Chuyện Việt Nam Thứ Hai 15 tháng 4 năm 2024


Spread the love

Quê Hương tổng hợp

Tháng Tư về – Nguyễn Viện*

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024 

image

Tôi đang đọc cuốn “Tuốt kiếm phương xa…” của George J. Veith.[*]

Tháng tư nóng và vẫn nóng từ tháng 4/1975 đến nay. Nhiệt độ ở Sài Gòn có lúc lên đến 40 độ C.

Có những nhân vật tôi không thích như đại tướng Dương Văn Minh hay những người tôi nể phục như tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và một người tôi thấy vui là tướng Nguyễn Cao Kỳ. Cả ba ông này, theo cuốn sách trên đều có một điểm chung:

-vào năm 1972, Trung Cộng đã có một đề nghị với ông Kỳ lật đổ ông Thiệu… và ông Kỳ đã từ chối.

-đầu năm 1974, Trung Cộng lại có một đề nghị giúp đỡ ông Thiệu để chống… cộng sản Bắc Việt. Tất nhiên ông Thiệu cũng từ chối.

-đến tháng 4/1975 thì Trung Cộng chuyển đề nghị giúp đỡ đến ông Dương Văn Minh. Mục đích cũng là chống lại ước muốn chiến thắng thống nhất đất nước của Hà Nội. Và như hai ông kia, ông Minh cũng từ chối và tuyên bố đại ý: Đời tôi đã làm tay sai cho Pháp, rồi cho Mỹ, giờ không thể tiếp tục làm tay sai cho Tàu…

Họ luôn đặt quyền lợi quốc gia trên tham vọng, lợi ích cá nhân.

Người miền Nam đã nhìn thấy dã tâm của Trung Cộng muốn biến Việt Nam thành trái độn bảo vệ an toàn cho họ ở phía Nam từ thời chiến tranh lạnh. Nó dẫn tới Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Và kể cả sau 1975 đến nay.

Trung Cộng sẽ không bao giờ từ bỏ ý muốn “hữu nghị” này cho đến muôn đời sau.

Cái chết của miền Nam là cái chết của một nền cộng hòa, điều đáng tiếc nhất là lý tưởng tự do và xây dựng một quốc gia hiện đại của họ đã bị bôi nhọ, không chỉ bởi đối thủ của họ mà còn đến từ cả đồng minh cốt lõi nhất của họ, người Mỹ.

Miền Nam (1954-1975) và những người xây dựng lý tưởng tự do trở thành một bi kịch oan nghiệt nhất trong lịch sử Việt Nam.


[*] Nguyên tác George J. Veith, Drawn Swords in a Distant Land, Encounter Books, 2021. Dịch giả Phan Lê Dũng, nxb Tiếng Quê Hương, 2023.

https://vandoanviet.blogspot.com/2024/04/thang-tu-ve.html#more

* Nguyễn Viện có tập truyện được in đầu tiên năm 1995. Sau này ông được chú ý qua những tiểu thuyết gây tranh luận nói về thân phận người thắng, kẻ thua sau cuộc chiến, qua “Rồng và Rắn”, “Thời của những tiên tri giả”…[3]

Ông từng làm việc và cộng tác với các báo, đài như THANH NIÊN, GIA ĐÌNH & XÃ HỘI, THỂ THAO & VĂN HÓA, ĐẸP, SAIGON CITY LIFE, BBC…[5]

Ông cũng chủ trương nhà xuất bản CỬA, một nhà xuất bản tự do tại thành phố Hồ Chí Minh, kể từ năm 2004, để tự in các tác phẩm của mình, sau khi tiểu thuyết “Thời của những nhà tiên tri giả”, ban đầu do Nhà xuất bản Công An Nhân dân ấn hành năm 2003, đã bị thu hồi ngay sau đó mà không có bất kỳ một văn bản quyết định chính thức nào của chính quyền.[3] Tuy nhiên ông cho biết, sự in ấn này phổ biến rất hạn chế.[4]

Ngày 10.10.2014, Nguyễn Viện đã phải ra làm việc lần thứ ba với cơ quan an ninh điều tra thành phố sau hai lần vào tuần trước, về việc ông phổ biến các tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin. Qua đó, cơ quan chuyên môn đã kết tội ông vi phạm điều 87 và 88, tội chống chính quyền.[4]. Trong một cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Viện cho biết, ông đã từng bị Công an mời làm việc nhiều lần, và bị buộc không được cộng tác với đài BBC. Ông cho là Công an đã làm áp lực với một số tờ báo buộc ông nghỉ việc.[2]

Nguyễn Viện cũng phổ biến tác phẩm trên các tạp chí: Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Văn Học (Hoa Kỳ), Văn (Hoa Kỳ), tienve.org (Úc), damau.org, talawas.org (Đức), procontra.asia (Đức), vanchuongviet.org, litviet.com, vandoanviet.blogspot.com…

Nguyễn Viện đã nhận được 2 giải thưởng của Văn Việt (Văn đoàn Độc Lập), một cho văn xuôi (2016) và một cho thơ (2019).

Ông hiện sống và viết tại thành phố Sài Gòn.


Apple sẽ gia tăng đầu tư vào các nhà cung ứng tại Việt Nam

15/4/2024

Apple sẽ gia tăng đầu tư vào các nhà cung ứng tại Việt Nam

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook (giữa) khi đi qua đường ở Hà Nội hôm 15/4/2024 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Hãng Apple của Mỹ vừa cho biết hãng sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam vào khi Giám đốc điều hành của hãng là ông Tim Cook đặt chân đến Hà Nội trong chuyến thăm kéo dài hai ngày.

Thông báo của hãng đưa ra hôm 15/4 cho biết hãng sẽ gia tăng chi tiêu cho các nhà cung ứng tại Việt Nam nhưng không cho biết con số cụ thể là bao nhiêu và khoản tiền đầu tư này sẽ tập trung vào đâu.

Nhà sản xuất iPhone cho biết hãng đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng (tương đương 16 tỷ đô la) kể từ năm 2019 đến nay vào chuỗi cung ứng ở Việt Nam và chi hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm ở Việt Nam trong cùng khoảng thời gian này.

Thông báo của CEO Tim Cook viết: “Từ việc hợp tác với các nhà phân phối nội địa, đến hỗ trợ các dự án nước sạch và cơ hội giáo dục, chúng tôi cam kết sẽ tăng cường kết nối với Việt Nam”.

VietNamNet cho biết CEO Tim Cook sẽ gặp gỡ những người dùng sản phẩm của Apple để tìm hiểu họ sử dụng ra sao. Ông cũng sẽ gặp gỡ với các sinh viên và những người sáng tạo nội dung trong thời gian ở Việt Nam.

Trước chuyến thăm của ông Tim Cook đến Việt Nam, hơn 60 tổ chức nhân quyền quốc tế đã viết thư ngỏ gửi Apple, thúc giục hãng phải có hành động đối với việc Chính phủ Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động xã hội vì môi trường.


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không ghé Việt Nam vào tháng 9

Nguồn: 

Pope Francis will be in Southeast Asia and Oceania from 2 to 13 September

VNTN – Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không ghé Việt Nam vào tháng 9

(VNTB) – Tòa Thánh đã chính thức công bố chuyến hành trình đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore của Đức Thánh Cha từ ngày 2 đến 13 tháng 9

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có chuyến tông du dài ngày đến Châu Á và Châu Đại Dương vào cuối mùa hè. Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, đã đưa ra một tuyên bố chính thức có nêu rõ ngày và địa điểm.

Hồi tháng 1, Chính phủ Papua New Guinea đã tiết lộ một số chi tiết về chuyến đi trong khi cách đây vài ngày, các giám mục Indonesia đã thông báo rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước của họ.

“Chấp nhận lời mời của các Nguyên thủ quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền của Giáo hội”, thông cáo báo chí được ký bởi Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, “Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor- Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Ngài sẽ đến thăm Jakarta từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9, Port Moresby và Vanimo từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9, Dili từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9 và Singapore từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9.”

Theo thông lệ, lịch trình chi tiết của từng điểm dừng sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp. Mặc cho các vấn đề sức khỏe gần đây của Đức Thánh Cha, cuộc hành trình kéo dài 12 ngày dài và đầy thử thách này một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Châu Á.

Giáo hoàng đã lên kế hoạch thăm Indonesia, Papua New Guinea và Timor-Leste vào năm 2020, nhưng buộc phải hủy bỏ do đại dịch COVID-19.

Lần này, Singapore đã được thêm vào lịch trình. Giống như Mông Cổ năm ngoái, ngã tư lớn của Đông Nam Á là một nơi đặc biệt khác để nói chuyện và tiếp cận với người Hoa và thế giới Trung Quốc, vì 3/4 dân số của thành phố này là người gốc Hoa.

Việt Nam không nằm trong lịch trình tông du của Đức Thánh Cha lần này. Việc cải thiện mối quan hệ trong thời gian gần đây giữa Hà Nội và Tòa thánh và mong muốn lớn lao của người Công giáo Việt Nam được chào đón chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã làm dấy lên những hy vọng về việc [Đức Thánh Cha sẽ đến Việt Nam].

Với Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc hành trình đã được lên kế hoạch vốn đã rất khó khăn. Sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là người đã đưa ra lời mời chính thức tới Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 12, có lẽ đã ảnh hưởng đến quyết định không đến Việt Nam lần này của Ngài.

Tuy nhiên, như chuyến thăm Việt Nam gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher cho thấy, cánh cửa cho chuyến thăm của Đức Giáo hoàng dường như vẫn còn bỏ ngỏ và chuyến đi có lẽ chỉ bị hoãn lại.

Giáo hội Công giáo tại các quốc gia mà Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm đã đưa ra các tuyên bố xác nhận chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng vào tháng 9. Tổng Giáo phận Singapore đã ra mắt một trang web dành riêng cho sự kiện này.

Đức Tổng Giám mục William Goh viết trong một tuyên bố: “Đã 38 năm kể từ khi chúng tôi có chuyến viếng thăm của Vị Đại diện Chúa Kitô đến Singapore, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm chúng tôi vào ngày 20 tháng 11 năm 1986”.

“Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mang lại nhiệt tình mới cho tất cả người Công giáo ở Singapore, hiệp nhất họ trong đức tin và sứ mệnh, đặc biệt là trong thời điểm thử thách nhất này”, vị giám chức nói thêm. 

Cùng với những cam kết chính thức của nhà nước, tổng giáo phận hy vọng rằng điểm nổi bật trong chuyến dừng chân của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quốc gia thành phố Đông Nam Á này sẽ là một buổi cử hành Thánh Thể lớn, có thể vào ngày 12 tháng 9.

Tại Dili, thủ đô của Timor-Leste, Hội đồng Giám mục đã đưa ra thông báo chính thức hôm nay trong một cuộc họp báo với sự tham dự của Đức Hồng y Virgilio do Carmo da Silva và Sứ thần Tòa thánh, Đức Cha Marco Sprizzi.

Sự xuất hiện của Đức Phanxicô sẽ là một thời điểm rất quan trọng đối với đất nước (một trong hai quốc gia châu Á có đa số là người Công giáo; nước còn lại là Philippines), quốc gia chỉ giành được độc lập vào năm 2002, sau nhiều đổ máu và đau khổ.

Đức Gioan Phaolô II đã dừng chân ở Dili vào năm 1989, khi Timor-Leste vẫn còn là một tỉnh của Indonesia nhưng đang đòi độc lập.

Đức Tổng Giám mục Dili bày tỏ niềm vui của Giáo hội địa phương, hy vọng người dân Timor có thể “tham gia và ở cùng với Đức Thánh Cha, người chủ yếu đến gặp họ và củng cố Giáo hội Timor-Leste trong đức tin và tình yêu của Chúa Kitô. ”


Nguy cơ bẫy nợ từ dự án đường sắt Việt – Trung

Thới Bình/VNTB – 15/4/2024

VNTB – Nguy cơ bẫy nợ từ dự án đường sắt Việt – Trung

 (VNTB) – Vương Đình Huệ “hoan nghênh Trung Quốc đầu tư sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị ở Việt Nam.”

Văn phòng Chính phủ hôm 8-4-2024 đã phát hành Thông báo số 144/TB-VPCP về kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đoạn mở đầu thông báo thì cuộc họp này quy tụ những gương mặt chính khách cụ thể như sau:

“Ngày 27 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng) theo Tờ trình số 1891/TTr-BKHĐT ngày 15 tháng 3 năm 2024 và Báo cáo số 2204/BC-BKHĐT ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư”.

Đặc biệt, tại bản thông báo kết luận về quy hoạch vùng, thường trực Chính phủ đã yêu cầu “ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung Quốc”.

Cùng thời gian thường trực Chính phủ họp bàn đưa đến quyết định “ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung Quốc”, thì ở Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ của Việt Nam đã tuyên bố mạnh miệng rằng: Hoan nghênh Trung Quốc đầu tư sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị ở Việt Nam.

Thật ra mọi việc trong chuyện trên là kịch bản được soạn thảo. Theo đó, hồi đầu năm nay Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ra thông báo đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên tại Lào Cai, triển khai từ năm 2025. Cục đường sắt hai nước sẽ thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận liên Chính phủ về phương án, điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Dự kiến, dự án sẽ xây dựng đường sắt khổ lồng (1.000 mm và 1.435 mm; là đường sắt khổ 1.435mm lồng với khổ 1.000mm, có thể chạy đầu máy, toa xe ở cả hai khổ đường trên cùng một tuyến đường sắt đơn), với điểm đầu tại ga Lào Cai (Km294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện có của đường sắt Việt Nam; điểm cuối là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (Trung Quốc) mới. Trong đó, xây dựng mới 2,85 km tuyến đường lồng từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều.

Phía Trung Quốc cũng sẽ đầu tư kinh phí xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Hà Khẩu Bắc đến cầu Hồ Kiều mới để nối ray với đường sắt Việt Nam.

Trước đó, dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, hai bên Trung – Việt đã trao đổi về nội dung hỗ trợ nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cũng như lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Hai bên cũng đã trao đổi về việc phối hợp sửa đổi Hiệp định Đường sắt biên giới Việt – Trung thay thế Hiệp định Đường sắt biên giới ký giữa các bên Bộ Giao thông vận tải & Bưu điện Việt Nam và Bộ Đường sắt Trung Quốc năm 1992.

Bình luận nhanh vấn đề, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng cần lưu tâm đến vấn đề bẫy nợ từ Trung Quốc như với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, một bài học đắt tiền về quản trị Nhà nước; ở đây là trong câu chuyện sử dụng vốn vay ODA.

“Ở dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có một điểm rất kỳ lạ là tổng thầu Trung quốc được phía Việt Nam trao một cơ chế đặc thù, theo đó tổng thầu được phê duyệt thiết kế kỹ thuật do mình làm. Tư vấn giám sát dự án cũng là một đơn vị Trung Quốc – và đơn vị Trung Quốc này đứng ra phê duyệt bản vẽ thi công…”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.

Làm sao tránh vết xe đổ của Cát Linh – Hà Đông khi ký kết làm ăn từ nhà đầu tư và nguồn vốn vay đều của Trung Quốc là điều mà nhà nước Việt Nam cần tường minh với công chúng.


Nhà nước cho phép phá rừng để làm dịch vụ tâm linh

Minh Triều/VNTB

15/4/2024

VNTB – Nhà nước cho phép phá rừng để làm dịch vụ tâm linh

 (VNTB) – Nhà cầm quyền sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi cách kể cả cho thuê rừng, phá hoại môi trường để làm du lịch tâm linh 

Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) vừa có thông báo mời gọi thuê môi trường rừng để thực hiện dự án du lịch sinh thái tâm linh mô hình chùa Trúc Lâm tại khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Vị trí mời thuê môi trường rừng là khoảnh 1, tiểu khu 213A, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và khoảnh 1, tiểu khu 237A, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, nằm trong phân khu dịch vụ hành chính của khu bảo tồn thiên nhiên này. (1)  

Gần đây, cũng đã có nhiều dự án du lịch sinh thái tâm linh đã bị lên án hoặc đình chỉ do phá rừng như khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm – Quảng Nam với quy mô 200 ha, tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Hay dự án Cửu Long Sơn Tự tại tỉnh Khánh Hòa, đang được tiến hành đã băm nát núi Chín Khúc. 

Với tham vọng biến núi Chín Khúc thành Trung tâm tâm linh, thành “biểu tượng” mới của Khánh Hòa, chủ đầu tư đã từng bước biến quy hoạch du lịch sinh thái thành đất ở thương mại.  7 cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa đã từng bước cho hoàn thiện mục đích của doanh nghiệp, dù trái quy định của pháp luật, để rồi núi Chín Khúc bị băm nát và bản thân các quan chức phải vướng vòng lao lý. (2)  

Cho thuê rừng thì sẽ đi kèm với việc đốn hạ cây cối và phá hủy môi trường tự nhiên để xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch tâm linh. Những hành động này không chỉ làm mất đi môi trường sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm mà còn gây ra sự giảm sút về đa dạng sinh học và khả năng tái tạo của rừng. Tây Nguyên thiếu nước, miền Tây bị xâm nhập mặn nặng cũng là hệ luỵ của việc phá rừng, không còn giữ được nước do rừng trọc, đất trống.

Thế nhưng với lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh tâm linh, nhà cầm quyền sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, thay vì bảo vệ và tôn trọng nguồn tài nguyên rừng quý báu của đất nước. Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, bình quân mỗi năm suy giảm khoảng 2.500ha rừng. (3)

Mặc dù Việt Nam thường xuyên kêu gọi người dân tham gia bảo vệ rừng, tham gia trồng cây gây rừng, và xem đây là vấn đề cấp bách. Nhưng, phía sau lời kêu gọi đó, họ lại âm thầm thực hiện việc phá rừng hàng loạt, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và cộng đồng. Việc trồng rừng không theo kịp tốc độ phá rừng tự nhiên. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động này cho thấy chuyện bảo vệ rừng chỉ là việc của dân, còn phá rừng thì là việc của cán bộ nhà nước. Lợi ích của cán bộ nhà nước lại đi ngược lại lợi ích của người dân và cộng đồng. 

Bên cạnh phá rừng, việc phát triển dự án du lịch tâm linh sẽ gây tác động lớn đến cộng đồng địa phương. Mặc dù dự án này có thể tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho một số người dân như bán hàng ăn uống, dịch vụ di chuyển, hàng hoá lưu niệm trong ngắn hạn… Nhưng ngược lại nó sẽ gây ra sự thay đổi về văn hóa và xã hội, cũng như gây ra các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong khu vực trong dài hạn.

Dù tâm linh là một phần quan trọng của văn hóa và tín ngưỡng của người dân, nhưng việc sử dụng dự án tâm linh làm công cụ để kiếm tiền đang làm lại dẫn tới nhiều hệ lụy. Không chỉ là thương mại hóa thần thánh, mà còn tạo ra nhiều ma tăng, sư quốc doanh, khiến người dân u mê, lạc lối. Những trường hợp như Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng, Thích Chân Quang ở chùa Phật Quang, hay Thích Thuận Nghi ở chùa Từ Đức là những ví dụ điển hình…

Cứ chạy theo đồng tiền, mua thần bán thánh, thương mại hóa mọi thứ thì một ngày nước ta sẽ không còn rừng. Lớp con cháu sau này chỉ còn có thể thấy rừng trong sách, trên phim ảnh. Còn lại những công trình tâm linh sẽ vẫn ngạo nghễ với thời gian, minh chứng cho việc đánh đổi môi trường để đổi lấy những “giá trị tâm linh mơ hồ” hầu mê muội, ru ngủ người dân. 

______________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/moi-thue-moi-truong-rung-lam-du-an-du-lich-tam-linh-tai-hon-ba-20240414084121707.htm

(2) https://cand.com.vn/ho-so-interpol/nui-chin-khuc-da-bi-bam-nat-nhu-the-nao–i645966/

(3) https://dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/rung-suy-giam-bao-dong-loi-song-cua-con-nguoi-voi-thien-nhien-646450.html


Bs. Võ Xuân Sơn – Lập đàn cầu mưa

13/4/2024

Từ trước giờ tôi vẫn nghĩ có gì đó không ổn trong giới trí thức ở Việt Nam, nhưng tôi không biết là gì. Hôm nay, đọc được một văn bản của ông Tiến sĩ Giám đốc trung tâm Dịch thuật và Khoa học Công nghệ, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tôi mới sáng tỏ được chút ít.

Đó là công văn số 242024/CV-CTCS ngày 2/4/2024, gởi Chi cục Thủy lợi TP Hồ Chí Minh. Công văn này giới thiệu một người có khả năng cầu mưa cho các tỉnh phía Nam. Ngoài việc giới thiệu nhân vật có khả năng đặc biệt này, công văn nhiều lần khẳng định là họ chưa kiểm chứng khả năng đó, không khẳng định, và không phủ định rằng người họ giới thiệu có khả năng cầu mưa.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/2-4-221x300.jpg

Ảnh chụp công văn cầu mưa lan truyền trên mạng 

Thì ra một cái Trung tâm khoa học, một Tiến sĩ, giảng viên cao cấp của 3 trường Đại học, suy nghĩ và hành động như vậy. Một tổ chức khoa học giới thiệu một người với biện pháp cầu mưa đầy mùi mê tín dị đoan cho các cơ quan nhà nước.

Nếu thực sự họ cho rằng đây là khả năng đặc biệt, thì tại sao họ không kiểm chứng, xác định trước khi giới thiệu, mà vừa giới thiệu, như là một biện pháp cứu rỗi, vừa khẳng định đi khẳng định lại là chưa kiểm chứng? Đó là cách làm khoa học của một tổ chức khoa học sao?

Vẫn biết là Việt Nam làm được những cái mà thế giới không thể làm được. Nhưng làm được như thế này thì có lẽ cả thế giới phải lạy sát đất. Chỉ còn chút hy vọng, rằng cái công văn này là hàng fake mà thôi.

Bs. Võ Xuân Sơn Phải biết mình là ai

14/4/2024

Hiện tượng Lê Minh Hoàng được Trời chỉ cho cách cầu mưa, đang tới hồi cao trào. Nhiều người châm biếm, nhiều cách lý giải. Với trách nhiệm của một công dân đối với một công dân cùng đất nước, tôi thấy mình cần có đôi lời với anh ấy.

Lê Minh Hoàng không phải người đầu tiên cho rằng mình có năng lực đặc biệt, có thể làm được những việc phi thường. Trước Lê Minh Hoàng đã có những ông tuyên bố, rằng năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp. Hoặc ông khác lại nói, năm 2020 sẽ có 90 triệu người dùng mạng xã hội Việt Nam…

Cho nên, khi nghe ông Tiến sĩ gì đó giới thiệu, tôi đã nghĩ Lê Minh Hoàng sẽ phải che giấu bớt sự hoang tưởng của mình. Không ngờ, Lê Minh Hoàng lại không nhìn ra sự khác biệt của mình với những người đi trước (trong việc tuyên bố vung vít), mà còn tuyên bố rằng đã được Trời chỉ cho cách cầu mưa. Sự bệnh hoạn có phần còn hơn cả các bậc tiền bối.

Lê Minh Hoàng ơi, người ta có chức có quyền, có vai có vế, có công an, quân đội, có cả hệ thống truyền thông hỗ trợ, người ta nói gì cũng được. Còn Lê Minh Hoàng là cái đinh gì mà học đòi tuyên bố vung vít? Phải biết mình là ai, mình có quyền gì, có ai chống lưng cho mình, trước khi trưng cái đầu bệnh hoạn và hoang tưởng của mình ra cho bàn dân thiên hạ xem chứ.

Người không có chức quyền, mà muốn tuyên bố đã được gặp đấng tối cao, thì ít nhất phải có thật nhiều tiền, có hàng trăm cái xe sang, phải biết đặt câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?”. Chứ tiền ít mà cứ bảo là được gặp ông Trời, rồi được ông Trời chỉ cho cách cầu mưa, mà không cho người nghe mình tỉ tiền nào để họ tin, thì có gặp cả trăm ông Trời cũng chẳng ai chịu nghe đâu nhé.

Đừng có nghĩ ai cũng có quyền phô trương sự hoang tưởng của mình nhé. Người ta có chức có quyền, nói nhăng nhít gì cũng có kẻ khen, nói vung vít gì cũng có kẻ tán thưởng. Còn mình, được mỗi cái ông Giám đốc tiến sĩ dốt đặc ủng hộ, đừng tưởng cứ học đòi họ, phô trương sự hoang tưởng và ngu dốt, mà không bị chúng chửi cho vuốt mặt không kịp.


Bộ Công an Việt Nam sang Thái Lan ‘thăm hỏi’ người tị nạn; giới hoạt động lo sợ 

13/4/2024 – VOA Tiếng Việt 

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai "thăm, động viên" người tị nạn ở Thái Lan, ngày 14/3/2024. Facebook Công an huyện Krông Pa.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai “thăm, động viên” người tị nạn ở Thái Lan, ngày 14/3/2024. Facebook Công an huyện Krông Pa. 

Một phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam vừa sang Thái Lan và đến tận nơi ở trọ của những người đang tị nạn chính trị khiến một số người hoang mang và cảm thấy bất an trong khi đó chính quyền Việt Nam nói rằng họ sang đó để “thăm hỏi”, “động viên những người di cư”.

“Ông Rah Lan Lâm, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Ông ấy cùng một đoàn từ Bộ công an Việt Nam, có cả người làm công tác dân vận, sang bên này và gặp nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và được những người này dẫn xuống nơi những người tị nạn đang ở”, nhà hoạt động Lê Văn Thương trao đổi ý kiến với VOA về chuyến công tác của Bộ Công an vào tháng trước.

Ông Thương đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015, và đang lưu trú tại Thái Lan chờ tái định cư ở nước thứ ba.

Cổng thông tin của Công an Đắk Lắk tường thuật rằng đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 14/3 phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đến “thăm hỏi, tuyên truyền, vận động” người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.

Trang này viết: “Tại buổi thăm gặp, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã ân cần thăm hỏi nơi ăn ở, nơi làm việc, quá trình sinh sống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, bên cạnh đó đoàn công tác đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xa xứ”.

Những người tị nạn nói với VOA rằng chuyến thăm này của công an và chính quyền Việt Nam là lời đe dọa đến sự an nguy của họ, những người đã chạy trốn sự đàn áp và bắt bớ của Hà Nội chỉ vì họ lên tiếng cho tự do, dân chủ, và nhân quyền.

“Họ nói rằng biết điều thì bây giờ nên quay về Việt Nam, rồi họ sẽ khoan hồng cho, còn không biết điều mà ở lại đây thì trong thời gian tới họ sẽ phối hợp với cảnh sát Thái Lan để bắt và đưa về Việt Nam thì lúc đó sẽ phạt tù rất nặng”, vẫn lời ông Thương.

“Đây là một lời đe dọa trực tiếp đối với những người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan chứ không phải là một lời kêu gọi, vì những người dân tộc Montagnard theo đạo Tin lành không được phép thờ phượng tôn giáo mà họ chọn, quyền con người tại Việt Nam không được tôn trọng”, ông Nguyễn Duy Chiến, người từng tị nạn chính trị ở Thái Lan và vừa sang Mỹ định cư, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA.

Truyền thông trong nước dẫn lời Thiếu tướng Lâm nói với những người di dân tại Thái lan: “Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và phối hợp với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), cơ quan chức năng của Thái Lan, để có biện pháp hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang sinh sống bất hợp pháp tại Thái Lan được đi định cư tại các nước thứ 3 nếu các nước tiếp nhận; đồng thời sẽ tiếp nhận và tạo mọi điều kiện cho số này có nguyện vọng hồi hương ổn định cuộc sống, không xử lý hình sự…”.

Trang Công an tỉnh Đắk Lắk viết: “Bà con người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hãy trở về với Tổ quốc, với buôn làng, vì quê hương như ‘người mẹ’ luôn dịu dàng dang tay chào đón đứa con trở về, cùng với đó bà con trong nước không nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép để rồi ‘tiền mất, tật mang’”.

Trang Mạch sống của tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, tổ chức có văn phòng hỗ trợ người tị nạn Việt Nam tại Bangkok, viết: “Hỏi han về tình hình và điều kiện sống ở Thái Lan, ông Rahlan Lâm tìm cách lôi kéo, thuyết phục người tỵ nạn hồi hương, hứa hẹn sẽ không truy tố, hứa hẹn sẽ cho tiền ăn trên đường về, sẽ đào tạo nghề, sẽ cung cấp đất đai”.

“Nhiều người Thượng tị nạn rất lo lắng, vì không biết phái đoàn Bộ Công an Việt Nam sẽ làm gì đối với mình”, trang Mạch sống dẫn lời nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, nói. “Nhưng đa số người tỵ nạn cho rằng chắc chắn phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam đang làm việc để tiếp tục phối hợp với chính quyền nước sở tại nhằm cưỡng bức người Thượng hồi hương và truy bắt những nhà hoạt động nhân quyền người Thượng”.

Trước đó, ông Lù A Da, một nhà hoạt động nhân quyền người H’mong cho VOA biết rằng một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đã vào trại giam “đe doạ” sẽ đưa ông về nước sớm. “Ông ấy vào nói rằng sẽ lo giấy tờ để đưa tôi về Việt Nam nhưng tôi từ chối”, ông Da nói sau khi được chính quyền Thái Lan trả tự do vào đầu tháng 2/2024.

Hôm 12/4, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Bộ Công an cho hay trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai, 6 người vượt biên sang Thái Lan vừa “may mắn được trở về với buôn làng” thông qua điều mà chính quyền gọi là “tự nguyện hồi hương”.

VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để xác nhận việc trục xuất này, nhưng chưa được trả lời.

Kể từ đầu năm 2018 đến nay, chính phủ Thái Lan tăng cường siết chặt quản lý người nhập cư trái phép, xử phạt rất nặng đối với người dân Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp, theo truyền thông Việt Nam.

Theo Liên minh Nhân quyền Người H’mong, hiện có khoảng 1.000 người H’mong đã đào thoát sang Thái Lan xin tị nạn. Ngoài ra, còn có hơn 1.500 người Thượng ở Tây Nguyên cũng đang sống ở quốc gia này, với hàng trăm người trong số họ vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn.

Do chính phủ Thái Lan không phải là thành viên của Công ước Quốc tế về Người tị nạn nên những người tị nạn Việt Nam có nguy cơ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì “nhập cư bất hợp pháp”, trong khi đó cuộc sống của họ rất khó khăn và không được phép đi làm hợp pháp.


Vụ kiện tập thể VinFast: Hai hãng luật đã đệ đơn tại tòa án quận ở New York

RFA
15/4/2024

Vụ kiện tập thể VinFast: Hai hãng luật đã đệ đơn tại tòa án quận ở New York

CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy (trái) và ông Phạm Nhật Vượng (áo đỏ) trong tấm hình tháng 5/2022 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Hai hãng luật nổi tiếng đã đệ đơn kiện tập thể hãng xe điện VinFast của Việt Nam theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ, đồng thời tìm kiếm nguyên đơn chính cho vụ kiện này. 

Đài địa phương ABC4 của tiểu bang Utah dẫn thông cáo báo chí từ hãng luật Pomerantz hôm 12/4 cho biết, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại công ty VinFast (mã cổ phiếu VFS) và một số lãnh đạo nhất định tại Tòa án Quận Hoa Kỳ, Quận phía Đông New York và được ghi trong hồ sơ số 24-cv-02750. 

Hãng luật này thông báo, những ai là cổ đông đã mua hoặc mua lại chứng khoán VinFast trong thời gian từ ngày 15/8/2023 đến ngày 17/1/2024 có thể yêu cầu Tòa án bổ nhiệm làm Nguyên đơn chính của vụ kiện, có thời hạn đến ngày 11/6/2024. 

Công ty luật Robbins Geller cũng có thông cáo báo chí cho biết thêm, vụ kiện có tên là “Comeau kiện VinFast Auto Ltd.” theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933và Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934. 

Phóng viên RFA tra thông tin về vụ kiện này trên trang web Justia Dockets & Filings – chuyên cung cấp hồ sơ kiện tụng công khai từ tòa phúc thẩm liên bang và tòa án quận, cho biết bị đơn của vụ kiện này là công ty xe điện VinFast ở Mỹ cùng với hàng loạt các lãnh đạo như Phạm Nhật Vượng, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Nguyễn Anh Thư, Nguyễn Thị Vân Trinh… và tòa cũng đã ban hành lệnh triệu tập. 

Trong khi đó, nguyên đơn là Jeremie Comeau và thẩm phán chủ tọa là Robert M Levy. 

Hãng luật Robbins Geller cho biết, cáo buộc của vụ kiện này là VinFast tự mô tả mình là “một nền tảng di chuyển toàn diện, sáng tạo, tập trung chủ yếu vào thiết kế và sản xuất xe điện, xe máy điện và xe buýt điện cao cấp.” 

Trước khi sáp nhập, VinFast hoạt động như một công ty mua lại có mục đích đặc biệt được giao dịch công khai (SPAC hoặc công ty séc trắng). 

Vụ kiện tập thể của VinFast cáo buộc rằng các bị cáo trong suốt 4 tháng cuối năm 2023 và tháng đầu năm 2024 cũng như trong các tài liệu chào bán đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật và/hoặc gây nhầm lẫn và/hoặc không tiết lộ rằng: VinFast thiếu vốn để thực hiện chiến lược tăng trưởng mục tiêu của mình; VinFast sẽ không thể đạt mục tiêu giao hàng năm 2023; và theo đó, VinFast đã cường điệu hóa sức mạnh của mô hình kinh doanh và năng lực hoạt động cũng như triển vọng kinh doanh và/hoặc tài chính sau sáp nhập. 

Vụ kiện tập thể VinFast còn cáo buộc rằng vào ngày 15/10/2023, Bloomberg đã xuất bản một bài báo có tựa đề “VinFast mở rộng sang Đông Nam Á, huy động thêm vốn”, trong đó tiết lộ rằng VinFast sẽ cần huy động “rất nhiều vốn” để tiếp thêm cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của mình và sẽ “dựa vào sự hỗ trợ (tài chính) từ công ty mẹ VinGroup và người sáng lập Phạm Nhật Vượng trong 18 tháng tới.” 

Trước thông tin này, giá cổ phiếu phổ thông của VinFast đã giảm hơn 18%, theo đơn khiếu nại.

Sau đó, vào ngày 18/1/2024, đơn khiếu nại tiếp tục cáo buộc rằng VinFast tiết lộ rằng họ đã giao tổng cộng 34.855 xe điện vào năm 2023, không đạt được mục tiêu giao hàng hàng năm là 40.000-50.000 chiếc. Giá cổ phiếu của VinFast cũng đã giảm theo sau tin tức này. 

Hồi tháng 11 năm ngoái, hai hãng luật tư nhân tại Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd cùng với Pomerantz ra thông báo tìm kiếm khách hàng có nhu cầu điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán liên bang Mỹ của công ty VinFast. 

Khi đó, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, cho rằng việc kiện tụng tại Mỹ là hết sức bình thường, sẵn sàng cho kiện tụng từ khi bắt đầu triển khai kinh doanh tại Mỹ và VinFast “luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường.” 

Khi sáp nhập với mục đích phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq vào tháng 8/2023, cổ phiếu VFS nhanh chóng đạt đỉnh hơn 92 USD/cổ phiếu nhưng chỉ còn khoảng 5 đô la ở thời điểm hai công ty này thông báo tìm kiếm khách hàng để kiện. 

Cho đến nay, cổ phiếu của công ty xe điện này đã đâm thủng đáy 4 đô la và chỉ còn khoảng 3,6 USD/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch chiều 12/4. 


Comments are closed.