Thời sự Thứ năm 04/4/2024: *Cúm gia cầm trong bò sữa *TQ và Vịnh Bắc Bộ *Phi châu và nạn đói *Trung Quốc và Việt Nam, Lào, Đông Timor *AI TQ chống Mỹ *TNS Dân Chủ đổi sang Cộng Hòa 


Võ Thái Hà tổng hợp


Những điều cần biết về cúm gia cầm trong bò sữa và nguy cơ đối với con người 

04/4/2024 

Reuters 

Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 25/3/2024 cho biết sữa từ bò sữa ở Texas và Kansas xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 25/3/2024 cho biết sữa từ bò sữa ở Texas và Kansas xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm. 

Các quan chức Texas đầu tuần này cho biết một công nhân nông trại xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm H5N1 vốn đang lây lan cho bò sữa ở Texas, Kansas, New Mexico, Michigan và Idaho. Đây là lần đầu tiên loại virus gia cầm này lây nhiễm sang gia súc.

Các quan chức y tế và các nhà khoa học cho biết nguy cơ đối với con người vẫn còn thấp, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi phía trước.

Cúm gia cầm đáng ngại cỡ nào?

Trường hợp ở Texas là lần thứ hai bệnh cúm gia cầm được xác nhận nơi người tại Hoa Kỳ, với lần đầu tiên xảy ra vào năm 2022 ở Colorado khi một người tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh. Cả hai trường hợp đều nhiễm nhẹ.

Triệu chứng duy nhất của người công nhân nông trại ở Texas là viêm kết mạc hoặc đỏ mắt. Ông đang được điều trị bằng Tamiflu, loại thuốc được dùng để điều trị bệnh cúm ở người.

Các ca nhiễm này đều xuất phát từ cùng một loại cúm gia cầm đã lây nhiễm cho các đàn chim hoang dã và gia cầm trên toàn cầu trong hơn hai năm, đồng thời giết chết một số loài động vật có vú có thể nhiễm virus do ăn phải gia cầm ốm hoặc chết.

Nguy cơ của cúm gia cầm là gì?

Một số đợt bùng phát cúm gia cầm đã gây ra các ca nhiễm bệnh nghiêm trọng hoặc chết người nơi những ai tiếp xúc gần gũi với chim hoang dã hoặc gia cầm. Hiện tại, H5N1 không có khả năng lây lan dễ dàng ở người, nhưng các nhà khoa học đã cảnh giác về những thay đổi có thể tạo điều kiện cho lây lan sang người và gây ra đại dịch.

Bác sĩ Thomas Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết trường hợp ở Texas “không làm thay đổi nguy cơ chung về một đại dịch lớn”, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ trường hợp mới nào cũng cần được điều tra để đảm bảo nó không lây từ người sang người. 

Một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết đối với hầu hết những người không tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh thì nguy cơ này là rất thấp.

CDC đã phân tích trình tự gen di truyền của virus ở gia súc bị nhiễm bệnh và người chăn nuôi bò sữa và xác định rằng thiếu những biến đổi giúp virus thích nghi tốt hơn để lây truyền giữa các động vật có vú.

Cúm gia cầm có ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm không?

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguy cơ sữa bị ô nhiễm đến tay người tiêu dùng là “không đáng lo ngại” vì quá trình thanh trùng có thể tiêu diệt virus và sữa từ những con bò bị bệnh không được bán.

CDC tiếp tục cảnh báo rằng mọi người chớ nên tiêu thụ sữa hoặc phô mai chưa qua tiệt trùng vì chúng có thể chứa một số mầm bệnh.

Tại thời điểm này, không có con bò thịt nào được biết là bị nhiễm virus cúm gia cầm.

Có vắc-xin cúm gia cầm cho con người không?

Ông Inglesby cho biết, Mỹ có một kho dự trữ vắc-xin cúm gia cầm phù hợp với chủng hiện đang lưu hành, cũng như các loại thuốc chống virus có thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ở người. Ông nói, nếu xảy ra một trận dịch lớn hoặc một đại dịch, Hoa Kỳ sẽ phải mở rộng quy mô “một cách khổng lồ”.

Một quan chức cho biết CDC có mẫu hoặc “giống” các chủng virus mà các nhà sản xuất có thể sử dụng để tạo ra nhiều loại vắc-xin phù hợp hơn với loại virus đang lưu hành.

Các nhà cung cấp vắc-xin cúm Sanofi, GlaxoSmithKline và CSL Seqirus cho biết trong tuyên bố rằng họ đang theo dõi bệnh cúm gia cầm và sẵn sàng phát triển vắc-xin cúm gia cầm khi cần thiết.

Bò bị nhiễm H5N1 như thế nào?

Ông Richard Webby, nhà virus học tại Bệnh viện nghiên cứu nhi đồng St. Jude ở Memphis, Tennessee, cho biết vẫn chưa rõ làm thế nào những con bò bị nhiễm bệnh, bao nhiêu con đã bị nhiễm bệnh hoặc virus đã lây lan sang các đàn khác như thế nào, nhưng nói có “bằng chứng hợp lý rằng đã có sự lây lan từ bò sang bò.”


Đường cơ sở của Trung Quốc ‘ảnh hưởng tự do đi lại’ trên Vịnh Bắc Bộ 

04/4/2024 – VOA Tiếng Việt 

Vịnh Bắc Bộ là vùng biển nằm giữa miền Bắc của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam của Trung Quốc

Vịnh Bắc Bộ là vùng biển nằm giữa miền Bắc của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam của Trung Quốc 

Mặc dù đường cơ sở mà Trung Quốc mới công bố trên Vịnh Bắc Bộ không làm thay đổi thực tế vùng biển đã được phân định với Việt Nam, nhưng nó có thể đặt ra thách thức đối với việc tự do đi lại trong vùng biển này, các nhà phân tích nói với VOA.
Bắc Kinh hồi đầu tháng trước đã công bố bảy điểm cơ sở dùng để nối thành các đường cơ sở thẳng trên Vịnh Bắc Bộ, vùng biển mà Bắc Kinh và Hà Nội đã phân định từ cách nay hơn 20 năm.
Đường cơ sở, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là đường do các quốc gia ven biển vẽ để làm cơ sở phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó, vốn kéo rộng lần lượt là 12, 200 và tối đa 300 hải lý tính từ đường cơ sở.

‘Không gây tranh chấp’

Bắc Kinh nói rằng đường cơ sở mà họ mới vẽ ở Vịnh Bắc bộ, mà họ gọi là Bắc Bộ Loan, ‘tuân thủ nghiêm ngặt các bộ luật nội địa, luật quốc tế và các hiệp định song phương’ và ‘không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ nước nào khác’, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/3 do tờ Hoàn cầu Thời báo đăng tải.

Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/3 nhấn mạnh rằng ‘các nước ven biển cần tuân thủ UNCLOS khi vẽ đường cơ sở’ và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ.

Kể từ khi hiệp định này được ký kết hồi năm 2000 và có hiệu lực từ năm 2004, Vịnh Bắc bộ đã trở nên bình yên và không có tranh chấp, hoàn toàn khác với tình trạng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, bà Hằng không bác bỏ đường cơ sở của Trung Quốc và cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu nó có đe dọa hiệp định đã được ký kết hay không.
“Nói nôm na là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết và chỉ có như thế mà thôi cho nên không thể vượt quá được, cho dù Trung Quốc có vẽ đường cơ sở gần hay xa đi chăng nữa thì cũng không làm thay đổi vùng biển mà hai bên đã phân định,” ông Hoàng Việt, giảng viên tại Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh vốn theo dõi chặt chẽ tình hình trên Biển Đông, nói với VOA.
Theo lời ông thì cho dù Trung Quốc có muốn đi nữa thì họ cũng không thể thay đổi được hiệp định mà họ đã đặt bút ký.
“Hiệp định đó đã phân định rồi, và hai bên đã ký kết, và bước quan trọng nhất là Quốc hội hai bên đã thông qua, nếu mà muốn thay đổi phải được sự đồng ý của Quốc hội hai bên, cho nên rất khó.”
Ông Raymond Powell, trưởng nhóm về Biển Đông tại Trung tâm Gordian Knot về Sáng tạo An ninh Quốc gia thuộc đại học Standford, cũng cho rằng đường cơ sở này của Bắc Kinh ‘không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệp định năm 2000’.
“Tôi không nghĩ nó tạo ra nguy cơ có thêm tranh chấp ở Vịnh Bắc bộ,” ông Powell nói với VOA.
Đường cơ sở thẳng
Tuy nhiên, cả hai ông Hoàng Việt và Raymond Powell đều có chung nhận định rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ luật quốc tế khi công bố đường cơ sở này.
UNCLOS quy định rằng đường cơ sở phải đi theo đường bờ biển và đường cơ sở thẳng chỉ được vẽ khi nào đường bờ biển quá khúc khuỷu. Đường cơ sở cũng được vẽ bao quanh những hòn đảo gần bờ biển nhưng ‘không được phép đi quá xa cách hướng đi tổng thể của đường bờ biển’.
“Trung Quốc đã vẽ đường cơ sở thẳng từ bờ biển của họ nối với một vài hòn đảo ngoài khơi để nới rộng vùng biển của họ một cách bất hợp pháp,” ông Powell cho biết. “UNCLOS không cho phép vẽ đường cơ sở thẳng trừ những trường hợp cực đoan, chắc hạn như những vịnh hẹp quá phức tạp ở Na Uy.”
Thạc sỹ Hoàng Việt nói rằng bảy điểm cơ sở mà Trung Quốc dùng để nối thành đường cơ sở ‘quá xa bờ’.
“Phải có điều kiện nhất định mới được vẽ đường thẳng, còn không đường cơ sở phải đi theo ngấn nước triều thấp nhất sát bờ biển,” ông Việt giải thích.
Khi được hỏi đường cơ sở này có nới rộng diện tích lãnh hải của Trung Quốc hay không, ông Việt nói: “Lãnh hải sẽ phụ thuộc vào đường cơ sở, tức là đường cơ sở kéo ra thì lãnh hải sẽ rộng hơn vì lãnh hải sẽ là 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra ngoài khơi.”
Cũng theo UNCLOS, vùng biển bên trong đường cơ sở gắn với đất liền là vùng nội thủy của quốc gia đó và tàu bè và máy bay của quốc gia khác không được đi vào vùng nội thủy nếu không được cho phép.
Theo ông Việt, đường cơ sở này của Trung Quốc đã biến một vùng ven biển thành vùng biển khép kín của Trung Quốc, bao gồm toàn bộ eo biển Quỳnh Châu nằm giữa đảo Hải Nam và đại lục. “Nó ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài,” ông nói.
Ông Việt bày tỏ nghi ngại việc đưa eo biển Quỳnh Châu thành vùng nội thủy ‘có thể trở thành tiền lệ để sau này Trung Quốc làm tương tự với eo biển Đài Loan’.
Việt Nam nên làm sao?
Theo giải thích của ông thì sau khi đã phân định Vịnh Bắc bộ rồi, thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có thể công bố đường cơ sở của mình trong vùng biển này.
Ông Việt cho rằng điều cấp thiết là Việt Nam cũng phải công bố đường cơ sở của mình, nhưng khuyến nghị Hà Nội không nên theo gót Trung Quốc là vẽ đường cơ sở quá mức mà ‘nhất thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế’.
“Bởi vì Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng UNCLOS trong tất cả các tuyên bố về Biển Đông,” ông lập luận.
Ông Powell dự đoán đường cơ sở của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ thực thi chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong vùng biển này để thách thức tuyên bố của Trung Quốc. Cho đến nay, trong khu vực, tàu chiến Mỹ chỉ mới thực hiện FONOP trên Biển Đông.
Ông Hoàng Việt thì cho rằng ‘chắc chắn Mỹ sẽ phản đối đường cơ sở này’ vì Washington đã từng phản đối đường cơ sở mà Trung Quốc vẽ quanh bờ biển của họ hồi năm 1996 (lúc đó chưa gồm Vịnh Bắc bộ).
“Nhưng Mỹ lại có chỗ khó là Quốc hội Mỹ chưa thông qua Công ước Quốc tế về Luật biển, chưa phải là thành viên của UNCLOS, nên tính chính danh của Mỹ trong trường hợp này cũng yếu đi nếu họ có những tuyên bố phản đối Trung Quốc.”
Theo ông Việt thì ngoài việc Bộ Ngoại giao lên tiếng thì Hà Nội ‘không có cách gì đòi Trung Quốc rút lại đường cơ sở này’ vì ‘không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới cũng vi phạm UNCLOS về đường cơ sở’.
Về phần mình, ông Powell nhận định: “Tôi không chắc Hà Nội có thêm làm gì khác, bởi vì đường cơ sở này không có ảnh hưởng trực tiếp gì đến Việt Nam. Mà Việt Nam lại không có chương trình FONOP.”


Quốc gia châu Phi ban hành cảnh báo nạn đói do ảnh hưởng của El Nino

04/4/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/30-1684080035-33-1702522566193.jpg

Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia vào thứ Tư (3/4), khi hạn hán nghiêm trọng tiếp tục ảnh hưởng đến quốc gia châu Phi này. Tổng thống Emmerson Mnangagwa cho biết nước này cần viện trợ 2 tỷ USD để nuôi sống hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.

Ông Mnangagwa phát biểu trong một cuộc họp báo ở Harare rằng do lượng mưa rất thấp nên hơn 2,7 triệu người trong nước sẽ không có đủ lương thực để ăn trong năm nay.

Ông Mnangagwa nói: “Không người dân Zimbabwe nào nên phải chống chọi hoặc chết vì đói”. Sau đó, tổng thống đã đưa ra phản hồi chính thức, nêu rõ: “Vì mục đích đó, tôi tuyên bố Tình trạng thảm họa trên toàn quốc do hạn hán do El Nino gây ra”.

Ông cũng lưu ý rằng “Các đánh giá sơ bộ cho thấy Zimbabwe cần hơn 2 tỷ USD cho các biện pháp can thiệp khác nhau mà chúng tôi dự tính trong phản ứng quốc gia của mình”.

Theo ông Mnangagwa, chính phủ sẽ ưu tiên thu hoạch vụ đông để tăng cường dự trữ và hợp tác với tư nhân để nhập khẩu ngũ cốc.

Ở miền nam châu Phi, Zimbabwe là quốc gia thứ ba chính thức xem hạn hán là thảm họa quốc gia, sau Malawi và Zambia.

El Nino là một hiện tượng thời tiết xảy ra tự nhiên liên quan đến sự gián đoạn của các kiểu gió, đồng nghĩa với việc nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương.

Hầu hết các tỉnh ở Zimbabwe không giáp biển và mất mùa kể từ tháng 11/2023, với các khu vực nóng hơn khiến thu hoạch ngô và các mặt hàng chủ lực khác bị mất mùa.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đợt El Nino gần đây nhất là một trong 5 đợt El Nino mạnh nhất từng được ghi nhận. Tổ chức WMO cảnh báo rằng nó đạt đến đỉnh điểm vào tháng 12/2023 nhưng vẫn sẽ dẫn đến việc nhiệt độ trên mức bình thường cho đến tháng Năm trên hầu hết các khu vực đất liền.

Các cơ quan nhân đạo, bao gồm Chương trình Lương thực Thế giới, đã mô tả tình trạng nạn đói là “thảm khốc” và kêu gọi thêm viện trợ.

Thanh Tâm, theo RT


Tăng cường gây ảnh hưởng với ASEAN, Trung Quốc tiếp đón Bộ trưởng Việt Nam, Lào, Đông Timor

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/04/backinh.jpg

Tăng cường tiếp cận ASEAN, Trung Quốc tiếp đón Bộ trưởng Việt Nam, Lào, Đông Timor (Ảnh chụp màn hình asia). 

Bắc Kinh đang tiếp đón một loạt Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Đông Nam Á trong tuần này, khi Trung Quốc tiến tới tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để cạnh tranh với Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đông Timor Bendito Dos Santos Freitas, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đều có mặt ở Trung Quốc từ ngày 2-5/4 và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Trước chuyến thăm của các Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Lào và Đông Timor, Trung Quốc đã tiếp đón Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto. Tại cuộc gặp, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình nói với ông Prabowo rằng, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác phù hợp với chiến lược phát triển của Indonesia, sau thành công của tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung do các công ty Trung Quốc xây dựng.

Báo Nikkei Asia nhận định, mục đích thăm Trung Quốc của ba Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Đông Nam Á có nhiều động cơ khác nhau. 

Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 9 năm ngoái, diễn biến sau đó là nước này và Bắc Kinh đã quyết định nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Các kế hoạch hợp tác bao gồm khả năng phát triển dầu khí với các công ty Trung Quốc.

Tại Lào, ông Tập nói với người đồng cấp Thongloun Sisoulith vào tháng 10 năm ngoái rằng, Bắc Kinh sẽ cung cấp hỗ trợ kinh tế bổ sung nhằm tối đa hóa tuyến đường sắt xuyên biên giới hiện có để mở ra kết nối khu vực. Cả hai nước cho biết tuyến đường sắt cao tốc dài 1.035 km do Trung Quốc xây dựng nối Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào đã thúc đẩy hoạt động kinh tế kể từ khi hoàn thành vào năm 2021.

Sau khi Bắc Kinh hoãn trả khoản nợ 2 tỷ USD cho Lào vào năm 2022 và 2023, chương trình nghị sự của Kommasith có thể bao gồm việc đàm phán để được cứu trợ thêm. Theo Ngân hàng Thế giới, một nửa số nợ nước ngoài của quốc gia Đông Nam Á này là nợ Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyến thăm của ông Bùi Thanh Sơn diễn ra sau chuyến đi gần đây tới Washington, phản ánh chiến lược của Hà Nội nhằm tạo ra sự cân bằng giữa các cường quốc đối địch. Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã mời Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc đến thăm.

Lần này, các quan chức Trung Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ thảo luận về việc mở rộng thương mại qua biên giới chung của 2 bên, cũng như các tuyến đường sắt tiềm năng được đề cập trong chuyến thăm Hà Nội của ông Tập vào tháng 12 năm ngoái.

Ông Thomas Daniel, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia, bình luận: “Hà Nội luôn có tính chiến lược và đa hướng trong các mối quan hệ với Bắc Kinh”. Ông lưu ý rằng Việt Nam cũng đang theo đuổi các mối quan hệ chiến lược mới với Nhật Bản và Mỹ..

Việt Nam là thị trường hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung buộc các công ty Trung Quốc và các công ty khác vận chuyển hàng hóa qua Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách phát triển chất bán dẫn, đất hiếm và đường sắt cao tốc với đầu vào từ các đối tác Trung Quốc.

Ông Jack Butcher, nhà nghiên cứu và giảng viên bán thời gian tại Đại học Adelaide, nói với báo Nikkei Asia rằng các cuộc gặp của ông Bùi Thanh Sơn với các quan chức Trung Quốc nhằm mục đích “trấn an” nhau rằng mối quan hệ vẫn bền chặt, cũng như củng cố mối quan hệ giữa hai chính phủ.

Theo ông Butcher, trong khi Biển Đông vẫn là một điểm gây tranh cãi, thì Việt Nam cũng đang lợi dụng “cơn sốt giảm rủi ro” để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài muốn giảm thiểu rủi ro ở Trung Quốc và các nơi khác.

Ông Butcher nhận định: “Việt Nam không liên kết và rất muốn giữ nguyên như vậy”.


Trung Quốc tung ra video AI thúc đẩy chống Mỹ đầu tiên gây tranh cãi

Lê Tử Hy / Vision Times

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/gdfrt5632xz.jpg

Hình ảnh “Nước Mỹ tan vỡ” do AI của chính phủ Trung Quốc tạo ra. (Ảnh MXH) 

Gần đây, truyền thông Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng công nghệ AI để mô tả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề khác của Mỹ với tiêu đề “A Fractured America” (Nước Mỹ chia rẽ), nhằm tạo ra hình ảnh về sự suy tàn của “Giấc mơ Mỹ”, thu hút sự chú ý từ ngoại giới.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được bình chọn là từ nóng của năm 2023. Thế giới cũng coi AI là cuộc cách mạng công nghệ trong thời đại mới. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tích cực phát triển công nghệ AI, nhằm phấn đấu cho vị thế dẫn đầu toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc dùng công nghệ AI để truyền bá luận điệu chống Mỹ.

Từ ngày 17/3, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI cho ra mắt chương trình hoạt hình mới: “A Fractured America” ​​trên chuyên mục kênh tiếng Anh “First Voice”.

Tập đầu tiên của loạt phim hoạt hình có tựa đề “American Workers in Tumult” (Bãi công liên tiếp có thực sự hữu dụng?). Nội dung chỉ ra rằng hơn 450.000 công nhân ở Hoa Kỳ đã liên tiếp phát động các cuộc biểu tình và đình công, “phản ánh sự bất bình đẳng về lương cực độ”, và rằng “cuộc đình công là sự phản ứng trực tiếp đối với những sai sót về cơ cấu của nền kinh tế tập trung vào tài chính của Hoa Kỳ”.

Tập 2 có tên “Tổ hợp công nghiệp-quân sự ‘ăn thịt người’ của Hoa Kỳ” (Unmasking the real threat: America’s military-industrial complex), chỉ trích các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ trục lợi từ những xung đột trên toàn cầu.

Tập 3 là “Giấc mơ Mỹ là giấc mơ hay ảo tưởng?” (American Dream of American Mirage). Tập này đặt câu hỏi về tính phổ quát của Giấc mơ Mỹ, cùng các vấn đề như giai cấp và khoảng cách giàu nghèo.

Điểm chung của 3 tập phim hoạt hình này là có thời lượng khoảng một phút, mang phong cách tranh vẽ và tường thuật do AI tạo ra.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời ông David Rennie, trưởng văn phòng Bắc Kinh của tạp chí The Economist, nói rằng đây là lần đầu tiên ông được xem một bộ phim hoạt hình AI chống Mỹ do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc tung ra. Ông nói tuy nhiên, điều thú vị là họ đang “đưa tin” về một cuộc đình công chưa từng xảy ra ở Mỹ.

Nhưng loạt video hoạt hình này hiện đang được phát hành trên nhiều nền tảng mạng xã hội của trang web CGTN với tốc độ mỗi ngày một tập, bao gồm các nền tảng tài khoản công khai như X, Facebook, YouTube, WeChat, v.v.

Cô Lindsey Gorman, người đứng đầu nhóm công nghệ và địa chính trị tại Quỹ Marshall của Đức, chỉ ra rằng bộ phim hoạt hình “Nước Mỹ tan vỡ” một lần nữa chứng minh rằng việc sử dụng AI để khơi dậy nỗi sợ hãi là rất dễ dàng và rất đáng lo ngại.

Cô Allie Funk, Giám đốc nghiên cứu khoa học, công nghệ và dân chủ thuộc tổ chức nhân quyền Freedom House có trụ sở tại Washington, cho biết việc truyền bá thông tin sai lệch là chiến lược cốt lõi được các quốc gia độc tài sử dụng để kiểm soát xã hội.

Cô nói bất kỳ ai có động cơ kinh tế hoặc chính trị đều có thể sử dụng AI sáng tạo để tạo ra một lượng lớn thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.

Một báo cáo do “Trung tâm phân tích mối đe dọa” (MTAC) của Microsoft công bố năm 2023 chỉ ra, các nhân viên hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng AI để sáng tạo nội dung từ tháng 3/2023. Nội dung hình ảnh chất lượng tương đối cao của họ đã thu hút mức độ tương tác cao từ người dùng mạng xã hội thực.

Microsoft phát hiện, hơn 230 nhân viên truyền thông nhà nước Trung Quốc đã giả làm người nổi tiếng trên Internet, để tiếp cận với 103 triệu người dùng bằng ít nhất 40 ngôn ngữ.

Thông điệp “Tuyên truyền đối ngoại vĩ đại” của ĐCSTQ được những người này truyền tải cũng giống với video CGTN nói trên. Đó là Trung Quốc đang trỗi dậy và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ kinh tế và công nghệ, trong khi Mỹ đang hướng tới sự sụp đổ và cô lập.

Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng Một năm nay cũng chỉ ra, thông tin sai lệch và gây hiểu lầm do công nghệ AI tạo ra là rủi ro toàn cầu chính trước mắt.

ĐCSTQ đang vung tiền nâng cấp quyền kiểm soát quốc gia trên con đường tiến tới AI.

Trên thực tế, truyền thông ĐCSTQ đã bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng AI từ nhiều năm trước. Người dẫn chương trình AI của Tân Hoa Xã và Sogou xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2018, có tên “Xin Xiaohao” (Tân Tiểu Hạo).

Trong Báo cáo Tự do Internet Toàn cầu năm 2023, Freedom House đã chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc hiện đầu tư rất nhiều vào các công ty AI, nhằm đảm bảo rằng các công ty này phục vụ cho sự cai trị của họ.

Sau nhiều năm nỗ lực, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã có thể thực hiện việc kiểm duyệt nghiêm ngặt môi trường trực tuyến của Trung Quốc thông qua các thuật toán, phương tiện tổng hợp và trí tuệ nhân tạo.

Theo báo cáo này, quyền tự do Internet của Trung Quốc đã xếp hạng cuối cùng trên thế giới trong 9 năm liên tiếp.


AT&T khuyên khách hàng thận trọng sau vụ rò rỉ dữ liệu

Nguyên Lee/SGN – 03 tháng 4, 2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/3-ATT-Rubaitul-Azad-Unsplash.jpg

(minh họa: Rubaitul Azad/Unsplash) 

Tính đến nay, vụ rò rỉ dữ liệu của 73 triệu khách hàng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của AT&T.

Công ty cho biết: “Nếu bạn nhận được email, cuộc gọi qua điện thoại hoặc những gì tương tự từ một người tự xưng là nhân viên của AT&T, hãy thận trọng và liên lạc trực tiếp với AT&T để kiểm tra xem đó có phải là sự thật hay không.”

Ngoài 7.6 triệu khách hàng hiện tại của AT&T bị ảnh hưởng, hãng viễn thông này cho biết khoảng 65.4 triệu khách hàng trước đó bị rò rỉ dữ liệu từ năm 2019 hoặc lâu hơn, USA Today đưa tin lại từ một thông báo của AT&T.

AT&T đang điều tra nguyên nhân khiến cho hàng chục triệu khách hàng từ xưa đến nay bị rò rỉ thông tin cá nhân trên web đen hồi đầu Tháng Ba. Theo thông báo, công ty này vẫn chưa biết liệu dữ liệu… có nguồn gốc từ AT&T hay từ một trong những nhà cung cấp của chúng tôi. Hiện tại, AT&T không có bằng chứng về việc truy cập trái phép vào hệ thống của mình dẫn đến việc rò rỉ tập dữ liệu.

Dữ liệu dường như là từ năm 2019 hoặc sớm hơn. Theo AT&T, vụ rò rỉ dường như không chứa thông tin tài chính hoặc thông tin cụ thể về lịch sử cuộc gọi. Công ty cho biết vụ rò rỉ cho thấy khoảng 7.6 triệu chủ tài khoản hiện tại và 65.4 triệu chủ tài khoản cũ bị ảnh hưởng.

AT&T cho biết họ đang liên lạc với khách hàng và yêu cầu họ đặt lại mật mã tài khoản của mình. Họ cũng kêu gọi khách hàng luôn cảnh giác về những thay đổi đối với tài khoản hoặc báo cáo tín dụng của họ, đồng thời cho biết thêm AT&T “sẽ cung cấp dịch vụ giám sát tín dụng nếu cần với chi phí do chúng tôi chi trả.”

AT&T được cảnh báo về khả năng rò rỉ khoảng hai tuần trước. Tin tức về vụ rò rỉ lần đầu tiên được đăng tải bởi tài khoản X vx-underground vào ngày 17 Tháng Ba. Vào thời điểm đó, AT&T đã nói với CNN rằng họ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy hệ thống của mình bị xâm phạm.

Ngoài ra, AT&T khuyến khích khách hàng luôn cảnh giác bằng cách theo dõi hoạt động tài khoản và báo cáo tín dụng, đồng thời đưa ra các liên kết đến các văn phòng tín dụng trong thông báo gửi cho khách hàng.

Các trang tin tức về công nghệ, như CNET và TechCrunch, báo cáo dữ kiện bắt nguồn từ một vụ vi phạm năm 2021 mà AT&T đã phủ nhận vào lúc đó. Một phần của tập dữ liệu đã xuất hiện trực tuyến vào thời điểm kể trên. Sau đó, vào đầu tuần trước, tập dữ kiện từ vụ vi phạm này đã xuất hiện trở lại, kèm theo các thông tin nhạy cảm như số an sinh xã hội, địa chỉ nhà và tên, theo như các trang web đưa tin.

Công ty phần mềm an ninh mạng – MalwareBytes Labs cũng nhắc đến dòng thời gian tương tự và khuyên độc giả nên cảnh giác với những kẻ lừa đảo giả danh AT&T. 


Thượng nghị sĩ tiểu bang Nebraska chuyển từ Đảng Dân Chủ sang Đảng Cộng Hòa 

Tom Ozimek – Thứ năm, 04/04/2024 

‘Đối với tôi, việc trở thành một thành viên Cơ Đốc Giáo của Giáo hội Công giáo La Mã và ủng hộ sự sống quan trọng hơn việc trở thành một thành viên Đảng Dân Chủ đã ghi danh.’ 

Thượng nghị sĩ tiểu bang Nebraska chuyển từ Đảng Dân Chủ sang Đảng Cộng Hòa

Những lá phiếu cho các cuộc bầu cử sơ bộ được sắp xếp theo đảng tại văn phòng Ủy ban Bầu cử Quận Lancaster ở Lincoln, Nebraska, vào ngày 14/04/2020. (Ảnh: Nati Harnik/AP Photo) 

Thượng nghị sĩ Tiểu bang Nebraska Mike McDonnell thông báo rằng ông sẽ chuyển tư cách đảng phái từ Đảng Dân Chủ sang Đảng Cộng Hòa, viện dẫn đức tin Cơ Đốc và quan điểm của ông về việc phá thai. 

Ông McDonnell đưa ra thông báo này trong một tuyên bố hôm 03/04 với các hãng truyền thông địa phương, với lý do là quan điểm của Đảng Dân Chủ đối lập với quan điểm ủng hộ sự sống của ông. 

“Khi tôi tái tranh cử hồi năm 2020, tôi là người ủng hộ sự sống,” ông nói, và cho biết thêm rằng ông là người Công giáo và nhớ lại rằng hồi năm 2016, ông đã tranh cử với tư cách là ứng cử viên ủng hộ sự sống cho địa hạt lập pháp thứ năm của Nebraska. 

“Tôi đã yêu cầu Đảng Dân Chủ tôn trọng quan điểm ủng hộ sự sống dựa trên tôn giáo của tôi. Vậy mà, trong năm qua, họ đã quyết định trừng phạt tôi vì ủng hộ sự sống.” 

Ông McDonnell nói rằng, vì ông phản đối việc phá thai, nên các thành viên Đảng Dân Chủ quận Douglas đã bỏ phiếu không bầu ông làm đại biểu và không chia sẻ nguồn lực của đảng, còn Đảng Dân Chủ của tiểu bang đã bỏ phiếu khiển trách vì quan điểm ủng hộ sự sống của ông. 

“Đối với tôi, trở thành một thành viên Cơ Đốc Giáo của Giáo hội Công giáo La Mã và ủng hộ sự sống quan trọng hơn trở thành một thành viên Đảng Dân Chủ đã ghi danh,” ông nói, và cho biết thêm rằng việc ông chuyển sang Đảng Cộng Hòa có hiệu lực ngay lập tức. 

Đảng Dân Chủ Nebraska đã đưa ra tuyên bố đáp lại quyết định thay đổi đảng của ông McDonnell, bày tỏ sự “tôn trọng” đối với những gì ông đã làm cho đảng này, đồng thời phủ nhận rằng cuộc bỏ phiếu khiển trách có liên quan đến quan điểm ủng hộ sự sống của ông. 

Việc chuyển đổi đảng của ông McDonnell có thể báo hiệu rằng Nebraska sắp trải qua một sự thay đổi lớn, vì các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa cho biết họ muốn chuyển sang hệ thống ‘người thắng lấy hết’ để phân bổ phiếu bầu Đại Cử tri đoàn của tiểu bang này. 

Không giống như mọi tiểu bang khác của Hoa Kỳ, chỉ có Nebraska và Maine phân phiếu bầu của Đại Cử tri đoàn theo quận. Một địa hạt bầu cử quốc hội tập trung xung quanh Omaha, thành phố lớn nhất tiểu bang này, đôi khi nghiêng về phía các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, kể cả hồi năm 2020.

Một số nhà phân tích nói trên mạng xã hội rằng nếu dự luật sử dụng hệ thống “người thắng lấy tất” của Nebraska được ký thành luật, nó sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Biden vì ông sẽ không có con đường rõ ràng để có được 270 phiếu bầu để giành chức tổng thống.

Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips và Reuters 

Cẩm An lược dịch


Comments are closed.