Thời sự Thứ Hai 15/4/2024: *Mỹ và Israel về trả đũa Iran *Mỹ sẽ huấn luyện tác chiến Philippines *Dân nhập tịch Mỹ ở 4 tiểu bang *Giáo hoàng Francis và bạo lực’ ở Trung Đông *Hàng không Mỹ chặn hk Trung Quốc *Thủ tướng Lý Hiển Long từ chức


Võ Thái Hà tổng hợp


TT Biden: Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc phản công của Israel nhắm vào Iran 

14/4/2024 

Reuters 

Tổng thống Biden trong một cuộc gặp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Biden trong một cuộc gặp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. 

Tổng thống Joe Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc phản công nào của Israel nhắm vào Iran, một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 14/4.

Iran đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel vào tối 13/4 để đáp trả cuộc tấn công mà Israel bị nghi thực hiện vào lãnh sự quán Iran ở Syria vào ngày 1/4.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 13/4 sau các cuộc tấn công, ông Biden cho biết ông đã nói với ông Netanyahu rằng Israel đã “chứng tỏ năng lực xuất sắc trong việc phòng thủ và đánh bại ngay cả những cuộc tấn công chưa từng có”.

Trong tuyên bố, ông Biden không cho biết liệu ông và ông Netanyahu có thảo luận về phản ứng của Israel hay sự tham gia tiềm tàng của Mỹ hay không.

Ông John Kirby, người phát ngôn hàng đầu về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, nói với chương trình “This Week” của ABC hôm 14/4 rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp Israel tự vệ nhưng không muốn chiến tranh với Iran.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có ủng hộ việc Israel trả đũa ở Iran hay không, ông Kirby nói rằng “cam kết” của Hoa Kỳ là “vững chắc” trong việc bảo vệ Israel và “giúp Israel tự vệ”.

“Và như tổng thống đã nói nhiều lần, chúng tôi không mưu tìm một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn trong khu vực. Chúng tôi không mưu tìm một cuộc chiến tranh với Iran. Và tôi nghĩ tôi sẽ dừng lại ở đó”, Kirby nói thêm.

“Chúng tôi không mưu tìm sự căng thẳng leo thang trong khu vực. Chúng tôi không mưu tìm một cuộc xung đột rộng hơn”.


Hoa Kỳ tiến thoái lưỡng nan về việc Irael trả đũa Iran

Chi Phương /RFI

15/4/2024

Trong bối cảnh Israel có thể trả đũa Iran sau khi bị oanh kích, Hoa Kỳ – đồng minh lớn nhất của Nhà nước Do Thái rơi vào thế « tiến thoái lưỡng nan » khi vừa muốn bày tỏ “ủng hộ chính phủ của thủ tướng Netanyahu hết mình”, vừa muốn tránh xảy ra chiến tranh với Iran, khiến căng thẳng leo thang, lan rộng trong khu vực. Cuối tuần vừa qua, Nhà Trắng đã cảnh báo Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc tấn công nhằm trả đũa Iran. 

U.S. President Joe Biden speaks on the phone with Israeli Prime Minister Benjamin Netanyahu in this White House handout image taken in the Oval Office in Washington, U.S., April 4, 2024.

(Ảnh minh họa) – Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 04/04/2024. via REUTERS – The White House 

Từ Houston, Hoa Kỳ, thông tín viên Thomas Harms cho biết thêm thông tin :

« Tổng thống Hoa Kỳ đã dành một phần thời gian hôm thứ Bẩy để họp với hội đồng an ninh ở Nhà Trắng và sáng Chủ Nhật thì họp qua điện đàm với các lãnh đạo G7. Nhưng ngay từ tối thứ Bảy, Joe Biden đã  gọi điện cho thủ tướng Israel. Lần nào cũng vậy, thông điệp của Biden rất rõ ràng : Tác động cuộc trả đũa của Iran, sau vụ Israel oanh kích vào sứ quán Iran ở Syria cách nay hai tuần, rất hạn chế.

Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh : Israel không nên đáp trả, Washington sẽ không ủng hộ sáng kiến có nguy cơ khiến xung đột lan rộng toàn khu vực. Hoa Kỳ không hề giảm bớt hỗ trợ dành cho Nhà nước Do Thái. Thông điệp đăng trên Twitter của Joe Biden đã nhắc lại lập trường này : « Trước các đe dọa từ Iran, cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của Israel rất vững chắc và không suy giảm » Thông điệp này đã được loan tải khắp các chương trình về chính trị trên truyền hình Mỹ bởi phát ngôn viên của Nhà Trắng, John Kirby : « Israel muốn đáp trả hay không hoặc theo cách nào, đó là quyết định của nước này và chúng tôi hiểu và tôn trọng quyết định đó. Tuy nhiên, lập trường tổng thống Hoa Kỳ đã rất rõ ràng : Chúng tôi không muốn có chiến tranh với Iran, chúng tôi không muốn căng thẳng leo thang nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ Israel.  »

Quân đội Hoa Kỳ đã tham gia hỗ trợ hệ thống phòng không « vòm sắt – Iron dome » của Israel, bảo vệ Nhà nước Do Thái và bắn hạ nhiều drone ở Syria, Iraq hay Jordanie. Các lực lượng hải quân và không quân cũng được điều đến khu vực để đề phòng phản ứng của Iran. »


Giáo hoàng Francis kêu gọi chấm dứt ‘vòng xoáy bạo lực’ ở Trung Đông 

14/4/2024 

Reuters

Giáo hoàng Francis.

Giáo hoàng Francis. 

Giáo hoàng Francis hôm 14/4 kêu gọi Iran và Israel tránh các bước đi có thể dẫn tới “vòng xoáy bạo lực”, có nguy cơ đẩy Trung Đông sâu hơn vào xung đột.

Trò chuyện với những người hành hương tại Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis nói rằng ông đã theo dõi tin tức về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào Israel với cảm giác lo lắng và đau buồn.

Ông nói: “Tôi chân thành kêu gọi hãy dừng mọi hành động có thể gây ra vòng xoáy bạo lực với nguy cơ kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột thậm chí còn lớn hơn”.

Iran đã phát động cuộc tấn công nhằm trả đũa cho một cuộc không kích mà Israel bị nghi thực hiện nhắm vào lãnh sự quán của nước này ở Syria hôm 1 tháng 4, giết chết các chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng và xảy ra sau nhiều tháng đụng độ giữa Israel và các đồng minh trong khu vực của Iran vì cuộc chiến ở Gaza.

Tuy nhiên, cuộc tấn công với hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái, chủ yếu được phóng từ bên trong Iran, chỉ gây ít thiệt hại ở Israel vì hầu hết đều bị bắn hạ với sự trợ giúp của Mỹ, Anh và Jordan.

“Không ai được đe dọa sự tồn tại của người khác. Thay vào đó, tất cả các quốc gia nên đứng lên vì hòa bình và giúp đỡ người Israel và Palestine sống ở hai quốc gia cạnh nhau trong an toàn”, Giáo hoàng Francis nói thêm.

Ông kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và đàm phán để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân và giúp giải thoát các con tin Israel bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10.

Ông nói: “Chiến tranh đủ rồi, tấn công đủ rồi, bạo lực đủ rồi. Nói có với đối thoại, với hòa bình”.


Quân đội Mỹ sẽ tổ chức huấn luyện tác chiến ở Philippines giữa căng thẳng hàng hải 

10/4/2024 

AP 

Thiếu tướng Marcus Evans, tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 25 của Quân đội Hoa Kỳ, ngày 7/4/2024 nói Khoảng 2.000 binh sĩ Hoa Kỳ và Philippines sẽ tham gia các cuộc tập trận ở miền bắc Philippines vào tháng 6/2024.

Thiếu tướng Marcus Evans, tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 25 của Quân đội Hoa Kỳ, ngày 7/4/2024 nói Khoảng 2.000 binh sĩ Hoa Kỳ và Philippines sẽ tham gia các cuộc tập trận ở miền bắc Philippines vào tháng 6/2024. 

Quân đội Hoa Kỳ đang triển khai một cuộc huấn luyện chiến trường chung ở Philippines để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bao gồm việc đảm bảo cung cấp đầy đủ đạn dược và các nhu cầu khác trong điều kiện khó khăn ở rừng nhiệt đới và trên các hòn đảo rải rác, một tướng Mỹ cho biết.

Chính quyền Biden đã và đang củng cố một vòng cung liên minh quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc tốt hơn, bao gồm cả bất kỳ cuộc đối đầu nào về Đài Loan trong tương lai. Hoa Kỳ có động thái phù hợp với những nỗ lực của Philippines nhằm tăng cường phòng thủ lãnh thổ trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên thường xuyên.

Khoảng 2.000 binh sĩ Hoa Kỳ và Philippines sẽ tham gia các cuộc tập trận kéo dài nhiều ngày với sự hỗ trợ của trực thăng và hỏa lực pháo binh chống lại kẻ thù có vũ trang trong khu rừng rậm ở miền bắc Philippines vào tháng 6, Thiếu tướng Marcus Evans, tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 25 của Quân đội Hoa Kỳ, nói ngày 7/4.

Cuộc huấn luyện chiến đấu sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Philippines theo yêu cầu của Manila. Tướng Evans nói, không rõ liệu hai đồng minh hiệp ước lâu năm có quyết định biến cuộc diễn tập thành một cuộc tập trận thường niên hay không.

Cuộc tập trận từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 6 năm nay diễn ra sau khi kết thúc hai cuộc tập trận liên tiếp lớn hơn giữa hai lực lượng đồng minh – cuộc tập trận Salaknib, khai diễn ngày 8/4, và cuộc tập trận Balikatan, sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4 và bao gồm khoảng 16.000 quân Mỹ và Philippines. Một số nước trong đó có Nhật Bản sẽ cử quan sát viên.

Ông Evans nói với AP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng thiên tai và đó là điều mà cuộc huấn luyện này mang lại cho chúng tôi cơ hội thực hiện”. “Mặc dù chúng tôi cảm thấy tự tin vào lộ trình huấn luyện và sự sẵn sàng tổng thể của mình, nhưng đó là điều mà chúng tôi không bao giờ có thể tự mãn.”

Cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu vào tháng 6 “cung cấp một cơ sở tuyệt vời để chúng tôi nâng cao hơn về khả năng sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quan hệ đối tác và sau đó củng cố chuyên môn quân sự của chúng ta bằng cách làm việc cùng nhau trong một môi trường rất đầy thách thức”, ông Evans nói.

Ông Evans nói: “Đó thực sự là một cách để binh lính, lãnh đạo và các đơn vị có thể nhìn thấy chính mình trong một kịch bản môi trường tác chiến mô phỏng.”

Ông cho biết, quá trình huấn luyện chiến đấu trước đây ở Hawaii đã giúp các đơn vị chiến đấu nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn chia sẻ thông tin tốt hơn cũng như cải thiện khả năng chịu đựng chiến đấu. Nó củng cố “khả năng duy trì hoạt động của chúng ta trong môi trường rừng rậm và quần đảo vì không có đường dây liên lạc trên mặt đất, vì vậy chúng ta phải phụ thuộc nhiều vào các khí tài trên không hoặc trên biển để có thể vận chuyển nguồn cung cấp”.

Trung Quốc kịch liệt phản đối việc tăng cường triển khai lực lượng Mỹ ở châu Á, trong đó có ở Philippines. Bắc Kinh cho rằng sự hiện diện quân sự như vậy đang gây nguy hiểm cho sự hòa hợp và ổn định trong khu vực.

Năm ngoái, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã bênh vực quyết định cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại nhiều căn cứ quân sự của Philippines theo hiệp ước quốc phòng năm 2014, nói rằng điều này rất quan trọng đối với việc bảo vệ lãnh thổ của đất nước ông.

Trung Quốc đã cảnh báo sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ sẽ “kéo Philippines vào vực thẳm của xung đột địa chính trị”.


Hơn một nửa số người sinh ra ở ngoại quốc tại Hoa Kỳ sinh sống ở chỉ 4 tiểu bang và một nửa là công dân nhập tịch 

Do Mike Schneider của The Associated Press thực hiện – Cẩm An lược dịch

Hơn một nửa số người sinh ra ở ngoại quốc tại Hoa Kỳ sinh sống ở chỉ 4 tiểu bang và một nửa là công dân nhập tịch

Những phụ nữ đại diện cho hơn 20 quốc gia tham gia Lễ Nhập tịch ở San Antonio hôm 08/03/2024. (Ảnh: AP Photo/Eric Gay, Ảnh tư liệu) 

The Associated Press

The Associated Press 

Thứ hai, 15/4/2024 

ORLANDO, Florida—Theo một báo cáo mới do Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ công bố hôm thứ Ba (09/04), hơn một nửa số cư dân sinh ra ở ngoại quốc tại Hoa Kỳ sống ở chỉ bốn tiểu bang—California, Texas, Florida, và New York—và số lượng người này ngày càng lớn tuổi hơn và có trình độ học vấn cao hơn trong hơn chục năm qua. 

Theo số liệu từ chương trình Khảo sát Cộng đồng Hoa Kỳ của cục này, trong năm 2022, bộ phận dân số sinh ra ở ngoại quốc ước tính là 46.2 triệu người, tương đương gần 14% dân số Hoa Kỳ, với hầu hết các tiểu bang đều chứng kiến mức tăng phần trăm hai con số trong chục năm qua. 

Ở California, New Jersey, New York, và Florida, những người sinh ra ở ngoại quốc chiếm hơn 20% dân số của mỗi tiểu bang này. Họ chiếm 1.8% dân số West Virginia, tỷ lệ nhỏ nhất ở Hoa Kỳ. 

Một nửa số cư dân sinh ra ở ngoại quốc tại Hoa Kỳ đến từ Mỹ Latinh, mặc dù thành phần của họ đã thay đổi trong hơn chục năm qua, với những người đến từ Mexico giảm khoảng 1 triệu người và những người đến từ Nam Mỹ và Trung Mỹ tăng thêm 2.1 triệu người. 

Tỷ lệ cư dân ngoại quốc đến từ châu Á đã tăng từ hơn một phần tư xuống gần một phần ba trong thời gian đó, trong khi tỷ lệ người gốc Phi tăng từ 4% lên 6%. 

Báo cáo trên được công bố khi nhập cư đã trở thành vấn đề hàng đầu trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, với việc chính phủ Tổng thống Biden đang gặp khó khăn trong việc quản lý dòng người di cư chưa từng có ở biên giới Tây Nam. Nhập cư đang định hình các cuộc bầu cử theo cách mà có thể xác định quyền kiểm soát Quốc hội khi Đảng Dân Chủ cố gắng đánh bại Đảng Cộng Hòa và thuyết phục cử tri rằng họ có thể giải quyết các vấn đề ở biên giới của Hoa Kỳ với Mexico. 

Báo cáo của Cục Thống kê Dân số không đưa ra ước tính về số người đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. 

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy hơn một nửa số người sinh ở ngoại quốc là công dân nhập tịch, trong đó người sinh ra ở châu Âu và châu Á dẫn đầu với tỷ lệ nhập tịch rơi vào khoảng 2/3 số lượng những người này. Khoảng hai phần ba số cư dân sinh ở ngoại quốc này đã đến Hoa Kỳ trước năm 2010.

Những cư dân sinh ra ở ngoại quốc này đã già đi trong một chục năm qua, phản ánh tuổi thọ của một số người ở Hoa Kỳ, với độ tuổi trung bình tăng 5 tuổi lên 46.7 tuổi. Từ năm 2010 đến năm 2022, họ cũng có trình độ học vấn cao hơn với tỷ lệ người sinh ra ở ngoại quốc có ít nhất một bằng cấp trung học tăng từ hơn 2/3 lên 3/4 bộ phận dân số này.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ làm gián điệp cho Cuba cộng sản lãnh 15 năm tù

Thanh Nguyên lược dịch

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/id5598516-Victor-Manuel-Rocha-OP-1080x720-1.jpg

Tổng thống Bolivia Hugo Banzer bắt tay ông Victor Manuel Rocha (phải), Đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia, trong buổi lễ tại Cung điện Chính phủ ở La Paz, Bolivia, vào ngày 03/08/2000. (Ảnh: Reuters) 

Một cựu đại sứ Hoa Kỳ, người có quyền truy cập vào thông tin tuyệt mật của chính phủ, đã bị kết án 15 năm tù sau khi nhận tội làm việc trong nhiều thập niên cho cơ quan gián điệp của nhà nước Cuba do cộng sản điều hành.

Theo Bộ Tư pháp (DOJ), ông Victor Manuel Rocha, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia và là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc (NSC), đã được cơ quan tình báo Cuba tuyển dụng vào năm 1973.

Hôm 12/04, ông Rocha đã đồng ý một thỏa thuận nhận tội, thừa nhận đã bí mật hoạt động với vai trò là đặc vụ của chính quyền Cuba trong 40 năm đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ được ủy thác khác nhau cho phép ông tiếp cận thông tin mật và có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Một thẩm phán sau đó đã tuyên án mức hình phạt tối đa theo luật định là 15 năm tù dành cho ông. 

Theo các điều khoản của thỏa thuận nhận tội, ông Rocha còn phải nộp phạt 500,000 USD, chịu ba năm quản chế có giám sát, và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ trong việc đánh giá thiệt hại do công việc của ông thay mặt cho chế độ Cuba gây ra.

Ông cũng bị tước bỏ tất cả các khoản trợ cấp hưu trí trong tương lai, bao gồm cả các khoản thanh toán lương hưu, phát sinh từ công việc trước đây của ông tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và ông phải chuyển giao mọi khoản lợi nhuận trong tương lai mà ông có thể kiếm được từ việc viết một cuốn sách về hành vi phạm tội của mình hoặc từ bất kỳ ấn phẩm nào khác liên quan đến hoạt động gián điệp của mình.

Mặc dù ông Rocha giữ bí mật tư cách là một đặc vụ Cuba trong nhiều thập niên, bao gồm cả việc cung cấp thông tin sai lệch cho các đặc vụ của chính phủ Hoa Kỳ để che đậy dấu vết, thì hoạt động của ông cuối cùng đã bị phát hiện khi ông tiết lộ thông tin cho một đặc vụ FBI chìm đóng giả là điệp viên Cuba.

Ngoài chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia từ năm 2000 đến năm 2002, ông Rocha còn giữ chức Phó Thư ký Trưởng của Ban Lợi ích Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao tại Havana, Cuba, từ năm 1995 đến năm 1997. 

DOJ cho biết sau khi công việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết thúc, ông đã tham gia vào nhiều hoạt động khác nhằm giúp đỡ cơ quan gián điệp của Cuba.

Bộ Tư pháp cho biết ông Rocha đã ca ngợi cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro và gọi những đầu mối liên lạc của ông trong cơ quan tình báo Cuba là “Compañeros,” nghĩa là các đồng chí.

DOJ cho biết, “Ông Rocha mô tả công việc của mình với vai trò là một đặc vụ Cuba là ‘vĩ đại … Hơn cả một chiến thắng,’ và khẳng định rằng những gì ông làm đã ‘củng cố Cuộc cách mạng… một cách mạnh nhẽ.’”

Ảnh tư liệu của ông Victor Manuel Rocha, người từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia từ năm 2000 đến năm 2002, được thấy trong cuộc phỏng vấn với một đặc vụ FBI chìm ở Miami, Florida, vào ngày 17/02/2023. (Ảnh: Tòa án Địa hạt Liên bang/Địa hạt Nam Florida /Bản tin phát tay qua Reuters)

Ảnh tư liệu của ông Victor Manuel Rocha, người từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia từ năm 2000 đến năm 2002, được thấy trong cuộc phỏng vấn với một đặc vụ FBI chìm ở Miami, Florida, vào ngày 17/02/2023. (Ảnh: Tòa án Địa hạt Liên bang/Địa hạt Nam Florida /Bản tin phát tay qua Reuters) 

Bản cáo trạng truy tố ông cho thấy ông có giấy phép an ninh cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, cho phép ông truy cập vào thông tin tuyệt mật.

Hôm thứ Sáu (12/04), các công tố viên cho biết việc đánh giá thiệt hại từ hành động của ông Rocha vẫn đang được tiến hành và có thể không bao giờ biết được toàn bộ mức độ thiệt hại từ hành động của ông.

Ông David Newman, một quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của DOJ, cho biết trong một cuộc họp báo sau khi tuyên án rằng hành động của ông Rocha là “sự phản bội lại người dân Mỹ một cách đáng kinh ngạc,” và vụ án này là lời nhắc nhở về các nguy cơ gián điệp mà nước Mỹ phải đối mặt từ nhiều quốc gia. 

IMF và WB tổ chức hội nghị chung thường niên

Các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính khắp thế giới đang tập trung về Washington, DC để tham dự các cuộc họp mùa xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới. Trong tuần tới, giữa các bữa tối tại đại sứ quán và các buổi gặp mặt của các tổ chức tư vấn, các cuộc thảo luận sẽ chuyển sang chủ đề tài trợ khí hậu. Các nhà hoạch định chính sách đồng ý rằng các nước nghèo cần nhiều tiền hơn để giải quyết hậu quả của ấm lên toàn cầu. Các nước có thu nhập trung bình, như Indonesia và Nam Phi, đang yêu cầu thêm tiền để ngừng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng than và dầu.

Một ý tưởng nhằm bù đắp sự thiếu hụt là tăng nguồn lực của Ngân hàng Thế giới, một đề xuất đã bị cản trở bởi những bất đồng về địa chính trị giữa các thành viên. Một quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại đã được thảo luận trong hơn mười năm qua, nhưng các nước giàu vẫn chưa quyên góp số tiền cần thiết để bắt đầu quỹ. Các cuộc họp mùa xuân vẫn là một diễn đàn quan trọng để thảo luận về những ý tưởng lớn — ngay cả khi có rất ít ý tưởng thành công.

Hồng Kông tuyên truyền về Luật An ninh Quốc gia

Vào thứ Hai, Hồng Kông đánh dấu Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia của Trung Quốc, vốn cũng được tổ chức ở đại lục. Sự kiện toàn thành phố này có mục đích tạo ra ấn tượng tích cực về luật an ninh quốc gia hà khắc của Trung Quốc, với các nghi lễ chào cờ, lễ hội hóa trang, và các buổi biểu diễn tài năng trẻ. Chính phủ hy vọng những điều này sẽ nuôi dưỡng “ý thức về bản sắc dân tộc.”

Vào ngày 19 tháng 3, Hồng Kông đã thông qua luật an ninh quốc gia của riêng mình, được gọi là Điều 23. Luật này trùng lặp với luật mà chính quyền trung ương Trung Quốc áp đặt lên lãnh thổ vào năm 2020 sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Nó khiến những người theo chủ nghĩa tự do lo lắng. Bất cứ ai bị buộc tội phạm luật cũng có thể bị từ chối tiếp cận luật sư. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế có thể được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, và báo chí có thể bị coi là tội phạm.

Khi chính phủ lần đầu tiên cố gắng thông qua Điều 23 vào năm 2003, nó đã gây ra những cuộc phản đối lớn đến mức các nhà lập pháp phải lùi bước. Nhưng ngày nay, một trong số ít cách còn lại để thể hiện sự bất đồng chính kiến là tránh tham gia lễ kỷ niệm.

Phiên toà xử vụ bịt miệng sao khiêu dâm của Trump bắt đầu thủ tục

Vào thứ Hai, tại một phòng xử án ở khu hạ Manhattan, tiến trình lựa chọn bồi thẩm đoàn cho phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu. Donald Trump bị cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để che giấu số tiền trả cho Stormy Daniels, một ngôi sao khiêu dâm, trước cuộc bầu cử năm 2016. Công tố quận Manhattan cáo buộc rằng khoản tiền trả này thực chất là một khoản đóng góp bất hợp pháp cho chiến dịch vì nó được thực hiện để tác động đến kết quả bỏ phiếu và chưa bao giờ được công bố. Ông Trump phủ nhận hành vi sai trái; luật sư của ông nói rằng việc đó không có gì bất hợp pháp.

Phiên tòa sẽ kéo dài tới tám tuần và có sự tham gia của những nhân vật từng nằm trong quỹ đạo của ông Trump. Các nhân chứng có thể bao gồm một cựu nhà xuất bản báo lá cải, David Pecker, và luật sư của cựu tổng thống, Michael Cohen. Cô Daniels cũng sẽ ra làm chứng. Một bản án có tội có thể sẽ không dẫn đến án tù. Câu hỏi thực sự là liệu nó có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 hay không. Bất chấp sự huyên náo trên mặt báo, đa số người Mỹ nói với những người thăm dò ý kiến rằng họ nghĩ là không.

Khủng hoảng nhân đạo Sudan vượt khỏi tầm kiểm soát

Cuộc nội chiến ở Sudan đã vượt qua mốc một năm vào thứ Hai. Cuộc tranh giành quyền lực giữa lực lượng vũ trang Sudan, do Tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy, và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, một đơn vị bán quân sự dưới sự chỉ huy của lãnh chúa Darfuri tên là Hemedti, đang rơi vào bế tắc. Cuộc xung đột trên toàn quốc đã tạo ra khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, khiến Sudan trở thành nước có số người tị nạn nội địa cao hơn bất kỳ nước nào khác. Các cơ quan viện trợ trong nước chỉ nhận được 5% số tiền tài trợ mà họ cho là cần thiết.

Nếu không có gì thay đổi trong những tháng tới, hàng trăm nghìn người có thể chết đói. Phần lớn Sudan đã bị mất mùa năm ngoái, làm cho giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản tăng tới 83%. Các nhân viên cứu trợ ước tính rằng trong một trại tị nạn ở khu vực phía tây Darfur, cứ hai giờ lại có một đứa trẻ chết vì đói hoặc các bệnh liên quan. Vụ thu hoạch năm nay có thể sẽ lặp lại như năm ngoái, thậm chí tàn khốc hơn.


Các hãng hàng không Mỹ kiến nghị không cho Trung Quốc tăng số chuyến bay đến Hoa Kỳ 

12/4/2024 

AP 

American Airlines là một trong những hãng hàng không Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Trung Quốc

American Airlines là một trong những hãng hàng không Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Trung Quốc 

Các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số công đoàn hàng không đang kiến nghị chính quyền Biden ngừng phê duyệt thêm bất kỳ chuyến bay nào nối giữa Mỹ và Trung Quốc vì điều mà họ gọi là chính sách “phi cạnh tranh” mà Trung Quốc đang áp lên các hãng hàng không Mỹ.

Các hãng hàng không và công đoàn hôm 11/9 cho biết rằng Trung Quốc đã đóng cửa thị trường đối với các hãng hàng không Mỹ khi đại dịch bùng phát và áp đặt các quy tắc mà đến nay vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động và phi hành đoàn của các hãng hàng không Mỹ.

“Những hành động này cho thấy chính phủ Mỹ rõ ràng cần phải thiết lập chính sách bảo vệ các nhân viên hàng không, ngành hành không và hành khách đi lại bằng đường hàng không của Mỹ,” họ viết trong một bức thư gửi đến Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg.

Bức thư được ký bởi Giám đốc điều hành của tổ chức thương mại Airlines for America và các chủ tịch của Hiệp hội Phi công Hàng không và Hiệp hội Phi công Liên minh, vốn đại diện cho phi hành đoàn tại hãng American Airlines và Hiệp hội Tiếp viên Hàng không.

Các hãng hàng không Mỹ cho biết các hãng hàng không Trung Quốc có được lợi thế với việc bay tuyến ngắn hơn băng qua không phận Nga, mà các hãng hàng không Mỹ đã không thể bay qua kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hơn hai năm trước. Họ còn cho rằng các hãng hàng không Trung Quốc cũng được sự “bảo hộ nhất định” từ chính phủ Trung Quốc vì họ thuộc sở hữu nhà nước.

Các hiệp hội hàng không Mỹ viết trong bức thư rằng nếu không được tiếp cận bình đẳng thị trường hàng không Trung Quốc thì các hãng hàng không Mỹ sẽ mất các chuyến bay vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Các chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ – vốn là một điểm tranh chấp trong đại dịch COVID-19 – đã trở thành một lĩnh vực hợp tác hiếm hoi giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, các hãng hàng không Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng chuyến bay một cách nhanh chóng của các hãng Trung Quốc.

Các hãng hàng không Mỹ lo rằng chính quyền Biden có thể tăng hoặc thậm chí nâng gấp đôi số chuyến bay lên 100 chuyến mỗi tuần cho các hãng hàng không Trung Quốc được phép bay đến Mỹ.

Trong một diễn biến riêng rẽ, dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Hạ viện, và dân biểu Raja Krishnamoorthi, lãnh đạo Dân chủ trong ủy ban hôm 10/4 đã gửi thư kêu gọi chính quyền Biden không phê duyệt thêm các chuyến bay cho đến khi Trung Quốc tuân thủ “các thỏa thuận song phương hiện hành và nhu cầu hành khách bắt đầu phục hồi.”

Các vị dân biểu này cho biết các hãng hàng không Trung Quốc “khai thác các tuyến đường hàng không với lợi thế thương mại phi cạnh tranh nên họ không nên được cho tăng số chuyến bay mà không có sự cân bằng có qua có lại về số các tuyến bay mà các hãng hàng không Mỹ được khai thác đến Trung Quốc.”


Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo từ chức, chuyển quyền cho cấp phó

Thủ tướng Lý Hiển Long (trái) sẽ từ nhiệm vào tháng 5; Phó Thủ tướng Lawrence Wong lên thay.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Lý Hiển Long (trái) sẽ từ nhiệm vào tháng 5; Phó Thủ tướng Lawrence Wong lên thay.

3 giờ trước

Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore thông báo sẽ rời nhiệm sở vào ngày 15/5/2024. Lên thay ông sẽ là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Lawrence Wong.

Văn phòng Thủ tướng Singapore hôm nay (15/4) đã thông báo: “Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Ông sẽ chính thức tham mưu cho Tổng thống bổ nhiệm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong kế nhiệm ông. Phó Thủ tướng Wong nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nghị sĩ Đảng Hành động Nhân dân.”

Ông Lý Hiển Long, sinh 1952, làm thủ tướng Singapore từ ngày 12/8/2004.

Ông là con trai của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã làm thủ tướng Singapore trong 31 năm 176 ngày, từ năm 1959 đến 1990.

Ông Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015.

Ông Lawrence Wong sinh năm 1972, làm phó thủ tướng từ năm 2022 và bộ trưởng Thương mại từ năm 2021. Tên tiếng Hoa của ông là Hoàng Tuần Tài.

Theo Văn phòng Thủ tướng Singapore, tân thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức vào lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 15/5/2024 tại Istana, tức Phủ Tổng thống Singapore.

Đây là lần đầu tiên quốc đảo Singapore có sự thay đổi lãnh đạo trong 20 năm qua.

Trước đó, ông Lý Hiển Long, 72 tuổi, từng nói rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trước ngày 21/11/2024, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập của đảng cầm quyền – Đảng Hành động Nhân dân (PAP).

Sau khi đảm nhiệm chức vụ mới, ông Lawrence Wong sẽ dẫn dắt PAP tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2025.

Đảo quốc Singapore tổng cộng đã có ba thủ tướng kể từ khi giành độc lập vào năm 1965 và tất cả đều có thời gian tại vị tương đối lâu, bao gồm: ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng từ 1959 đến 1990; ông Goh Chok Tong làm thủ tướng từ 1990 đến 2004; ông Lý Hiển Long làm thủ tướng từ năm 2004 đến nay.

Ông Lý Hiển Long lên nắm quyền vào năm 2004. Ông là con trai của ông Lý Quang Diệu – vị thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Ông Lý Hiển Long từng dự tính rời cương vị thủ tướng, nhường lại sự lãnh đạo lại cho đội ngũ “thế hệ thứ tư” (4G) của PAP vào năm 2022, trước khi ông tròn 70 tuổi.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi kế hoạch này, ông Lý cho biết.

Tháng 4/2022, ông Lawrence Wong được ủng hộ trở thành lãnh đạo của đội ngũ thế hệ thứ tư.

Kể từ đó, ông bắt đầu tham gia định hình các chính sách chủ chốt và đường lối ngoại giao của đất nước. Ông cũng kiêm chức vụ Bộ trưởng Tài Chính Singapore.

Thủ tướng Singapore sắp tới là ai?

Ông Lawrence Wong (phải) dẫn ngài William, Thân vương xứ Wales, tham quan phong cảnh thiên nhiên của Singapore vào tháng 11/2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Lawrence Wong (phải) dẫn Hoàng tử William, Thân vương xứ Wales, tham quan phong cảnh thiên nhiên của Singapore vào tháng 11/2023

Ông Lawrence Wong, 52 tuổi, sinh tại Singapore, nhưng có gốc gác Hải Nam, Trung Quốc.

Ông là Phó Tổng thư ký Đảng Hành động Nhân dân.

Lawrence Wong không xuất thân từ tầng lớp tinh hoa. Cha ông là một người bán hàng cấp quản lý còn mẹ là giáo viên tiểu học.

Lawrence Wong học ngành kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ theo chương trình học bổng của Ủy ban Dịch vụ Công Singapore.

Ông từng là chánh thư ký của Thủ tướng Lý Hiển Long từ năm 2005 đến năm 2008.

Năm 2011, ông chính thức bước vào chính trường sau khi được bầu làm đại biểu khu vực Boon Lay, thuộc đơn vị bầu cử West Coast (Tây Hải Ngạn).

Chức vụ chính trị đầu tiên của ông là quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng.

Quá trình thăng tiến của ông Lawrence Wong được đánh giá là chậm mà chắc, qua nhiều cấp bậc với các chức vụ ở nhiều bộ khác nhau, gồm cả Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, nơi ông được bổ nhiệm làm quyền bộ trưởng hồi năm 2012 và được chính thức giữ chức bộ trưởng sau hai năm.

Trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2015, ông chuyển sang tranh cử ở đơn vị bầu cử Marsiling-Yew Tee mới thành lập.

Sau cuộc bầu cử, ông giữ chức bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia từ năm 2015 cho đến tháng 7 năm 2020.

Tới năm 2021, vị trí Bộ trưởng Tài chính của ông Heng Swee Keat đã được trao cho Lawrence Wong. Một điều đáng chú ý, ông Lý Hiển Long và người tiền nhiệm Goh Chok Tong đều từng là bộ trưởng tài chính trước khi lên làm thủ tướng.

Trong đại dịch Covid-19, ông Lawrence Wong được đánh giá là đã có những thành công khi đảm nhận vị trí đồng chủ tịch một hội đồng mà sau này gọi là lực lượng đặc trách chống Covid-19. Giới chuyên gia đánh giá rằng đây là cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông.

Phó Thủ tướng Lawrence Wong được đánh giá là người “bình tĩnh trong suốt cuộc khủng hoảng khi ông đứng ra giải thích các chính sách một cách rõ ràng và điềm đạm,” theo Strait Times.

Báo chí Singapore còn mô tả ông là một người yêu âm nhạc. Ông hay chơi đàn ghita từ năm 8 tuổi và đã có những video vị phó thủ tướng đàn hát được lan truyền trên mạng xã hội.

Ông cũng là người có niềm đam mê xe phân khối lớn và yêu chó.


Comments are closed.