Thời sự Thứ Năm 01/06/2023: *Bắc Hàn nói sẽ phóng vệ tinh do thám. *Hàn Quốc sản xuất hoả tiễn đánh chặn vào 2015. *Thủ đô Kiev tiếp tục bị Nga oanh kích. *TC chặn đầu máy bay chiến đấu của Mỹ. *Cộng đồng Chính trị Châu Âu họp thượng đỉnh ở Moldova *Cựu PTT Mike Pence tranh cử TT


Võ Thái Hà tổng hợp


Triều Tiên quyết sẽ phóng thêm các vệ tinh do thám 

01/6/2023 Reuters 

Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. 

Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, khẳng định vệ tinh do thám quân sự của Bình Nhưỡng sẽ sớm đi vào quỹ đạo và tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực do thám quân sự, truyền thông nhà nước KCNA đưa tin hôm 1/6.

“Kẻ thù sợ nhất là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp cận với các phương tiện do thám và phương tiện thông tin tuyệt hảo bao gồm cả vệ tinh do thám và do đó, chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi nên nỗ lực hơn nữa để phát triển các phương tiện do thám”, bà Kim tuyên bố.

Phát biểu này được đưa ra sau vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng hôm 31/5 thất bại.

Cùng ngày 31/5, một số quốc gia nói với một cơ quan của Liên hiệp quốc rằng các vụ thử phi đạn của Triều Tiên đang gây nguy hiểm cho sự an toàn của hàng hải thương mại trên các tuyến đường biển bận rộn ở Đông Bắc Á.

Vụ phóng vệ tinh lần thứ sáu của Triều Tiên hôm 31/5 đã thất bại nhưng nó vẫn dẫn đến cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ở một số vùng của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một nghị quyết được đa số hơn 100 quốc gia tham gia ủy ban an ninh của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thông qua, “mạnh mẽ” lên án các vụ thử phi đạn này “đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của những người đi biển và vận chuyển quốc tế.”

Triều Tiên đã bác bỏ nghị quyết và một tài liệu do các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đệ trình. Đáp lại, nước này nói rằng các vụ thử phi đạn “cấu thành các biện pháp tự vệ thường xuyên và có kế hoạch được thực hiện bởi một quốc gia có chủ quyền để bảo vệ an ninh quốc gia.”

“(Triều Tiên) không trong vị thế có thể đưa ra thông báo trước về các cuộc tập trận và các biện pháp tự vệ của mình”, nước này nói một bản đệ trình đưa lên ủy ban IMO.

Triều Tiên nói thêm rằng các vụ phóng phi đạn “dựa trên tính toán khoa học chính xác và xem xét điểm va chạm cũng như lộ trình của các tàu di chuyển trong vùng biển”.


Hàn Quốc sẽ sản xuất hàng loạt hoả tiễn đánh chặn vào năm 2025

Để tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc dự định sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa đánh chặn vào năm 2025. 

01/6/2023

Ảnh minh họa: Hỏa tiễn Nuri được phóng thử từ Trung tâm Không gian Naro, ở Goheung, Hàn Quốc, ngày 25/05/2023. AP 

Trần Công /RFI

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

« Theo hãng tin Yonhap hôm nay, tên lửa địa đối không tầm xa (L-SAM) chuyên dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo, đã tiếp tục được thử nghiệm thành công trong lần thử thứ 4 hôm 30/05. Đây là dòng tên lửa đánh chặn được phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa, có khả năng phát hiện và đánh chặn các tên lửa đạn đạo đang bay ở độ cao 50 – 60 km, độ cao tương đương với khả năng đánh chặn của hệ thống THAAD của Mỹ. Thành công này đánh dấu việc Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới phát triển loại vũ khí này, sau Mỹ và Israel.

Trước đó, Hàn Quốc đã thử nghiệm loại tên lửa đánh chặn này 3 lần và đã có 2 lần thành công. Sau lần thành công thứ 3 này, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc dự kiến sẽ kết thúc việc đánh giá thử nghiệm vào cuối năm nay (2023) và việc sản xuất hàng loạt tên lửa sẽ bắt đầu vào năm 2025.

Quân đội Hàn Quốc đang xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), một hệ thống phòng thủ đa tầng, ở nhiều độ cao khác nhau. Dòng tên lửa L-SAM này thuộc hệ thống phòng thủ tầm cao. Các tên lửa vượt qua được hệ thống phòng thủ tầm cao sẽ tiếp tục bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tầm trung ở độ cao 40km.

Bộ trưởng Quốc Phòng Lee Jong Seop cho biết L-SAM sẽ trở thành lực lượng cốt lõi của hệ thống phòng thủ đa tầng, ở cấp độ tương đương với THAAD của Mỹ và sẽ sớm được trang bị cho quân đội Hàn Quốc.

Với việc Bắc Triều Tiên liên tục khiêu khích và tình hình thế giới đang căng thẳng, việc sản xuất hàng loạt các dòng tên lửa đánh chặn nội địa sẽ giúp Hàn Quốc chủ động trong phòng thủ đa tầng và bảo vệ lãnh thổ trong tương lai ».


Chiến tranh Ukraina : Thủ đô Kiev tiếp tục bị Nga oanh kích

Ba người chết và nhiều người bị thương trong một trận oanh kích mới nhắm vào Kiev, thủ đô Ukraina, đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, 01/06/2023. 

01/6/2023

Một tòa nhà ở Kiev, Ukraina, bị trúng tên lửa của Nga trong đêm 31/05 rạng sáng 01/06/2023. AP – Alex Babenko 

Trọng Thành /RFI

Theo không quân Ukraina, lực lượng phòng không đã bắn hạ 10 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Iskander, được phóng đi từ vùng Briansk (Nga). Theo Reuters, đây là cuộc tấn công thứ 18 nhắm vào Kiev trong vòng một tháng.

Chính quyền Ukraina cho biết 3 người thiệt mạng gồm một bé gái 11 tuổi, người mẹ của em và một phụ nữ khác. Theo đô trưởng Vitali Klitschko, một số vụ hỏa hoạn bùng lên tại các khu vực xung quanh những địa điểm bị tấn công do ‘‘các mảnh vỡ’. Đặc biệt có một cơ sở y tế bị oanh kích.

Cho đến nay, điện Kremlin thường xuyên khẳng định không chủ ý tấn công vào thường dân. Từ đầu tháng 5, Nga gia tăng tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraina, trong bối cảnh Kiev đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn.

Về phía Nga, chính quyền tỉnh biên giới Belgorod, giáp với Ukraina, khẳng định nhiều địa điểm trong tỉnh ‘‘bị oanh kích liên tục’’ sáng hôm nay, khiến 8 người bị thương. Hôm qua 31/05, chính quyền địa phương cho biết đã bắt đầu sơ tán hàng trăm trẻ nhỏ tại một số khu vực biên giới.


Gordon Chang: Vụ chặn đầu máy bay chiến đấu của Mỹ là do Bắc Kinh ra lệnh

Các vụ va chạm chặn đầu giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc và các quốc gia khác, bao gồm cả vụ việc xảy ra vào tuần trước với một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ trên Biển Đông, sẽ không xảy ra nếu không có sự chấp thuận từ cấp cao nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc – Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – Chuyên gia Trung Quốc và nhà phân tích đối ngoại Gordon Chang bình luận với Newsmax hôm thứ Tư (31/5).

“Chúng ta phải nhớ rằng vụ va chạm chặn đầu máy bay gần đây nhất diễn ra vào ngày 26/5,” ông Chang phát biểu trên chương trình John Bachman Now của Newsmax. “Ngày đó rất quan trọng, bởi vì, vào ngày 26/5/2022, đã có một vụ chặn đầu nguy hiểm diễn ra với một chiếc P-8 của Úc, cũng trên Biển Đông.”

Ông Chang cho hay, những ngày kỷ niệm như vậy rất quan trọng đối với chính quyền Trung Quốc, vì vậy hành động gây hấn gần đây đối với máy bay phản lực của Hoa Kỳ “không phải ngẫu nhiên”. “Điều này phải đến từ cấp cao nhất ở Bắc Kinh.”

Ngày 30/3, Lầu Năm Góc thông báo, máy bay J-16 của Trung Quốc đã thực hiện một thao tác “gây hấn không cần thiết” và buộc máy bay RC-135 của Hoa Kỳ phải bay qua vùng nhiễu động.

Ngày 31/5, Bắc Kinh đã đáp trả những lời chỉ trích của Hoa Kỳ bằng cách yêu cầu chấm dứt các chuyến bay của máy bay do thám của Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã kêu gọi các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của mình xem xét các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ông Chang lưu ý với Newsmax rằng đó là vì “Trung Quốc sẽ tham chiến”.

Ông nói thêm, ông Tập Cận Bình đề cập đến cụm từ “những tình huống xấu nhất”, nhưng thực tế là sẽ không có ai tấn công Trung Quốc.

“Nếu có những hậu quả tồi tệ hơn, thì đó hẳn là Trung Quốc sẽ tấn công ai đó, mặc dù điều này là không thể tưởng tượng được đối với chính quyền Biden, rằng ‘ai đó’ có thể là chúng tôi,” ông Chang tiếp tục.

Ngoài ra, ông Tập cũng có thể coi chiến tranh là một “lựa chọn khả thi” nếu không còn cách nào khác để thoát khỏi các vấn đề của quốc gia mình, bao gồm kinh tế, thiếu lương thực, thất nghiệp, v.v.

“Tôi nghĩ Trung Quốc coi việc tiến hành chiến tranh là lối thoát duy nhất,” ông Chang nhận định. “Tôi có thể sai, nhưng mặt khác, chúng ta đang thấy rất nhiều dấu hiệu, kể cả dấu hiệu gần đây nhất, đó là quân đội Trung Quốc hiện đang thanh trừng các tướng lĩnh phản đối chiến tranh.”

Cũng trong tuần này, Bắc Kinh đã từ chối lời mời các chỉ huy quốc phòng của họ gặp gỡ các đối tác Hoa Kỳ, bao gồm cả việc hủy bỏ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Lý Thượng Phúc.

Minh Ngọc (Theo Newsmax)


Ông Blinken kêu gọi TQ ‘mở đường dây liên lạc’ sau sự cố máy bay

Ngày 31/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh đồng ý tăng cường liên lạc sau sự cố máy bay chiến đấu vào tuần trước.

Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho hay, máy bay J-16 của Trung Quốc đã thực hiện hành động gây hấn hồi tuần trước và buộc máy bay RC-135 của Hoa Kỳ phải bay qua vùng nhiễu động của nó. Trong khi đó, phía Bắc Kinh đổ lỗi cho “hành động khiêu khích” của Hoa Kỳ về vụ việc.

Lầu Năm Góc cũng thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi hai người có mặt tại Singapore trong tuần này để tham dự Đối thoại Shangri-La thường niên.

Ông Blinken nói với các phóng viên trong chuyến thăm Thụy Điển: “Đã có một loạt các hành động này không chỉ nhắm vào chúng tôi mà còn nhắm vào các quốc gia khác trong những tháng gần đây.”

“Tôi nghĩ điều đó cho thấy sự cần thiết của việc Mỹ và Trung Quốc mở lại các đường dây liên lạc thường xuyên và cởi mở, trong đó có liên lạc giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước,” ông Blinken nhấn mạnh.

Ông tiếp tục: “Điều nguy hiểm nhất là không có sự giao tiếp và kết quả là dẫn đến hiểu lầm và thông tin sai lệch.”

“Và như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, cho dù Mỹ có sự cạnh tranh thực sự với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn muốn đảm bảo rằng điều đó không dẫn đến xung đột và điểm khởi đầu quan trọng nhất cho điều đó là các đường dây liên lạc thông thường,” ông Blinken lưu ý thêm.

Trước đó, Blinken đã hủy chuyến đi tới Bắc Kinh vào tháng 2 sau khi Hoa Kỳ tuyên bố họ phát hiện một khinh khí cầu giám sát từ Trung Quốc trên lục địa Hoa Kỳ.

Nhật Minh (Theo AFP)


Tình hình lạm phát của châu Âu

Trong tháng 4, lạm phát ở khu vực đồng euro tăng nhẹ từ 6,9% trong tháng 3 lên 7,0%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% của tháng 10 năm ngoái. Nhưng việc lạm phát có tăng cho thấy con đường đi xuống mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ chậm hơn so với mong đợi. Dữ liệu lạm phát tháng 5 được công bố vào thứ Năm sẽ cho thấy liệu đà tăng có tăng lên trong vài tuần qua hay không.

Ít nhiều cũng có hy vọng. Hôm thứ Ba, có thông tin cho rằng lạm phát của Tây Ban Nha đã giảm xuống 2,9%, gần chạm mục tiêu của ECB. Số liệu từ Pháp và Đức, được công bố vào thứ Tư, cũng tích cực. Song lạm phát cơ bản của Tây Ban Nha, tức không tính giá năng lượng và lương thực, chỉ giảm 0,5% xuống mức cao khó chịu 6,1%. Và tiền lương ở Hà Lan tăng 5,7% trong tháng 4 so với một năm trước đó. Lạm phát khu vực đồng Euro có thể vẫn còn cao trong thời gian tới.


Cộng đồng Chính trị châu Âu họp thượng đỉnh ở Moldova

Gần 50 nhà lãnh đạo châu Âu sẽ gặp nhau gần Chisinau, thủ đô Moldova, vào thứ Năm để tham dự cuộc họp thứ hai của “Cộng đồng Chính trị châu Âu” (EPC). Là đứa con tinh thần của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, EPC ra mắt vào tháng 10 năm ngoái. Những người hoài nghi cho rằng nó là chiêu trò của Pháp nhằm ngăn Liên minh châu Âu mở rộng. Nhưng ông Macron lập luận rằng câu lạc bộ mang đến một cách khác để thể hiện sự thống nhất của châu Âu ngoài 27 thành viên EU và để thảo luận về an ninh tập thể. Các nước tham dự có Anh và Ukraine, trong khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rút lui.

Hôm thứ Tư, ông Macron đã có một bài phát biểu tại Slovakia, trong đó ông nói việc mở rộng EU nên diễn ra “càng nhanh càng tốt” và kêu gọi một “con đường hướng tới” tư cách thành viên NATO cho Ukraine. Và ông cũng hầu như tránh dùng thuật ngữ “quyền tự chủ chiến lược,” tức lời kêu gọi châu Âu tự bảo vệ mình thay vì dựa vào Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh EPC chắc chắn sẽ nhấn mạnh sự đoàn kết. Được biết nó diễn ra ở nơi chỉ cách biên giới Moldova-Ukraine 21 km.


Tranh cãi về xe scooter điện ở các nước phát triển

Vào thứ Năm, một số công ty đường sắt ở London và đông nam nước Anh sẽ bắt đầu cấm xe scooter điện (như trong hình) trên các chuyến tàu của họ. Đây là động thái phản ứng trước những lo ngại về nguy cơ hỏa hoạn từ pin lithium-ion của loại xe này, thường được quảng cáo là một cách hiệu quả để di chuyển quanh các thành phố mà không gây ô nhiễm. Trong những tháng gần đây các nhà khai thác đường sắt trên khắp nước Anh cũng đã ra các lệnh cấm tương tự. Hồi tháng 4, sau một loạt vụ tai nạn, người dân Paris đã bỏ phiếu cấm sử dụng xe scooter điện cho thuê.

Những người phản đối cho rằng các chương trình chia sẻ xe scooter điện, vốn cho phép người dùng dùng và trả các xe được đặt ở khắp trung tâm thành phố, gây mất an toàn. Người dùng thường để xe trên vỉa hè, nơi chúng thường xuyên bị va chạm và làm tăng nguy cơ cháy pin. Dù thế, trong bối cảnh các thành phố phải chạy đua để đối phó với ô nhiễm không khí và các thách thức khí hậu, di chuyển “sạch” vẫn là một ý tưởng hấp dẫn. Nhưng để xe scooter điện trở thành một giải pháp bền vững, có thể cần chính sách quản lý cẩn thận hơn.


Venice chuẩn bị cho tương lai nước biển dâng cao hơn

Hội nghị Bền vững hai năm một lần đầu tiên của Venice, khai mạc vào thứ Năm, sẽ nói nhiều về hàng rào biển di động của thành phố, lớn nhất thế giới. Được gọi là MOSE, gợi nhắc tên nhân vật Moses trong Kinh thánh, hệ thống này có 78 cửa chặn lũ định kỳ trồi lên từ dưới nước để chặn thủy triều dâng cao nhằm ngăn nước vào làm ngập Venice và đầm phá của thành phố. Công trình này tốn 5,5 tỷ euro để xây dựng và bắt đầu hoạt động từ năm ngoái. Nhưng mực nước biển đang dâng nhanh hơn dự báo và MOSE sẽ không thể bảo vệ Venice mãi mãi. Các cuộc triển lãm và sự kiện của Hội nghị sẽ khám phá các lựa chọn khi MOSE không còn hiệu quả nữa.

Viễn cảnh đó vẫn còn xa. Nhưng Hội nghị muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp. Một cách tương đối rẻ tiền được các kỹ sư thủy lực đưa ra là bơm nước biển xuống sâu dưới lòng đất với áp suất đủ cao để nâng Venice lên 25 cm trong hơn một thập niên. Đề xuất này khiến một số người sợ hãi. Nhưng nó có thể tốt hơn là niêm phong hoàn toàn vùng đầm phá — hoặc tháo dỡ các tòa nhà quý giá của Venice để lắp ráp lại ở nơi khác.


Cựu Phó TT Mike Pence sắp khởi động tranh cử 2024

01/6/2023 

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence nói chuyện với cư dân địa phương ở Des Moines, Iowa, ngày 23/5/2023. 

Cựu Phó Tổng thống Đảng Cộng hòa Mike Pence, người đã khiến ông Donald Trump phẫn nộ vì từ chối ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, sẽ bước vào cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2024 vào ngày 7 tháng 6, hai nguồn thạo tin nói với Reuters.

Các nguồn tin cho biết ông Pence sẽ khởi động chiến dịch tranh cử bằng một đoạn video và một bài phát biểu tại Iowa.

Là một người bảo thủ xã hội trung thành, người luôn sát cánh bên ông Trump trong suốt thời gian ông nắm quyền, ông Pence ngày càng xa cách với cựu tổng thống Đảng Cộng hòa kể từ thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử, nói rằng việc ông Trump khuyến khích những kẻ bạo loạn tấn công Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 đã khiến ông cảm thấy khó chịu, làm cho ông và gia đình gặp nguy hiểm.

Ông Trump đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò dư luận bên phía Đảng Cộng hòa hiện có hơn sáu ứng cử viên được tuyên bố.

Ông Pence đã tiếp tục ủng hộ nhiều chính sách của ông Trump, đồng thời thể hiện mình là một người thay thế bình tĩnh và hướng đến sự đồng thuận. Ông cũng đã kêu gọi trực tiếp hơn đến cộng đồng Tin lành Phúc âm, ông đã dành thời gian đáng kể trong những tháng gần đây để đi thăm các nhà thờ lớn trên khắp đất nước.

Ông Pence – cựu thống đốc bang Indiana và từng là lãnh đạo đảng tại Hạ viện Hoa Kỳ – cũng sẽ kiểm tra sự khát khao của cử tri đối với một thành viên ôn hòa hay cấp tiến Cộng hòa trong một đảng mà cử tri ngày càng nghiêng về người ngoài cuộc.

XEM THÊM:

Comments are closed.