên giới Mexico mỗi ngày – nhiều hơn gấp đôi con số hiện tại.
Nhà Trắng đang điều quân đến biên giới để thể hiện quyết tâm của mình. Nhưng Biden cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công chính trị từ Đảng Cộng hòa.
Vấn đề người tị nạn và người di cư cũng đang trở nên nóng bỏng ở châu Âu. Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, đã vận động tranh cử với lời hứa hạn chế lượng di cư qua Địa Trung Hải. Nhưng con số người nhập cư đến Ý hiện cao hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2023, tính đến nay đã có 40.000 người vượt biển, và con số sẽ tăng lên khi biển lặng hơn vào mùa hè. Giống như ở Mỹ, việc chấm dứt các hạn chế trong giai đoạn đại dịch đang đóng một vai trò quan trọng trong làn sóng di cư.
Ở Anh, lời hứa “ngăn thuyền” của những người tị nạn băng qua Eo biển Manche là một trong năm cam kết chính của chính phủ trong năm nay. Con số có thể rất nhỏ so với tiêu chuẩn của Mỹ, chỉ có khoảng 45.000 người đến Anh vào năm ngoái, nhưng điều đó vẫn gây chú ý.
Chiến tranh, xã hội sụp đổ, và nghèo đói là những yếu tố chính thúc đẩy người tị nạn. Nhưng trải nghiệm cay đắng ở các quốc gia như Libya, Lebanon, Mali, và Afghanistan đã khiến các nước phương Tây ngày càng cảnh giác với việc đưa quân đến bình ổn các quốc gia thất bại. Nhiều khả năng cũng không ai đề xuất can thiệp vào Sudan, trong lúc cuộc nội chiến nhấn chìm nước này.
Thực tế, hầu hết những người tị nạn từ các quốc gia như Sudan, Syria, Venezuela, hoặc Myanmar có lẽ sẽ đến các nước láng giềng của họ hơn là đến Mỹ hoặc EU. Khi đó, sự xuất hiện của hàng triệu người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc suy thoái kinh tế có thể gây bất ổn cho quốc gia tiếp nhận. Việc quốc gia Lebanon gần như sụp đổ một phần là do nước này đã phải chật vật để tiếp nhận 1 triệu người tị nạn Syria vào một đất nước vốn chỉ có 5,4 triệu dân.
Việc chỉ ra rằng các nước nghèo hơn đang gánh vác phần lớn gánh nặng trong việc hỗ trợ người tị nạn khó có thể giúp các nhà lãnh đạo phương Tây giành chiến thắng trong cuộc tranh luận chính trị ở quê nhà. Áp lực phải “làm điều gì đó” là rất lớn; và sự thiếu hụt các giải pháp thực tế cũng lớn không kém.
Cánh hữu nhấn mạnh đến việc xây tường và trục xuất, còn cánh tả có xu hướng nói một cách mơ hồ về phát triển kinh tế và “các lộ trình an toàn và hợp pháp” cho người di cư. Nói về phát triển kinh tế sẽ dễ hơn nói về xây dựng tường chắn. Các lộ trình di cư an toàn và hợp pháp rõ ràng là điều được mong muốn – nhưng số lượng người nhập cư tiềm năng luôn có khả năng vượt quá số lượng thị thực mà các nước có thể cung cấp.
Chính phủ của tất cả các quốc gia đều đang tìm kiếm các thỏa thuận ngầm với những nước có thể chấp nhận chịu trách nhiệm không chính thức trong vấn đề người tị nạn – chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, hoặc Libya. Khi làm như vậy, họ gia tăng gánh nặng cho các quốc gia đó và trao đòn bẩy chính trị lớn vào tay các nhà lãnh đạo thường khiến họ bất an – ví dụ như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan.
Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các giải pháp trừng phạt nặng nhất sẽ có hiệu quả cao nhất. Donald Trump đã “thành công” trong việc cắt giảm nhập cư hợp pháp chứ không phải di cư bất hợp pháp. Các chính sách nhập cư cứng rắn của Australia đã truyền cảm hứng cho chính phủ Anh. Nhưng hiệu quả chính sách của Australia xuất phát từ sự hợp tác của các nước láng giềng yếu hơn nhiều, như Papua New Guinea và Nauru. Còn Pháp sẽ không được dễ dàng như vậy.
Các xã hội đòi hỏi các giải pháp cứng rắn thường sẽ phải gánh chịu hậu quả của chúng. Tại Mỹ, các luật sư vẫn đang loay hoay tìm cha mẹ của 545 trẻ em bị tách khỏi gia đình theo chính sách trục xuất “không khoan nhượng” của Trump.
Nếu một quốc gia “thành công” trong việc thực hiện các chính sách khắc nghiệt đối với người tị nạn, họ thường chỉ đơn giản là đẩy vấn đề sang cho người khác. Việc Hungary gây khó dễ cho người tị nạn vào năm 2015 là một phần nguyên nhân thuyết phục Đức mở cửa biên giới. Và chuyến thăm Pháp của Ngoại trưởng Italy vừa bị hủy sau tranh cãi về vấn đề di cư.
Thay vì tranh cãi, điều các quốc gia phải làm là hợp tác với nhau. Để có thể giải quyết vấn đề, cần phải có sự liên kết giữa quốc gia xuất cảnh, quốc gia quá cảnh, và quốc gia nhập cảnh. Và quá trình đó cũng cần sự kết hợp của các biện pháp tự do và bảo thủ. Ngoài ra, các cơ quan hành pháp và tình báo có vai trò quan trọng trong việc đối phó với giới buôn người.
Dù những luận điệu mơ hồ về phát triển kinh tế thường không giúp được gì nhiều, các dự án với mục tiêu rõ ràng có thể sẽ có ích. Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, thường bị cáo buộc là đã không giải quyết được vấn đề ở biên giới phía nam nước mình. Nhưng bà đã giúp tạo ra một số quan hệ đối tác công-tư chưa từng có tiền lệ, dẫn đến khoản đầu tư hàng tỷ đô la vào Trung Mỹ – mang lại cho nhiều người di cư lý do để họ không cần rời khỏi quê hương.
Cắt giảm số lượng người tị nạn một cách nhân đạo và hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp ngoại giao, hành pháp, và phát triển có mục tiêu. Những sắc lệnh trục xuất và những bức tường có thể tạo ra tít báo nổi bật, nhưng chỉ mang lại các chính sách tồi tệ.
https://nghiencuuquocte.org/2023/05/17
XEM THÊM
- Tin ngắn chiến sự ngày 17/5/2023 (ngày # 448): Bộ Tổng Tham Mưu – Viện Nghiên cứu chiến tranh – Tình báo quốc phòng Anh May 17, 2023
- Tin chiến sự Ukraine ngày 17/5/2023: *Wagner ‘như chuột vào bẫy’*Đừng lo hệ thống phòng không Patriot bị hư hại *Tổng cộng 200.000 binh sĩ Nga thiệt mạng *Hội đồng châu Âu ‘đăng ký thiệt hại’ cuộc chiến của Nga ở UkraineMay 17, 2023
- Cuộc tấn công vào Kyiv dường như thất bại liệu Nga buộc phải đặt câu hỏi về khả năng hạt nhân của mình? May 17, 2023
- ISW đánh giá chiến dịch của Nga ngày 16/5/2023: *Nga tăng cường ở Bakhmut không thành công *Nga hợp tác với Iran *Nga đóng cửa một nhà thờ Thiên chúa giáo Ukraine ở Mariupol *Prigozhin hạ thấp tin nói ông hợp tác với Ukraine *FSB sẽ khám xét không cần lệnh của tòa May 17, 2023
- Hoa Kỳ và Philippines liên minh chống lại Trung QuốcMay 17, 2023
- Bác sĩ 102 tuổi người Mỹ: Hãy làm điều này nếu bạn muốn khỏe mạnh và hạnh phúc
- Hồi ký của một nhà báo chống lại một kẻ độc tài
- Báo cáo: Trung Cộng (T.Quốc cộng sản) là một trong những ‘nước lạm dụng nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới’
- Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng . Phần 1 – Hoàng Tuấn Phổ
- Chuyện Việt Nam Thứ Tư 17/05/2023: * Trả tự do cho Ngụy Thị Khanh *Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác quốc tế hóa giáo dục đại học *Gỏi gà măng cụt gây hại bàn tay người gọt
- Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Báo cáo tự do tôn giáo tại Việt Nam
Tags: Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan