Nổ tại căn cứ Nga ở Mariupol bằng hỏa tiễn Storm Shadow (Vietcatholic)
Theo Viet Catholic News – Một cố vấn của thị trưởng Mariupol ở đông nam Ukraine tuyên bố rằng những tiếng nổ được nghe thấy ở thành phố do Nga xâm lược vào đêm thứ Sáu đã diễn ra tại một căn cứ của lực lượng Mạc Tư Khoa.
Tags: Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Ukraine Posted in Chiến sự, Nga, Tin thế giới, Tin tức, Ukraine | Comments Off on Tin ngắn Ukraine: *Nổ tại Mariupol. *Ukraine vẫn bảo vệ Bakhmut *Hỏa tiễn ‘Kalibr’ của Nga tấn công Crimea? *NATO soạn kế hoạch bí mật chống lại Nga. *Nga suy yếu ở Trung Á do cuộc chiến Ukraine
G7 thông báo các trừng phạt mới nhằm vào “cỗ máy chiến tranh” của Nga
19/5/2023
Các lãnh đạo G7 họp thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/05/2023. AP
Anh Vũ /RFI
AFP dẫn một thông cáo của thượng đỉnh G7, tại Hiroshima , Nhật Bản, cho biết, hôm nay, 19/05/2023, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu đã quyết định các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt nguồn cung cấp công nghệ, thiết bị công nghiệp và các dịch vụ của G7 mà Nga có thể sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng, phục vụ cho cuộc chiến tranh tại Ukraina
Ngay trước giờ khai mạc thương đỉnh G7 tại Hiroshima, Hoa Kỳ và các đồng minh lớn đã thông báo các trừng phạt tiếp tục đánh vào nguồn tài chính của Nga, nhằm chủ yếu vào buôn bán kim cương.
Washington thông báo những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào “ cỗ máy chiến tranh” của Nga. Theo lời một quan chức Mỹ, các trừng phạt này nhắm vào khoảng 70 thực thể tại Nga và tại các nước khác. Quan chức này cho biết thêm, các nước G7 khác cũng chuẩn bị các trừng phạt mới về xuất nhập khẩu liên quan đến Nga.
Luôn Đôn đã thông báo các biện pháp trừng phạt lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, trong đó có buôn bán kim cương mà Nga thu về hàng tỷ đô la mỗi năm. Cũng trong ngày hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, có mặt tại Hiroshima dự thượng đỉnh G7, thông báo Liên Hiệp Châu Âu sẽ “ hạn chế mua bán kim cương Nga” trong khuôn khổ các trừng phạt Matxcơva xâm lược Ukraina.
Theo một quan chức cao cấp của chính quyền Joe Biden, thượng đỉnh G7 lần này đặt mục tiêu phối hợp ngăn chặn các nguồn tài chính giúp Nga nuôi dưỡng cuộc chiến tại Ukraina, đồng thời lấp những kẽ hở giúp Nga lách trừng phạt, giảm hơn nữa lệ thuộc vào Nga, tiếp tục ngăn cản Matxcơva tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, cam kết phong tỏa các tài sản của Nga cho đến khi chiến tranh chấm dứt,
Hội nghị thượng đỉnh G-7 đang diễn ra ở Hiroshima với các lệnh trừng phạt mới dành cho Nga
Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ thực hiện một chuyến đi cá nhân tới Hiroshima để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật
Tác giả Emel Akan
19/5/2023
Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) bước ra khỏi Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình để dự lễ đặt vòng hoa ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, hôm 19/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/POOL/AFP qua Getty Images)
HIROSHIMA, Nhật Bản — Cuộc chiến ở Ukraine trở thành tâm điểm tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) năm nay, với các nhà lãnh đạo dự định đưa ra các lệnh trừng phạt mới “để tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga” khi họ bắt đầu cuộc họp kéo dài ba ngày ở Hiroshima.
Theo một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về “sự đoàn kết, sức mạnh, và cam kết” để đáp trả cuộc xâm lược của Nga.
“Cam kết tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga của chúng ta vẫn mạnh mẽ như năm ngoái. Và vì vậy, tôi nghĩ ngày mai quý vị sẽ chứng kiến biện pháp mới sẽ được thực hiện nhằm cô lập Nga về kinh tế và làm suy yếu khả năng gây chiến của nước này,” quan chức này nói với các phóng viên hôm 18/05 trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
Theo Tòa Bạch Ốc, đây sẽ là bộ các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng toàn diện nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các quốc gia dân chủ tiên tiến nhất thế giới — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada — sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21/05.
Trong hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo sẽ tiết lộ các kế hoạch nhằm làm gián đoạn hơn nữa khả năng cung cấp nguồn đầu vào của Nga cho cuộc chiến của họ, loại bỏ các thủ thuật né tránh thuế, hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Moscow vào hệ thống ngân hàng quốc tế. Ngoài ra, các tài sản quốc gia của Nga sẽ vẫn bị đóng băng cho đến khi cuộc chiến này kết thúc.
Mỗi thành viên của G7 sẽ tuyên bố các lệnh trừng phạt mới và hạn chế xuất cảng nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Nga.
Quan chức này cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát xuất cảng đối với Nga, khiến việc duy trì cỗ máy chiến tranh của nước này trở nên khó khăn hơn.
“Bên cạnh những thứ khác, thì việc này liên quan đến việc hạn chế trên diện rộng các loại hàng hóa quan trọng cho chiến trường và cũng ngăn chặn khoảng 70 tổ chức từ Nga và những nước thứ ba nhận hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ bằng cách thêm họ vào danh sách đen của Bộ Thương mại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ công bố hơn 300 lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân, tổ chức, tàu thuyền, và phi cơ.”
Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022, các quốc gia G7 đã đồng ý giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen chụp ảnh cùng nhau sau khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Nạn nhân của Bom Nguyên tử trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 18/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/Getty Images)
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức một năm trước, các nhà lãnh đạo đã đồng ý áp dụng một chiến lược hạn chế giá dầu của Nga để bóp nghẹt doanh thu của Điện Kremlin.
“Sau khi thực hiện chính sách mức trần giá, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm đáng kể so với cả các mức trước chiến tranh và mức giá cao khi bắt đầu cuộc chiến tranh,” Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo tiến độ công bố hôm 18/05.
Báo cáo này cho biết: “Sự sụt giảm doanh thu này đã xảy ra mặc dù trong tháng 04/2023 Nga xuất cảng dầu thô nhiều hơn khoảng 5 đến 10% so với tháng 03/2022.”
Ông Zelensky dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh
Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ đích thân tham gia các cuộc thảo luận của hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật (21/05).
Ông Zelensky luôn tham gia vào các cuộc gặp gỡ trước đây của các nhà lãnh đạo G7 về Ukraine, quan chức cao cấp này cho biết nhưng không bình luận về hình thức hoặc thời gian của cuộc họp.
Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo đã tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa, chụp ảnh chung, và trồng cây tại Bảo tàng và Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để vinh danh những người đã thiệt mạng tại thành phố này 78 năm về trước trong các vụ đánh bom nguyên tử. Sau đó, các nhà lãnh đạo vừa dùng bữa trưa vừa làm việc.
Cẩm An biên dịch
Tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị G7 mở rộng và cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn
19/5/2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đến Hirsoshima, Nhật Bản, dự thượng đỉnh G7 ngày 19/05/2023. AP
Trần Công /RFI
Theo lời mời của thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất, tổng thống Yoon Seok-yeol hôm nay 19/05/2023 đã tới Hiroshima, Nhật Bản, để dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm thông tin:
“Việc tổng thống Yoon Seok-yeol được mời tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản khẳng định vị thế, vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để nguyên thủ Hàn Quốc gặp gỡ các đồng nhiệm, lãnh đạo chính phủ, nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Trong thời gian ở Nhật, từ 19 đến 21/05/2023, tổng thống Hàn Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật, ông sẽ hội đàm với thủ tướng Fumio Kishida. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tổng thống Yoon Seok-yeol sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như Úc, Anh, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Điểm nhấn trong chuyến đi lần này đó là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật và cuộc hội đàm 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật vào ngày 21.5.2023. Tổng thống Yoon, cùng với đồng nhiệm Mỹ Biden và thủ tướng Nhật Kishida, sẽ điểm lại việc thực hiện nội dung “chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa” đã được nhất trí vào tháng 11 năm 2022. Ngoài ra, lãnh đạo 3 nước cũng sẽ thảo luận về sự bất ổn của chuỗi cung ứng khu vực và khủng hoảng năng lượng. Được biết, ba nước sẽ không đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp này.
Để khẳng định vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, tổng thống Yoon dự thượng đỉnh G7 mở rộng, bày tỏ ý định mở rộng đóng góp của chính phủ Seoul cho các chương trình nghị sự toàn cầu như lương thực, sức khỏe, khí hậu và năng lượng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Yoon Seok-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến viếng các nạn nhân bom nguyên tử, trong đó có nhiều người Triều Tiên, ở khu tưởng niệm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima “
Montana trở thành tiểu bang đầu tiên cấm TikTok
Việt Bình /SGN 18/5/2023
Thống đốc Montana, Greg Gianforte (ảnh: William Campbell/Getty Images)
Thống đốc Greg Gianforte đã ký Dự luật Thượng viện 419 (Senate Bill 419) vào Thứ Tư 17 Tháng Năm 2023 để chính thức cấm TikTok trên toàn tiểu bang Montana; và nói rằng luật cấm này nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của cư dân bang khỏi bị xâm phạm; và rằng chính phủ Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng khi đứng sau TikTok.
Vào Thứ Tư, Gianforte đã ký một sắc lệnh hành pháp riêng cấm sử dụng bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào “gắn liền với các đối thủ nước ngoài” trên các thiết bị của chính quyền, bao gồm CapCut và Lemon8 thuộc sở hữu của ByteDance và Telegram Messenger (do một người Nga tạo ra nhưng có trụ sở ở Dubai).
Thống đốc Gianforte nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ, vi phạm quyền riêng tư của họ và thu thập thông tin cá nhân, riêng tư và nhạy cảm của họ”. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy chính phủ Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng TikTok. Tuy nhiên, những người chỉ trích TikTok chỉ ra rằng luật ở Trung Quốc cho phép chính phủ truy cập vào hồ sơ khách hàng của công ty.
Theo luật Montana, các nền tảng cung cấp ứng dụng trên thị trường của tiểu bang, chẳng hạn như Google Play Store và Apple App Store, sẽ bị phạt tới $ 10000 một ngày nếu vi phạm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Giêng 2024. Dự kiến, TikTok sẽ phản đối dự luật tại tòa án liên bang. TikTok và các nhóm như Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã nói rằng lệnh cấm là vi hiến.
Tháng Mười Hai 2022, Thống đốc Gianforte đã cấm TikTok trên các thiết bị điện tử của chính quyền bang. Ngày 17 Tháng Năm 2023, ông nói thêm rằng lệnh cấm sẽ mở rộng để bao gồm “tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội liên quan việc thu thập và cung cấp thông tin hoặc dữ liệu cá nhân của người dùng cho một kẻ thù nước ngoài; một người hoặc tổ chức ở một quốc gia được coi là kẻ thù nước ngoài.”
Với chính quyền liên bang, Tổng thống Biden đã ký luật cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ vào Tháng Mười Hai 2022 và đang xem xét lệnh cấm toàn diện nếu công ty mẹ của TikTok – ByteDance – không tìm được người mua ở Mỹ. Hoa Kỳ và các đối tác bảo mật “Five Eyes” – gồm Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh – cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ liên bang, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tháng trước, các nhà lập pháp tại Hạ viện Montana đã bỏ phiếu 54-43 để thông qua dự luật, được gọi là SB419 và chuyển dự thảo luật đến bàn của Thống đốc Gianforte. Phần mình, đại diện TikTok nói rằng “Thống đốc Gianforte đã ký một dự luật vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp, một nền tảng trao quyền cho hàng trăm nghìn người trên khắp tiểu bang. Chúng tôi muốn trấn an người dân Montana rằng họ có thể tiếp tục sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, kiếm sống và tìm kiếm cộng đồng khi chúng tôi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana.”
NetChoice, một nhóm thương mại công nghệ bao gồm TikTok với tư cách là thành viên, đã gọi dự luật Montana là vi hiến. Carl Szabo, cố vấn của NetChoice, nói: “Chính quyền không được chặn khả năng chúng tôi tiếp cận những phát ngôn được bảo vệ theo Hiến pháp – cho dù đó là trên một tờ báo, trên một trang web hay thông qua một ứng dụng. Khi thực thi luật này, Montana đã bỏ qua Hiến pháp Hoa Kỳ, thủ tục pháp lý và quyền tự do ngôn luận bằng cách từ chối quyền truy cập vào trang web và ứng dụng mà công dân của họ muốn sử dụng.”
Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) cũng không ủng hộ dự luật. Họ nói, “với lệnh cấm, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và làm ăn, nhân danh chống Trung Quốc.”
Giới chuyên gia an ninh mạng nói rằng có thể khó thực thi lệnh cấm. Vào Tháng Ba, Thượng nghị sĩ Rand Paul (GOP, Kentucky) đã chặn dự luật cấm TikTok trên toàn quốc. Paul cho rằng dự luật sẽ vi phạm Hiến pháp và khiến cử tri quen dùng ứng dụng này tức giận. Ứng dụng mạng xã hội TikTok đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và được coi là mối đe dọa cạnh tranh đối với những gã khổng lồ công nghệ khác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Meta. Vào năm 2020, TikTok đã vượt qua hai tỷ lượt tải xuống trên thiết bị di động trên toàn thế giới.
Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Trung Á vốn là sân sau của Nga
Trung Quốc tuần này sẽ lần đầu tiên chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các quốc gia Trung Á nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ với khu vực vốn được xem là sân sau của Nga trong bối cảnh Moscow đang phải tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận làm sâu sắc các mối liên kết kinh tế và an ninh với những người đồng cấp đến từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là 5 quốc gia từng thuộc Liên Xô và được cho là đang mong muốn tìm các nguồn lực thay thế các khoản đầu tư từ Nga khi Moscow phải dồn lực vào cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á sẽ diễn ra trong hai ngày từ thứ Năm (18/5), gần như trùng khớp với hội nghị G7 họp tại Nhật Bản nơi các quốc gia phát triển nhất thế giới bàn thảo về nỗ lực ứng phó với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Adina Masalbekova của Học viện OSCE tại Bishkek nhận định: “Bắc Kinh muốn thúc đẩy thay thế trật tự toàn cầu, và cố gắng thuyết phục khu vực Trung Á rằng trật tự toàn cầu mới cũng là tốt hơn cho họ”.
Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Trung Quốc – Trung Á được tổ chức lần đầu vào năm ngoái, nhưng là dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tây An, Trung Quốc được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á trực tiếp lần đầu tiên. Thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây này là biểu tượng về tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế vì nơi đây đóng vai trò then chốt trong con đường thương mại Tơ Lụa cổ đại bao trùm Trung Á.
Hướng tới hội nghị thượng đỉnh này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực là cánh cổng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – chính sách cơ sở hạ tầng chính được ông Tập Cận Bình loan báo khi đến thăm Kazakhstan năm 2013.
Hai dự án BRI chính hiện tại đang được thảo luận là một hệ thống đường sắt kết nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan.
Cũng theo Reuters, các lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đã đến Tây An để họp một – một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm (18/5) trước khi họp thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á vào thứ Sáu (19/5).
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh của 6 nhà lãnh đạo vào 19/5, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu “quan trọng” và các bên cũng sẽ ký kết một văn kiện chính trị “quan trọng”.
Nguyên thủ Trung Á đầu tiên đến Tây An là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan. Ông Tokayev đã họp với Chủ tịch Tập hôm thứ Tư (17/5) và hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng “mối quan hệ hữu nghị lâu dài” và “chia ngọt sẻ bùi”. Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Trung Á.
“Chúng ta có một mục tiêu chung là tăng cường mối quan hệ song phương”, Reuters dẫn lời ông Tokayev nói với ông Tập.
“Chúng ta cũng thống nhất mong muốn củng cố an ninh và hợp tác khu vực và quốc tế”, ông Tokayev nói thêm.
Hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định đoạn đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc – Trung Á đi qua Kazakhstan và cũng làm sâu sắc thêm hợp tác về dầu mỏ và uranium.
Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cũng đã họp với ông Tập Cận Bình và nói rằng ông mong muốn làm sâu sắc thêm các liên kết thương mại, kinh tế và đầu tư.
“Không có các bất đồng chính trị hay các vấn đề không thể giải quyết giữa hai nước chúng ta”, ông Japarov nói.
“Chúng ta đem đến cho nhau sự ủng hộ về các vấn đề mang tính thời sự và quan trọng đối với mỗi nước”, ông Japarov nói thêm.
Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Trung Á đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với trị giá 70 tỷ USD. Kazakhstan dẫn dầu với 31 tỷ USD, tiếp đến là Kyrgyzstan 15,5 tỷ USD, Turkmenistan 11,2 tỷ USD, Uzbekistan 9,8 tỷ USD và Tajikistan 2 tỷ USD.
Hải Đăng
Nền kinh tế lớn nhất của EU có thể rơi vào suy thoái
(Ảnh minh họa: Pedrosek/Shutterstock)
Niềm tin của các nhà đầu tư vào Đức đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, khi triển vọng tăng trưởng xấu đi, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể rơi vào suy thoái, theo hãng tin Bloomberg.
Cụ thể, chỉ số tâm lý kinh tế của Đức được đo bởi Viện nghiên cứu kinh tế ZEW đã giảm từ mức 4,1 trong tháng 4 xuống -10,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số này rơi xuống mức dưới 0. Hãng tin cho biết chỉ số về các điều kiện kinh tế của Đức cũng đang cũng xấu đi.
Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng sản xuất sụt giảm sâu hơn dự kiến trên hầu hết các ngành công nghiệp ở Đức. Đơn đặt hàng mới cho các công ty sản xuất đã giảm 10,7% trong tháng 3 so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyên gia thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế vốn đã bất lợi sẽ càng tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Kết quả là, nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, mặc dù ở mức độ nhẹ”.
Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán ngành công nghiệp Đức sẽ dậm chân tại chỗ thay vì phục hồi như kỳ vọng, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế.
Ông Carsten Brzeski, Giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, cho biết trong một báo cáo với khách hàng: “ZEW hôm nay gửi một thông điệp đáng lo ngại. Ba lần giảm liên tiếp là một xu hướng mới, một xu hướng đáng lo ngại”.
Trong báo cáo quốc gia hôm 17/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc giá năng lượng tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Berlin trong ngắn hạn.
Phan Anh
Thủ tướng Anh nói “di dân nhập cư quá cao” sau con số 1,1 triệu/nửa năm
19/5/2023
Trả lời BBC News bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak nói ông “muốn xem xét các biện pháp khác nhau để giảm số người vào Anh hợp pháp”.
Khi được hỏi ông có muốn ngăn không cho sinh viên nước ngoài sang Anh học hưởng quyền đón thân nhân sang thăm, Rishi Sunak chỉ nói ông sẽ xem xét các cách để “giảm con số đó xuống”.
Đảng Bảo thủ của ông Sunak đang chịu sức ép về những lời hứa trước trưng cầu dân ý Brexit, khi họ hứa sẽ kiểm soát chặt hơn biên giới, giảm số người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Năm 2019, đảng Bảo thủ nêu ra trong Cương lĩnh tranh cử của họ là sẽ bằng mọi cách giảm số người vào Anh (say khi trừ số ra khỏi Anh), xuống 226 nghìn/năm.
Yêu sách và mục tiêu của Brexit
Một trong những yêu sách của phe hữu tại Anh trước Brexit là không để công dân các nước EU khác tới Anh định cư. Họ nói việc đó chỉ làm được khi Anh không còn là thành viên EU.
Mục tiêu này xem ra đã đạt được vì dân EU thôi không sang Anh nữa nhưng người tới Anh từ các vùng khác lại tăng.
Trả lời BBC ở Hiroshima bên lề hội nghị G7, ông Sunak thừa nhận “số người nhập cư vào Anh quá cao”
Theo một bài trên BBC tháng 11/2022, trong sáu tháng đầu năm đó, có tới 504 nghìn người vào sống ở Anh hợp pháp, trên tổng số người đến 1,1 triệu (xem thêm: UK net migration hits all-time record at 504,000)
Trước luồng người vào, và ra rất lớn, Anh chỉ coi số nhập cư ròng để định cư ngắn hạn, và dài hạn là vấn đề cần bàn thảo, sau khi đã trừ đi số người rời đi.
̀Theo Cục Thống kê Quốc gia (ONS), trong 1,1 triệu người tới Anh tháng 1-6/2022, số người tỵ nạn Ukraine là 170 nghìn, cộng với 76 nghìn từ Hong Kong.
Còn lại là 277 nghìn sinh viên tới Anh du học, và dân nhập cư hợp pháp từ các nước khác.
Nhưng sau khi trừ đi tổng số người ra khỏi Anh (đi sống nơi khác, người Anh di cư, ngoại kiều hồi hương…) thì con số nhập cư ròng là 504 nghìn.
Con số này được tính vào mục “dân số tại Anh tăng lên nửa triệu” chỉ trong nửa đầu năm 2022.
Theo BBC News, đây là con số tăng vọt, so với 330 nghìn năm 2016, khi công dân tại Anh bỏ phiếu chọn Brexit.
Từ đầu năm 2022 tới tháng 9/2022, có trên 76 nghìn đơn tỵ nạn do người vượt biên vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu lục địa được nộp lên Bộ Nội vụ.
Đa số người tới Anh hợp pháp là người Hong Kong và công dân Ukraine, vượt xa con số dân EU vào Anh.
Thậm chí, có thể nói rằng người dân EU đã không sang Anh sinh sống, làm việc bao nhiêu nữa. Trong bảng số liệu của ONS, do BBC soạn thành đồ họa, con số này nằm dưới ngưỡng 10.000.
Hiện nay tại Anh, sức ép của dân số lên thị trường nhà ở rất lớn. Số nhà xây thêm nhiều năm qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua, thuê, khiến giá thuê tại nhiều vùng ở nước Anh lên cao chóng mặt.
Theo trang Telegraph hồi tháng 1/2023, giá thuê căn hộ tại nội đô London lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bảng/tháng.
Tính trung bình trên cả nước, công ty địa ốc Rightmove cung cấp con số giá thuê nhà trung bình là 1.172 bảng/tháng.
Vẫn trang báo này nói một số ước tính cho hay số người nhập cư vào Anh (net migration -số ròng, sau khi trừ số xuất cảnh) trong năm 2022 có thể đạt 650-675 nghìn.
Giá thuê nhà ở Anh lên cao chóng mặt mấy năm qua
Theo họ, con số ước tính tương tự được nêu ra cho năm nay, 2023. Tuy nhiên, BBC News không đăng tải các thông tin này.
WASHINGTON, ngày 18 tháng 5 (Reuters) – Hoa Kỳ và Đài Loan đã đạt được thỏa thuận phần đầu của sáng kiến thương mại “Thế kỷ 21” của họ, bao gồm các thủ tục hải quan và biên giới, thực tiễn quản lý và doanh nghiệp nhỏ, văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm.
Sau khi thỏa thuận ban đầu của Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 được ký kết, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trên các lĩnh vực thương mại khác, phức tạp hơn bao gồm nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, doanh nghiệp nhà nước cũng như các chính sách và thông lệ phi thị trường , USTR cho biết.
Ukraina nhấn mạnh với đặc sứ Trung Quốc nguyên tắc ‘‘toàn vẹn lãnh thổ’’
18/5/2023
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba (giữa, trái) và đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (ảnh giữa, bên phải) tại Kiev, Ukraina, ngày 17/05/2023. AP
Trọng Thành /RFI
2 phútHôm qua, 17/05/2023, tại Kiev, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã tiếp đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Trong cuộc gặp, lãnh đạo ngoại giao Ukraina khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị hòa bình nào bao gồm việc nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, hoặc ‘‘đóng băng’’ xung đột.
Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qau ra thông cáo cho biết ngoại trưởng Kuleba đã giải thích chi tiết cho đặc sứ Trung Quốc ‘‘về những nguyên tắc thiết lập một nền hòa bình bền vững và công bằng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina’’. Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Ukraina một mặt khẳng định nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác cũng thừa nhận ‘‘vai trò quan trọng’’ của Bắc Kinh trong các nỗ lực hướng đến chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga.
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay ra một thông báo về cuộc hội kiến nói trên, theo đó đặc sứ của Bắc Kinh đã kêu gọi Ukraina và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’.
Đặc sứ Lý Huy là thứ trưởng Ngoại Giao, đặc trách các vấn đề châu Âu và Trung Á, nguyên là đại sứ tại Nga, từ 2009 đến 2019. Theo Bắc Kinh, ông Lý Huy có sứ mạng thảo luận về việc ‘‘tìm ra giải pháp chính trị’’ cho cuộc xung đột tại Ukraina trong vòng công du châu Âu, mở đầu với chặng đầu là Kiev. Trả lời AFP, một giới chức cao cấp Ukraina, xin ẩn danh, cho biết tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ‘‘có thể’’ tiếp đặc sứ Trung Quốc.
Đặc sứ Trung Quốc sẽ đến Pháp vào đầu tuần tới, tiếp theo đó là Đức. Tối hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Roudenko cho biết ông Lý Huy có thể tới Matxcơva vào cuối tháng 5, tuy nhiên thời điểm cụ thể chưa được xác định.
Cho đến nay, Bắc Kinh, đối tác mật thiết của Matxcơva, chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Hồi cuối tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất một ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’ cho Ukraina, nhưng các nước phương Tây đã tỏ vẻ hoài nghi về kế hoạch này
Chuyên gia LHQ nói Nga, Trung Quốc viện trợ quân sự cho quân đội Myanmar
Liên Thành
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).
Quân đội Myanmar đã nhập khẩu ít nhất 1 tỷ đô la Mỹ vũ khí và các vật liệu khác kể từ khi tổ chức cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021. Thông tin này được một chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết vào ngày 17/4 trong một báo cáo mới chỉ trích Nga và Trung Quốc vì đã hỗ trợ cho chính quyền quân sự Myanmar đàn áp phe đối lập.
Ông Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar cho biết, máy bay trực thăng Mi-35 do Nga sản xuất, chiến đấu cơ MiG-29 và máy bay hạng nhẹ Yak-130, và máy bay phản lực K-8 của Trung Quốc, thường được chính quyền quân đội Myanmar sử dụng để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào trường học, cơ sở y tế, nhà ở và các địa điểm dân sự khác.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, quân đội Myanmar đã tấn công vào một ngôi làng ở vùng Sagaing vào ngày 11 tháng 4 đã giết chết ít nhất 160 người, trong đó có gần 40 trẻ em.
Ông Andrews nói trong một tuyên bố: “Tin tốt là giờ đây chúng ta biết ai đang cung cấp những loại vũ khí này”. Ông đồng thời kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc “đẩy mạnh và ngăn chặn dòng chảy vũ khí” bằng lệnh cấm hoàn toàn việc chuyển giao cho quân đội Myanmar, thực thi các lệnh cấm hiện có và các biện pháp trừng phạt phối hợp.
Cảnh sát bắt một người biểu tình tại thành phố Mawlamyine, Myanmar. (Ảnh: AFP).
Chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã sử dụng dữ liệu thương mại để mô tả chi tiết việc chuyển giao vũ khí và các hàng hóa khác, bao gồm cả nguyên liệu thô để sản xuất vũ khí trong nước của Myanmar. Kể cuộc đảo chính, Nga và Trung Quốc đã cung cấp các vật tư lần lượt trị giá 406 triệu đô la và 267 triệu đô la cho quân đội Myanmar.
Các thực thể thuộc sở hữu nhà nước và công ty khác ở Ấn Độ, các công ty ở Singapore,và Thái Lan cũng tham gia chuyển giao vật tư cho quân đội Myanmar.
Báo cáo cho biết, khoảng 227 triệu USD hàng hóa đến từ Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước của Moscow. Công ty này đã chuyển máy bay chiến đấu SU-30, vật tư cho máy bay phản lực MiG-29 và hệ thống phóng tên lửa cho Myanmar.
Các công ty khác của Nga đã cung cấp cho quân đội Myanmar một loạt công cụ, thiết bị và phụ tùng thay thế cho các hệ thống vũ khí do Nga cung cấp.
Báo cáo cho biết: “Vũ khí do các nhà cung cấp Nga cung cấp đã được sử dụng để thực hiện các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Myanmar”.
Chuyên gia Andrews cho biết ông đã thông báo cho các quốc gia có tên trong báo cáo về những phát hiện của mình trước khi công bố.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á
Vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan sẽ tề tựu về Tây An, một thành phố ở miền trung Trung Quốc, để dự cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á. Sự kiện này, do chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, phản ánh mối quan hệ ngày càng thắm thiết giữa các nước Trung Á và nước láng giềng phía đông hùng mạnh của họ.
Nó cũng là kết quả của chính sách ngoại giao khôn ngoan của Trung Quốc. Năm quốc gia Trung Á này bị kẹp giữa tỉnh Tân Cương của Trung Quốc và Nga. Việc thúc đẩy các liên minh chiến lược ở đây giúp Trung Quốc kiểm soát tốt hơn một trong những khu vực bất ổn nhất của mình và mở rộng ảnh hưởng đến sân sau của Nga.
Các nước Trung Á cũng sẽ được hưởng lợi. Trung Quốc mang đến thương mại, năng lượng và đầu tư, trong khi có thể đóng vai trò đối trọng với Nga. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến các nước Trung Á cảnh giác. Họ hy vọng mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc có thể giúp họ tránh được số phận tương tự.
Triển vọng của Alibaba hậu chia tách
Các nhà đầu tư đang rất hào hứng với màn ra mắt của một sinh vật công nghệ mới của Trung Quốc: “Baby Baba.” Kể từ khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba tuyên bố tách thành sáu công ty vào tháng 3, triển vọng về một số đợt IPO khổng lồ đã khiến các chủ ngân hàng và nhà quản lý danh mục đầu tư thèm thuồng. Các công ty tách ra từ Alibaba này hứa hẹn cực kỳ béo bở: chỉ riêng tập đoàn hậu cần Cainiao đã có thể được định giá tới 20 tỷ USD. Một tập hợp các doanh nghiệp thương mại điện tử ở nước ngoài có thể còn giá trị hơn nữa. Một trong các Baby Baba sẽ có phiên bản ChatGPT của riêng mình và lướt làn sóng chatbot AI.
Alibaba có thể nói nhiều hơn về tương lai vào thứ Năm khi công bố thu nhập quý đầu năm 2023 và năm tài chính 2022-2023. Báo cáo cũng sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn thoáng qua về hiệu quả hoạt động của đơn vị thương mại điện tử kể từ khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero covid và chấm dứt phong tỏa.
Mùa bận rộn của Toà án Tối cao Mỹ
Trong những tuần gần đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã bị đeo bám bởi những vụ bê bối về đạo đức. Nhưng chín vị thẩm phán không có nhiều thời gian để bị phân tâm. Từ giờ đến cuối tháng 6, tòa sẽ đưa ra phán quyết cho hàng chục vụ kiện đã được tranh luận từ tháng 10 đến tháng 4, trong đó ít nhất một phán quyết sẽ có vào thứ Năm.
Gần một năm trước, đa số bảo thủ của toà đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade. Giờ đây, họ được cho là sẽ lật ngược tiền lệ từ những năm 1970 khẳng định tính hợp hiến của việc tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc, một chính sách được thiết kế để khắc phục hậu quả của phân biệt đối xử và làm cho các nhóm sinh viên trở nên đa dạng hơn. Một phán quyết đảo ngược tiền lệ trên sẽ buộc các trường đại học phải thay đổi hoàn toàn chính sách tuyển sinh.
Ngoài ra còn có một số vụ việc nóng bỏng khác, bao gồm: một nhà thiết kế web từ chối tạo trang web cho các đám cưới đồng tính; tính hợp pháp của các cuộc đình công gây thiệt hại tài sản công ty; trách nhiệm pháp lý của các công ty Internet đối với thuật toán của họ; chủng tộc và quyền bỏ phiếu; và chương trình xóa nợ sinh viên của tổng thống Joe Biden.
Hội nghị tiền điện tử thế giới ở Miami
Vào thứ Năm, những người đam mê tiền điện tử từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Miami cho sự kiện Bitcoin2023. Không khí tại hội nghị sẽ phần nào mát mẻ hơn so với thời tiết nóng nực của thành phố.
Sau một năm của các vụ sụp đổ và lừa đảo, thế giới tiền điện tử đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin công chúng. Hôm thứ ba, Liên minh châu Âu đã công bố các quy tắc buộc các sàn giao dịch tiền điện tử phải chịu trách nhiệm nếu làm mất tài sản của khách hàng và yêu cầu các công ty tiền điện tử phải được cấp phép.
Những nước khác còn đi xa hơn. Trong số 45 nền kinh tế được nghiên cứu bởi Hội đồng Đại Tây Dương, có 25 nước đã cấm hoàn toàn hoặc một phần tiền điện tử. Hồi tháng 3, nhà chức trách Mỹ đã đưa ra cáo buộc chống lại Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới, vì không ngăn người Mỹ sử dụng nền tảng nước ngoài của công ty. Các công ty đang chạy đến những nơi thân thiện hơn như Dubai, nơi đã tạo ra một cơ quan quản lý nhằm thu hút hoạt động tiền điện tử. Miami là một địa điểm tốt cho hội nghị tiền điện tử, nhưng tương lai của ngành có thể ở nơi khác.
Đức cho biết Trung Quốc vẫn vận hành đồn công an ở Berlin
Liên Thành
Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin (Ảnh: Xinhua/Shan Yuqi).
Hôm 15/05, các quan chức Đức cho biết họ tin rằng hai tiền đồn công an trái phép của Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở nước này, mặc dù hồi tháng Hai Bắc Kinh đã hứa sẽ đóng cửa những tiền đồn đó.
Trong một cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Liên bang cho biết những tiền đồn công an này “không phải là văn phòng cố định, mà là những cơ sở di động”. Phát ngôn viên này cho biết thêm, các cá nhân, trong đó có một số người mang quốc tịch Trung Quốc, thực hiện “các nhiệm vụ chính thức” theo lệnh của chính quyền Trung Quốc.
Theo Safeguard Defenders, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha, “đồn công an hải ngoại” này được cho là một phần của hơn 100 cơ sở tương tự do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành trên toàn cầu. Viện dẫn các thông báo chính thức, các nhà nghiên cứu đã xác định những đồn công an không chính thức này ở ít nhất 53 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Ý, Việt Nam và Đức.
Trong báo cáo nối tiếp được công bố hồi tháng 12/2022, nhóm này cho biết, chính quyền Trung Quốc sử dụng các cơ sở này để “sách nhiễu, đe dọa, uy hiếp và ép buộc các mục tiêu phải quay về Trung Quốc để chịu sự bức hại”.
Sự hiện diện rộng rãi này đã khiến chính phủ Đức và các quốc gia Âu Châu khác phải mở các cuộc điều tra về các cơ sở như vậy trên lãnh thổ của họ.
Hồi tháng 10/2022, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nói với tờ báo địa phương Handelsblatt rằng, “Chính phủ liên bang không chấp nhận việc thực thi quyền lực nhà nước của ngoại quốc, và theo đó, chính quyền Trung Quốc không có quyền hành pháp trên lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Đức”.
Sau đó, Berlin cho biết chính quyền Trung Quốc đã thiết lập ít nhất hai đồn công an trên khắp đất nước này, nhiều hơn một tiền đồn so với tiết lộ của Safeguard Defender. Báo cáo của nhóm này chỉ đề cập đến một tiền đồn ở Frankfurt.
Theo một phản hồi của chính phủ hồi tháng Ba đối với một câu hỏi bằng văn bản của một nhà lập pháp, các tiền đồn của công an Trung Quốc này không có văn phòng thường trực ở Đức và được các nhà lãnh đạo của cộng đồng Hoa kiều quản lý.
Hồi tháng 11/2022, chính phủ Đức đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc đóng cửa đồn công an của họ.
Hôm thứ Hai, bà Andrea Sasse, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức, nói với các phóng viên: “Phía Trung Quốc đã liên lạc lại với chúng tôi hồi đầu tháng Hai và nói rằng những cái gọi là quầy dịch vụ như phía Trung Quốc gọi này đã bị đóng cửa”.
Tuy nhiên, “các nhà chức trách an ninh tiếp tục cho rằng có hai cái gọi là đồn công an ngoại quốc ở Đức”, phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết.
Ukraine: Người đứng đầu Tòa án Tối cao bị bắt vì nghi nhận hối lộ 2.7 triệu USD
Báo Ukraine đăng tin ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, đã bị bắt hôm 15/5 cùng với hàng loạt đồng phạm. Cảnh sát đặc nhiệm cho đăng ảnh tiền đô la Mỹ được lôi ra từ nhà riêng và bày đầy trên bàn. Ngày 16/5, tòa đã tuyên bố ông là nghi phạm vụ nhận hối lộ giá trị 2,7 triệu đô la để giúp đỡ nhà tài phiệt Konstantin Zhevago.
Ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, đã bị bắt hôm 15/5 cùng với hàng loạt đồng phạm. (Nguồn: Ảnh ghép từ Facebook của Vsevolod Knyazev)
Hôm 15/5, các cơ quan chức năng của Ukraine đã thông báo họ đã bắt ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, cùng một số thẩm phán được coi là đồng bọn. Trong thông báo có cả hình tiền đô la Mỹ được lôi ra chụp ảnh. Sau đó một số chi tiết lần lượt được công bố.
Hình ảnh lược tả thời gian diễn biến của quá trình nhận hối lộ, cũng do cơ quan chức năng của Ukraine thông báo.
Báo Pravda Ukraine đưa tin rằng Vsevolod Knyazev đã bị cáo buộc nhận hối lộ từ nhà tài phiệt Konstantin Zhevago, và hiện bị bắt giữ như một nghi phạm của tòa. Tuy nhiên ông Knyazev đã bác bỏ cáo buộc. Tòa dự kiến sẽ kết án theo điều 368: Quan chức nhận tiền với số lượng đặc biệt lớn.
Nhật Tân
Tàu cá Trung Quốc bị lật ở Ấn Độ Dương, 39 người mất tích
Một tàu cá Trung Quốc đã bị lật ở trung tâm Ấn Độ Dương, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư (17/5), khiến thủy thủ đoàn gồm 17 người Trung Quốc, 17 người Indonesia và 5 người Philippines mất tích.
“Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích nào,” đài truyền hình nhà nước CCTV cho hay, đồng thời nói thêm rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn.
Con tàu bị lật có tên Lu Peng Yuan Yu 028 bị lật vào khoảng 3 giờ sáng ngày 15/5 (giờ Bắc Kinh). Tàu thuộc sở hữu của công ty Penglai Jinglu Fishery có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông.
Hiện các đội tìm kiếm, cứu hộ từ Úc và một số quốc gia khác đã đến hiện trường, trong khi Trung Quốc triển khai hai tàu hỗ trợ.
Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã đưa ra một “cơ chế bảo vệ lãnh sự khẩn cấp”, yêu cầu sự phối hợp của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Úc, Sri Lanka, Maldives, Indonesia, Philippines và các quốc gia khác, theo CCTV.
Hồi tháng trước, hai thành viên thủy thủ đoàn Trung Quốc đã thiệt mạng khi một tàu nạo vét của Trung Quốc bị lật úp ngoài khơi Philippines.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh cá nước sâu lớn nhất thế giới.
Nhưng khi nguồn dự trữ trong nước cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc ngày càng ra khơi xa hơn và vướng vào ngày càng nhiều tranh chấp và tai nạn hàng hải.
Năm 2019, Philippines cáo buộc một tàu Trung Quốc đâm vào một tàu Philippines ở Biển Đông đang tranh chấp, khiến nó bị chìm và đe dọa tính mạng của gần chục thủy thủ đoàn.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Quan chức phá dỡ trang trại, nông dân Trung Quốc tức giận bắn bị thương
Liên Thành
Một số trang trại ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị phá dỡ, thậm chí có thông tin cho rằng nông dân đã dùng súng bắn một số công chức chính phủ bị thương. (Ảnh chụp màn hình NTD).
Gần đây, một số trang trại ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị phá dỡ, thậm chí có thông tin cho rằng nông dân đã dùng súng bắn một số công chức chính phủ bị thương. Dư luận cho rằng việc chính quyền Trung Quốc mạnh tay thúc đẩy chính sách “trả lại rừng cho đất nông nghiệp” đã khiến người dân khốn đốn, hai bên chắc chắn sẽ bùng nổ mâu thuẫn.
Trên mạng lan truyền một thông báo của Cục Công an quận Diên Bình, thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến với nội dung là vào chiều ngày 8 tháng 5, tại quận Diên Bình đã xảy ra một vụ án hình sự, cảnh sát đã treo giải thưởng 50.000 nhân dân tệ cho những ai bắt giữ người đàn ông họ Lô 50 tuổi, ở thôn Bảo Châu, thị trấn Mang Đãng, quận Diên Bình.
Đáp lại thông báo này, trên mạng lan truyền rộng rãi thông tin rằng, chính quyền thị trấn Mang Đãng đã cưỡng chế phá bỏ trang trại lợn ở làng Bảo Châu. Kết quả là, nhiều công chức chính phủ đã bị hộ chăn nuôi dùng súng hoa cải bắn bị thương, người này sau đó đã mang theo súng và bỏ trốn.
Khi một phóng viên của NTD gọi điện đến Chi cục Công an Diên Bình, đầu dây bên kia chỉ nói rằng sự việc đã được giải quyết, nhưng không tiết lộ các chi tiết khác và cúp điện thoại.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách “trả lại rừng cho đất nông nghiệp”, các loại cây trồng phi lương thực, vườn cây ăn quả và trang trại của nông dân đã bị phá hủy. Một đoạn video cho thấy mái của trang trại lợn bị sập, chuồng cừu cũng bị phá hủy.
Ông Dương, một cựu sĩ quan công an ở Phúc Kiến nói với NTD: “Sau khi thành lập đội quản lý nông nghiệp, nó chắc chắn sẽ cướp đi nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại của nông dân. Cuối cùng thì mâu thuẫn chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hai ba thành viên đội quản lý nông nghiệp bị giết. Chuyện này lan truyền trên mạng là điều tất yếu, dân thường đã khốn cùng rồi, nếu cứ tiếp tục như vậy nhất định sẽ bùng nổ lớn”.
Một đoạn video khác cho thấy một trang trại lợn ở thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến đã bị phá hủy và những người nông dân phản đối đã bị còng tay.
Ngũ Giác Đài cho biết 31 xe tăng Abrams của Mỹ đã đến Đức để huấn luyện lực lượng Ukraina
Liên Thành
Xe tăng Abrams của Mỹ. (Ảnh: AP).
CNN đưa tin, Ngũ Giác Đài ngày 15/5 cho biết 31 xe tăng M1 Abrams đã đến Đức để huấn luyện cho lực lượng Ukraina
Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Không quân Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo ngày 15/5 rằng, Chương trình huấn luyện dự kiến kéo dài vài tháng và các xe tăng dự kiến sẽ được gửi đến Ukraina vào mùa thu.
Ông Ryder nói thêm rằng, các xe tăng được gửi tới Đức có thiết kế đặc biệt để huấn luyện các binh lính Ukraina, trong khi những chiếc xe tăng được gửi đến Ukraina đang được tân trang lại và chuẩn bị vận chuyển.
Mỹ nói tổ hợp hỏa tiễn Patriot ở Ukraine có thể đã hư hại
Viên Minh
Một người lính đứng trước hệ thống hỏa tiễn đất đối không PATRIOT (Radar theo dõi mảng pha để đánh chặn mục tiêu) trong cuộc tập trận quân sự tại sân bay Warsaw Babice, Ba Lan vào ngày 7 tháng 2 năm 2023. (Ảnh: JANEK SKARZYNSKI/AFP via Getty Images)
Một quan chức Mỹ nói tổ hợp Patriot ở Ukraine có thể đã hư hại, nhưng không bị phá hủy, sau đợt tập kích tên lửa của Nga vào Kyiv.
Hôm 16/5, theo hãng tin CNN, Mỹ đang đánh giá mức độ hư hại của tổ hợp phòng không Patriot. Việc này sẽ quyết định lực lượng Ukraine cần rút hoàn toàn hay có thể sửa chữa tổ hợp ngay tại trận địa.
Quan chức trên bình luận vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow đã sử dụng hỏa tiễn siêu vượt âm Kinzhal phá hủy trận địa hỏa tiễn phòng không Patriot tại Kyiv trong cuộc tập kích rạng sáng cùng ngày. Quân đội Nga không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc tấn công.
Một quan chức Mỹ khác cho biết hỏa tiễn Nga có thể đã đánh trúng một thành phần trong tổ hợp Patriot. Hệ thống gồm 6 thành phần chính gồm radar, bệ phóng, anten, đài chỉ huy, trạm phát điện và tên lửa đánh chặn, giúp phóng tên lửa chính xác đến mục tiêu. Nếu một thành phần bị hư hại nghiêm trọng, Ukraine sẽ buộc phải rút hệ thống và chuyển ra nước ngoài sửa chữa.
Các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã thu được tín hiệu phát ra từ hệ thống Patriot, sau đó sử dụng hỏa tiễn Kinzhal để tập kích. Khác với những hệ thống phòng không tầm ngắn mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, Patriot có tính cơ động kém hơn, khẩu đội lớn hơn, cho phép lực lượng Nga có thời gian ngắm mục tiêu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby không thể xác nhận thông tin hệ thống Patriot bị hư hại, nhưng thêm rằng vũ khí do Mỹ cung cấp thường xuyên bị tổn thất hoặc hao mòn trong giao tranh.
“Nếu hệ thống Patriot cần phải sửa chữa ngoài Ukraine, chúng tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ”, ông Kirby trả lời báo giới ngày 16/5.
Đây là lần đầu tiên Nga thông báo phá hủy tổ hợp Patriot mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Nếu được xác thực, đây sẽ là tổn thất rất lớn với lưới phòng không Ukraine, bởi Patriot từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời nước này.
Trong khi đó, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat lên tiếng trấn an người dân, cho rằnghỏa tiễn Kinzhal Nga không thể phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng không Patriot ở Kiev.
“Tôi muốn nói rằng đừng lo lắng về số phận của tổ hợp phòng không Patriot”, ông nói trong thông điệp trên truyền hình gửi tới người dân ngày 17/5. “Việc phá hủy toàn bộ tổ hợp Patriot bằng hỏa tiễn Kinzhal là không thể. Những gì Nga nói chỉ là hoạt động tuyên truyền của họ”.
Theo ông Ihnat, sư đoàn Patriot của Ukraine gồm một đơn vị radar và 8 bệ phóng nằm rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, khiến chúng không thể bị phá hủy hoàn toàn bằng một hỏa tiễn Kinzhal. Ông cho rằng tuyên bố như vậy của giới lãnh đạo quân sự Nga là “không thể tin được”.
Ihnat lấy dẫn chứng từ những tuyên bố trước đây của Bộ Quốc phòng Nga về số tiêm kích Ukraine bị lực lượng Nga tiêu diệt. “Nếu Ukraine có lượng máy bay nhiều như Nga tuyên bố, chúng tôi thắng từ lâu rồi”, ông cho hay.
Trong một diễn biến khác, Ukraine đã tiến hành thủ tục hình sự với 6 người đăng ảnh và video về hệ thống phòng không ở Kyiv đã vận hành trong cuộc tập kích của Nga.
“Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã xác định 6 cư dân ở Kyiv đăng tải bất hợp pháp thông tin về công việc của lực lượng phòng không trong cuộc tập kích của Nga vào thành phố”, SBU đăng trên Telegram hôm 17/5.
SBU cho biết vào tối 16/5, 6 người này đã chụp ảnh, quay video trái phép hệ thống phòng không của Kyiv và đăng lên mạng xã hội. Cơ quan an ninh Ukraine cáo buộc hành động như vậy có thể tiết lộ vị trí của hệ thống phòng không tại thủ đô.
“Chỉ trong vài phút, những video này được nhiều kênh Telegram và truyền thông Nga tiếp cận”, SBU nói thêm.
Theo SBU, những người này đã bị tịch thu điện thoại, máy tính ở nhà riêng và có thể đối mặt án tù 8 năm. SBU cũng thông báo chặn các camera an ninh của một số doanh nghiệp ở Kyiv đã tự động quay lại cảnh hệ thống phòng không ở thành phố vận hành.
Viên Minh (Tổng hợp)
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ‘đập tan’ quyền tự trị của Đài Loan
Trung Quốc sẵn sàng “kiên quyết đập tan bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”, quân đội nước này cảnh cáo hôm 16/5, giữa lúc tin tức cho hay Mỹ chuẩn bị đẩy nhanh việc bán vũ khí phòng thủ và hỗ trợ quân sự cho nền dân chủ của hòn đảo tự trị.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei, nói trong một video đăng trên mạng rằng sự gia tăng trao đổi gần đây giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Đài Loan là một “động thái cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “tiếp tục tăng cường huấn luyện và chuẩn bị quân sự, đồng thời sẽ kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan cũng như những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Tan nói đề cập đến đồng minh thân cận nhất của Đài Loan, là Hoa Kỳ.
Trung Quốc tuyên bố hòn đảo có 23 triệu dân này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.
Phô trương sức mạnh
Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất và kho phi đạn đạn đạo khổng lồ, Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa bằng cách đưa máy bay và tàu chiến vào vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan. Với hơn 2 triệu binh sĩ, PLA cũng được xếp hạng là quân đội thường trực lớn nhất thế giới, mặc dù việc vận chuyển thậm chí một phần lực lượng trong trường hợp nổ ra cuộc xâm lược được coi là một thách thức lớn về hậu cần.
Cùng với các vụ xâm nhập trên không và trên biển hàng ngày xung quanh Đài Loan, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận trong và xung quanh Eo biển Đài Loan chia cắt đôi bên, một phần được coi là diễn tập cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược, mà khi xảy ra, sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với an ninh và nền kinh tế trên toàn thế giới.
Những hành động như vậy có thể được coi là nỗ lực quấy rối quân đội Đài Loan và đe dọa các chính trị gia cũng như cử tri, những người sẽ bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới tại Đài Loan vào năm tới.
Các động thái này của Trung Quốc dường như có tác dụng hạn chế. Hầu hết người Đài Loan kiên quyết ủng hộ việc duy trì tình trạng độc lập trên thực tế của họ. Các chính trị gia và các nhân vật công chúng khác từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thường xuyên đến Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ của họ, mặc dù các quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Phát biểu của ông Tan được đưa ra đáp câu hỏi của một phóng viên về tin nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 500 triệu đô la cho Đài Loan và cử hơn 100 quân nhân đến Đài Loan đánh giá các phương pháp huấn luyện và đưa ra các đề nghị để cải thiện khả năng phòng thủ của hòn đảo.
Hỗ trợ của Hoa Kỳ
Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ. Cả hai đảng đã kêu gọi chính quyền Biden xúc tiến gần 19 tỷ đô la các mặt hàng quân sự đã được phê duyệt để bán nhưng chưa được giao cho Đài Loan.
Các quan chức chính quyền nói việc giao hàng chậm trễ là do tắc nghẽn trong sản xuất liên quan đến đại dịch COVID-19 và năng suất hạn chế cũng như nhu cầu vũ khí gia tăng để hỗ trợ Ukraine. Động thái của ông Biden sẽ cho phép xuất khẩu các mặt hàng từ kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ, đẩy nhanh việc cung cấp ít nhất một số khí tài mà Đài Loan cần để ngăn chặn hoặc đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.
Trong số các mặt hàng được đặt có phi đạn chống hạm Harpoon, máy bay chiến đấu F-16, phi đạn vác vai Javelin và phi đạn Stinger, Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS, vốn đã trở thành một vũ khí quan trọng cho quân đội Ukraine chiến đấu với các lực lượng xâm lược của Nga.
Phát biểu của ông Tan phù hợp với giọng điệu tiêu chuẩn của Bắc Kinh về cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Đài Loan và Trung Quốc tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949 và Bắc Kinh coi việc đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của mình là chìa khóa để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Những nỗ lực “tìm kiếm độc lập bằng cách dựa vào Hoa Kỳ” và “tìm kiếm độc lập bằng sức mạnh quân sự” là một “ngõ cụt”, ông Tan nói.
Với quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp lịch sử và Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về nhượng bộ chính trị trong việc thống nhất, mối lo ngại đang gia tăng về khả năng xảy ra xung đột mở liên quan đến cả ba bên và có thể là cả các đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ như Nhật Bản.
Sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine cũng làm gia tăng căng thẳng với Washington. Bắc Kinh được cho là đang điều nghiên kỹ lưỡng những thất bại quân sự của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi ý chí của phương Tây ủng hộ Kyiv được một số người coi là phép thử đối với quyết tâm đứng về phía Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Khí hậu : 2023-2027 sẽ là giai đoạn nóng chưa từng có
Giai đoạn 2023-2027 gần như chắc chắn sẽ là gia đoạn nóng nhất chưa từng được nghi nhận trên Trái đất, đó là báo động ngày 17/04/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới ( OMM ). Tổ chức này cho rằng đây là hệ quả từ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Niño khiến nhiệt độ tăng lên.
Điều đáng lo ngại là nhiệt độ trên thế giới có lẽ sớm vượt qua mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris về Khí hậu năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất dưới ngưỡng 2°C và nếu có thể là ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Cụ thể, theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc, trong một đến 5 năm tới, 66% khả năng là nhiệt độ trung bình hàng năm trên bề mặt Trái đất vượt mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết những dữ liệu được công bố hôm 17/05 « không có nghĩa là chúng ta sẽ thường xuyên vượt qua ngưỡng 1,5°C của Thỏa thuận Paris », nhưng phản ánh sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Do đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo « ngưỡng 1,5°C sẽ tạm bị vượt qua và ngày càng thường xuyên bị vượt qua hơn ».
Ông Petteri Taalas cũng lưy ý trong thông cáo rằng « hiện tượng El Niño sẽ xảy ra trong vài tháng tới, thêm vào đó là tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng ở mức chưa từng có ». El Niño là hiện tượng khí hậu liên quan đến việc nhiệt độ tăng cao, hạn hán nghiêm trong tại nhiều vùng trên thế giới và mưa lớn ở nhiều khu vực khác.
Ví dụ mới nhất là tình trạng hạn hán ở châu Âu, Hoa Kỳ, cháy rừng chưa từng có ở miền trung và bắc bang Alberta, Canada, do khô hạn. Trong khi đó, vùng Emilia-Romagne, phía bắc miền trung Ý, đang bị lụt lội chưa từng có do mưa lớn, khiến 9 người chết và nhiều người mất tích. Lượng mưa trong 15 ngày tương đương với 7 tháng.
Theo OMM, khả năng El Niño sẽ hình thành từ nay đến cuối tháng 7 là 60% và từ nay đến cuối tháng 9 là 80%, với hệ quả là nhiệt độ trên thế giới sẽ tăng vào năm 2024.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022 nói gì về Việt Nam? (VOA)
16/05/2023 – State Department
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 15/5 công bố bản phúc trình thường niên 2022 về tình trạng tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam.
Trong phần báo cáo về Việt Nam, phúc trình nhận định là trong năm qua có sự cải thiện đối với các tổ chức tôn giáo nào được nhà nước công nhận nhưng các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục bị chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do hành đạo.
Các vi phạm cụ thể được nêu lên chi tiết trong bản báo cáo với những dẫn chứng đính kèm từ chính sách xóa bỏ đạo Dương Văn Mình và Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, ép các tín đồ Tin Lành người Hmong ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thượng ở khu vực Tây Nguyên bỏ đạo, cho tới buộc tháo dỡ các cơ sở thờ tự như chùa Thiên Quang và Sơn Linh thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Báo cáo nói hầu hết các lãnh đạo tôn giáo ở khu vực thành thị cho biết chính quyền thường cho phép họ hành đạo miễn là họ hợp tác với chính quyền và hành động theo các yêu cầu pháp lý và hành chính áp dụng cho các tổ chức tôn giáo. Trong khi đó, các giáo phái tôn giáo không được công nhận ở Tây Nguyên và Tây Bắc và ở một số vùng của Đồng bằng sông Cửu Long – đặc biệt là những nơi có tín đồ chủ yếu là người dân tộc thiểu số – thì báo cáo bị quấy rối bởi các quan chức chính phủ.
Nhiều thành viên của các nhóm tôn giáo bị sách nhiễu cũng tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói đây là năm thứ tư liên tiếp chính quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào, kể cả chi nhánh của các nhóm lớn hơn đã được phê duyệt trước đó. Một ví dụ được viện dẫn là Giáo hội Báp-tít Việt Nam trong năm đã nộp khoảng 40 đơn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập thể tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng rất ít đơn được duyệt.
Vẫn theo bản phúc trình, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tín đồ tôn giáo đã báo cáo các trường hợp quan chức chính phủ tấn công thể chất các cá nhân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Vùng Tây Bắc.
Theo báo cáo, các quan chức chính phủ ở các vùng khác nhau của đất nước vẫn tiếp tục theo dõi, thẩm vấn, giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với một số cá nhân, ít nhất một phần là do tín ngưỡng hoặc do các liên kết tôn giáo của họ. Phần lớn nạn nhân của các vụ việc được báo cáo là thành viên của các nhóm chưa đăng ký, có tham gia vào các hoạt động vận động chính trị hoặc nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài thẳng thắn chỉ trích chính quyền. Đã có báo cáo về việc chính quyền địa phương cấm và phá rối các cuộc tụ họp và tịch thu các ấn phẩm của các nhóm tôn giáo khác nhau. Những tổ chức này bao gồm những tổ chức lâu đời như Giáo hội Công giáo và những tổ chức ít được biết đến và chưa đăng ký như Hòa Hảo Thuần túy ở An Giang.
Phúc trình ghi nhận giới hữu trách Việt Nam đã giám sát, ngăn chặn hoặc làm gián đoạn các cuộc tụ họp của một số nhóm chưa đăng ký và sách nhiễu các thành viên của họ, bao gồm tịch thu tài sản, đe dọa, thẩm vấn và hạn chế việc di chuyển của họ.
Đã có báo cáo về các cuộc xung đột, đôi khi là bạo lực, giữa các thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và đã đăng ký hoặc được công nhận, cũng như giữa những người theo tôn giáo và những người không theo đạo. Các nhà hoạt động tôn giáo tố cáo chính quyền “thao túng” các thành viên của các nhóm tôn giáo được công nhận và cáo buộc các đặc vụ chìm của nhà nước và những người được ủy nhiệm gây ra những xung đột này để đe dọa hoặc đàn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký.
Theo báo cáo, các tín đồ Cao Đài độc lập ở khu vực Tây Nam Bộ đã phải đối mặt với sự sách nhiễu từ các tín đồ Cao Đài đã đăng ký và được nhà nước công nhận. Các nhà sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Củ Chi cũng cho biết bị cộng đồng địa phương quấy rối. Trong cả hai trường hợp, công an được cho là đã không can thiệp cũng như không buộc những người quấy rối phải chịu trách nhiệm.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đại sứ Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và các quan chức cấp cao khác của Tòa Đại sứ và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ cùng Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế thường xuyên thúc giục các cơ quan chức năng Việt Nam cho phép tất cả các nhóm tôn giáo được tự do hoạt động và giảm mức độ can thiệp của chính phủ vào công việc của các nhóm tôn giáo đã được công nhận. Họ cũng đồng thời kêu gọi chấm dứt các hạn chế và sách nhiễu đối với các nhóm chưa được công nhận hoặc chưa đăng ký. Họ nhấn mạnh với các quan chức chính phủ rằng tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền là rất quan trọng để cải thiện mối quan hệ song phương Việt-Mỹ. Báo cáo nói các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đã nêu ra các trường hợp cụ thể về các vụ lạm dụng cũng như sách nhiễu của chính quyền đối với người Công giáo, các nhóm Tin lành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhóm Hòa Hảo độc lập, các nhóm Cao Đài độc lập và các giáo hội tư gia dân tộc thiểu số như nhóm Dương Văn Mình với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và chính quyền cấp tỉnh và địa phương của Việt Nam.
Vẫn theo bản phúc trình, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi tăng cường đăng ký các hội thánh, nhà thờ trên khắp đất nước và cải thiện các chính sách đăng ký bằng cách làm cho thống nhất và minh bạch hơn. Họ kêu gọi chính phủ giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất còn tồn đọng một cách công bằng và hòa bình với các nhóm tôn giáo. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng kêu gọi Việt Nam cho các tù nhân được tự do tiếp cận các tài liệu tôn giáo.
Vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 sửa đổi, Ngoại trưởng Mỹ đã đặt Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Vào tháng 12 năm ngoái, Đại sứ đã thông báo cho chính phủ Hà Nội về việc Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt và kêu gọi Hà Nội cải thiện các nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo.
(Nguồn: Bộ Ngoại Giao Mỹ)
VOA Tiếng Việt
Secretary Antony J. Blinken On the 2022 Report on International Religious Freedom
SECRETARY BLINKEN: Good morning, everyone. Twenty-five years ago, President Clinton signed the International Religious Freedom Act into law. And that gave us a range of new tools to give voice to the persecuted, to empower advocates, to promote religious freedom around the world.
At that time, President Clinton noted that freedom of religion was a bedrock American belief. And he said that, and I quote, “When we promote religious freedom, we also promote freedom of expression, conscience, and association, and other human rights.” The Universal Declaration of Human Rights affirms this same interdependence.
Religious freedom is also vital to stable, secure societies. When each person is respected for their beliefs, they are more empowered to reach their full potential, which in turn lifts entire communities and societies.
Today the State Department is releasing the 2022 International Religious Freedom Report, which provides a fact-based, comprehensive view of the state of religious freedom in nearly 200 countries and territories around the world. This report wouldn’t be possible without the contributions of our civil society partners around the globe who help to shine a spotlight on abuses and advocate for victims of religious persecution. We are grateful for their vital work.
This report assesses the actions of countries that are our partners and those with whom we have disagreements, evaluating all by the same standards. Its aim is to highlight areas where freedom of religion or belief is being repressed, to promote accountability, and ultimately drive progress toward a world where freedom of religion or belief is a reality for everyone everywhere.
Over the past year we’ve seen real progress in some parts of the world on expanding religious freedom as people demanded their rights. Civil society groups pushed for change and governments listened.
Belgium formally recognized its Buddhist minority, which entitles Buddhist religious organizations to teach their faith in state schools and eventually to apply for federal funding to do so.
Lawmakers in Brazil codified religious freedom guarantees for Afro-Brazilian indigenous communities at the municipal and state levels across the country. They also passed legislation making it a crime carry out discriminatory acts against any religious practices.
Canada and the European Union both created new offices to combat Islamophobia, while Croatia appointed its first special advisor for combatting anti-Semitism.
In the Central African Republic, the country’s special criminal court continue to prosecute cases of religious-based violence and other human rights violations against civilians since the military coup in 2003.
And more broadly, civil society and other concerned governments around the world have successfully secured the release of many who’ve been detained, even imprisoned, for exercising their freedom of religion or belief.
Now, that’s the positive news. Unfortunately, the report also documents the continuation and, in some instances, the rise of very troubling trends. Governments in many parts of the world continue to target religious minorities using a host of methods, including torture, beatings, unlawful surveillance, and so-called re-education camps. They also continued to engage in other forms of discrimination on the basis of faith or lack of faith, like excluding religious minorities from certain professions or forcing them to work during times of religious observance.
Governments use anti-conversion, blasphemy, apostasy laws, which ban the act of leaving a faith, to justify harassment against those who don’t follow their particular interpretation of a theology, often weaponizing those laws against humanists, atheists, and LGBTQI+ individuals.
Around the world, citizens and civil society organizations stepped up to counter these acts, often at great personal risk. NGOs like Campaign for Uyghurs and Uyghur Human Rights Project are documenting the genocide and crimes against humanity against predominately Muslim Uyghurs in Xinjiang, China.
Human rights defenders are sounding the alarm on attacks on the Catholic Church by the Ortega-Murillo regime in Nicaragua. Lawyer Martha Patricia Molina Montenegro’s reporting exposed more than 160 attacks against the church and its members since – in 2022, from desecrations to arbitrary arrests. One of those unjustly detained was Rolando Alvarez, a bishop who criticized the regime’s crackdown on civil and religious liberties and was promptly labeled a “traitor to the homeland” and sentenced to 26 years in jail.
People across Iran, led by young women, continue peaceful protests demanding their human rights, including freedom of religion, galvanized by the killing of Masa Amini, who was arrested by the so-called morality police because her hijab did not fully cover her hair.
Amidst the Burma military regime’s ongoing repression of religious minorities, thousands of teachers from Muslim, Buddhist, Christian, and other religious backgrounds continue to teach the importance of human rights, including religious freedom and respect between religions.
The United States will continue to stand with and support these brave advocates for religious freedom. We’ll keep advocating for religious freedom in countries where the rights are under attack, both publicly and directly in our engagement with government officials. We’ll keep working to defend and promote religious freedom here at home, including through the interagency group that President Biden created in December to combat religious bias and discrimination.
We defend the right to believe or to not believe, not only because it’s the right thing to do, but also because of the extraordinary good that people of faith can do in our societies and around the world to promote peace, to care for the sick, to protect our planet, to expand opportunity for underserved communities, and so much more.
So this is an enduring commitment of this administration. This report released today reflects the picture that we see – saw emerge in 2022, but we are acting on the findings and observations of the report every single day in our efforts around the world to advance freedom of religion and belief.
The person who is leading our efforts in that regard is Ambassador Rashad Hussain. It is my pleasure to turn the podium over to him now. Rashad. (Applause.)
AMBASSADOR HUSSAIN:Good morning. I’d like to thank President Biden, Vice President Harris, and Secretary Blinken for their sincere commitments and strong leadership of our global efforts to advance freedom of religion or belief for all people. Let me also take a moment to express my gratitude to our dedicated colleagues at the office of international religious freedom and U.S. embassies and consulates around the world for their remarkable work. They assemble and draft this report after engaging directly with governments, with civil society, and faith actors of every background, and by conducting their own meticulous research. And they are motivated by their unshakable commitment to the idea that saving even one person or improving even one life is well worth their effort.
This historic year marks a quarter century since the passage of the International Religious Freedom Act. During these 25 years, the report has served as an invaluable tool for anyone seeking to understand and address religious freedom conditions in any country around the world. So if you ever wonder whether the religious persecution of any group in any part of the world escapes our attention, the answer is in the country-by-country analysis in this report.
The role of the International Religious Freedom Office is to work with governments and civil society to expose, counter, and prevent restrictions on religious freedom. The report helps us tailor our diplomatic strategies to the circumstances in particular countries and to inform our policy decisions, and it identifies positive actions as well and trends that we will seek to support.
None of this work, of course, is possible without the tenacious leadership of civil society, including the dedicated leaders who are joining us today. So thank you so much for your partnership.
I’d like to share some key findings from this year’s report regarding religious discrimination and hatred at the governmental and societal levels and describe what we are doing to address it.
First, far too many governments continue to freely target faith community members within their borders. Russia, a Country of Particular Concern for the second year in a row, continues to target faith communities within its borders and beyond. Brave people of faith in Russia who dare to speak against its brutal war against Ukraine are targeted for repression.
The People’s Republic of China seized, imprisoned, and banished predominantly Muslim Uyghurs to re-education camps. They continue the repression of Tibetan Buddhists, Chinese Christians, and Falun Gong practitioners – many of whom are fleeing the PRC’s abuses.
In Afghanistan, members of communities that do not toe the Taliban’s narrow theological line must hide their religious identity or flee for their lives. In Saudi Arabia, we recognize the important recent moves to increase interfaith dialogue and religious tolerance. Publicly practicing any faith other than Islam, however, remains illegal.
In India, legal advocates and faith leaders from across the country’s diverse religious communities condemned a case of extreme hate speech against Muslims in the city of Haridwar, calling for the country to uphold its historical traditions of pluralism and tolerance. And the Burma military regime continues to repress the Rohingya population, causing many to flee their homes.
Our report also describes our response. We address these concerns directly with governments. We meet with and listen to victims. We partner with civil society and we also urge other countries and multilateral organizations to speak up, to build coalitions, and decry violations and abuses of the freedom of religion or belief.
As we do this work of advocating for people all around the world, we are sometimes asked: Who are you as the United States to speak to other countries about their human rights conditions? Well, I believe that we are uniquely situated to stand up for religious freedom around the world for a number of reasons. First of all, we are ourselves a country founded on religious freedom, founded by individuals fleeing religious persecution themselves. They felt so strongly about this right that they enshrined it in the First Amendment in our Constitution’s Bill of Rights. And we are a country of immigrants. People come to the United States from all around the world and demand that their elected representatives and government official promote our values in their homelands. They would have it no other way. So who are we to stand up for religious freedom around the world? In many ways we are representatives of the rest of the world gathered here in the United States. And we also don’t walk away from discussing our efforts to form a more perfect union here at home.
A second theme and trend the report highlights is the increase of government restrictions on access to holy sites and places of worship. We have all seen the sad pictures of Ukraine’s civilians sifting through the rubble of their beautiful and most historic churches destroyed by Russia’s brutal war of aggression. Uyghurs have witnessed the PRC Government destroy or repurpose their mosques or cemeteries. Authorities also destroy the monasteries of Tibetan Buddhists and expelled monks and nuns.
On my trip to Jerusalem and the West Bank last month, I joined services at al-Aqsa Mosque, attended the Holy Fire Ceremony at the Church of the Holy Sepulchre, and visited the Western Wall during the convergence of Ramadan, Orthodox Easter, and Passover. I sat down with government leaders as well as leaders of the Christian, Jewish, and Muslim communities to discuss the importance of religious coexistence and protecting access to these religious sites.
Third, many countries continue to legislate and enforce apostasy, blasphemy, and anti-conversion laws and related polices. These laws are direct attacks on the right to freedom of religion or belief. They criminalize religious expression and justify discrimination and harassment against members of minority religious groups or others who do not conform with the dictates of the approved theology.
Fourth, the report shines a light on the need for governments to ensure equal access to primary services for all, including education. Despite the near universal consensus among Islamic scholars regarding the right to education for women and girls, the Taliban in the name of religion continues to rob women and girls of this fundamental right. In Nigeria, yesterday Leah Sharibu turned 20 years old but remains captive to the Islamic State in West Africa Province after being kidnapped six years ago.
On the sidelines of last year’s UN General Assembly, I unveiled Pathways to Respect, an effort that highlights the importance of educational initiatives to prevent and combat hatred. Many of these efforts, such as the 2016 Marrakesh Declaration play a critical role in educating public broadly, not just in the formalistic classroom setting; on the rights of religious minorities. I would be remiss not to mention the countless young people who have been forced to flee their homes based on their beliefs regarding religion and find themselves locked out of any educational at all. I had the opportunity to visit some of them in Rohingya refugee camps in Bangladesh.
Finally, in addition to discriminatory laws and policies, the report describes growing bigotry at the societal level in many places around the world. Let me note the ongoing and deeply disturbing proliferation of anti-Semitism, anti-Muslim hatred, and xenophobia that target religious and non-religious communities. We are seeing increasing links between these forms of hatred and between those who propagate them at home and abroad. Earlier this year, I traveled with Second Gentleman Douglas Emhoff and Ambassador Deborah Lipstadt to the Holocaust sites on International Holocaust Remembrance Day. We continue to participate in the White House-led interagency effort to combat anti-Semitism, Islamophobia, and other forms of hatred. And on March 15th, the anniversary of the Christchurch massacre, the United States joined with countries around the world on the First International Day to Combat Islamophobia.
Despite the challenges we face, and in many ways because of these shared challenges, defenders of human rights are building a global movement to respond. The 42 members of the International Religious Freedom of Belief – or belief – Freedom of Belief Alliance[i] collaborate to call for the release of prisoners of conscience, advocate for laws promoting religious freedom, and partner with civil society to promote respect and tolerance around the world.
The International Contact Group and civil society coalitions of religious, non-religious, humanitarian, and development organizations cast light on religious freedom violations. They give voice to those who are locked away or forcibly disappeared. And in London last July, I had the honor to join thousands from countries around the world at the International Religious Freedom or Belief ministerial. The Czech Republic will serve as this year’s host.
Religion can be such a powerful force for good in the world. Societies who seek to restrict it or use it to harm others cannot achieve their full potential. We vow to redouble our efforts to ensure greater respect for freedom of religion or belief for everyone, everywhere. And we will continue to stand in solidarity every day with all of those are seeking to exercise their beliefs. Thank you so much.
(Applause.)
SECRETARY BLINKEN: Thank you very much. Thanks to everyone for being here today. Thanks for your work every single day to advance religious freedom and freedom of belief around the world. Thank you all.
Quản lý bị sa thải của ByteDance tuyên bố Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ
Tác giả Aldgra Fredly
Logo TikTok được nhìn thấy trên điện thoại thông minh phía trước logo ByteDance hiển thị trong hình minh họa này được chụp vào ngày 27/11/2019. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters)
ByteDance là công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok
Một cựu quản lý của ByteDance đã cáo buộc trong một vụ kiện công ty công nghệ này rằng giới chức chính quyền Trung Quốc có quyền truy cập không hạn chế vào dữ liệu của công ty khi ông làm việc ở đó, bao gồm cả dữ liệu được lưu trữ ở Hoa Kỳ.
Ông Dư Ấn Đào (Yintao Yu), 36 tuổi, từng là quản lý kỹ thuật cho các hoạt động của ByteDance tại Hoa Kỳ từ tháng 08/2017 đến tháng 11/2018. Ông đã đệ đơn kiện về việc sa thải sai trái của công ty này đối với ông tại Tòa án Tối cao San Francisco hôm 12/05.
Ông Dư cáo buộc rằng ông đã bị ByteDance — công ty mẹ của ứng dụng video Trung Quốc TikTok — sa thải sau khi báo cáo các trường hợp bị cáo buộc là hành vi sai trái tại công ty với các quản lý của mình, những người đã bác bỏ những lo ngại của ông.
Ông Dư cũng cáo buộc ByteDance đánh cắp nội dung từ các nền tảng khác, chẳng hạn như Instagram và Snapchat. Ông cho biết đại công ty công nghệ này đóng vai trò là “công cụ tuyên truyền” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách thao túng nội dung.
Ông tuyên bố đã chứng kiến các kỹ sư của ByteDance thao túng thuật toán trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, để quảng bá nội dung bày tỏ sự thù hận Nhật Bản và hạ cấp nội dung thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Ông Dư cho biết ĐCSTQ có một đơn vị đặc biệt tại các văn phòng của ByteDance ở Bắc Kinh, cung cấp hướng dẫn về cách công ty có thể thúc đẩy “các giá trị cốt lõi của Cộng sản.”
Ông Dư cho biết các quan chức chính quyền này có khả năng vô hiệu hóa phiên bản tiếng Trung của các ứng dụng ByteDance và vẫn có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu của công ty, kể cả thông tin được lưu trữ ở Hoa Kỳ.
Ông Dư đang yêu cầu bồi thường thiệt hại, thu nhập bị mất, và 220,000 cổ phiếu ByteDance chưa được trao vào thời điểm ông bị sa thải.
ByteDance đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bài báo này.
TikTok đã bị giám sát chặt chẽ hơn tại Hoa Thịnh Đốn vì những lo ngại về an ninh quốc gia và khả năng thông tin cá nhân của người dùng Hoa Kỳ có thể lọt vào tay ĐCSTQ, với nhiều nhà lập pháp ủng hộ lệnh cấm ứng dụng này trên toàn quốc.
ByteDance đã nhiều lần phủ nhận rằng dữ liệu TikTok được chuyển cho Bắc Kinh, công ty này tuyên bố rằng họ lưu trữ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ trên các máy chủ bên ngoài Trung Quốc.
Luật kiểm soát TikTok
Hôm 03/05, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết các thượng nghị sĩ sẽ xem xét dự luật nhằm tăng khả năng của Hoa Kỳ trong việc hạn chế TikTok và các ứng dụng khác do ngoại quốc kiểm soát.
Ông Schumer đang đề cập tới dự luật do các Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) và John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) giới thiệu hồi tháng Ba, được gọi là Đạo luật HẠN CHẾ.
Theo dự luật trên, Bộ Thương mại sẽ được cấp quyền mới để “xác định, ngăn chặn, làm gián đoạn, phòng ngừa, cấm, điều tra hoặc giảm thiểu” bất kỳ rủi ro nào phát sinh từ một loạt giao dịch công nghệ và liên lạc thông tin liên quan đến các ứng dụng thuộc sở hữu ngoại quốc như TikTok.
(Từ trái qua phải) Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner (Dân Chủ-Virginia), Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia), Thượng nghị sĩ Michael Bennett (Dân Chủ-Colorado), Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) và Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) trong một cuộc họp báo giới thiệu Đạo luật HẠN CHẾ tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 07/03/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Ông Warner và ông Thune, cùng với 24 thượng nghị sĩ khác, đã đưa ra dự luật này vào đầu năm nay.
Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng chính phủ Tổng thống Biden đang thực hiện “các hành động khẩn cấp” để giải quyết các rủi ro bảo mật do TikTok và các công ty ngoại quốc khác gây ra, bao gồm cả việc tuyển người giám sát và xác định danh tính các công ty đó.
“Tôi đã đưa hơn 200 công ty Trung Quốc vào danh sách đen trong nhiệm kỳ của mình và chúng tôi đang tích cực, liên tục điều tra các mối đe dọa bổ sung và nếu chúng tôi nghĩ rằng cần đưa các công ty nào vào danh sách này, tôi sẽ không ngần ngại làm điều đó,” bà cho biết.
Nguyễn Lê biên dịch
BẦu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống chuyên chế đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan
Đang dẫn trước đối thủ Kemal Kilicdaroglu sau vòng bỏ phiếu đầu của cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Không ứng viên nào đạt được ngưỡng 50% cần thiết để tránh vòng hai, nhưng ông Erdogan giành được 49,5% số phiếu trong khi ông Kilicdaroglu, người đại diện cho liên minh các đảng đối lập, nhận 44,9%. Cuộc bầu cử giờ đây sẽ lần đầu tiên đi vào vòng hai vào ngày 28 tháng 5. Kết quả của ông Erdogan tốt hơn các cuộc thăm dò dư luận, vốn ghi nhận ông Kilicdaroglu dẫn trước đáng kể trong những ngày tranh cử cuối cùng.
Ủy ban châu Âu chấp thuận vụ sáp nhập trị giá 69 tỷ đô la của Microsoft với Activision Blizzard — trái ngược với quyết định ngăn chặn của cơ quan giám sát cạnh tranh của Mỹ và Anh. Uỷ viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU đã phê duyệt thỏa thuận này với điều kiện Microsoft vẫn cung cấp game của Activision trên các nền tảng khác. Vụ kiện của Microsoft tại Mỹ sẽ được giải quyết tại tòa vào tháng 8, và công ty cho biết họ có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Anh.
Washington làm gì để cứu công dân Mỹ bị Nga bắt giam?
Lê Tây Sơn
Paul Whelan trong một tòa án ở Nga (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)
Hoa Kỳ để ngỏ việc thương lượng với một số quốc gia để tìm được người tương xứng trao đổi với phóng viên Evan Gershkovich bị Nga bỏ tù về một “tội nghiêm trọng” nhưng thật ra là vu cáo.
Bài toán khó giải
Các quan chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang hợp tác với các quốc gia đang giam giữ công dân Nga và sẵn sàng đưa những tù nhân đó vào một thỏa thuận để trả tự do cho phóng viên tờ Wall Street Journal
và những người Mỹ khác bị giam giữ ở Nga. Một cuộc trao đổi đa phương có thể phá vỡ bế tắc. Sau thời điểm bị giam giữ (29 Tháng Ba), Gershkovich, 31 tuổi, đang sống tại nhà tù Lefortovo ở Moscow để chờ xét xử. Nga cũng đang giam Paul Whelan. Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, đang ở Nga để dự đám cưới của một người bạn thì bị bắt vào Tháng Mười Hai, 2018 và bị buộc tội gián điệp, bị kết án năm 2020 và hiện thụ án 16 năm tù tại một nhà tù hình sự ở Mordovia, cách Moscow khoảng 300 dặm về phía Đông Nam.
Whelan, gia đình ông và chính phủ Hoa Kỳ đều phủ nhận cáo buộc hoạt động gián điệp. Chính phủ Mỹ xem việc trao đổi tù nhân với Moscow là con đường khả thi nhất để sớm giành được tự do cho Evan Gershkovich lẫn Paul Whelan. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Do tiến trình thương lượng tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc trả tự do trả tự do cho Paul và Evan đang diễn ra, chúng tôi sẽ không cung cấp chi tiết cụ thể. Nhưng chúng tôi đã tiếp xúc với các đối tác trên khắp thế giới để thảo luận về các trường hợp giam giữ sai trái này”.
Nhờ sự hợp tác của các nước khác
Hoa Kỳ đang vật lộn với xu hướng ngày càng tăng: các quốc gia thù địch bắt giữ vô nguyên tắc công dân Mỹ với những cáo buộc không có thật hoặc bịa đặt. Trong một số trường hợp, phía Mỹ đã thương lượng nhượng bộ để người Mỹ được trả tự do, nhưng với Nga, một siêu cường đối thủ trong bối cảnh quan hệ tiếp tục xấu đi vì cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề khác, việc thương lượng không đơn giản.
Một nhà quan sát Mỹ nhận xét: “Nga luôn nói họ quan tâm chủ yếu đến việc trao đổi ‘cân bằng’ tù nhân chứ không quan tâm đến những nhượng bộ khác để đổi lấy người Mỹ”. Tuy nhiên, sự cân bằng là khó khi Hoa Kỳ không giữ người Nga nào tương xứng với Gershkovich và Whelan (về mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc Nga đưa ra, về thời hạn của bản án tù hoặc sự nổi tiếng) để trao đổi. Chỉ còn cách tìm sự cân bằng ở các quốc gia khác.
Những tháng gần đây, có một số người Nga bị bắt và bị buộc tội làm gián điệp ở các quốc gia mà Hoa Kỳ có quan hệ thân thiện như Slovenia và Brazil. Chính quyền Slovenia đã bắt giữ hai nghi can vào Tháng Mười Hai và buộc tội làm gián điệp cho Nga. Hai cá nhân, chưa được tiết lộ tên, bị kết tội điều hành một doanh nghiệp ở quốc gia Trung Âu này dưới danh tính và giấy tờ giả để hoạt động tình báo. Họ chờ xét xử với tội danh gián điệp và các thủ tục tố tụng được giữ bí mật.
Hoa Kỳ đã yêu cầu Brazil dẫn độ Serge Cherkasov, 37 tuổi, một điệp viên Nga bị chính quyền Mỹ và Brazil cáo buộc đóng giả sinh viên Brazil đến Washington học trong khi thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại phương Tây. Cherkasov, bị bắt ở São Paulo vào Tháng Mười, 2022 và bị toà án sở tại kết án 15 năm tù vì làm giả giấy tờ tùy thân.
Năm ngoái, Cherkasov cho biết muốn được dẫn độ sang Nga sau khi thừa nhận các cáo buộc buôn bán ma túy. Chính phủ Nga yêu cầu dẫn độ ông ta về Nga để xử về tội buôn bán ma túy. Nga cũng bày tỏ sự quan tâm đến Vadim Krasikov, một người Nga đang thụ án chung thân ở Đức vì đã giết một cựu thủ lĩnh phiến quân Chechnya ở Berlin theo lệnh của Moscow. Các quan chức Mỹ cho biết sẵn sàng vận dụng những cách thức khác nhau để đưa những người Mỹ bị giam giữ trái phép về nước, kể cả đổi một người Mỹ lấy những người Nga bị các quốc gia khác giam giữ.
Nhà báo Evan Gershkovich (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)
Những tiền lệ
Đã có những tiền lệ về trao đổi người giữa Mỹ và Nga với sự tham gia của nhiều cá nhân và đôi khi hơn hai quốc gia. Năm 2010, các nhân viên phản gián của Cục Điều tra Liên bang (FBI) ở New York bắt giữ 10 người làm việc cho Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga (KGB trước đây) dưới danh tính giả, một số đã nhiều năm thu thập thông tin thông qua các mối quan hệ trong chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.
Nhân cuộc gặp thương mại tại Moscow, hai bên quyết định bàn việc trao đổi nhưng chính phủ Mỹ phải vất vả tìm những người có thể trao đổi cân bằng với Nga và họ tìm được ba cựu sĩ quan KGB và một nhà khoa học hạt nhân làm việc cho phương Tây. Cuộc trao đổi diễn ra trên một đường băng sân bay ở Vienna, Áo. Trong nhóm Mỹ mang về có Sergei Skripal, một cựu sĩ quan tình báo Nga, người lãnh án 13 năm tù vì chuyển bí mật cho chi nhánh tình báo nước ngoài của Anh. Sau đó, Skripal bị đầu độc ở Anh bằng chất độc thần kinh vào năm 2018 nhưng may mắn sống sót.
Thời Chiến tranh Lạnh, năm 1962, Hoa Kỳ đã trao đổi điệp viên cấp cao của Liên Xô Rudolf Abel để lấy phi công máy bay do thám Gary Powers bị bắn hạ ở Liên Xô; và Frederic Pryor, một sinh viên Mỹ ngồi tù ở Đông Đức. Năm 1985, Hoa Kỳ trao đổi một người Bungari, hai người Đông Đức và một người Ba Lan bị kết án hoặc bị cáo buộc làm gián điệp để lấy 23 người điệp viên đang ngồi tù ở Đông Đức và Ba Lan.
Cách nay vài năm, Nga đánh tiếng sẵn sàng trả tự do cho Whelan và Trevor Reed, một người Mỹ bị kết án chín năm tù vì tội hành hung vào năm 2020, để đổi lấy nhiều người Nga đang bị Mỹ giam giữ, nhưng đàm phán thất bại. Thay vào đó, hai bên đồng ý trao đổi Trevor Reed để lấy một phi công người Nga đang thụ án tù liên bang ở Mỹ.
Vào thời điểm đó, phía Mỹ cũng tìm cách trả tự do cho ngôi sao bóng rổ Brittney Griner bị bắt vì tội sử dụng ma túy (mà cô phủ nhận) khi bay tới Nga một tuần trước ngày Nga xâm lược Ukraine. Đã có lúc hy vọng về một thỏa thuận Nga nhận ba người Nga để đổi lấy Griner, Whelan và Marc Fogel (một giáo viên đang thụ án 14 năm tù sau khi bị bắt vào Tháng Tám, 2021 vì mang theo khoảng 17 gram cần sa mà một bác sĩ kê toa trị thoái hóa cột sống). Mỹ sau đó yêu cầu Moscow trả tự do cho ông Marc Fogel, một cư dân Pennsylvania vì lý do nhân đạo nhưng không được đáp ứng. Cuối cùng, Tháng Mười Hai, 2022, Griner được đổi lấy Viktor Bout, một doanh nhân người Nga bị kết tội buôn lậu vũ khí toàn cầu.
Hoa Kỳ: Quốc hội chỉ trích việc chính phủ TT Biden trì hoãn kế hoạch dầu khí ngoài khơi
Tác giả John Haughey – 16/5/2023
Một giàn khoan dầu khí ngoài khơi gần đảo Dauphin, Alabama, trong Vịnh Mexico. (Ảnh: Steve Nesius/Reuters)
Các thành viên Đảng Cộng Hòa và một số thành viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội cho rằng việc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ (DOI) không rõ ràng và trì hoãn trong nhiều tháng việc tái cấp phép Chương trình Cho Thuê khoan Dầu Khí Ngoài Thềm Lục địa Quốc gia 5 năm — là một sự lừa dối về mặt luật định.
Theo quy định, chương trình cho thuê khoan ngoài khơi của liên bang giai đoạn 2017-2022 phải được cập nhật vào tháng 06/2022. Nhưng do các vụ kiện tụng đang chờ giải quyết, DOI đã bỏ lỡ thời hạn này.
Hồi tháng Ba, DOI cho biết việc tái cấp phép cuối cùng cho chương trình này sẽ sẵn sàng vào tháng Chín tới, với khả năng khai triển vào tháng 12/2023 sau một khoản thời gian 60 ngày lấy ý kiến và đánh giá từ công chúng. Gần 800,000 bình luận đã được gửi trong tháng Tư.
Cho đến lúc đó, không có hệ thống nào để điều phối việc bán hợp đồng cho thuê khoan dầu/khí đốt trong vùng biển của Hoa Kỳ. Ngay cả khi được tái cấp phép sau thời gian có thể bị đình trệ 18 tháng, việc cho phép và đánh giá về môi trường có thể mất thêm 18 tháng nữa trước khi các hợp đồng cho thuê khoan đạt được theo chương trình mới có thể có hiệu lực.
Các nhà chỉ trích nhận định rằng điều này không xảy ra một cách tình cờ. Họ cho rằng các cơ quan liên bang đang thúc đẩy các sáng kiến năng lượng xanh của Tổng thống Joe Biden trong khi làm tổn hại đến sự phát triển dầu/khí đốt và thúc đẩy các hợp đồng cho thuê khai thác phong năng ngoài khơi trong khi số phận chương trình Cho thuê khoan Dầu và Khí đốt Ngoài Thềm lục địa (Outer Continental Shelf, OCS) vẫn chưa rõ ràng.
Một con cá voi xanh quý hiếm nổi lên cách 11 dặm ngoài khơi Cảng Long Beach ở Kênh Catalina, California, gần các giàn khoan dầu ngoài khơi. (Ảnh: David McNew/Getty Images)
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân Chủ, truy vấn DOI
Trong một tuyên bố hồi tháng Ba, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) nói rằng bằng cách cho phép trì hoãn như vậy, DOI “một lần nữa đã làm rõ một cách đau lòng rằng họ đang đặt nghị trình cấp tiến về khí hậu lên trước an ninh năng lượng của quốc gia chúng ta, và họ sẵn sàng nỗ lực hết sức để làm điều đó.”
Ông nói, chắc hẳn việc thực hiện kế hoạch cho thuê khoan chậm 18 tháng như vậy không thể xảy ra trừ phi chính phủ cho phép điều đó.
Ông Manchin nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia chúng ta khi chúng ta không có một chương trình cho thuê khoan 5 năm nào được đưa ra trước khi kế hoạch cũ hết hiệu lực. Mọi chính phủ khác, thuộc Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa, đã cố gắng tuân theo luật một cách kịp thời.”
Trong các phiên điều trần ngân sách tháng Ba và tháng Tư trước các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện, Bộ trưởng DOI Deb Haaland và những người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách phát triển dầu/khí đốt ngoài khơi đã thảo luận về sự trì hoãn này và về các yếu tố của dự thảo tái cấp phép được công bố trong tháng Bảy.
Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng & Tài nguyên khoáng sản của Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện, Dân biểu Pete Stauber (Cộng Hòa-Minnesota), cho biết trong một phiên điều trần hôm 26/04, kế hoạch muộn màng này “gây ra một khoảng cách chưa từng có trong việc bán các hợp đồng cho thuê khoan” và “khiến việc làm và doanh thu của người Mỹ gặp rủi ro.”
Ông nói: “Nếu không có một kế hoạch kịp thời, việc đầu tư và phát triển sẽ bị đình trệ, gây nguy hiểm cho sản xuất trong tương lai.”
Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện, Dân biểu Bruce Westerman (Cộng Hòa-Arkansas) trong một phiên điều trần hôm 20/04 đã nói với ông Haaland rằng vì DOI “đã không tuân thủ luật” nên ông không tin rằng cơ quan này sẽ ban hành một giấy phép tái cấp phép cuối cùng trong năm nay.
Ông nói: “DOI đã tuyên bố rằng kế hoạch này sẽ được hoàn thiện và công bố vào tháng 09/2023 nhưng đã đưa ra — và không giữ được — những lời hứa tương tự trước đó.”
Dầu có thể được nhìn thấy ở Vịnh Mexico, hơn 50 dặm về phía đông nam của Venice trên mũi Louisiana, khi một cột khói lớn bốc lên từ đám cháy trên giàn khoan dầu ngoài khơi Deepwater Horizon của BP vào ngày 21/04/2010. (Ảnh: AP Photo/Gerald Herbert)
Việc trì hoãn vi phạm luật, đạo luật IRA
Vốn là một đạo luật kế thừa một chương trình cho thuê khoan liên bang năm 1945, Đạo luật các vùng Đất Ngoài Thềm Lục địa (OCSLA), được thông qua vào năm 1953, quy định các hợp đồng cho thuê khoan dầu/khí đốt trên vùng biển ngoài thềm lục địa (OCS) lên đến ba dặm ngoài khơi.
Theo yêu cầu của Mục 18 của OCSLA, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương (BOEM) của DOI phải cập nhật Chương trình Cho thuê khoan Dầu/Khí đốt Ngoài thềm Lục địa quốc gia 5 năm một lần.
Tính đến hôm 01/04, BOEM đang quản lý 2,145 hợp đồng cho thuê khoan dầu/khí đốt trên 11.5 triệu mẫu Anh trải dài khoảng 25% vùng biển OCS của quốc gia.
Cơ quan này báo cáo rằng hơn 8 triệu mẫu Anh trong số đó, tương đương 75% diện tích cho thuê khoan, không hoạt động, là một lý do tại sao DOI không vội vàng tái cấp phép kế hoạch cho thuê khoan 5 năm này.
DOI đã trao 203 hợp đồng cho thuê khoan dầu/khí ngoài khơi trong 19 tháng đầu tiên ông Biden nhậm chức. Theo các báo cáo của BOEM, trong năm 2022, các hợp đồng cho thuê khoan ngoài khơi đã sản xuất được 630 triệu thùng dầu, chiếm 14% sản lượng dầu nội địa của Hoa Kỳ; và 784 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, chiếm khoảng 2% sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước.
Tháng 01/2021, ông Biden đã ban hành một sắc lệnh tạm dừng các hợp đồng cho thuê khoan dầu/khí trên bờ và ngoài khơi mới, vì vậy sản lượng dầu/khí ngoài khơi vào năm 2022 này — 99% trong số đó là từ Vịnh Mexico — là có được nhờ hành động pháp lý và, trớ trêu thay, nhờ yêu cầu luật định theo Đạo luật Giảm thiểu Lạm phát (IRA).
IRA trị giá 437 tỷ USD, được ký thành luật hồi tháng 08/2022, đã chỉ thị DOI khôi phục ba giao dịch cho thuê ngoài khơi bị đình chỉ theo sắc lệnh của ông Biden và thiết lập một điều khoản cấm BOEM phát hành hợp đồng cho thuê phát triển phong năng ngoài khơi trong thời hạn 10 năm trừ phi họ có đã cung cấp ít nhất 60 triệu mẫu Anh OCS để phát triển dầu/khí đốt trong năm trước đó.
Với 11.5 triệu mẫu Anh hiện đang được cho thuê khoan dầu/khí đốt, điều đó có nghĩa là DOI phải cung cấp bán cho thuê khoan dầu/khí đốt trên gần 50 triệu mẫu Anh OCS trước khi thúc đẩy hợp đồng thuê gió mà chính phủ TT Biden muốn đạt được mục tiêu tạo ra 30 gigawatt (GW) năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030 và ngành năng lượng hoàn toàn không có carbon vào năm 2035.
Tính đến tháng Tư, BOEM đã tiến hành bán ở 11 khu vực, cấp 27 hợp đồng thuê khai thác phong năng thương mại trên hơn 2.5 triệu mẫu Anh OCS. Văn phòng này cho biết họ đã bắt đầu đánh giá 14 dự án được đề nghị có thể cung cấp tới 27 GW.
Ông Manchin nói với ông Haaland trong phiên điều trần hồi tháng Ba rằng sự chậm trễ trong việc tái cấp phép kế hoạch cho thuê ngoài khơi trong 5 năm có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh của ông Biden.
Ông nói, “Tôi sẽ nhắc nhở chính phủ rằng Đạo luật Giảm Lạm phát cũng ngăn cản họ đưa ra bất kỳ hợp đồng cho thuê năng lượng tái tạo nào, như phong năng ngoài khơi hoặc quang năng trên đất liền, trừ phi có hợp đồng bán cho thuê dầu và khí đốt hợp lý đầu tiên vốn thực sự dẫn đến việc cấp hợp đồng cho thuê.”
Giàn khoan dầu Polar Pioneer được kéo về một bến tàu ở Vịnh Elliott ở Seattle, Washington. (Ảnh: AP/Elaine Thompson, Hồ sơ)
DOI: Trì hoãn, từ chối, chậm trễ
Trong các phiên điều trần về ngân sách của Quốc hội, ông Haaland, Giám đốc BOEM Liz Klein, và Phó Giám đốc Cục Thực thi Môi trường và An toàn (BSEE) Paul Huang khẳng định rằng sự trì trệ này có liên quan đến việc kiện tụng do các tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa và ngành dầu/khí đốt đưa ra.
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và các hiệp hội trong ngành lại có quan điểm ngược lại, lưu ý rằng sự chậm trễ này là do các nhóm như Trung tâm Đa dạng Sinh học tiến hành các biện pháp pháp lý nhằm tìm cách hạn chế các dự án phát triển dầu/khí đốt bằng các vụ kiện tụng.
Trong số các hành động pháp lý quan trọng dẫn đến việc sửa đổi quy định do tòa án áp đặt là phán quyết hồi tháng 12/2020 của Tòa án Hoa Kỳ Khu vực số 9 trong án lệ Trung tâm Đa dạng Sinh học kiện Bernhardt, quy định rằng việc đánh giá dự án dầu/khí đốt phải xem xét lượng khí thải nhà kính từ việc tiêu thụ dầu của ngoại quốc và “các tác động kinh tế về các tình huống cho thuê khoan thay thế.”
DOI và các quan chức của cơ quan này cho biết sự trì trệ đó có liên quan đến việc kết hợp các yêu cầu quy định mới này vào các đánh giá về môi trường liên quan đến việc bán hợp đồng cho thuê khoan và giấy phép khoan.
“Chúng tôi đang tuân thủ luật pháp,” ông Haaland nói với Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện hôm 20/04. “Chúng tôi đã làm như vậy kể từ khi tôi đảm nhận vị trí này, vì vậy chúng tôi có những nhân viên chuyên nghiệp, những người rất xem trọng công việc của họ và chúng tôi đang đạt được tiến triển.”
Dân biểu Doug Lamborn (Cộng Hòa-Colorado) thì không bị thuyết phục, tuyên bố rằng các chính sách của DOI ủng hộ lập luận pháp lý của Trung tâm Đa dạng Sinh học phản đối sản xuất thêm dầu/khí đốt, bởi vì làm như vậy sẽ làm giảm chi phí dầu/khí đốt và do đó khuyến khích sản xuất nhiều dầu/khí đốt hơn.
Mặc dù việc kiện tụng đang chờ giải quyết và phán quyết về hiệu ứng nhà kính vào tháng 12/2020 được trích dẫn trong số các lý do dẫn đến sự trì hoãn này, nhưng cả hai lý do này đều không được đề cập trong bản dự thảo tái cấp phép của DOI được phát hành hồi tháng 07/2022.
Dự thảo kế hoạch ngoài khơi tháng Bảy cho giai đoạn 2023-2028 của DOI đề nghị mở ra từ không cho thuê đến 11 khu vực cho thuê khoan — 10 khu vực ở Vịnh Mexico và một khu vực ở Cook Inlet của Alaska — để phát triển dầu/khí đốt.
Ngược lại, theo đề xướng cho thuê khoan ngoài khơi ‘Sự thống trị về Năng lượng của Mỹ’ của cựu Tổng thống Donald Trump, 47 khu vực cho thuê khoan ngoài khơi mới đã được xác định ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mở ra 90% vùng biển duyên hải của quốc gia — bao gồm cả ở Bắc Cực, ngoài khơi California, và ở Đại Tây Dương — để phát triển dầu/khí đốt.
Bản kế hoạch dự thảo đó ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API), trong số các nhóm công nghiệp khác, vốn một mực nhấn mạnh rằng DOI phải tăng đáng kể số lượng khu vực cho thuê khoan và các hợp đồng cho thuê khoan được chào bán.
Dân biểu Stauber đồng ý, lưu ý rằng DOI đang cung cấp các hợp đồng cho thuê khoan “chỉ một phần nhỏ” — chưa đến một phần tư — diện tích OCS có thể cho thuê.
Ông nói: “Diện tích chưa được khai thác này có tiềm năng mang lại nguồn năng lượng đáng kể cũng như nguồn thu cho chính phủ liên bang và tiểu bang, nhưng sự trì trệ trong việc hoàn thành chương trình năm năm này và trì hoãn việc bán hợp đồng cho thuê khoan đã được ấn định khiến Quốc hội, giới trong ngành, và người đóng thuế không được biết đầy đủ thông tin.”
Ông Stauber cho biết việc tùy chọn “không cho thuê” tiềm năng trong dự thảo tái cấp phép này cũng sẽ là bất hợp pháp vì việc này “vi phạm ngôn ngữ của OCSLA: ‘Chương trình cho thuê khoan sẽ bao gồm một lịch trình bán hợp đồng cho thuê khoan được đề xướng nêu rõ, càng chính xác càng tốt, về quy mô, thời gian, và địa điểm hoạt động cho thuê khoan …’”
Ông nói, khi mọi chuyện đều đã xong xuôi, ngay cả khi việc tái cấp phép này được thông qua và thực hiện vào tháng Mười Hai, thì các hợp đồng cho thuê khoan mới sẽ không được thực thi cho đến ít nhất là năm 2025.
“BOEM vẫn chưa bắt đầu đánh giá môi trường cần thiết đối với việc bán hợp đồng cho thuê khoan tiềm năng trong kế hoạch mới này,” ông nói. “Những đánh giá này thường mất 14-18 tháng để hoàn thành, nghĩa là các thương vụ mua bán có thể bị trì hoãn thêm một năm nữa hoặc hơn.”
Dàn khoan Development Driller III ngoài khơi bờ biển Louisiana, Vịnh Mexico, vào ngày 11/05/2010. (Ảnh: Gerald Herbert/Pool/Getty Images)
Những rào cản quy định tiềm ẩn trong chi tiết ngân sách
Các nhà chỉ trích cho rằng, một lý do khác cho sự chậm trễ trong việc tái cấp phép này là do BOEM, BSEE, và Cục Quản lý Đất đai (BLM) — ba cơ quan thuộc DOI đặc trách các nguồn nước công cộng và cho thuê khoan dầu/khí đốt trên đất liền — đang bổ sung thêm các lớp các quy định để đáp ứng IRA và Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng, hoặc Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng (IIJA) năm 2021.
IIJA yêu cầu BOEM và BSEE hợp tác để tạo ra một chương trình cô lập carbon cho OCS. Chương trình này sẽ đặt ra các yêu cầu quy định mới đối với “bất kỳ hợp đồng cho thuê, quyền sử dụng đất, hoặc quyền địa dịch nào.”
Yêu cầu ngân sách 211.24 triệu USD cho năm tài khóa 2024 (FY24) của BOEM tìm kiếm khoản tài trợ tăng gần 36 triệu USD từ kế hoạch chi tiêu của năm nay — tăng 20.5% so với kế hoạch chi tiêu của năm nay.
Bà Klein thuộc BOEM nói với Tiểu ban Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản rằng ngân sách trên bao gồm tài trợ cho “các chuyên gia chuyên ngành để thực hiện và thực thi các quy định này” vốn được tạo ra theo chương trình cô lập carbon đó.
BSEE đang tìm kiếm một mức tăng 13.6% trong nguồn tài trợ hàng năm với một yêu cầu ngân sách 191 triệu USD cho năm tài khóa 2024.
Phó Giám đốc Huang nói với ủy ban thuộc Hạ viện này rằng BSEE muốn tính chi phí kiểm tra cơ sở sản xuất cho mỗi lần kiểm tra thay vì chi phí một lần hàng năm đã được áp dụng trong một thập niên và điều chỉnh các khoản chi phí hiện tại theo lạm phát.
Ông nói, “Điều này sẽ cho phép BSEE thu hồi phần lớn chi phí thực tế phát sinh trong việc giám sát các hoạt động này và giảm chi phí trực tiếp cho người đóng thuế, đồng thời khuyến khích các nhà khai thác cải thiện hiệu suất an toàn và giảm nhu cầu kiểm tra lần tới.”
Ông Huang cho biết BSEE cũng đang nghiên cứu một số “ưu tiên về quy định” khác, bao gồm các yêu cầu ứng phó với sự cố tràn dầu, quy tắc về quyền ưu tiên đường ống, và chương trình cô lập carbon.
Ông Stauber đã nêu lên “một số lo ngại” về các yêu cầu ngân sách của BOEM và BSEE. Trong số đó có “chi phí kiểm tra mới và tăng đối với các hoạt động ngoài khơi,” bao gồm cả “chi phí kiểm tra tiếp theo” đối với các giàn khoan đang hoạt động “sẽ làm tăng chi phí cho các hoạt động ngoài khơi.”
Ông cho biết ngân sách của BOEM tăng tài trợ cho việc ngừng hoạt động cho thuê khoan dầu/khí đốt thêm 900%, từ 3 triệu USD lên 30 triệu USD.
Ông Stauber nói, “Điều này chứng tỏ một sự ưu tiên rõ ràng của việc ngừng hoạt động cơ sở hạ tầng ngoài khơi so với xây mới,” chỉ trích rằng “đạo đức đáng ngờ của bà Klein và việc bà tiếp tục kịch liệt phản đối bất kỳ hình thức phát triển năng lượng có trách nhiệm nào thể hiện quan điểm cấp tiến, thực dụng của chính phủ này.”
Ông tuyên bố rằng “Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ quy trách nhiệm cho BOEM và phần còn lại của DOI trong khi thúc đẩy các chính sách ủng hộ năng lượng như Đạo luật Chi phí Năng lượng Thấp hơn của lưỡng đảng.”
Các dự luật đồng hành cung cấp các giải pháp khác nhau
Giàn khoan thăm dò dầu của Công ty Pennzenergy, Ship Shoal 150, ở Vịnh Mexico. (Ảnh: Ảnh lưu trữ của Getty Images)
Hôm 30/03, trong một cuộc bỏ phiếu theo đảng phái, Hạ viện đã thông qua gói dự luật năng lượng omnibus (tổng hợp nhiều dự luật khác nhau) Dự luật Hạ viện 1 (HB 1), “Đạo luật Chi phí Năng lượng Thấp hơn” được Dân biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Los Angeles), Lãnh đạo Đa số Hạ viện, bảo trợ.
HB 1 kết hợp hơn một chục đề xướng lập pháp để “tăng sản xuất năng lượng trong nước, cải tổ thủ tục cấp phép cho tất cả các ngành, đảo ngược các chính sách chống năng lượng do chính phủ ông Biden đưa ra, hợp lý hóa cơ sở hạ tầng năng lượng và xuất cảng, đồng thời thúc đẩy sản xuất và chế biến các khoáng sản quan trọng.”
Dự luật này sẽ yêu cầu Bộ trưởng DOI tiến hành bán hợp đồng cho thuê khoan dầu/khí đốt hàng quý ngoài khơi và trên đất liền.
Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Los Angeles) đang bảo trợ cho đạo luật này theo phiên bản của Thượng viện, tức là đạo luật SB 947, vốn đã được cơ quan lập pháp chung tranh luận hai lần và được chuyển đến Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên của Thượng viện do ông Manchin, người chỉ trích chính sách năng lượng của ông Biden thuộc Đảng Dân Chủ, làm chủ tịch.
“Trái ngược với các chính sách chống năng lượng của chính phủ ông Biden,” HR 1 là “lộ trình để phát triển năng lượng thành công, bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài, và là nguồn thu đáng tin cậy của liên bang và tiểu bang,” ông Stauber nhận định, mặc dù việc thông qua dự luật này tại Thượng viện, nơi mà Đảng Dân Chủ chiếm đa số, vẫn còn do dự.
Trên thực tế, một dự luật đồng hành khác được đề xướng do các thành viên Đảng Dân Chủ New Jersey bảo trợ tìm kiếm một giải pháp thay thế cho cuộc tranh luận về việc cho thuê khoan dầu/khí ngoài khơi này — [đó là] cấm hoàn toàn.
Thượng nghị sĩ Cory Booker (Dân Chủ-New Jersey) và Dân biểu Frank Pallone (Dân Chủ-New Jersey) là những người bảo trợ chính của “Đạo luật Chống Khoan dầu vì Du lịch An toàn và Đại dương Sạch (COAST) được đề xướng. Đạo luật này sẽ cấm vĩnh viễn DOI ban hành hợp đồng thuê khoan dầu/khí trên OCS ở Đại Tây Dương và Eo biển Florida.
Đạo luật này theo phiên bản của Hạ viện đã được chuyển đến Tiểu ban Tài nguyên Khoáng sản & Năng lượng của Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên. Đạo luật đồng hành theo phiên bản của Thượng viện đã được tranh luận hai lần và được chuyển đến Ủy ban Tài nguyên và Năng lượng của Thượng viện.
Trước đây, dự luật này đã từng được đệ trình rồi. Trên thực tế, ông Pallone đã đệ trình sáu dự luật tương tự kể từ năm 1989.
Mặc dù dự luật này có ít cơ hội ở Hạ viện, nhưng có động lực đối với một số thành viên Đảng Cộng Hòa, trong đó có ở Florida, nơi mà cả lưỡng đảng bác bỏ việc khoan dầu/khí đốt ngoài khơi bờ biển của tiểu bang.
Dân biểu Mike Levin (Dân Chủ-California) cũng đã giới thiệu lại đề xướng của mình, “Đạo luật Khôi phục Ý kiến Đóng góp của Cộng đồng và Bảo vệ Công chúng về Cho thuê khoan dầu/khí đốt,” trong đó ông đưa ra các sửa đổi quy định cho thuê khoan ngoài khơi/trên đất liền để “giúp cho người đóng thuế hiểu được” và khôi phục sự tham gia của công chúng vào thủ tục cho thuê khoan này.
Ông đã bảo vệ IRA và việc ông Biden thúc đẩy phát triển năng lượng thay thế, tuyên bố rằng những người đóng thuế ở Mỹ đã trợ cấp cho ngành dầu khí theo các quy tắc hiện hành trong nhiều thập niên.
“IRA đã chấm dứt việc cho thuê khoan không cạnh tranh để bán dầu khí, tăng giá thuê hàng năm, và tăng giá thầu tối thiểu đối với các hợp đồng cho thuê đất công,” ông Levin nói. “Tất cả những thay đổi đó đã quá trễ, rất hợp lý, và tạo ra sự cân bằng hơn để mang lại giá [cho thuê] liên bang” phù hợp với những gì mà các tiểu bang và chủ sở hữu tư nhân đang tính chi phí.
Ông cho rằng ngay cả với một đề xướng tăng 50% chi phí nhượng quyền đối với các hợp đồng cho thuê khoan ngoài khơi và tăng gần 20% đối với các hợp đồng cho thuê khoan trong đất liền, thì tỷ lệ chi phí nhượng quyền liên bang vẫn thấp hơn so với đánh giá của “các tiểu bang nhượng quyền như Texas và Oklahoma.”
“Những gì chúng tôi đã làm trong IRA sẽ không làm tăng giá tại trạm xăng hoặc giá năng lượng tiêu dùng. Hãy để tôi nói lại lần nữa: Điều này sẽ không tăng giá xăng hoặc giá năng lượng tiêu dùng,” ông Levin nói. “Nhưng những gì mà chúng tôi làm sẽ là nâng hàng trăm triệu dollar doanh thu bổ sung có thể giúp cải thiện cơ sở hạ tầng có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, không chỉ một số công ty dầu khí.”
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G7 tại Niigata của Nhật Bản, ngày 13/5. (Ảnh: AP).
Theo một tài liệu mà Financial Times có được, G7 và EU đang có kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt của Nga trên các tuyến đường mà Mát-xcơ-va đã cắt nguồn cung trước đó.
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan Posted in Tin thế giới, Điểm Tin | Comments Off on Thời sự Thứ Hai 15/05/2023: *G7, EU cấm nhập khẩu khí đốt Nga. *Volodymyr Zelensky đến Đức. *Sudan vẫn bế tắc. *Đối lập Campuchia bị loại khỏi bầu cử. *Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ chưa phân thắng bại. *Nga-Ukraine chuẩn bị tử chiến. *Nga tổn thất máy bay lớn nhất..
Hạ viện Mỹ ngày 11/5 phê chuẩn dự luật do bên đảng Cộng hòa đề xướng nhằm ngăn chặn di dân và ma túy bất hợp pháp đi vào Hoa Kỳ qua đường biên giới phía tây nam giáp với Mexico.
Quan chức NATO: Cuộc chiến ở Ukraina sẽ thành cuộc chiến giữa số lượng và chất lượng
Tạ Linh
Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO. (Ảnh chụp màn hình tờ global.espreso.tv).
Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO cho biết cuộc chiến ở Ukraina sẽ ngày càng trở thành cuộc chiến giữa một số lượng lớn quân đội Nga được huấn luyện kém và trang thiết bị lạc hậu với một lực lượng nhỏ hơn của Ukraina được huấn luyện tốt và vũ khí hiện đại.
Theo Reuters, Đô đốc Rob Bauer lưu ý rằng Nga hiện đang khai triển một số lượng đáng kể xe tăng T-54 – một loại vũ khí cũ được thiết kế trong những năm sau Thế chiến thứ hai.
Ông Bauer nói với các phóng viên sau cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels:
“Nhưng vấn đề là họ vẫn còn rất nhiều T-54. Vì vậy… xét về số lượng, đó là một vấn đề”
“Những gì chúng ta sẽ thấy bây giờ là người Nga sẽ tập trung – phải tập trung – vào số lượng, số lượng lính nghĩa vụ lớn hơn và huy động những người không được đào tạo bài bản, trang thiết bị thì cũ”.
Trong khi đó, người Ukraina sẽ “tập trung vào chất lượng, với các hệ thống vũ khí của phương Tây và sự huấn luyện của phương Tây. Tôi có thể nói rằng đó là sự khác biệt lớn trong những tháng tới”.
Ông Bauer cho biết các chỉ huy quân sự của NATO đã nhắc lại “sự hỗ trợ không ngừng” đối với đại diện của Ukraina tại cuộc họp.
Đô đốc Bauer nhấn mạnh: “Không nghi ngờ gì về việc NATO sẽ hỗ trợ Ukraina trong thời gian dài nhất có thể”.
Tướng quân đội Hoa Kỳ Christopher Cavoli, chỉ huy hàng đầu của NATO tại châu Âu, nói thêm rằng sự xuống cấp của các lực lượng Nga là “rất không đồng đều”, chủ yếu là các lực lượng lục quân.
Hoa Kỳ mở đại sứ quán tại Tonga trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (giữa) và các nhà lãnh đạo từ khu vực Quần đảo Thái Bình Dương chụp ảnh tại sảnh North Portico của Tòa Bạch Ốc vào ngày 29/09/2022. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Hôm 09/05, Hoa Kỳ chính thức khánh thành đại sứ quán tại Tonga, tái khẳng định cam kết tăng cường bang giao với đảo quốc Thái Bình Dương này trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết đại sứ quán mới ở Tonga sẽ cho phép Hoa Kỳ khai triển thêm nhân viên ngoại giao và các nguồn lực, trong đó đề cập đến khả năng bổ nhiệm một đại sứ thường trú tại Tonga.
Ông Miller cho biết trong một tuyên bố: “Lễ khánh thành này tượng trưng cho sự đổi mới trong mối bang giao của chúng ta, đồng thời nhấn mạnh sức mạnh trong lời cam kết của chúng ta đối với mối bang giao song phương, với người dân Tonga, và với liên kết đối tác của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Thông báo trên được đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Papua New Guinea vào cuối tháng này để hội đàm với nhà lãnh đạo quốc gia Thái Bình Dương — chuyến thăm đầu tiên như vậy của một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm trong ít nhất một thế kỷ.
Tổng thống Biden sẽ gặp Thủ tướng Papua New Guinea James Marape và các nhà lãnh đạo khác trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương để thảo luận về “sự hợp tác trước những thách thức quan trọng đối với khu vực và đối với Hoa Kỳ, như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên biển, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện,” theo Tòa Bạch Ốc.
Ý tưởng mở Đại sứ quán ở Tonga lần đầu tiên được Phó Tổng thống Kamala Harris công bố hồi năm ngoái (2022) tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Bà Harris cho biết Hoa Kỳ dự định mở một đại sứ quán khác ở Kiribati.
Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng những hành động này sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực mà chính phủ Tổng thống Biden đang tiến hành nhằm “củng cố liên kết đối tác Hoa Kỳ-Quần đảo Thái Bình Dương và ủng hộ chủ nghĩa khu vực ở Thái Bình Dương.”
Tonga có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã tìm cách tăng cường can dự vào khu vực Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cho biết Hoa Thịnh Đốn thấy rằng Tonga có tầm quan trọng chiến lược vì vương quốc này là “chìa khóa cho câu hỏi quốc gia nào sẽ là nước thống trị Thái Bình Dương.”
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 14/10/2011. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Bà Sherman cho biết Hoa Kỳ và Tonga đã cùng chiến đấu bên nhau kể từ Đệ nhị Thế chiến, khoảng ba thập niên trước khi thiết lập mối bang giao chính thức.
Tại một sự kiện giao lưu với các sinh viên đại học ở Tonga hồi tháng 08/2022, bà Sherman cho biết, “Ngày nay, vương quốc này cũng vẫn có tầm quan trọng chiến lược bởi vì như mọi người chúng ta đều biết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn hiện diện ở đây, họ muốn đầu tư vào đây.”
“Điều họ không thể làm … là định đoạt tương lai cho quý vị. Chúng tôi muốn hợp tác với quý vị, chúng tôi muốn đồng hành với quý vị và chúng tôi muốn bảo đảm rằng quý vị có quyền lựa chọn tương lai của chính mình và không phải chúng tôi hay bất kỳ ai khác quyết định điều đó cho quý vị.”
Hồi tháng 05/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Tonga và ký một loạt thỏa thuận song phương cho phép Trung Quốc trang bị cho Tonga phòng thí nghiệm của cảnh sát, cung cấp thiết bị kiểm tra hải quan, cứu trợ thiên tai, hợp tác kinh tế xanh, và một dự án cải tạo lăng mộ.
Các thỏa thuận nói trên được đưa ra sau khi Tonga, một trong những quốc gia nghèo nhất Thái Bình Dương, đồng ý tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vào năm 2021. Báo cáo ngân sách của Tonga cho thấy, nước này đang nợ ngoại quốc 195 triệu USD, ⅔ trong số này là nợ Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc.
Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng đã ký nhiều thỏa thuận với một số quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, cho phép Bắc Kinh phái cử cảnh sát, quân đội, trang thiết bị vũ khí, và tàu hải quân đến quốc gia này. Quần đảo Solomon có một vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương và cách Úc chưa đầy 1,200 dặm (1,920km).
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tìm cách có được chữ ký của các quốc gia trong khu vực cho một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng vào tháng 05/2022 nhưng bất thành vì thiếu sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo trong Quần đảo Thái Bình Dương.
Victoria Kelly-Clark, và Reuters
Vấn đề người di cư ở biên giới phía Nam nước Mỹ nóng lên
Có rất ít chính sách mà cả Donald Trump lẫn Joe Biden đều tán thành. Song khi nhậm chức, ông Biden đã giữ nguyên Tiêu đề 42, một quy tắc y tế cộng đồng do ông Trump ban hành từ tháng 3 năm 2020 để cho phép chính phủ nhanh chóng trục xuất những người nhập cư trái phép. Chính sách này nhìn bề ngoài là nhằm ngăn covid-19 lây lan. Nhưng kể từ đó, Tiêu đề 42 đã được dùng để trục xuất 2,7 triệu người di cư (dù nhiều trong số những người bị trục xuất đã tìm cách nhập cảnh trở lại).
Thứ Năm này đánh dấu kết thúc giai đoạn khẩn cấp covid-19 và cùng với đó là Tiêu đề 42. Các quan chức dự đoán số lượng người vượt biên sẽ gia tăng. Hàng ngàn người đã lên đường sẵn và đợi ở miền bắc Mexico đến khi chính sách mất hiệu lực.
Chính quyền Biden đang mở rộng các con đường hợp pháp vào Mỹ đồng thời trấn áp nhập cảnh bất hợp pháp. Nhưng hệ thống có thể bị quá tải bởi số lượng lớn người di cư. Chỉ Quốc hội mới có quyền phân bổ nhiều nguồn lực hơn để xử lý người di cư và yêu cầu tị nạn, nhưng tình trạng bế tắc chính trị hiện tại khiến điều đó trở nên bất khả thi.
Liệu Trung Quốc có trên bờ vực giảm phát?
Trung Quốc nhìn chung tránh được tai họa lạm phát đã ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia khác sau đại dịch. “Tất cả các ngân hàng trung ương khác thực sự sẽ rất vui khi có… tỉ lệ lạm phát của ông,” người ta đã nói với thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ gần đây của ông như vậy. Nhưng liệu Bắc Kinh có phải đối mặt với vấn đề ngược lại?
Các số liệu công bố vào thứ Năm có thể cho thấy trong tháng 4, lạm phát giảm xuống còn 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát “tại cổng nhà máy” (bao gồm giá mà các công ty trả cho các nhà sản xuất khác) đã ở mức âm. Dù lạm phát thấp là điều tốt cho các ngân hàng trung ương, giảm phát sẽ khiến họ rất lo lắng.
May mắn là Trung Quốc có thể sẽ không đi vào vùng giảm phát. Giá nhiên liệu cao bất thường một năm trước khiến giá hiện nay trông có vẻ yếu hơn khi so sánh. Tín dụng cũng đang tăng lên. Khi Trung Quốc phục hồi, các nhà máy sẽ tăng tốc và cửa hàng được lấp đầy, qua đó gây áp lực tăng giá – miễn là những lo ngại về giảm phát không làm suy yếu chính sự phục hồi có thể ngăn chặn nó.
SoftBank công bố kết quả kinh doanh
Vào thứ Năm, tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank sẽ công bố kết quả cho năm tài chính tính đến cuối tháng 3. Đây là cơ hội cho thị trường thấy được mức độ thiệt hại mà lãi suất cao và định giá ngành công nghệ thấp hơn đã gây ra cho một trong những nhà đầu tư tăng trưởng nổi bật nhất.
Năm 2000, SoftBank đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba, một công ty công nghệ Trung Quốc. Giá trị của Alibaba sau đó tăng lên hàng trăm tỷ đô la; và đến năm 2014 SoftBank sở hữu tới một phần ba cổ phần của công ty này. Alibaba trở thành nguồn thu đều đặn – nhưng giờ đây SoftBank được cho là đã bán phần lớn cổ phần.
Các nhà đầu tư muốn biết thông tin cập nhật về chiến lược của SoftBank dành cho Arm, một nhà thiết kế chip Anh được họ mua lại từ năm 2016. Hồi tháng 3, SoftBank đã công bố kế hoạch niêm yết Arm ở New York. Một đợt IPO thành công sẽ mang lại lợi nhuận tốt trong bối cảnh con bò sữa Alibaba đã bị vắt kiệt.
Xây dựng thư viện gen người
Về mặt di truyền, con người rất giống nhau. Khoảng 99,6% bộ gen của bạn — tức chuỗi DNA duy nhất nằm trong hầu hết các tế bào của cơ thể — có thể được tìm thấy ở mọi người khác. Ngay cả những khác biệt còn lại cũng là phổ biến: hơn 95% các khác biệt sẽ được chia sẻ bởi hàng chục triệu người khác.
Nhưng những biến thể nhỏ có thể gây ra hậu quả quan trọng cho khả năng nhiễm bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học có thể sử dụng một “thư viện” bộ gen đầy đủ để nghiên cứu các bản sắc di truyền khác nhau. Một nghiên cứu như vậy cũng có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về chức năng gen của họ và yêu cầu điều trị tốt hơn. Theo một bài báo mới trên tạp chí khoa học Nature, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế hiện đã tạo ra một “pangenome” như vậy.
Mỗi bộ gen được lắp ráp tỉ mỉ từ các đoạn DNA lấy từ các mẫu máu. Một tệp kỹ thuật số hiện chứa trình tự bộ gen của 47 người. Gen của khoảng 300 người nữa sẽ được bổ sung, bao gồm cả từ các khu vực ít đại diện như Trung Đông. Đa dạng thông tin di truyền hơn sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu rõ về cách đột biến phát sinh qua không gian cũng như thời gian.
Ngành sản xuất của Hoa Kỳ bùng nổ?
Chi tiêu để tăng năng lực sản xuất đã tăng lên một cách thông minh
Tác giả Milton Ezrati
11/5/2023
Công nhân lắp ráp xe hơi tại nhà máy lắp ráp mới được sửa sang lại của Ford ở Chicago, hôm 24/06/2019. (Ảnh: Jim Young/AFP/Getty Images)
Khi các công ty Hoa Kỳ suy nghĩ lại về việc sử dụng nguồn cung ứng ở Trung Quốc, có vẻ như một số công ty đã quyết định đưa hoạt động của họ về nước.
Từ năm 2022 và cho tới thời điểm hiện tại trong năm nay, đầu tư vào sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã tăng lên một cách thông minh. Một phần khoản chi tiêu này là nhằm mục đích tận dụng các khoản tài trợ, trợ cấp, và lợi thế về thuế của liên bang để sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước, xe điện (EV), và các sản phẩm tương tự. Nhưng xu hướng này dường như cũng có được sự hậu thuẫn từ các nguyên tắc kinh tế căn bản khác bền vững hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi này liên quan nhiều đến năng lực sản xuất và sản lượng hơn là về việc làm.
Năm ngoái (2022), Bộ Thương mại đã báo cáo rằng chi tiêu cho năng lực sản xuất mới tương đương với khoảng 108 tỷ USD, tăng 12.5% so với năm 2021. Năm 2023 chỉ có dữ liệu cho hai tháng, nhưng các dữ liệu này cho thấy sự tăng tốc rõ rệt so với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái (2022). Mức chi tiêu hồi tháng Hai đã tăng 8.2% so với mức chi tiêu của tháng 12/2022. Năng lực sản xuất tổng thể đã chỉ tăng ở mức khiêm tốn 1.4% trong 12 tháng qua, nhưng mức tăng này cũng là hợp lý vì ngay cả một năm bội thu đầu tư mới cũng không làm thay đổi được nhiều năng lực tổng thể được hình thành trong năm. Tuy nhiên, xu hướng này rất đáng khích lệ, cho thấy sự tăng trưởng năng lực sản xuất sau hơn 10 năm suy giảm từ năm 2007 đến năm 2020.
Không nghi ngờ gì rằng một phần trong số những khoản đầu tư tăng đột biến này phản ánh Đạo luật CHIPS cho Hoa Kỳ và đạo luật được đặt tên kỳ lạ là Đạo luật Giảm Lạm Phát. Cả hai đạo luật này đều đã được thông qua vào năm ngoái (2022) và cung cấp các khoản trợ cấp cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn trong nước. Ngay sau khi các đạo luật này được thông qua, Intel và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đều đã công bố ý định xây dựng các cơ sở mới ở Hoa Kỳ và tiền đã bắt đầu chảy vào. Intel đã lên kế hoạch cho cơ sở của mình từ trước khi luật được thông qua, nhưng chắc chắn chi tiêu đã tăng tốc theo sau các luật mới.
Mặc dù luật rõ ràng đã có tác dụng, nhưng không thể duy trì chi tiêu đầu tư với tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Một khi các nhà sản xuất thay thế các hoạt động ở ngoại quốc và tích hợp vào các cơ sở hiện đang được lên kế hoạch cho những năm tới ở Hoa Kỳ, thì tốc độ tăng trưởng đầu tư sẽ chậm lại để bằng với tốc độ tăng trưởng của thị trường toàn cầu trong các lĩnh vực chất bán dẫn và xe điện. Không còn nghi ngờ gì nữa, vi mạch bán dẫn, xe điện, và pin sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn so với các hình thức sản xuất khác, nhưng sẽ không gì sánh được với tốc độ tăng trưởng đột biến hiện nay. Nhưng nếu luật sẽ có một tác động giảm dần, thì những ảnh hưởng khác, căn bản hơn sẽ duy trì sự mở rộng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ.
Các cân nhắc về chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng, và lãi suất tăng là ba trong số những yếu tố này. Câu chuyện về chuỗi cung ứng giờ đây đã trở nên quen thuộc. Trong thời kỳ đại dịch và trong quá trình phục hồi, khi các biện pháp kiểm dịch và phong tỏa được dỡ bỏ, các doanh nghiệp đã phát hiện ra rằng các nguồn cung ứng và việc tìm nguồn cung ứng ở ngoại quốc là kém tin cậy hơn họ từng nghĩ và chắc chắn là cần thiết. Do đó, một số công ty đã quyết định đưa một số hoặc toàn bộ các hoạt động của họ về nước. Xu hướng đó được củng cố khi chi phí năng lượng và độ tin cậy về năng lượng ở Trung Quốc và các nơi khác trở nên tệ hơn.
Cùng lúc, lãi suất tăng cũng đóng một vai trò trong xu hướng này. Bằng cách thúc đẩy người mua sỉ và lẻ giữ lượng hàng tồn kho của họ gọn gàng hơn, các nhà sản xuất sẽ đối diện với nhu cầu giao hàng nhanh hơn và thường xuyên hơn, điều có thể được đáp ứng tốt nhờ các cơ sở sản xuất gần đó.
Chênh lệch tiền lương đặc biệt ảnh hưởng đến phương trình sản xuất này. Trong nhiều năm, nhân công giá rẻ, đáng tin cậy ở Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á đã khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ chấp nhận rủi ro về các tuyến đường cung cấp dài và những ẩn số khác để xây dựng và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc. Sự khác biệt về tiền lương chắc chắn đã là một yếu tố hấp dẫn. Năm 2000, ngay sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình của Hoa Kỳ cao gấp 33 lần mức lương trung bình ở Trung Quốc. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc dần dần phát triển, thì tiền lương ở đó đã bắt đầu bắt kịp mức lương ở Hoa Kỳ. Vào lần thống kê mới đây nhất, mức lương của người Mỹ cao gấp khoảng 6.5 lần so với mức lương của người Trung Quốc ở vị trí công việc tương đương, vốn vẫn là một khoản chênh lệch lớn nhưng đã không còn hấp dẫn như trước đây.
Trong khi đó, bằng cách làm giảm nhu cầu về nhân công, tự động hóa đã tiếp tục làm mất đi bất kỳ lợi thế về tiền lương nào mà Trung Quốc vẫn được hưởng. Nhận xét của Giám đốc điều hành Black and Decker, ông Donald Allan Jr., đã làm rõ hiệu ứng này một cách ngắn gọn. Ông so sánh các nhà máy của công ty mình ở Trung Quốc và Mexico với một nhà máy vừa mới xây xong ở North Carolina. Ông giải thích, các nhà máy ở Mexico và Trung Quốc cần 50 đến 75 công nhân trên dây chuyền, nhưng nhà máy ở North Carolina chỉ cần 10 đến 12 công nhân; và trong giai đoạn tự động hóa tiếp theo, nhà máy này sẽ chỉ cần hai hoặc ba công nhân.
Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy rất nhiều tiền được chi nhằm mục đích tự động hóa chứ không phải là mở rộng sản xuất thô. Thống kê của Bộ Thương mại chỉ ra rằng chỉ có khoảng 15% tổng chi tiêu đầu tư kinh doanh là dành cho việc xây dựng các công trình kiến trúc. 85% còn lại dành cho thiết bị và tài sản trí tuệ — nói cách khác, tập trung vào các khoản đầu tư nâng cao tính hiệu quả, chẳng hạn như các hệ thống, robot, v.v.
Sản xuất của Hoa Kỳ sẽ phát triển, nhưng lĩnh vực này sẽ không sử dụng những con số từng đạt được trong quá khứ hay thậm chí là những con số từng sử dụng ở ngoại quốc cách đây không lâu.
Nhật Thăng biên dịch
Mỹ ra quy định mới đối phó với di dân bất hợp pháp đang tràn vào biên giới
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết quy định mới sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt hơn cho những người vượt biên trái phép.
Hoa Kỳ ngày 10/5 triển khai một quy định mới mà qua đó sẽ từ chối tị nạn đối với hầu hết những di dân vượt biên giới Hoa Kỳ-Mexico bất hợp pháp, một phần quan trọng trong việc thực thi kế hoạch của Tổng thống Joe Biden giữa lúc điều luật 42 vốn hạn chế di dân vào biên giới Mỹ thời đại dịch hết hạn vào ngày 11/5.
Theo quy định mới, những di dân đến biên giới Mỹ sẽ không đủ điều kiện xin tị nạn nếu họ đã đi qua các nước khác mà không xin tị nạn trước hoặc không dùng các con đường hợp pháp để nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết quy định mới sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt hơn cho những người vượt biên trái phép. Thay vì nhanh chóng bị trục xuất về Mexico, họ có thể bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 5 năm nếu không đủ điều kiện xin tị nạn.
“Chúng tôi nói rất rõ ràng rằng biên giới của chúng tôi không mở cửa, việc vượt biên trái quy định là phạm pháp và những người không đủ điều kiện được cứu giúp sẽ nhanh chóng bị trả về,” ông Mayorkas nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Washington.
Ông đổ lỗi cho Quốc hội vì đã không thông qua cải cách di trú có ý nghĩa “trong hơn hai thập niên,” đồng thời nói thêm rằng các nhà lập pháp đã không cung cấp kinh phí theo yêu cầu của chính quyền Biden cho các nhân viên biên giới, cơ sở vật chất và phương tiện đi lại.
Chính quyền ông Biden đang vật lộn với sự gia tăng kỷ lục các cuộc vượt biên trái phép vì các hạn chế do COVID được triển khai từ tháng 3 năm 2020 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 11/5. Di dân tuần này đã tập trung đông đảo ở Mexico trong khi những người đã vào được lãnh thổ Mỹ đang gây căng thẳng cho các thành phố biên giới.
Các hạn chế theo điều luật 42 cho phép chính quyền Hoa Kỳ nhanh chóng trục xuất nhiều di dân không phải là người Mexico qua lãnh thổ Mexico mà không cho cơ hội xin tị nạn tại Mỹ. Người Mexico, quốc tịch thường xuyên bị bắt gặp nhất, có thể nhanh chóng được đưa trở lại Mexico theo các thỏa thuận song phương có trước các hạn chế về COVID.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên vào tối 9/5 rằng quy định mới, có hiệu lực vào ngày 11/5 và sẽ hết hạn sau hai năm, không có thay đổi lớn nào so với bản dự thảo được công bố vào tháng Hai năm nay.
Quy định này sẽ áp dụng cho đại đa số di dân không phải người Mexico, những người thường phải đi qua nhiều quốc gia rồi mới tới được biên giới giữa Mexico với Mỹ.
Một số di dân đang tranh nhau vào Mỹ trước khi quy định mới có hiệu lực.
Ông Brandon Judd, chủ tịch hiệp hội các nhân viên tuần tra biên giới cho biết, trong hai ngày 8 và 9 tháng Năm, mỗi ngày có hơn 10.000 di dân đã bị bắt khi vượt biên giới Mỹ-Mexico bất hợp pháp. Con số này đã vượt con số ước đoán của một quan chức biên giới hồi tháng trước một khi điều luật 42 chấm dứt.
Ông Judd cho biết các nhân viên biên giới được phép thả di dân ở các thành phố biên giới nếu Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) và các tổ chức từ thiện không có khả năng tiếp nhận họ.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) không trả lời yêu cầu bình luận.
Chỉ trích của cả hai bên
Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Biden, một đảng viên Dân chủ đang vận động tái tranh cử vào năm 2024, vì đã đẩy lùi các chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu hiện tại cho sự đề cử của đảng Cộng hòa.
Nhưng một số đảng viên Dân chủ và những người ủng hộ di dân đã chỉ trích quy định mới của ông Biden, nói rằng giống các biện pháp tương tự được thực hiện dưới thời ông Trump vốn đã bị tòa án Hoa Kỳ chặn lại và hạn chế các bảo đảm về quyền tị nạn trong luật pháp Hoa Kỳ và các hiệp định quốc tế.
Động thái này cũng đi ngược lại với những tuyên bố trước đó mà ông Biden từng đưa ra vào năm 2020 trong chiến dịch tranh cử khi ông nói rằng việc mọi người không thể xin tị nạn trên đất Mỹ là “sai lầm”. Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã báo hiệu rằng họ sẽ kiện chính sách này.
Ở phía bên kia của hệ tư tưởng, một liên minh gồm 22 tổng chưởng lý của các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa đã phản đối riêng biệt biện pháp này, nói rằng nó “đầy những ngoại lệ.”
Ngoài lệnh cấm đối với những người xin tị nạn, vốn có thể làm gia tăng các vụ trục xuất, vào cuối tháng Tư, các quan chức của ông Biden cho biết họ đang mở rộng các con đường hợp pháp cho di dân nước ngoài nhằm cung cấp các cách thay thế để vào Hoa Kỳ và ngăn chặn các cuộc vượt biên trái phép.
Trả lời phóng viên hôm 9/5, các quan chức của ông Biden cho biết chính quyền đã lên kế hoạch mở hơn 100 trung tâm xử lý di trú ở Tây Bán cầu và sẽ ra mắt một nền tảng đặt lịch hẹn trực tuyến mới xin phỏng vấn tị nạn trong những ngày tới.
Các quan chức cũng cho biết họ dự kiến Mexico sẽ tăng cường thực thi nhập cư trong tuần này, bao gồm cả ở miền nam Mexico.
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc trở về cảng nhà sau chuyến phô diễn sức mạnh
Hôm 10/5, quân đội Trung Quốc cho biết hàng không mẫu hạm Sơn Đông đã trở về cảng nhà ở Hải Nam “trong những ngày gần đây”, sau chuyến hải hành kéo dài một tháng bao gồm các chuyến đi vòng quanh Đài Loan để tập trận và phô diễn sức mạnh hải quân đến tận Tây Thái Bình Dương, theo Reuters.
Năm nay, tàu Sơn Đông đã được nhìn thấy ở eo biển Đài Loan, kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines, và thậm chí đến tận đảo Guam. Vào đầu tháng 4, lần đầu tiên con tàu này tham gia cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu được phóng từ một hàng không mẫu hạm vào Đài Loan.
Màn phô trương lực lượng diễn ra sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy, khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc vốn coi cuộc gặp này là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Tàu Sơn Đông vừa tham gia cuộc tuần tra an ninh xung quanh đảo Đài Loan trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự “song kiếm”, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
“Nhóm tàu sân bay Sơn Đông, lần đầu tiên xuất hiện với đội hình và quy mô như vậy, đã đi đến vùng biển phía tây Thái Bình Dương”, tuyên bố nói thêm.
Tàu Sơn Đông được đưa vào hoạt động vào năm 2019, đã nổi bật trong công tác tuyên truyền quân sự của Trung Quốc. Trong cuộc tập trận hồi tháng 4, Trung Quốc trưng bày nhiều hình ảnh về tàu Sơn Đông và các máy bay chiến đấu được phóng từ tàu sân bay.
Vài ngày sau khi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận mới nhất quanh đảo Ðài Loan, tàu chiến USS Milius của Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan trong hoạt động mà Hải quân Hoa Kỳ mô tả là quá cảnh “thường lệ”.
Hồi tháng 3/2022, tàu Sơn Đông, một trong hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc, đi qua eo biển Đài Loan chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ chuẩn bị đàm thoại.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự để cố gắng buộc Đài Loan chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này.
Prigozhin: Vẫn rút quân nếu thiếu đạn, dù Nga coi ai tự rút khỏi Bakhmut là phản bội
Yevgeny Prigozhin đang phân trần trong video đăng hôm 9/5.
Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner, người mấy ngày nay liên tục đe dọa rút quân khỏi Bakhmut, hôm 9/5 nói trên mạng xã hội ông được thông báo rằng ông và Wagner sẽ bị coi là phản quốc nếu tự ý rút quân khỏi các vị trí ở chiến trường Bakhmut. Tuy nhiên, ông tuyên bố vẫn cứ rút quân nếu không nhận đủ đạn dược.
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Ukraine, Đài Loan Posted in Chiến sự, Thế giới, Thời sự, Tin thế giới, Tin tức, Ukraine | Comments Off on Thời sự Thứ Tư 10/05/2023: *Prigozhin: Vẫn rút quân nếu thiếu đạn, *Pháp muốn EU liệt Wagner là ‘khủng bố’; *Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bắt, bạo lực lan nhanh; *Lạm phát cao dai dẳng ở Mỹ; *Ukraine sẽ có hỏa tiễn tầm xa 300km, Nga lo sợ; *Mỹ kêu gọi WHO mời Đài Loan họp quan sát;
Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông.
Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tiếp cận một khu vực mà hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN đang tập trận ở Biển Đông, hai nguồn tin Ấn Độ cho biết ngày 8/5.
Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như đang sử dụng lực lượng dân quân để đe dọa và phá rối cuộc tập trận hải quân này.
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine Posted in Chiến sự, Nga, Thế giới, Thời sự, Tin Biển Đông, Tin thế giới, Ukraine, Điểm Tin | Comments Off on Thời sự Thứ Ba 09/05/2023: *Tàu dân quân TQ đi vào vùng tập trận Ấn Độ-Asean ở Biển Đông. *Canada trục xuất nhà ngoại giao TQ vì đe dọa gia đình nghị sĩ. *Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng nhưng không có chiến thắng nào. *Mỹ: căng thẳng trần nợ công, các công ty công nghệ sa thải hàng loạt. *EU chế tài các công ty Trung Quốc