Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 01 tháng 5 năm 2024


Quê Hương tổng hợp

Nguyễn Thông – Đảng 

Ở xứ ni, đảng là thứ nhạy cảm, người ta ngại nói đến, đụng vào đảng dễ bị quy là thế lực thù địch, quan điểm sai trái, có khi đi tù. Nhà cháu biết vậy nên chỉ bàn tới đảng ở… bên Mỹ.

Một chính đảng (tổ chức chính trị) được sinh ra và hoạt động, điều đầu tiên là để đòi quyền lãnh đạo (không có đảng nào sinh ra chỉ để tụ tập chơi game cả), sau nữa là nhằm vào mục đích phục vụ cho đất nước, dân tộc, nhân dân. Nếu không có cái mục đích này, nó sẽ chết ngay khi chưa ra đời.

Để chống lại sự lăng loàn, độc đoán của đảng, ở những nước đa đảng (như Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Singapore chẳng hạn), họ cấm tiệt việc sử dụng ngân sách phục vụ cho riêng đảng nào đó. Tất cả đều phải tự lo, “không gì quý hơn độc lập tự lo”. 

Kể cả chi phí cho mọi hoạt động lớn nhỏ, từ chiếc ghế ngồi họp tới cái trụ sở mà đảng sử dụng. Thâm lạm vào tiền thuế của dân, nó sẽ tự kết liễu sự nghiệp bởi không có dân nào bầu cho thứ đảng bòn rút mồ hôi nước mắt mình làm lãnh đạo mình.

Chỉ với nguyên tắc ấy thôi, các đảng chính trị đều phải tự giữ mình để bảo toàn danh dự. Không cần phải xướng lên học này học kia, không cần phải hô hào trong sạch vững mạnh.

Đại hội của mỗi đảng cũng chỉ là việc riêng của nó, dân chúng không quan tâm, và nó cũng không thể bắt cả xã hội quan tâm. Lại càng không được huy động cả bộ máy xã hội và tiền bạc vào việc riêng tư ấy. 

Đó là chuyện đảng ở những nước văn minh dân chủ vậy.

Tái phím: Ông bạn tôi định cư ở Mỹ còn kể, ngay cả lên tivi, tivi nó chủ động làm chương trình thì là một chuyện, còn nếu vị nào của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa hoặc bất cứ đảng nào muốn lên tivi nói nhăng nói cuội đều phải trả tiền cho nhà đài. Không phải cứ muốn thò mặt lên tivi khoa chân múa tay nói chuyện cua cáy thì tha hồ đâu. Dân cũng không cần phải cảm ơn đảng, biết ơn đảng bởi nó đã chọn quyền lãnh đạo thì đương nhiên nó phải làm, chả ơn iếc gì sất.

NGUYỄN THÔNG 01.05.2024


Thu nhập bình quân đầu người một tháng của Việt Nam chưa đầy 200 đô la trong năm 2023

30/4/2024

Thu nhập bình quân đầu người một tháng của Việt Nam chưa đầy 200 đô la trong năm 2023

Một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội hôm 30/4/2024 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam một tháng đạt 4,96 triệu đồng (tương đương xấp xỉ 200 đô la) theo khảo sát năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Con số này tăng hơn 6,2% so với năm 2022. Tuy nhiên mức chênh lệch giàu nghèo, thành thị và nông thôn là khá lớn.

Theo khảo sát bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thu nhập bình quân đầu người một tháng trong năm 2023 ở khu vực thành thị là 6,26 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần khu vực nông thôn là 4,17 triệu đồng.

Khu vực Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người tháng cao nhất (6,52 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,44 triệu đồng).

Tỉnh có thu nhập bình quân đầu người một tháng cao nhất là Bình Dương với 8,29 triệu đồng, tiếp theo là Hà Nội với 6,86 triệu đồng, Đồng Nai – 6,57 triệu đồng, TPHCM – 6,51 triệu đồng.

Nhóm hộ có thu nhập cao nhất chiếm 20% dân số có thu nhập cao, có thu nhập bình quân một người một tháng là 10,89 triệu đồng, cao gấp 7,5 lần so với nhóm hộ thấp nhất với thu nhập đạt 1,45 triệu đồng một người một tháng.

Theo khảo sát, quy mô hộ gia đình ở Việt Nam năm 2023 là 3,6 người một hộ.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của Việt Nam là 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo nhất cả nước (10,7%). Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,3%).


Bộ Nội vụ Anh: Nước Việt Nam cộng sản không an toàn cho một số di dân lậu nếu họ bị trả về 

01/5/2024 VOA Tiếng Việt 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn mạnh tay đối với những di dân lậu vượt biển bằng thuyền nhỏ, bao gồm cả người Việt.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn mạnh tay đối với những di dân lậu vượt biển bằng thuyền nhỏ, bao gồm cả người Việt. 

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đề xuất rằng có thể trả lại Việt Nam thêm nhiều di dân đã đến Anh bằng thuyền nhỏ, nhưng đề xuất này vấp phải trở ngại lớn khi các luật sư của chính phủ Anh mô tả Việt Nam là đất nước “không an toàn” để thực hiện việc trục xuất, báo Daily Mail đưa tin hôm 29/4.

Theo Daily Mail, ông Sunak muốn ngăn chặn tình trạng số lượng người Việt Nam đến Anh tăng vọt bằng cách đi đến một thỏa thuận về hồi hương tương tự như bản thỏa thuận đã dẫn đến mức giảm sâu về di dân Albania.

Nhưng các luật sư của Bộ Nội vụ Anh mới đây nói với các bộ trưởng rằng Việt Nam “không đáp ứng được các tiêu chí về một quốc gia an toàn”, Daily Mail tường thuật.

Các viên cố vấn pháp lý của bộ cảnh báo rằng một số cá nhân “thực sự có nguy cơ” bị áp bức tại đất nước có chính phủ cộng sản này.

Họ nói rằng chế độ cầm quyền không dung thứ việc phản đối trên công luận về tình hình nhân quyền của Việt Nam và bất kỳ sự chỉ trích công khai nào đối với nhà nước đều có thể dẫn đến việc bị theo dõi, giám sát. Các quan chức về pháp lý tại Bộ Nội vụ Anh cho rằng những người biểu tình chống chính phủ, một số nhóm tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo sẽ gặp nguy hiểm nhiều nhất, vẫn bài báo của Daily Mail cho hay.

Do đó, Bộ Nội vụ sẽ không thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước an toàn và không thể xếp các đơn xin tị nạn của người Việt vào diện “không được chấp nhận” theo luật mới được thông qua năm ngoái.

Khoảng 1.266 di dân người Việt đã đến Anh từ ngày 1/1 đến 21/4, chiếm 1/5 tổng số người vượt biển bằng thuyền nhỏ – tăng mạnh so với con số 125 người trong cùng kỳ năm ngoái.

Nói về số người vượt biển tăng vọt tính từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Anh Sunak nói với Sky News vào cuối tuần trước: “Gần như toàn bộ mức tăng đó đến từ một nước, đó là Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi đã giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp từ Albania – chúng tôi đã trả lại hàng nghìn người và thấy con số này giảm xuống. Điều đó cho ta thấy rằng các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả đấy chứ. Chúng tôi cũng sẽ có thể làm được điều đó với người Việt”.

Thỏa thuận của chính phủ Anh với chính quyền của Albania vào cuối năm 2022 đã đơn giản hóa việc hồi hương những người Albania đến Anh bằng thuyền nhỏ. Vào năm 2022, 12.600 người đã vượt biển. Năm ngoái, chưa tới 1.000 người làm như vậy và từ đầu năm 2024 đến nay chỉ có 20 người.

Daily Mail dẫn dữ liệu của Bộ Nội vụ cho thấy với các thỏa thuận hiện thời giữa Anh và Việt Nam, chỉ có 8 người bị buộc phải hồi hương về Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái.

Bài báo hôm 29/4 của Daily Mail trích lời một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói: “Việt Nam là nước an toàn cho việc hồi hương tự nguyện và bắt buộc và chúng tôi đã có một thỏa thuận về hồi hương rất chặt chẽ kể từ năm 2004. Đầu tháng này, hai nước đã ký tuyên bố chung với các bước tiếp theo rõ ràng nhằm ngăn chặn việc vượt biển bằng thuyền nhỏ vừa bất hợp pháp vừa rất nguy hiểm”.

VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết phản ứng về những nhận xét của Bộ Nội vụ và chính phủ Anh nhưng chưa có hồi đáp.


Vắng Chủ tịch nước nên tháng tư năm nay không có ‘đặc xá’?

Tử Long/VNTB – 01/5/2024

VNTB – Vắng Chủ tịch nước nên tháng tư năm nay không có ‘đặc xá’?

(VNTB) – Nguyên do không có “đặc xá” là vì “lợi ích của Nhà nước” và “yêu cầu đối nội, đối ngoại”; hay từ lý do tế nhị hơn: Việt Nam đang khuyết người ở vị trí chính thức Chủ tịch nước…

“Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai công tác xét đề nghị giảm thời hạn cho phạm nhân, trại viên, học sinh đợt 30/4 theo đúng quy định của pháp luật” – trích Phụ lục II, “Nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, cơ quan, địa phương trong tháng 4, quý II năm 2024 và thời gian tới” (Kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05-4-2024 của Chính phủ).

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018 thì đặc xá được giải thích là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Căn cứ theo Điều 5 Luật Đặc xá 2018 quy định về thời điểm đặc xá như sau:

Thời điểm đặc xá:

1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, các ngày lễ lớn trong nước gồm có 8 ngày cụ thể như sau: Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch); Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945); và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).

Theo đó trong tháng 4 và 5 của năm nay có 3 lễ lớn: Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2024; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xét đặc xá vào ngày lễ này còn phụ thuộc vào quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Dịp 7-5-2024 tới đây trong khuôn khổ kỷ niệm, thì ngoài chương trình Lễ diễu binh, diễu hành của hai lực lượng Công an và Quân đội, người ta không thấy nhắc đến vấn đề đặc xá vốn được gọi là “sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”, được nêu tại Điều 3.1 của Luật Đặc xá 2018.

Điều 4 của Luật Đặc xá cho biết nguyên tắc thực hiện đặc xá là “1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 2. Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. 3. Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Như vậy trong 3 ngày lễ lớn theo quy định ở tháng 4 và 5-2024, nguyên do không có “đặc xá” là vì “lợi ích của Nhà nước” và “yêu cầu đối nội, đối ngoại”; hay từ lý do tế nhị hơn: Việt Nam đang khuyết người ở vị trí chính thức Chủ tịch nước, vì vào ngày 23-3-2024 xảy ra chuyện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, và đến nay thì Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm cũng từ chức, nên vẫn chưa thể tiến hành bầu chọn một Chủ tịch nước thay thế?

Lưu ý, theo con số thống kê của tổ chức Human Rights Watch, tính đến đầu năm nay, ở Việt Nam có hơn 160 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.


Thế giới Di động lãi lớn sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư Trung Quốc

Nguyên Hương

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/05/df6.jpg

Thế giới Di động báo lãi lớn sau khi bán cổ phần cho Nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh VTC News 

Báo cáo tài chính Quý 1/2024 của Thế giới Di động (MWG) ghi nhận doanh thu 31.486 tỷ đồng tăng 16%, lợi nhuận 900 tỷ đồng tăng gấp 43 lần cùng kỳ 2023. Số tiền thu được từ phát hành cổ phần và vốn góp của cổ đông không kiểm soát đạt 1.773 tỷ đồng. Mã cổ phiếu MGW được các quỹ Dragon Capitalthu mua ồ ạt.

Mạnh tay sa thải, cắt giảm chi phí nhân công, MGW thu lãi lớn

Trong quý 1, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm. Lợi nhuận ròng tăng gấp 43 lần cùng kỳ 2023 lên hơn 900 tỷ, cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022 và hoàn thành 38% mục tiêu cả năm đề ra.

Năm 2023 trước đó, Doanh nghiệp bán lẻ này ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 118.000 tỷ đồng, tương đương 89% doanh thu năm 2022 và chỉ thực hiện 88% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ, không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năm 2024, ban lãnh đạo MWG nhận định nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Song với nền tảng tài chính lành mạnh và “cơ thể” tinh gọn sau tái cấu trúc, Chủ tịch MWG cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với những biến động thị trường, có dư địa và quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng trong năm 2024.

Liên quan tới tinh gọn và tái cấu trúc, doanh nghiệp đã giảm chi phí nhân công đáng kể nhờ vào việc tiếp tục sa thải 4.853 người trong Quý 1/2024. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài và 2 thành viên CEO chuỗi cửa hàng Thegiodidong.com và Điện Máy Xanh Đoàn Văn Hiểu Em, và Tổng giám đốc Trần Huy Thanh Tùng đều nhận lương 0 đồng.

Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, MWG này đã sa thải khoảng 13.400 nhân sự. Nếu so với thời điểm đạt đỉnh về số lượng nhân sự của Thế Giới Di Động vào cuối quý III/2022 (80.231 người), đến nay doanh nghiệp này đã cắt giảm hơn 19.600 nhân sự. Hiện, doanh nghiệp này còn hơn 60.500 lao động tính đến cuối tháng 3.

Tại thời điểm cuối tháng 3, MWG có 1.077 cửa hàng Thế Giới Di Động/ Top zone, 2.184 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.696 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng AVAKids và 55 cửa hàng Erablue tại Indonesia. Như vậy trong tháng 3 vừa qua, MWG đã đóng 5 cửa hàng Điện Máy Xanh, 2 siêu thị Bách Hoá Xanh và mở mới 2 cửa hàng Erablue tại Indonesia.

Bách Hóa Xanh được nhận định là nhân tố chính gánh đà tăng trưởng

Tại BCTC quý 1/2024, ngoài kết quả kinh doanh cơ bản, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính của MWG trong quý 1 đã ghi nhận thêm khoản 1.773 tỷ đồng tiền thu từ phát hành cổ phiếu và vốn góp của cổ đông không kiểm soát.

Trước đó, CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Đầu tư BHX) – công ty con của MWG đã thông báo hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư. Bên đối tác là CDH Investments (thông qua Green Bee 2 Private Limited). Tỷ lệ cổ phần chào bán là 5% (năm phần trăm) trên tổng số cổ phần đã phát hành của Đầu tư BHX.

Ngoài ra chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Giám đốc Đầu tư của Thế Giới Di Động cho biết đây là thương vụ phát hành cổ phần sơ cấp, dòng tiền sẽ đi trực tiếp vào công ty với mục đích tài trợ cho vốn lưu động, mở rộng cửa hàng và các kế hoạch phát triển trong dài hạn. Nhà đầu tư sau khi trở thành cổ đông sẽ không can thiệp vào quá trình vận hành cũng như ra quyết định của doanh nghiệp.

Do đó khả năng cao khoản tiền gần 1.800 tỷ được ghi nhận từ phát hành cổ phiếu và vốn góp của cổ đông không kiểm soát trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của MWG tương ứng số tiền nhận về từ việc chào bán 5% cổ phần Bách Hóa Xanh cho CDH Investments.

Như vậy, định giá Đầu tư Bách Hoá Xanh theo giá chào bán cho CDH Investments ước tính khoảng 35.500 tỷ đồng (~1,4 tỷ USD).

Quý I/2024, Bách Hoá Xanh lỗ tính thuế 105 tỷ đồng, giảm đáng kể con số hơn 300 tỷ hồi quý 4 năm ngoái.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/05/ffrt89-700x480.jpg

Lỗ trước thuế của Bách Hóa Xanh. Nguồn BCTC Doanh nghiệp 

Định hướng cho Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định chuỗi siêu thị là nhân tố “gánh” đà tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong 5 năm tới. Bách Hóa Xanh sẽ phát triển đến một quy mô đủ lớn và niêm yết lên sàn theo như cam kết với nhà đầu tư vừa đầu tư 5% và mong đợi của các cổ đông. “Khi quy mô đủ lớn, con số vài nghìn tỷ lợi nhuận xuất đầu lộ diện, đó là thời điểm Bách Hóa Xanh sẽ sẵn sàng bước lên sàn chứng khoán“, ông Tài nhấn mạnh.

Cổ phiếu Thế giới di động tăng vọt sau khi doanh nghiệp bán cổ phần cho nhà đầu tư Trung Quốc

Sau Đại hội cổ đông của Thế giới Di động diễn ra vào ngày 13/4 với thông báo hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư Trung Quốc, các quỹ Dragon Capital tung tiền mua vào số lượng lớn cổ phiếu MWG. Nhờ lực mua lớn, MWG có thể ngược dòng suy giảm của cả thị trường, tăng từ 48.200 đồng/cp (15/4) lên mức 54.900 đồng/cp (26/4).

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ngày 23/4, 6 quỹ thành viên thuộc Dragon Capital vừa đồng loạt mua vào cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG) với tổng số lượng 4,7 triệu cổ phiếu.

Trong đó, Venner Group Limited mua 1,2 triệu cổ phiếu MWG; 3 quỹ Amersham Industries Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Hanoi Investment Holdings Limited đều mua 1 triệu cổ phiếu, KB Vietnam Focus Balanced Fund mua 339.000 cổ phiếu và Norges Bank mua 120.000 cổ phiếu MWG.

Tạm tính giá đóng cửa ngày 23/4 của cổ phiếu MWG là 48.900 đồng/cổ phiếu, nhóm quỹ ngoại này đã chi ra khoảng gần 232 tỷ đồng để gom số cổ phiếu trên.

Sau giao dịch, nhóm quỹ Dragon Capital tăng tỉ lệ sở hữu tỉ lệ sở hữu tại Thế giới Di động từ 5,93% lên 6,25% (tương đương 91,4 triệu cổ phiếu MWG).


Xả nước làm dự án, hồ Sông Mây khô cạn, cá chết hơn 100 tấn

Nguyễn Sơn

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/05/cong-an-vao-cuoc-vu-ca-chet-noi-trang-ho-song-may-dong-nai-768x432-1.jpg

Hơn 100 tấn cá mè, trôi, rô phi chết ngộp do hồ Sông Mây cạn nước, thiếu oxy. (Ảnh: baotrithuccuocsong) 

Hơn 100 tấn cá nuôi trên diện tích mặt nước gần 197 ha, nay bị dồn vào khu vực khoảng 2 ha mặt nước. Nước cạn, thời tiết khô nóng khiến cá chết ngộp lượng lớn.

Từ ngày 29/4, người dân phản ánh lên mạng xã hội về tình trạng cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối tại hồ Sông Mây (rộng hơn 300ha, thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Được biết, tình trạng cá chết tại hồ Sông Mây đã diễn ra khoảng 1 tuần qua. Từ ngày 28/4, cá chết với mật độ dày đặc.

Báo Đồng Nai đưa tin chiều 29/4, Công an huyện Trảng Bom, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai) và Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa – Thống Nhất – Vĩnh Cửu – Trảng Bom (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai) đã làm việc tại hồ sông Mây (huyện Trảng Bom) về tình trạng cá chết.

Đoàn công tác ghi nhận hiện trường có trên 100 tấn cá bị chết. Số cá trên là do Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây nuôi theo hợp đồng với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai. Hiện cá trong hồ đã chết gần hết, số lượng còn sót lại không đáng kể.

Theo thông tin từ Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, hơn 100 tấn cá các loại được trên diện tích mặt nước gần 197 ha, tính tại thời điểm cao trình đỉnh đập. Hiện tại, diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 2 ha; độ sâu mặt nước rất thấp, nơi sâu nhất cao khoảng 1m so với đáy hồ.

Theo UBND huyện Trảng Bom, bước đầu xác định cá chết hàng loạt là do quá trình thực hiện dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây, đơn vị thi công đã xả nước, cùng với thời tiết khô hạn khiến cá chết hàng loạt (lượng nước bổ sung cho hồ chủ yếu là từ các suối tự nhiên và nước mưa), báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin.

Trong khi đó, ông Trung Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai (đơn vị thi công) cho rằng bên chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai) điều tiết nước tưới cho vùng hạ lưu công trình, đơn vị thi công không can thiệp được, theo báo Tuổi Trẻ.

Tại hiện trường, đơn vị thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây vẫn đang làm việc. Nắng hạn kéo dài, hồ bị xả nước khiến lòng hồ trơ đáy, nứt nẻ. Cá chết hàng loạt bốc mùi hôi thối.

Dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư, khởi công vào đầu năm 2024, dự kiến thời gian thực hiện là 15 tháng.

Chủ đầu tư đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thu hoạch các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và di dời máy móc công cụ có liên quan trong phạm vi lòng hồ trước ngày 31/12/2023 và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Phía chủ đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm cho bất cứ thiệt hại về vật chất, tài sản nào xảy ra trong quá trình thi công dự án.

Được biết, trong quá trình thi công dự án, Đội nuôi trồng thủy sản kiến nghị cần duy trì khoảng 1 triệu m3 nước để lượng cá chưa kịp khai thác trong hồ sinh sống.

Hơn 300 ha hồ Sông Mây do Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai) trực tiếp quản lý, khai thác việc nuôi trồng, đánh bắt cá mấy chục năm qua. Theo tin công bố, một phần cá đánh bắt được dùng để cung cấp làm thực phẩm cho lực lượng quân đội thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, một phần bán cho các đơn vị chuyên thu mua để cung cấp cá cho các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành lân cận.


Việt Nam thăm hỏi Campuchia về vụ nổ kho đạn, ít ngày sau khi Hun Sen nói cứng về kênh đào 

01/5/2024 – VOA Tiếng Việt 

Lễ tang các quân nhân Campuchia tử nạn trong vụ nổ kho đạn ở tỉnh Kampong Speu province, Cambodia; 28/4/2024.

Lễ tang các quân nhân Campuchia tử nạn trong vụ nổ kho đạn ở tỉnh Kampong Speu province, Cambodia; 28/4/2024. 

Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân gửi điện thăm hỏi vào ngày 30/4 đến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni về vụ nổ kho đạn khủng khiếp ở tỉnh Kampong Speu của Campuchia, nhiều báo Việt Nam trong đó có Tuổi Trẻ, VietnamNet đưa tin.

Thảm họa làm ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và một số quân nhân khác bị thương xảy ra tại một tổng kho kỹ thuật quân sự vào chiều 27/4.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng gửi thư thăm hỏi đến ông Hun Manet, người đồng cấp của nước láng giềng, về sự việc, vẫn theo Tuổi Trẻ, VietnamNet và các báo trong nước.

Trong cùng hôm 30/4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gửi điện thăm hỏi đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea.

Báo chí Việt Nam, bao gồm cả Tuổi Trẻ, VietnamNet, dẫn báo cáo của Quân khu 3 Campuchia nói rằng vụ nổ kho đạn làm 4 tòa nhà của quân đội Campuchia bị hư hỏng nặng, trong đó 3 kho đạn dược bị hư hỏng hoàn toàn. 25 ngôi nhà của người dân xung quanh Bộ tư lệnh quân khu cũng bị hư hại.

Những lời thăm hỏi của lãnh đạo Việt Nam được gửi đến phía Campuchia chỉ ít ngày sau khi cựu thủ tướng của nước láng giềng, ông Hun Sen, tuyên bố mạnh mẽ rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo ở nước ông sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của chính phủ Việt Nam, và khẳng định không cần đàm phán với Hà Nội về kênh đào gây tranh cãi này.

Tại một buổi tiệc của Hiệp hội Oknha Campuchia hôm 26/4, ông Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, nói rằng ông phải “làm cho rõ” vấn đề về kênh đào Phù Nam vì dự án này lần đầu tiên được đề xuất và phê duyệt khi ông còn là thủ tướng Campuchia, Khmer Times và Phnom Penh Post tường thuật.

“Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa”, ông Hun Sen nói, theo trích dẫn được đăng trên tờ báo tiếng Anh Khmer Times. “Cho dù đó là quốc gia nào đi nữa, tôi cũng phải bảo vệ đất nước mình”, vẫn lời ông Hunsen.


Công an Lâm Đồng bác tin Đà Lạt ‘biến lớn, có bạo động’ 

30/4/2024 VOA Tiếng Việt 

Đà Lạt là thành phố nghỉ mát được nhiều người Việt Nam ưa chuộng

Đà Lạt là thành phố nghỉ mát được nhiều người Việt Nam ưa chuộng 

Công an tỉnh Lâm Đồng đã bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng “đã xảy ra biến lớn” ở thành phố du lịch Đà Lạt vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4, theo thông tin từ truyền thông trong nước.

Trước đó, một số tài khoản trên mạng xã hội đã đăng thông tin cho biết Đà Lạt xảy ra “biến lớn, có bạo động, bắn súng và người dân bị cấm ra đường”. Công an Lâm Đồng, được Thanh Niên dẫn lời, cho biết rằng những thông tin này đã gây “hoang mang cho dư luận”.

Công an của tỉnh khẳng định rằng những thông tin này là “thất thiệt” và “sai sự thật”. Theo Tuổi Trẻ, cơ quan Công an đang tiến hành điều tra, xác minh các trường hợp lan truyền, phát tán thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thành phố cao nguyên Đà Lạt đang trong đợt cao điểm đón du khách từ khắp nơi trong cả nước đến trốn nóng trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 năm ngày nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4. Tờ Người Lao Động cho biết những thông tin này “đã khiến du khách đến Đà Lạt hoang mang lo lắng”.

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA thì bên cạnh những thông tin không rõ nguồn gốc như trên, một số đơn vị kinh doanh ở Đà Lạt cũng ra thông báo sẽ ‘ngưng hoạt động’ trong dịp nghỉ lễ 30/4 do ‘nhận được chỉ đạo khẩn của Ủy ban Nhân dân Đà Lạt’, trong đó có sân khấu ca nhạc Mây Lang Thang và rạp chiếu phim Cinestar ở Quảng trường Lâm Viên.

Tờ Người Lao Động dẫn thông tin từ Ủy ban Nhân dân Đà Lạt giải thích rằng họ ra ‘chỉ đạo khẩn’ này là do họ cần tổ chức các sự kiện ăn mừng ngày 30/4 tại Quảng trường Lâm Viên nên mới yêu cầu các cơ sở kinh doanh tại địa điểm này ngưng hoạt động từ chiều ngày 30/4.

Hiện giờ, theo quan sát của VOA, các thông báo này đã được các đơn vị kinh doanh gỡ xuống.

Việt Nam từng phạt tù những người tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây chấn động dư luận.

Hồi tháng 7 năm 2023, Nguyễn Lê Tấn Tài, sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế, đã bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 phạt 12 tháng tù treo, bị tịch thu chiếc MacBook Pro và bị cấm làm quản trị viên trên mạng xã hội trong 3 năm vì đã loan tin một nữ sinh đã bị hiếp dâm tập thể và nhảy lầu tự tử ở Trường Quân sự Quân khu 7.

Hiện Việt Nam có 71% người dùng mạng xã hội và Chính phủ cho rằng đây là môi trường cho “tin giả” ngày càng phát triển trong thời gian gần đây.

Quốc hội Việt Nam vào năm 2018 thông qua luật An ninh mạng, bất chấp phản đối của công chúng. Luật có hiệu lực từ năm 2019 và được dùng làm công cụ để chính quyền trấn áp những thông tin mà họ cho là “xấu độc” trên mạng.


VNCS: Quốc hội họp bất thường vào ngày 2/5 để xem xét công tác nhân sự

RFA – 01/5/2024

Quốc hội họp bất thường vào ngày 2/5 để xem xét công tác nhân sự

Hai lãnh đạo mới bị mất chức trong vòng hơn 30 ngày: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP/ RFA edited 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập phiên họp bất thường lần thứ 7 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Đảng cho thôi các chức vụ theo nguyện vọng 

Mạng báo Pháp luật online dẫn thông cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường về kỳ họp sẽ diễn ra trong chiều 2/5 tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. 

Trong kỳ họp bất thường lần thứ 6 vào ngày 21/3, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Đà Nẵng khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Phúc đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan. 

Hôm 26/4 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Huệ bị cho là đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Sự kiện chấn động này theo sau tin tức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của ông Huệ là Phạm Thái Hà bị bắt giam và khởi tố vào ngày 21/4 về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Theo hãng tin Reuters, ngoài việc thảo luận về việc ông Huệ từ chức, vẫn chưa rõ những quyết định hoặc bổ nhiệm nào khác sẽ được đưa ra tại phiên họp đặc biệt hôm thứ Năm vì đất nước vẫn cần tìm và phê chuẩn những người kế nhiệm lâu dài cho hai chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Việt Nam không có lãnh đạo tối cao và được lãnh đạo chính thức bởi tứ trụ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản là nhân vật quyền lực nhất ở Việt Nam.

Trong buổi hội luận của RFA ngày 30/4 với Tiến sĩ Nguyễn Quang A – nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể) nhận định: 

“Nếu như theo tiêu chuẩn tứ trụ từ trước tới nay là phải trải qua một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị thì lúc đấy chỉ còn có hai người thôi, đó là bà (Trương Thị) Mai và ông Tô Lâm… là đủ tiêu chuẩn để trám vào hai vị trí này. Khá là dễ để có thể thấy bà Mai có thể làm Chủ tịch quốc hội và ông Tô Lâm có thể làm Chủ tịch nước.”

Tuy nhiên cũng theo ông A, chức Chủ tịch nước mang “dớp” trong vài nhiệm kỳ gần đây, có thể kể đến ông Trần Đại Quang qua đời khi giữ chức hơn hai năm, trong khi hai người kế nhiệm là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đều phải rời chức vụ khi tại nhiệm hơn một năm. 

Chưa kể đến việc từ Chủ tịch Quốc hội rồi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản đã có tiền lệ của ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng, nên theo phán đoán của ông Nguyễn Quang A Bộ trưởng Công An Tô Lâm có thể thay thế ông Vương Đình Huệ để giữ vị trí quyền lực nhất trong cơ quan lập pháp của Việt Nam. 

Sự thay đổi mới nhất trong giới lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng lan rộng có thể làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở nơi được mệnh danh là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại nước ngoài.

Ông Huệ, 67 tuổi, được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Bí thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam dự kiến tổ chức kỳ họp thường kỳ kéo dài một tháng từ ngày 20/5


Hà Nội: Giáo xứ Thái Hà phản đối Bệnh viện Đống Đa xây mới toà nhà 8 tầng trên đất nhà thờ

RFA
30/4/2024

Hà Nội: Giáo xứ Thái Hà phản đối Bệnh viện Đống Đa xây mới toà nhà 8 tầng trên đất nhà thờ

Bệnh viện Đống Đa và vị trí định xây toà nhà mới 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTruyền thông Gx Thái Hà 

Bệnh viện Đống Đa vấp phải sự phản đối khi lên kế hoạch xây dựng một toà nhà mới bao gồm hai tầng hầm và sáu tầng nổi trong khuôn viên vốn trước đây thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.

Kế hoạch này nằm trong dự án “Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa” và toà nhà mới có diện tích mặt sàn mỗi tầng là 1.220 mét vuông, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 264 tỷ đồng. Vị trí tòa nhà này sẽ nằm ở khu vực giáp công viên, phía sau Tu viện của Nhà Dòng mà hiện nay đang được dùng làm Bệnh viện Đống Đa. 

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản, Phụ trách truyền thông của Tu viện DCCT Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bệnh viện và ban quản lý dự án tổ chức một buổi lấy ý kiến nhân dân vào sáng ngày 25/4 tại trụ sở UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa.

Ông thay mặt nhà thờ cùng ba giáo dân đến tham dự buổi họp này, một số tổ trưởng tổ dân phố và đại diện các tổ chức chính trị xã hội địa phương cũng được lựa chọn tham dự.

Trả lời phỏng vấn RFA trong ngày 30/4, linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản nói:

“Dự án không chỉ thay đổi cảnh quan và môi trường mà nó còn đang đi ngược lại những cái mà Nhà nước nói là tôn trọng các tôn giáo, các tôn giáo được luật pháp luật bảo vệ và Nhà nước tạo điều kiện cho các tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người dân.”

Ông nói rằng, đây là khu vực nhà nước đã mượn của Nhà Thờ Thái Hà, nên khi có bất kỳ dự án nào, chính quyền thành phố Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa cần gặp gỡ với đại diện của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Nhà thờ Thái Hà để đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Công giáo.

Ông cho biết DCCT và Nhà thờ Thái Hà đang soạn thảo nhiều văn bản để gửi các cơ quan hữu trách với đề nghị dừng thực hiện dự án, giữ nguyên hiện trạng để các bên có thể gặp gỡ và đưa ra những giải pháp đồng thuận.

Trong buổi họp, Bệnh viện Đống Đa cho biết họ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016, tuy nhiên, theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản thì việc cấp sổ đỏ này không hợp pháp và không minh bạch, vì phần đất này thuộc quyền sở hữu của giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế.

Hai ngày sau cuộc họp này, Linh mục Bề trên Chính xứ Giuse Nguyễn Văn Hội của Giáo xứ Thái Hà ra thông báo khẳng định:

“Từ khi nhà nước mượn, bằng văn bản và qua các lần gặp gỡ, chúng tôi luôn yêu cầu nhà nước trả lại Tu viện này, bởi vì chưa bao giờ chúng tôi hiến cho Nhà nước hay Nhà nước có văn bản thu hồi. Vậy mà hiện nay Nhà nước lại có dự án xây dựng toà nhà mới trong khu vực Tu viện này.”

Thông báo được các linh mục đọc sau các thánh lễ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4 khẳng định, “thật không hợp lý khi một bệnh viện có các khoa truyền nhiễm lại được xây dựng trong khu vực dân cư đông đúc và bên cạnh cơ sở tôn giáo hàng ngày có rất đông người đến tham dự Thánh lễ và cầu nguyện.” 

Đồng thời, đề nghị nếu Nhà nước có dự án xây dựng thì “xin hãy chuyển Bệnh viện Đống Đa ra khu vực khác, theo đúng chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, đó là di dời ra ngoại thành các bệnh viện truyền nhiễm…” 

Phóng viên gọi điện cho UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa, và Bệnh viện Đống Đa để hỏi thêm thông tin về dự án xây khu nhà nói trên nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên cũng gửi email tới hai cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Theo các tu sỹ của Nhà thờ Thái Hà, Bệnh viện Đống Đa hiện nay vốn là Tu viện DCCT Hà Nội được xây dựng trong thời gian 1930-1939. Năm 1959, UBND quận Đống Đa lấy một phần tu viện làm trường học cho dù không có sự đồng ý của linh mục và giáo dân của giáo xứ cũng như bề trên của họ.

Đến năm 1972, chính quyền tiếp tục lấy phần còn lại của tu viện để “chăm sóc y tế cho các nạn nhân của trận Điện Biên Phủ trên không.” Ngoài hai tòa nhà chính, nhà nước còn mượn một số cơ sở khác (nhà nguyện, nhà ăn…) cho các hợp tác xã sử dụng sản xuất trên diện tích hơn 6 hecta đất ban đầu của Tu viện.

Từ năm 1990 đến nay, nhiều lần Tu viện DCCT Hà Nội đã gửi đơn yêu cầu UBND thành phố Hà Nội trao trả lại cơ sở của Nhà Dòng mà nhà nước đã mượn. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của cơ sở tôn giáo này không được đáp ứng.

Có những lúc Bệnh viện Đống Đa hỏi ý kiến Nhà thờ Thái Hà trước khi định tiến hành sửa chữa tu viện, nhưng cũng có khi họ tảng lờ, ví dụ như lần sửa chữa tu viện vào tháng 11/2023.

Theo báo mạng Tri thức và Cuộc sống, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa với tổng kinh phí 314,9 tỷ đồng là một trong sáu dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố làm chủ đầu tư theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố trong cuộc họp vào giữa tháng 3/2023.


Comments are closed.