Trung Quốc từ chối yêu cầu của Mỹ về cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng
Liên Thành
Trung Quốc từ chối yêu cầu của Mỹ về cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng.
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin hôm thứ Hai (30/5), Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ về một cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng của hai nước tại một diễn đàn an ninh thường niên ở Singapore vào cuối tuần này, đây được xem là một dấu hiệu căng thẳng mới giữa các cường quốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ trong một tuyên bố với tờ Wall Street Journal đã cho biết: “Đêm qua, CHND Trung Hoa đã thông báo với Hoa Kỳ rằng họ đã từ chối lời mời vào đầu tháng 5 của chúng tôi để Bộ trưởng Austin gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHND Trung Hoa Lý Thượng Phúc tại Singapore”. Ngũ Giác Đài cho biết họ tin tưởng vào giao tiếp cởi mở “để bảo đảm rằng cạnh tranh không dẫn đến xung đột”.
Tuần trước, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã có các cuộc thảo luận để tiến hành đàm phán giữa ông Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc.
Triển vọng về một cuộc gặp giữa hai quan chức Mỹ – Trung này đang được theo dõi chặt chẽ do căng thẳng an ninh khu vực và tranh chấp thương mại đã làm hỏng kế hoạch tái hợp tác của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã trao đổi về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất khẩu trong một cuộc họp ở Washington, đánh dấu cuộc trao đổi cấp nội các giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đầu tiên trong nhiều tháng sau những căng thẳng đôi bên.
Theo Ian Storey, một nhà phân tích an ninh có trụ sở tại Singapore, quyết định của Trung Quốc xa lánh ông Austin không phải là dấu hiệu tốt lành gì. Vì ông Storey cho rằng vào thời điểm căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng như hiện nay, “việc Tướng Lý từ chối gặp người đồng cấp sẽ càng làm căng thẳng khu vực hơn nữa”.
Ông Austin và ông Lý sẽ có mặt tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 20 sẽ khai mạc vào thứ Sáu tuần này, một cuộc gặp gỡ không chính thức của các quan chức quốc phòng các nước cùng các nhà phân tích, bên cạnh đó là một loạt các cuộc họp bên lề khác. Cả hai quan chức Mỹ – Trung dự kiến sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương với các đối tác từ khắp khu vực.
Các quan chức Trung Quốc vẫn chưa giải thích về thái độ bị cho là nhằm làm bẽ mặt lãnh đạo quốc phòng Mỹ của ông Lý Thượng Phúc, nhưng một số nhà phân tích an ninh cho rằng việc Trung Quốc khó chịu trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với bộ trưởng quốc phòng nước này có thể là một lý do.
Ông Lý Thượng Phúc là thành viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ huy.
Vào năm 2018, ông bị chính quyền Mỹ trừng phạt vì đã mua vũ khí của Nga, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và thiết bị từ nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport.
Trung Quốc : Đụng độ giữa người Hồi Giáo và cảnh sát, hàng chục người bị bắt
Trung Quốc hôm nay, 30/05/2023, điều động hàng trăm cảnh sát bắt giữ nhiều người tại một thành phố có đông dân theo đạo Hồi sinh sống ở phía tây nam. Theo AFP, chiến dịch trấn áp này diễn ra sau những đụng độ giữa cảnh sát và người theo đạo Hồi, có liên quan đến việc phá hủy một phần đền thờ Hồi Giáo, xảy ra hôm thứ Bảy 27/05/2023.
Ảnh minh họa : Một đền thờ Hồi giáo ở tỉnh Cam Túc (Gansu), Trung Quốc. JOHANNES EISELE / AFP
Minh Anh /RFI
Thông tín viên đài RFI, Stephane Lagarde tại Bắc Kinh, tường thuật :
« Các hình ảnh đã bị các nhà kiểm duyệt nhanh chóng xóa đi, nhưng người ta vẫn có thể tìm thấy chúng sáng thứ Hai này trên mạng xã hội Twitter – vốn bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Những cú đá, cú đấm, rồi ném gạch đá, những người phản đối hôm thứ Bảy tìm cách đẩy lui bức tường khiên mầu đen của cảnh sát vũ trang nhân dân. Lực lượng an ninh ngăn chặn những người này tiếp cận đền thờ Hồi Giáo Nạp Gia Doanh, ở huyện Ngọc Khê.
Tại tỉnh Vân Nam này, trong số các sắc dân thiểu số, người Hồi chiếm số đông. Trên một đoạn video khác, một bộ phận những người phản đối tiếp cận được một bức tường bao quanh và đẩy sập giàn giáo xây dựng. Một số hình ảnh khác còn cho thấy nhiều người mặc bộ đồ rằn ri hô các khẩu hiệu. Nhiều bình luận trên mạng cũng nói đến sự hiện diện của nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục.
Được xây dựng từ thời nhà Minh, đền thờ Nạp Gia Doanh có mái vòm và bốn ngọn tháp. Chính phần trên cao và đặc biệt là mái vòm đã bị chính quyền địa phương nhắm đến khi cho rằng việc xây dựng là bất hợp pháp. Chiến dịch Hán hóa ở Trung Quốc những năm gần đây đã cho dỡ bỏ nhiều thánh giá khỏi nhà thờ và cuỗm mất những phần trang trí tại nhiều đền thờ.
Tòa án và viện kiểm sát quận Thông Hải (Tonghai) hôm Chủ Nhật ra thông cáo khẳng định rằng “một vụ việc” hôm thứ Bảy 27/5 đã gây xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội. Khoảng ba chục người biểu tình dường như đã bị bắt giữ. »
Các nỗ lực tạo ra định chế quản lý cho AI
Các quan chức G7 sẽ gặp nhau vào thứ Ba để lần đầu tiên thảo luận về chính sách quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT. Cuộc họp này một lần nữa cho thấy cả chính phủ và các công ty công nghệ lớn đều đồng ý là cần phải làm gì đó để AI không phát triển quá nhanh đến mức mất kiểm soát. Chẳng hạn, hôm 22 tháng 5, OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, đã kêu gọi thành lập một cơ quan quản lý quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Nhưng để vạch ra các bước cụ thể không hề đơn giản. Ngay cả một định nghĩa chung về AI cũng chưa có, trong khi lợi ích của các bên rất khác nhau. OpenAI, một tổ chức dù tuyên bố phi lợi nhuận nhưng đang ngày càng chạy theo lợi nhuận, muốn các quy định được áp dụng nhẹ nhàng, trong khi EU thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ. Khi mà EU đã có “Đạo luật AI” đang được soạn thảo, họ có thể một lần nữa đặt ra các quy tắc cho thế giới — như họ từng làm về quyền riêng tư với Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung GDPR.
Giá nhà ở Mỹ hồi sinh
Dù lãi suất có thể còn tăng ở Mỹ, giá nhà đang tăng trở lại. Vào tháng 2, giá nhà đã tăng gần 0,2%, chấm dứt chuỗi bảy tháng giảm giá. Giới phân tích sẽ xem xét kĩ lưỡng khi chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller, thước đo giá nhà ở Mỹ, được công bố vào thứ Ba.
Hai yếu tố có thể duy trì đà phục hồi của giá nhà, ngay cả khi lãi suất thế chấp tiếp tục tăng. Đầu tiên là nguồn cung. Sau hơn một thập niên ngành xây dựng hoạt động dưới sức, nước Mỹ đang đối mặt tình trạng thiếu nhà ở, khiến giá nhà bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó là sự phổ biến của “còng tay vàng” — các khoản thế chấp có lãi suất cố định thấp khiến hàng triệu chủ nhà bị ràng buộc với những ngôi nhà mà họ có thể muốn rời đi.
Yếu tố thứ hai là thị trường lao động nóng của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, cùng với khoản tiết kiệm dư thừa sau đại dịch, làm tăng nhu cầu nhà mới. Và với rất nhiều người mua tiềm năng đang chờ đợi, giá có thể vẫn chưa chạm trần.
Tổng thống Lula muốn xây dựng lại hình ảnh Brazil lãnh đạo Nam Mỹ
Vào thứ Ba, tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã tổ chức cuộc họp khu vực cấp cao đầu tiên trong gần một thập niên qua với mười người đồng cấp Nam Mỹ khác. Ông hy vọng sự kiện sẽ giúp hàn gắn một số rạn nứt về ý thức hệ giữa các nhà lãnh đạo trong khu vực.
Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của mình từ năm 2003 đến 2010, Lula đã mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Brazil bằng cách thay mặt cho các quốc gia bất hòa ở Mỹ Latinh trên trường quốc tế. Sau khi nhậm chức vào tháng 1, ông muốn lặp lại thành tích này. Nhưng cơ chế hợp tác của ông, Liên minh Nam Mỹ (UNASUR) do Venezuela khởi xướng vào năm 2004, đang bị suy giảm số lượng thành viên. Và hầu hết các tổng thống đều bận giải quyết các vấn đề ở quê nhà — ví dụ, Peru sẽ cử thủ tướng đến dự sau khi Pedro Castillo bị lật đổ khỏi vị trí tổng thống vào tháng 12. Khi gặp các đồng nghiệp, Lula có thể nhận ra bao nhiêu điều đã thay đổi sau mười năm.
Scandal đại dịch của Boris Johnson vẫn chưa chấm dứt
Thứ Ba này là hạn chót để chính phủ Anh bàn giao một loạt các tài liệu nhạy cảm cho cuộc điều tra chính thức về đại dịch. Đối với những người muốn hiểu điều gì đã sai (hoặc đúng) trong phản ứng của chính phủ Anh trước đại dịch Covid, lô tài liệu này là một mỏ vàng.
Các giấy tờ được yêu cầu bao gồm nhật ký chưa được chỉnh sửa từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, được viết bởi Boris Johnson, người khi đó là thủ tướng, cũng như 24 cuốn sổ ghi chép của ông vào thời điểm đó. Cuộc điều tra cũng yêu cầu tin nhắn WhatsApp giữa ông Johnson và ít nhất 40 quan chức cấp cao nhất của ông. Các bộ trưởng bảo thủ nói việc tiết lộ tin nhắn sẽ tạo tiền lệ có hại. Khả năng sẽ có một cuộc chiến pháp lý.
Cuộc điều tra sẽ đánh giá một cách cẩn thận các cáo buộc ông Johnson vi phạm các quy tắc Covid nghiêm ngặt của chính mình (trước đó ông đã bị phạt vì tham dự một bữa tiệc ở Phố Downing trong thời gian phong tỏa). Các phiên điều trần miệng, bắt đầu vào mùa hè này, hứa hẹn tiếp tục chiếm trang nhất các báo.
Bế mạc cuộc họp thường niên của WHO
Vào thứ Ba, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 sẽ bế mạc. Trong hơn một tuần qua, các bộ trưởng y tế, bác sĩ và các nhà vận động đã đến Geneva để vạch ra các ưu tiên y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cơ quan được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vừa bước sang tuổi 75. Chúng bao gồm các nghị quyết tăng cường thực phẩm thiết yếu, chẳng hạn như gạo, với vitamin và khoáng chất; tăng cường tiếp cận toàn cầu với các dịch vụ phục hồi chức năng, chẳng hạn như vật lý trị liệu; và để giảm số ca tử vong do đuối nước.
Nhưng các vấn đề chính trị – cả quốc tế và nội bộ – đã làm lu mờ phần lớn hội nghị. Đài Loan bị cấm tham gia; họ đáp lại bằng cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc. Nga đã cố gắng (và thất bại) làm hỏng chiếc vé bầu Ukraine vào ban điều hành của WHO. Và Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO, thừa nhận tổ chức này đã làm quá ít trước nạn lạm dụng và quấy rối tình dục trong nội bộ nhân viên suốt nhiều năm qua. Một cuộc điều tra sẽ khép lại trong vòng 200 ngày tới. Trước khi giúp ích cho thế giới, WHO cần tự chữa bệnh cho chính mình.
Bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, Ukraine nêu giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tham dự cuộc họp báo tại ga tàu điện ngầm Maidan Nezalezhnosti vào ngày 23/4/2022 ở Kyiv, Ukraine. (Ảnh: The Asahi Shimbun/Getty Images)
Ukraine đã bác bỏ kế hoạch hòa bình 12 điểm do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất. Một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết kế hoạch hòa bình của Ukraine mới là giải pháp duy nhất để chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Trưởng cố vấn ngoại giao của Nhà lãnh đạo Ukraine – ông Ihor Zhovkva – nói với tờ Reuters rằng Ukraine không quan tâm đến một lệnh ngừng bắn cho phép Nga kiểm soát lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, mà nước này chỉ có một điều kiện duy nhất để kết thúc chiến tranh là: Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine.
Trong những tháng gần đây, ông Zhovkva đã bác bỏ một loạt sáng kiến hòa bình từ Trung Quốc, Brazil, Vatican và Nam Phi.
“Khi nói về cuộc chiến ở Ukraine, kế hoạch hòa bình của Brazil, kế hoạch hòa bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay kế hoạch hòa bình của Nam Phi đều không hiệu quả”, ông Zhovkva nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm thứ Sáu (26/5).
“Trong giai đoạn chiến tranh diễn ra, chúng tôi không cần bất kỳ nước trung gian hòa giải nào. Đã quá muộn để hòa giải”, cố vấn của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Vào tháng 2 năm nay, ĐCSTQ đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm cho cuộc chiến Nga – Ukraine. Kế hoạch này kêu gọi Nga ngừng bắn và hai bên đàm phán hòa bình, nhưng không yêu cầu Nga rút quân mà yêu cầu các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Đáp lại, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã nói rõ vào tháng 3 rằng kế hoạch hòa bình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn chỉ kêu gọi ngừng bắn chứ không yêu cầu Nga rút quân, sẽ chỉ giúp ích cho các lực lượng Nga.
Ông cũng cáo buộc Nga sẽ tận dụng lệnh ngừng bắn đó để tiếp tục củng cố các vị trí của mình tại nước láng giềng Ukraine, cũng như khôi phục lực lượng và đào tạo quân nhân để chuẩn bị cho đợt tấn công mới.
Ông cho rằng điều đó chứng thực một cách hiệu quả cho cuộc chinh phục bất hợp pháp của Nga. Các nước châu Âu cũng có quan điểm tương tự.
Gần đây, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á – Âu Lý Huy đã đến thăm nhiều quốc gia châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về một “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. Trao đổi với tờ Wall Street Journal, một nhà ngoại giao châu Âu từng nói chuyện với ông Lý Huy cho hay, “Chúng tôi đã giải thích (với ông Lý Huy) rằng trừ khi quân đội Nga rút quân [khỏi lãnh thổ Ukraine], nếu không thì đó chỉ là động thái đóng băng cuộc xung đột và điều này không có lợi cho cộng đồng quốc tế”.
Một quan chức khác lập luận rằng mối quan tâm chính của Trung Quốc dường như là đảm bảo rằng Nga không thua trong cuộc chiến và Moscow không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, ông Zhovkva cho biết phản ứng của các đại diện quốc gia đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, là rất tích cực. Các nước G7 cũng không nêu quan ngại về bất kỳ điểm nào trong kế hoạch hòa bình của Ukraine.
Về phần mình, Nga cho biết họ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng Moscow khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ dựa trên “thực tế mới”, nghĩa là công nhận 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập. Đây là điều kiện mà Ukraine sẽ không chấp nhận.
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào lãnh thổ nước Nga. Phản ứng về sự việc này, Ukraine và các nước phương Tây cho biết họ sẽ không công nhận các khu vực này là lãnh thổ của Nga.
Trong khi Ukraine mong muốn các nhà lãnh đạo G7 giúp đưa càng nhiều quốc gia “Nam bán cầu” đến dự “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” do Ukraine đề xuất càng tốt, ông Zhovkva cho hay địa điểm của hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được thảo luận.
Ông Zelenskyy đã tạo ra một “cú hích lớn” trong tháng này nhằm thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia ở “phía nam bán cầu”. Vào ngày 19/5, Tổng thống Ukraine đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út để hội đàm với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, cũng như các quan chức Iraq và các phái đoàn khác.
Sau đó, ông đã bay tới Nhật Bản để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Indonesia bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Hai quốc gia này đại diện cho những tiếng nói quan trọng ở Nam bán cầu.
Mặc dù Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây trong cuộc chiến chống lại Nga, nhưng nước này lại không nhận được sự ủng hộ tương tự từ các quốc gia ở Nam bán cầu (bao gồm Mỹ Latinh, Châu Phi và phần lớn Châu Á). Đây là nơi mà Nga đã đẩy mạnh các khoản đầu tư về năng lượng và ngoại giao của mình trong những năm qua.
Để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đã cố gắng chuyển doanh số bán năng lượng từ các thị trường châu Âu truyền thống sang châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông.
Lam Giang tổng hợp
Ukraina: Thủ đô Kiev bị bắn phá liên tiếp đêm thứ ba
Đêm thứ ba liên tiếp, thủ đô Kiev Ukraina ngày 29/05/2023 bị Nga oanh kích dữ dội. Ban ngày là các đợt bắn phá bằng tên lửa đạn đạo, về đêm đến lượt các loại drone tự sát. Dù phòng không Ukraina đã chặn được khá hiệu quả các đợt oanh, nhưng vẫn không tránh khỏi những thiệt hại về nhân mạng.
Nhiều xe hơi bị hư hại sau cuộc tấn công lớn bằng drone của Nga, Kiev, ngày 30/05/2023. REUTERS – VALENTYN OGIRENKO
Anh Vũ /RFI
Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev tường trình :
“Một kịch bản buồn theo lối cũ lại diễn ra trong đêm qua. Còi báo động phòng không liên hồi kéo lên trong đêm tối. Với những người khó ngủ thì đây là một đêm trắng.
Bất chợt, những loạt đạn phòng không được bắn lên, có thể nhìn bằng mắt thường, nhiều tiếng nổ xé tan bầu trời Kiev.
Một lần nữa các loại drone Shahed 136 do Iran chế tạo bay lượn trên bầu trời thủ đô. Tất cả đều bị bắn chặn, như thường lệ. Các mảnh vỡ của drone rơi xuống đất, nhưng lần này đã gây thiệt hại về người.
Trong khu phố Holosieevski, hai tầng trên cao của một tòa nhà đã bị phá, một người thiệt mạng, một bà cụ bị thương và hai mươi người khác đã được sơ tán khỏi tòa nhà.
Các mảnh của drone bị bắn rơi nằm vương vãi trên mặt đường, trên các xe và tại một xí nghiệp ở phía tây nam Kiev.
Cho dù hệ thống phòng không có hiệu quả, nhưng các mảnh kim loại rớt xuống như vậy thực sự dễ gây rủi ro cho người dân. Họ thường xuyên căng thẳng lo sợ. Trên mạng xã hội, nhiều người dân Kiev viết : ban đêm họ không thể ngủ được nữa và sau đó cả ngày sống vật vờ như thây ma. Đó là một thiệt hại mới của chiến tranh”.
Cũng trong ngày hôm qua, Ukraina thừa nhận một « cơ sở quân sự » đã bị thiệt hại sau các đợt oanh kích của Nga. Chính quyền Ukraina cho biết đang sửa chữa một đường băng của một sân bay trong vùng Khmelnytsky, phía tây đất nước. Ngoài ra 5 máy bay cũng bị hư hại trong vụ tấn công này.
XEM THÊM
Nhật nghi “vệ tinh” của BTT là tên lửa đạn đạo – NHK
Cập nhật 4 giờ trước
Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Hamada Yasukazu nói rằng mặc dù Bắc Triều Tiên thông báo sẽ phóng vệ tinh, nhưng dựa trên những gì đã xảy ra trước đây, ông cho rằng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa đạn đạo.
Trả lời phóng viên hôm thứ Ba về thông báo của Bắc Triều Tiên, Bộ trưởng Hamada cho biết Bắc Triều Tiên thông báo sẽ phóng vệ tinh theo như cách gọi của nước này vào khoảng thời gian từ thứ Tư ngày 31/5 đến ngày 11/6.
Ông cho biết các vụ phóng của Bắc Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an toàn của người dân.
Ông cho biết Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để yêu cầu Bắc Triều Tiên kiềm chế, không có các hành động khiêu khích và tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng cũng cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục thu thập, phân tích thông tin và luôn cảnh giác.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Hamada đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ đánh chặn bất kỳ tên lửa đạn đạo
nào có khả năng rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.
Theo Economist: Nhật Bản đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong tình trạng báo động sau khi Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch phóng một vệ tinh trong vòng hai tuần tới. Chính phủ Nhật Bản cảnh báo sẽ “thực hiện các biện pháp phá huỷ” đối với bất kỳ vật thể nào đe dọa lãnh thổ đất nước. Tháng trước, nhà độc tài Kim Jong Un cho biết Triều Tiên đã chế tạo được vệ tinh do thám đầu tiên.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines-Nhật-Mỹ diễn tập chung
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines sẽ tổ chức diễn tập với các đối tác Nhật Bản và Hoa Kỳ từ thứ Năm tại vùng biển quanh Vịnh Manila.
Các quan chức của 3 nước đã gặp nhau hôm thứ Hai tại trụ sở lực lượng bảo vệ bờ biển ở Manila.
Các bên xác nhận sẽ tăng cường hợp tác, dường như có tính đến các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Khoảng 400 người sẽ tham gia cuộc diễn tập kéo dài 1 tuần, với nội dung thực hành chặn tàu đánh cá bất hợp pháp và triển khai các hoạt động cứu hộ.
Chuẩn đô đốc Armand Balilo, chỉ huy các vấn đề công cộng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cho biết: “Cuộc diễn tập sẽ tăng cường khả năng tương tác. Chúng tôi sẽ lĩnh hội được những thao tác thực hành tốt nhất từ các đối tác”.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ cử tàu tuần tra Akitsushima tham gia diễn tập.
Uganda ban hành luật khắc nghiệt về quan hệ tình dục đồng tính
Tổng thống Uganda ban hành một trong những luật chống đồng tính khắc nghiệt nhất thế giới. Bất kỳ ai bị phát hiện có quan hệ tình dục đồng tính – vốn đã bất hợp pháp – sẽ đối mặt án tù chung thân. Những người quan hệ tình dục đồng tính với người dưới 18 tuổi hoặc người nhiễm HIV có thể bị tử hình. Các nhóm nhân quyền nói luật này sẽ gây cản trở việc điều trị bệnh HIV. Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa trừng phạt nếu Uganda không bãi bỏ luật. (NHK)
Moscow bị tấn công bởi máy bay không người lái (BBC)
Các công ty sản xuất đã hủy bỏ các chương trình hài kịch ở Trung Quốc sau khi một câu đùa của diễn viên hài Li Haoshi dẫn đến một cuộc điều tra của cảnh sát. Ảnh: GETTY IMAGES
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ ngày 25/5 chuẩn thuận hoàn toàn cho thuốc uống điều trị COVID-19 của Pfizer, dọn đường cho nhà sản xuất bán thuốc với giá thị trường khi nguồn cung cấp của chính phủ Hoa Kỳ cạn kiệt.
Paxlovid được FDA cấp phép cho sử dụng khẩn cấp vào cuối năm 2021, khi có nhu cầu rất lớn về các phương pháp điều trị COVID hiệu quả. FDA ngày 25/5 phê duyệt cho phép dùng Paxlovid để điều trị cho người lớn có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh nặng.
Paxlovid, được dùng trong 5 ngày bắt đầu ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng, là một trong số ít phương pháp điều trị được các nhà sản xuất thuốc tung ra trong thời kỳ đại dịch cho thấy tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID giảm đáng kể, dù lợi ích chủ yếu được quan sát nơi những người chưa được tiêm chủng và những người có nguy cơ cao.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ có kế hoạch xử lý phần lớn hàng tồn kho Paxlovid được mua từ Pfizer, vốn được cấp miễn phí tại các hiệu thuốc trên toàn quốc, trước khi chuyển sang thị trường thương mại bình thường.
Tính đến ngày 21 tháng 5, khoảng 14 triệu liệu trình điều trị Paxlovid đã được phân phối, trong đó hơn 9 triệu liệu trình đã được sử dụng, theo dữ liệu liên bang.
Phát ngôn viên của Pfizer cho biết công ty không có kế hoạch đưa ra mức giá mới cho Paxlovid. Nhà sản xuất thuốc Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố rằng tại thời điểm này, chính phủ sẽ tiếp tục giám sát việc phân phối và những cư dân đủ điều kiện sẽ tiếp tục nhận được thuốc miễn phí. Sự chấp thuận hoàn toàn của FDA cho phép Pfizer mở rộng chiến dịch tiếp thị Paxlovid.
Pfizer đã bán cho chính phủ Hoa Kỳ gần 24 triệu liệu trình Paxlovid với giá khoảng 530 đô la một liệu trình.
Viện Đánh giá Kinh tế và Lâm sàng (ICER), một nhóm nghiên cứu về giá thuốc có ảnh hưởng, vào tháng 12 năm ngoái nói giá Paxlovid tại Hoa Kỳ – dựa trên lợi ích và giá trị đối với bệnh nhân – nên nằm trong khoảng từ 563 đô la đến 906 đô la mỗi liệu trình điều trị.
Công ty Pfizer đã bán được khoảng 18,9 tỷ đô la Paxlovid vào năm ngoái và dự báo doanh thu khoảng 8 tỷ đô la cho năm 2023.
Sự chấp thuận đầy đủ của FDA dành cho Paxlovid được đưa ra hai tuần sau khi Hoa Kỳ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19, căn bệnh đã gây ra khoảng 1,1 triệu ca tử vong trên toàn quốc, theo ước tính của chính phủ.
Dữ liệu do cả FDA và Pfizer trình bày trong cuộc họp tư vấn của các chuyên gia bên ngoài đã giúp giảm bớt những lo ngại về an toàn xung quanh khả năng tái phát các triệu chứng COVID sau liệu trình Paxlovid kéo dài 5 ngày.
Mối lo ngại xuất hiện sau nhiều báo cáo về việc các triệu chứng quay trở lại sau khi điều trị bằng Paxlovid, kể cả ở những bệnh nhân nổi tiếng như Tổng thống Joe Biden.
Nga đóng cửa lãnh sự quán Thụy Điển, trục xuất 5 nhà ngoại giao
Nhân viên đại sứ quán Thụy Điển bước ra khỏi khuôn viên cơ quan đại diện ngoại giao ở Moscow vào ngày 25 tháng 5 năm 2023. (Ảnh: AFP).
Chính quyền Matxcova ngày 25/5 cho biết họ đã quyết định trục xuất 5 nhà ngoại giao Thụy Điển, đồng thời đóng cửa tổng lãnh sự quán Nga tại Gothenburg và phái bộ ngoại giao Thụy Điển tại St. Petersburg.
Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Đại sứ Thụy Điển Malena Mard đã được triệu tập và thông báo về các biện pháp trả đũa của Matxcova đối với “đường lối đối đầu” của chính quyền Stockholm.
Bộ Ngoại giao Nga nói: “Một quyết định đã được đưa ra để tuyên bố 5 nhà ngoại giao Thụy Điển là những người không được hoan nghênh”.
Động thái này được đưa ra sau khi Thụy Điển hồi cuối tháng 4 thông báo trục xuất 5 nhà ngoại giao Nga vì “các hoạt động không phù hợp” với quy chế ngoại giao của họ.
Liên Thành
Trang bị thiếu thốn, binh sĩ Nga phải múc nước từ rãnh nước để uống
Binh sĩ Nga phải múc nước từ rãnh nước để uống.
Một đoạn video mới đây đã phơi bày hoàn cảnh khốn khó của các binh sĩ Nga tham chiến tại Ukraina.
Trong đoạn video đăng trên Twitter ngày 24/5, có thể thấy 3 binh sĩ Nga tiếp cận một con mương cạn giữa một đồng cỏ, trong không được sạch sẽ.
Trong khi một người cầm súng canh giữ, một binh sĩ đang bị thương lấy tay vục nước để uống, và một binh sĩ khác có vẻ như dùng chiếc mũ cối của mình để múc nước uống.
Sau đó 2 binh sĩ lành lặn kéo lê người đồng đội bị thương của họ lên bờ.
Thông tin cho biết đoạn video được ghi lại bởi đơn vị trinh sát và tấn công “Shershen” thuộc Tiểu đoàn xung kích số 2 của Lữ đoàn xung kích số 3 của Ukraina.
Nga và Belarus ký một văn bản về việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus
Nga và Belarus ký một văn bản về việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus (Ảnh: TASS).
Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Belarus hôm thứ Năm ngày 25/5 đã ký một văn bản về việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus.
Hãng tin này viết, “Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 cho biết, theo yêu cầu của phía Belarus, Nga sẽ khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tại nước cộng hòa này, như Mỹ đã làm từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh. Theo người đứng đầu nhà nước Nga, vào ngày 1 tháng 7, dự kiến hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Matxcova đã chuyển giao cho Minsk hệ thống tên lửa Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân, đồng thời hỗ trợ tái trang bị cho máy bay Belarus để có thể sử dụng loại đạn đặc biệt. Quân nhân Belarus đã trải qua khóa đào tạo phù hợp tại Liên bang Nga”.
Một cách riêng biệt, trích dẫn phương tiện truyền thông Nga, Reuters đưa tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết phương Tây đang tiến hành một “cuộc chiến không tuyên bố” chống lại Nga và Belarus. Shoigu đang ở Minsk để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên CSTO, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Nga và Belarus, vốn là đồng minh thân cận trong cuộc xung đột ở Ukraina, hồi đầu năm nay đã đồng ý khai triển một phần kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Matxcova ở Belarus. Nga đã thất bại trong nỗ lực chiếm Kyiv từ lãnh thổ Belarus vào năm ngoái.
Cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 24/5 đã cảnh báo việc các quốc gia thành viên của NATO can dự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.
Theo đài Sputnik (Nga), phát biểu tại cuộc họp quốc tế của các đại diện cấp cao phụ trách vấn đề an ninh diễn ra tại Matxcova, ông Lavrov nói: “Về mặt luật pháp, các nước NATO đang can dự trực tiếp vào cuộc xung đột đều đứng về phía Ukraina. Hành động đó làm tăng đáng kể nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết thêm Matxcova đã kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ các quyết định đơn phương nhằm giảm căng thẳng trên thế giới.
Ông nói: “Vì lợi ích của việc giảm căng thẳng, chúng tôi kêu gọi Washington và Brussels từ bỏ các quyết định đơn phương, từ bỏ nỗ lực gạt Liên hợp quốc ra ngoài lề và từ bỏ thiết lập các cấu trúc có thành phần hạn chế ngoài Liên hợp quốc không có tính hợp pháp”.
Trong khi đó, kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, Mỹ và phương Tây nhiều lần cảnh báo về khả năng Matxcova sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng đánh giá khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina là rất thấp, song liên minh này vẫn rất thận trọng trước nguy cơ đó.
Trong phiên khai mạc hội nghị kiểm soát vũ khí thường niên của NATO lần đầu tiên được tổ chức ở Washington vào tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng cảnh báo Washington và các đồng minh NATO phải cảnh giác về những dấu hiệu Matxcova có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong xung đột ở Ukraina.
Liên Thành
Kinh tế ảm đạm, người trẻ Trung Quốc trông chờ vào vé số
Người bán hàng ăn mừng về cuồng nhiệt việc trúng xổ số của mình. (Ảnh: Sing Tao/SCMP).
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi sau ba năm bị kìm hãm do các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19. Trong quý đầu tiên của năm 2023, tăng trưởng của Trung Quốc đạt 4,5%. Tuy nhiên, dữ liệu tháng 4 của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy đà phục hồi đang yếu đi và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 20,4%.
Trong khi đó, doanh số bán vé số trên toàn quốc đã tăng 62% trong năm lên 50,33 tỷ nhân dân tệ (7,28 tỷ USD), đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Tổng cộng doanh thu bán xổ sổ trong 4 tháng đầu năm của Trung Quốc đạt 175,15 tỷ nhân dân tệ, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Freddie Xiao, một phụ nữ 28 tuổi làm sáng tạo nội dung cho một công ty Internet, cho biết: “Kiếm được một triệu không bằng trúng một triệu”. Cô đã mua một vài tờ xổ số trong một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh.
Xiao bày tỏ những lo ngại trước nguy cơ bị mất việc làm, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế đầy khó khăn này.
Một số nhà kinh tế cho biết những bất ổn kinh tế có là yếu tố thúc đẩy doanh số xổ số.
Yi Xianrong, một nhà kinh tế tại Đại học Thanh Đảo, giải thích: “Mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, hy vọng trở nên siêu giàu chỉ sau một đêm với ít tiền bỏ ra. Điều này có liên quan đến nền kinh tế. Nhiều người trẻ tuổi không có gì để làm nên họ đến các cửa hàng xổ số”.
Chính phủ Trung Quốc đã cấm các trò liên quan đến cờ bạc từ năm 1949, nhưng xổ số kiến thiết của nhà nước lại trở nên cực kỳ phổ biến kể từ khi hình thức này bắt đầu hoạt động vào những năm 1980.
Xổ số ở Trung Quốc thường được bán dưới dạng vé giấy thông qua các đơn vị được ủy quyền. Chúng có thể được dễ dàng mua tại cửa hàng xổ số chuyên dụng đến các quầy bán trong siêu thị, bưu điện và trạm xăng.
Tuần này, một người bán hàng rong ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, được cho là trúng giải độc đắc xổ số trị giá 26 triệu nhân dân tệ. Đoạn video ông ăn mừng bằng cách “đập bỏ cần câu cơm” của mình đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Liên Thành
Khoảnh khắc binh sĩ Ukraina yểm trợ cho nhau trong cận chiến Maryinka
Khoảnh khắc binh sĩ Ukraina yểm trợ cho nhau trong cận chiến Maryinka.
Kênh Telegram Voyna18 có đăng một video cho thấy cảnh 2 binh sĩ Ukraina trong một cuộc cận chiến ở thành phố Maryinka, vùng Donetsk.
Hai chiến sĩ đang trấn giữ trong một ngôi nhà đổ nát, một người đứng ở gian ngoài và người còn lại đứng ở gian trong chờ thời điểm phối hợp.
Sau khi binh sĩ đứng ở ngoài đã sử dụng hết đạn của mình, thì binh sĩ thứ hai liền tiến đến yểm trợ bằng một hỏa tiễn vác vai, nhắm vào quân địch gần đó với khoảng cách khá gần. Và sau đó, 2 binh sĩ nhanh chóng rút lui.
Tạ Linh
Học sinh 13 tuổi tốt nghiệp đại học với 4 tấm bằng
(Ảnh minh họa: wavebreakmedia/ Shutterstock)
Cậu bé Elijah Muhammad chỉ mới 13 tuổi nhưng đã nắm trong tay rất nhiều bằng cấp và chứng chỉ có giá trị. Tuy rất đam mê với việc học, Elijah vẫn không quên dành thời gian để vui chơi, tập thể thao với bạn bè.
Theo một lộ trình cơ bản và bình thường, chúng ta sẽ mất khoảng 4 năm học đại học (hoặc 3 năm học cao đẳng) và ra trường ở tuổi ngoài 20 với một tấm bằng chuyên ngành (hoặc 2 nếu học song ngành). Thế nhưng, mới đây, một học sinh cực kỳ thông minh ở Oklahoma đã phá vỡ tất cả những con số thông thường này.
Cậu bé đó là Elijah Muhammad, 13 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học với 4 tấm bằng trong tay. Theo chia sẻ từ gia đình của Elijah, cậu là người Mỹ da đen trẻ nhất tốt nghiệp đại học với bằng khoa học máy tính và an ninh mạng. Và đó vẫn chưa phải là tất cả những thành tích đáng nể của chàng trai tuổi teen.
“Tôi có 10 chứng chỉ IBM thông qua Course Zero, tôi có 1 chứng chỉ CNTT của Google, tôi có 4 bằng tốt nghiệp từ Cao đẳng Cộng đồng Thành phố Oklahoma (Oklahoma City Community College)”, Elijah nói với các phóng viên.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 13/5, cha của Elijah còn nói thêm rằng cậu bé bắt đầu học đại học khi mới 12 tuổi kèm nhiều thành tích vượt bậc khác:
– Google “Sinh viên đại học da đen trẻ tuổi nhất”.
– Theo học 3 trường đại học khác nhau (Cao đẳng Cộng đồng Thành phố Oklahoma (Oklahoma City Community College), Đại học Langston (Langston University) và Đại học Bang Oklahoma (Oklahoma State University).
– Tốt nghiệp với 4 bằng đại học.
– Có hơn 15 chứng chỉ khoa học máy tính.
– Là nhà phân tích An ninh mạng được IBM chứng nhận người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi nhất.
– Là sinh viên tốt nghiệp danh dự Phi Theta Kappa.
– Đạt 3.8 gpa.
– Hoàn thành chương trình học đại học 2 năm chỉ trong 9 tháng.
“Con gái Shania Shakura Muhammad của tôi là người giữ kỷ lục ‘người tốt nghiệp đại học trẻ nhất’ khi mới 14 tuổi và bây giờ con bé đã trao lại danh hiệu cho em trai 13 tuổi của mình”, ông cho biết.
Tuy rất bận rộn với việc học, Elijah vẫn chăm chỉ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí giống như các thiếu niên đồng trang lứa khác.
“Tôi hiện đang theo học tại OSU và đang hoàn thành bằng cử nhân về An ninh mạng và Pháp y. Tôi cũng tham dự Langston với điểm 4.0. Dù đạt được bao nhiêu thành tích, tôi vẫn thích đi bơi, ra ngoài vận động, chơi bóng rổ và vẫn vui vẻ”, Elijah nói.
Elijah có thể nhỏ tuổi, nhưng sự kiên định và nghiêm túc của cậu thì không thua kém bất cứ một người trưởng thành nào.
Đối với những người bạn đang từng bước hướng tới tương lai, cậu muốn nhắn nhủ họ rằng: “Nếu bạn muốn dồn tâm trí để tạo ra cuộc cách mạng 4.0, bạn có thể làm được, nếu bạn muốn dồn tâm trí để giành chức vô địch quốc gia, bạn có thể làm được, bạn chỉ cần nỗ lực hết sức để đạt được điều đó.”
Ghi chú: Trong hệ thống giáo dục Mỹ, College là đại học chỉ đào tạo và cấp bằng về một lĩnh vực cụ thể, còn University là một tổng thể bao gồm nhiều College với nhiều lĩnh vực đào tạo.
Minh Minh/ Theo Breitbart
Tòa bảo hiến Campuchia bác kháng cáo của đảng đối lập duy nhất về đăng ký bầu cử
Son Chhay là nhân vật số 2 của đảng đối lập Ánh nến ở Campuchia.
Hội đồng Bảo hiến Campuchia hôm thứ Năm 25/5 bác bỏ đơn kháng cáo của đảng đối lập duy nhất về việc họ bị loại khỏi cuộc bầu cử, một quyết định đồng nghĩa là đảng cầm quyền sẽ tranh cử mà hầu như không có đối thủ nào vào tháng 7.
Đảng Ánh nến về thực chất là sự tái xuất yếu ớt của một đảng đối lập nổi tiếng đã bị giải tán hồi năm 2017. Đảng này bị loại khỏi cuộc bầu cử ngày 23/7 do không đạt điều kiện về giấy tờ đăng ký, một lệnh cấm mà các nhà hoạt động phản bác, cho rằng điều đó là một phần trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm đè bẹp những ai chống lại vị thủ tướng đã nắm quyền lâu năm là ông Hun Sen.
Tòa bảo hiến gồm 9 thành viên nói rằng việc Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) loại bỏ đảng Ánh nến là hợp hiến và quyết định của tòa này là quyết định cuối cùng.
“Trên cơ sở pháp lý, chúng tôi đã xem xét các dữ kiện”, phó tổng thư ký tòa, Prom Vicheth Akara, nói trong một cuộc họp báo.
“Quyết định của NEC đã tuân thủ hiến pháp”, ông nói và cho biết thêm đã có 18 đảng đăng ký thành công.
Ông Hun Sen, 70 tuổi, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới sau gần 4 thập kỷ cầm quyền, trước đây từng tuyên bố đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông sẽ thống trị chính trường trong một thế kỷ.
Chỉ mới hơn một năm tuổi, đảng Ánh nến là đảng duy nhất trực tiếp tranh cử đối đầu với CPP, là chính đảng đã độc chiếm nền chính trị ở tất cả các cấp kể từ khi đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị giải thể vào năm 2017.
Rất nhiều cựu đảng viên CNRP đã bị giam cầm hoặc bị kết án phạm các trọng tội, nhiều người bị kết án vắng mặt phải sống lưu vong sau các cuộc trấn áp của ông Hun Sen nhằm vào những người chỉ trích và các đối thủ chính trị.
“Chúng tôi rất thất vọng”, Son Chhay, phó chủ tịch đảng Ánh nến, nói trong một tin nhắn sau phán quyết của tòa án. Ông không đi vào chi tiết.
Đảng Ánh nến đã bị loại vào ngày 15/5 vì đã nộp tài liệu đăng ký bầu cử là bản sao chứ không phải bản gốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói vào thời điểm đó rằng chính phủ Campuchia không ngại dùng bất cứ chiêu trò gì để đảm bảo rằng họ không có đối thủ trong cuộc bỏ phiếu, điều này “cho thấy họ không quan tâm đến việc tổ chức một cuộc bầu cử thực sự dân chủ”.
Chính phủ Campuchia nhiều lần phủ nhận chuyện họ có một chiến dịch nhằm tiêu diệt phe đối lập và nói rằng tất cả các hành động được thực hiện đều trong khuôn khổ luật pháp.
Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính:Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Nga tiến hành không kích vào Dnipro của Ukraine
Ukraine hôm thứ hai cho biết ít nhất 8 người bị thương và nhiều tòa nhà bị hư hại trong cuộc không kích của Nga vào khu vực Dnipropetrovsk trong đêm. Lực lượng Không quân Ukraine cho biết Nga sử dụng 16 loại tên lửa khác nhau và 20 drone Shahed-136/131 trong cuộc không kích. Sau đó, lực lượng phòng không Ukraine cũng cho biết đã hạ gục 20 drone và 4 tên lửa hành trình của Nga.
Moscow hôm thứ ba cho biết đã đẩy lui và tiêu diệt rất nhiều “người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc” vượt biên từ Ukraine vào Nga sau hai ngày giao tranh. Hai nhóm nhận trách nhiệm về cuộc đột kích bao gồm Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn Tình nguyện Nga (RVC), cả hai đều nói rằng họ đang tìm cách lật đổ tổng thống Vladimir Putin. Thêm vào đó, cả hai quân đoàn cho biết họ được Ukraine công nhận và các thành viên đều đang chiến đấu chống lại các lực lượng Nga tại khu vực.
Tàu chiến Nga bảo vệ ống dẫn khí đốt Biển Đen bị tàu không người lái Ukraine tấn công
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ tư cho biết tàu chiến Ivan Hurs của Nga đã bị ba tàu không người lái của Ukraine tấn công bất thành ở Biển Đen khi đang trên đường tiếp cận eo biển Bosphorus. Bộ QP Nga cho biết thêm rằng tàu Ivan Hurs đang bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt TurkStream và Blue Stream – vốn vận chuyển khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, một phần đi qua Biển Đen – và đang tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vào tháng chín năm ngoái, các vụ nổ đã làm hư hại đường ống Nord Stream 1 và 2 đưa khí đốt từ Nga dưới biển Baltic đến Đức.
Ukraine tiến hành bao vây Bakhmut khi Nga tuyên bố chiếm được thành phố
Ukraine cho biết các lực lượng của họ vẫn đang được triển khai nhằm bao vây Bakhmut sau khi tổng thống Putin chúc mừng lực lượng Wagner và quân đội Nga đã chiếm được thành phố này. Cùng lúc đó, Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine đã đến thăm các vị trí tiền tuyến gần Bakhmut và cảm ơn quân đội đã bảo vệ khu vực này cũng như khẳng định rằng lực lượng Ukraine đang tiếp tục tiến công dọc theo sườn thành phố. Quân đội Ukraine vẫn đang bảo vệ các cơ sở hạ tầng và công nghiệp, đồng thời đã chiếm được một phần của các vị trí cao hướng ra biển.
Rheinmetall tìm cách ký thỏa thuận xe bọc thép với Ukraine
Tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall chuẩn bị ký hợp đồng mới với Ukraine nhằm sản xuất xe bọc thép chở quân Fuchs. Rheinmetall cũng cho biết thêm rằng Ukraine cũng quan tâm đến xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại Panther và xe chiến đấu bộ binh Lynx. Trong thời gian gần đây, Rheinmetall đã thành lập một liên doanh với tập đoàn quốc phòng hàng đầu Ukraine UkrOboronProm để sửa chữa và sản xuất các phương tiện chiến đấu.
Chính quyền Biden công bố gói hỗ trợ an ninh thứ 38 cho quân đội Ukraine
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm Chủ nhật đã công bố gói hỗ trợ an ninh thứ 38 để đáp ứng các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng của Ukraine. Gói viện trợ quân sự mới này cho Ukraine bao gồm đạn dược bổ sung cho HIMARS, đạn pháo, vũ khí chống thiết giáp và các thiết bị hỗ trợ quan trọng trị giá tới 375 triệu USD. Tính đến nay, Mỹ đã đã viện trợ an ninh cho Ukraine tổng cộng 38 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 1,600 hệ thống phòng không Stinger, 10,000 hệ thống chống tăng Javelin, 60,000 hệ thống vũ khí và đạn dược chống tăng, cùng hàng ngàn các loại đạn dược và vũ khí khác.
Nga nói việc viện trợ F-16 cho Ukraine đặt ra nghi vấn về sự can dự của NATO
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết việc viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ đặt ra nghi vấn về sự can dự của NATO vào cuộc chiến. Trước đó, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ sáu đã phê duyệt các chương trình đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu F-16. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau đó cam kết với tổng thống Biden rằng máy bay F-16 sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đại sứ Anatoly Antonov nói thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea sẽ được coi là một cuộc tấn công vào Nga và “điều quan trọng là Mỹ phải nhận thức đầy đủ về phản ứng của Nga”.
Đức cho biết một lô hàng gồm 54 máy bay không vũ trang Vector đã được gửi tới Ukraine. Kiev đã đặt hàng 33 chiếc vào đầu tháng 8 năm ngoái và đã đặt thêm 105 chiếc sau lô hàng đầu tiên. Vector là drone cất cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL UAV), cánh quạt của nó có chiều dài 1,63 mét, sải cánh 2,8 mét, được sử dụng để trinh sát trên không. Drone trinh sát Vector có thời gian bay 120 phút và có thể truyền tải các đoạn video và dữ liệu từ khoảng cách lên tới 30 km, tương tự với phạm vi hoạt động của nhiều loại pháo.
Tổng thống Hàn Quốc cam kết mở rộng viện trợ phi sát thương cho Ukraine
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ mở rộng viện trợ không sát thương, bao gồm các thiết bị phát hiện và gỡ mìn và phương tiện cứu thương cho Kiev nhân chuyến thăm của đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đến Seoul hôm thứ ba vừa qua. Ngoài ra, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng lên án cuộc xâm lược của Nga, rằng “những thiệt hại khủng khiếp về sinh mạng vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào”. Phía Ukraine cũng không có bất kỳ yêu cầu nào về việc viện trợ vũ khí từ Hàn Quốc.
Microsoft cáo buộc hacker do Trung Quốc hậu thuẫn tấn công cơ sở hạ tầng đảo Guam
Microsoft hôm thứ tư cho biết đã phát hiện ra một hoạt động độc hại tên Volt Typhoon từ một hacker được Trung Quốc bảo trợ nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở đảo Guam và Mỹ. Theo đó, chiến dịch Volt Typhoon “đang phát triển các khả năng có thể làm gián đoạn cơ sở hạ tầng liên lạc quan trọng giữa Mỹ và khu vực châu Á trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai”. Đảo Guam là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của Mỹ, bao gồm cả Căn cứ Không quân Andersen, nơi sẽ là chìa khóa để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tên lửa siêu thanh Trung Quốc ‘có thể tiêu diệt tàu sân bay mới nhất của Mỹ’
Một nhóm nhà khoa học cho biết vũ khí siêu thanh của Trung Quốc có thể tiêu diệt tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận gần đây. Theo đó, các mô phỏng do một nhóm nghiên cứu thực hiện trên nền tảng phần mềm giả lập chiến tranh được quân đội Trung Quốc sử dụng cho thấy lực lượng Trung Quốc đã đánh chìm hạm đội tàu sân bay USS Gerald R Ford bằng một loạt 24 tên lửa chống hạm siêu thanh. Trước đó, một tài liệu mật bị rò rỉ cho biết Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh DF-27, vốn có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và được thiết kế để tăng cường khả năng của Bắc Kinh trong việc tấn công các khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam.
Chiếc ô hạt nhân của Mỹ sẽ củng cố an ninh của Đài Loan
Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Su Tzu-yun nói rằng Đài Loan sẽ nâng cao được khả năng phòng thủ hạt nhân nếu được đưa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Ông Su nhấn mạnh rằng răn đe có thể được phân loại thành răn đe hạt nhân và răn đe thông thường, trong đó Đài Loan hoạt động theo khuôn khổ răn đe thông thường, vốn dựa vào các lực lượng và vũ khí truyền thống như mìn, tên lửa và rocket. Phó giáo sư chính trị quốc tế Lu Hsin-chi nói rằng để xác định được lợi ích của khả năng răn đe hạt nhân thì cần phải xem xét hai yếu tố trong nước và quốc tế. Theo đó, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào năm tới sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng vì nó phản ánh nguyện vọng của người Đài Loan và tác động trực tiếp đến đánh giá của cộng đồng quốc tế về tình hình eo biển Đài Loan. Ở cấp độ quốc tế, nếu Mỹ cam kết bảo vệ hạt nhân cho Đài Loan, vốn là lằn ranh cuối cùng của Trung Quốc, sẽ khiến Bắc Kinh có phản ứng mạnh mẽ hơn.
Bộ Tư lệnh Bành Hồ đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ven biển vào sáng sớm thứ năm nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của quần đảo. Cuộc tập trận mở đầu bằng màn bắn đạn cối 120mm, sau đó là bắn máy bay bằng súng máy, và bắn đạn thật trên xe tăng M60A. Quân đội Đài Loan sau đó đã tiến hành một cuộc tập trận phản công để bảo vệ bờ biển. Trước đó, vào thứ tư, Đài Loan đã bắt đầu cuộc tập trận chống đổ bộ kéo dài hai ngày dọc theo bờ biển Yilan, mô phỏng một cuộc xâm lược tiềm năng của Trung Quốc.
Đài Loan khẳng định việc bàn giao máy bay phản lực F-16V sẽ hoàn tất vào cuối năm 2026
Đài Loan cho biết tất cả 66 máy bay chiến đấu F-16V đặt hàng từ Mỹ sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2026 bất chấp các báo cáo về “những thách thức phát triển phức tạp”. Theo đó, Lực lượng Không quân Mỹ hôm thứ tư cho biết rằng các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến việc vận chuyển chậm trễ này. Việc hoãn vận chuyển vũ khí đã khiến các chính trị gia Mỹ lo ngại trong bối cảnh hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm các cuộc xâm nhập gần như hàng ngày của máy bay quân sự Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Chỉ hơn một nửa người dân Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến toàn diện để giành quyền kiểm soát Đài Loan
Theo một cuộc khảo sát mới đây về vấn đề tái thống nhất Đài Loan với sự tham gia của 1,824 người Trung Quốc, 55% nói rằng họ ủng hộ việc “phát động một cuộc chiến tranh thống nhất để giành lại hoàn toàn Đài Loan”, 1/3 phản đối và số còn lại nói rằng họ không chắc chắn. Ngoài 55% ủng hộ một cuộc chiến toàn diện, chỉ 1% ủng hộ lựa chọn cực đoan nhất là không thử các lựa chọn khác trước. Các lựa chọn khác được thiết kế để ép buộc Đài Loan đồng ý thống nhất cũng giành được sự ủng hộ của đa số, bao gồm “bắt đầu các chiến dịch quân sự hạn chế ở ngoại vi Đài Loan” (58%), “sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế” (57%) và “duy trì hiện trạng để tăng sức mạnh kinh tế và quân sự” cho đến khi thống nhất (55%).
Việt Nam chỉ trích Trung Quốc, Philippines về hành vi ở Biển Đông
Việt Nam hôm thứ năm đã chỉ trích hành vi gần đây của một tàu nghiên cứu Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở Biển Đông, cáo buộc Manila và Bắc Kinh có những hành động đơn phương vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đối đầu nhau trong những ngày gần đây khi một tàu nghiên cứu của Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hà Nội. Philippines cũng bị khiển trách vì đã đặt các phao định hướng ở 5 khu vực tại EEZ của nước này để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc triển khai ba đèn hiệu ‘dẫn đường’ ở Trường Sa
Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc hôm thứ tư cho biết Trung tâm An ninh Hàng hải Biển Đông đã đặt ba đèn hiệu gần Mỏm đá Irving (mỏm đá Balagtas), Whitsun (Julian Felipe) và Ga Ven (Burgos) thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm và bãi cạn. Đầu tháng này, Manila cũng đã đặt các phao định hướng mang cờ quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, bao gồm cả tại mỏm đá Balagtas và Julian Felipe, nơi hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu vào năm 2021 và năm 2022.
Mỹ gửi hàng không mẫu hạm thứ hai đến Nhật Bản cho G-7
Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay USS Nimitz và các đơn vị từ nhóm tàu sân bay tấn công của đã đến Sasebo, Nhật Bản cho một chuyến thăm cảng theo lịch trình. Việc bổ sung tàu Nimitz, đồng nghĩa với việc có hai hàng không mẫu hạm cập cảng Nhật Bản khi các nhà lãnh đạo G7 tập trung tại Hiroshima để dự hội nghị thượng đỉnh. Vào năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã thực hiện các chuyến bay chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông ngay sau khi các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc gặp nhau tại Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh bộ Tứ. Do đó, Hải quân Mỹ dường như đang chuẩn bị cho một phản ứng tương tự, đặc biệt là khi G-7 đề cập đến “Trung Quốc” 20 lần trong thông cáo đưa ra hôm thứ bảy.
Mỹ chuyển hướng sang xưởng đóng tàu tư nhân Nhật Bản để sửa chữa tàu chiến nhanh hơn
Hải quân Mỹ đang nghiên cứu việc sử dụng các xưởng đóng tàu tư nhân của Nhật Bản để bảo trì, sửa chữa và đại tu các tàu chiến của mình nhằm giảm bớt các công việc bảo dưỡng tồn đọng ở quê nhà – một ý tưởng có khả năng mở rộng sang Hàn Quốc, Singapore và Philippines. Trong quá khứ, Hải quân Mỹ đã sử dụng các xưởng đóng tàu ở Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines để sửa chữa các tàu hậu cần, chẳng hạn như tàu phụ trợ và tàu tiếp dầu. Nhưng việc mở rộng này sẽ bao gồm các tàu chiến, chẳng hạn như tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu đổ bộ được triển khai tới Nhật Bản.
Anh gửi tàu sân bay đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2025
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm thứ năm tuyên bố Hải quân Hoàng gia Anh sẽ triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và các quốc gia khác tại khu vực. Hiện chưa có thông tin chi tiết về việc triển khai tàu sân bay mới ngoài việc Anh cho biết rằng nhóm tàu tấn công sẽ bao gồm các tàu hộ tống hải quân và máy bay chiến đấu F-35 hoạt động cùng với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng hải quân khác trong khu vực. Chuyến thăm của thủ tướng Rishi Sunak cho thấy Anh xác nhận họ sẽ tăng số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận quân sự Vigilant Isles được lên kế hoạch cho Nhật Bản vào cuối năm nay.
Thủ tướng Kishida cân nhắc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7
Thủ tướng Fumio Kishida đang thu xếp để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến vào tháng bảy tới. Bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Lithuania, thủ tướng Kishida dự kiến sẽ có cuộc hội đàm song phương với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để thảo luận về kế hoạch mở văn phòng liên lạc của liên minh này tại Tokyo. Năm 2022, thủ tướng Kishida trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO, trong bối cảnh môi trường an ninh trở nên phức tạp hơn trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng như sức mạnh quân sự ngày càng tăng và sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Hàn Quốc, Đức ký hiệp ước tình báo nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng
Hàn Quốc và Đức sẽ sớm ký một thỏa thuận nhằm bảo vệ bí mật quân sự để tăng cường hợp tác quốc phòng khi tổng thống Yoon Suk-yeol gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Seoul. Thỏa thuận thông tin quân sự sẽ giúp “chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng vận hành trơn tru”, trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Tổng thống Yoon Suk-yeol và thủ tướng Olaf Scholz cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và các lĩnh vực khác.
Công ty Hàn Quốc kết hợp AI với hình ảnh để phát hiện tên lửa đạn đạo
Một công ty Hàn Quốc chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh đang phát triển các kỹ thuật mới để xác định tên lửa, bệ phóng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ ở Triều Tiên với các ứng dụng tiềm năng vượt xa Bình Nhưỡng. Dự án mới nhất hợp nhất dữ liệu quan sát trái đất từ nhiều nhà khai thác vệ tinh thương mại với phân tích hình ảnh tăng cường bằng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và phân loại các điểm bất thường – ví dụ như hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Papua New Guinea sẽ không là bàn đạp cho ‘các hoạt động quân sự tấn công’
Papua New Guinea (PNG) sẽ không được sử dụng làm căn cứ để “tiến hành chiến tranh” và một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ nghiêm cấm “các hoạt động quân sự mang tính tấn công” tại quốc đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ hai cho biết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng được ký với PNG sẽ mở rộng khả năng của PNG và giúp quân đội Mỹ huấn luyện các lực lượng của mình dễ dàng hơn. Thỏa thuận này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của sinh viên trong bối cảnh lo ngại rằng nó có thể lôi kéo PNG vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lầu Năm Góc từ chối lời đề nghị mua F-35 của Thái Lan
Bộ Quốc phòng Mỹ ngụ ý rằng họ sẽ từ chối lời đề nghị mua máy bay chiến đấu F-35 của Thái Lan. Đại sứ Mỹ Robert F Gordec cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng lực lượng không quân Thái Lan (RTAF) chưa có cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho F-35, đặc biệt là an ninh căn cứ không quân, sân bay, bảo trì, phi công và các nguồn nhân lực liên quan khác. Tuy nhiên, Mỹ không từ chối thẳng thừng yêu cầu mua F-35 của Thái Lan và sẽ cân nhắc lại khi RTAF sẵn sàng, có thể trong vòng 5 đến 10 năm tới. Thay vào đó, họ đề nghị bán máy bay chiến đấu F-16 Block 70 và F-15 Eagle cho Thái Lan.
Các thiết kế phòng thủ mới của EU nhằm mục đích chuẩn bị cho các xung đột cường độ cao
EU đã công bố 11 chương trình quốc phòng hợp tác mới để bổ sung vào danh sách các dự án hợp tác cấu trúc thường trực về an ninh quốc phòng (PESCO) của mình và Đan Mạch đã đăng ký làm thành viên thứ 26 của chương trình. Chương trình quốc phòng mới sẽ bao gồm huấn luyện, đạn dược, pháo phản công, tên lửa phóng từ trên không và máy bay trực thăng cỡ trung bình, các dự án mới bổ sung vào 57 dự án đã được thiết lập bởi PESCO, phù hợp để chia sẻ tài chính giữa các thành viên EU và phát triển các khả năng phòng thủ mới.
Ba Lan muốn mua máy bay cảnh báo sớm của Thụy Điển
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết Warsaw đang đàm phán với Thụy Điển để mua một số lượng máy bay cảnh báo sớm cho Lực lượng Không quân Ba Lan. Bộ trưởng Błaszczak không tiết lộ thiết kế của chiếc máy bay sẽ được mua, mặc dù các nhà quan sát ngành công nghiệp địa phương cho biết chính phủ Ba Lan muốn có máy bay GlobalEye của Saab. Stockholm đã đặt mua hai chiếc máy bay với giá khoảng 689 triệu USD, với tùy chọn mua thêm hai chiếc nữa. Máy bay sẽ được trang bị radar Erieye Extended Range có tầm hoạt động hơn 550 km.
Estonia và Lithuania tìm mua hệ thống phòng không tầm trung của Đức
Estonia và Lithuania sẽ bắt đầu đàm phán với Diehl Defense của Đức để mua một hệ thống phòng không tầm trung. Chi phí của hệ thống phòng không Iris-T SLM và các cấu phần bổ sung như cơ sở hạ tầng, nhân sự, huấn luyện, thiết bị sẽ được xác định tại các cuộc đàm phán. Tháng 10 năm ngoái, Estonia và Lithuania nằm trong số 14 đối tác NATO tại châu Âu ký một ý định thư cùng mua các hệ thống phòng không khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho thấy sự thiếu hụt về hệ thống vũ khí này.
Ba người Palestine thiệt mạng trong cuộc đột kích ở Bờ Tây của Israel
Lực lượng an ninh Israel đã giết chết ba người Palestine trong một cuộc đột kích ở Bờ Tây bị chiếm đóng vào đầu ngày thứ Hai. Hàng trăm binh sĩ đã tham gia cuộc đột kích trước bình minh và ba người Palestine thiệt mạng là những tay súng đã đọ súng với lực lượng. Không có nhóm vũ trang nào lên tiếng xác nhận danh tính những người đàn ông bị giết trong trại tị nạn Balata ở thành phố Nablus ở phía bắc Bờ Tây, khu vực mà các lực lượng Israel đã tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên trong năm qua.
Hezbollah tổ chức tập trận gần biên giới Lebanon với Israel
Hezbollah đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới phía nam của nước này với Israel nhằm phô trương sức mạnh quân sự. Theo đó, khoảng 200 chiến binh Hezbollah đã sử dụng đạn thật và drone tấn công để tham gia cuộc tập trận hôm chủ nhật tại Aaramta, cách biên giới Israel 20km về phía bắc. Cuộc tập trận diễn ra trước ngày kỷ niệm Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon vào ngày 25 tháng 5 năm 2000.
Israel cáo buộc Iran sử dụng tàu dân sự làm ‘căn cứ khủng bố trên biển’
Israel cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hôm thứ Hai biến các tàu thương mại thành bệ phóng tên lửa, máy bay không người lái và biệt kích, nói rằng mục tiêu là mở rộng ảnh hưởng hải quân bí mật của Tehran ra ngoài vùng Vịnh. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói tại diễn đàn an ninh Hội nghị Herzliya rằng đây là “căn cứ khủng bố nổi” và một chiếc gần đây đã đi về phía Vịnh Aden. Phía Iran không có bất kỳ bình luận nào về vụ việc.
Người biểu tình ở Tigray của Ethiopia yêu cầu các lực lượng bên ngoài rút quân
Hàng nghìn người đã biểu tình hôm thứ Ba ở khu vực Tigray phía bắc Ethiopia để yêu cầu những người dân phải sơ tán sau cuộc chiến kéo dài hai năm được trở về nhà và yêu cầu các lực lượng bên ngoài còn sót lại kể từ khi cuộc xung đột kết thúc phải rút lui. Cuộc chiến giữa một bên là quân đội chính phủ và các đồng minh của họ từ nước láng giềng Eritrea và khu vực Amhara và bên kia là lực lượng Tigrayan đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11 năm ngoái. Sau đó, lực lượng Tigray đã bắt đầu giải giáp, một chính phủ lâm thời đã được thành lập và nhiều dịch vụ cơ bản đã được khôi phục. Nhưng chính quyền Tigrayan đã phàn nàn về sự hiện diện liên tục của các lực lượng quân sự bên ngoài.
các phe phái tham chiến ở Sudan đã đồng ý ngừng bắn trong 7 ngày sau các cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi. Thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực sau 48 giờ, lúc 9:45 tối giờ địa phương (19:45 GMT) vào thứ hai. Vào thứ tư, các cuộc không kích và đụng độ xuyên đêm ở Khartoum đã làm giảm hy vọng về thỏa thuận ngừng bắn trước đó. Các cuộc đọ súng cũng diễn ra ở Khartoum Bắc và Omdurman. Tính đến nay, it nhất 1.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người buộc phải rời bỏ Sudan để tị nạn tại các nước xung quanh.
Mỹ đã có những mục tiêu mờ nhạt trong cuộc chiến tại Ukraine khi những lời hô hào như “hãy giúp Ukraine tự bảo vệ mình” hay thậm chí tệ hơn “hãy giúp Ukraine đạt được vị trí đàm phán tốt nhất có thể” đều trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, Ukraine tự định nghĩa được chiến thắng của mình ra sao? Đó là biên giới trước năm 2014 đã sạch bóng quân xâm lược, những người lưu vong và tị nạn hồi hương, xã hội và kinh tế được xây dựng lại, đạt được tư cách thành viên của EU và NATO, và đảm bảo rằng những kẻ phạm tội tác chiến tranh sẽ đối mặt với công lý. Do đó, phương Tây nên thuận theo chiến thắng mà Ukraine mong muốn. Nhưng để làm được điều này, phương Tây không những cần viện trợ cho Ukraine để đánh bại Nga mà còn phải thuyết phục Moscow rằng bản thân đã thất bại.
Một nước Nga bại trận sẽ đặt Bắc Kinh vào thế phòng thủ, cũng như củng cố liên minh phương Tây, và giúp duy trì một số chuẩn mực thiết yếu của hành vi đúng đắn ở những nơi quan trọng nhất trên thế giới đối với Mỹ và đồng minh. Trên hết, thất bại của Nga cũng sẽ ngăn chặn vĩnh viễn giấc mộng đế chế Nga vì nếu không có Ukraine, Moscow không thể trở thành một đế chế. Nhưng để đánh bại Nga, phương Tây không cần phải đánh tới Moscow, và cũng không cần thiết phải khiến Nga không còn khả năng tự vệ hay kiệt quệ. Thay vào đó, chiến thắng có thể đạt được từ giới lãnh đạo và người dân Nga. Mặt khác, Ukraine không chỉ phải đạt được chiến thắng trên chiến trường mà còn phải đảm bảo rằng Nga sẽ thất bại thảm hại với hàng ngàn quân tháo chạy, đào ngũ, hay chĩa súng vào chỉ huy của mình.
Hơn hết, phải làm cho Nga thừa nhận quan điểm trước đây về Ukraine sẽ không còn nữa bằng cách thúc đẩy quá trình gia nhập NATO và EU của Kyiv. Kế đến, phương Tây cũng cần có một chiến dịch thông tin quyết liệu về sự thất bại của Nga. Theo đó, phương Tây cần nhắc nhở Moscow rằng quy mô kinh tế Nga chi bằng 1/10 của EU, số lượng máy bay chiến đấu mạnh nhất là Su-57 cũng sẹ bị áp đảo bởi F-35s, các tướng lĩnh của Nga hoàn toàn yếu kém và quá cổ lỗ, cùng với hậu cần đang bị đục khoét bởi hối lộ và tham nhũng. Cuối cùng, Nga cũng phải bị cô lập cả về chính trị lẫn tâm lý, do đó lợi dụng sự mâu thuẫn trong lịch sử của nước này về phương Tây, được thể hiện ở hai thủ đô của nước này: St. Petersburg, vốn hướng về châu Âu và Moscow, vốn hướng về châu Á.
Tầm quan trọng của các cấp lãnh đạo chính phủ và quân sự Ukraine trong cuộc phản công sắp tới là gì?
Có hai khía cạnh về sức mạnh chiến đấu rất quan trọng đối với tình hình quốc phòng của Ukraine: đó là các yếu tố về đạo đức và trí tuệ tạo nên sức mạnh chiến đấu của người Ukraine. Yếu tố trí tuệ sẽ cung cấp kiến thức về chiến tranh, chiến lược và khả năng nhận thức, trong khi yếu tố đạo đức củng cố văn hóa, giá trị và tính chính danh, và là nền tảng cho ý chí chiến đấu, vốn thuộc về phương diện con người mà cụ thể hơn là lãnh đạo.
Trước nhất là về vai trò của tổng thống Zelensky trong cuộc chiến. Tổng thống Zelensky đã quy người dân về một mối, và lèo lái đất nước vượt qua cuộc xâm lược của Nga. Một nhà lãnh đạo giỏi là một người biết lắng nghe cấp dưới của mình và cung cấp cho họ mục tiêu, nguồn lực và phương hướng rõ ràng, cho phép cấp dưới của mình làm những gì họ cần. Ngoài Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, người đã đem lại cho Kyiv nguồn viện trợ quân sự khổng lồ tư phương Tây, và tổng tư lệnh Valerri Zaluzhnyi, người đã giám sát chiến lược phòng thủ trong khi lên kế hoạch cho cuộc phản công sắp tới, cũng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến. Cả hai được miêu tả là “cầu nối không thể so sánh” giữa giới lãnh đạo quân sự và dân sự. Nhưng tổng tư lệnh Zaluzhny đảm trách việc chỉ huy một lớp các lãnh đạo khác là các vị tướng cấp cao, những người dẫn dắt quân đội, hải quân, và không quân cũng như các lực lượng tình báo, hậu cần hiệp đồng khác. Những vị tướng này là người đưa các phương hướng chiến lược vào kế hoạch, lực lượng chiến đấu, hỗ trợ hậu cần, phòng không, tấn công tầm xa, thu thập thông tin tình báo và nhiều chức năng quân sự quan trọng khác phải được đồng bộ hóa để Ukraine giành chiến thắng.
Ngoài ra, còn một lớp lãnh đạo nữa rất quan trọng đó là những chỉ huy các cấp từ phân khu, sư đoàn, trung đoàn, đến lữ đoàn vốn tập trung vào việc diễn tập, chuẩn bị và đánh sáp lá cà với quân Nga. Đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ Nga, thế hệ chỉ huy tác chiến mới đã học hỏi cách đánh mới: đó là khai thác drone và mạng chỉ huy kỹ thuật số để kết nối tốt hơn các lực lượng trinh sát với pháo binh, đồng thời cải thiện và kết nối các hoạt động vũ khí kết hợp. Cũng chính thế hệ chỉ huy mới này đã học các cách tiếp cận của phương Tây đối với các chỉ huy nhiệm vụ và phát triển phương thức chiến tranh của riêng Ukraine. Khác với các lãnh đạo khác, những chỉ huy tác chiến được giao trọng trách lãnh đạo đơn vị của mình tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường, vốn là sự thúc ép kinh khủng nhất của ý chí con người.
Xem thêm tại: Twitter, Mick Ryan. Truy cập ngày 23/5/2023
Nguyên nhân nào khiến Anh và Mỹ bất đồng về cuộc chiến tại Ukraine?
Tuy Mỹ và Anh là đồng minh thân cận, nhưng bất đồng quan điểm về vấn đề Ukraine giữa Washington và London đang ngày càng gay gắt. Trong khi người Anh muốn người Mỹ phải quyết liệt hơn, thì người Mỹ lại muốn người Anh cẩn trọng hơn. Trước nhất, sự bất đồng chủ yếu xoay quanh việc viện trợ vũ khí.
Vào tuần trước, Anh đã tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine tên lửa hành trình Bão Ảnh cùng các thiết bị chiến tranh điện từ cũng như hỗ trợ tình báo. Dù gói viện trợ của Anh vẫn chưa thể so với Mỹ, London lại cho thấy một nỗ lực lâu dài trong việc viện trợ vũ khí tốt nhất của mình cho Ukraine. Thêm vào đó, Anh cũng đã điều lực lượng đặc nhiệm SAS và trung đoàn SRR cũng như các đơn vị hải quân SBS đang hoạt động rất gần với tiền tuyến, để thực hiện nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Ukraine. Tuy vậy, sự hỗ trợ này là không tưởng ở giai đoạn từ năm 2006 đến 2022, khoảng thời gian mà chính sách đối ngoại Anh hoàn toàn đặt mối đe dọa từ các nhóm khủng bố Hồi giáo làm trọng tâm. Cho đến khi cuộc xâm lược của Nga diễn ra vào năm 2022, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson, vốn là một người thân Nga, cũng thay đổi thái độ đối với Moscow khi ông điều lực lượng đặc nhiệm đến Ukraine cùng với lượng lớn các loại vũ khí khác nhau và khả năng tình báo khác. Sau thành công của những nỗ lực nhằm bảo vệ Ukraine của thủ tướng Boris Johnson, thủ tướng Anh đương nhiệm Rishi Sunak, người vốn được coi là chú trọng vào Trung Quốc nhiều hơn, cũng đã tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine.
Nhưng không chỉ Anh, các quốc gia Baltic và Ba Lan cũng đã than thở về sự thờ ơ của chính quyền Biden khi không viện trợ cho Ukraine vũ khí tân tiến mà Kyiv yêu cầu. Ngoài ra, sự cẩn trọng của Mỹ còn thể hiện ở những khu vực khác, ví dụ như khi một chiến đâu cơ của Nga bắn rơi drone của Mỹ tại Biển Đen hồi tháng ba, chính quyền Biden đã ra lệnh cho các chuyến bay tiếp theo sẽ phải tránh xa khu vực chiến trường.
Có quan điểm cho rằng Mỹ không cần phải chọn lựa giữa viện trợ cho Ukraine hay ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Để có thể thực hiện hai nhiệm vụ trên cùng lúc, Mỹ cần phải tập trung nguồn lực để củng cố khả năng phòng thủ của Đài Loan trong khi chủ yếu dựa vào các đồng minh ở châu Âu để chống lại một nước Nga suy yếu. Nhưng vấn đề là cả Ukraine và Đài Loan đều cùng sử dụng một số loại vũ khí trong khi Mỹ chỉ có thể cung cấp một số lượng hạn chế. Vậy Mỹ có thể làm gì để đảm bảo vừa có thể bảo vệ Đài Loan vừa duy trì lợi ích của mình tại Châu Âu?
Trước nhất, Mỹ cần phải tăng tốc độ vận chuyển vũ khí quan trọng cho Đài Loan, bao gồm các vũ khí tấn công như HIMARS, ATACMS, GMLRS và drones, cũng như vũ khí phòng thủ NASAMS, Patriots, Harpoons, Stingers và Javelins. Để có thể thực hiện điều này, chính quyền Biden nên sử dùng thẩm quyền rút vốn của tổng thống để nhanh chóng vận chuyển vũ khí lấy từ kho đạn của Mỹ, với ưu tiên dành cho Đài Loan hơn là Ukraine đối với bất kỳ vũ khí nào mà cả hai đều cần. Ngoài ra, Washington cũng cần phải nhanh chóng đặt Đài Loan lên hàng đầu đối với việc bán vũ khí cho nước ngoài trên cả Ukraine và các đối tác ở Trung Đông. Cùng với đó, Mỹ cũng cần gia tăng hỗ trợ an ninh cho Đài Loan nhưng với điều kiện nghiêm ngặt rằng hòn đảo phải tăng ngân sách quốc phòng và theo đuổi chiến lược phòng thủ bất đối xứng. Tiếp đến, Mỹ cần phải mở rộng quy mô sản xuất vũ khí bằng cách phục hồi nền công nghiệp quốc phòng đang thoi thóp thật nhanh. Thêm vào đó, khi việc đánh đổi với các nơi khác phát sinh do thiếu vốn, nguồn cung, nhân công, thì Đài Loan phải được ưu tiên. Cuối cùng, chính quyền Biden cần phải xem việc phòng thủ Đài Loan nghiêm túc hơn nữa, bao gồm việc đảm bảo lực lượng của Mỹ tại châu Á nhận nguồn lực tình báo cần thiết đồng thời tập trung vào việc gia tăng vành đai phòng thủ ở khu vực. Song việc ưu tiên Đài Loan không có nghĩa là Mỹ phải bỏ rơi châu Âu. Thay vào đó, Mỹ nên để cho các đồng minh đảm đương trách nhiệm chính cho việc phòng thủ châu Âu, chủ yếu dựa vào Mỹ để có khả năng răn đe hạt nhân mở rộng và lựa chọn các năng lực thông thường không làm giảm khả năng ngăn chặn Trung Quốc của chúng ta.
Lý do Mỹ nên ngưng các căn cứ quân sự ở nước ngoài là gì?
Bất chấp các bước tiến lớn về công nghệ quân sự trong thời gian qua, Mỹ không thể hoàn toàn chiến đấu ở khoảng cách xa. Do đó, sự hiện diện của Mỹ gần các khu vực xung đột tiềm tàng vẫn còn có giá trị không chỉ trong việc báo hiệu khả năng mà còn thể hiện ý chí chính trị để tham chiến theo cách mà các hệ thống tầm xa không thể thực hiện. Nhưng thay vì răn đe kẻ thù, các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài đôi khi có thể chọc giận đối phương. Lấy ví dụ như hồi tháng ba vừa qua, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích để trả đũa cuộc tấn công vào căn cứ không quân của liên quân do các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn tại Syria thực hiện, vốn chỉ dẫn đến nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở của Mỹ nhiều hơn.
Tiếp đến, các căn cứ ở nước ngoài tuy có thể trấn an đồng minh, nhưng trong một số trường hợp chiến lược này quá hiệu quả sẽ dẫn đến nguy cơ các đồng minh quá tự mãn đối với thế bố trí phòng thủ của họ. Mặt khác, thay vì trấn an, sự hiện diện của quân đội Mỹ có thể khiến người dân địa phương phẫn nộ đối với lãnh đạo của họ do các vi phạm về luật lao động và các hành vi phạm pháp của lính Mỹ, khiến các đồng minh không còn tin rằng các căn cứ này là nhằm mục đích trấn an. Kế đến, các căn cứ ở nước ngoài có thể đem lại cho Mỹ lợi thế phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng nhanh chóng, nhưng đây không hẳn là một điều tốt. Theo đó, các căn cứ ở nước ngoài khiến cho việc tham chiến quá dễ dàng dẫn đến việc quân đội Mỹ dễ sa vào việc can thiệp bất hợp pháp, từ đó khiến cho một số bên kêu gọi hoàn toàn bãi bỏ các căn cứ này. Cuối cùng, chi phí duy trì các căn cứ ở nước ngoài, cụ thể hơn là tại vùng Vịnh Ba Tư, tiêu tốn khoảng 5 tỷ đến 50 tỷ USD là không đáng khi rủi ro bị kẻ thù xâm chiếm rất thấp và việc Mỹ tiếp tục hiện diện tại khu vực sẽ tạo ra phản kháng chính trị từ người dân của các nước sở tại. Dù vậy, việc đóng cửa các căn cứ ở nước ngoài sẽ rất khó khi chúng tạo ra một chi phí chìm đáng kể, và sẽ rất khó để có thể có được ý chí chính trị và quan liêu để giải thích cho khoản chi phí thất thoát này.
Tại sao Nhật Bản không thể tiếp tục né tránh xung đột?
Đứng trước tham vọng bành trướng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, Nhật Bản không thể tiếp tục dựa dẫm vào sự bảo vệ của Mỹ, vốn khiến cho ngân sách quốc phòng của Tokyo rất thấp. Sau khi bại trận trong CTTG II, hiến pháp của Nhật Bản cấm duy trì các lực lượng trên bộ, trên biển, và trên không, vốn phù hợp với những nhà lãnh đạo muốn né tránh tranh luận chính trị gây chia rẽ về vấn đề ngân sách quốc phòng (ở mức 1% GDP). Hiến pháp hậu chiến cũng trấn an các nước Đông Nam Á rằng Nhật Bản sẽ không còn xâm lược nước ngoài nữa. Tuy nhiên, sau khi Mỹ nhận ra giá trị của Nhật Bản với tư cách là một đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, Washington đã thúc đẩy Tokyo trở nên chủ động hơn. Nhưng bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, Nhật vẫn từ chối can dự vào cuộc chiến tại Việt Nam và Vịnh Ba Tư vì lo sợ rằng bản thân sẽ bị kéo vào một cuộc chiến giữa các siêu cường.
Song Trung Quốc, Triều Tiên và Nga hiện tại đã khiến cho Nhật phải đánh giá lại tình hình. Trong những năm qua, chính phủ Nhật Bản đã tái diễn giải bản hiến pháp theo chủ nghĩa ôn hòa nhằm gia tăng khả năng quân sự và vai trò của mình trong liên minh với Mỹ. Vào tháng mười hai năm ngoái, Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP trong vòng năm năm tới, quyết định sẽ khiến Tokyo sẽ là nước thứ ba có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng, thì cũng không có gì đảm bảo rằng Tokyo sẽ hiện thực hóa nó. Khác với Liên Xô, Bắc Kinh là một đối thủ đáng gờm hơn nhiều khi hải quân Trung Quốc sở hữu lượng tàu chiến và có lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất, cũng như đang ngày càng gia tăng lực lượng tên lửa nhanh chóng. Mặt khác, dù nhiều lần cam kết sẽ “xoay trục” sang châu Á, nhưng Mỹ hiện tại đang bị phân tâm bởi cuộc chiến ủy nhiệm tại châu Âu và nỗi lo về một cuộc chiến với Iran nếu Tehran có được vũ khí hạt nhân. Giờ đây, Nhật Bản có hai lựa chọn, hoặc là tiếp tục đổ hết mọi trách nhiệm lên Mỹ với hy vọng rằng Washington sẽ gánh vác nó, hoặc là chấm dứt quan hệ liên minh để theo đuổi trung lập hay hòa hoãn với Trung Quốc. Nếu giới lãnh đạo Nhật Bản chọn phản kháng lại bá quyền Trung Quốc đối với châu Á, thì Tokyo sẽ trở nên giống với Tây Đức trước đây: bị đe dọa nặng nề, ở trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị và phải tự bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng mới của Nhật vẫn rất khiêm tốn, 2% GDP vẫn chưa đủ để có thể răn đe một siêu cường như Trung Quốc. Cuối cùng, một số ý kiến cho rằng quân đội Nhật mạnh lên có thể gây ra nỗi lo trong khu vực do những hành vi bạo lực trong chiến tranh trước đây. Song ngoài Trung Quốc và Triều Tiên, nhiều nước trong khu vực và xa hơn hoàn toàn không e ngại việc Nhật đóng vai trò an ninh lớn hơn, điển hình như các đối tác an ninh như Ấn Độ và Úc còn khuyến khích Tokyo đảm nhiệm vai trò này.
Phiến quân Myanmar có được vũ khí hạng nhẹ từ đâu?
Trong thời gian qua, lực lượng phòng vệ nhân dân Myanmar (PDF) đã nhận được rất nhiều vũ khí hạng nhẹ, với hàng ngàn khẩu súng trường được sử dụng không chỉ ở vùng biên giới mà còn ở phần lớn các vùng của người Bamar như Sagaing, Magwe và Bago ở trung tâm của đất nước. Hầu hết số vũ khí này là súng trường Type-56, bản nhái AK-47, và Type-81 do Trung Quốc sản xuất. Thêm vào đó, nhiều loại súng xài đạn 5,56mm hiện đại và nhỏ hơn cũng đang được PDF sử dụng bao gồm M-4 carbine và M-16 của Mỹ, cùng với súng trường HK-33 phiên bản Đức từng được cấp phép sản xuất tại Thái Lan. Song song với súng trường, PDF cũng có được ngày càng nhiều vũ khí bộ binh có khả năng vừa bắn vừa chạy (hit-and-run), bao gồm súng máy hạng nhẹ, súng phóng lựu cầm tay 40mm, Type-69 RPG, vốn là phiên bản Trung Quốc nhái từ RPG-7 do Liên Xô sản xuất. Mặt khác, sự phổ biến của vũ khí cầm tay và hạng nhẹ đang tái định hình cuộc chiến tại Myanmar đến từ ba nguồn chính. Nguồn thứ nhất đến từ quân đội giải phóng quốc gia Karen (KNLA) ở biên giới phía đông với Thái Lan, Quân đội Karenni (KA) ở bang Kayah ở phía bắc và Quân đội Quốc gia Chin (CNA) ở biên giới với Ấn Độ. Thêm vào đó, quân đội độc lập Kachin (KIA) ở cực bắc và quân đội bang Wa thống nhất (UWSA), vốn trung lập nay đã nghiêng về phía PDF, ở phía đông bắc đều sản xuất hàng nhái của Type-81 nhiều hơn bất kỳ loại súng trường nào khác đã cung cấp cho các đơn vị PDF mới. Nguồn chủ chốt kế tiếp đến từ đường dây buôn người xuyên biên giới từ Thái Lan. Do tham nhũng có hệ thống, vũ khí quân sự đã bị rò rỉ từ các kho vũ khí của lực lượng an ninh Thái Lan trong khi hoạt động buôn bán súng được mua và nhập khẩu hợp pháp phát triển mạnh, sau đó được tuồn ra thị trường chợ đen đã cung cấp nhiều loại súng khác nhau bao gồm súng bán tự động AR-15 do Mỹ sản xuất, súng tự động FN-FAL của Bỉ, súng máy hạng nhẹ Ultimax của Singapore, súng ngắn bán tự động Derya hoàn toàn mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn cuối cùng đến từ khả năng tự sản xuất súng của PDF. Ngoài nguồn nhập vũ khí từ nước ngoài, bộ quốc phòng NUG cũng đã thiết lập và trang bị các cơ sở sản xuất được điều hành bởi các quân nhân đào ngũ. Ngay từ những ngày vận hành đầu tiên vào cuối năm 2021, việc phát triển drone trên toàn quốc đã là một yếu tố đổi mới đáng chú ý cùng với súng cối và tên lửa thô. Tuy nhiên, việc tự sản xuất đã không còn là nguồn chủ chốt do các loại vũ khí thu được từ quân đội và cảnh sát Myanmar bao gồm súng trường tấn công tiêu chuẩn 5,56 mm MA-1 và MA-3 sản xuất trong nước, cộng với súng trường MA-11 lỗi thời.
Nga cảnh báo NATO chuyển F-16 cho Ukraine là can dự vào xung đột
Viên Minh
Một chiếc F-16CJ từ Phi đội máy bay chiến đấu 78, tại Căn cứ Không quân Shaw, Nam Carolina bay qua Dãy đất Eglin khi phi công thả Đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) GBU-31 trong một cuộc thử nghiệm nhiệm vụ ngày 25 tháng 2 năm 2003. (Ảnh: Michael Ammons/Không quân Hoa Kỳ/Getty Images)
Tư liệu – Công nhân cảng Sri Lanka cầm quốc kỳ Trung Quốc để chào đón tàu nghiên cứu Yuan Wang 5 của Trung Quốc, trang bị đầy đủ thiết bị giám sát, khi nó cập Cảng Quốc tế Hambantota ở Hambantota, Sri Lanka, Thứ Ba, ngày 16 tháng 8 năm 2022. Năm 2022, tàu …
Hàng chục quốc gia nghèo đang phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế và thậm chí có thể sụp đổ dưới sức nặng của hàng trăm tỷ đô la vay nước ngoài, phần lớn là vay từ Trung Quốc, chủ nợ chính phủ lớn nhất và không khoan nhượng nhất thế giới.
Bởi BERNARD CONDON Associated Press 18 tháng 5 năm 2023,
Đàm phán trần nợ ở Washington bước vào những ngày cuối
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nói đàm phán nâng trần nợ giữa ông và tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục vào thứ Hai. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện qua điện thoại sau khi ông Biden gọi các yêu cầu của đảng Cộng hòa — bao gồm mạnh tay cắt giảm chi tiêu — là “không thể chấp nhận được” tại một cuộc họp báo sau hội nghị G7 ở Nhật Bản. Đàm phán đang ngày càng nóng lên trong những ngày gần đây.
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, thế giới, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan Posted in Nga, putin, Tin Biển Đông, Tin thế giới, Trung Cộng Xâm Lược, Ukraine, Điểm Tin | Comments Off on Thời sự Thứ Hai 22/05/2023: *Ngày cuối đàm phán trần nợ ở Washington *TQ phản đối Nhật về hành động của G7 *Thái Bình Dương: điểm nóng địa chính trị *TNS. CH da màu ứng cử TT Mỹ *Mỹ viện trợ qs trị giá 375 triệu đô, Zelensky gặp Biden tại Nhật *Ukraine sẽ nhận từ 12-18 tiêm kích *Wagner sẽ chuyển giao Bakhmut cho quân Nga *Facebook bị phạt 1,3 tỷ đôla *Mỹ mời lãnh đạo Hàn và Nhật tới Washington
Joe Biden, Anthony Albanese, Fumio Kishida và Narendra Modi tại cuộc họp của Bộ tứ quốc gia bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Thủ tướng Úc/UPI/Shutterstock).
Liên quan đến G7, các nhà lãnh đạo của nhóm Quad (Bộ tứ) bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đưa ra một cú đánh mạnh vào hành vi của Bắc Kinh vào thứ Bảy tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.
Hình ảnh tĩnh này được lấy từ đoạn phim của AFP cho thấy các quân nhân Ukraine bắn bằng lựu pháo D-30 vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, miền đông Ukraine, vào ngày 21 tháng 3 năm 2023. Pháo binh đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên trong cuộc chiến đang diễn ra.SERGEY SHESTAK/AFP QUA GETTY IMAGES(more…)
HIROSHIMA, Nhật Bản, ngày 19 tháng 5 (Reuters) – Lãnh đạo của các nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã hành động vào thứ Sáu để tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong khi một dự thảo thông cáo sẽ được đưa ra sau cuộc hội đàm tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.
G7 thông báo các trừng phạt mới nhằm vào “cỗ máy chiến tranh” của Nga
19/5/2023
Các lãnh đạo G7 họp thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/05/2023. AP
Anh Vũ /RFI
AFP dẫn một thông cáo của thượng đỉnh G7, tại Hiroshima , Nhật Bản, cho biết, hôm nay, 19/05/2023, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu đã quyết định các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt nguồn cung cấp công nghệ, thiết bị công nghiệp và các dịch vụ của G7 mà Nga có thể sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng, phục vụ cho cuộc chiến tranh tại Ukraina
Ngay trước giờ khai mạc thương đỉnh G7 tại Hiroshima, Hoa Kỳ và các đồng minh lớn đã thông báo các trừng phạt tiếp tục đánh vào nguồn tài chính của Nga, nhằm chủ yếu vào buôn bán kim cương.
Washington thông báo những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào “ cỗ máy chiến tranh” của Nga. Theo lời một quan chức Mỹ, các trừng phạt này nhắm vào khoảng 70 thực thể tại Nga và tại các nước khác. Quan chức này cho biết thêm, các nước G7 khác cũng chuẩn bị các trừng phạt mới về xuất nhập khẩu liên quan đến Nga.
Luôn Đôn đã thông báo các biện pháp trừng phạt lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, trong đó có buôn bán kim cương mà Nga thu về hàng tỷ đô la mỗi năm. Cũng trong ngày hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, có mặt tại Hiroshima dự thượng đỉnh G7, thông báo Liên Hiệp Châu Âu sẽ “ hạn chế mua bán kim cương Nga” trong khuôn khổ các trừng phạt Matxcơva xâm lược Ukraina.
Theo một quan chức cao cấp của chính quyền Joe Biden, thượng đỉnh G7 lần này đặt mục tiêu phối hợp ngăn chặn các nguồn tài chính giúp Nga nuôi dưỡng cuộc chiến tại Ukraina, đồng thời lấp những kẽ hở giúp Nga lách trừng phạt, giảm hơn nữa lệ thuộc vào Nga, tiếp tục ngăn cản Matxcơva tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, cam kết phong tỏa các tài sản của Nga cho đến khi chiến tranh chấm dứt,
Hội nghị thượng đỉnh G-7 đang diễn ra ở Hiroshima với các lệnh trừng phạt mới dành cho Nga
Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ thực hiện một chuyến đi cá nhân tới Hiroshima để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật
Tác giả Emel Akan
19/5/2023
Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) bước ra khỏi Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình để dự lễ đặt vòng hoa ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, hôm 19/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/POOL/AFP qua Getty Images)
HIROSHIMA, Nhật Bản — Cuộc chiến ở Ukraine trở thành tâm điểm tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) năm nay, với các nhà lãnh đạo dự định đưa ra các lệnh trừng phạt mới “để tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga” khi họ bắt đầu cuộc họp kéo dài ba ngày ở Hiroshima.
Theo một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về “sự đoàn kết, sức mạnh, và cam kết” để đáp trả cuộc xâm lược của Nga.
“Cam kết tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga của chúng ta vẫn mạnh mẽ như năm ngoái. Và vì vậy, tôi nghĩ ngày mai quý vị sẽ chứng kiến biện pháp mới sẽ được thực hiện nhằm cô lập Nga về kinh tế và làm suy yếu khả năng gây chiến của nước này,” quan chức này nói với các phóng viên hôm 18/05 trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
Theo Tòa Bạch Ốc, đây sẽ là bộ các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng toàn diện nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các quốc gia dân chủ tiên tiến nhất thế giới — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada — sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21/05.
Trong hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo sẽ tiết lộ các kế hoạch nhằm làm gián đoạn hơn nữa khả năng cung cấp nguồn đầu vào của Nga cho cuộc chiến của họ, loại bỏ các thủ thuật né tránh thuế, hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Moscow vào hệ thống ngân hàng quốc tế. Ngoài ra, các tài sản quốc gia của Nga sẽ vẫn bị đóng băng cho đến khi cuộc chiến này kết thúc.
Mỗi thành viên của G7 sẽ tuyên bố các lệnh trừng phạt mới và hạn chế xuất cảng nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Nga.
Quan chức này cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát xuất cảng đối với Nga, khiến việc duy trì cỗ máy chiến tranh của nước này trở nên khó khăn hơn.
“Bên cạnh những thứ khác, thì việc này liên quan đến việc hạn chế trên diện rộng các loại hàng hóa quan trọng cho chiến trường và cũng ngăn chặn khoảng 70 tổ chức từ Nga và những nước thứ ba nhận hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ bằng cách thêm họ vào danh sách đen của Bộ Thương mại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ công bố hơn 300 lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân, tổ chức, tàu thuyền, và phi cơ.”
Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022, các quốc gia G7 đã đồng ý giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen chụp ảnh cùng nhau sau khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Nạn nhân của Bom Nguyên tử trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 18/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/Getty Images)
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức một năm trước, các nhà lãnh đạo đã đồng ý áp dụng một chiến lược hạn chế giá dầu của Nga để bóp nghẹt doanh thu của Điện Kremlin.
“Sau khi thực hiện chính sách mức trần giá, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm đáng kể so với cả các mức trước chiến tranh và mức giá cao khi bắt đầu cuộc chiến tranh,” Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo tiến độ công bố hôm 18/05.
Báo cáo này cho biết: “Sự sụt giảm doanh thu này đã xảy ra mặc dù trong tháng 04/2023 Nga xuất cảng dầu thô nhiều hơn khoảng 5 đến 10% so với tháng 03/2022.”
Ông Zelensky dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh
Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ đích thân tham gia các cuộc thảo luận của hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật (21/05).
Ông Zelensky luôn tham gia vào các cuộc gặp gỡ trước đây của các nhà lãnh đạo G7 về Ukraine, quan chức cao cấp này cho biết nhưng không bình luận về hình thức hoặc thời gian của cuộc họp.
Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo đã tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa, chụp ảnh chung, và trồng cây tại Bảo tàng và Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để vinh danh những người đã thiệt mạng tại thành phố này 78 năm về trước trong các vụ đánh bom nguyên tử. Sau đó, các nhà lãnh đạo vừa dùng bữa trưa vừa làm việc.
Cẩm An biên dịch
Tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị G7 mở rộng và cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn
19/5/2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đến Hirsoshima, Nhật Bản, dự thượng đỉnh G7 ngày 19/05/2023. AP
Trần Công /RFI
Theo lời mời của thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất, tổng thống Yoon Seok-yeol hôm nay 19/05/2023 đã tới Hiroshima, Nhật Bản, để dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm thông tin:
“Việc tổng thống Yoon Seok-yeol được mời tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản khẳng định vị thế, vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để nguyên thủ Hàn Quốc gặp gỡ các đồng nhiệm, lãnh đạo chính phủ, nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Trong thời gian ở Nhật, từ 19 đến 21/05/2023, tổng thống Hàn Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật, ông sẽ hội đàm với thủ tướng Fumio Kishida. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tổng thống Yoon Seok-yeol sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như Úc, Anh, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Điểm nhấn trong chuyến đi lần này đó là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật và cuộc hội đàm 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật vào ngày 21.5.2023. Tổng thống Yoon, cùng với đồng nhiệm Mỹ Biden và thủ tướng Nhật Kishida, sẽ điểm lại việc thực hiện nội dung “chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa” đã được nhất trí vào tháng 11 năm 2022. Ngoài ra, lãnh đạo 3 nước cũng sẽ thảo luận về sự bất ổn của chuỗi cung ứng khu vực và khủng hoảng năng lượng. Được biết, ba nước sẽ không đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp này.
Để khẳng định vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, tổng thống Yoon dự thượng đỉnh G7 mở rộng, bày tỏ ý định mở rộng đóng góp của chính phủ Seoul cho các chương trình nghị sự toàn cầu như lương thực, sức khỏe, khí hậu và năng lượng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Yoon Seok-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến viếng các nạn nhân bom nguyên tử, trong đó có nhiều người Triều Tiên, ở khu tưởng niệm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima “
Montana trở thành tiểu bang đầu tiên cấm TikTok
Việt Bình /SGN 18/5/2023
Thống đốc Montana, Greg Gianforte (ảnh: William Campbell/Getty Images)
Thống đốc Greg Gianforte đã ký Dự luật Thượng viện 419 (Senate Bill 419) vào Thứ Tư 17 Tháng Năm 2023 để chính thức cấm TikTok trên toàn tiểu bang Montana; và nói rằng luật cấm này nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của cư dân bang khỏi bị xâm phạm; và rằng chính phủ Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng khi đứng sau TikTok.
Vào Thứ Tư, Gianforte đã ký một sắc lệnh hành pháp riêng cấm sử dụng bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào “gắn liền với các đối thủ nước ngoài” trên các thiết bị của chính quyền, bao gồm CapCut và Lemon8 thuộc sở hữu của ByteDance và Telegram Messenger (do một người Nga tạo ra nhưng có trụ sở ở Dubai).
Thống đốc Gianforte nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ, vi phạm quyền riêng tư của họ và thu thập thông tin cá nhân, riêng tư và nhạy cảm của họ”. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy chính phủ Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng TikTok. Tuy nhiên, những người chỉ trích TikTok chỉ ra rằng luật ở Trung Quốc cho phép chính phủ truy cập vào hồ sơ khách hàng của công ty.
Theo luật Montana, các nền tảng cung cấp ứng dụng trên thị trường của tiểu bang, chẳng hạn như Google Play Store và Apple App Store, sẽ bị phạt tới $ 10000 một ngày nếu vi phạm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Giêng 2024. Dự kiến, TikTok sẽ phản đối dự luật tại tòa án liên bang. TikTok và các nhóm như Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã nói rằng lệnh cấm là vi hiến.
Tháng Mười Hai 2022, Thống đốc Gianforte đã cấm TikTok trên các thiết bị điện tử của chính quyền bang. Ngày 17 Tháng Năm 2023, ông nói thêm rằng lệnh cấm sẽ mở rộng để bao gồm “tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội liên quan việc thu thập và cung cấp thông tin hoặc dữ liệu cá nhân của người dùng cho một kẻ thù nước ngoài; một người hoặc tổ chức ở một quốc gia được coi là kẻ thù nước ngoài.”
Với chính quyền liên bang, Tổng thống Biden đã ký luật cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ vào Tháng Mười Hai 2022 và đang xem xét lệnh cấm toàn diện nếu công ty mẹ của TikTok – ByteDance – không tìm được người mua ở Mỹ. Hoa Kỳ và các đối tác bảo mật “Five Eyes” – gồm Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh – cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ liên bang, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tháng trước, các nhà lập pháp tại Hạ viện Montana đã bỏ phiếu 54-43 để thông qua dự luật, được gọi là SB419 và chuyển dự thảo luật đến bàn của Thống đốc Gianforte. Phần mình, đại diện TikTok nói rằng “Thống đốc Gianforte đã ký một dự luật vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp, một nền tảng trao quyền cho hàng trăm nghìn người trên khắp tiểu bang. Chúng tôi muốn trấn an người dân Montana rằng họ có thể tiếp tục sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, kiếm sống và tìm kiếm cộng đồng khi chúng tôi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana.”
NetChoice, một nhóm thương mại công nghệ bao gồm TikTok với tư cách là thành viên, đã gọi dự luật Montana là vi hiến. Carl Szabo, cố vấn của NetChoice, nói: “Chính quyền không được chặn khả năng chúng tôi tiếp cận những phát ngôn được bảo vệ theo Hiến pháp – cho dù đó là trên một tờ báo, trên một trang web hay thông qua một ứng dụng. Khi thực thi luật này, Montana đã bỏ qua Hiến pháp Hoa Kỳ, thủ tục pháp lý và quyền tự do ngôn luận bằng cách từ chối quyền truy cập vào trang web và ứng dụng mà công dân của họ muốn sử dụng.”
Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) cũng không ủng hộ dự luật. Họ nói, “với lệnh cấm, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và làm ăn, nhân danh chống Trung Quốc.”
Giới chuyên gia an ninh mạng nói rằng có thể khó thực thi lệnh cấm. Vào Tháng Ba, Thượng nghị sĩ Rand Paul (GOP, Kentucky) đã chặn dự luật cấm TikTok trên toàn quốc. Paul cho rằng dự luật sẽ vi phạm Hiến pháp và khiến cử tri quen dùng ứng dụng này tức giận. Ứng dụng mạng xã hội TikTok đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và được coi là mối đe dọa cạnh tranh đối với những gã khổng lồ công nghệ khác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Meta. Vào năm 2020, TikTok đã vượt qua hai tỷ lượt tải xuống trên thiết bị di động trên toàn thế giới.
Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Trung Á vốn là sân sau của Nga
Trung Quốc tuần này sẽ lần đầu tiên chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các quốc gia Trung Á nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ với khu vực vốn được xem là sân sau của Nga trong bối cảnh Moscow đang phải tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận làm sâu sắc các mối liên kết kinh tế và an ninh với những người đồng cấp đến từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là 5 quốc gia từng thuộc Liên Xô và được cho là đang mong muốn tìm các nguồn lực thay thế các khoản đầu tư từ Nga khi Moscow phải dồn lực vào cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á sẽ diễn ra trong hai ngày từ thứ Năm (18/5), gần như trùng khớp với hội nghị G7 họp tại Nhật Bản nơi các quốc gia phát triển nhất thế giới bàn thảo về nỗ lực ứng phó với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Adina Masalbekova của Học viện OSCE tại Bishkek nhận định: “Bắc Kinh muốn thúc đẩy thay thế trật tự toàn cầu, và cố gắng thuyết phục khu vực Trung Á rằng trật tự toàn cầu mới cũng là tốt hơn cho họ”.
Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Trung Quốc – Trung Á được tổ chức lần đầu vào năm ngoái, nhưng là dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tây An, Trung Quốc được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á trực tiếp lần đầu tiên. Thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây này là biểu tượng về tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế vì nơi đây đóng vai trò then chốt trong con đường thương mại Tơ Lụa cổ đại bao trùm Trung Á.
Hướng tới hội nghị thượng đỉnh này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực là cánh cổng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – chính sách cơ sở hạ tầng chính được ông Tập Cận Bình loan báo khi đến thăm Kazakhstan năm 2013.
Hai dự án BRI chính hiện tại đang được thảo luận là một hệ thống đường sắt kết nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan.
Cũng theo Reuters, các lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đã đến Tây An để họp một – một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm (18/5) trước khi họp thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á vào thứ Sáu (19/5).
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh của 6 nhà lãnh đạo vào 19/5, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu “quan trọng” và các bên cũng sẽ ký kết một văn kiện chính trị “quan trọng”.
Nguyên thủ Trung Á đầu tiên đến Tây An là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan. Ông Tokayev đã họp với Chủ tịch Tập hôm thứ Tư (17/5) và hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng “mối quan hệ hữu nghị lâu dài” và “chia ngọt sẻ bùi”. Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Trung Á.
“Chúng ta có một mục tiêu chung là tăng cường mối quan hệ song phương”, Reuters dẫn lời ông Tokayev nói với ông Tập.
“Chúng ta cũng thống nhất mong muốn củng cố an ninh và hợp tác khu vực và quốc tế”, ông Tokayev nói thêm.
Hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định đoạn đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc – Trung Á đi qua Kazakhstan và cũng làm sâu sắc thêm hợp tác về dầu mỏ và uranium.
Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cũng đã họp với ông Tập Cận Bình và nói rằng ông mong muốn làm sâu sắc thêm các liên kết thương mại, kinh tế và đầu tư.
“Không có các bất đồng chính trị hay các vấn đề không thể giải quyết giữa hai nước chúng ta”, ông Japarov nói.
“Chúng ta đem đến cho nhau sự ủng hộ về các vấn đề mang tính thời sự và quan trọng đối với mỗi nước”, ông Japarov nói thêm.
Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Trung Á đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với trị giá 70 tỷ USD. Kazakhstan dẫn dầu với 31 tỷ USD, tiếp đến là Kyrgyzstan 15,5 tỷ USD, Turkmenistan 11,2 tỷ USD, Uzbekistan 9,8 tỷ USD và Tajikistan 2 tỷ USD.
Hải Đăng
Nền kinh tế lớn nhất của EU có thể rơi vào suy thoái
(Ảnh minh họa: Pedrosek/Shutterstock)
Niềm tin của các nhà đầu tư vào Đức đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, khi triển vọng tăng trưởng xấu đi, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể rơi vào suy thoái, theo hãng tin Bloomberg.
Cụ thể, chỉ số tâm lý kinh tế của Đức được đo bởi Viện nghiên cứu kinh tế ZEW đã giảm từ mức 4,1 trong tháng 4 xuống -10,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số này rơi xuống mức dưới 0. Hãng tin cho biết chỉ số về các điều kiện kinh tế của Đức cũng đang cũng xấu đi.
Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng sản xuất sụt giảm sâu hơn dự kiến trên hầu hết các ngành công nghiệp ở Đức. Đơn đặt hàng mới cho các công ty sản xuất đã giảm 10,7% trong tháng 3 so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyên gia thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế vốn đã bất lợi sẽ càng tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Kết quả là, nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, mặc dù ở mức độ nhẹ”.
Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán ngành công nghiệp Đức sẽ dậm chân tại chỗ thay vì phục hồi như kỳ vọng, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế.
Ông Carsten Brzeski, Giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, cho biết trong một báo cáo với khách hàng: “ZEW hôm nay gửi một thông điệp đáng lo ngại. Ba lần giảm liên tiếp là một xu hướng mới, một xu hướng đáng lo ngại”.
Trong báo cáo quốc gia hôm 17/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc giá năng lượng tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Berlin trong ngắn hạn.
Phan Anh
Thủ tướng Anh nói “di dân nhập cư quá cao” sau con số 1,1 triệu/nửa năm
19/5/2023
Trả lời BBC News bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak nói ông “muốn xem xét các biện pháp khác nhau để giảm số người vào Anh hợp pháp”.
Khi được hỏi ông có muốn ngăn không cho sinh viên nước ngoài sang Anh học hưởng quyền đón thân nhân sang thăm, Rishi Sunak chỉ nói ông sẽ xem xét các cách để “giảm con số đó xuống”.
Đảng Bảo thủ của ông Sunak đang chịu sức ép về những lời hứa trước trưng cầu dân ý Brexit, khi họ hứa sẽ kiểm soát chặt hơn biên giới, giảm số người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Năm 2019, đảng Bảo thủ nêu ra trong Cương lĩnh tranh cử của họ là sẽ bằng mọi cách giảm số người vào Anh (say khi trừ số ra khỏi Anh), xuống 226 nghìn/năm.
Yêu sách và mục tiêu của Brexit
Một trong những yêu sách của phe hữu tại Anh trước Brexit là không để công dân các nước EU khác tới Anh định cư. Họ nói việc đó chỉ làm được khi Anh không còn là thành viên EU.
Mục tiêu này xem ra đã đạt được vì dân EU thôi không sang Anh nữa nhưng người tới Anh từ các vùng khác lại tăng.
Trả lời BBC ở Hiroshima bên lề hội nghị G7, ông Sunak thừa nhận “số người nhập cư vào Anh quá cao”
Theo một bài trên BBC tháng 11/2022, trong sáu tháng đầu năm đó, có tới 504 nghìn người vào sống ở Anh hợp pháp, trên tổng số người đến 1,1 triệu (xem thêm: UK net migration hits all-time record at 504,000)
Trước luồng người vào, và ra rất lớn, Anh chỉ coi số nhập cư ròng để định cư ngắn hạn, và dài hạn là vấn đề cần bàn thảo, sau khi đã trừ đi số người rời đi.
̀Theo Cục Thống kê Quốc gia (ONS), trong 1,1 triệu người tới Anh tháng 1-6/2022, số người tỵ nạn Ukraine là 170 nghìn, cộng với 76 nghìn từ Hong Kong.
Còn lại là 277 nghìn sinh viên tới Anh du học, và dân nhập cư hợp pháp từ các nước khác.
Nhưng sau khi trừ đi tổng số người ra khỏi Anh (đi sống nơi khác, người Anh di cư, ngoại kiều hồi hương…) thì con số nhập cư ròng là 504 nghìn.
Con số này được tính vào mục “dân số tại Anh tăng lên nửa triệu” chỉ trong nửa đầu năm 2022.
Theo BBC News, đây là con số tăng vọt, so với 330 nghìn năm 2016, khi công dân tại Anh bỏ phiếu chọn Brexit.
Từ đầu năm 2022 tới tháng 9/2022, có trên 76 nghìn đơn tỵ nạn do người vượt biên vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu lục địa được nộp lên Bộ Nội vụ.
Đa số người tới Anh hợp pháp là người Hong Kong và công dân Ukraine, vượt xa con số dân EU vào Anh.
Thậm chí, có thể nói rằng người dân EU đã không sang Anh sinh sống, làm việc bao nhiêu nữa. Trong bảng số liệu của ONS, do BBC soạn thành đồ họa, con số này nằm dưới ngưỡng 10.000.
Hiện nay tại Anh, sức ép của dân số lên thị trường nhà ở rất lớn. Số nhà xây thêm nhiều năm qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua, thuê, khiến giá thuê tại nhiều vùng ở nước Anh lên cao chóng mặt.
Theo trang Telegraph hồi tháng 1/2023, giá thuê căn hộ tại nội đô London lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bảng/tháng.
Tính trung bình trên cả nước, công ty địa ốc Rightmove cung cấp con số giá thuê nhà trung bình là 1.172 bảng/tháng.
Vẫn trang báo này nói một số ước tính cho hay số người nhập cư vào Anh (net migration -số ròng, sau khi trừ số xuất cảnh) trong năm 2022 có thể đạt 650-675 nghìn.
Giá thuê nhà ở Anh lên cao chóng mặt mấy năm qua
Theo họ, con số ước tính tương tự được nêu ra cho năm nay, 2023. Tuy nhiên, BBC News không đăng tải các thông tin này.
Ukraina nhấn mạnh với đặc sứ Trung Quốc nguyên tắc ‘‘toàn vẹn lãnh thổ’’
18/5/2023
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba (giữa, trái) và đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (ảnh giữa, bên phải) tại Kiev, Ukraina, ngày 17/05/2023. AP
Trọng Thành /RFI
2 phútHôm qua, 17/05/2023, tại Kiev, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã tiếp đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Trong cuộc gặp, lãnh đạo ngoại giao Ukraina khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị hòa bình nào bao gồm việc nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, hoặc ‘‘đóng băng’’ xung đột.
Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qau ra thông cáo cho biết ngoại trưởng Kuleba đã giải thích chi tiết cho đặc sứ Trung Quốc ‘‘về những nguyên tắc thiết lập một nền hòa bình bền vững và công bằng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina’’. Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Ukraina một mặt khẳng định nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác cũng thừa nhận ‘‘vai trò quan trọng’’ của Bắc Kinh trong các nỗ lực hướng đến chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga.
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay ra một thông báo về cuộc hội kiến nói trên, theo đó đặc sứ của Bắc Kinh đã kêu gọi Ukraina và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’.
Đặc sứ Lý Huy là thứ trưởng Ngoại Giao, đặc trách các vấn đề châu Âu và Trung Á, nguyên là đại sứ tại Nga, từ 2009 đến 2019. Theo Bắc Kinh, ông Lý Huy có sứ mạng thảo luận về việc ‘‘tìm ra giải pháp chính trị’’ cho cuộc xung đột tại Ukraina trong vòng công du châu Âu, mở đầu với chặng đầu là Kiev. Trả lời AFP, một giới chức cao cấp Ukraina, xin ẩn danh, cho biết tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ‘‘có thể’’ tiếp đặc sứ Trung Quốc.
Đặc sứ Trung Quốc sẽ đến Pháp vào đầu tuần tới, tiếp theo đó là Đức. Tối hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Roudenko cho biết ông Lý Huy có thể tới Matxcơva vào cuối tháng 5, tuy nhiên thời điểm cụ thể chưa được xác định.
Cho đến nay, Bắc Kinh, đối tác mật thiết của Matxcơva, chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Hồi cuối tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất một ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’ cho Ukraina, nhưng các nước phương Tây đã tỏ vẻ hoài nghi về kế hoạch này
Chuyên gia LHQ nói Nga, Trung Quốc viện trợ quân sự cho quân đội Myanmar
Liên Thành
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).
Quân đội Myanmar đã nhập khẩu ít nhất 1 tỷ đô la Mỹ vũ khí và các vật liệu khác kể từ khi tổ chức cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021. Thông tin này được một chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết vào ngày 17/4 trong một báo cáo mới chỉ trích Nga và Trung Quốc vì đã hỗ trợ cho chính quyền quân sự Myanmar đàn áp phe đối lập.
Ông Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar cho biết, máy bay trực thăng Mi-35 do Nga sản xuất, chiến đấu cơ MiG-29 và máy bay hạng nhẹ Yak-130, và máy bay phản lực K-8 của Trung Quốc, thường được chính quyền quân đội Myanmar sử dụng để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào trường học, cơ sở y tế, nhà ở và các địa điểm dân sự khác.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, quân đội Myanmar đã tấn công vào một ngôi làng ở vùng Sagaing vào ngày 11 tháng 4 đã giết chết ít nhất 160 người, trong đó có gần 40 trẻ em.
Ông Andrews nói trong một tuyên bố: “Tin tốt là giờ đây chúng ta biết ai đang cung cấp những loại vũ khí này”. Ông đồng thời kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc “đẩy mạnh và ngăn chặn dòng chảy vũ khí” bằng lệnh cấm hoàn toàn việc chuyển giao cho quân đội Myanmar, thực thi các lệnh cấm hiện có và các biện pháp trừng phạt phối hợp.
Cảnh sát bắt một người biểu tình tại thành phố Mawlamyine, Myanmar. (Ảnh: AFP).
Chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã sử dụng dữ liệu thương mại để mô tả chi tiết việc chuyển giao vũ khí và các hàng hóa khác, bao gồm cả nguyên liệu thô để sản xuất vũ khí trong nước của Myanmar. Kể cuộc đảo chính, Nga và Trung Quốc đã cung cấp các vật tư lần lượt trị giá 406 triệu đô la và 267 triệu đô la cho quân đội Myanmar.
Các thực thể thuộc sở hữu nhà nước và công ty khác ở Ấn Độ, các công ty ở Singapore,và Thái Lan cũng tham gia chuyển giao vật tư cho quân đội Myanmar.
Báo cáo cho biết, khoảng 227 triệu USD hàng hóa đến từ Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước của Moscow. Công ty này đã chuyển máy bay chiến đấu SU-30, vật tư cho máy bay phản lực MiG-29 và hệ thống phóng tên lửa cho Myanmar.
Các công ty khác của Nga đã cung cấp cho quân đội Myanmar một loạt công cụ, thiết bị và phụ tùng thay thế cho các hệ thống vũ khí do Nga cung cấp.
Báo cáo cho biết: “Vũ khí do các nhà cung cấp Nga cung cấp đã được sử dụng để thực hiện các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Myanmar”.
Chuyên gia Andrews cho biết ông đã thông báo cho các quốc gia có tên trong báo cáo về những phát hiện của mình trước khi công bố.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á
Vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan sẽ tề tựu về Tây An, một thành phố ở miền trung Trung Quốc, để dự cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á. Sự kiện này, do chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, phản ánh mối quan hệ ngày càng thắm thiết giữa các nước Trung Á và nước láng giềng phía đông hùng mạnh của họ.
Nó cũng là kết quả của chính sách ngoại giao khôn ngoan của Trung Quốc. Năm quốc gia Trung Á này bị kẹp giữa tỉnh Tân Cương của Trung Quốc và Nga. Việc thúc đẩy các liên minh chiến lược ở đây giúp Trung Quốc kiểm soát tốt hơn một trong những khu vực bất ổn nhất của mình và mở rộng ảnh hưởng đến sân sau của Nga.
Các nước Trung Á cũng sẽ được hưởng lợi. Trung Quốc mang đến thương mại, năng lượng và đầu tư, trong khi có thể đóng vai trò đối trọng với Nga. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến các nước Trung Á cảnh giác. Họ hy vọng mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc có thể giúp họ tránh được số phận tương tự.
Triển vọng của Alibaba hậu chia tách
Các nhà đầu tư đang rất hào hứng với màn ra mắt của một sinh vật công nghệ mới của Trung Quốc: “Baby Baba.” Kể từ khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba tuyên bố tách thành sáu công ty vào tháng 3, triển vọng về một số đợt IPO khổng lồ đã khiến các chủ ngân hàng và nhà quản lý danh mục đầu tư thèm thuồng. Các công ty tách ra từ Alibaba này hứa hẹn cực kỳ béo bở: chỉ riêng tập đoàn hậu cần Cainiao đã có thể được định giá tới 20 tỷ USD. Một tập hợp các doanh nghiệp thương mại điện tử ở nước ngoài có thể còn giá trị hơn nữa. Một trong các Baby Baba sẽ có phiên bản ChatGPT của riêng mình và lướt làn sóng chatbot AI.
Alibaba có thể nói nhiều hơn về tương lai vào thứ Năm khi công bố thu nhập quý đầu năm 2023 và năm tài chính 2022-2023. Báo cáo cũng sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn thoáng qua về hiệu quả hoạt động của đơn vị thương mại điện tử kể từ khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero covid và chấm dứt phong tỏa.
Mùa bận rộn của Toà án Tối cao Mỹ
Trong những tuần gần đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã bị đeo bám bởi những vụ bê bối về đạo đức. Nhưng chín vị thẩm phán không có nhiều thời gian để bị phân tâm. Từ giờ đến cuối tháng 6, tòa sẽ đưa ra phán quyết cho hàng chục vụ kiện đã được tranh luận từ tháng 10 đến tháng 4, trong đó ít nhất một phán quyết sẽ có vào thứ Năm.
Gần một năm trước, đa số bảo thủ của toà đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade. Giờ đây, họ được cho là sẽ lật ngược tiền lệ từ những năm 1970 khẳng định tính hợp hiến của việc tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc, một chính sách được thiết kế để khắc phục hậu quả của phân biệt đối xử và làm cho các nhóm sinh viên trở nên đa dạng hơn. Một phán quyết đảo ngược tiền lệ trên sẽ buộc các trường đại học phải thay đổi hoàn toàn chính sách tuyển sinh.
Ngoài ra còn có một số vụ việc nóng bỏng khác, bao gồm: một nhà thiết kế web từ chối tạo trang web cho các đám cưới đồng tính; tính hợp pháp của các cuộc đình công gây thiệt hại tài sản công ty; trách nhiệm pháp lý của các công ty Internet đối với thuật toán của họ; chủng tộc và quyền bỏ phiếu; và chương trình xóa nợ sinh viên của tổng thống Joe Biden.
Hội nghị tiền điện tử thế giới ở Miami
Vào thứ Năm, những người đam mê tiền điện tử từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Miami cho sự kiện Bitcoin2023. Không khí tại hội nghị sẽ phần nào mát mẻ hơn so với thời tiết nóng nực của thành phố.
Sau một năm của các vụ sụp đổ và lừa đảo, thế giới tiền điện tử đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin công chúng. Hôm thứ ba, Liên minh châu Âu đã công bố các quy tắc buộc các sàn giao dịch tiền điện tử phải chịu trách nhiệm nếu làm mất tài sản của khách hàng và yêu cầu các công ty tiền điện tử phải được cấp phép.
Những nước khác còn đi xa hơn. Trong số 45 nền kinh tế được nghiên cứu bởi Hội đồng Đại Tây Dương, có 25 nước đã cấm hoàn toàn hoặc một phần tiền điện tử. Hồi tháng 3, nhà chức trách Mỹ đã đưa ra cáo buộc chống lại Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới, vì không ngăn người Mỹ sử dụng nền tảng nước ngoài của công ty. Các công ty đang chạy đến những nơi thân thiện hơn như Dubai, nơi đã tạo ra một cơ quan quản lý nhằm thu hút hoạt động tiền điện tử. Miami là một địa điểm tốt cho hội nghị tiền điện tử, nhưng tương lai của ngành có thể ở nơi khác.
Đức cho biết Trung Quốc vẫn vận hành đồn công an ở Berlin
Liên Thành
Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin (Ảnh: Xinhua/Shan Yuqi).
Hôm 15/05, các quan chức Đức cho biết họ tin rằng hai tiền đồn công an trái phép của Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở nước này, mặc dù hồi tháng Hai Bắc Kinh đã hứa sẽ đóng cửa những tiền đồn đó.
Trong một cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Liên bang cho biết những tiền đồn công an này “không phải là văn phòng cố định, mà là những cơ sở di động”. Phát ngôn viên này cho biết thêm, các cá nhân, trong đó có một số người mang quốc tịch Trung Quốc, thực hiện “các nhiệm vụ chính thức” theo lệnh của chính quyền Trung Quốc.
Theo Safeguard Defenders, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha, “đồn công an hải ngoại” này được cho là một phần của hơn 100 cơ sở tương tự do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành trên toàn cầu. Viện dẫn các thông báo chính thức, các nhà nghiên cứu đã xác định những đồn công an không chính thức này ở ít nhất 53 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Ý, Việt Nam và Đức.
Trong báo cáo nối tiếp được công bố hồi tháng 12/2022, nhóm này cho biết, chính quyền Trung Quốc sử dụng các cơ sở này để “sách nhiễu, đe dọa, uy hiếp và ép buộc các mục tiêu phải quay về Trung Quốc để chịu sự bức hại”.
Sự hiện diện rộng rãi này đã khiến chính phủ Đức và các quốc gia Âu Châu khác phải mở các cuộc điều tra về các cơ sở như vậy trên lãnh thổ của họ.
Hồi tháng 10/2022, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nói với tờ báo địa phương Handelsblatt rằng, “Chính phủ liên bang không chấp nhận việc thực thi quyền lực nhà nước của ngoại quốc, và theo đó, chính quyền Trung Quốc không có quyền hành pháp trên lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Đức”.
Sau đó, Berlin cho biết chính quyền Trung Quốc đã thiết lập ít nhất hai đồn công an trên khắp đất nước này, nhiều hơn một tiền đồn so với tiết lộ của Safeguard Defender. Báo cáo của nhóm này chỉ đề cập đến một tiền đồn ở Frankfurt.
Theo một phản hồi của chính phủ hồi tháng Ba đối với một câu hỏi bằng văn bản của một nhà lập pháp, các tiền đồn của công an Trung Quốc này không có văn phòng thường trực ở Đức và được các nhà lãnh đạo của cộng đồng Hoa kiều quản lý.
Hồi tháng 11/2022, chính phủ Đức đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc đóng cửa đồn công an của họ.
Hôm thứ Hai, bà Andrea Sasse, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức, nói với các phóng viên: “Phía Trung Quốc đã liên lạc lại với chúng tôi hồi đầu tháng Hai và nói rằng những cái gọi là quầy dịch vụ như phía Trung Quốc gọi này đã bị đóng cửa”.
Tuy nhiên, “các nhà chức trách an ninh tiếp tục cho rằng có hai cái gọi là đồn công an ngoại quốc ở Đức”, phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết.
Ukraine: Người đứng đầu Tòa án Tối cao bị bắt vì nghi nhận hối lộ 2.7 triệu USD
Báo Ukraine đăng tin ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, đã bị bắt hôm 15/5 cùng với hàng loạt đồng phạm. Cảnh sát đặc nhiệm cho đăng ảnh tiền đô la Mỹ được lôi ra từ nhà riêng và bày đầy trên bàn. Ngày 16/5, tòa đã tuyên bố ông là nghi phạm vụ nhận hối lộ giá trị 2,7 triệu đô la để giúp đỡ nhà tài phiệt Konstantin Zhevago.
Ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, đã bị bắt hôm 15/5 cùng với hàng loạt đồng phạm. (Nguồn: Ảnh ghép từ Facebook của Vsevolod Knyazev)
Hôm 15/5, các cơ quan chức năng của Ukraine đã thông báo họ đã bắt ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, cùng một số thẩm phán được coi là đồng bọn. Trong thông báo có cả hình tiền đô la Mỹ được lôi ra chụp ảnh. Sau đó một số chi tiết lần lượt được công bố.
Hình ảnh lược tả thời gian diễn biến của quá trình nhận hối lộ, cũng do cơ quan chức năng của Ukraine thông báo.
Báo Pravda Ukraine đưa tin rằng Vsevolod Knyazev đã bị cáo buộc nhận hối lộ từ nhà tài phiệt Konstantin Zhevago, và hiện bị bắt giữ như một nghi phạm của tòa. Tuy nhiên ông Knyazev đã bác bỏ cáo buộc. Tòa dự kiến sẽ kết án theo điều 368: Quan chức nhận tiền với số lượng đặc biệt lớn.
Nhật Tân
Tàu cá Trung Quốc bị lật ở Ấn Độ Dương, 39 người mất tích
Một tàu cá Trung Quốc đã bị lật ở trung tâm Ấn Độ Dương, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư (17/5), khiến thủy thủ đoàn gồm 17 người Trung Quốc, 17 người Indonesia và 5 người Philippines mất tích.
“Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích nào,” đài truyền hình nhà nước CCTV cho hay, đồng thời nói thêm rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn.
Con tàu bị lật có tên Lu Peng Yuan Yu 028 bị lật vào khoảng 3 giờ sáng ngày 15/5 (giờ Bắc Kinh). Tàu thuộc sở hữu của công ty Penglai Jinglu Fishery có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông.
Hiện các đội tìm kiếm, cứu hộ từ Úc và một số quốc gia khác đã đến hiện trường, trong khi Trung Quốc triển khai hai tàu hỗ trợ.
Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã đưa ra một “cơ chế bảo vệ lãnh sự khẩn cấp”, yêu cầu sự phối hợp của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Úc, Sri Lanka, Maldives, Indonesia, Philippines và các quốc gia khác, theo CCTV.
Hồi tháng trước, hai thành viên thủy thủ đoàn Trung Quốc đã thiệt mạng khi một tàu nạo vét của Trung Quốc bị lật úp ngoài khơi Philippines.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh cá nước sâu lớn nhất thế giới.
Nhưng khi nguồn dự trữ trong nước cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc ngày càng ra khơi xa hơn và vướng vào ngày càng nhiều tranh chấp và tai nạn hàng hải.
Năm 2019, Philippines cáo buộc một tàu Trung Quốc đâm vào một tàu Philippines ở Biển Đông đang tranh chấp, khiến nó bị chìm và đe dọa tính mạng của gần chục thủy thủ đoàn.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Quan chức phá dỡ trang trại, nông dân Trung Quốc tức giận bắn bị thương
Liên Thành
Một số trang trại ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị phá dỡ, thậm chí có thông tin cho rằng nông dân đã dùng súng bắn một số công chức chính phủ bị thương. (Ảnh chụp màn hình NTD).
Gần đây, một số trang trại ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị phá dỡ, thậm chí có thông tin cho rằng nông dân đã dùng súng bắn một số công chức chính phủ bị thương. Dư luận cho rằng việc chính quyền Trung Quốc mạnh tay thúc đẩy chính sách “trả lại rừng cho đất nông nghiệp” đã khiến người dân khốn đốn, hai bên chắc chắn sẽ bùng nổ mâu thuẫn.
Trên mạng lan truyền một thông báo của Cục Công an quận Diên Bình, thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến với nội dung là vào chiều ngày 8 tháng 5, tại quận Diên Bình đã xảy ra một vụ án hình sự, cảnh sát đã treo giải thưởng 50.000 nhân dân tệ cho những ai bắt giữ người đàn ông họ Lô 50 tuổi, ở thôn Bảo Châu, thị trấn Mang Đãng, quận Diên Bình.
Đáp lại thông báo này, trên mạng lan truyền rộng rãi thông tin rằng, chính quyền thị trấn Mang Đãng đã cưỡng chế phá bỏ trang trại lợn ở làng Bảo Châu. Kết quả là, nhiều công chức chính phủ đã bị hộ chăn nuôi dùng súng hoa cải bắn bị thương, người này sau đó đã mang theo súng và bỏ trốn.
Khi một phóng viên của NTD gọi điện đến Chi cục Công an Diên Bình, đầu dây bên kia chỉ nói rằng sự việc đã được giải quyết, nhưng không tiết lộ các chi tiết khác và cúp điện thoại.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách “trả lại rừng cho đất nông nghiệp”, các loại cây trồng phi lương thực, vườn cây ăn quả và trang trại của nông dân đã bị phá hủy. Một đoạn video cho thấy mái của trang trại lợn bị sập, chuồng cừu cũng bị phá hủy.
Ông Dương, một cựu sĩ quan công an ở Phúc Kiến nói với NTD: “Sau khi thành lập đội quản lý nông nghiệp, nó chắc chắn sẽ cướp đi nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại của nông dân. Cuối cùng thì mâu thuẫn chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hai ba thành viên đội quản lý nông nghiệp bị giết. Chuyện này lan truyền trên mạng là điều tất yếu, dân thường đã khốn cùng rồi, nếu cứ tiếp tục như vậy nhất định sẽ bùng nổ lớn”.
Một đoạn video khác cho thấy một trang trại lợn ở thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến đã bị phá hủy và những người nông dân phản đối đã bị còng tay.
Ngũ Giác Đài cho biết 31 xe tăng Abrams của Mỹ đã đến Đức để huấn luyện lực lượng Ukraina
Liên Thành
Xe tăng Abrams của Mỹ. (Ảnh: AP).
CNN đưa tin, Ngũ Giác Đài ngày 15/5 cho biết 31 xe tăng M1 Abrams đã đến Đức để huấn luyện cho lực lượng Ukraina
Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Không quân Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo ngày 15/5 rằng, Chương trình huấn luyện dự kiến kéo dài vài tháng và các xe tăng dự kiến sẽ được gửi đến Ukraina vào mùa thu.
Ông Ryder nói thêm rằng, các xe tăng được gửi tới Đức có thiết kế đặc biệt để huấn luyện các binh lính Ukraina, trong khi những chiếc xe tăng được gửi đến Ukraina đang được tân trang lại và chuẩn bị vận chuyển.
Mỹ nói tổ hợp hỏa tiễn Patriot ở Ukraine có thể đã hư hại
Viên Minh
Một người lính đứng trước hệ thống hỏa tiễn đất đối không PATRIOT (Radar theo dõi mảng pha để đánh chặn mục tiêu) trong cuộc tập trận quân sự tại sân bay Warsaw Babice, Ba Lan vào ngày 7 tháng 2 năm 2023. (Ảnh: JANEK SKARZYNSKI/AFP via Getty Images)
Một quan chức Mỹ nói tổ hợp Patriot ở Ukraine có thể đã hư hại, nhưng không bị phá hủy, sau đợt tập kích tên lửa của Nga vào Kyiv.
Hôm 16/5, theo hãng tin CNN, Mỹ đang đánh giá mức độ hư hại của tổ hợp phòng không Patriot. Việc này sẽ quyết định lực lượng Ukraine cần rút hoàn toàn hay có thể sửa chữa tổ hợp ngay tại trận địa.
Quan chức trên bình luận vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow đã sử dụng hỏa tiễn siêu vượt âm Kinzhal phá hủy trận địa hỏa tiễn phòng không Patriot tại Kyiv trong cuộc tập kích rạng sáng cùng ngày. Quân đội Nga không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc tấn công.
Một quan chức Mỹ khác cho biết hỏa tiễn Nga có thể đã đánh trúng một thành phần trong tổ hợp Patriot. Hệ thống gồm 6 thành phần chính gồm radar, bệ phóng, anten, đài chỉ huy, trạm phát điện và tên lửa đánh chặn, giúp phóng tên lửa chính xác đến mục tiêu. Nếu một thành phần bị hư hại nghiêm trọng, Ukraine sẽ buộc phải rút hệ thống và chuyển ra nước ngoài sửa chữa.
Các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã thu được tín hiệu phát ra từ hệ thống Patriot, sau đó sử dụng hỏa tiễn Kinzhal để tập kích. Khác với những hệ thống phòng không tầm ngắn mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, Patriot có tính cơ động kém hơn, khẩu đội lớn hơn, cho phép lực lượng Nga có thời gian ngắm mục tiêu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby không thể xác nhận thông tin hệ thống Patriot bị hư hại, nhưng thêm rằng vũ khí do Mỹ cung cấp thường xuyên bị tổn thất hoặc hao mòn trong giao tranh.
“Nếu hệ thống Patriot cần phải sửa chữa ngoài Ukraine, chúng tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ”, ông Kirby trả lời báo giới ngày 16/5.
Đây là lần đầu tiên Nga thông báo phá hủy tổ hợp Patriot mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Nếu được xác thực, đây sẽ là tổn thất rất lớn với lưới phòng không Ukraine, bởi Patriot từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời nước này.
Trong khi đó, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat lên tiếng trấn an người dân, cho rằnghỏa tiễn Kinzhal Nga không thể phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng không Patriot ở Kiev.
“Tôi muốn nói rằng đừng lo lắng về số phận của tổ hợp phòng không Patriot”, ông nói trong thông điệp trên truyền hình gửi tới người dân ngày 17/5. “Việc phá hủy toàn bộ tổ hợp Patriot bằng hỏa tiễn Kinzhal là không thể. Những gì Nga nói chỉ là hoạt động tuyên truyền của họ”.
Theo ông Ihnat, sư đoàn Patriot của Ukraine gồm một đơn vị radar và 8 bệ phóng nằm rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, khiến chúng không thể bị phá hủy hoàn toàn bằng một hỏa tiễn Kinzhal. Ông cho rằng tuyên bố như vậy của giới lãnh đạo quân sự Nga là “không thể tin được”.
Ihnat lấy dẫn chứng từ những tuyên bố trước đây của Bộ Quốc phòng Nga về số tiêm kích Ukraine bị lực lượng Nga tiêu diệt. “Nếu Ukraine có lượng máy bay nhiều như Nga tuyên bố, chúng tôi thắng từ lâu rồi”, ông cho hay.
Trong một diễn biến khác, Ukraine đã tiến hành thủ tục hình sự với 6 người đăng ảnh và video về hệ thống phòng không ở Kyiv đã vận hành trong cuộc tập kích của Nga.
“Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã xác định 6 cư dân ở Kyiv đăng tải bất hợp pháp thông tin về công việc của lực lượng phòng không trong cuộc tập kích của Nga vào thành phố”, SBU đăng trên Telegram hôm 17/5.
SBU cho biết vào tối 16/5, 6 người này đã chụp ảnh, quay video trái phép hệ thống phòng không của Kyiv và đăng lên mạng xã hội. Cơ quan an ninh Ukraine cáo buộc hành động như vậy có thể tiết lộ vị trí của hệ thống phòng không tại thủ đô.
“Chỉ trong vài phút, những video này được nhiều kênh Telegram và truyền thông Nga tiếp cận”, SBU nói thêm.
Theo SBU, những người này đã bị tịch thu điện thoại, máy tính ở nhà riêng và có thể đối mặt án tù 8 năm. SBU cũng thông báo chặn các camera an ninh của một số doanh nghiệp ở Kyiv đã tự động quay lại cảnh hệ thống phòng không ở thành phố vận hành.
Viên Minh (Tổng hợp)
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ‘đập tan’ quyền tự trị của Đài Loan
Trung Quốc sẵn sàng “kiên quyết đập tan bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”, quân đội nước này cảnh cáo hôm 16/5, giữa lúc tin tức cho hay Mỹ chuẩn bị đẩy nhanh việc bán vũ khí phòng thủ và hỗ trợ quân sự cho nền dân chủ của hòn đảo tự trị.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei, nói trong một video đăng trên mạng rằng sự gia tăng trao đổi gần đây giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Đài Loan là một “động thái cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “tiếp tục tăng cường huấn luyện và chuẩn bị quân sự, đồng thời sẽ kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan cũng như những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Tan nói đề cập đến đồng minh thân cận nhất của Đài Loan, là Hoa Kỳ.
Trung Quốc tuyên bố hòn đảo có 23 triệu dân này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.
Phô trương sức mạnh
Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất và kho phi đạn đạn đạo khổng lồ, Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa bằng cách đưa máy bay và tàu chiến vào vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan. Với hơn 2 triệu binh sĩ, PLA cũng được xếp hạng là quân đội thường trực lớn nhất thế giới, mặc dù việc vận chuyển thậm chí một phần lực lượng trong trường hợp nổ ra cuộc xâm lược được coi là một thách thức lớn về hậu cần.
Cùng với các vụ xâm nhập trên không và trên biển hàng ngày xung quanh Đài Loan, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận trong và xung quanh Eo biển Đài Loan chia cắt đôi bên, một phần được coi là diễn tập cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược, mà khi xảy ra, sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với an ninh và nền kinh tế trên toàn thế giới.
Những hành động như vậy có thể được coi là nỗ lực quấy rối quân đội Đài Loan và đe dọa các chính trị gia cũng như cử tri, những người sẽ bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới tại Đài Loan vào năm tới.
Các động thái này của Trung Quốc dường như có tác dụng hạn chế. Hầu hết người Đài Loan kiên quyết ủng hộ việc duy trì tình trạng độc lập trên thực tế của họ. Các chính trị gia và các nhân vật công chúng khác từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thường xuyên đến Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ của họ, mặc dù các quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Phát biểu của ông Tan được đưa ra đáp câu hỏi của một phóng viên về tin nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 500 triệu đô la cho Đài Loan và cử hơn 100 quân nhân đến Đài Loan đánh giá các phương pháp huấn luyện và đưa ra các đề nghị để cải thiện khả năng phòng thủ của hòn đảo.
Hỗ trợ của Hoa Kỳ
Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ. Cả hai đảng đã kêu gọi chính quyền Biden xúc tiến gần 19 tỷ đô la các mặt hàng quân sự đã được phê duyệt để bán nhưng chưa được giao cho Đài Loan.
Các quan chức chính quyền nói việc giao hàng chậm trễ là do tắc nghẽn trong sản xuất liên quan đến đại dịch COVID-19 và năng suất hạn chế cũng như nhu cầu vũ khí gia tăng để hỗ trợ Ukraine. Động thái của ông Biden sẽ cho phép xuất khẩu các mặt hàng từ kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ, đẩy nhanh việc cung cấp ít nhất một số khí tài mà Đài Loan cần để ngăn chặn hoặc đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.
Trong số các mặt hàng được đặt có phi đạn chống hạm Harpoon, máy bay chiến đấu F-16, phi đạn vác vai Javelin và phi đạn Stinger, Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS, vốn đã trở thành một vũ khí quan trọng cho quân đội Ukraine chiến đấu với các lực lượng xâm lược của Nga.
Phát biểu của ông Tan phù hợp với giọng điệu tiêu chuẩn của Bắc Kinh về cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Đài Loan và Trung Quốc tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949 và Bắc Kinh coi việc đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của mình là chìa khóa để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Những nỗ lực “tìm kiếm độc lập bằng cách dựa vào Hoa Kỳ” và “tìm kiếm độc lập bằng sức mạnh quân sự” là một “ngõ cụt”, ông Tan nói.
Với quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp lịch sử và Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về nhượng bộ chính trị trong việc thống nhất, mối lo ngại đang gia tăng về khả năng xảy ra xung đột mở liên quan đến cả ba bên và có thể là cả các đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ như Nhật Bản.
Sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine cũng làm gia tăng căng thẳng với Washington. Bắc Kinh được cho là đang điều nghiên kỹ lưỡng những thất bại quân sự của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi ý chí của phương Tây ủng hộ Kyiv được một số người coi là phép thử đối với quyết tâm đứng về phía Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Khí hậu : 2023-2027 sẽ là giai đoạn nóng chưa từng có
Giai đoạn 2023-2027 gần như chắc chắn sẽ là gia đoạn nóng nhất chưa từng được nghi nhận trên Trái đất, đó là báo động ngày 17/04/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới ( OMM ). Tổ chức này cho rằng đây là hệ quả từ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Niño khiến nhiệt độ tăng lên.
Điều đáng lo ngại là nhiệt độ trên thế giới có lẽ sớm vượt qua mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris về Khí hậu năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất dưới ngưỡng 2°C và nếu có thể là ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Cụ thể, theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc, trong một đến 5 năm tới, 66% khả năng là nhiệt độ trung bình hàng năm trên bề mặt Trái đất vượt mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết những dữ liệu được công bố hôm 17/05 « không có nghĩa là chúng ta sẽ thường xuyên vượt qua ngưỡng 1,5°C của Thỏa thuận Paris », nhưng phản ánh sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Do đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo « ngưỡng 1,5°C sẽ tạm bị vượt qua và ngày càng thường xuyên bị vượt qua hơn ».
Ông Petteri Taalas cũng lưy ý trong thông cáo rằng « hiện tượng El Niño sẽ xảy ra trong vài tháng tới, thêm vào đó là tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng ở mức chưa từng có ». El Niño là hiện tượng khí hậu liên quan đến việc nhiệt độ tăng cao, hạn hán nghiêm trong tại nhiều vùng trên thế giới và mưa lớn ở nhiều khu vực khác.
Ví dụ mới nhất là tình trạng hạn hán ở châu Âu, Hoa Kỳ, cháy rừng chưa từng có ở miền trung và bắc bang Alberta, Canada, do khô hạn. Trong khi đó, vùng Emilia-Romagne, phía bắc miền trung Ý, đang bị lụt lội chưa từng có do mưa lớn, khiến 9 người chết và nhiều người mất tích. Lượng mưa trong 15 ngày tương đương với 7 tháng.
Theo OMM, khả năng El Niño sẽ hình thành từ nay đến cuối tháng 7 là 60% và từ nay đến cuối tháng 9 là 80%, với hệ quả là nhiệt độ trên thế giới sẽ tăng vào năm 2024.