Thượng đỉnh EU-Trung Á : Liên Âu nỗ lực lấn sâu vào sân sau của Nga


Ảnh tư liệu: Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell ( thứ ba, từ trái sang phải ) và các ngoại trưởng 5 nước Trung Á tại cuộc họp ở Samarkand, Uzbekistan, ngày 17/11/2022. AP

Hôm nay, 02/06/2023, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đến Kirghizstan dự hội nghị thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu với 5 nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ với mục tiêu tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Liên Âu tại khu vực. Nơi đây ngày càng được các cường quốc săn đón trong bối cảnh Nga đang tập trung vào cuộc chiến tranh ở Ukraina.

Đăng ngày: 02/06/2023 – 12:14 – RFI

Anh Vũ

Tổng thống năm nước Kazakhstan, Kirghizstan, Uzbekistan, Tadjikistan và một phái đoàn của Turkmenistan cùng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu tham dự hội nghị được tổ chức ở thành phố Cholpon-Ata của Kirghizstan. Đây là thượng đỉnh thứ 2 giữa EU và 5 nước Trung Á trong vòng chưa đầy một năm và chỉ hai tuần sau cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống của các nước nói trên tại Tây An, Trung Quốc.

Tại khu vực vốn được coi là vùng ảnh hưởng của Nga, Liên Hiệp Châu Âu vẫn dẫn đầu về viện trợ phát triển với 1,1 tỷ euro trong giai đoạn từ 2014 đến 2020. Liên Âu hiện là đối tác đầu tư chính tại Trung Á, đứng đầu, chiếm 42%, vượt trên Hoa Kỳ 14,2%, Nga 6% và Trung Quốc 3,7%.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina đã tạo ra một động lực mới cho mối quan tâm của Liên Hiệp Châu Âu đối với vùng Trung Á. Do Nga ngày càng bị suy cạn nguồn lực vì chiến tranh, các trừng phạt, các nước Cộng hòa Trung Á buộc phải tìm cách đa dạng hóa các đối tác, sẵn sàng tìm đến các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran.  Ngược lại, các cường quốc cũng nhìn thấy ở các quốc gia Trung Á những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa chính trị ngày càng quan trọng.

Bruxelles cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt Nga hiện nay để các nước Trung Á đỡ bị ảnh hưởng gián tiếp, đồng thời cũng tìm cách ngăn chận Nga sử dụng các nước Trung Á để lách trừng phạt của phương Tây.

Mặc dù khẳng định đường lối ngoại giao đa phương, các nước Cộng hòa Trung Á vẫn gắn kết với Nga bằng mối liên minh quân sự, kinh tế và văn hóa đã tồn tại từ sau khi Liên Xô tan rã.

Đối thủ cạnh tranh mới của châu Âu, Trung Quốc, láng giềng lớn của các quốc gia Trung Á, cũng đang tìm cách lôi kéo các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ qua việc cung cấp tài chính, đầu tư ồ ạt vào những dự án lớn, đặc biệt là các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ cho dự án Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Có một điểm tế nhị cho Liên Hiệp Châu Âu, đó là các chế độ ở Trung Á vẫn bị các tổ chức phi chính phủ lên án là độc tài, tuy ở mỗi nước mức độ có khác nhau. Tình hình an ninh trong khu vực vẫn bất ổn do các hiềm khích lịch sử để lại trong quan hệ giữa các nước Trung Á.

RFI

Comments are closed.