Thời sự ngày Thứ năm 22/02/2024: *Liên Âu trừng phạt Nga thứ 13 *Dân biểu Mỹ nói Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan «cực kỳ mạnh mẽ» *Iran cấp cho Nga hàng trăm phi đạn đạn đạo *TNS Joe Manchin từ chối bảo trợ cho TT Biden *Tàu Đài Loan đuổi tàu Cảnh sát biển TQ *Tàu vũ trụ Mỹ không người sắp đáp xuống Mặt Trăng *Cử tri Mỹ lo ngại tuổi tác của ứng cử viên tổng thống *Gia đình Hun Sen thống trị chính trường


Võ Thái Hà tổng hợp


Chiến tranh Ukraina : Liên Âu thông qua loạt trừng phạt thứ 13 đối với Nga

Trọng Thành /RFI – 22/02/2024

Đại sứ 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong cuộc họp hôm qua, 21/02/2024, tại Bruxelles, đã bật đèn xanh cho việc thông qua loạt trừng phạt mới đối với Matxcơva. Đây là loạt thứ 13 kể từ khi Nga tấn công Ukraina ngày 24/02/2022. Liên Âu muốn nhanh chóng thông qua loạt trừng phạt nhắm vào khoảng 200 tổ chức và cá nhân ngay trước dịp tròn 2 năm cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. 

Trụ sở Ủy Ban Châu Âu, tại Bruxelles, Bỉ.

Trụ sở Ủy Ban Châu Âu, tại Bruxelles, Bỉ. © Yves Herman / Reuters 

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

Danh sách các cá nhân và các tổ chức bị trừng phạt sẽ chỉ được biết chính xác khi được đưa lên công báo, nhưng hiện tại người ta biết rằng có ít nhất  khoảng 50 tổ chức bị nhắm đến. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp cung cấp công nghệ điện tử dùng trong quân sự và sản xuất vũ khí.

Cụ thể là các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động mua, vận chuyển và cung cấp cơ sở cất giữ cho đạn dược đến từ Bắc Triều Tiên, đặc biệt là đạn pháo. Có ba doanh nghiệp Trung Quốc, một số doanh nghiệp gốc Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Serbia, cung cấp hàng cho quân đội Nga, nằm trong danh sách trừng phạt. Trong số các cá nhân bị trừng phạt, cũng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và quân nhân.

Loạt trừng phạt thứ 13 đã được chuẩn bị để có thể được thông qua dễ dàng. Loạt trừng phạt này đúng là đã được chấp thuận rất nhanh chóng, vì bản dự thảo đầu tiên chỉ mới được đưa ra hôm 08/02. Hungary đã yêu cầu xem kỹ lại danh sách, nhưng chính quyền Budapest đã bật đèn xanh cho loạt trừng phạt này chỉ sau vài ngày. Đã có nhiều quốc gia yêu cầu Liên Âu ra thêm các trừng phạt mới, về hạt nhân, drone hay nhôm.’’

Ít ngày sau khi Nga chiếm được Avdiïvka, thành phố miền đông Ukraina, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller, trong một họp báo hôm  21/02/2024, bác bỏ quan điểm cho rằng quân đội Nga đang giành được thế thượng phong tại Ukraina. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ukraina đang có nhiều bước tiến quan trọng trên chiến trường, đặc biệt tại Hắc Hải. Ông Matthew Miller nhấn mạnh, việc các lực lượng Nga lấn sân trong những ngày gần đây chủ yếu là do Ukraina thiếu hụt phương tiện và ‘‘ việc Quốc Hội Hoa Kỳ chưa quyết định tiếp tục cung cấp các phương tiện cần thiết cho quân đội Ukraina là một nguyên nhân chính’’.


Dân biểu Mỹ khẳng định Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ « cực kỳ mạnh mẽ » Đài Loan

Anh Vũ /RFI – 22/02/2024

Theo AFP, ngay sau khi tới thăm Đài Loan hôm nay, 22/02/2024, dân biểu  Cộng Hòa Mike Gallagher đã khẳng định sự ủng hộ của Quốc Hội Mỹ đối với hòn đảo này là « cực kỳ mạnh mẽ ». Bắc Kinh lên án Hoa Kỳ « can thiệp » vào công việc nội bộ của Trung Quốc. 

In this photo released by the Taiwan Presidential Office, Taiwan's President Tsai Ing-wen, second right, shakes hands with members of United States Congressmen as Rep. Mike Gallagher, the Republican c

Ảnh do Văn phòng Tổng thống Đài Loan công bó: Tổng thống Thái Anh Văn ( Tsai Ing-wen ) bắt tay các nghị sĩ Mỹ Quốc Hội Mỹ trong cuộc gặp tại Đài Bắc ngày 22/02/2024. AP 

Ông Mike Gallagher, dân biểu Cộng Hòa, chủ tịch Ủy ban chuyên trách về đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Hạ Viện Mỹ, đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 5 nghị sĩ tới thăm Đài Loan. Phái đoàn nghị sĩ Mỹ đã tiếp xúc với tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn và ông Lại Thanh Đức, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng trước.

Ngay khi đặt chân đến Đài Bắc hôm nay, ông Mike Gallagher tuyên bố với báo chí : « Tôi nhận thấy sự ủng hộ ngày càng lớn và cực kỳ mạnh mẽ với Đài Loan » trong Quốc Hội. Dân biểu Mỹ cũng chỉ trích công khai Trung Quốc và khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan sẽ không bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay.  Ông khẳng định: « Tôi tin sự ủng hộ Đài Loan sẽ tiếp tục cho dù chủ nhân Nhà Trắng là ai ».

Theo một video của đoàn ghi lại cuộc gặp với bà Thái Anh Văn, ông Gallagher đã cảnh cáo mọi ý đồ xâm lược Đài Loan của Bắc Kinh.

Trước đó, tổng thống Thái Anh Văn đã chào đón đoàn dân biểu Mỹ, khẳng định chuyến thăm của đoàn là bằng chứng cho « sự ủng hộ không suy suyển của Hoa Kỳ đối với nền dân chủ Đài Loan qua những hành động cụ thể ». Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh : « Chúng tôi nghĩ rằng Đài Loan và Hoa Kỳ có thể tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa các trao đổi và hợp tác, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong vùng Thái Bình Dương và bảo vệ nền dân chủ và tự do giành được một các khó khăn ».

Đoàn dân biểu Mỹ sẽ ở thăm hòn đảo đến thứ Bảy và sẽ có các cuộc tiếp xúc trao đổi về quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan, an ninh ninh khu vực và thương mại, theo thông cáo của Viện Mỹ tại Đài Loan, trên thực tế là cơ quan đại diện liên lạc giữa Washington và Đài Bắc.

Hoa Kỳ không công nhận cũng khư không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Các chuyến viếng thăm của quan chức Mỹ đến hòn đảo đều gây những phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Lần này, Trung Quốc đã lên án chuyến thăm của các dân biểu Mỹ là hành động « can thiệp » vào công việc nội bộ của họ.

Phát ngôn viên Ngoại Giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, hôm nay tuyên bố : « Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối mọi trao đổi chính thức giữa Hoa Kỳ và chính quyền Đài Loan, và kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp của Hoa Kỳ vào vấn đề Đài Loan dưới bất kỳ hình thức hay lý do nào ». Bắc Kinh kêu gọi « Hoa Kỳ hãy nhận ra tính chất cực kỳ phức tạp và nhạy cảm của vấn đề Đài Loan ».


Các nguồn tin cho biết Iran cấp cho Nga hàng trăm phi đạn đạn đạo 

22/02/2024 Reuters 

Phi đạn đạn đạo của Iran được trưng bày trong một buổi lễ của Lực lượng Vũ trang Iran tại Tehran, ngày 22/8/2023.

Phi đạn đạn đạo của Iran được trưng bày trong một buổi lễ của Lực lượng Vũ trang Iran tại Tehran, ngày 22/8/2023. 

Iran đã cung cấp cho Nga một số lượng lớn phi đạn đạn đạo đất đối đất mạnh mẽ, sáu nguồn tin nói với Reuters, cho thấy sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia bị Mỹ trừng phạt.

Ba nguồn tin Iran cho biết, Iran cung cấp khoảng 400 phi đạn bao gồm nhiều phi đạn thuộc dòng vũ khí đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, chẳng hạn như Zolfaghar. Các chuyên gia cho biết phi đạn cơ động trên đường này có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 300 đến 700 km.

Bộ Quốc phòng Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng – lực lượng tinh nhuệ giám sát chương trình phi đạn đạn đạo của Iran – từ chối bình luận. Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Một trong những nguồn tin của Iran cho biết, các chuyến hàng bắt đầu vào đầu tháng 1 năm nay sau khi một thỏa thuận được hoàn tất trong các cuộc họp vào cuối năm ngoái giữa các quan chức quân sự và an ninh Iran và Nga diễn ra ở Tehran và Moscow.

Một quan chức quân sự Iran – giống như các nguồn tin khác, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của thông tin – nói đã có ít nhất 4 chuyến hàng phi đạn và sẽ có nhiều hơn trong những tuần tới. Ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Một quan chức cấp cao khác của Iran cho biết một số phi đạn đã được gửi tới Nga bằng tàu qua Biển Caspian, trong khi số khác được vận chuyển bằng máy bay.

“Sẽ có nhiều chuyến hàng hơn”, quan chức Iran thứ hai cho biết. “Không có lý do gì để che giấu điều đó. Chúng tôi được phép xuất khẩu vũ khí sang bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi muốn.”

Các hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với việc xuất khẩu một số phi đạn, máy bay không người lái và các công nghệ khác của Iran đã hết hạn vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu vẫn giữ nguyên các biện pháp trừng phạt đối với chương trình phi đạn đạn đạo của Iran trong bối cảnh lo ngại về việc xuất khẩu vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Trung Đông và sang Nga.

Nguồn thứ tư, quen thuộc với vấn đề này, xác nhận rằng gần đây Nga đã nhận được một số lượng lớn phi đạn từ Iran nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết vào đầu tháng 1, Mỹ lo ngại rằng Nga sắp mua được vũ khí đạn đạo tầm ngắn từ Iran, bên cạnh các phi đạn có nguồn gốc từ Triều Tiên.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Washington đã thấy bằng chứng về các cuộc đàm phán đang tiến triển tích cực nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc giao hàng đã diễn ra.

Ngũ Giác Đài chưa hồi đáp yêu cầu bình luận về việc chuyển giao phi đạn.

Công tố viên hàng đầu của Ukraine hôm 16/2 cho biết các phi đạn đạn đạo do Triều Tiên cung cấp cho Nga đã được chứng minh là không đáng tin cậy trên chiến trường, chỉ có 2 trong số 24 phi đạn bắn trúng mục tiêu. Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc Triều Tiên cung cấp cho Nga vũ khí để Nga dùng ở Ukraine.

Ngược lại, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, cho biết dòng phi đạn Fateh-110 và Zolfaghar là vũ khí chính xác.

Ông Lewis nói: “Chúng được sử dụng để nhắm vào những thứ có giá trị cao và cần gây sát thương chính xác”, đồng thời cho biết thêm rằng 400 quả đạn có thể gây tổn hại đáng kể nếu được sử dụng ở Ukraine. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các cuộc bắn phá của Nga vốn đã “khá tàn bạo”.

Trì hoãn viện trợ của Mỹ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine

Một nguồn tin quân sự Ukraine nói với Reuters rằng Kyiv chưa thấy được bất kỳ việc sử dụng phi đạn đạn đạo nào của Iran bởi lực lượng Nga trong cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Ukraine không trả lời ngay yêu cầu bình luận của Reuters.

Sau khi tin này được đăng tải, phát ngôn viên của Không quân Ukraine nói với truyền hình quốc gia rằng họ không có thông tin chính thức về việc Nga có được những phi đạn như vậy. Ông nói rằng phi đạn đạn đạo sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ukraine.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nói rằng Nga muốn bổ sung kho vũ khí phi đạn của mình vào thời điểm mà sự chậm trễ trong việc phê duyệt gói viện trợ quân sự lớn của Mỹ tại Quốc hội đã khiến Ukraine thiếu đạn dược và các vật liệu khác.

Ông Zagorodnyuk, chủ tịch Trung tâm Chiến lược Phòng không, một cơ quan nghiên cứu và tư vấn cho chính phủ có trụ sở tại Kyiv, cho biết: “Việc thiếu sự hỗ trợ của Mỹ đồng nghĩa với việc thiếu hụt lực lượng phòng không trên mặt đất ở Ukraine. Vì vậy, họ muốn tích lũy một lượng lớn phi đạn và xuyên thủng hệ thống phòng không của Ukraine”. 

Kyiv đã nhiều lần yêu cầu Tehran ngừng cung cấp máy bay không người lái Shahed cho Nga, vốn đã trở thành phương tiện chính trong các cuộc tấn công tầm xa của Moscow nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine, cùng với một loạt phi đạn.

Lực lượng không quân Ukraine hồi tháng 12/2023 cho biết Nga đã phóng 3.700 máy bay không người lái Shahed trong chiến tranh, chúng có thể bay xa hàng trăm km và phát nổ khi va chạm. Phòng không Ukraine bắn hạ hàng chục chiếc loại này mỗi tuần.

​Iran ban đầu phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga nhưng vài tháng sau cho biết họ đã cung cấp một số lượng nhỏ trước khi Moscow phát động cuộc chiến với Ukraine vào năm 2022.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết hôm 19/2 khi được hỏi về việc Tehran chuyển giao máy bay không người lái cho Nga: “Những người cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho một trong các bên trong cuộc chiến Ukraine đang làm như vậy vì mục đích chính trị”. “Chúng tôi chưa đưa bất kỳ máy bay không người lái nào tham gia vào cuộc chiến đó.”

Ông Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứ có trụ sở tại Philadelphia, cho biết việc cung cấp tên lửa Fateh-100 và Zolfaghar từ Iran sẽ mang lại cho Nga lợi thế lớn hơn trên chiến trường.

Ông Lee nói: “Chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự ở độ sâu hoạt động và phi đạn đạn đạo khiến lực lượng phòng không Ukraine khó đánh chặn hơn”.

Mở rộng quan hệ với Moscow

Giới cầm quyền giáo sĩ theo đường lối cứng rắn của Iran đã liên tục tìm cách tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc, đánh cược rằng điều đó sẽ giúp Tehran chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và chấm dứt sự cô lập chính trị.

Hợp tác quốc phòng giữa Iran và Nga đã tăng cường kể từ khi Moscow xua hàng chục nghìn quân qua Ukraine vào tháng 2/2022.

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã gặp người đứng đầu Lực lượng Hàng không Vũ trụ Vệ binh Cách mạng Iran, Amirali Hajizadeh, tại Tehran vào tháng 9/2023, khi máy bay không người lái, phi đạn và hệ thống phòng không của Iran được trưng bày cho ông xem.

Và vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ mong đợi Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi sẽ sớm ký một hiệp ước hợp tác mới rộng rãi, sau cuộc hội đàm tại Moscow vào tháng 12/2023.

Quan chức quân sự này nói: “Quan hệ đối tác quân sự với Nga đã cho thế giới thấy khả năng phòng thủ của Iran”. “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đứng về phía Nga trong cuộc xung đột Ukraine”.

Rủi ro rất cao đối với các nhà lãnh đạo giáo sĩ của Iran trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine nổ ra sau ngày 7/10/2023. Họ cũng phải đối mặt với sự bất đồng quan điểm ngày càng tăng trong nước về những tai ương kinh tế và những hạn chế xã hội.

Trong khi Tehran cố gắng tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Israel có thể thu hút Mỹ, thì các đồng minh thuộc Trục Kháng chiến của nước này – bao gồm Hezbollah ở Li Băng và Houthis ở Yemen – đã tấn công các mục tiêu của Israel và Mỹ.

Một nhà ngoại giao phương Tây được thuyết trình về vấn đề này đã xác nhận việc Iran chuyển phi đạn đạn đạo cho Nga trong những tuần gần đây nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Ông cho biết các nước phương Tây lo ngại rằng việc Nga chuyển giao vũ khí qua lại cho Iran có thể củng cố vị thế của nước này trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra với Mỹ và Israel.

Iran hồi tháng 11/2023 cho biết họ đã hoàn tất các thỏa thuận để Nga cung cấp máy bay chiến đấu Su-35, trực thăng tấn công Mi-28 và máy bay huấn luyện phi công Yak-130.

Nhà phân tích Gregory Brew tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, cho biết Nga là đồng minh cơ hội cho Iran.

Ông nói: “Mối quan hệ mang tính chất giao dịch: để đổi lấy máy bay không người lái, Iran mong đợi hợp tác an ninh nhiều hơn và có vũ khí tiên tiến, đặc biệt là máy bay hiện đại”.

https://www.voatiengviet.com


TNS Joe Manchin từ chối bảo trợ cho TT Biden, nói rằng ‘Ông ấy đã đi quá xa về phía cánh tả’ 

Aaron Pan 

Thứ năm, 22/02/2024 

Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman

Thanh Nhã lược dịch

Thượng nghị sĩ Joe Manchin nói: “Tôi hy vọng Joe Biden mà chúng ta thấy vào năm 2020 sẽ là Joe Biden mà chúng ta thấy vào năm 2024 nếu điều đó có thể thực hiện được.” 

TNS Joe Manchin từ chối bảo chứng cho TT Biden, nói rằng ‘Ông ấy đã đi quá xa về phía cánh tả’

(Trái) Tổng thống Joe Biden nói tại Đại học Tiểu bang Delaware ở Dover, vào ngày 21/10/2022. (Phải) Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) nói tại cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 20/09/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images, Kevin Dietsch/Getty Images) 

Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) cho biết ông sẽ không bảo chứng cho Tổng thống (TT) Joe Biden cho cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 sắp tới. 

Ông Manchin nói trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 19/02, “Hiện tại tôi không bảo chứng cho ai cả. Chúng ta sẽ xem mọi chuyện sẽ xảy ra như thế nào.” 

Ông Manchin cho rằng lý do không làm như vậy là do những chính sách cực đoan của tổng thống. “Tôi đã nói chuyện với ông ấy và với người của ông ấy rằng ông ấy đã đi quá xa về phía cánh tả. Họ đã lôi kéo và thúc đẩy ông ấy, và bất cứ điều gì. Nhưng nước Mỹ không nên trở nên như vậy. Đất nước chúng ta không nên như vậy,” ông Manchin nói. 

“Tôi hy vọng ông Joe Biden mà chúng ta thấy vào năm 2020 sẽ là ông Joe Biden mà chúng ta sẽ thấy vào năm 2024 nếu điều đó có thể thực hiện được. Nếu không, đó sẽ là một chặng đường dài đối với tất cả mọi người”, ông nói thêm. 

Cho đến nay, 30 thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ đã bảo chứng cho nỗ lực tái tranh cử của TT Biden. 

Ông Manchin cho rằng TT Joe Biden không phải là ứng cử viên có thể gắn kết đất nước vì vị tổng thống này không có kiến thức, vai trò, hoặc khả năng để làm được việc đó. 

Thượng nghị sĩ đến từ West Virginia này nói thêm rằng ông muốn tập trung vào việc đưa người Mỹ về phía trung tâm. Ông nói: “Tôi đang cố gắng làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng chúng ta có một con đường phía trước nơi trung tâm của đất nước này sẽ được đại diện,” ông nói. “Và đó là trung tả và trung hữu. Đó là nơi sẽ đưa ra các quyết định, đó là nơi mọi người sống cuộc sống của mình. Đó là kiểu chính phủ mà họ muốn. Họ không muốn sự cực đoan.” 

“Tôi vẫn tin rằng có đủ thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ giỏi giang muốn có cách tiếp cận quản lý trung tâm này.”

“Chúng ta vẫn còn nhiều thời gian ở đây. Tôi sẽ gắng hết sức để giúp đưa họ trở lại vị trí trung lập và cho họ thấy sức mạnh của đất nước này nằm ở đâu, khối cử tri của đất nước nằm ở đâu.”

https://www.epochtimesviet.com


Đài Loan xua đuổi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc khi căng thẳng gia tăng

Anh Nguyễn, theo Reuters

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/ghdfdg45.jpg

Chiều ngày 14/02/2024, một tàu cao tốc của Trung Quốc đã vượt qua ranh giới Kim Môn để đánh cá thì bị lực lượng tuần tra biển Đài Loan xua đuổi, tàu cao tốc chạy ngoằn ngoèo và vô tình bị lật khiến 2 người thiệt mạng. (Ảnh chụp màn hình) 

Đài Loan hôm thứ Ba (20/2) đã xua đuổi một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi vào vùng biển gần các hòn đảo tiền tuyến nhạy cảm của Đài Loan.

Một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc, số hiệu 8029, đã đi vào vùng biển của Đài Loan gần Kim Môn vào sáng thứ Ba (20/2), lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết họ đã điều động một chiếc thuyền và sử dụng đài phát thanh để xua đuổi tàu Trung Quốc (đã rời khỏi khu vực một giờ sau đó).

Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng radar, giám sát và tuần tra để đảm bảo “hài hòa và an toàn” gần vùng biển của đảo Kim Môn (gần bờ biển Trung Quốc) do Đài Loan kiểm soát.

Đài Loan đã cảnh giác với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng áp lực lên Đài Bắc sau cuộc bầu cử với kết quả là ông Lại Thanh Đức làm tổng thống vào tháng trước – một người mà Bắc Kinh xem là kẻ ly khai nguy hiểm.

Trung Quốc hôm Chủ nhật (18/2) tuyên bố rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ sẽ bắt đầu tuần tra thường xuyên và thiết lập hoạt động thực thi pháp luật xung quanh quần đảo Kim Môn, sau cái chết của hai công dân Trung Quốc chạy trốn lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan khi đi vào vùng biển hạn chế quá gần Kim Môn.

Sáu sĩ quan bảo vệ bờ biển Trung Quốc hôm thứ Hai (19/2) đã lên một chiếc thuyền du lịch Đài Loan chở 11 thủy thủ đoàn và 23 hành khách để kiểm tra kế hoạch tuyến đường, giấy chứng nhận và giấy phép của thủy thủ đoàn, họ rời đi khoảng nửa giờ sau đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết.

“Chúng tôi nghĩ rằng việc đó đã làm tổn hại đến cảm xúc của người dân và khiến mọi người hoảng sợ. Điều đó cũng không phù hợp với sự quan tâm của người dân bên kia eo biển”. Bà Kuan Bi-ling, lãnh đạo Hội đồng Sự vụ Hải dương (OAC) của Đài Loan, nói với các phóng viên hôm thứ Ba (20/2).

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc chưa trả lời các yêu cầu bình luận.

Bà Kuan cho biết việc tàu du lịch Trung Quốc và Đài Loan vô tình đi vào vùng biển của đối phương là chuyện bình thường.

“Những chiếc thuyền như thế này không hề phạm pháp”, bà nói.

Kim Môn cách các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc một chuyến đi thuyền ngắn và được Đài Bắc kiểm soát từ năm 1949.

Kim Môn là nơi đóng quân của một đơn vị đồn trú quân sự lớn của Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) nói với các phóng viên tại quốc hội rằng để tránh căng thẳng gia tăng thêm, quân đội sẽ không “tích cực can thiệp” vào vụ việc.

Ông Khâu nói: “Hãy giải quyết vấn đề một cách hòa bình…Không leo thang căng thẳng là phản ứng của chúng tôi.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đang “giám sát chặt chẽ các hành động của Bắc Kinh”.

Phát ngôn viên Matthew Miller nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi kiềm chế và không đơn phương thay đổi hiện trạng, vốn đã duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và trên toàn khu vực trong nhiều thập kỷ”.

Trung Quốc cho biết họ không công nhận bất kỳ khu vực hạn chế hoặc cấm nào đối với ngư dân xung quanh Kim Môn.

Quân đội Trung Quốc trong 4 năm qua thường xuyên điều động máy bay chiến đấu và tàu chiến đến bầu trời và vùng biển xung quanh Đài Loan nhằm tìm cách khẳng định các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, và vẫn duy trì làm như vậy sau cuộc bầu cử hồi tháng trước.

Một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan, phát biểu giấu tên, nói với Reuters rằng họ tin rằng Bắc Kinh lợi dụng vụ cái chết của hai công dân Trung Quốc ở Kim Môn như một “cái cớ” để gây thêm áp lực lên ông Lại, nhưng không muốn biến nó thành “sự cố quốc tế”.

Quan chức này cho biết, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Đài Loan trước lễ nhậm chức của ông Lại vào ngày 20/5.

Áp lực gần đây của Trung Quốc đã khiến Đài Loan mất đi một trong số ít đồng minh ngoại giao còn lại, quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương đã tuyên bố sẽ cắt quan hệ với Đài Loan, chuyển sang công nhận Trung Quốc.

Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Ông Lại và chính phủ Đài Loan bác bỏ chủ quyền của Bắc Kinh và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.


Cựu Tổng thống Trump xác nhận danh sách rút gọn các ứng viên phó tổng thống

Hải Đăng

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/afp-com-20230630-ph-gty-150610-5834-3235-1689556907.jpg

Cựu Tổng thống Donal Trump hôm thứ Ba (20/2) đã xác nhận ông đang cân nhắc một số ứng viên sẽ trở thành người đồng hành tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Ông Trump đã đưa ra xác nhận nêu trên trong cuộc tọa đàm tiếp xúc cử tri tại Nam Carolina khi người dẫn chương trình Laura Ingraham liệt kê các ứng viên hàng đầu mà khán giả muốn họ đồng hành tranh cử với ông Trump.

Trong số những ứng viên được bà Laura Ingraham nêu tên có doanh nhân Vivek Ramaswamy, Thống đốc Florida Ron DeSantis, Thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott, Thống đốc Nam Dakota Kristi Noem, cựu Dân biểu Hawaii Tulsi Gabbard và Dân biểu Florida Byron Donalds.

“Tất cả bọn họ có trong danh sách rút gọn của ông chứ?” bà Laura Ingraham đặt câu hỏi với ông Trump và cựu tổng thống đáp: “Họ có”.

Tuy nhiên, ông Trump cũng dự đoán rằng sự lựa chọn người đồng hành tranh cử của ông có thể không có nhiều tác động đến kết quả bầu cử sau cùng.

“Lựa chọn Phó Tổng thống chắc chắn không có ảnh hưởng. Quan trọng là ai là tổng thống”, ông Trump nói.

Dù vậy, cựu tổng thống cũng thừa nhận rằng bởi vì ông chỉ còn lại một nhiệm kỳ, nên việc ai là phó tổng thống “là rất quan trọng”.

Ông Trump cũng tái khẳng định quan điểm trước đây của ông rằng điều ông cân nhắc số 1 trong việc chọn người đồng hành tranh cử là người đó phải có khả năng trở thành tổng thống nếu cần.

“Quý vị muốn có ai đó mà có thể giúp quý vị từ lập trường của cử tri và thành thực mà nói, tất cả những người này đều tốt. Tất cả họ đều tốt. Tất cả họ đều vững vàng”, ông Trump nói.

Phát biểu của ông Trump rõ ràng đã xác nhận ông sẽ cân nhắc chọn một những người mà bà Laura Ingraham nêu tên làm người đồng hành tranh cử, nhưng dường như cựu tổng thống cũng không loại trừ có thể chọn người khác chưa được nhắc đến.

Ông Trump cũng đã nói rõ rằng một người chắc chắn sẽ không xuất hiện trong lá phiếu bên cạnh ông vào tháng Mười Một nếu ông trở thành đề cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, đó là: cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley.

Bà Nikki Haley hiện là đối thủ duy nhất của ông Trump trong cuộc đua bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Bà Haley mới đây tuyên bố rằng bà sẽ không bỏ cuộc bất chấp kết quả bầu cử sơ bộ tại Nam Carolina sẽ diễn ra vào thứ Bảy tuần này (24/2).


Quan hệ chông gai giữa Nhật và Hàn Quốc

Thứ Năm này Nhật Bản sẽ đánh dấu Ngày Takeshima, một dịp kỷ niệm hàng năm về yêu sách của nước này đối với quần đảo Takeshima nằm giữa Nhật và Hàn Quốc. Hàn Quốc kiểm soát những đảo này và gọi chúng là Dokdo. Takeshima- Dokdo cho tới nay vẫn là một vấn đề nhức nhối giữa hai bên, bất chấp mối quan hệ song phương ngày càng nồng ấm.

Dưới thời thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nước đã tìm cách hàn gắn những rào cản về quá khứ cay đắng của họ và tập trung vào những thách thức an ninh chung, chẳng hạn như Trung Quốc và Triều Tiên. Mỹ hoan nghênh mối quan hệ được cải thiện giữa hai nước và coi sự hợp tác đó là mấu chốt cho ổn định trong khu vực.

Bản thân Ngày Takeshima là một sự kiện nhỏ được phát động từ năm 2005 bởi Shimane, một quận của Nhật Bản nằm gần quần đảo tranh chấp. Chính phủ quốc gia thường cử một quan chức cấp trung đến tham dự. Nhưng lễ kỷ niệm đóng vai trò như một lời nhắc nhở về nhiều mối bất bình lịch sử chưa được giải quyết có thể làm chệch hướng những thiện chí của hôm nay.

Khi nào thì ECB mới giảm lãi suất?

Dữ liệu lạm phát ở cả Mỹ và châu Âu đều thất thường. Lạm phát tháng 1 ở Mỹ giảm ít hơn dự kiến, trong khi tại khu vực đồng euro, sau mức thấp 2,4% của tháng 11, lạm phát tiêu đề trong tháng 12 và tháng 1 lần lượt tăng lên mức 2,9% và 2,8%. Việc công bố dữ liệu lạm phát chi tiết của khu vực đồng euro cho tháng 1 vào thứ Năm, bao gồm các số liệu được điều chỉnh theo mùa, sẽ cho thấy mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là xa vời đến đâu. Biên bản cuộc họp của ECB hôm 25 tháng 1, cũng được công bố vào thứ Năm, sẽ cho thấy ngân hàng này nhìn nhận các bước tiếp theo của họ như thế nào.

Nền kinh tế châu Âu, không như Mỹ, yếu đến mức lạm phát cuối cùng sẽ giảm, dù điều đó cần có thời gian. Theo biên bản các cuộc họp trước đó, các thành viên hội đồng thống đốc của ECB nhấn mạnh các yếu tố sẽ giúp giảm lạm phát: bộ đệm tiền mặt của các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể cạn kiệt và lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Có lẽ đợt công bố lạm phát sau sẽ là cột mốc để thuyết phục họ cắt giảm lãi suất.


Colombia khuyết tổng chưởng lý

Tòa án tối cao Colombia sẽ họp lần thứ ba vào thứ Năm trong nỗ lực bầu ra tổng chưởng lý tiếp theo của đất nước. Họ có danh sách ứng viên do tổng thống đề xuất — tất cả đều là phụ nữ — từ nhiều tháng trước và lẽ ra đã đưa ra lựa chọn trước ngày 7 tháng 12. Mười ngày trước, sự do dự của toà đã biến thành khủng hoảng khi nhiệm kỳ của tổng chưởng lý hiện tại, Francisco Barbosa, kết thúc.

Sự bế tắc đã gây biểu tình ở các thành phố lớn trong cả nước. Tổng thống Gustavo Petro khẳng định có một “mafia” không muốn mất quyền kiểm soát văn phòng công tố vào tay người được ông đề cử. Mặt khác, tất cả đều biết rằng bộ trưởng tư pháp mới sẽ giám sát các cuộc điều tra nhắm vào con trai, anh trai và cựu chánh văn phòng của ông Petro. Một ngày sau khi hết thời hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ đã ghi nhận những rủi ro đối với hệ thống tư pháp của Colombia và kêu gọi tòa án tuân thủ nghĩa vụ hiến pháp, đồng thời lưu ý rằng cả ba ứng viên đều phù hợp với vai trò này.


Tàu vũ trụ không người lái của Mỹ sắp đáp xuống Mặt Trăng

Thứ Năm có thể chứng kiến ​​cuộc đổ bộ Mặt trăng đầu tiên được thực hiện bởi một công ty tư nhân. Hôm 15 tháng 2, tên lửa SpaceX Falcon 9 đã đưa Odysseus vào quỹ đạo. Tàu đổ bộ do công ty Intuitive Machines của Mỹ chế tạo sẽ đáp xuống gần cực nam của Mặt Trăng — một khu vực rất được các nhà khoa học quan tâm và chưa từng được tàu vũ trụ ghé thăm trước đây, một phần vì địa hình đầy thách thức của nó.

Intuitive Machines không phải là công ty tư nhân đầu tiên thử hạ cánh lên Mặt Trăng. Những công ty khác đã thử và đều thất bại. Hồi tháng 4 năm 2023, HAKUTO-R do công ty ispace của Nhật Bản phóng lên đã bị rơi. Vào tháng 1, Peregrine, do Astrobiotic của Mỹ sản xuất, đã không thể tới được Mặt trăng vì rò rỉ chất đẩy.

Odysseus mang theo các thiết bị khoa học của NASA và được cơ quan này tài trợ một phần. Kế hoạch này được thiết kế để khuyến khích các công ty phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng. Mục tiêu là giúp họ có đủ năng lực để quay sang hỗ trợ cho những nỗ lực của NASA, bao gồm việc đưa con người trở lại Mặt Trăng trước năm 2030.


Tỷ phú Jeff Bezos bán lượng lớn cổ phiếu Amazon, thu về 8,5 tỷ USD sau 9 ngày

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gdf56.jpg

Ông Jeff Bezos, ảnh chụp ngày 15/5/2019 (Nguồn: lev radin / Shutterstock) 

Người sáng lập và chủ tịch điều hành Amazon Jeff Bezos đã giảm lượng nắm giữ 14 triệu cổ phiếu Amazon của mình trong ba ngày giao dịch tính đến thứ Ba (20/2), trị giá khoảng 2,4 tỷ USD. Đến thời điểm này, ông Bezos đã hoàn thành kế hoạch giảm lượng cổ phiếu nắm giữ tại Amazon của mình.

Theo một bản hồ sơ giám sát quản lý, đợt bán hàng nhất bắt đầu vào cuối tuần trước và tiếp tục đến thứ Ba tuần này. Tài liệu cho thấy ông Bezos đã bán tổng cộng 14.006.906 cổ phiếu Amazon trị giá khoảng 2,37 tỷ USD.

Việc mua bán được thực hiện theo kế hoạch giao dịch được sắp xếp trước được ông Bezos thông qua vào tháng 11 và được tiết lộ vào đầu tháng này. Kế hoạch cho biết ông có thể bán tới 50 triệu cổ phiếu Amazon trước ngày 31/1/2025.

Ông Bezos đã hoàn thành kế hoạch cắt giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu này chỉ trong chín ngày giao dịch, thu về tổng cộng 8,5 tỷ USD. Ông vẫn chưa tiết lộ kế hoạch sử dụng số tiền này. Trước đợt giảm cổ phiều quy mô lớn hiện tại, ông Bezos, người giàu thứ ba thế giới, đã không bán cổ phiếu công ty kể từ năm 2021.

Theo các tài liệu giám sát quản lý, ông Bezos cũng đã bán 12 triệu cổ phiếu của công ty ba lần vào ngày 13-14/2, ngày 9 và 12/2 và ngày 7-8/2, mỗi lần trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Ông Bezos đã không bán cổ phiếu Amazon kể từ khi ông thôi giữ chức Giám đốc điều hành Amazon vào tháng 5/2021. Năm ngoái, ông đã tặng số cổ phiếu Amazon trị giá khoảng 240 triệu USD.

Ông Bezos tuyên bố vào ngày 2/11 năm ngoái rằng ông sẽ chuyển từ khu vực Seattle đến đến Miami để ở gần hơn với vị hôn thê Lauren Sanchez và bố mẹ ông cũng như Blue Origin.

Kể từ đó, ông Bezos bắt đầu kế hoạch bán cổ phiếu của mình ra tiền mặt. Tài liệu giám sát quản lý cho thấy sau đợt giảm nắm giữ cổ phiếu này này, ông Bezos vẫn nắm giữ khoảng 938 triệu cổ phiếu Amazon.

Bezos thành lập Amazon và sở hữu công ty thám hiểm không gian Blue Origin và The Washington Post. Theo “Chỉ số tỷ phú Bloomberg” (Bloomberg Billionaires Index), ông Bezos có tài sản ròng trị giá 191,3 tỷ USD.

Người phát ngôn của Amazon và của ông Bezos đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Lý Tường, Epoch Times


Cử tri Mỹ lo ngại về tuổi tác của ứng cử viên tổng thống 

22/02/2024 – VOA News 

Ảnh phối hợp: Tổng thống Joe Biden, trái, và cựu Tổng thống Donald Trump.

Ảnh phối hợp: Tổng thống Joe Biden, trái, và cựu Tổng thống Donald Trump. 

Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sẽ là cuộc tái đấu giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump, cử tri sẽ chọn lựa giữa một tổng thống lớn tuổi nhất (Biden) hoặc tổng thống lớn tuổi thứ nhì (Trump).

Nhiều cử tri không hài lòng với sự lựa chọn này. Một cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos hồi đầu tháng này cho thấy 59% người Mỹ cho rằng cả hai ứng cử viên này đều đã quá già để phục vụ một nhiệm kỳ khác.

“Mọi dấu hiệu dường như cho thấy hầu hết người Mỹ không mong chờ màn tái đấu của năm 2020,” nhà khoa học chính trị Charles Bullock của Đại học Georgia nói với VOA. “Nếu một trong hai bên có thể đưa ra được một ứng cử viên trẻ hơn, chất lượng hơn, thì người đó sẽ giành chiến thắng áp đảo.”

Bà Rebecca Urrutia, một cư dân ở Connecticut, tán đồng.

Bà nói: “Độ tuổi của các ứng cử viên của chúng ta cực kỳ đáng lo ngại. Đó là bằng chứng cho thấy hệ thống hai đảng của chúng ta đã hoàn toàn sụp đổ và kiệt quệ.”

“Chúng ta đang bỏ phiếu cho hai người đàn ông ở độ tuổi 80 hay chúng ta đang bỏ phiếu cho những người mà họ chọn làm phó tổng thống?” bà nói thêm. “Khả năng họ không thể hoàn thành nhiệm kỳ vì lú lẫn, tuổi già hoặc các lý do sức khỏe khác là không bàn cãi. Có gì đó trong hệ thống của chúng ta bị hỏng và chúng ta phải sửa.”

Làm sao chuyện này lại xảy ra?

Ông Robert Collins, giáo sư nghiên cứu đô thị và chính sách công tại Đại học Dillard ở New Orleans, tin rằng người Mỹ cảm thấy như họ không được lựa chọn thực sự.

“Đối với nhiều người trong chúng ta, nó giống như tình huống ‘Trở lại Tương lai’,” ông nói với VOA, đề cập đến bộ phim năm 1985. “Đó là sự lựa chọn giữa hai ông già mà chúng ta đã có lần trước, và rất nhiều người Mỹ vẫn tự hỏi điều này đã xảy ra như thế nào và liệu nó có nghĩa là có điều gì đó không ổn với nền dân chủ của chúng ta hay không.”

Ông Collins cho rằng tuổi cao của các ứng viên là một tình huống bất tiện hơn là một xu hướng.

“Tôi không nghĩ có ai trong vài chu kỳ bầu cử gần đây cho rằng ‘Hãy đi tìm những người lớn tuổi nhất’,” ông nói và cười. “Đúng hơn, tình cờ là thông điệp của ông Trump gây được tiếng vang lớn nhất trong số các đảng viên Đảng Cộng hòa, và rằng ông Biden là ứng cử viên thỏa hiệp từ khu vực bầu cử sơ bộ năm 2020 có đông đảo các ứng cử viên Đảng Dân chủ trẻ tuổi hơn.”

Ông Bullock của Đại học Georgia tin rằng cấu trúc của hệ thống chính trị Mỹ một phần là nguyên nhân khiến các ứng cử viên có xu hướng lớn tuổi hơn.

Ông nói: “Một số vấn đề này có liên quan đến cách bầu cử Quốc hội. Sự phân chia lại các đơn vị bầu cử đã tạo ra các quận ít cạnh tranh hơn. Điều đó, kết hợp với việc không giới hạn nhiệm kỳ của quốc hội, có nghĩa là bạn có những chính trị gia có thể tại vị trong nhiều thập niên mà không bao giờ bị thách thức nghiêm trọng. Kết quả là phần lớn lãnh đạo đất nước chúng ta, không chỉ các ứng cử viên tổng thống, đều lớn tuổi.”

Ảnh hưởng tiềm tàng

Bất kể lý do là gì, tuổi tác là một vấn đề trong cuộc bầu cử này. Bà Norma Rodrigues, 71 tuổi ở Miami, Florida, cho rằng điều đó không đúng.

Bà nói với VOA: “Giống như tuổi tác không phải là một vấn đề ở bất kỳ nơi làm việc nào khi nó không ảnh hưởng đến năng lực, thì điều đó cũng không thành vấn đề trong chính trị”. “Thay vào đó, chúng ta nên bỏ phiếu dựa trên những đặc điểm như tính cách, sự đồng cảm và độ tin cậy.”

Bà Rodrigues nói rằng cuộc tái đấu giữa hai ứng cử viên lớn tuổi không phải là dấu hiệu của một hệ thống chính trị bị phá vỡ, mặc dù nó làm nổi bật một lỗ hổng.

Bà giải thích: “Tôi nghĩ nó minh họa cho sự thiếu tham gia chính trị của các thế hệ trẻ người Mỹ. Có thể nguyên nhân là do sự thất vọng sâu sắc đối với các ứng cử viên, hoặc với những gì các quan chức dân cử của họ có thể đạt được sau khi nhậm chức.”

Nhận thức về độ tuổi giữa các ứng viên

Trong khi khoảng cách tuổi tác giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump là chưa đầy 4 tuổi, thì khoảng cách trong cách người Mỹ nhìn nhận về tuổi tác của họ là rất lớn.

Cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos cho thấy 59% người Mỹ cho rằng cả hai ứng cử viên đều quá già và thêm 27% cho rằng chỉ có ông Biden là quá già. Ngược lại, chỉ có 3% người Mỹ cho rằng chỉ có ông Trump đã quá già để tiếp tục phục vụ.

Ông Collins từ Đại học Dillard giải thích: “Cho dù công bằng hay không, tôi nghĩ ông Biden bị người Mỹ coi là già hơn ông Trump”. “Ông ấy đi đứng khó khăn hơn, nói năng chậm hơn và giọng điệu nhẹ nhàng hơn ông Trump. Đó là vấn đề mà chiến dịch của ông ấy cần tìm ra cách khắc phục.”

Cử tri đảng Dân chủ Deborah Theobald đến từ tiểu bang Georgia của Hoa Kỳ cho biết tuổi tác “chắc chắn là một vấn đề lớn đối với tôi trong cuộc bầu cử này, nhưng rõ ràng hai ông này là tất cả những gì chúng tôi phải lựa chọn.”

​“Vì vậy, có lẽ thay vào đó chúng ta nên nói về năng lực,” bà tiếp tục. “Bao quanh Biden là những người tuyệt vời, và ông ấy có một phó tổng thống, người đã chuẩn bị sẵn sàng nếu bà ấy phải nhận chức tổng thống. Mặt khác, ông Trump đã cố gắng treo cổ phó tổng thống cuối cùng của mình trong cuộc nổi dậy ngày 6/1/2021 và nhìn chung là không đủ năng lực trong việc tuyển dụng. Đó là lý do tại sao tôi bỏ phiếu cho ông Biden.”

Bà Theobald đang đề cập đến việc ông Trump không kêu gọi những các ủng hộ viên của ông lùi bước khi họ bắt đầu hô vang “Hãy treo cổ Mike Pence” trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021.

Cử tri đảng Cộng hòa Jill Dani đến từ Merritt Island, Florida, muốn có một ứng cử viên trẻ hơn, nhưng sẽ gắn bó với ông Trump hơn ông Biden.

“Tôi nghĩ Đảng Cộng hòa cần một gương mặt mới để lãnh đạo đảng, đó là lý do tại sao tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Nikki Haley trong cuộc bầu cử sơ bộ,” bà Dani nói với VOA. “Nhưng nếu ông Trump đánh bại bà, bạn nên tin rằng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy trong cuộc tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử này, và việc loại bỏ ông Biden và đảng Dân chủ, là quá quan trọng không thể bỏ qua.”


Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng, gia đình Hun Sen tiếp tục thống trị chính trườngBBC News

BBC News

22/02/2024

Ở tuổi 41, ông Hun Many là phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử Campuchia

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Ở tuổi 41, ông Hun Many là phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử Campuchia

22 tháng 2 2024

Ông Hun Sen làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Con trai cả Hun Manet làm Thủ tướng. Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng. Con trai giữa Hun Manith là trung tướng, Cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng.

“Sự kiện lịch sử: Hun Many trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay!” Báo Khmer Times sáng nay (22/2) đã giật tít như vậy để nói về sự kiện con trai út của ông Hun Sen là Hun Many, 41 tuổi, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng.

Anh bổ nhiệm cho em

Tháng 8 năm ngoái, ông Hun Sen đã từ chức Thủ tướng sau hơn 29 năm cầm quyền, là lãnh đạo chính phủ nắm quyền lâu nhất lịch sử Campuchia.

Ông lui về hậu trường và con trai ông là đại tướng Hun Manet, 46 tuổi, lên tiếp nhiệm chiếc ghế mà ông vừa để lại vào ngày 22/8/2023, sau một cuộc bầu cử.

Ông Hun Many (bìa trái) cùng anh trai Hun Maneth và hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra tại tiệc sinh nhật ông Hun Sen vào năm ngoái

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Hun Many (bìa trái) cùng anh trai Hun Manet và hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra tại tiệc sinh nhật ông Hun Sen vào năm ngoái

Trong tuần này, quyền lực của gia đình ông Hun Sen tiếp tục được “kiện toàn”.

Theo sự bổ nhiệm của Thủ tướng Hun Manet, người em của ông là đại biểu Hạ viện, Bộ trưởng Hành chính công Hun Many đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua việc giữ chức Phó Thủ tướng vào ngày 21/2 với tỉ lệ 120/120 phiếu thuận. 

Cùng ngày, Quốc vương Sihamoni đã ban hành Sắc lệnh Hoàng gia chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm.

Ông Hun Many bắt đầu bước vào chính trường vào năm 2008, khi ông làm trợ lý cho cha mình là Thủ tướng Hun Sen.

Trước khi trở thành phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử, ông Hun Many là đại biểu Hạ viện Campuchia, đại diện cho tỉnh Kampong Speu.

Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Thanh Niên, Thể thao; Tôn giáo và Tín ngưỡng; Văn hóa và Du lịch trong Hạ viện. 

Vào tháng 8 năm ngoái, khi anh trai Hun Manet lên làm thủ tướng, ông Hun Many được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Hành chính công trong nội các mới. 

Và giờ đây, ông làm phó thủ tướng cho anh trai của mình.

Ngoài hai người con trai trên, người con trai giữa của ông Hun Sen là trung tướng Hun Manith, 42 tuổi, hiện nay đang giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.

Guồng máy thân hữu

Phát biểu sau sự bổ nhiệm ngày hôm qua, Phát ngôn viên chính phủ Pen Bona nói: “Đây là một kỷ nguyên mới trong việc phụng sự đất nước và nhân dân. Đây là một sự cải cách các chức năng công để đẩy và tăng cường năng lực cũng như sự hiệu quả của các công bộc tại Campuchia.”

Báo Khmer Times cũng viết rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many là nằm trong đường lối của Đảng Nhân dân Campuchia về việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo.

Ông Hun Sen (giữa) và con trai, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet (phải)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Hun Sen (giữa) và con trai, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet (phải)

Sau khi rời khỏi cương vị Thủ tướng, ông Hun Sen, 71 tuổi, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Giới quan sát đánh giá rằng dù ông Hun Sen đã lui về hậu trường nhưng vẫn có ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia. Đó không phải là điều gì bí mật, và sự bổ nhiệm ông Many càng khẳng định điều đó.

Sau sự bổ nhiệm nói trên, chính phủ của ông Hun Manet có 11 phó thủ tướng. Nội các của ông cũng được đánh giá là nội các “con ông cháu cha”, với nhiều vị phó thủ tướng, bộ trưởng là con em của các lãnh đạo lão thành. 

Riêng ông Hun Sen, dù không còn trực tiếp điều hành chính phủ với một vai trò chính thức, nhưng ông chưa rời bỏ quyền lực. Trong năm 2024, ông sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện.

Một số mối quan hệ thân hữu trong chính trường Campuchia, cập nhật tháng 8 năm 2023

Chụp lại hình ảnh, 

Một số mối quan hệ thân hữu trong chính trường Campuchia, cập nhật tháng 8 năm 2023

Vào ngày 16/2, sau khi ông Hun Manet trình việc bổ nhiệm em trai mình làm phó thủ tướng ra Quốc hội, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy phát biểu với đài RFA rằng chính phủ Campuchia hiện tại là “một băng đảng phong kiến, hoàn toàn không chịu trách nhiệm giải trình như thông lệ của quốc tế”. 

“Các nhà độc tài luôn bổ nhiệm người thân và bà con nhằm củng cố quyền lực,” ông nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyjkkg0nedmo


XEM THÊM

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.