Thời sự Thứ sáu 23/02/2024: *TQ hủy hoại hơn 20.000 hecta rạn san hô *Mỹ trừng phạt hơn 500 mục tiêu theo Nga *Phi thuyền tư nhân Mỹ đáp thành công xuống mặt trăng sau nửa thế kỷ *ECB thông báo lỗ kể từ năm 2004 * TQ lo ngại lệnh trừng phạt từ Mỹ *Biden xóa nợ sinh viên hơn 1 tỷ USD *TQ gọi Trump là “đồng chí Xuyên Kiến Quốc”? *Kế hoạch hậu chiến của Netanyahu tìm kiếm vùng đệm an ninh ở Gaza, ngược với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ


Võ Thái Hà tổng hợp


Biển Đông : Trung Quốc hủy hoại hơn 20.000 hecta rạn san hô

Thu Hằng /RFI – 23/02/2024

Trung Quốc là nước gây ra thiệt hại nặng nề nhất về sinh thái trong nhiều khu vực ở Biển Đông thông qua hoạt động nạo vét và đánh bắt hủy diệt. Trong buổi họp báo tại Manila (Philippines), được trang GMA trích dẫn ngày 22/02/2024, giới chuyên gia cho rằng « nhìn vào quy mô hiện nay, phải mất vài thập niên để các rạn san hô hồi phục » và cách duy nhất là « thuyết phục Trung Quốc ngừng hoạt động phá hủy này ». 

Chinese structures and buildings on the man-made Fiery Cross Reef at the disputed Spratlys group of islands in the South China Sea are seen on March 20, 2022. The Philippine government has summoned a

Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông với những công trình được Trung Quốc xây dựng cải tạo trên đảo, chụp ngày 20/03/2022. AP – Aaron Favila 

Chỉ riêng Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 4.500 hecta rạn san hô để nạo vét, bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp. Khoảng 16.300 hecta rạn san hô bị hư hại do ngư dân Trung Quốc đánh bắt trai khổng lồ để lấy ngọc phục vụ nhu cầu ngày càng lớn. Tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng là một vấn đề. Do các vụ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông, cho đến nay, chưa có một đánh giá đầy đủ về trữ lượng cá trong khu vực.

Đây là kết quả phân tích từ hình ảnh chụp từ vệ tinh chụp lại 180 khu vực bị chiếm đóng và không có người ở tại Biển Đông và được nêu trong báo cáo « Deep Blue Scars: Environmental Threats to the South China Sea » (Những vết sẹo xanh thẳm: Các mối đe dọa môi trường đối với Biển Đông) được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố tháng 12/2023.

Theo Monica Sato, một trong ba đồng tác giả báo cáo, một tầu nạo vét Trung Quốc « cắt xuyên qua các rạn san hô và trầm tích thu được sẽ được bơm qua các đường ống nổi, sau đó trầm tích sẽ được để lắng tại nhiều khu vực thông qua các bãi chôn được nhắm trước đó ».

Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc, phá hủy khoảng 1.500 hecta rạn san hô ở vùng biển tranh chấp. Từ năm 2023, Việt Nam sử dụng các máy nạo vét hút, thay vì các biện pháp nạo vét ít hủy hoại hơn như trước đây. Theo AMTI, « biện pháp này vẫn được tiếp tục vì Việt Nam xây dựng tiền đồn ở Biển Đông ».

Ba nước khác có tranh chấp là Philippines, Malaysia và Đài Loan « hầu như không làm trầy xước bề mặt và phá hủy chưa đầy 100 hecta rạn san hô ». Dù vậy bà Monica Sato cảnh báo « mọi hoạt động bồi đắp đều gây hại cho môi trường ».

Các nhà nghiên cứu của AMTI kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế do các nước Đông Nam Á điều phối « để đánh giá tốt hơn và ý thức được quy mô thiệt hại », đồng thời lập một cơ chế chung nghiên cứu khoa học hàng hải và quản lý đánh bắt giữa các nước tranh chấp trong vùng và mời Trung Quốc tham gia.


Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt hơn 500 mục tiêu bên Nga vào ngày 23/2 

23/02/2024 – Reuters 

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo. 

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/2 rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu bên phía Nga vào ngày 23/2, nhân dịp tròn hai năm ngày Nga xâm chiếm Ukraine.

Ông Adeyemo nói rằng hành động này, được thực hiện với sự hợp tác của các quốc gia khác, sẽ nhắm vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba đang tiếp tay cho Nga tiếp cận hàng hóa mà họ muốn. Biện pháp này được đưa ra khi Washington tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine và cái chết của lãnh đạo phe đối lập, ông Alexei Navalny.

Ông Adeyemo nói: “Ngày mai chúng tôi sẽ ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt ngay tại Hoa Kỳ, nhưng điều quan trọng là hãy ngẫm nghĩ và nhớ rằng không chỉ có Mỹ thực hiện những hành động này”.

Đây là gói lệnh trừng phạt mới nhất trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow được Mỹ và các đồng minh công bố sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, làm chết hàng chục nghìn người và phá hủy các thành phố.

Các hình phạt mới được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh tìm cách duy trì áp lực lên Nga, bất chấp những nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có phê chuẩn khoản trợ giúp an ninh bổ sung cho Kyiv hay không.

Ông Adeyemo nói: “Các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích làm chậm lại sự phát triển của Nga, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tham gia cuộc chiến mà họ lựa chọn ở Ukraine”.

“Nhưng trên hết, mục đích là tăng tốc cho Ukraine, giúp họ có khả năng tự vệ, Quốc hội cần phải hành động để cung cấp cho Ukraine những nguồn lực mà họ cần và vũ khí mà họ cần”.

Trong diễn biến liên quan, Anh hôm 22/2 công bố một gói trừng phạt mới chống lại Nga, cho biết nước này đang tìm cách giảm bớt kho vũ khí và khí tài của Tổng thống Vladimir Putin hai năm sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, cũng theo Reuters.

Gói này, bao gồm việc trừng phạt hơn 50 cá nhân và tổ chức, là một phần trong nỗ lực phối hợp của phương Tây nhằm hạn chế nền kinh tế Nga.

Ngoại trưởng Anh David Cameron nói trong một tuyên bố: “Áp lực kinh tế quốc tế của chúng tôi có nghĩa là Nga không thể nuôi được cuộc xâm lược bất hợp pháp này. Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đang khiến ông Putin mất đi các nguồn lực mà ông ấy rất cần để tài trợ cho cuộc chiến đang gặp khó khăn của mình”.

Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 21/2 thông qua gói trừng phạt sâu rộng của riêng mình, cấm gần 200 pháp nhận và cá nhân bị cáo buộc đã giúp Moscow mua vũ khí hoặc liên quan đến bắt cóc trẻ em Ukraine.

Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moscow.

Ông Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nói: “Những gì Quốc hội Mỹ làm để thông qua hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác mà họ có thể làm trên mặt trận trừng phạt”.

Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 12/2023 cho biết nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, suy giảm 2,1% vào năm 2022.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã hoạt động hiệu quả cao hơn các ước tính, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 1 dự báo mức tăng trưởng GDP của Nga sẽ là 2,6% trong năm 2024 – tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 10 năm ngoái – sau khi Nga ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.


Phi thuyền tư nhân đầu tiên của Mỹ đáp thành công xuống mặt trăng sau nửa thế kỷ 

23/02/2024 – Reuters 

Phi thuyền của công ty Intuitive Machines.

Phi thuyền của công ty Intuitive Machines. 

Một tàu vũ trụ do công ty Intuitive Machines ở Texas chế tạo và vận hành đáp xuống gần cực nam của mặt trăng hôm 22/2, theo Reuters. Đây là cuộc đổ bộ đầu tiên của Hoa Kỳ lên bề mặt mặt trăng trong hơn nửa thế kỷ qua và là lần đầu tiên khu vực tư nhân đạt được thành tựu này.

Robot đổ bộ gồm 6 chân không có người lái, được đặt tên là Odysseus, đáp xuống lúc khoảng 6h23 chiều ngày 22/2, giờ miền đông Hoa Kỳ, công ty Intuitive Machines và các nhà bình luận của NASA cho biết trong một webcast chung về cuộc đổ bộ từ trung tâm điều hành phi thuyền của Intuitive Machines ở Houston.

Ông Tim Crain, giám đốc sứ mệnh của Intuitive Machines, nói với trung tâm điều hành: “Thiết bị của chúng tôi đang ở trên bề mặt mặt trăng và chúng tôi đang truyền tín hiệu, vì vậy xin chúc mừng nhóm IM”. Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ xem chúng ta có thể nhận được gì nhiều hơn từ đó”.

Ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, ngay lập tức ca ngợi đây là một “đại thắng” và nói rằng “Tàu Odysseus đã chiếm được mặt trăng”.

Cuộc đổ bộ hôm 22/2 là chuyến đáp có kiểm soát đầu tiên xuống bề mặt mặt trăng của tàu vũ trụ Hoa Kỳ kể từ khi phi tuyền Apollo 17 đáp xuống hành tinh này vào năm 1972, khi ấy phi thuyền của NASA đáp xuống đó cùng với các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt.

Cho đến nay, mới chỉ có các tàu của 4 quốc gia khác đã từng đáp xuống trên mặt trăng – Liên Xô cũ, Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Nhật Bản vào tháng trước. Hoa Kỳ là nước duy nhất từng đưa con người lên bề mặt mặt trăng.

Sự xuất hiện của tàu Odysseus cũng đánh dấu “việc đáp xuống êm ái” đầu tiên trên mặt trăng bằng một phương tiện do giới thương mại sản xuất và vận hành, và là lần đầu tiên trong chương trình mặt trăng Artemis của NASA, khi Hoa Kỳ chạy đua để đưa các phi hành gia trở lại vệ tinh tự nhiên của trái đất trước khi Trung Quốc cho tàu vũ trụ của họ đáp xuống đó.

Mặc dù Odysseus là ngôi sao mới nhất trong chương trình CLPS của NASA nhưng chuyến bay IM-1 được coi là một sứ mệnh của hãng Intuitive Machines. Hãng này do ông Stephen Altemus, cựu phó giám đốc Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston và hiện là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng, đồng sáng lập vào năm 2013.


ECB lần đầu thông báo lỗ kể từ năm 2004 do tăng lãi suất

Phan Anh – 22/02/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/ECB-ngan-hang-trung-uong-chau-Au-EU_1194035344.jpg

(Ảnh minh họa: Katjen/Shutterstock) 

Hôm 22/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo lỗ 1,3 tỷ Euro (1,4 tỷ USD) trong năm 2023, qua đó đánh dấu năm thua lỗ đầu tiên của thể chế tài chính này trong 20 năm qua.

Được biết, khoản lỗ này có thể lớn hơn nhiều nếu ECB không sử dụng khoản dự phòng 6,6 tỷ Euro dành riêng cho việc bù đắp khoản lỗ. Dẫu vậy, có thể thấy việc ECB thua lỗ là tác động tài chính từ các chính sách tiền tệ được thực hiện trong năm qua. Việc tăng lãi suất đã dẫn đến chi phí lãi suất cao hơn phải trả cho các ngân hàng trung ương quốc gia của khu vực đồng euro. Đồng thời, thu nhập lãi từ trái phiếu mà ECB tích lũy được trong nhiều năm qua không theo kịp với chi phí lãi suất mới.

ECB cho biết ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới nhưng dự kiến sẽ có lãi bền vững sau đó. Ngân hàng khẳng định rằng hiệu suất tài chính sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ECB. Ngân hàng này có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính sách tiền tệ bất chấp khoản lỗ.

Hiện ECB đang duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát và dự kiến sẽ giữ nguyên cho đến khi có bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2%. Lạm phát khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) giảm từ 2,9% của tháng 12/2023, xuống 2,8% vào tháng 1/2024.

Các nhà kinh tế dự báo rằng ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới. Chủ tịch ECB Christine Lagarde trước đó để ngỏ khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong mùa hè 2024. ECB từng báo lỗ lần cuối vào năm 2004, một phần xuất phát từ sự suy yếu của đồng USD và đồng YEN.


Trung Quốc đang lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/02/linh-nga-dieu-khien-uav-orlan-10.jpg

Lính Nga điều khiển UAV Orlan-10, máy bay không người lái này được phát hiện có nhiều linh kiện do Trung Quốc sản xuất khi bị bắn rơi trong cuộc chiến ở Ukraine. 

Trung Quốc lên tiếng chỉ trích “quyền tài phán dài hạn” của Mỹ để đáp lại việc Quốc hội nước này đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt đối với hành động hỗ trợ cho Nga của Trung Quốc. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng: “Chúng tôi tuân theo quan điểm khách quan và vô tư về cuộc khủng hoảng Ukraina và đã tích cực làm việc để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”. “Chúng ta không ngồi yên, càng không lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi một cách ích kỷ”. 

Trung Quốc dường như đã trở thành cứu cánh cho nước Nga khi họ đang bị trừng về cả tài chính và thương mại từ khi phát động cuộc chiến vớiUkraina hai năm trước. 

Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Nga, nhưng nước này vẫn bị nghi ngờ là nguồn cung cấp các linh kiện có “công dụng kép” mà Ukraina cho biết đã tìm thấy trong các phương tiện chiến đấu của Nga như máy bay không người lái Orlan-10 chẳng hạn.

Hoa Kỳ đến nay đã trừng phạt 16 công ty Trung Quốc, bao gồm cả các công ty nhà nước.

Người phát ngôn phía Trung Quốc cho biết họ có quyền hợp tác với các nước khác trên cơ sở bình đẳng và bác bỏ “các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn thiếu cơ sở trong luật pháp quốc tế, hay sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ”.

Phía Trun Quốc nói thêm rằng: “Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công ty Trung Quốc”. 

Nhận xét của Mao lặp lại nhận xét của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Bảy tại hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Munich, Đức, rằng Bắc Kinh ủng hộ các giải pháp chính trị cho “các vấn đề nóng” ” không muốn đổ thêm dầu vào lửa “.

Các biện pháp trừng phạt thứ cấp hiện tại có thể gây tác động đặc biệt nặng nề lên vấn đề kinh tế đang ngày càng trầm trọng của Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Virginia Gerald Connolly, thành viên Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, nói với CNBC bên lề hội nghị Munich rằng: “Trung Quốc phải hiểu rằng các loại lệnh trừng phạt tương tự đang bắt đầu thực sự có hiệu lực ở Nga và đang ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống của người Nga. Và chúng cũng có thể sẽ được áp dụng cho Trung Quốc”.


Biểu tình ở Philippines phản đối Tổng thống Marcos

Một chuỗi biểu tình cuối tuần sẽ bắt đầu vào thứ Sáu tại Philippines, khi những người phản đối triều đại Marcos đánh dấu kỷ niệm cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986. Philippines đã bầu ra hai tổng thống từ gia đình Marcos. Cuộc nổi dậy năm 1986 lật đổ người cha, Ferdinand Marcos, người đã thay đổi hiến pháp để trao cho mình quyền lực chuyên chế, và khôi phục nền dân chủ. Nhưng rồi người dân lại chọn Ferdinand Marcos Jr., con trai ông Marcos, làm tổng thống vào năm 2022.

Vị tổng thống mới giờ đây muốn cải cách hiến pháp, bề ngoài là để loại bỏ các điều khoản bảo hộ bị cho là gây cản trở tăng trưởng kinh tế. Song những người biểu tình nghi ngờ việc cải cách hiến pháp sẽ cho phép triều đại Marcos quay trở lại con đường chuyên quyền. Song những nghi ngờ này khá viễn vông. Ông Marcos con, trong khi tìm cách khôi phục lại danh tiếng của cha, biết rằng chính cha mình đã dẫn chính gia đình ông vào một miền hoang vu chính trị mà phải mất hàng thập niên mới thoát ra được.


Bà von der Leyen thăm Ba Lan

Khi Didier Reynders, ủy viên tư pháp của EU, đến thăm Warsaw vào năm 2021, bộ trưởng tư pháp Ba Lan, Zbigniew Ziobro, đã đưa cho ông một bức ảnh cho thấy quân Đức tàn phá thủ đô Ba Lan trong Thế chiến II. Ông giải thích, đó là một lời nhắc nhở về sự thù địch của nước ngoài đối với Ba Lan.

Nhưng chính phủ mới thân EU, nhậm chức từ tháng 12, lại có quan điểm khác. Khi ông Reynders đến thăm vào tháng trước, người kế nhiệm ông Ziobro, Adam Bodnar, đã đưa cho ông một bức ảnh về các tòa nhà chọc trời hiện đại ở Warsaw. Sau đó, họ đã ngồi xuống vạch ra một kế hoạch hành động, được trình bày tại Brussels vào thứ Ba, nhằm khôi phục nền pháp quyền ở Ba Lan – một điều kiện để giải phóng hàng tỷ euro trong quỹ phục hồi đã bị EU giữ lại.

Chủ đề này chắc chắn sẽ xuất hiện khi Ursula von der Leyen, sếp của ông Reynders, đến thăm chính phủ mới ở Warsaw lần đầu tiên vào thứ Sáu. Từ lâu đã muốn chấm dứt tranh cãi kéo dài nhiều năm với Ba Lan, bà sẽ hoan nghênh những động thái ấy. Vì vừa mới phát động chiến dịch tái tranh cử vào tuần này, bà sẽ không ngại tạo dáng để có một cái bắt tay hoàn hảo của riêng mình.


Những ngày ảm đạm của kinh tế Đức

Chính trị Đức đang bị chi phối bởi sự yếu kém của nền kinh tế. Một quốc gia từng là ngôi sao kinh tế của châu Âu giờ đây phải vật lộn với những thay đổi nhân khẩu học, tiến trình phi carbon hoá ngành công nghiệp, và giá năng lượng tăng cao. Trên hết, nước này đang điều chỉnh để thích ứng với sự cạnh tranh địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc, nước mà trước đây Đức vẫn rất thân thiết. Hôm thứ Tư, chính phủ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 xuống chỉ còn 0,2%. Đến thứ Sáu, Chỉ số Môi trường Kinh doanh về tâm lý kinh tế có thể sẽ chỉ làm tăng thêm sự lo lắng của Đức.

Chỉ mới mùa thu năm ngoái người ta còn cho rằng nền kinh tế đã chạm đáy, khi giá năng lượng bắt đầu giảm và sự co hẹp ngành chế tạo dường như đã kết thúc. Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và thu nhập thực tế bắt đầu tăng, do mức tăng lương đã vượt qua lạm phát. Tuy vậy, dữ liệu khảo sát hôm thứ Năm cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới cho ngành chế tạo đã giảm. “Âu Châu bệnh phu” có thể còn phải mất một thời gian nữa mới bình phục.


TT Biden xóa khoản nợ vay sinh viên hơn 1 tỷ USD cho 153,000 người

Anh Nguyễn, theo JTN

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/zgs3.jpg

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư (22/2) thông báo rằng chính quyền của ông sẽ hủy khoản nợ vay sinh viên trị giá 1,2 tỷ USD cho 153,000 người đi vay.

Theo NBC News, những người đủ điều kiện được xoá nợ phải là người đã đăng ký vào ‘kế hoạch trả nợ Tiết kiệm cho Giáo dục’ của chính quyền, được đưa ra vào mùa hè năm ngoái.

Những người được xóa nợ sẽ nhận được email từ chính quyền Biden có nội dung: “Chúng tôi hy vọng sự trợ giúp này sẽ giúp bạn phần nào.”

Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona hôm thứ Ba (20/2) cho biết rằng một khi điều này thông qua, chính quyền Biden sẽ hủy bỏ gần 138 tỷ USD cho gần 4 triệu người vay.

Ông Cardona nói: “Đây là những nỗ lực lịch sử phản ánh cam kết của tổng thống. Nhằm cung cấp càng nhiều cứu trợ càng tốt cho càng nhiều người đi vay càng nhanh càng tốt. Điểm mấu chốt là: Chúng tôi đang cung cấp sự hỗ trợ thực sự, khi mà các khoản thanh toán khoản vay sinh viên đang cạnh tranh với các nhu cầu cơ bản, như nhu yếu phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”

Tháng trước, chính quyền đã phê duyệt khoản xóa nợ trị giá 5 tỷ USD cho khoảng 74.000 người vay.


Tại sao Trung Quốc gọi Trump là “đồng chí Xuyên Kiến Quốc”?

Thái Ngọc/SGN – 22/02/2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/02/GettyImages-1229236951.jpg

Dư luận Trung Quốc bàn tán sôi nổi về cuộc bầu cử tổng thống giữa Donald Trump và Joe Biden (ảnh: Miguel Candela/SOPA Images/LightRocket via Getty Images) 

Bất chấp những hù dọa về việc đánh thuế gay gắt nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến nền kinh tế sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng, người Trung Quốc nói chung vẫn khoái Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Tại sao?

Trên mạng xã hội Trung Quốc, các cuộc tranh luận về việc ủng hộ hay không ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đang bùng lên. Một số người tin rằng việc Trump trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại dữ dội, với những thiệt hại kinh tế tiềm tàng rất lớn. Tuy nhiên, đa số ý kiến, đặc biệt những người theo chủ nghĩa dân tộc, lại rất thích Donald Trump.

Trung Quốc so sánh Biden và Trump như thế nào?

Nhiệm kỳ tổng thống của Trump từ 2017 đến 2021 đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong chính sách Washington đối với Bắc Kinh, khi chính quyền Trump triển khai thuế quan nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ việc làm cho dân Mỹ. Nó tái xác định cuộc tranh cãi công luận phổ biến ở Mỹ, trong đó Trung Quốc được miêu tả là một đối thủ về chính trị, công nghệ và quân sự.

Tuy nhiên, cách tiếp cận có hệ thống hơn của Joe Biden lại gây ra loạt mối đe dọa khác đối với Trung Quốc so với mối đe dọa tóe lửa nhưng không thật sự hiệu quả trong nhiệm kỳ Trump. Hoa Kỳ thời Biden không chỉ giữ nguyên mức thuế của Trump mà còn xây dựng thêm một hệ thống toàn diện để hạn chế dòng công nghệ phương Tây sang Trung Quốc. Và bằng cách đầu tư quan hệ chiến lược cùng các đối tác và liên minh an ninh của Mỹ, từ Úc và Ấn Độ đến Philippines và Hàn Quốc, Hoa Kỳ thời Biden đã củng cố sức mạnh hệ thống an ninh châu Á nhằm ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc.

Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong, 时殷弘), chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, từng nhận định: “Trước cuộc bầu cử (2020), ít ai ngờ rằng Biden có thể trở nên đối đầu như vậy trong việc đối phó Trung Quốc. Điều này thật kịch tính, thậm chí là quyết liệt.” Với nhiều nhà phân tích ở Bắc Kinh, nhiệm kỳ tổng thống của Biden đại diện cho điều tồi tệ nhất đối với lợi ích chiến lược của Trung Quốc: Biden không chỉ tiếp tục các chính sách cơ bắp của người tiền nhiệm Trump đối với Trung Quốc, mà không như Donald Trump, Biden còn thực sự tin tưởng vào việc tổ chức một thế giới trong đó các nền dân chủ cần liên kết chống lại những chế độ chuyên chế.

Học giả Thời Ân Hoàng, người đại diện cho quan điểm chung ở Bắc Kinh, thừa nhận: Chính quyền Biden đã thực hiện chính sách “có hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc tập hợp các đồng minh” khi cố ngăn cản hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Mặc dù nỗ lực không thành nhưng nó đã giúp đoàn kết phần lớn thế giới trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt khốc liệt đối với Nga và đưa châu Âu và NATO xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Điểm khác biệt chính giữa Trump và Biden, đặc biệt liên quan đến Bắc Kinh, là cam kết của họ đối với nền dân chủ. Điều này đưa đến một điểm khác biệt quan trọng khác giữa Trump và Biden. Trump công khai ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo độc tài và tuyên bố sẵn sàng bỏ rơi Đài Loan. Ngược lại, cá nhân Biden tin rằng hệ thống dân chủ Đài Loan luôn đáng được bảo vệ.

Chính sách Biden đã củng cố quan điểm lâu nay của Bắc Kinh về đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ, khi họ tin rằng các chính trị gia Dân chủ ở Mỹ có tiếng nói mạnh hơn về các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Quan điểm này có thể thấy rõ ngay từ năm 1972, khi Tổng thống Richard Nixon (Cộng hòa) thực hiện chuyến đi mang tính đột phá tới Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông. “Tôi thích những người cánh hữu,” Mao nói, theo hồi ký Nixon. Mao gộp Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, Đảng Bảo thủ của Anh và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Tây Đức lại với nhau và nói rằng ông “vui mừng khi những người cánh hữu này ‘lên nắm quyền’”. Nixon – cùng với Henry Kissinger – luôn được kính trọng ở Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Donald Trump đang đẩy vấn đề Trung Quốc lên thành chủ đề lớn, đặc biệt chính sách thuế. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Trung không dừng lại ở khía cạnh kinh tế, và chính ở đây, sự tính toán của Tập Cận Bình có thể nghiêng về hướng khác. Tập công khai bày tỏ phẫn nộ trước trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo, và ông luôn muốn đẩy Trung Quốc lên thành trung tâm quyền lực thay thế. Chính ở điểm này, Tập Cận Bình nói riêng và Trung Quốc nói chung rất thích Donald Trump. Họ tin rằng Trump không chỉ tàn phá hệ thống chính trị lâu đời của Mỹ mà còn phá hoại tất cả giềng mối quan hệ ngoại giao và sự gắn kết chiến lược của Mỹ với các đồng minh phương Tây.

“Năng lực” gây sóng gió của Trump với các đồng minh Mỹ ở châu Âu và châu Á chắc chắn làm suy yếu sự gắn kết với họ về chính sách đối với Trung Quốc. Những phát biểu và nhận xét khinh bỉ của Trump về NATO, đặc biệt khi ông nói thẳng rằng Mỹ sẽ không “bảo kê” cho các đồng minh, kể cả khi Putin gây hấn châu Âu, là những gì Trung Quốc rất muốn nghe và thèm chứng kiến. Trump cũng tỏ ra căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc; và đặc biệt không muốn can thiệp vấn đề Đài Loan (trong hồi ký The Room Where It Happened: A White House Memoir, John Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia của Trump từ Tháng Tư 2018 đến Tháng Chín 2019, thuật rằng Trump đã “cằn nhằn” về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan).

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/02/GettyImages-872040216.jpg

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Maria Bartiromo trong chương trình Sunday Morning Futures With Maria Bartiromo của Fox News phát sóng đầu Tháng Hai 2024, Donald Trump nói, “Tôi rất thích Chủ tịch Tập. Ông ấy là một người bạn rất tốt trong nhiệm kỳ của tôi.” (ảnh: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày 9 Tháng Mười Một 2017 – Thomas Peter – Pool/Getty Images) 

“Đồng chí Xuyên Kiến Quốc” 

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhà nước vào Tháng Giêng 2024, Diêm Học Thông (Yan Xuetong, 阎学通) thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định rằng các ứng viên tổng thống Mỹ sẽ thể hiện “ai chống Trung Quốc nhiều hơn”. “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn sự đối đầu giữa hai bên và leo thang thành xung đột, đất nước chúng ta cần thực hiện một số biện pháp chủ động” – họ Diêm nói.

Cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc của Biden tỏ ra bài bản, có thể dễ đoán vì chính sách được thực hiện “theo kiểu sách vở” nhưng được tổ chức và thực thi tốt hơn, và do vậy luôn là mối đe dọa lớn hơn về lâu dài. Trong khi đó, tính cách bất ổn, bất nhất, nóng nảy và thường xuyên gây hỗn loạn của Trump lại có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc thắng Mỹ theo cách “bất chiến tự nhiên thành” – ít nhất về mặt ngoại giao.

Ngô Tâm Bá (Wu Xinbo, 年出生) thuộc Đại học Phục Đán ở Thượng Hải cho rằng Biden “vẫn hy vọng duy trì vị thế thống trị Mỹ trên thế giới. Và chừng nào Mỹ còn muốn giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu thì nước này không thể làm được nếu không hợp tác với Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong bối cảnh quân đội Mỹ lẫn Trung Quốc đang đầu tư mạnh và quan hệ thương mại hai nước tiếp tục rạn nứt, nhận định lạc quan như vậy là rất hiếm, nếu không muốn nói “lạc quẻ”.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào Tháng Mười Một 2024 đang đặt ra cho Trung Quốc những thách thức khác nhau. Tuy nhiên, bất luận Trung Quốc thiệt hại kinh tế như thế nào do chính sách thuế quan của Mỹ thì Tập Cận Bình đã có thể thấy rõ rằng, “nhân tố Donald Trump” đang gây nên cuộc khủng hoảng nội bộ chính trị Mỹ theo mức chưa từng có, đồng minh Mỹ đang nhìn Washington bằng cặp mắt lo ngại và bất tín chưa từng có, và nền dân chủ thế giới tiếp tục tụt xuống đáy chưa từng có.

Chính sách ngoại giao cùng với thái độ khinh miệt của Trump đối với các liên minh (đặc biệt NATO) đang mang lại lợi ích tuyên truyền đáng kể cho Trung Quốc. Nó làm suy yếu hệ thống an ninh do Mỹ lãnh đạo ở châu Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc có thể hành xử theo ý họ đối với Đài Loan nói riêng và châu Á nói chung.

Đó là lý do tại sao dân Trung Quốc, đặc biệt những kẻ theo chủ nghĩa ái quốc cuồng tín, gọi Donald Trump là “đồng chí Xuyên Kiến Quốc” (Comrade Chuan Jianguo, 川建国, trong đó “Chuan” là cách gọi tên “Trump” và “Kiến Quốc” hàm ý Trump làm cho Trung Quốc mạnh hơn). Với họ, trừ Trump, không ai có thể phá được liên minh chặt chẽ có truyền thống từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay giữa Mỹ và châu Âu – bất luận suốt nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã nỗ lực hết cách để chia cắt họ. Không ai có thể gây bát nháo nước Mỹ bằng Trump.

Lợi ích chiến lược trên bình diện thế giới mà Trung Quốc có được là thứ quan trọng hơn nhiều so với những tổn thất kinh tế mà Trung Quốc chịu thiệt. Thực tế đã cho thấy Trung Quốc đã chi hàng tỉ đôla để phá hoại hệ thống chính trị dân chủ lâu đời của Mỹ, cũng như cố gây rạn nứt liên minh bền bỉ giữa các cường quốc dân chủ phương Tây, nhưng không bao giờ thành công. Bây giờ, nhờ Trump, Trung Quốc có thể bước sang một giai đoạn “kiến quốc” mới.


Bộ Quốc phòng VN dự triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, gặp quan chức không quân Mỹ 

23/02/2024 

VOA Tiếng Việt 

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, dẫn đầu một đoàn đến dự Triển lãm Hàng không Singapore 2024. Photo mod.gov.vn

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, dẫn đầu một đoàn đến dự Triển lãm Hàng không Singapore 2024. Photo mod.gov.vn 

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, dẫn đầu một đoàn đến dự Triển lãm Hàng không Singapore 2024 giữa lúc Hà Nội đang đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí phòng không vốn từ lâu phụ thuộc nhiều vào Nga.

Triển lãm Hàng không Singapore (Singapore Airshow) lần thứ 9 diễn ra từ ngày 20-25/2 do Bộ Quốc phòng Singapore tổ chức, với khoảng 1.000 công ty từ hơn 50 quốc gia tham gia, nổi bật nhất vẫn là những thương hiệu như Airbus của châu Âu, Boeing và Lockheed Martin của Mỹ, nhưng vắng bóng các hãng tên tuổi của Nga do đang bị trừng phạt, hãng tin Reuters và truyền thông Việt Nam cho biết hôm 22/2.

Phái đoàn của Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới; theo dõi các cuộc trình diễn của không quân Singapore, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Australia và một số hãng hàng không dân dụng quốc tế, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm, phái đoàn Việt Nam cũng đã có buổi gặp gỡ với các đối tác để trao đổi về những vấn đề các bên cùng quan tâm và hợp tác song phương.

Họ đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Andrew Hunter. Trong cuộc gặp, các đại diện của Hà Nội đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên cơ sở các văn kiện đã ký, “ưu tiên hợp tác trong huấn luyện, cứu hộ, quân y, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam”, theo Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Việt Nam vào đầu năm 2019 được cho là đã đặt mua máy bay trinh sát và huấn luyện quân sự T-6 của Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ. Hồi tháng 12/2022, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, chuẩn tướng không quân Mỹ Sarah Russ cho hay Mỹ dự định chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay T-6 trong giai đoạn 2024-2027, trong đó có 3 chiếc dự kiến được chuyển giao trong quý I năm 2024.

Cũng tại cuộc triển lãm đang diễn ra, trong buổi gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Czech Daniel Blazkovec, Tướng Sơn bày tỏ vui mừng trước những “kết quả hợp tác quốc phòng nổi bật” giữa hai nước thời gian qua và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực như trao đổi đoàn, đào tạo…, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Một số hình ảnh do truyền thông Việt Nam đăng tải và cả trên các trang mạng xã hội cho thấy phái đoàn ông Sơn và ông Blazkovec đứng trước gian hàng của Aero Vodochody, hãng sản xuất chiếc máy bay huấn luyện L-39NG mà Việt Nam đặt mua 12 chiếc từ Cộng hòa Czech hồi năm 2021 và dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường chi tiêu quân sự cũng như củng cố sức mạnh cho lực lượng quốc phòng giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông và trong khu vực.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại triển lãm này, hãng hàng không Vietjet của Việt Nam và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký kết thoả thuận nguyên tắc đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900), Vietjet Air và Airbus loan tin hôm 22/2.

Nga vắng mặt

Hôm 22/2, hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia và nguồn tin trong ngành cho rằng việc Nga vắng mặt tại Triển lãm Hàng không Singapore 2024, trong khi các công ty của nước này đang vật lộn với các lệnh trừng phạt vì cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, được xem là cơ hội lớn cho các đối thủ bước vào thị trường châu Á.

Những gã khổng lồ quốc phòng như UAC và Russian Helicopters của Nga trước đây từng hiện diện áp đảo tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, nơi các công ty trưng bày một loạt hệ thống, từ cảm biến và vũ khí nhỏ đến máy bay vận tải cỡ lớn, tên lửa và vệ tinh. Tuy nhiên, năm nay không có công ty Nga nào có tên trong số những doanh nghiệp tham dự – điều mà các đối thủ cạnh tranh cho là dấu hiệu cánh cửa đã mở cho họ ở châu Á, vẫn theo Reuters.

Trước đó, Reuters dẫn lời các nhà quan sát nói rằng cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine được cho là đã đẩy nhanh quyết tâm của Việt Nam nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga, với việc Hà Nội tuyên bố muốn đa dạng các nguồn cung cấp thiết bị quốc phòng.

Từ trước đến nay, Nga vẫn là quốc gia cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, chiếm từ 70%-80% nguồn cung cho Hà Nội, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Cơ quan này cho hay từ năm 1995 đến năm 2022, tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD, trong đó từ Nga chiếm 7,4 tỷ USD (khoảng 81,5%).


XEM THÊM:

Kế hoạch hậu chiến của Netanyahu tìm kiếm vùng đệm an ninh ở Gaza – giáng mạnh vào chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ


Tags: , , , , , , , ,

Comments are closed.