Tuổi trẻ Trung Quốc rất ổn!


David Bartel*

Nguồn: “La jeunesse chinoise va bien”, Asialyst, 15.9.2023.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

26/11/2023

Thay vì tuân theo đòi hỏi của xã hội về sự thành công, một bộ phận của tuổi trẻ Trung Quốc chọn “nằm dài” (tang ping), đến độ “buông bỏ” (bailan) (Nguồn: SCMP)

“Nằm dài”, “buông bỏ” những đòi hỏi của xã hội, tiêu hết đồng lương của mình vào cuối tháng… Một bộ phận những người trẻ Trung Quốc, đi tìm một ý nghĩa của cuộc sống khác với những người lớn tuổi và với chủ nghĩa phát triển, chọn rút lui khỏi cuộc đua tranh kinh tế-xã hội gắn liền với Trung Quốc của các cuộc Cải cách và gắt gao hơn nữa bởi “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Trong những năm 1990, người Nhật đã sáng chế ra karōshi (過労死), chết vì làm việc quá sức. Năm 2016, may thay chính phủ Nhật Bản đã làm chủ được sự việc và năm 2019, chính phủ đã giới hạn số giờ làm thêm mỗi tháng là 100 giờ! Đối với Makoto Iwashi, thuộc hiệp hội Nhật về quyền của người lao động, chính phủ chỉ đơn giản nói: “Nếu bạn làm việc nhiều đến thế, bạn có thể chết – nhưng bạn có thể làm việc nhiều như thế.

Vào thời kỳ đó, phương Tây bỏ qua những lời phê bình bằng cách chỉ ra những gốc rễ văn hóa của một sự sai lạc như thế và chúng sẽ không xảy ra “ở nơi chúng ta”. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động thế giới đã công bố một nghiên cứu vào tháng ba năm 2021, trong đó họ thông báo rằng vào năm 2016, trên toàn thế giới, có 745.000 người chết hoặc vì tai biến mạch máu não, hoặc do thiếu máu cơ tim trực tiếp liên quan đến những tuần làm việc ít nhất là 55 giờ. Vậy là vấn đề đã lan rộng ra quốc tế và từ nay vượt khỏi những người bạn Nhật chăm chỉ để đặt câu hỏi về mối quan hệ của chúng ta đối với lao động ăn lương.

Tại Pháp, sau chừng vài chục vụ tự tử ở cơ sở của một nhà cung cấp dịch vụ trong những năm 2000, và vài ngàn trường hợp trầm cảm liên quan đến các kỹ thuật quản lý gọi là “độc hại” (và được Dardot et Laval phân tích một cách xuất sắc), hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc (burn-out) từ nay được chính thức thừa nhận – đáng chú ý là được luật Rebsamen thừa nhận năm 2015 – với điều kiện đó là bệnh nghề nghiệp, nhưng thường khó xác lập.

Tại Trung Quốc, thế giới việc làm được biết rất rõ: lạm dụng, đối xử tồi tệ, tiện nghi kém, thiếu an toàn, không trả lương, bạo lực cảnh sát, tự tử… Và ngay cả khi các nghiệp đoàn quốc tế than phiền về sự gia tăng các “phí tổn”, nhà máy Trung Quốc với phương thức khắc nghiệt như công ty Foxconn vẫn giữ dáng dấp những trại tù rộng lớn.

SỰ NGỜ VỰC 

Tại Nhật Bản, “làm việc quá sức” còn gây ra cái chết cho 200 người mỗi năm theo con số chính thức (10.000 người theo các hiệp hội). Tuy nhiên, có điều gì đó dường như đang thay đổi, ở châu Á và những nơi khác. Tại Hàn Quốc, Đài Loan hay Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, các nhà máy từ nay có vẻ khó tuyển dụng hơn. Đáng chú ý là đại dịch Covid-19 dường như đã khởi đầu điều mà ta chưa thể gọi là một phong trào, nhưng đúng hơn là một bầu không khí, một môi trường tư duy nhẹ nhàng về lao động.

Tại Pháp, ngày nay các thế hệ trẻ đang đối diện với những người chủ đang cần nhân công. Lần đầu tiên kể từ bước ngoặt chuyển sang hệ tư tưởng tự do vào giữa những năm 1980 và thất nghiệp gia tăng mạnh, ta có thể nói rằng gió đã đổi chiều và từ nay chính là những người chủ phải dễ dãi với những người xin việc vì họ ngày càng ít xin mà ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Việc làm từ xa chính là chỗ đó, đồng thời với khái niệm nổi tiếng “tìm ý nghĩa trong công việc” vốn từ chối làm cho các bảng tính thống kê thành những diễn dịch của thực tại (đọc David Graeber, đã qua đời, về chủ đề này).

Tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hai thuật ngữ diễn tả rất đúng, một cách tinh tế, sự ngờ vực của các thế hệ mới chống lại mô hình của các thế hệ đi trước vốn đã kinh qua thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 1990-2000 và họ đã thiết lập quy tắc 996 (“996 工作制 /“996 công tác chế””, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, 6 ngày trong tuần) thành mô hình nghề nghiệp.

Thứ “đạo đức” này vốn tương ứng khá tốt với không gian làm việc (work-spaces) sang chảnh của nền kinh tế sáng tạo và hợp tác của các công ty khởi nghiệp, ngày nay được thay thế bởi hiện tượng “nằm dài” (躺平, tangping/thảng bình) trong một bộ phận của giới trẻ Trung Quốc. Tại sao phải đứng lên đi tìm một công việc, trong khi những việc làm có lương cao là hiếm hoi? Tại sao tham gia vào cuộc cạnh tranh phi lý mà sự khan hiếm này (việc làm có lương cao – ND) tìm cách áp đặt? 摆烂

Ẩn sau mong muốn không làm gì cả, được nối dài thêm bởi thuật ngữ 擺爛 (bailan/bãi lạn, “buông bỏ, không có gì quan trọng”), ta thấy có một sự phê phán thực sự những người vốn quen thuộc với thành công trong một xã hội cạnh tranh cực mạnh và tổng quát hơn là xã hội của chủ nghĩa siêu tư bản và những niềm vui của tiêu dùng. Tuổi trẻ này cam kết (vì phải có bản lĩnh để chống lại nhiều đòi hỏi của xã hội) không làm bốn điều (四不青年, si bu qingnian/tứ bất thanh niên) vốn là những chỉ báo thành công của các thế hệ trước: có những gặp gỡ yêu đương, lập gia đình, mua một cái nhà, sinh con (một hay nhiều con)

“NHỮNG GIA TỘC ÁNH TRĂNG”

Những người bình luận mô tả một trạng thái bị ức chế của tuổi trẻ khi họ tự nhận theo “thuyết nằm dài” (躺平主義, tangping zhuyi/thảng bình chủ nghĩa). Thế nhưng, không cần phải là nhà tiên tri để hiểu rằng những viễn cảnh tương lai, đối với một bộ phận ngày càng nhiều của tuổi trẻ, quả thực không vui vẻ bao nhiêu.

Ngoài một nền giáo dục làm kiệt sức, để đạt được những bằng cấp quá đắt mà ngày nay chúng không còn bảo đảm một mức lương tử tế, những khả năng với đồng lương của mình có thể mua một căn hộ và xây dựng một gia đình dứt khoát là không có được, nếu không có sự giúp đỡ của gia đình mà những giấc mơ giàu có vô tận về bất động sản của họ hao mòn từng ngày trước sự phân tán liên tục của những tập đoàn quan trọng như Evergrande hay Country Garden.

Chỉ nhắc lại rằng chính phủ vừa ra quyết định ngưng công bố các số liệu về thất nghiệp của giới trẻ, chúng đã bùng phát, vượt quá 20% dân số lao động (cao hơn nhiều, một số người nói vậy). Theo các nhà chức trách, thống kê phải được “điều chỉnh” để đáp ứng những điều kiện mới của một nước không thể tìm được việc làm tử tế cho số sinh viên họ đào tạo ra mãi gia tăng. Giấc mộng tan vỡ về thành công xã hội bị ngăn trở làm người ta yêu thích trở lại nhân vật phản anh hùng trước đây trong văn học hiện đại là Khổng Ất Kỷ (Kong Yiji (孔乙己), nhan đề của một truyện ngắn cùng tên của Lỗ Tấn xuất bản vào tháng tư năm 1919, là tên của một môn đệ thống thiết của truyền thống quan trọng của các kỳ thi của triều đình và của toàn bộ hệ thống được xây dựng trên những kỳ thi này, ngay cả vào lúc suy tàn đồng thời của vương triều và của các kỳ thi. Khổng Ất Kỷ đứng uống rượu trong chiếc áo dài nhà nho (rách rưới – ND) của mình, và dù nghèo khó, vẫn nài nỉ để trả tiền rượu.

Và chính đó là hiện tượng “nằm dài” tương tự như một dạng đã được biết rõ về thuyết định mệnh xưa của Trung Quốc (沒辦法, meibanfa/một biện pháp, “dẫu sao thì ta cũng không làm gì được”). Đồng thời, hiện tượng này kết nối với một hiện tượng khác đang tác động đến những người trẻ Trung Quốc, nhưng tổng quát hơn là cả giới trẻ châu Á có học thức, từ Seoul đến Đài Bắc, với chủ nghĩa phát triển, nhờ những lớp học thêm quá đắt tiền. Từ nay, giới trẻ Trung Quốc đã tham gia “Gia tộc Ánh trăng” (月光族, yueguangzu Nguyệt quang tộc– ở đây ta ghi nhận nghĩa kép tinh tế của từ guang – quang-, ánh sáng hiện diện khắp nơi trong thi ca Trung Quốc, nó cũng có nghĩa là một hình thức của toàn bộ: tôi đã tiêu hết). 

Xã hội học gia tộc Ánh trăng, các nhóm Ánh trăng thì đúng hơn, chưa được phân tích trong chi tiết. Thật khó để thiết lập vì nó liên quan đến những hạng người rất khác nhau. Từ thị dân sang chảnh theo chủ nghĩa hoan lạc đến người sinh viên vừa mới tốt nghiệp từ chối làm người giao hàng, cho đến người ăn lương gặp khó khăn không đủ tiền tiêu mỗi tháng, các Gia tộc Ánh trăng được thành lập bởi các thế hệ đông đảo những người đã tiêu hết lương vào cuối mỗi tháng. Đôi lúc, do chủ nghĩa hư vô rất “thời thượng”, thường là vì họ không có lựa chọn nào khác, đồng lương bấp bênh này, cùng lúc với việc chi tiêu cho hoạt động kinh tế (đi chơi, du lịch, tiêu dùng xa xỉ…), tạo ra một chủ nghĩa bi quan trong tiêu dùng, nó nuôi dưỡng một hình thức phản diễn ngôn chính trị – thường là không được nêu ra – và nó sẽ hủy hoại những nền móng của “giấc mơ Trung Hoa” và phát triển ra cả bên ngoài ranh giới của Trung Quốc.

KẾT THÚC CỦA TẤT CẢ VÌ KINH TẾ

Thật vậy, ta không đánh giá đúng hiệu ứng độc hại của sự giàu lên nhanh chóng của những tác nhân trong lĩnh vực bất động sản khi mà việc có được tài sản, đối với nhiều người là biểu tượng của “bước chuyển qua tuổi trưởng thành”, trở nên ngoài tầm với của những bộ phận lớn của xã hội. Không thể sở hữu tài sản ở những thành phố lớn của Trung Quốc, tất nhiên là Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng từ nay có cả những thành phố thủ phủ của các tỉnh, và Seoul, và Đài Bắc (và Paris, Luân Đôn, New York, nếu phải liệt kê thêm).

Hong Kong, nơi mà bất động sản từ lâu là một vấn đề của những người giàu, có lúc đã làm người ta tin rằng một xã hội của những sở hữu chủ (nhỏ) là khả thi bằng cách phát triển những chương trình sáng tạo về nhà ở xã hội. Xu hướng đó nay không còn nữa và thuộc địa cũ này của Anh quốc, tuy vẫn là một nơi tốt nhất để làm sinh lợi cho tài sản, nó không còn tạo điều kiện cho giới trẻ của nó sống đàng hoàng với thu nhập của mình. Người ta vẫn giàu có ở Hong Kong, nhưng người ta không còn trở nên giàu có được nữa! Trong những gia đình nghèo nhất, một trên bốn người trẻ, không có việc làm cũng như không có tương lai, thú nhận là đã “nằm dài”…

Vậy là có chủ nghĩa thất bại trong “chủ nghĩa buông bỏ” vốn thấy rõ sự sút giảm các cơ hội kinh tế và bức trần kính dày tách rời đa số những người lao động ăn lương với những đòi hỏi của xã hội: ”một thái độ vô cùng vô trách nhiệm làm thất vọng không những chính cha mẹ họ mà cả hàng trăm và hàng triệu người trả thuế”, từ miệng của một giáo sư đại học Thanh Hoa, đối với ông thì “người ta còn có thể leo lên bậc thang xã hội nhờ sự đua tranh”.

Và đó cũng là vấn đề. Xen lẫn vào phân tích chính trị về sự ngờ vực, phân tích tâm lý của sự mất lý tưởng, mất mục tiêu, chắc hẳn là sự mất ý nghĩa tương ứng ít nhiều với tình trạng mất động lực to lớn thời hậu Covid của những lao động trẻ ăn lương. Nhưng để kết thúc với một nhận xét lạc quan hơn, ta cũng tìm thấy trong “chủ nghĩa buông bỏ” và “chủ nghĩa nằm dài” (“couchisme?) ý tưởng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, không chấp nhận mọi thứ nhân danh lương bổng, và khả năng thực hiện điều làm cho ta hạnh phúc, cho dù điều đó không gia tăng tỷ suất tiết kiệm quốc gia, hoặc điều đó làm các bậc cha mẹ nổi giận. Trong một đất nước mà đồng tiền và quốc gia là chỉ báo của mọi thứ từ 30 năm nay, thật là quá lớn! Trong một đất nước mà mọi phản kháng uy quyền và những câu chuyện về phản kháng đều bị cấm đoán, cũng thật là thô bỉ!

David Bartel

Viễn cảnh này cho thấy tư duy tất cả vì kinh tế đã kết thúc, tương ứng với khủng hoảng địa ốc không dự đoán được đang âm ỉ đốt cháy đất nước, nó cũng cho thấy sự suy yếu của câu chuyện to lớn về sự hồi sinh của quốc gia. Sự “co cụm” của các diễn ngôn của nhà cầm quyền, sự tan rã của hào quang của uy quyền đối với một phần quan trọng của dân cư rốt cùng là chỉ báo của một tuổi trẻ châu Á sáng suốt, hòa hợp với một tuổi trẻ toàn cầu đang đi tìm tính hiện đại được làm mới, tương thích sinh thái, ít tốn kém hơn và có nhiều khả năng hơn để đối phó với những thách thức của thời đại.

Thế thì tất nhiên là tất cả những điều đó làm cho nhà cầm quyền lo lắng và sự thờ ơ mới này khiến họ hoang mang. Nhưng họ nên yên tâm, tuổi trẻ Trung Quốc rất ổn!

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “La jeunesse chinoise va bien”, Asialyst, 15.9.2023.

Chú thích:

[*] Là nhà nghiên cứu độc lập, David Bartel sống tại Hong Kong từ mười năm nay. Tốt nghiệp tiến sĩ năm 2017 tại EHESS (École des hautes études en sciences sociales), luận án của ông nghiên cứu về những ánh sáng Trung Quốc thế kỷ XX và sự định hình lại hiện nay. Ông đặc biệt quan tâm đến những mối liên hệ giữa lịch sử, chính trị và ngôn ngữ.

http://www.phantichkinhte123.com/2023/11/tuoi-tre-trung-quoc-rat-on.html#more


Comments are closed.