Chuyện Việt Nam Thứ Tư 14/02/2024


Quê Hương tổng hợp


Tính chính danh cho một thẻ định danh

Mai Bá Kiếm 14/02/2024 

Từ 1/7/2024, Bộ Công an sẽ cấp mẫu CĂN CƯỚC mới khiến dư luận xôn xao. Nhà báo Nguyễn Thông viết: với tên của nó là CĂN CƯỚC, đặt vậy là hết sức bậy. Đó chỉ là tính từ, không thể thành tên được. Nó phải có chữ thẻ”, tên đầy đủ của nó phải là “Thẻ căn cước”, như tên tiếng Anh là “Identity card”, phải có chữ “card”.

Nhà báo Cù Mai Công viết bài “ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT”, trong đó có “mạn phép liệt kê”: Từ thời Pháp thuộc trước năm 1945 đến 01/7/2024 có 10 lần thay đổi tên từ THẺ CĂN CƯỚC, Thẻ Công dân, Giấy Chứng minh, Giấy chứng nhận Căn cước, Giấy CMND, CMND 9 số, CMND 12 số, Thẻ Căn cước Công dân mã vạch, Thẻ Căn cước gắn chip, CĂN CƯỚC; kèm theo Sơ đồ “kiếp luân hồi của một chiếc Thẻ”.

Dư luận cho rằng thay đổi tên thẻ vòng vèo chỉ làm tốn kém thời gian và ngân sách. Riêng tôi, tôi thấy việc thay đổi thủ tục hành chánh nào cũng làm mất thời gian tiền bạc của dân. Nhiều từ ngữ chính trị và hành chánh có sai văn phạm và ngữ pháp chứ không riêng gì chữ CĂN CƯỚC.

Thí dụ, câu “Đồng chí có vấn đề” tuy vô nghĩa, nhưng ám chỉ “đồng chí có hành vi hoặc tư tưởng trái với lập trường”. Phần cuối báo cáo tổng kết bao giờ cũng có hai mục “những mặt tích cực” và “những mặt tồn tại”. Tồn tại là cái hiện hữu (không mất đi) như “cái quần què” vậy sao đưa vào báo cáo làm gì? Chẳng qua do không dám viết “những mặt tiêu cực”.

Mất thời gian, tiền bạc, sai ngữ pháp là thường tình, tôi chỉ lo ngại, mất gần 80 năm mà sao Công an không chọn được cái tên chính danh cho cái thẻ nhận dạng hay định danh cho công dân mình? Tôi ngại vì trong quá khứ xa xưa mỗi danh tánh (tên gọi) của chính quyền và công an gọi cho ai thường ẩn chứa quan điểm, lập trường của thời kỳ đó.

Thí dụ, dùng từ “địa chủ”, “phú nông” thể hiện “lập trường đào tận gốc” thời cải cách ruộng đất, hoàn khác “quan điểm cởi mở” với từ “chủ trang trại” ngày nay. Từ “tư sản”, “gian thương” thời cải tạo Công – Thương – Nghiệp trái nghĩa với “doanh nhân thành đạt” ngày nay. Từ “người trốn đi nước ngoài, phản bội tổ quốc” hồi 1975-1989 tương phản với “Việt Kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm”.

Tên gọi hay kèm định kiến, thời bao cấp có một số tên gọi là xú danh hay hỗn danh dành cho một số thành phần trong xã hội. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập các xú danh, hỗn danh được điều chỉnh thành chính danh.

Định danh bằng thẻ căn cước có gắn chip hay nhận dạng bằng thẻ CMND có dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trong tiếng Anh họ đều dùng một từ là IDENTIFICATION. Mong rằng, Bộ Công an sớm đặt “chính danh cho một thẻ định dạng (hay nhận dạng) cho công dân mình.


Hôm nay, mồng 5 Tết…

Lê Huyền Ái Mỹ

14/02/2024

Hôm nay mồng 5 Tết Giáp Thìn, 14-2, kỷ niệm 235 chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đã đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta. Năm ngày tới, 17-2 (ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, 1979), tròn 45 năm cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ các tỉnh biên giới phía Bắc. Trước đó, cũng những ngày cận Tết, 27 tháng Chạp năm Quý Sửu, tức 19-1-1974, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam…

Trước khi tiến hành lễ “thệ sư” ở Thọ Hạc, Thanh Hóa, vua Quang Trung đã đọc lời hịch kêu gọi: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy đã phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị… Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…”.

Hậu duệ của mấy đời Tống Nguyên Minh xưa giờ vẫn “trông gương”, từ họ Đặng “phải dạy cho Việt Nam một bài học” tới họ Tập vẫn ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên lãnh hải Việt Nam.

Nhớ những ngày ra Trường Sa, đang chuẩn bị bài vở cho chương trình phát thanh mỗi tối thì có tiếng giục của mọi người, cứ thế mình chạy theo. Lên boong trên cùng, mỗi người lần lượt chuyền nhau cái ống nhòm rồi nhìn ra xa cái quần sáng, đó chính là bãi đá Châu Viên đã bị bè lũ bành trướng Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1988-1989, xây dựng thành đảo nhân tạo lớn nhất ở Trường Sa, từ cuối năm 2013.

Tôi trở về phòng, lục lọi tư liệu trong… óc để kịp biên bài. Thời may, nhớ sử liệu tháng 8 năm Quý Tỵ 1833. Xin ghi lại: năm ấy, vua Minh Mạng sai bộ Công rằng, “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó, dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người ta dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

Tối ấy, qua sóng truyền thanh, giọng đọc của chàng chính trị viên hải quân tràn theo sóng biển. Chương trình kết thúc. Tôi lên boong. Một mình. Nhìn về hướng Châu Viên. Lại nhớ giọng nói của vị tướng già Vị Xuyên ngay sau chuyến trở về từ Hà Giang, Lũng Cú, còn nhiều anh em nằm lại trên ấy lắm…

Người anh hùng Áo vải đã “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”, sau ngày chiến thắng, Người đã có lệnh “Trẫm muốn không có thứ gì phải mua của Tầu cả”. Có người nhắc khẽ: “Có lẽ vẫn phải mua thuốc Bắc của Tầu” và vua Quang Trung đã “gục gặc đầu đồng ý”.

Nay, đâu chỉ phải mua thuốc Bắc không thôi…


Một câu hỏi nhân 45 năm cuộc chiến Biên giới Việt-Trung

Trương Nhân Tuấn

14/02/2024

Cuộc chiến “Biên giới tháng hai” đến nay đã 45 năm. Trung Quốc gọi tên cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”, mục tiêu là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Việt Nam gọi cuộc chiến 17 tháng 2 năm 1979 là cuộc chiến “xâm lược”: “Chiến tranh xâm lược ngày 17-2-1979 là đỉnh cao của những hành động thù địch của lãnh đạo Trung Quốc”.

Câu hỏi trước tiên đặt ra: Phía Trung Quốc có gọi tên đúng về cuộc chiến hay không? “Hoàn kích tự vệ” có nghĩa là “đánh trả để tự vệ”. Điều này Trung Quốc muốn nói Việt Nam đánh Trung Quốc trước và Trung Quốc chỉ đánh trả tự vệ.

Sự thật thế nào? Việt Nam “đánh trước” Trung Quốc hồi nào? Ở đâu? Lịch sử có được bạch hóa vấn đề này hay chưa?

Một tài liệu của CIA, Mỹ, được bạch hóa từ năm 2002 được nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên công bố năm 2009 trên báo Việt Tide. Một đoạn trong tài liệu của CIA cho rằng, Việt Nam đã chiếm đất của Trung Quốc khoảng 60 cây số vuông.

Câu hỏi đặt ra là, vị trí 60 cây số vuông đất (nói là Việt Nam chiếm của Trung Quốc) ở đâu? Việt Nam chiếm khi nào? Sau khi phân định lại biên giới tháng 12 năm 1999, vùng đất này thuộc về phía nào?

Ai thắng ai thua trong cuộc chiến?

Trung Quốc nói mục tiêu cuộc chiến là “dạy Việt Nam một bài học”. Vậy Việt Nam có học được “bài học” nào từ phía Trung Quốc?

Tôi thấy có rất nhiều tài liệu về cuộc chiến đã được các học giả quốc tế lẫn Trung Quốc được công bố. Nhưng một số điểm mờ về cuộc chiến vẫn không thấy tác giả nào giải mã.

Thí dụ: Việt Nam có chiếm 60 km² đất của Trung Quốc hay không? Điều này rất quan trọng, vì đây là nguyên nhân để Trung Quốc mở cuộc chiến “hoàn kích tự vệ” đối với Việt Nam.

Tại sao cuộc chiến không chấm dứt hẳn, sau khi Trung Quốc rút quân ngày 5 tháng 3 năm 1979? Trên trận địa (Vị Xuyên) tiếng súng vẫn nổ, máu vẫn rơi cho đến hết năm 1989?

Để đánh dấu 45 năm cuộc chiến, theo tôi truyền thông hải ngoại, VOA, RFA, BBC… nên tổ chức các cuộc hội luận để bạch hóa các vấn đề lịch sử này.

Từ tháng 12 năm 2020 Việt Nam đã ra luật về những điều liên quan đến “bí mật nhà nước của đảng”. Tất cả những vấn đề thuộc về lãnh thổ, hải phận, chủ quyền lãnh thổ, hải đảo… trở thành “bí mật cấp quốc gia của đảng”.

Ta thấy từ thời điểm đó, trong nước tuyệt đối không có một bài báo nào viết về các vấn đề này được công bố trên báo chính thức.

Người ở hải ngoại không lên tiếng thì ai trong nước dám lên tiếng?

Sự im lặng của tất cả sẽ trở thành thái độ đồng lõa với bóng tối.


Đoàn khách gần 300 người Đài Loan bị ‘bỏ rơi’ ở Phú Quốc được bay về nhà

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/doan-khach-gan-300-nguoi-dai-loan-bi-bo-roi-o-phu-quoc-duoc-bay-ve-nha-700x480.jpg

292 du khách Đài Loan bị “bỏ rơi” ở Phú Quốc đã đến sân bay Phú Quốc làm thủ tục bay về nhà sau chuyến đi tham quan nghỉ dưỡng và đón Tết Giáp Thìn năm 2024. (Ảnh: Focus Taiwan) 

292 du khách Đài Loan bị “bỏ rơi” ở Phú Quốc đã đến sân bay Phú Quốc làm thủ tục bay về nhà sau chuyến đi tham quan nghỉ dưỡng và đón Tết Giáp Thìn năm 2024.

Theo hãng Bamboo Airways, ngày 14/2, dù chưa nhận được thanh toán từ phía Công ty We love tour tại Đài Loan nhưng hãng vẫn hỗ trợ đoàn du khách Đài Loan trở về an toàn theo đúng lịch trình trên chuyến bay lúc 12h30 cùng ngày.

Theo Cơ quan quản lý du lịch Đài Loan, 292 du khách Đài Loan đã mua các gói tour với Công ty We Love Tour có trụ sở tại Đài Bắc, để đến Phú Quốc du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, với lịch trình 5 ngày 4 đêm, từ ngày 10 đến ngày 14/2 (tức mùng 1 đến mùng 5 Tết).

Tuy nhiên, đoàn khách rơi vào tình huống trớ trêu khi đến Việt Nam và bị công ty nói trên bỏ rơi. Tin tức về những rắc rối của đoàn khách lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 10/2, sau khi một du khách Đài Loan lên mạng xã hội phàn nàn về vụ việc, theo báo Focus Taiwan.

Cũng theo báo này, khi đến Phú Quốc, đoàn được công ty du lịch địa phương là Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Winner Việt Nam (Winner) đón và thông báo mỗi cá nhân sẽ phải trả thêm 720 USD. Những người không thanh toán sẽ phải tự mình tiếp tục chuyến đi hoặc quay trở lại Đài Loan.

Các thành viên khác của các nhóm du khách Đài Loan cũng đăng trên trang Facebook một tuyên bố bằng văn bản từ Winner giải thích rằng công ty đã quyết định yêu cầu thanh toán bổ sung vì đối tác Đài Loan không chuyển đủ tiền để chuyến tham quan Việt Nam tiếp tục.

Giải thích về việc trên, ông Hà Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Winner, cho biết công ty có hợp đồng đón 3 đoàn khách của We Love Tour trên 3 chuyến bay thuê chuyến từ ngày 10 – 14/2 nhưng vào ngày 31/1, công ty đã hủy hợp đồng vì phía We Love Tour không thanh toán như cam kết.

Tuy nhiên, vào ngày 9/2, đoàn gồm 292 người của We Love Tour đáp chuyến bay đến Phú Quốc nhưng không có xe đưa đón, không đặt phòng khách sạn, không có hướng dẫn viên.

Do đó, We Love Tour đã “nhiều lần năn nỉ chúng tôi hỗ trợ đoàn khách và vì lý do nhân đạo, chúng tôi đã chấp nhận điều 4 chuyến xe, thuê khách sạn để phục vụ. Hạn thanh toán cho việc này là vào ngày 11/2 nhưng We Love Tour vẫn không chuyển tiền nên chúng tôi thông báo kết thúc chương trình”, ông Minh nói.

Trong thời điểm này, phía Winner cũng làm việc với Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở TP.HCM, Cơ quan quản lý du lịch Đài Loan về tình hình đoàn khách và phương án xử lý; thống nhất để Winner thu tiền trực tiếp của du khách, phía công ty Đài Loan sẽ chuyển trả cho khách. Tuy nhiên, nhiều khách không đồng ý.

“Qua ngày 12/2, những khách không thanh toán không có chỗ ở và một lần nữa, chúng tôi được phía Đài Loan đề nghị hỗ trợ lần 2. Vì thế, chúng tôi cũng đã sắp xếp cho 292 du khách có chỗ ở tại khách sạn Sailing và từ trưa qua tới nay, cả đoàn tiếp tục tham quan nhiều nơi ở Phú Quốc. Số tiền phục vụ đoàn, phía We Love Tour ký giấy nợ phải trả vào ngày 26/2, trước sự chứng kiến của các bên qua cuộc họp online”, ông Minh nói, theo báo Thanh Niên.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, vụ việc xảy ra ngay những ngày đầu năm mới đã ảnh hưởng không nhỏ đối với nhóm khách này cũng như cộng đồng du lịch Phú Quốc.

Hiện Sở cùng cơ quan chức năng và UBND TP. Phú Quốc đã kiểm tra chi tiết về vụ việc, hợp đồng giữa Công ty We Love Tour và Công ty Winner cùng các đơn vị có liên quan, sẽ xử phạt vi phạm (nếu có) đối với các công ty lữ hành ở Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.

Minh Long


Gần 300 khách Đài Loan mắc kẹt tại Phú Quốc vì tranh cãi tiền thanh toán giữa hai công ty du lịch

13/02/2024

Gần 300 khách Đài Loan mắc kẹt tại Phú Quốc vì tranh cãi tiền thanh toán giữa hai công ty du lịch

Một bãi biển ở Phú Quốc hôm 19/11/2021 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Gần 300 khách du lịch Đài Loan đã bị mắc kẹt tại Phú Quốc từ ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) vì những tranh cãi chưa thể giải quyết giữa một công ty du lịch Đài Loan và một công ty du lịch của Việt Nam liên quan đến tiền thanh toán.

Hãng tin CNA của Đài Loan hôm 12/2 loan tin cho biết 292 khách du lịch Đài Loan thuộc nhiều nhóm du lịch đã mua gói tour năm ngày đến Phú Quốc từ ngày 10/2 qua một công ty có trụ sở ở Đài Loan là We Love Tour.

Tuy nhiên, khi đến Phú Quốc, những du khách này bị phía công ty du lịch Việt Nam (công ty ký hợp đồng nhận khách với công ty Đài Loan) thông báo là mỗi du khách phải trả thêm 720 đô la để tiếp tục chuyến đi. Công ty Việt Nam có tên Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Winner Việt Nam cho biết lý do là We Love Tour chưa chi trả tiền cho đoàn khách.

CNA dẫn lời của giới chức thuộc Cơ quan Quản lý Du lịch Đài Loan cho biết đã có hơn 100 khách Đài Loan trong số khách bị kẹt lại tại Phú Quốc đồng ý trả thêm tiền để thực hiện chuyến du lịch. Những khách du lịch Đài Loan có thể sẽ không thể quay lại Đài Loan vào ngày 14/2 nếu việc thanh toán cho chuyến bay thuê bao từ Phú Quốc đến Đài Bắc của hãng Bamboo Airways không được thực hiện.

Cơ quan Quản lý Du lịch Đài Loan đồng thời cũng cho biết cơ quan này đang điều tra để xác định liệu We Love Tour có vi phạm các quy định liên quan đến việc điều hành các công ty du lịch lữ hành hay không.

Vào cuối ngày 12/2, We Love Tour ra thông báo phản bác các thông tin từ phía công ty du lịch của Việt Nam và cho biết các nhóm khách đến Việt Nam đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa hai công ty. We Love Tour cũng cho biết hai công ty đã đồng ý trước sự chứng kiến của người làm chứng là mọi thanh toán sẽ được thực hiện chậm nhất là đến ngày 26/2. We Love Tour khẳng định là phía công ty Việt Nam đã thay đổi và yêu cầu phải có thanh toán toàn bộ sau khi một khách du lịch Đài Loan phàn nàn về một bữa ăn khi đến Việt Nam.

Báo Thanh Niên hôm 13/2 dẫn lời ông Hà Tuấn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Winner Việt Nam, cho biết: “Công ty có hợp đồng đón ba đoàn khách của We Love Tour trên ba chuyến bay thuê chuyến từ ngày 10 – 14.2 nhưng vào ngày 31.1, công ty đã hủy hợp đồng vì phía We Love Tour không thanh toán như cam kết.”

Ông Minh khẳng định với Thanh Niên, khi đoàn khách Đài Loan đến Phú Quốc mà không có xe đưa đón, không có khách sạn, phía We Love Tour đã nhiều lần năn nỉ công ty Việt Nam hỗ trợ đoàn và phía công ty Việt Nam đã điều xe và thuê khách sạn phục vụ khách. Hạn thanh toán là ngày 11/2 nhưng We Love Tour vẫn không chuyển tiền nên công ty Việt Nam thông báo kết thúc chương trình.

Đại diện công ty Việt Nam cho biết, công ty đã làm việc với Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở TP.HCM, Cơ quan quản lý du lịch Đài Loan về tình hình đoàn khách và phương án xử lý. Theo đó, Winner thu tiền trực tiếp của du khách, phía công ty Đài Loan sẽ chuyển trả cho khách. Tuy nhiên, nhiều khách không đồng ý.

Theo ông Minh, đến ngày 12/2, khách không thanh toán tiền lại không có chỗ ở nhưng phía Đài Loan đề nghị hỗ trợ lần hai nên công ty vẫn sắp xếp cho 292 khách có chỗ ở tại khách sạn Sailing cho tới ngày 13/2 và đoàn khách vẫn đi thăm nhiều nơi tại Phú Quốc. Ông Minh khẳng định We Love Tour đã ký giấy nợ phải trả vào ngày 26/2, trước sự chứng kiến của các bên qua một cuộc họp trực tuyến. Số tiền mà công ty Việt Nam chi trả cho đoàn khách được ông Minh cho biết là hơn ba tỷ đồng.

Báo Tuổi Trẻ hôm 13/2 dẫn lời  ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang – cho biết địa phương sẽ hỗ trợ để du khách Đài Loan về nước đúng lịch trình. Ông Thái cho biết cụ thể là các công ty địa phương sẽ hỗ trợ nơi ăn ở cho khách và sau khi khách về Đài Loan thì các công ty và địa phương sẽ làm việc với công ty nhận khách từ Đài Loan.


Cái kết cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sóc Trăng

Hoài Nguyễn/VNTB

14/02/2024

VNTB – Cái kết cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sóc Trăng

 (VNTB) – Tính đến thời điềm ngày 13-2-2024, phía Việt Nam vẫn chọn im lặng trước phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC).

Theo tài liệu của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ở Singapore có nhiều Phòng Thương mại/ Phòng Thương mại và Công nghiệp, nhưng không có Phòng Thương mại và Công nghiệp Singapore. Ngoài tính từ Singapore tên của mỗi Phòng Thương mại hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp ở Singapore thường đi liền với tính từ chỉ nguồn gốc các doanh nghiệp thành viên, ví dụ Phòng Thương mại và Công nghiệp doanh nghiệp người Hoa tại Singapore (SCCCI), Phòng Thương mại quốc tế tại Singapore (SICC)…

Các Phòng Thương mại/ Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Singapore không thực hiện chức năng trọng tài trong các tranh chấp hợp đồng và do đó không có quy tắc trọng tài (arbitration rules).

Chức năng giải quyết các tranh chấp, trong đó có tranh chấp về hợp đồng thương mại thông qua cơ chế trọng tài thuộc về Trung tâm trọng tài quốc tế của Singapore (Singapore International Arbitration Centre – SIAC), một tổ chức hoàn toàn độc lập với các Phòng Thương mại/ Phòng Thương mại và Công nghiệp ở Singapore.

Trung tâm có Quy tắc trọng tài (SIAC Rules) dựa trên Luật mẫu do Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) ban hành và được luật pháp Singapore thừa nhận (Luật trọng tài quốc tế của Singapore). Việc lựa chọn Trung tâm trọng tài quốc tế của Singapore để giải quyết tranh chấp hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện đối với các bên liên quan và thường được quy định trong Điều khoản về giải quyết tranh chấp của hợp đồng. (Theo đó, các doanh nghiệp có thể truy cập địa chỉ http://www.siac.org.sg để biết thêm thông tin về Trung tâm trọng tài này).

Trước đó ở phiên họp Quốc hội hồi cuối năm vừa qua, theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thì từ năm 2010, dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 với công suất 1.200 MW được Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.

Ngày 30-12-2014, PVN đã ký kết với Liên danh nhà thầu Power Machines (PM) – công ty của Nga và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) làm tổng thầu EPC dự án (PM là nhà thầu đứng đầu liên danh). Tuy nhiên, khi dự án mới hoàn thành được 78% khối lượng công việc thì phát sinh vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26-1-2018.

Tháng 11-2019, nhà thầu Power Machines có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC do bất khả kháng.

Trước đó, ngày 23-8-2019, sau khi trao đổi và đàm phán không thành công, Power Machines thông qua luật sư đại diện đã gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC). SIAC đã tổ chức 2 phiên xét xử (đợt 1 từ ngày 16 đến ngày 20-1-2023; đợt 2 từ ngày 30/1 đến ngày 3-2-2023). Dự kiến trong quý IV-2023, SIAC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

Như vậy, sau khi có phán quyết của SIAC, PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai đối với dự án trên; đồng thời, ưu tiên kế thừa, tận dụng tối đa các nhà thầu phụ/nhà sản xuất (OEM) các vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án nhằm đảm bảo tính tương thích về công nghệ, tối ưu hóa về thiết kế, tiến độ…

Thực tế cho thấy, đến nay nhiều hệ thống/thiết bị chính của dự án đã được sản xuất, chế tạo, lưu kho tại nơi sản xuất hoặc vận chuyển một phần về công trường của dự án. Đặc biệt, Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo PVN có phương án thực hiện dự án với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại và sớm đưa vào vận hành. Trong trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, PVN báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên hôm 12-2-2024, theo tờ Bloomberg dẫn nguồn từ nhật báo RBC của Nga về một nguồn tin giấu tên cho biết rằng khoản tiền thắng kiện 500 triệu USD cho Power Machines đang được thảo luận. Vụ kiện của Power Machines, được nộp tại Singapore, nhằm đòi lại số tiền đã đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam, một dự án đã bị tạm dừng vào năm 2018 sau khi Power Machines bị Mỹ trừng phạt. Người phát ngôn cho biết, tập đoàn Nga đã thắng kiện vào tháng 11 năm ngoái.

Phía Petrovietnam vẫn chưa thấy lên tiếng phản hồi về kết quả phán quyết này của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC).

______________

Tham khảo:

https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-02-12/russian-tycoon-wins-500-million-claim-against-petrovietnam


Vince McDonagh – Xung đột tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023

Nguồn: 

Vince McDonagh – Fishfamer magazine – Conflicts impact on Vietnam 2023 seafood exports 

14/02/2024

VNTB – Xung đột tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023

(VNTB) – Việt Nam không đạt được xuất khẩu thủy sản năm trong năm 2023 do xung đột Nga-Ukraine và rắc rối ở Trung Đông

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 – chủ yếu liên quan đến nuôi trồng thủy sản – đạt  9,2 tỷ USD, chỉ kém một chút so với mục tiêu 10 tỷ USD đã đặt ra vào đầu năm.

Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết các loài xuất khẩu chính là tôm với giá trị 3,45 tỷ USD và cá tra với giá 1,9 tỷ USD , cả hai đều được nuôi nhiều. Tiếp theo hai loài này là nhuyễn thể và cá ngừ.

Ban Giám đốc cho biết lý do chính khiến họ không đạt được mục tiêu là do tác động tổng hợp của cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần hai năm và gần đây hơn là rắc rối ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel-Gaza. Cả hai đều có tác động làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.

Lạm phát cũng đang có tác động do giá một số hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào phát triển nuôi trồng thủy sản vẫn còn cao.

Chính phủ cho rằng chi phí hậu cần cao đang gây áp lực lên hoạt động sản xuất, đặc biệt khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại.

Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong xuất khẩu sang châu Âu, với việc Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” về  truy xuất nguồn gốc đối với một số loại thủy sản, đồng nghĩa với việc xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Quản lý tàu cá và Dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết, việc hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử (“E-logbook”) để truy xuất nguồn gốc hải sản là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nhật ký điện tử là ứng dụng dành cho ngư dân và người sản xuất hải sản, hiện đang được thử nghiệm.

Ông cũng muốn thấy việc tăng cường kiểm tra xung quanh việc giám sát và thực hiện các quy định quản lý ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành và minh bạch nghề cá.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chỉ ra những khó khăn ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặp phải trong năm nay khi nguồn lợi thủy sản suy giảm và EU tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” ở một số lĩnh vực.


Idemitsu ước tính nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Việt Nam lỗ 67 triệu đô la năm 2023 

14/02/2024 – Reuters 

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Việt Nam.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Việt Nam. 

Một giám đốc điều hành của hãng Idemitsu Kosan cho biết hôm thứ Ba 13/2 rằng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) ở Việt Nam dự kiến bị lỗ ròng ít nhất 10 tỷ yen (67 triệu đô la) vào năm 2023 do tốn quá nhiều chi phí khi lãi suất của Mỹ tăng cao.

Hãng lọc dầu Idemitsu của Nhật Bản sở hữu 35,1% cổ phần trong hãng Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) nằm ở tỉnh Thanh Hóa, là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam.

Yoshitaka Onuma, giám đốc điều hành của Idemitsu, phát biểu trong một cuộc họp báo về lợi nhuận của hãng: “Nghi Sơn tiếp tục đối mặt với tình trạng phải báo lỗ khi xét về thu nhập ròng do chi phí tài chính quá tốn kém mà nguyên nhân là lãi suất đồng đô la Mỹ ở mức cao”.

Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi không thể tiết lộ con số lỗ chính xác, nhưng khoản lỗ ròng dự kiến sẽ vượt quá 10 tỷ yen”.

Mặc dù vậy, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang hoạt động trên 100% công suất công bố sau khi hoàn thành bảo trì theo lịch vào cuối tháng 10/2023, và hãng Việt Nam này dự kiến sẽ chốt sổ là có lợi nhuận hoạt động dương trong năm 2023, không bao gồm tác động từ hàng tồn kho, vẫn lời vị giám đốc điều hành của Idemitsu.

Ông Onuma cho hay Idemitsu đang tiếp tục thảo luận với các nhà tài trợ và các bên cho vay khác về việc cấp vốn cho Nghi Sơn và các biện pháp nhằm mang lại lợi nhuận trên cơ sở trừ đi các chi phí ban đầu thuần túy, nhưng ông không nêu rõ khi nào là thời điểm mục tiêu để đi đến thỏa thuận.

Các bên góp vốn khác vào hãng Nghi Sơn là Kuwait Petroleum, sở hữu 35,1%; công ty dầu khí quốc doanh Petrovietnam của Việt Nam nắm 25,1%, và Mitsui Chemicals với 4,7%.

Trên bình diện rộng hơn, cũng hôm 13/2, Idemitsu báo cáo lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 12/2023 giảm 4,2% do lượng hàng tồn kho tăng ít hơn và giá than nhiệt giảm.

Hãng lọc dầu lớn thứ hai của Nhật Bản công bố lợi nhuận 239,1 tỷ yen trong 9 tháng tính đến ngày 31/12/2023, so với 249,6 tỷ yen đạt được một năm trước đó.

Hãng vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận cả năm cho đến cuối tháng 3 là 180 tỷ yen, so với ước tính trung bình là 176 tỷ yen sau cuộc thăm dò ý kiến với 7 nhà phân tích do LSEG tổng hợp lại.

Ông Onuma nói rằng công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu của hãng ở Nhật Bản dự kiến đạt khoảng 80% trong năm nay tính đến ngày 31/3.


Tags: ,

Comments are closed.