Thời sự Thứ Sáu 19/05/2023: *G7: trừng phạt mới vào Nga, Ô Zelensky sẽ tham dự, TT Hàn Quốc dự hội nghị *Montana là tiểu bang đầu tiên cấm TikTok *TQ hợp tác với các nước Trung Á *Anh nói “di dân nhập cư quá cao” *


Võ Thái Hà tổng hợp


G7 thông báo các trừng phạt mới nhằm vào “cỗ máy chiến tranh” của Nga

19/5/2023

Các lãnh đạo G7 họp thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/05/2023. AP 

Anh Vũ /RFI

AFP dẫn một thông cáo của thượng đỉnh G7, tại Hiroshima , Nhật Bản, cho biết, hôm nay, 19/05/2023, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu đã quyết định các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt nguồn cung cấp công nghệ, thiết bị công nghiệp và các dịch vụ của G7 mà Nga có thể sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng, phục vụ cho cuộc chiến tranh tại Ukraina 

Ngay trước giờ khai mạc thương đỉnh G7 tại Hiroshima, Hoa Kỳ và các đồng minh lớn đã thông báo các trừng phạt tiếp tục đánh vào nguồn tài chính của Nga, nhằm chủ yếu vào buôn bán kim cương. 

Washington thông báo những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào “ cỗ máy chiến tranh” của Nga. Theo lời một quan chức Mỹ, các trừng phạt này nhắm vào khoảng 70 thực thể tại Nga và tại các nước khác. Quan chức này cho biết thêm, các nước G7 khác cũng chuẩn bị các trừng phạt mới về xuất nhập khẩu liên quan đến Nga. 

Luôn Đôn đã thông báo các biện pháp trừng phạt lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, trong đó có buôn bán kim cương mà Nga thu về hàng tỷ đô la mỗi năm. Cũng trong ngày hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, có mặt tại Hiroshima dự thượng đỉnh G7, thông báo Liên Hiệp Châu Âu sẽ “ hạn chế mua bán kim cương Nga” trong khuôn khổ các trừng phạt Matxcơva xâm lược Ukraina. 

Theo một quan chức cao cấp của chính quyền Joe Biden, thượng đỉnh G7 lần này đặt mục tiêu phối hợp ngăn chặn các nguồn tài chính giúp Nga nuôi dưỡng cuộc chiến tại Ukraina, đồng thời lấp những kẽ hở giúp Nga lách trừng phạt, giảm hơn nữa lệ thuộc vào Nga, tiếp tục ngăn cản Matxcơva tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, cam kết phong tỏa các tài sản của Nga cho đến khi chiến tranh chấm dứt, 


Hội nghị thượng đỉnh G-7 đang diễn ra ở Hiroshima với các lệnh trừng phạt mới dành cho Nga 

Tổng thống Ukraine dự kiến ​​sẽ thực hiện một chuyến đi cá nhân tới Hiroshima để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật 

Tác giả Emel Akan 

19/5/2023

Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) bước ra khỏi Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình để dự lễ đặt vòng hoa ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, hôm 19/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/POOL/AFP qua Getty Images) 

HIROSHIMA, Nhật Bản — Cuộc chiến ở Ukraine trở thành tâm điểm tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) năm nay, với các nhà lãnh đạo dự định đưa ra các lệnh trừng phạt mới “để tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga” khi họ bắt đầu cuộc họp kéo dài ba ngày ở Hiroshima. 

Theo một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về “sự đoàn kết, sức mạnh, và cam kết” để đáp trả cuộc xâm lược của Nga. 

“Cam kết tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga của chúng ta vẫn mạnh mẽ như năm ngoái. Và vì vậy, tôi nghĩ ngày mai quý vị sẽ chứng kiến biện pháp mới sẽ được thực hiện nhằm cô lập Nga về kinh tế và làm suy yếu khả năng gây chiến của nước này,” quan chức này nói với các phóng viên hôm 18/05 trước thềm hội nghị thượng đỉnh. 

Theo Tòa Bạch Ốc, đây sẽ là bộ các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng toàn diện nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn. 

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các quốc gia dân chủ tiên tiến nhất thế giới — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada — sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21/05. 

Trong hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo sẽ tiết lộ các kế hoạch nhằm làm gián đoạn hơn nữa khả năng cung cấp nguồn đầu vào của Nga cho cuộc chiến của họ, loại bỏ các thủ thuật né tránh thuế, hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Moscow vào hệ thống ngân hàng quốc tế. Ngoài ra, các tài sản quốc gia của Nga sẽ vẫn bị đóng băng cho đến khi cuộc chiến này kết thúc. 

Mỗi thành viên của G7 sẽ tuyên bố các lệnh trừng phạt mới và hạn chế xuất cảng nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Nga. 

Quan chức này cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát xuất cảng đối với Nga, khiến việc duy trì cỗ máy chiến tranh của nước này trở nên khó khăn hơn. 

“Bên cạnh những thứ khác, thì việc này liên quan đến việc hạn chế trên diện rộng các loại hàng hóa quan trọng cho chiến trường và cũng ngăn chặn khoảng 70 tổ chức từ Nga và những nước thứ ba nhận hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ bằng cách thêm họ vào danh sách đen của Bộ Thương mại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ công bố hơn 300 lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân, tổ chức, tàu thuyền, và phi cơ.” 

Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022, các quốc gia G7 đã đồng ý giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. 

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen chụp ảnh cùng nhau sau khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Nạn nhân của Bom Nguyên tử trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 18/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/Getty Images) 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức một năm trước, các nhà lãnh đạo đã đồng ý áp dụng một chiến lược hạn chế giá dầu của Nga để bóp nghẹt doanh thu của Điện Kremlin. 

“Sau khi thực hiện chính sách mức trần giá, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm đáng kể so với cả các mức trước chiến tranh và mức giá cao khi bắt đầu cuộc chiến tranh,” Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo tiến độ công bố hôm 18/05. 

Báo cáo này cho biết: “Sự sụt giảm doanh thu này đã xảy ra mặc dù trong tháng 04/2023 Nga xuất cảng dầu thô nhiều hơn khoảng 5 đến 10% so với tháng 03/2022.” 


Ông Zelensky dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh

Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ đích thân tham gia các cuộc thảo luận của hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật (21/05). 

Ông Zelensky luôn tham gia vào các cuộc gặp gỡ trước đây của các nhà lãnh đạo G7 về Ukraine, quan chức cao cấp này cho biết nhưng không bình luận về hình thức hoặc thời gian của cuộc họp. 

Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo đã tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa, chụp ảnh chung, và trồng cây tại Bảo tàng và Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để vinh danh những người đã thiệt mạng tại thành phố này 78 năm về trước trong các vụ đánh bom nguyên tử. Sau đó, các nhà lãnh đạo vừa dùng bữa trưa vừa làm việc.

Cẩm An biên dịch


Tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị G7 mở rộng và cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn

19/5/2023

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đến Hirsoshima, Nhật Bản, dự thượng đỉnh G7 ngày 19/05/2023. AP 

Trần Công /RFI

Theo lời mời của thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất, tổng thống Yoon Seok-yeol hôm nay 19/05/2023 đã  tới Hiroshima, Nhật Bản, để dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. 

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm thông tin:

“Việc tổng thống Yoon Seok-yeol được mời tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản khẳng định vị thế, vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để nguyên thủ Hàn Quốc gặp gỡ các đồng nhiệm, lãnh đạo chính phủ, nhằm tăng cường quan hệ song phương. 

Trong thời gian ở Nhật, từ 19 đến 21/05/2023, tổng thống Hàn Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật, ông sẽ hội đàm với thủ tướng Fumio Kishida. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tổng thống Yoon Seok-yeol sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như Úc, Anh, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. 

Điểm nhấn trong chuyến đi lần này đó là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật và cuộc hội đàm 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật vào ngày 21.5.2023. Tổng thống Yoon, cùng với đồng nhiệm Mỹ Biden và thủ tướng Nhật Kishida, sẽ điểm lại việc thực hiện nội dung “chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa” đã được nhất trí vào tháng 11 năm 2022. Ngoài ra, lãnh đạo 3 nước cũng sẽ thảo luận về sự bất ổn của chuỗi cung ứng khu vực và khủng hoảng năng lượng. Được biết, ba nước sẽ không đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp này.

Để khẳng định vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, tổng thống Yoon dự thượng đỉnh G7 mở rộng, bày tỏ ý định mở rộng đóng góp của chính phủ Seoul cho các chương trình nghị sự toàn cầu như lương thực, sức khỏe, khí hậu và năng lượng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Yoon Seok-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến viếng các nạn nhân bom nguyên tử, trong đó có nhiều người Triều Tiên, ở khu tưởng niệm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima “


Montana trở thành tiểu bang đầu tiên cấm TikTok

Việt Bình /SGN
18/5/2023

Thống đốc Montana, Greg Gianforte (ảnh: William Campbell/Getty Images) 

Thống đốc Greg Gianforte đã ký Dự luật Thượng viện 419 (Senate Bill 419) vào Thứ Tư 17 Tháng Năm 2023 để chính thức cấm TikTok trên toàn tiểu bang Montana; và nói rằng luật cấm này nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của cư dân bang khỏi bị xâm phạm; và rằng chính phủ Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng khi đứng sau TikTok.

Vào Thứ Tư, Gianforte đã ký một sắc lệnh hành pháp riêng cấm sử dụng bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào “gắn liền với các đối thủ nước ngoài” trên các thiết bị của chính quyền, bao gồm CapCut và Lemon8 thuộc sở hữu của ByteDance và Telegram Messenger (do một người Nga tạo ra nhưng có trụ sở ở Dubai).

Thống đốc Gianforte nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ, vi phạm quyền riêng tư của họ và thu thập thông tin cá nhân, riêng tư và nhạy cảm của họ”. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy chính phủ Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng TikTok. Tuy nhiên, những người chỉ trích TikTok chỉ ra rằng luật ở Trung Quốc cho phép chính phủ truy cập vào hồ sơ khách hàng của công ty.

Theo luật Montana, các nền tảng cung cấp ứng dụng trên thị trường của tiểu bang, chẳng hạn như Google Play Store và Apple App Store, sẽ bị phạt tới $ 10000 một ngày nếu vi phạm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Giêng 2024. Dự kiến, TikTok sẽ phản đối dự luật tại tòa án liên bang. TikTok và các nhóm như Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã nói rằng lệnh cấm là vi hiến.

Tháng Mười Hai 2022, Thống đốc Gianforte đã cấm TikTok trên các thiết bị điện tử của chính quyền bang. Ngày 17 Tháng Năm 2023, ông nói thêm rằng lệnh cấm sẽ mở rộng để bao gồm “tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội liên quan việc thu thập và cung cấp thông tin hoặc dữ liệu cá nhân của người dùng cho một kẻ thù nước ngoài; một người hoặc tổ chức ở một quốc gia được coi là kẻ thù nước ngoài.”

Với chính quyền liên bang, Tổng thống Biden đã ký luật cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ vào Tháng Mười Hai 2022 và đang xem xét lệnh cấm toàn diện nếu công ty mẹ của TikTok – ByteDance – không tìm được người mua ở Mỹ. Hoa Kỳ và các đối tác bảo mật “Five Eyes” – gồm Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh – cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ liên bang, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Tháng trước, các nhà lập pháp tại Hạ viện Montana đã bỏ phiếu 54-43 để thông qua dự luật, được gọi là SB419 và chuyển dự thảo luật đến bàn của Thống đốc Gianforte. Phần mình, đại diện TikTok nói rằng “Thống đốc Gianforte đã ký một dự luật vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp, một nền tảng trao quyền cho hàng trăm nghìn người trên khắp tiểu bang. Chúng tôi muốn trấn an người dân Montana rằng họ có thể tiếp tục sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, kiếm sống và tìm kiếm cộng đồng khi chúng tôi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana.”

NetChoice, một nhóm thương mại công nghệ bao gồm TikTok với tư cách là thành viên, đã gọi dự luật Montana là vi hiến. Carl Szabo, cố vấn của NetChoice, nói: “Chính quyền không được chặn khả năng chúng tôi tiếp cận những phát ngôn được bảo vệ theo Hiến pháp – cho dù đó là trên một tờ báo, trên một trang web hay thông qua một ứng dụng. Khi thực thi luật này, Montana đã bỏ qua Hiến pháp Hoa Kỳ, thủ tục pháp lý và quyền tự do ngôn luận bằng cách từ chối quyền truy cập vào trang web và ứng dụng mà công dân của họ muốn sử dụng.”

Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) cũng không ủng hộ dự luật. Họ nói, “với lệnh cấm, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và làm ăn, nhân danh chống Trung Quốc.”

Giới chuyên gia an ninh mạng nói rằng có thể khó thực thi lệnh cấm. Vào Tháng Ba, Thượng nghị sĩ Rand Paul (GOP, Kentucky) đã chặn dự luật cấm TikTok trên toàn quốc. Paul cho rằng dự luật sẽ vi phạm Hiến pháp và khiến cử tri quen dùng ứng dụng này tức giận. Ứng dụng mạng xã hội TikTok đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và được coi là mối đe dọa cạnh tranh đối với những gã khổng lồ công nghệ khác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Meta. Vào năm 2020, TikTok đã vượt qua hai tỷ lượt tải xuống trên thiết bị di động trên toàn thế giới.


Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Trung Á vốn là sân sau của Nga

Trung Quốc tuần này sẽ lần đầu tiên chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các quốc gia Trung Á nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ với khu vực vốn được xem là sân sau của Nga trong bối cảnh Moscow đang phải tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận làm sâu sắc các mối liên kết kinh tế và an ninh với những người đồng cấp đến từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là 5 quốc gia từng thuộc Liên Xô và được cho là đang mong muốn tìm các nguồn lực thay thế các khoản đầu tư từ Nga khi Moscow phải dồn lực vào cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á sẽ diễn ra trong hai ngày từ thứ Năm (18/5), gần như trùng khớp với hội nghị G7 họp tại Nhật Bản nơi các quốc gia phát triển nhất thế giới bàn thảo về nỗ lực ứng phó với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Adina Masalbekova của Học viện OSCE tại Bishkek nhận định: “Bắc Kinh muốn thúc đẩy thay thế trật tự toàn cầu, và cố gắng thuyết phục khu vực Trung Á rằng trật tự toàn cầu mới cũng là tốt hơn cho họ”.

Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Trung Quốc – Trung Á được tổ chức lần đầu vào năm ngoái, nhưng là dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tây An, Trung Quốc được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á trực tiếp lần đầu tiên. Thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây này là biểu tượng về tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế vì nơi đây đóng vai trò then chốt trong con đường thương mại Tơ Lụa cổ đại bao trùm Trung Á.

Hướng tới hội nghị thượng đỉnh này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực là cánh cổng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – chính sách cơ sở hạ tầng chính được ông Tập Cận Bình loan báo khi đến thăm Kazakhstan năm 2013.

Hai dự án BRI chính hiện tại đang được thảo luận là một hệ thống đường sắt kết nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan.

Cũng theo Reuters, các lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đã đến Tây An để họp một – một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm (18/5) trước khi họp thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á vào thứ Sáu (19/5).

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh của 6 nhà lãnh đạo vào 19/5, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu “quan trọng” và các bên cũng sẽ ký kết một văn kiện chính trị “quan trọng”.

Nguyên thủ Trung Á đầu tiên đến Tây An là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan. Ông Tokayev đã họp với Chủ tịch Tập hôm thứ Tư (17/5) và hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng “mối quan hệ hữu nghị lâu dài” và “chia ngọt sẻ bùi”. Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Trung Á.

“Chúng ta có một mục tiêu chung là tăng cường mối quan hệ song phương”, Reuters dẫn lời ông Tokayev nói với ông Tập.

“Chúng ta cũng thống nhất mong muốn củng cố an ninh và hợp tác khu vực và quốc tế”, ông Tokayev nói thêm.

Hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định đoạn đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc – Trung Á đi qua Kazakhstan và cũng làm sâu sắc thêm hợp tác về dầu mỏ và uranium.

Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cũng đã họp với ông Tập Cận Bình và nói rằng ông mong muốn làm sâu sắc thêm các liên kết thương mại, kinh tế và đầu tư.

“Không có các bất đồng chính trị hay các vấn đề không thể giải quyết giữa hai nước chúng ta”, ông Japarov nói.

“Chúng ta đem đến cho nhau sự ủng hộ về các vấn đề mang tính thời sự và quan trọng đối với mỗi nước”, ông Japarov nói thêm.

Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Trung Á đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với trị giá 70 tỷ USD. Kazakhstan dẫn dầu với 31 tỷ USD, tiếp đến là Kyrgyzstan 15,5 tỷ USD, Turkmenistan 11,2 tỷ USD, Uzbekistan 9,8 tỷ USD và Tajikistan 2 tỷ USD.

Hải Đăng


Nền kinh tế lớn nhất của EU có thể rơi vào suy thoái

(Ảnh minh họa: Pedrosek/Shutterstock) 

Niềm tin của các nhà đầu tư vào Đức đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, khi triển vọng tăng trưởng xấu đi, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể rơi vào suy thoái, theo hãng tin Bloomberg.

Cụ thể, chỉ số tâm lý kinh tế của Đức được đo bởi Viện nghiên cứu kinh tế ZEW đã giảm từ mức 4,1 trong tháng 4 xuống -10,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số này rơi xuống mức dưới 0. Hãng tin cho biết chỉ số về các điều kiện kinh tế của Đức cũng đang cũng xấu đi.

Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng sản xuất sụt giảm sâu hơn dự kiến trên hầu hết các ngành công nghiệp ở Đức. Đơn đặt hàng mới cho các công ty sản xuất đã giảm 10,7% trong tháng 3 so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyên gia thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế vốn đã bất lợi sẽ càng tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Kết quả là, nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, mặc dù ở mức độ nhẹ”.

Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán ngành công nghiệp Đức sẽ dậm chân tại chỗ thay vì phục hồi như kỳ vọng, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế.

Ông Carsten Brzeski, Giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, cho biết trong một báo cáo với khách hàng: “ZEW hôm nay gửi một thông điệp đáng lo ngại. Ba lần giảm liên tiếp là một xu hướng mới, một xu hướng đáng lo ngại”.

Trong báo cáo quốc gia hôm 17/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc giá năng lượng tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Berlin trong ngắn hạn.

Phan Anh


Thủ tướng Anh nói “di dân nhập cư quá cao” sau con số 1,1 triệu/nửa năm

19/5/2023

Trả lời BBC News bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak nói ông “muốn xem xét các biện pháp khác nhau để giảm số người vào Anh hợp pháp”.

Khi được hỏi ông có muốn ngăn không cho sinh viên nước ngoài sang Anh học hưởng quyền đón thân nhân sang thăm, Rishi Sunak chỉ nói ông sẽ xem xét các cách để “giảm con số đó xuống”.

Đảng Bảo thủ của ông Sunak đang chịu sức ép về những lời hứa trước trưng cầu dân ý Brexit, khi họ hứa sẽ kiểm soát chặt hơn biên giới, giảm số người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Năm 2019, đảng Bảo thủ nêu ra trong Cương lĩnh tranh cử của họ là sẽ bằng mọi cách giảm số người vào Anh (say khi trừ số ra khỏi Anh), xuống 226 nghìn/năm.

Yêu sách và mục tiêu của Brexit

Một trong những yêu sách của phe hữu tại Anh trước Brexit là không để công dân các nước EU khác tới Anh định cư. Họ nói việc đó chỉ làm được khi Anh không còn là thành viên EU.

Mục tiêu này xem ra đã đạt được vì dân EU thôi không sang Anh nữa nhưng người tới Anh từ các vùng khác lại tăng.

Trả lời BBC ở Hiroshima bên lề hội nghị G7, ông Sunak thừa nhận “số người nhập cư vào Anh quá cao”

Theo một bài trên BBC tháng 11/2022, trong sáu tháng đầu năm đó, có tới 504 nghìn người vào sống ở Anh hợp pháp, trên tổng số người đến 1,1 triệu (xem thêm: UK net migration hits all-time record at 504,000)

Trước luồng người vào, và ra rất lớn, Anh chỉ coi số nhập cư ròng để định cư ngắn hạn, và dài hạn là vấn đề cần bàn thảo, sau khi đã trừ đi số người rời đi.

̀Theo Cục Thống kê Quốc gia (ONS), trong 1,1 triệu người tới Anh tháng 1-6/2022, số người tỵ nạn Ukraine là 170 nghìn, cộng với 76 nghìn từ Hong Kong. 

Còn lại là 277 nghìn sinh viên tới Anh du học, và dân nhập cư hợp pháp từ các nước khác.

Nhưng sau khi trừ đi tổng số người ra khỏi Anh (đi sống nơi khác, người Anh di cư, ngoại kiều hồi hương…) thì con số nhập cư ròng là 504 nghìn.

Con số này được tính vào mục “dân số tại Anh tăng lên nửa triệu” chỉ trong nửa đầu năm 2022.

Theo BBC News, đây là con số tăng vọt, so với 330 nghìn năm 2016, khi công dân tại Anh bỏ phiếu chọn Brexit.

Từ đầu năm 2022 tới tháng 9/2022, có trên 76 nghìn đơn tỵ nạn do người vượt biên vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu lục địa được nộp lên Bộ Nội vụ.

Đa số người tới Anh hợp pháp là người Hong Kong và công dân Ukraine, vượt xa con số dân EU vào Anh.

Thậm chí, có thể nói rằng người dân EU đã không sang Anh sinh sống, làm việc bao nhiêu nữa. Trong bảng số liệu của ONS, do BBC soạn thành đồ họa, con số này nằm dưới ngưỡng 10.000.

Hiện nay tại Anh, sức ép của dân số lên thị trường nhà ở rất lớn. Số nhà xây thêm nhiều năm qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua, thuê, khiến giá thuê tại nhiều vùng ở nước Anh lên cao chóng mặt.

Theo trang Telegraph hồi tháng 1/2023, giá thuê căn hộ tại nội đô London lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bảng/tháng. 

Tính trung bình trên cả nước, công ty địa ốc Rightmove cung cấp con số giá thuê nhà trung bình là 1.172 bảng/tháng.

Vẫn trang báo này nói một số ước tính cho hay số người nhập cư vào Anh (net migration -số ròng, sau khi trừ số xuất cảnh) trong năm 2022 có thể đạt 650-675 nghìn. 

Giá thuê nhà ở Anh lên cao chóng mặt mấy năm qua

Theo họ, con số ước tính tương tự được nêu ra cho năm nay, 2023. Tuy nhiên, BBC News không đăng tải các thông tin này.


Xem thêm:

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.