Thời sự Thứ Sáu 28 tháng 7 năm 2023


Võ Thái Hà tổng hợp


Tình báo Mỹ: Trung Quốc có thể đang cung cấp công nghệ cho quân đội Nga Reuters 

28/7/2023

Bà Avril Haines, Giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia (ODNI) Hoa Kỳ.

Bà Avril Haines, Giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia (ODNI) Hoa Kỳ. 

Trung Quốc đang giúp Nga né tránh các chế tài của phương Tây và có thể đang cung cấp cho Moscow công nghệ quân sự và lưỡng dụng để dùng ở Ukraine, theo một phúc trình tình báo của Hoa Kỳ công bố ngày 27/7.

Đánh giá của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) được công bố bởi Ủy ban Tình báo của Hạ viện Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc gửi thiết bị quân sự cho Nga kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cung cấp một số công nghệ lưỡng dụng mà quân đội Moscow sử dụng để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, bất chấp các chế tài quốc tế và kiểm soát xuất khẩu”, phúc trình của ODNI cho biết.

“Hồ sơ hải quan cho thấy các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc vận chuyển thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu và các linh kiện máy bay chiến đấu cho các công ty quốc phòng thuộc sở hữu của chính phủ Nga”, phúc trình nói.

Phúc trình cũng cho biết Trung Quốc đã trở thành “một đối tác thậm chí còn quan trọng hơn” của Nga sau khi Moscow xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

ODNI nói Trung Quốc và Nga đã tăng tỷ trọng thương mại song phương được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các định chế tài chính của cả hai nước đang mở rộng việc sử dụng các hệ thống thanh toán nội địa.

Phúc trình cho biết Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu năng lượng xuất khẩu của Nga, bao gồm cả dầu và khí đốt được định tuyến lại từ châu Âu.

ODNI đã trích dẫn nhiều thông tin từ các báo cáo truyền thông. Cơ quan này nói thêm: “Cộng đồng tình báo thiếu phúc trình đầy đủ để đánh giá liệu Bắc Kinh có đang cố tình ngăn cản các kiểm tra của chính phủ Mỹ nhằm kiểm soát đích đến sử dụng cuối cùng của hàng xuất khẩu, bao gồm các cuộc điều tra và phỏng vấn, tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Đầu tháng này, cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Emmanuel Bonne, cho biết Trung Quốc đang cung cấp các mặt hàng có thể được sử dụng làm thiết bị quân sự cho Nga, mặc dù không ở quy mô lớn.

Các quan chức Mỹ trước đây đã bày tỏ lo ngại về việc chuyển giao “thiết bị lưỡng dụng” từ Trung Quốc sang Nga. Tuy nhiên, họ đã nhiều lần nói rằng vẫn chưa thấy bằng chứng về việc chuyển giao vũ khí sát thương hỗ trợ cho Nga sử dụng trên chiến trường.


LHQ : Số ngũ cốc Nga hứa tặng châu Phi là quá ít

Thùy Dương /RFI – 28/7/2023

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress hôm 27/07/2023 nhận định vài chục tấn ngũ cốc mà tổng thống Nga hứa tặng cho một số ít nước châu Phi trong những tháng tới chỉ là « một phần hỗ trợ nhỏ », không thể bù đắp tác động khủng khiếp từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi chụp ảnh chung, Saint Petersburg, Nga, ngày 28/07/2023. via REUTERS – TASS 

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress đã nhận xét như trên sau khi tổng thống Nga Putin tại thượng đỉnh Nga – châu Phi ở Saint Petersbourg hôm qua 27/07 tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí từ 25.000 đến 50.000 tấn lương thực cho 6 nước châu Phi. Quả đúng là số lương thực nói trên chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng số 6 triệu tấn ngũ cốc mà Nga đã xuất sang châu Phi trong năm ngoái, theo số liệu chính ông Putin công bố tại thượng đỉnh.

Trong số 6 quốc gia châu Phi mà Putin hứa tặng ngũ cốc, có 3 nước đối tác truyền thống của Nga : Zimbabwe, Somalia, Erithrea và 3 nước mới xích gần lại Nga : Mali, Trung Phi và Burkina Faso.

Liên quan đến chiến tranh Ukraina, theo AFP, ông Putin hôm nay 28/07 trong phiên họp toàn thể thượng đỉnh Nga – Châu Phi lần thứ 2 khẳng định Nga sẽ « chú ý » nghiên cứu các đề xuất của các nước châu Phi để tìm lối thoát cho cuộc xung đột vũ trang tại Ukraina.


Lãnh đạo Wagner xuất hiện bên lề thượng đỉnh Nga – Châu Phi

Theo một bức ảnh mà công ty Wagner công bố, ông Evgueni Prigojine đang có mặt tại Saint-Pétersbourg, bên lề thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ hai quy tụ 49 nước châu Phi. Nếu các hình ảnh này được xác nhận, thì đây là những bức ảnh chính thức đầu tiên của Evgueni Prigojine kể từ vụ binh biến bất thành ngày 23-24/06 vừa qua.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho bết thêm chi tiết :

« Ngay khi tổng thống Nga phát biểu, một tấm bưu thiếp của Wagner xuất hiện ; rõ ràng là tập đoàn Wagner vẫn chưa đánh mất thói quen chơi khăm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ binh biến hồi cuối tháng 6, Evgueni Prigojine, bằng xương bằng thịt, bắt tay Freddy Mapouka, phụ trách lễ tân của tổng thống CH Trung Phi, Faustin Archange Touadéra.

Theo hãng truyền thông độc lập Fontanka của Nga, bức ảnh nói trên được chụp tại Saint Petersburg, nhưng không phải ở hành lang của hội nghị thượng đỉnh, mà là tại khách sạn Trezzini, thuộc sở hữu của gia đình Prigojine. Tất cả các phòng của khách sạn cũng đã có khách đặt cho 3 ngày tới.

Vẫn theo hãng truyền thông Fontanka, một số phương tiện truyền thông « trước đây thuộc về đế chế truyền thông của Yevgueni Prigojine » cho biết thêm là Prigojine dường như đã không chỉ gặp các đại diện của CH Trung Phi mà còn gặp đại diện của Mali và Niger.

Một số phương tiện truyền thông này thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng Wagner cũng thân cận với một số người gây ra vụ đảo chính (tại Niger), trong khi giới ngoại giao Nga sáng nay kêu gọi một cuộc « đối thoại mang tính xây dựng và ôn hòa » và bày tỏ mong muốn tổng thống (Niger) Mohamed Bazoum nhanh chóng được trả tự do ».


Sếp Wagner được phát hiện xuất hiện thượng đỉnh Nga – châu Phi

IMAGE POSTED BY DMITRY SYTYY

Nguồn hình ảnh, IMAGE POSTED BY DMITRY SYTYY

Chụp lại hình ảnh, 

Đại sứ Freddy Mapouka bắt tay với ông Yevgeny Prigozhin

Lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin được thấy xuất hiện trong một bức ảnh chụp tại St Petersburg trong hội nghị thượng đỉnh Nga -Châu Phi tuần này. 

Ông ta bắt tay Đại sứ Freddy Mapouka, một quan chức cao cấp của Cộng hòa Trung Phi (CAR). 

Hình ảnh được Dmitri Syty, được cho là người quản lý hoạt động của Wagner ở CAR, đăng trên Facebook. 

Đây là lần xuất hiện được xác nhận đầu tiên của ông Prigozhin ở Nga kể từ cuộc binh biến không thành hồi tháng Sáu. 

Cuộc gặp của ông Prigozhin và ông Mr Mapouka diễn ra tại khách sạn Trezzini Palace ở St Petersburg, BBC Verify (bộ phận kiểm chứng của BBC) xác nhận.

BBC Verify sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để so sánh các bức ảnh trước đây của vị quan chức CAR với bức ảnh chụp cùng ông Prigozhin và có kết quả khớp 99%, chứng tỏ hai hình ảnh này chụp cùng một người đàn ông. 

Các chi tiết nội thất đằng sau bức ảnh cũng khớp với khách sạn Trezzini Palace mà báo chí Nga đưa tin là do ông Prigozin sở hữu. 

Dây đeo thẻ mà ông Mapouka có hoa văn sặc sỡ, giống hệt dây mà các đại biểu khác đeo tại hội nghị thượng đỉnh. 

BBC thử tìm kiếm hình ảnh tương tự nhưng không thấy có ảnh nào như vậy đã được đăng trước đây, cho thấy bức ảnh này mới được đăng lên mạng gần đây. 

Cuộc gặp này diễn ra sau khi ông Prigozhin xuất hiện ở Belarus tuần trước. Một video trên một kênh Telegram có liên quan tới nhóm lính đánh thuê Wagner cho thấy ông chào mừng các chiến binh và mô tả các diễn tiến gần đây ở mặt trận Ukraine là “đáng xấu hổ”. 

Ông Prigozhin cũng ngụ ý rằng Wagner có thể lại tham gia vào cuộc chiến trong tương lai. 

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi, Tổng thống Vladimir Putin nói ông đã sẵn sàng thay thế lượng ngũ cốc mà Ukraine xuất khẩu sang châu Phi trên cơ sở thương mại cũng như nhân đạo để giúp tránh một “cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”. 

“Chúng tôi sẽ sẵn sàng cung cấp cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea 25 đến 50 ngàn tấn ngũ cốc miễn phí cho mỗi nước trong ba đến bốn tháng tới,” ông Putin nói. 

Gần đây, Nga đã rút khỏi một thỏa thuận cho phép hàng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine được đi qua Biển Đen để vươn tới thị trường toàn cầu trong đó có châu Phi. 

EU nói họ tin rằng ông Putin đang lừa dối các nước châu Phi khi hứa hẹn sẽ gửi ngũ cốc miễn phí. Ủy ban châu Âu nói Nga nhiều khả năng không giữ lời hứa của mình. 


Ukraina dồn dập phản công tại miền nam và miền đông

Thanh Hà /RFI – 28/7/2023

Kiev hôm 27/07/2023 thông báo đã giành lại được làng Staromaiorske, đông nam Ukraina. Cùng ngày tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận « cường độ các cuộc giao tranh đang tăng lên hơn rất nhiều » cũng ở khu vực này. Một số nhà quan sát cho rằng dường như chiến dịch phản công của Kiev đang bước vào giai đoạn 2 và với một « nhịp độ dồn dập hơn » ở hai khu vực miền nam và miền đông Ukraina. 

Binh sĩ Ukraina pháo kích các vị trí của Nga trên tiền tuyến ở vùng Zaporijjia, ngày 24/06/2023. AP – Efrem Lukatsky 

Thông tín viên đài RFI Emmanuel Chaze từ Sloviansk, trong vùng Donetsk, điểm qua tình hình chiến sự :

Quân đội Ukraina sáng Thứ Năm cho biết đang dồn lực lượng về hai phía trong khu vực miền nam Ukraina, nhằm chọc thủng các tuyến phòng thủ của đối phương. Chiến thuật này cho phép đem lại một số thành công : tại vùng Zaporijjia, Ukraina đã tiến hành một cuộc tấn công khá quan trọng. Dường như họ đã chọc thủng được tuyến phòng thủ của Nga gần thành phố Orikhiv. 

Thế còn ở khu vực Donetsk, quân đội Ukraina chiếm lại được làng Staromaiorske. Ngoài ra lực lượng Ukraina cũng đang tiến về Klishichiivka ở phía nam Bakhmut. Tuy nhiên ở phía bắc thành phố, tình hình rất gay go. Phía Ukraina liên tục bị Nga tấn công và khó để kềm hãm đà tiến của quân Nga trên tuyến đường nối liền Kupyansk với Kreminna.

Về phía các nhà quan sát quốc tế, mọi người ghi nhận một sự thay đổi về nhịp độ các chiến dịch phản công của Ukraina. Một số nguồn tin cho biết là đã có thêm những binh đoàn vừa được điều đến hiện trường ở khu vực miền nam Ukraina, quân nhân được trang bị tốt và họ từng được phương Tây đào tạo. Câu hỏi còn lại là liệu rằng Ukraina thực sự khởi động giai đoạn mới trong chiến dịch phản công hay chưa. 


Lại xuất hiện drone « của Ukraina » trên bầu trời Matxcơva

Sáng nay (28/7) bộ Quốc Phòng Nga trên mạng Telegram cho biết đã bắn hạ một drone của Ukraina tại thủ đô Matxcơva. Tin trên cũng đã được đô trưởng Matxcơva Serguei Soubianine xác nhận nhưng không đi sâu vào chi tiết. Matxcơva nằm cách đường biên giới với Ukraina 500 cây số, hôm đầu tuần một trong hai drone bị bắn hạ ngay khu vực chỉ cách bộ Quốc Phòng Nga có vài trăm mét. Nga liên tục thông báo bắn hạ drone của Ukraina trên bầu trời thủ đô Matxcơva. 


Quốc hội Thái Lan họp trở lại hôm 4/8 về việc bầu thủ tướng 

Reuters 

Phòng họp quốc hội Thái Lan.

Phòng họp quốc hội Thái Lan. 

Quốc hội Thái Lan dự kiến họp vào ngày 4/8 để cố gắng một lần nữa bầu chọn ra thủ tướng, quốc hội cho biết hôm thứ Năm 27/7, trong bối cảnh bế tắc chính trị kéo dài sau cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 5.

Hai nỗ lực trước đây của đảng Tiến lên, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, để lãnh đạo đảng là Pita Limjaroenrat được chuẩn thuận làm thủ tướng đều đã bị các nhà lập pháp bảo thủ và gắn với giới quân đội ngăn cản.

Đảng Pheu Thai, đứng thứ nhì trong cuộc bầu cử tháng 5 và là một thành phần trong liên minh gồm 8 đảng cùng với đảng Tiến lên, dự kiến sẽ giới thiệu ứng cử cho chức thủ tướng trong lần sắp tới.

Các cử tri ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã góp phần to lớn giúp đảng Tiến lên giành chiến thắng gây ngạc nhiên trong cuộc bầu cử trước các đối thủ được quân đội hậu thuẫn, những người đã thống trị nền chính trị của nước này trong phần lớn thập kỷ qua.

Nhưng Thượng viện do quân đội đề cử và các đối thủ thuộc giới bảo thủ, bảo hoàng đã bác bỏ ông Pita, cản đường trở thành thủ tướng của ông.

Một văn bản của quốc hội phác thảo chương trình nghị sự của họ cho ngày 4/8 cho thấy hạ viện sẽ “xem xét và tán thành một cá nhân phù hợp để trở thành thủ tướng”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Hạ viện Wan Muhamad Noor Matha nói với các phóng viên tại quốc hội trước khi chương trình nghị sự được công bố rằng cuộc bỏ phiếu có thể bị hoãn lại tùy vào việc tòa án xem xét lại một quyết định trước đó.

Tòa án Bảo Hiến của Thái Lan dự kiến sẽ xem xét vào thứ Năm tuần tới, 3/8, một khiếu nại về một quyết định hồi đầu tháng 7 ngăn cản tư cách ứng cử viên của ông Pita cho vị trí lãnh đạo cao nhất trong chính phủ.

Ông Wan Noor cho hay nếu tòa án chấp nhận đơn khiếu nại, cuộc bỏ phiếu của quốc hội vào ngày hôm sau, 4/8, sẽ bị hoãn lại.


Cựu Thủ tướng Thaksin dự định trở lại Thái Lan giữa lúc bế tắc hậu bầu cử kéo dài 

Reuters 

Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra của Thái Lan, trong bức ảnh khi đang trả lời phỏng vấn AFP ở Hong Kong ngày 25/3/2019, có dự định trở lại Thái Lan giữa lúc bế tắc hậu bầu cử đang kéo dài ở đây.

Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra của Thái Lan, trong bức ảnh khi đang trả lời phỏng vấn AFP ở Hong Kong ngày 25/3/2019, có dự định trở lại Thái Lan giữa lúc bế tắc hậu bầu cử đang kéo dài ở đây. 

Cựu Thủ tướng hiện đang lưu vong Thaksin Shinawatra có kế hoạch trở lại Thái Lan vào ngày 10/8, theo con gái ông cho biết hôm 26/7, giữa lúc quốc gia Đông Nam Á này đang bị bế tắc chính trị sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5 trong đó các đảng đối lập với chính quyền quân sự đã giành chiến thắng.

Ông Thaksin, từng là một ông trùm trong ngành viễn thông, đã dành nhiều năm tìm cách chống lại sự can thiệp của quân đội vào các chính phủ do đảng dân túy của ông lãnh đạo và cuối cùng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.

Ông rời đất nước hai năm sau đó để tránh bị kết án tham nhũng mà theo ông là có động cơ chính trị.

“Bố sẽ trở lại vào ngày 10 tháng 8,” bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin, cho biết trong một đăng tải trên mạng xã hội.

Bà Paetongtarn là một thành viên cao cấp của Pheu Thai, hiện thân mới nhất của một đảng được thành lập và trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin. Đảng này về nhì trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 sau Đảng Move Forward (Tiến lên).

Hai đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đã cùng nhau tìm cách thành lập một chính phủ với sáu đảng liên minh có cùng chí hướng nhưng đã vấp phải sự phản đối từ Thượng viện do quân đội chỉ định và các đối thủ bảo thủ.

Ông Thaksin, làm thủ tướng từ năm 2001 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2006, đã tự ra nước ngoài sống lưu vong từ năm 2008. Ông phải đối mặt với án tù 10 năm vì những tội danh bị gán cho ông.

Phó cảnh sát trưởng Thái Lan Surachate Hakparn cho biết ông Thaksin, 74 tuổi, sẽ phải tuân theo quy trình tư pháp khi trở về.

“Cảnh sát sẽ thực hiện nhiệm vụ thông thường của họ khi máy bay hạ cánh. Ông (Thaksin) sẽ phải ra tòa và nghe phán quyết của toà”, ông Surachate nói với Reuters.

Một quan chức của đảng Pheu Thai từ chối bình luận về sự trở lại của ông Thaksin, và nói rằng đảng này không liên quan tới việc trở lại của cựu thủ tướng. Ông Thaksin đã từng thề sẽ trở lại nhưng sau đó đã đổi ý.

Trong một thông điệp gửi tới những người ủng hộ, ông Thaksin không đề cập đến bất kỳ tham vọng chính trị cá nhân nào nhưng nói rằng ông muốn cảm ơn họ vì đã ủng hộ đảng Pheu Thai.

“Nền kinh tế sẽ cải thiện rất nhiều dưới chính phủ của Pheu Thai,” ông nói trong thông điệp.

Theo hiến pháp do quân đội đặt ra, một thủ tướng phải được bầu lên bởi một cuộc họp chung của hai viện quốc hội. Các nhà phê bình cho rằng quy định này đã trao cho Thượng viện, do quân đội chỉ định, quyền lực để ngăn chặn các đảng giành được nhiều ghế nhất trong việc thành lập một chính phủ.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của Move Forward – đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 với sự ủng hộ của giới cử tri trẻ tuổi – đã bị ngăn cản trở thành thủ tướng chủ yếu là vì chính sách của đảng ông nhắm tới việc sửa đổi luật khi quân. 

Những người chỉ trích cho rằng luật này đã được các lực lượng bảo thủ sử dụng để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Với việc Đảng Move Forward bị cấm cản, đảng đứng thứ hai là Pheu Thai đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ trong quốc hội để đề cử một đại diện của đảng này làm thủ tướng.

Một số nhà phân tích cho rằng họ sẽ phải thoả hiệp với các đối thủ thân quân đội cũ để đạt được điều đó.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, chuyên về khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho biết sự trở lại của ông Thaksin có thể là dấu hiệu cho thấy đảng Pheu Thai đã tìm ra cách thành lập chính phủ tiếp theo nhưng đảng này có thể phải cắt đứt quan hệ với đảng Move Forward để làm điều đó.

“Đảng Pheu Thai sẽ đánh liều,” GS Thitinan nói. “Họ sẽ thoả hiệp với chính phủ [quân sự] và cắt đứt liên minh với đảng Move Forward và một phần của các dàn xếp này là đưa ông Thaksin trở lại [Thái Lan].”

Một quan chức của đảng Move Forward cho biết việc ông Thaksin trở lại là “vấn đề riêng tư” và không liên quan đến việc thành lập chính phủ.

Một cuộc bỏ phiếu trong quốc hội để chọn một thủ tướng đã bị hoãn lại trong tuần này để tòa án có thời gian xem xét đơn kiện về quyết định ngăn cản ứng cử viên Pita cho chức vụ cao nhất của chính phủ Thái Lan.

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Wan Muhamad Noor Matha, nói với các phóng viên rằng ông hy vọng Tòa án Hiến pháp sẽ hành động khẩn cấp để giải quyết đơn kháng cáo và dọn đường cho một cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng.


Trung Quốc giúp Indonesia « dời đô »

Thu Hằng /RFI – 28/7/2023

Tổng thống Indonesia Joko Widodo công du Trung Quốc ba ngày, kể từ ngày 27/07/2023. Trong ngày đầu tiên, lãnh đạo Indonesia đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thành Đô, Tứ Xuyên, để thảo luận về nhiều dự án chung, trong đó có việc phát triển thủ đô mới của Indonesia. 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (G) và phu nhân Iriana tại Sân bay Quốc tế Thành Đô, Trung Quốc, ngày 27/07/2023 . AP – Laily Rachev 

Indonesia dự kiến « dời đô » khỏi Jakarta trên đảo Java, quá đông dân cư và bị ô nhiễm, đến Nusantara trên đảo Borneo vào năm 2024. Theo văn phòng tổng thống thống Indonesia, được hãng tin Nhật NHK trích dẫn, tổng thống Joko Widodo và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí thúc đẩy hợp tác về dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Tây Kalimantan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hỗ trợ Jakarta phát triển khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Kalimantan.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, được AP trích dẫn, cho biết hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về y tế, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm cho dự án đầu tư, như trong lĩnh vực xe chạy bằng năng lượng tái tạo, thành phố thông minh và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp số. Indonesia muốn có vai trò lớn hơn trong tư cách là nhà cung cấp niken và các nguyên liệu thô khác cho ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Về quan hệ quốc tế, hai nguyên thủ thảo luận các vấn đề trong vùng và quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN. Tổng thống Indonesia, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, nhấn mạnh đến vai trò « chiến lược » của khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nơi « cần được bảo vệ như một khu vực hòa bình và ổn định ».

Trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Joko Widodo dự lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đại học Thế giới – FISU lần thứ 31 tại Thành Đô. Năm 2023, Indonesia và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước thắt chặt hợp tác kinh tế thông qua Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường – BRI của Trung Quốc, trong đó có dự án xây dựng đường tầu hỏa cao tốc nối Jakarta và Bandung.


XEM THÊM (HD Press)

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.