Thời sự đó đây Thứ Năm 10/8/2023: *TT Mỹ không dự thượng đỉnh ASEAN *BT Ngoại giao TQ thăm ba nước Châu Á *Nga vẫn có vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt *Mỹ hạn chế một số đầu tư vào TQ *Căng thăng Philippines – TQ
Võ Thái Hà tổng hợp
TT Mỹ dự thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, thăm Việt Nam, nhưng không dự thượng đỉnh ASEAN
Thu Hằng /RFI – 10/8/2023
Sau khi thông báo « sớm » thăm Việt Nam, theo dự kiến tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ấn Độ họp thượng đỉnh G20 vào ngày 09 và 10/09/2023. Tuy nhiên, nguyên thủ Mỹ có thể sẽ không tham dự thượng đỉnh ASEAN, dù nước chủ nhà Indonesia đã chủ ý tổ chức sớm cuộc họp từ ngày 04 đến 07/09. Việc này làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ để khống chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng.
(Ảnh minh họa) – Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại bang Maine, ngày 28/07/2023. © AFP / BRENDAN SMIALOWSKI
Một nguồn tin trích dẫn đại sứ một nước thành viên ASEAN ở Washington, hôm 09/08 cho Reuters biết là Indonesia đã được thông báo ngay từ thứ Hai 07/08 là ông Biden không đến dự ASEAN. Nhiều dân biểu Mỹ cũng khẳng định « có rất ít khả năng » nguyên thủ Mỹ có mặt ở Jakarta.
Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng từ chối xác nhận thông tin mà chỉ cho biết : « Chúng tôi vẫn đang xem xét… chúng tôi sẽ sớm thông báo ». Còn theo người phát ngôn của Nhà Trắng, lịch trình đi châu Á của tổng thống Mỹ vẫn chưa phải là chính thức chừng nào chưa được thông báo và vẫn có thể có thay đổi.
Theo Reuters, rất nhiều nhà ngoại giao của ASEAN cho rằng « sẽ thất vọng vô cùng nếu ông Biden không tới Jakarta » trong khi chính quyền của ông lại đặt trọng tâm vào mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đặc biệt là Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, đã cố tình tổ chức thượng đỉnh vào tháng 09, thay vì vào tháng 11 hàng năm, để sau khi tham dự thượng đỉnh ASEAN, nguyên thủ Mỹ sẽ đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20. Hơn nữa, ông Joe Biden cho biết là vào dịp này sẽ thăm Việt Nam, nằm ngay trong khu vực.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể sẽ thay ông Biden đến Jakarta. Đây không phải là lần đầu tiên nguyên thủ Mỹ khiến các nước ASEAN thất vọng. Tháng 11/2022, ông đã không dự thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh khi Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm ba nước Châu Á
09/8/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong tuần này sẽ có chuyến thăm đến ba nước Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia và Campuchia.
AFP loan tin dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến đi của ông Vương Nghị nhằm tìm các thiết lập những mối quan hệ trong khu vực. Cụ thể là Bắc Kinh hy vọng tăng cường được mối thông tin liên lạc chiến lược với ba nước vừa nêu qua chuyến đi từ thứ năm đến chủ nhật tuần này.
Campuchia trở thành một trong những đồng minh mạnh mẽ nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á dưới thời của thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen; khi mà Phnom Penh nhận được nhiều khoản đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh.
AFP nhận định nguồn lũ đầu từ Trung Quốc vào Xứ Chùa Tháp cũng gây nên nhiều vấn đề, trong đó có sự xuất hiện tràn lan những sòng bạc và dịch vụ lừa đảo trên mạng bóc lột người nước ngoài làm thuê.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lâu nay trở nên phức tạp do Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông trong khi có tranh chấp với Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Bất đồng về biển khiến một số nước thành viên ASEAN đối trọng với Bắc Kinh và thuận với phản đối của Hoa Kỳ về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực biển này.
Singapore suốt nhiều thập niên qua cố gắng cân bằng quan hệ với hai cường quốc Châu Á- Thái Bình Dương Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ukraine: Nga vẫn có các loại vũ khí quan trọng bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế
Tác giả, Paul Adams
Phóng viên ngoại giao của BBC – 10.8.2023
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Người dân bên ngoài một tòa nhà chung cư bị hư hại do đợt không kích của Nga ở thành phố Pokrovsk, vùng Donetsk ngày 8/8
Hôm thứ Ba 8/8, chính phủ Anh Quốc công bố điều được mô tả là “một hành động từ Anh lớn nhất chưa từng có” nhắm vào tuyến cung cấp vũ khí từ nước ngoài của Nga.
Các lệnh trừng phạt nhằm vào những công ty và cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Slovakia và Thụy Sĩ.
Ngoại trưởng Anh, James Cleverly tuyên bố các biện pháp sẽ “làm suy yếu kho vũ khí của Nga hơn và đóng mạng lưới chuỗi cung ứng hậu thuẫn cho nền công nghiệp quốc phòng đang gặp khó k hăn của Putin hiện nay.”
Thế nhưng sau một loạt những lệnh trừng phạt liên tiếp do Mỹ, Anh và EU áp đặt, Nga vẫn có những thành phần vũ khí mà quốc gia này cần có để giúp cỗ máy chiến tranh vận hành.
Những lý do đằng sau thật phức tạp nhưng có thể thấy vấn đề cốt lõi là Nga vẫn còn có thể ‘nhúng tay’ vào các lĩnh vực tuy nhỏ nhưng quan trọng trong công nghệ của Phương Tây, đặc biệt là microchip.
Nhiều loại vũ khí của Điện Kremlin, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo và hành trình, sử dụng rất nhiều các thành phần điện tử do Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Israel và Trung Quốc sản xuất.
Hồi tháng Sáu, Viện KSE tại Kyiv, cùng phối hợp với Yermak-McFaul International Working Group chuyên theo dõi về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đã phân tích được 1.057 các thành phần khác nhau từ nước ngoài trong 58 phần vũ khí của Nga bị thu giữ.
Họ phát hiện rằng microchip và processor (bộ xử lý) chiếm một nửa trong số các thành phần vũ khí và khoảng 2/3 trong số này do những công ty Mỹ chế tạo.
Năm công ty sản xuất hàng đầu đều từ Mỹ, bao gồm Analogue Devices, Texas Instruments và Intel.
Nghiên cứu cũng củng cố thêm những phát hiện trong những báo cáo khác khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu xảy ra hồi tháng 2/2022.
Nguồn hình ảnh, Russian Defence Ministry Press Service
Chụp lại hình ảnh,
Bất chấp có các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga vẫn có thể tiếp cận các phần vũ khí từ những nguồn khác nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Moscow
Với nhiều thành phần vũ khí quan trọng nằm trong danh sách bị áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu, Nga đang không mua chúng trực tiếp từ các công ty cung cấp của Phương Tây.
Thay vào đó, Nga chuyển sang mạng lưới phức tạp các công ty trung gian từ quốc gia thứ ba.
Hồi tháng Tư năm nay, Nikkei phát hiện 75% microchip của Mỹ đang được cung cấp cho Nga thông qua Hong Kong hoặc Trung Quốc.
Các nhà điều tra của Nikkei phát hiện rằng những công ty cung cấp quy mô nhỏ hoặc tầm trung, đã được thiết lập nên theo sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga, có sự tham gia đáng kể, đôi lúc hoạt động dưới dạng những văn phòng không có tên và ẩn danh ở Hong Kong.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các thành phần quan trọng đã được mua ngụy trang bằng mục đích sử dụng phi quân sự, ví dụ như trong chương trình không gian của Nga.
Theo báo cáo của KSE & Yermak McFaul thì: “Có vô số những công ty… sẵn sàng gánh chịu rủi ro đáng kể để đáp ứng những yêu cầu thu mua của Nga.”
Theo báo cáo, những công ty như vậy nằm trên khắp toàn cầu, bao gồm tại Cộng hòa Czech, Serbia, Armenia, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Thông báo trừng phạt mới nhất từ Anh cho thấy các đồng minh Phương Tây của Ukraine đang ngày càng quan ngại về vai trò của những công ty trung gian bên thứ ba này.
Hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới bị áp lệnh trừng phạt, Turkik Union và Azu International, với lý do “vai trò của họ trong việc xuất khẩu những vi điện tử đến Nga, cần thiết cho hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.”
Một công dân người Slovakia, Ashot Mkrtychev nằm trong danh sách với cáo buộc có liên quan đến nỗ lực thực hiện thương vụ mua bán vũ khí giữa Nga và Bắc Hàn.
Hồi tháng Năm, Anh, EU và Mỹ đã cùng công bố một danh sách gồm 38 “điểm ưu tiên cao chung” và cảnh báo các công ty “phải tiến hành thẩm định đúng cách để đảm bảo điểm đến cuối cùng cho những sản phẩm này không phải là nước Nga.”
Danh sách này bao gồm nhiều loại vi mạch tích hợp, chất bán dẫn, tia laser và các công cụ định hướng.
Giới chức Phương Tây nói họ đang đạt được bước tiến và đề cập đến một sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hồi đầu năm nay, yêu cầu tạm dừng việc chuyển các hàng hóa nhất định nằm trong danh sách bị EU, Anh và Mỹ trừng phạt, đến Nga.
Họ cũng chỉ ra rằng trong lúc Nga vẫn đang có thể nhập khẩu số lượng đáng kể các chất bán dẫn, chúng không thường có chất lượng cao nhất.
“Số lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Nga, đã bắt đầu tăng cho đến cuối thời điểm năm ngoái, đã sụt giảm 2/3 trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng Hai năm nay,” một quan chức nói, “bắt buộc họ phải dựa theo những thành phần thay thế chất lượng thấp, như microchip với tỷ lệ loại bỏ là 40%.”
Cũng vị quan chức này nói rằng Nga đang phải thực hiện mà không có năng lực nhất định, bao gồm chụp ảnh nhiệt, với công nghệ thời Xô Viết được tái sử dụng.
“Điều này rõ ràng tương phản sâu sắc với năng lực của Ukraine trong việc tiếp nhận nền công nghệ tối tân từ chúng tôi,” ông cho biết thêm.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
“Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ đất mẹ” – một văn phòng tuyển quân di động ở Moscow
Đối với Ukraine, các lệnh trừng phạt của Phương Tây có thể không bao giờ có tác dụng đủ nhanh và mang tính toàn diện.
Các nhà nghiên cứu từ Viện KSE đặt câu hỏi về liệu các lệnh trừng phạt mới nhất của Anh có quy mô bao trùm như chính phủ đã tuyên bố hay không.
Ben Hilgenstock, một nhà kinh tế học cấp cao từ KSE, nói việc theo dõi những công ty trung gian thứ ba là “trò mèo vờn chuột”, bao gồm vô số các công ty rất ít được biết đến.
“Tôi không chắc là chúng ta sẽ chơi trò này thành công đến đâu nếu chúng ta tiến hành trừng phạt năm công ty,” ông nói với BBC. “Điều này sẽ không giải quyết được vấn đề vì chuyện tạo ra một dạng công ty mới ở một nơi nào đó là quá dễ dàng.”
Khi một thành phần vũ khí lọt vào tay một công ty trung gian, thì chuyện truy vết trở nên khó khăn hơn. Chúng có thể sau đó xuất hiện trong dữ liệu thương mại của Nga, nhưng đợi đến khi đó thì tình hình đã quá trễ.
Ông Hilgenstock đề xuất việc đưa những công ty trung gian tình nghi này vào danh sách đen sẽ phát huy tác dụng.
“Bởi vì nhiều nhà sản xuất cũng không biết họ nên và không nên làm ăn kinh doanh với ai. Đây là một thách thức rất nghiêm trọng.”
https://www.bbc.com/vietnamese
Biến thể Eris tăng, nhưng COVID không có thay đổi lớn
10/8/2023
Vắc-xin COVID-19 tăng cường của Moderna chống biến thể Omicron.
Các biến thể COVID hiện đang lan rộng như EG.5, hay Eris, không đại diện cho một sự thay đổi lớn và các loại vắc-xin cập nhật vào tháng 9 này sẽ mang lại sự bảo vệ, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết ngày 9/8.
“Ngay bây giờ, vắc-xin của chúng ta, thuốc của chúng ta vẫn chống chọi được những thay đổi của virus…,” Giám đốc CDC Mandy Cohen cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi đang thấy những thay đổi nhỏ mà tôi gọi là những dạng phụ của những gì đã thấy trước đây.”
Bà cho biết các loại vắc-xin cập nhật sẽ được đưa ra cho công chúng từ giữa đến cuối tháng 9 này tại Mỹ.
Các nhà sản xuất vắc-xin COVID đã tạo ra các phiên bản vắc-xin mới, được cập nhật để nhắm mục tiêu vào cái gọi là biến thể phụ XBB.1.5 chiếm ưu thế vào đầu năm nay.
Bà Cohen nói: “Chúng tôi dự đoán rằng vắc-xin sẽ sẵn sàng cho hầu hết mọi người vào tuần thứ ba hoặc thứ tư của tháng 9”. Bà cho biết các loại vắc-xin đó vẫn cần được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho phép và CDC cần đưa ra các khuyến nghị của mình.
Bà nói: “Chúng tôi có thể coi đây là một khuyến nghị như một mũi tiêm phòng COVID hàng năm giống như chúng ta tiêm phòng cúm hàng năm”.
Các công tyPfizer/BioNTech, Moderna và Novavax đều cho biết họ hy vọng sẽ cung cấp vắc-xin cập nhật vào mùa thu này.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 9/8 phân loại chủng virus corona EG.5, lưu hành ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, là một “biến thể đáng quan tâm” nhưng cho biết nó dường như không gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng hơn các biến thể khác.
Theo CDC, Eris là biến thể phụ của COVID đang phát triển nhanh ở Hoa Kỳ. Ước tính khoảng 17% các ca COVID hiện nay là do Eris gây ra.
Tòa Bạch Ốc chi tiết các kế hoạch hạn chế một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc
Published Wed, Aug 9 2023
(Nguồn: FOTOGRIN/ Shutterstock)
Tòa Bạch ốc dự kiến trong ngày 9/8 sẽ công bố chi tiết về kế hoạch cấm một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ phải được thông báo về các khoản đầu tư khác, một nguồn tin chính phủ cấp cao tiết lộ với Reuters.
Các kế hoạch này nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Hoa Kỳ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trước đó, Reuters đưa tin hôm 4/8, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ sớm ban hành sắc lệnh nhằm sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài vào các công nghệ nhạy cảm đối với Trung Quốc trong tuần này.
Nguồn chính phủ cấp cao cho hay, sắc lệnh dự kiến công bố trong ngày thứ Tư (9/8).
Các quan chức chính quyền Biden đã nhấn mạnh trong nhiều tháng qua rằng, bất kỳ hạn chế nào đối với đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc sẽ được nhắm mục tiêu trong phạm vi hẹp.
“Đây là những biện pháp phù hợp,” Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhấn mạnh hồi tháng Tư. “Giống như Bắc Kinh đã nói, đó không phải là ‘sự phong tỏa công nghệ’.”
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo hồi tháng 3 còn khẳng định, chính quyền không “muốn tiến hành trên diện rộng… bất cứ điều gì ở phạm vi rộng lớn đều gây hại cho người lao động Mỹ và nền kinh tế”.
Chính quyền dự kiến sẽ nhắm mục tiêu vào các khoản đầu tư chủ động như vốn cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ, đầu tư mạo hiểm và đầu tư liên doanh vào Trung Quốc trong chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Hầu hết các khoản đầu tư bị thu giữ theo sắc lệnh sẽ yêu cầu rằng, chính phủ phải được thông báo đầy đủ về chúng.
Tờ New York Times đưa tin hôm 8/8, chính quyền Biden có kế hoạch yêu cầu các công ty đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc phải báo cáo hoạt động đó, điều này sẽ giúp chính phủ có tầm nhìn rõ ràng về các giao dịch tài chính giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bà Emily Benson từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu chính sách lưỡng đảng, cũng bày tỏ hy vọng rằng, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo sẽ bị cấm đối với người dùng và mục đích quân sự, đồng thời các khoản đầu tư khác vào lĩnh vực này sẽ được yêu cầu phải thông báo cho Chính phủ.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Căng thăng Philippines – Trung Quốc
Cuộc đấu khẩu giữa Phillippines và Trung Quốc liên quan đến sự việc ở Bãi Cỏ Mây ngày 5.8 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Tổng thống Bongbong Marcos hôm 9.8 tuyên bố không có chuyện Philippines cam kết sẽ tháo dỡ tàu BRP Sierra Madre khỏi Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa như phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố ngày 8.8.
Tôi không biết về bất kỳ thỏa thuận nào nói rằng Philippines phải tháo dỡ con tàu của mình, BRP Sierra Madre, khỏi lãnh thổ của chính mình, khỏi Bãi Cỏ Mây. Và hãy để tôi đi xa hơn, nếu quả thực có tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi hủy bỏ thỏa thuận đó ngay lúc này.
Trước ông Marcos, nhiều quan chức ngoại giao và an ninh của Philippines cũng thẳng thừng bác bỏ phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Vào tối 8.8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố về sự việc ở Bãi Cỏ Mây, đồng thời đưa ra lời cảnh báo rằng: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình đồng thời kêu gọi Philippines chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động khiêu khích”.
Về phía Mỹ, quốc gia đồng minh của Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro Jr. để bày tỏ sát cánh của Mỹ đối với đồng minh này hôm 8.8.
Cùng ngày 8.8, Tư lệnh Hạm đội 7 Phó đô đốc Karl Thomas cũng đến tỉnh Palawan và có cuộc hội đàm với Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của Philippines.
Sự việc ở Bãi Cỏ Mây hiện vẫn thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận Philippines. Phó đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Tuần duyên Philippines, trong một tuyên bố có phần giận dữ trên Twitter/X đã gọi thẳng những người biện bạch cho Trung Quốc là những kẻ phản bội người dân Philippines, mặc dù không nêu đích danh ai.
“Nếu bạn là người Philippines, dù là trong chính phủ hay khu vực tư nhân, bất kể quan điểm chính trị của bạn là gì, việc bảo vệ và bào chữa cho hành vi hung hăng của Trung Quốc sẽ bị coi là không yêu nước, và là kẻ phản bội Philippines và người dân của chúng ta”.
Ông Tarriela cũng viết rằng không nên lạm dụng quyền tự do ngôn luận để biện minh cho các hành động phi yêu nước bằng cách đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của Trung Quốc.
Trong khi đó, cũng liên quan đến Philippines và vấn đề lãnh thổ, Tổng thống Philippines Marcos cho biết Việt Nam và Philippines đã xúc tiến đàm phán về thỏa thuận liên quan đến các yêu sách lãnh thổ.
Thông tin này được ông Marcos tiết lộ trong cuộc gặp gỡ với Đại sứ Việt Nam Hoàng Huy Chung khi nhà ngoại giao này đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ ở Dinh Malacañang vào hôm nay.
Liệu Fed đã chống lạm phát thành công?
Tiến trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đạt hiệu quả tới đâu trong cuộc chiến chống lạm phát? Dữ liệu tháng 7 được công bố vào thứ Năm sẽ trả lời câu hỏi đó.
Lạm phát tiêu đề đã giảm từ mức đỉnh năm là 9,1% vào tháng 6 năm ngoái xuống còn 3% trong tháng 6 năm nay. Lạm phát lõi – tức không tính chi phí năng lượng và thực phẩm – đã giảm từ mức cao 6,6% của tháng 9 xuống còn 4,8%. Cả hai đều được dự đoán tăng tương đối khiêm tốn 0,2% so với tháng trước. Nó sẽ đánh dấu mức tăng hai tháng liên tiếp nhỏ nhất trong hơn hai năm qua.
Các số liệu dự kiến cho thấy tỷ lệ năm dao động gần mục tiêu 2% của Fed, dù so sánh theo cùng kỳ năm vẫn chưa giảm xuống mức đó. Tất cả cho thấy Fed có lẽ đã thành công. Tuy nhiên, bất kỳ yếu tố bất ngờ nào, nhất là đối với lạm phát lõi, cũng có thể đưa ngân hàng quay lại con đường thắt chặt.
Cơn đau đầu mang tên Niger của các nước Tây Phi
Vào thứ Năm, các nguyên thủ quốc gia của Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ họp để thảo luận về cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Niger Mohamed Bazoum hôm 26 tháng 7. Khối này đã đe dọa dùng vũ lực nếu ông Bazoum không được phục chức trước cuối ngày Chủ nhật tuần trước. Khi thời hạn trôi qua, chính quyền quân sự đã cho đóng cửa không phận Niger và tuyên bố có hai quốc gia châu Phi đang triển khai quân đội.
Nhưng không có gì xảy ra. ECOWAS vẫn đang kỳ vọng vào một giải pháp ngoại giao. Quan điểm phản đối can thiệp có vẻ đang thắng thế ở Nigeria, thành viên lớn nhất của khối, và bất kỳ chiến dịch nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Song khả năng phục chức cho ông Bazoum chỉ bằng ngoại giao là không đáng kể. Mới đây vào thứ Ba, chính quyền đã từ chối cho phép một nhóm hòa giải từ ECOWAS và Liên Hợp Quốc đến Niger.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo ECOWAS có thể sẽ tỏ ra cứng rắn, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao nhằm giữ thể diện. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa, họ sẽ phải quyết định xem có thực sự sẵn sàng gửi quân đến Niger hay không.
Tình hình kinh doanh của các tập đoàn truyền thông nhà Murdoch
Fox Corporation và News Corp, hai công ty truyền thông của ông trùm người Úc Rupert Murdoch, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý trong tuần này. Vào thứ Ba, công ty truyền hình Fox đã đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích nhờ tập trung vào tin tức và thể thao, giúp công ty không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc đình công ở Hollywood. Thứ Năm này đến lượt News Corp, công ty sở hữu các tờ báo như The Sun và Wall Street Journal. Kỳ vọng chung là hãng được hưởng lợi từ một thị trường quảng cáo sôi nổi.
Nhưng câu hỏi lớn nhất trong đầu ông Murdoch có thể là chính trị. Sau khi Donald Trump rời Nhà Trắng vào năm 2021, báo đài của Murdoch đều đồng loạt xa lánh cựu tổng thống. Vấn đề là một số khán giả của họ vẫn trung thành với ông Trump. Hồi tháng 4, Fox News đã sa thải Tucker Carlson, người dẫn chương trình ủng hộ Trump (ít nhất là trên màn hình), khiến rating của đài giảm mạnh. Hiện ông Trump đang dẫn đầu cuộc đua giành đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm tới. Ông Murdoch hứa hẹn sẽ đối mặt một số quyết định đầy khó khăn.
Dù kinh tế sa sút, Trung Quốc vẫn không cắt viện trợ Triều Tiên
10/8/2023 VOA News
Cầu Hữu nghị Trung-Triều (trái) nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc và thành phố Sinuiju
Một loạt các tin tức kinh tế đáng thất vọng có thể buộc Bắc Kinh phải cắt giảm một số tham vọng chính sách đối ngoại mở rộng của mình, nhưng các nhà phân tích theo dõi các vấn đề về Bán đảo Triều Tiên cho rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Bình Nhưỡng sẽ không bị cắt giảm.
Nền kinh tế Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ phục hồi sau khi các biện pháp phong tỏa do đại dịch hà khắc được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu, năng suất giảm và cắt giảm lương của khu vực công.
Tăng trưởng kinh tế trong quý 2 đã giảm xuống dưới 1%, trong khi mức tăng trưởng thường niên dự kiến là 5,6% trong năm nay.
Xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 2 năm 2020, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc công bố hôm 8/8.
Chỉ riêng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 14,5% trong tháng 7 so với một năm trước. Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý hai đạt 5,2% tổng thể với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao hơn 21% trong tháng 6.
Đó có thể là tin xấu đối với Triều Tiên, quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu và là nhà cung cấp viện trợ kinh tế ổn định, từ nhiên liệu đến thuốc men và thực phẩm.
Sự phụ thuộc đó lớn hơn kể từ những năm 1990 do sự sụp đổ của Liên Xô cũ, vốn đã hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng, và do các chế tài quốc tế đã tăng tốc vì các vụ thử hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp thuận các chế tài của Liên hiệp quốc mà Hoa Kỳ đã cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an thông qua để đáp trả các vụ thử phi đạn ngày càng thường xuyên hơn của Bình Nhưỡng.
Nhưng các chuyên gia nói với VOA rằng việc cắt giảm viện trợ khó có thể xảy ra trong khi Bắc Kinh đối mặt với căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ cũng lưu ý rằng viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách ước tính 3,4 nghìn tỷ đô của Trung Quốc. Họ nói rằng sự thiếu minh bạch ở cả hai quốc gia khiến khó tính các con số chính xác.
VOA đã liên lạc với Phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc để xin bình luận về khoản viện trợ nhận được từ Trung Quốc nhưng được hồi âm.
Chính trị đóng vai trò lớn
Các chuyên gia nói viện trợ kinh tế của Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục vì những lý do địa chính trị.
Ông Troy Stangarone, giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc chuyên về thương mại Hàn Quốc và Triều Tiên, nói: “Các yếu tố chính trị, thay vì kinh tế, có xu hướng đóng một vai trò lớn hơn trong viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên”.
Ông Stangarone nói thêm: “Căng thẳng với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ với Triều Tiên và Nga, tạo thêm động lực để Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Bình Nhưỡng trong thời kỳ nền kinh tế đang chậm lại”.
Trung Quốc đã thắt chặt quan hệ với Triều Tiên khi quan hệ Mỹ-Hàn phát triển mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây.
Mối quan hệ song phương tan băng giữa Seoul và Tokyo kể từ tháng 3 năm nay đã cho phép Washington tăng cường hợp tác an ninh ba bên với hai đồng minh của mình để bảo vệ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên và chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
Ba nước dự kiến sẽ thảo luận về các cách tăng cường phòng thủ trong khu vực khi họp hội nghị thượng đỉnh tại Trại David vào tuần tới.
Khi phái đoàn Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 27 đến 30 tháng 7, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cam kết sẽ khôi phục mối quan hệ của họ lên “một tầm cao mới thông qua hợp tác chiến lược và chiến thuật chặt chẽ”, theo truyền thông chính thức của Triều Tiên.
Chuyến đi bao gồm tham quan một cuộc triển lãm vũ khí quân sự và tham dự một cuộc diễn hành giới thiệu vũ khí tiên tiến để kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định đình chiến chấm dứt giao tranh trong Chiến tranh Triều Tiên vào tháng 7 năm 1953.
Biên giới mở lại
Kể từ khi Bình Nhưỡng dần mở cửa biên giới vốn bị đóng cửa vào năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, người ta đã phát hiện các xe tải và tàu chở hàng đi qua Cầu Hữu nghị Trung-Triều nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc và thành phố Sinuiju của Triều Tiên.
Ông Bradley Babson, cựu cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là thành viên hội đồng tư vấn của Viện Kinh tế Hàn Quốc, cho biết Trung Quốc không muốn Triều Tiên “suy sụp hoàn toàn về kinh tế”. Bắc Kinh được cho là muốn tránh sụp đổ kinh tế ở Triều Tiên để ngăn thảm họa nhân đạo và người tị nạn tràn vào Trung Quốc.
Ông Babson nói tiếp: “Trung Quốc sẽ làm những gì họ cảm thấy có lợi về mặt chính trị với Triều Tiên, và họ sẽ không bị chi phối quá nhiều bởi các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc.” Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đang “được hưởng lợi từ việc Triều Tiên nghiêng về phía Trung Quốc.”
Phát ngôn viên Tòa đại sứ Trung Quốc Liu Pengyu tại Washington hôm 7/8 nói với VOA rằng quan hệ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng là tốt cho sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên.
Ông nói: “Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là láng giềng hữu nghị sông liền sông núi liền núi.” “Củng cố và phát triển quan hệ song phương phục vụ lợi ích chung của cả hai bên và có lợi cho hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên và khu vực.”
Theo những điểm chính về hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 mà ông Liu đưa ra cùng với nhận xét của mình, Trung Quốc đã chứng kiến “xu hướng tăng trưởng đi lên” với GDP tăng hơn 5%.
Doanh số bán hàng trong lĩnh vực dịch vụ của nước này tăng 21,5% và thương mại với các nước đối tác Vành đai và Con đường tăng 9,8%. Đồng thời, tạo việc làm ở thành thị đạt 6,78 triệu, theo số liệu của Tòa đại sứ mà ông Liu cung cấp. Ông Liu cho biết thêm rằng: “Nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phục hồi tốt trong sáu tháng đầu năm nay.”
Ba Lan đưa 2.000 quân tăng cường biên giới giáp ranh Belarus
10/8/2023 Reuters
Bức tường biên giới giữa Ba Lan và Belarus, gần Kuznice, Ba Lan (ảnh chụp ngày 20/6/2022)
Ba Lan sẽ gửi 2.000 binh sĩ tới đường biên giới giáp với Belarus, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói với hãng thông tấn nhà nước PAP hôm 9/8, gấp đôi số lượng mà Lực lượng Biên phòng yêu cầu, để ngăn chặn các cuộc vượt biên trái phép và duy trì sự ổn định.
Ba Lan ngày càng lo lắng về khu vực biên giới kể từ khi hàng trăm lính đánh thuê Wagner thiện chiến đã đến Belarus vào tháng trước theo lời mời của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Belarus đã bắt đầu các cuộc tập trận gần biên giới vào tuần này và ông Lukashenko đã nhiều lần nói rằng ông đang kiềm chế các chiến binh Wagner muốn tấn công Ba Lan.
Ba Lan cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng di dân chủ yếu từ Trung Đông và châu Phi cố gắng vượt biên trong những tháng gần đây. Trong hai năm qua, Ba Lan đã cáo buộc Belarus tuyển dụng di dân ở các nước nghèo và đưa họ qua biên giới bất hợp pháp để gây bất ổn.
Ông Maciej Wasik nói với PAP: “Lần tăng cường này sẽ không phải là 1.000 mà là 2.000 binh sĩ.”
Hôm 7/8, ông Wasik cho biết Lực lượng Biên phòng đang yêu cầu triển khai thêm 1.000 binh sĩ.
Ông Wasik tố cáo mọi nỗ lực vào Ba Lan bất hợp pháp của những di dân hiện đang được tổ chức bởi chính quyền Belarus.
Tòa đại sứ Belarus tại Warsaw không trả lời yêu cầu bình luận qua email. Belarus bắt đầu tập trận gần biên giới trong tuần này
- BMP-3 của Nga được củng cố bằng gỗ bị máy bay không người lái Ukraine cho nổ tung: VideoAugust 10, 2023
- Video vụ nổ ở Nga cho thấy đám mây hình nấm khổng lồ gần MoscowAugust 9, 2023
- ISW đánh giá chiến dịch tấn công của nga ngày 9 tháng 8 năm 2023: *Tình trạng của tập đoàn Wagner *Ukraine hoạt động phản công trên ít nhất ba khu vực, tấn công ở một số khu vực *Nga mất kiểm soát nhiều nơiAugust 9, 2023
- Tại Đài Loan, Aso nói Nhật Bản phải thể hiện ‘ý chí chiến đấu’ để ngăn chặn Trung QuốcAugust 9, 2023
- Nhóm quân Nga Tomov bị Ukraine phục kích, hiện không biết ở đâu?August 9, 2023
- Tình hình ở Ukraine ngày 09.08.2023 (#532) của Bộ Ngoại Giao Ukraine *Đức chuyển giao thêm 2 bệ phóng Patriot *Latvia Tuyên bố G7 ủng hộ Ukraine *Nga nã pháo nhiều khu vực *Nga mất 251620 quân, 4262 xe tăng *Cháy nhà máy yểm trợ quân đội ở Nga *Thụy điển cung cấp Internet vệ tinh cho UkraineAugust 9, 2023