Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 03 tháng 5 năm 2024


Quê Hương tổng hợp

RSF: Việt Nam vẫn là quốc gia ‘tồi tệ nhất’ về tự do báo chí 

03/5/2024 – VOA Tiếng Việt 

Quốc kỳ Việt Nam trên đường phố Hà Nội.

Quốc kỳ Việt Nam trên đường phố Hà Nội. 

Hôm 3/5, tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam thứ 174 trong số180 quốc gia về tự do báo chí do “cầm tù nhà báo có hệ thống”, khiến nước này nằm trong nhóm nước có nền báo chí “tồi tệ” nhất thế giới.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở Paris, Pháp, công bố bảng xếp hạng này nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5/2024.

“Mặc dù tăng 4 bậc trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay, điểm tổng thể của Việt Nam giảm xuống (-2,27) và quốc gia này vẫn nằm trong số 10 vùng lãnh thổ tồi tệ nhất thế giới về việc bảo vệ quyền thông tin”, bà Aleksandra Bielakowska, quan chức truyền thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương của RSF, nêu nhận định với VOA qua email.

“Với 35 nhà báo hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù nơi tình trạng ngược đãi lan rộng, Việt Nam là một trong những nơi giam giữ tồi tệ nhất đối với các nhà báo”, đại diện của RSF cho biết thêm.

Những người bảo vệ tự do báo chí dám thách thức các bản tin của chính phủ trên mạng xã hội, đã bị giam cầm một cách có hệ thống với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, mà điển hình là nhà báo độc lập Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị, bị kết án hai năm rưỡi tù vì đăng các bài viết về ô nhiễm môi trường và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vẫn lời bà Bielakowska.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bảng xếp hạng của RSF, nhưng chưa được phản hồi.

Vào năm ngoái, sau khi Việt Nam bị RSF xếp hạng gần cuối sổ 178/180 về tự do báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ, nói rằng “bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” năm 2023 của RSF một lần nữa khẳng định “sự thiếu khách quan, sai thực tế và quy chụp của RSF về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam”.

Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản cai trị thường lên tiếng tự hào là “quốc gia có nền báo chí phát triển mạnh mẽ, báo chí luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng”, cho rằng “báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng, là diễn đàn của nhân dân mà còn là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội”.

Giới hoạt động trong và ngoài nước tranh đấu cho tự do báo chí Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với bảng xếp hạng của RSF.

“Tôi không ngạc nhiên hay bất ngờ về bảng xếp hạng này vì bao nhiêu năm qua tự do báo chí Việt Nam hầu như đứng cuối bảng”, nhà hoạt động Huỳnh Thi Tố Nga ở Tp. Hồ Chí Minh, người từng bị kết án 5 năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, chia sẻ ý kiến.

“Nhà cầm quyền Việt Nam xem bảng xếp hạng này không trung thực, nhưng người dân trong nước biết rằng hầu như báo chí của Việt Nam đều bị Đảng Cộng sản kiểm duyệt”.

“Tự do báo chí được đề cao trong Hiến pháp của Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, nhưng trong thực tế những nhà báo, blogger, người sử dụng Internet bày tỏ ý kiến ôn hòa đã bị bắt liên miên theo những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, nêu ý kiến. “Xếp hạng của RSF rất đúng với thực tế tại Việt Nam”.

Trong năm qua tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương – một trong những khu vực khó khăn nhất trên thế giới trong việc hành nghề báo chí – có 5 quốc gia nằm trong số 10 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo, trong số này có Việt Nam (174/180), Trung Quốc (172/180), Myanmar (thứ 171/180), Triều Tiên (177/180), Afghanistan (178/180), theo đánh giá của RSF.

Tổ chức này quan sát rằng nhiều chính phủ đã tăng cường kiểm soát mạng xã hội và Internet, hạn chế quyền truy cập, chặn tài khoản và chặn các tin nhắn qua mạng. “Ở Việt Nam, những nhà báo cất tiếng trên mạng xã hội theo suy nghĩ của mình gần như bị bỏ tù một cách có hệ thống”, RSF cho biết trong thông cáo.

Năm nay, Hoa Kỳ bị tụt 10 bậc, đứng thứ 55/180 theo xếp hạng của RSF, khi nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 trong bối cảnh công chúng ngày càng mất lòng tin vào các phương tiện truyền thông, điều này một phần được thúc đẩy bởi sự phản đối công khai từ các nhà chính trị, bao gồm cả việc kêu gọi bỏ tù các nhà báo.

Trong một số trường hợp nổi bật, vẫn theo RSF, cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở Mỹ đã thực hiện những hành động “đáng sợ”, bao gồm đột kích các tòa soạn và bắt giữ các nhà báo.

https://www.voatiengviet.com/a/rsf-viet-nam-van-la-quoc-gia-toi-te-nhat-ve-tu-do-bao-chi/7596143.html


Ba bộ tranh quyền chết tía Cửu Long

Mai Bá Kiếm

02/5/2024

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/33.jpeg

Sơ đồ Dự án Kênh Funan Techo. Ảnh trên mạng 

Mấy tháng nay, báo chí và các nhà khoa học cho rằng vấn nạn “hạn mặn” ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau là hệ quả tất yếu của việc Trung Quốc, Lào, Thái Lan xây đập ở thượng nguồn sông Mekong, và báo động viễn cảnh lưu lượng dòng chảy sông Tiền và sông Hậu sẽ cạn kiệt sau khi Campuchia đào kinh Phù Nam dẫn nước Mekong ra vịnh Thái Lan.

Đáng tiếc, không có nhà khoa học hoặc chính khách nào xem lại Quốc hội Việt Nam từng thông qua các Luật Tài Nguyên nước, Luật Thủy lợi và Luật Quy hoạch nhưng đã để lại những điều khoản chồng chéo nhau về quản lý nguồn nước sông.

Có lẽ gần 500 đại biểu Quốc hội chỉ chú tâm đến việc thường bỏ phiếu bầu hay bãi miễn chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội và coi đó là việc trọng đại, còn việc nước sông ngọt hay mặn, lũ hay cạn là chuyện của nông dân, cứ nhắm mắt thông qua cho đủ luật, như đủ “tụ”.

Năm 1998, Quốc hội thông qua “Luật Tài nguyên nước” giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý tài nguyên nước và quy hoạch lưu vực sông. Năm 2005, Bộ NN&PTNT thành lập “Hội đồng Quản lý Hệ thống Thủy lợi vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp”, nhưng đặt Văn phòng tại TP.HCM, mỗi năm họp 1-2 lần, nên việc điều tiết nước liên tỉnh không thể phối hợp! Nước sông công lính, mẹ nó lo gì!

Đến năm 2002, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong mấy chục chức năng, có “quản lý tài nguyên nước”, nên Bộ Tài – Môi thành lập “Ủy ban Bảo vệ Môi trường Lưu vực sông” tranh chấp với các “Hội đồng Quản lý Lưu vực sông” của Bộ NN&PTNT. “Uỷ ban Bảo vệ” kình với “Hội đồng Quản lý”, năm 2008, Chính phủ quyết định giao cho Bộ Tài-Môi “Quản lý Lưu vực sông”, mà không cần Quốc hội sửa đổi “Luật Tài nguyên nước 1998”! Năm 2012, Quốc hội “vâng lời” Chính phủ, thông qua “Luật Tài nguyên nước” giao cho Bộ TN&MT quản lý nước lưu vực sông!

Được Quốc hội chiều chuộng thông qua các luật chồng chéo, đến phiên Chính phủ cũng ban hành các Quyết định chồng chéo: Ngày 6/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 174 phê duyệt “Quy hoạch Tổng hợp Lưu vực sông Cửu long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” giao cho Bộ TN&MT thực hiện. Ngày 7/7/2023, ông Trần Hồng Hà ký Quyết định 816 ban hành “Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” giao cho Bộ KH&ĐT thực hiện.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/1-4-300x225.jpg

Quyết định 174 (trên) và 816 (dưới) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký. Ảnh chụp màn hình 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/2-1-300x225.jpg

Như vậy, việc chống thay đổi dòng chảy ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sau dự án kinh đào Phù Nam và việc chống hạn mặn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ dựa vào “QUY HOẠCH LƯU VỰC SÔNG” hay “QUY HOẠCH ĐỒNG BẰNG SÔNG”?

Chẳng lẽ Chính phủ không rành tiếng Việt? Lưu vực (Catchment) là vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra một cửa chung hoặc thoát ra biển. Đồng bằng (Delta) chỉ vùng đất rộng lớn có địa hình bằng phẳng!

Trước khi trách nước ngoài ngăn đập, thay đổi dòng chảy, hãy xem Quốc hội và Chính phủ đã có quyết sách, quyết tâm gì để bảo vệ môi trường thủy lợi bền vững của Lưu vực ĐBSCL? Ngày xưa, “thực dân” Pháp gọi lưu vực từ Biển Hồ và hai bên bờ Mekong và Bassac là Mekong Delta.


138 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ ở Việt Nam 

02/5/2024 

VOA Tiếng Việt 

Giao thông trên đường phố Việt Nam. [Ảnh minh họa]

Giao thông trên đường phố Việt Nam. [Ảnh minh họa] 

Bộ Công an Việt Nam cho biết đã xảy ra 347 vụ tai nạn giao thông làm 138 người chết và 285 người bị thương trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 – 1/5.

VnExpress hôm 1/5 dẫn số liệu từ Bộ này đưa tin rằng so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 9,1%, số người chết giảm 32,3% và số người bị thương giảm hơn 1,3%.

Theo báo điện tử này, lực lượng chức năng xử lý hơn 78.000 trường hợp vi phạm; phạt hơn 171 tỷ đồng; tạm giữ gần 750 ôtô, hơn 29.300 môtô; tước hơn 15.300 giấy phép lái xe các loại.

Tin cho hay, vi phạm về nồng độ cồn chiếm số lượng lớn nhất với gần 21.400 trường hợp, vi phạm tốc độ hơn 21.000 trường hợp và gần 90 lái xe dương tính với ma túy.

Cổng thông tin chính phủ (VGP News) đưa tin, một số địa phương xử lý nhiều vi phạm là TP HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An và Quảng Ninh.

Trước kỳ nghỉ trên, theo VGP News, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện của thủ tướng chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, như người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định.

Ngoài ra, cổng thông tin chính phủ đưa tin rằng “chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước thủ tướng chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn”. 


Hãng Hibiscus tìm thấy dầu ngoài biển, nơi Malaysia và Việt Nam thỏa thuận chia sản phẩm 

02/5/2024 – VOA Tiếng Việt 

Oil&Gas Journal đưa tin Hibiscus tìm thấy dầu trong khuôn khổ hợp đồng chia sản phẩm Việt Nam-Malaysia, 29/4/2024.

Oil&Gas Journal đưa tin Hibiscus tìm thấy dầu trong khuôn khổ hợp đồng chia sản phẩm Việt Nam-Malaysia, 29/4/2024. 

Hãng dầu khí Hibiscus Malaysia (HML), một công ty con của Hibiscus Petroleum, mới phát hiện ra dầu ở giếng thăm dò Bunga Aster-1 ở ngoài khơi giữa Malaysia và Việt Nam, Oil&Gas Journal, RigZone, Energy-pedia News và Upstream đưa tin trong các ngày từ 29/4 đến 1/5.

Tin cho hay giếng khoan nằm trong một khu vực dàn xếp thương mại theo hợp đồng chia sản phẩm giữa hai nước gọi tắt là PM3 CAA PSC.

Oil&Gas Journal, RigZone, Energy-pedia News và Upstream tường thuật rằng giếng được khoan ở độ sâu 56m dưới nước từ giàn khoan Bunga Orkid-D và gặp vỉa sa thạch chứa dầu dày khoảng 17,5m với cột dầu có thể sâu tới 46m. Các chuyên gia đã lấy nhiều mẫu dầu và đánh giá ban đầu cho thấy túi tích trữ dầu có những đặc tính tốt.

Việc tìm thấy dầu tại giếng khoan này đánh dấu thành công quan trọng thứ nhì của hãng trong vòng 12 tháng, sau khi họ phát hiện được dầu ở giếng Bunga Lavatera hồi năm 2023, hãng HML nói, được Oil&Gas Journal, RigZone, Energy-pedia News và Upstream dẫn lại.

Lô dầu đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu được khai thác trong tháng 5 này, các bản tin viết.

HML sẽ tiến hành đánh giá và thẩm định để xác định rõ hơn về quy mô của mỏ dầu vừa tìm được. Hãng nói rằng việc tìm thấy dầu ở giếng Bunga Aster sẽ tăng thêm trữ lượng và sản lượng dầu cho hợp đồng PM3 CAA PSC, và như vậy cũng kéo dài tuổi thọ kinh tế của hợp đồng chia sản phẩm này.

HML có kế hoạch tiếp tục thăm dò các địa điểm có nhiều triển vọng và gần các mỏ trong 3 năm tới.

PM3 CAA PSC là khu vực dàn xếp thương mại giữa Malaysia và Việt Nam, bao gồm các mỏ hiện đang sản xuất là Bunga Orkid, Bunga Pakma, Bunga Raya, Bunga Seroja, Bunga Kekwa, Bunga Tulip và Bunga Lavatera.

Hoạt động đầu tư, khai thác bao gồm các dàn cố định với đường ống dẫn khí đốt đến Bán đảo Malaysia và Việt Nam. Việc xuất khẩu dầu được thực hiện thông qua các tàu có chức năng là kho chứa nổi, xử lý và xuất dầu thô (FSO) có tên là Orkid và PM3 CAA.

Hibiscus là hãng vận hành với 35% cổ phần. Những đối tác của họ là hãng Petronas Carigali và Công ty Thăm dò, Khai thác Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).


Việt Nam: Cá chết hàng loạt do nắng nóng khủng khiếp

Phan Minh /RFI 03/5/2024

Theo người dân và báo chí địa phương, được AFP trích dẫn ngày 01/05/2024, hàng trăm nghìn con cá đã chết trong một hồ nước ở tỉnh Đồng Nai, miền nam Việt Nam, sau những đợt nắng nóng cực kỳ khắc nghiệt. 

A fisherman collects dead fish caused by renovation works and the ongoing hot weather conditions from a reservoir in southern Vietnam's Dong Nai province on April 30, 2024. Hundreds of thousands of fi

Một ngư dân vớt cá chết ở một hồ nước tại Đồng Nai, Việt Nam, ngày 30/04/2024. AFP – STR 

Giống như phần lớn khu vực Đông Nam Á, nơi lượng điện sử dụng trong thời gian gần đây đã tăng vọt và các trường học buộc phải đóng cửa sớm, miền nam và miền trung Việt Nam đang bị thiêu đốt bởi thời tiết nắng nóng khủng khiếp.

Ông Nghĩa, một cư dân ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho biết “tất cả cá ở hồ Sông Mây đều chết vì thiếu nước và cuộc sống của người dân bị xáo trộn từ 10 ngày qua vì mùi hôi thối”. Theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông, khu vực này đã không có mưa trong suốt nhiều tuần và nước trong hồ Sông Mây quá cạn để các sinh vật có thể sống sót.

Ông Nghĩa cho biết ban quản lý hồ Sông Mây trước đây “đã xả nước để cố gắng cứu các cây trồng ở hạ lưu, sau đó, tìm cách cải tạo hồ nước bằng cách đưa máy bơm vào để hút bùn ra ngoài cho cá có nhiều không gian và nước hơn”. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không thành công và cá đã chết ngay lập tức. Theo báo chí địa phương, có thể đã có tới 200 tấn cá chết.

Hồ Sông Mây là nguồn cung cấp nước tưới cho cây trồng ở huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc, đồng thời nhanh chóng trục vớt cá chết ra khỏi hồ.


Quốc Hội Việt Nam miễn nhiệm chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ

Thanh Hà /RFI – 03/5/2024

Bỏ phiếu kín trong một kỳ họp bất thường, Quốc Hội Việt Nam chiều ngày 02/05/2024, đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc Hội của ông Vương Đình Huệ. Các đại biểu cũng phê chuẩn việc « miễn nhiệm chức vụ ủy viên Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh » và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc Hội Việt Nam đối với ông Vương Đình Huệ.  

Vietnamese Chairman of the National Assembly Vuong Dinh Hue speaks to Chinese President Xi Jinping during a meeting at the national assembly in Hanoi, Vietnam, Wednesday, Dec. 13, 2023.

Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ phát biểu trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 13/12/2023. AP – Minh Hoang 

Cũng trong kỳ họp bất thường lần này, Quốc Hội Việt Nam tạm thời chỉ định ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch Quốc Hội, điều hành Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Quốc Hội cho đến khi bầu chọn người thay thế ông Vương Đình Huệ.

Quốc Hội Việt Nam sẽ họp lại vào ngày 20/05. Hãng tin Anh Reuters cho rằng đấy có thể là dịp để Việt Nam bầu tân chủ tịch nước và tân chủ tịch Quốc Hội.

Reuters nhắc lại ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, là nhân vật thứ nhì trong « Tứ trụ » của Việt Nam bị « cho thôi chức » theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 26/04. Trước đó, ngày 20/03, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã cách chức chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Theo Reuters, những thay đổi nhân sự ở thượng tầng cơ quan quyền lực Việt Nam do tác động từ các chiến dịch chống tham nhũng đang làm « dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị » tại Việt Nam.


“Đồng phục” tin tức phiên họp bất thường Quốc hội

Nguyễn Nam/VNTB – 03/5/2024

VNTB – “Đồng phục” tin tức phiên họp bất thường Quốc hội

 (VNTB) – Cuối giờ chiều ngày 2-5-2024, báo chí nhà nước đã ‘đồng phục’ đưa tin với nội dung như nhau về kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Theo đó, thông cáo của tổng thư ký Quốc hội, ông Bùi Văn Cường cho biết chiều 2-5, kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV đã họp xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

Sau khi nghe trình bày các tờ trình, ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ.

Ông Bùi Văn Cường không cho biết cụ thể các nội dung về ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, không cụ thể kỳ họp bất thường lần này có mặt bao nhiêu đại biểu, kết quả của việc bỏ phiếu kín có tỷ lệ đồng ý/ không đồng ý, hay phiếu trắng ra sao?

Tiếp sau thông tin trên là tin tổng thư ký Quốc hội ban hành Thông báo số 3568/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Theo đó, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định”.

Về lý lịch, đường hoạn lộ của ông Vương Đình Huệ ghi nhận bài bản quy hoạch: 67 tuổi, từng là giảng viên Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) rồi Trưởng khoa Kế toán, Phó Hiệu trưởng; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Từ tháng 4-2006: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Vương Đình Huệ được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng. Từ 7-2006 đến 7-2011: Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Từ 8-2011 đến tháng 12-2012, ông Vương Đình Huệ là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Từ tháng 12-2012 đến tháng 4-2016 là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

4-2016 đến 2-2020: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (6-2016). Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

7-2-2020: Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.

Từ ngày 11-6-2020: Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ.

Từ ngày 12-10-2020: Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, ông tái đắc cử Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025.

Từ ngày 30-1-2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Từ ngày 31-1-2021: Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vào tháng 3-2021, ông Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Và rồi bất ngờ chiều 2-5, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Một ông vua chính thức mất ngôi. Không rõ ông Huệ có chấp nhận làm ‘người tử tế’ hay không?


Comments are closed.