Võ Thái Hà tổng hợp
Quan chức NATO: Cuộc chiến ở Ukraina sẽ thành cuộc chiến giữa số lượng và chất lượng
Tạ Linh
Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO. (Ảnh chụp màn hình tờ global.espreso.tv).
Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO cho biết cuộc chiến ở Ukraina sẽ ngày càng trở thành cuộc chiến giữa một số lượng lớn quân đội Nga được huấn luyện kém và trang thiết bị lạc hậu với một lực lượng nhỏ hơn của Ukraina được huấn luyện tốt và vũ khí hiện đại.
Theo Reuters, Đô đốc Rob Bauer lưu ý rằng Nga hiện đang khai triển một số lượng đáng kể xe tăng T-54 – một loại vũ khí cũ được thiết kế trong những năm sau Thế chiến thứ hai.
Ông Bauer nói với các phóng viên sau cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels:
“Nhưng vấn đề là họ vẫn còn rất nhiều T-54. Vì vậy… xét về số lượng, đó là một vấn đề”
“Những gì chúng ta sẽ thấy bây giờ là người Nga sẽ tập trung – phải tập trung – vào số lượng, số lượng lính nghĩa vụ lớn hơn và huy động những người không được đào tạo bài bản, trang thiết bị thì cũ”.
Trong khi đó, người Ukraina sẽ “tập trung vào chất lượng, với các hệ thống vũ khí của phương Tây và sự huấn luyện của phương Tây. Tôi có thể nói rằng đó là sự khác biệt lớn trong những tháng tới”.
Ông Bauer cho biết các chỉ huy quân sự của NATO đã nhắc lại “sự hỗ trợ không ngừng” đối với đại diện của Ukraina tại cuộc họp.
Đô đốc Bauer nhấn mạnh: “Không nghi ngờ gì về việc NATO sẽ hỗ trợ Ukraina trong thời gian dài nhất có thể”.
Tướng quân đội Hoa Kỳ Christopher Cavoli, chỉ huy hàng đầu của NATO tại châu Âu, nói thêm rằng sự xuống cấp của các lực lượng Nga là “rất không đồng đều”, chủ yếu là các lực lượng lục quân.
Hoa Kỳ mở đại sứ quán tại Tonga trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (giữa) và các nhà lãnh đạo từ khu vực Quần đảo Thái Bình Dương chụp ảnh tại sảnh North Portico của Tòa Bạch Ốc vào ngày 29/09/2022. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Hôm 09/05, Hoa Kỳ chính thức khánh thành đại sứ quán tại Tonga, tái khẳng định cam kết tăng cường bang giao với đảo quốc Thái Bình Dương này trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết đại sứ quán mới ở Tonga sẽ cho phép Hoa Kỳ khai triển thêm nhân viên ngoại giao và các nguồn lực, trong đó đề cập đến khả năng bổ nhiệm một đại sứ thường trú tại Tonga.
Ông Miller cho biết trong một tuyên bố: “Lễ khánh thành này tượng trưng cho sự đổi mới trong mối bang giao của chúng ta, đồng thời nhấn mạnh sức mạnh trong lời cam kết của chúng ta đối với mối bang giao song phương, với người dân Tonga, và với liên kết đối tác của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Thông báo trên được đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Papua New Guinea vào cuối tháng này để hội đàm với nhà lãnh đạo quốc gia Thái Bình Dương — chuyến thăm đầu tiên như vậy của một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm trong ít nhất một thế kỷ.
Tổng thống Biden sẽ gặp Thủ tướng Papua New Guinea James Marape và các nhà lãnh đạo khác trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương để thảo luận về “sự hợp tác trước những thách thức quan trọng đối với khu vực và đối với Hoa Kỳ, như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên biển, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện,” theo Tòa Bạch Ốc.
Ý tưởng mở Đại sứ quán ở Tonga lần đầu tiên được Phó Tổng thống Kamala Harris công bố hồi năm ngoái (2022) tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Bà Harris cho biết Hoa Kỳ dự định mở một đại sứ quán khác ở Kiribati.
Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng những hành động này sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực mà chính phủ Tổng thống Biden đang tiến hành nhằm “củng cố liên kết đối tác Hoa Kỳ-Quần đảo Thái Bình Dương và ủng hộ chủ nghĩa khu vực ở Thái Bình Dương.”
Tonga có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã tìm cách tăng cường can dự vào khu vực Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cho biết Hoa Thịnh Đốn thấy rằng Tonga có tầm quan trọng chiến lược vì vương quốc này là “chìa khóa cho câu hỏi quốc gia nào sẽ là nước thống trị Thái Bình Dương.”
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 14/10/2011. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Bà Sherman cho biết Hoa Kỳ và Tonga đã cùng chiến đấu bên nhau kể từ Đệ nhị Thế chiến, khoảng ba thập niên trước khi thiết lập mối bang giao chính thức.
Tại một sự kiện giao lưu với các sinh viên đại học ở Tonga hồi tháng 08/2022, bà Sherman cho biết, “Ngày nay, vương quốc này cũng vẫn có tầm quan trọng chiến lược bởi vì như mọi người chúng ta đều biết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn hiện diện ở đây, họ muốn đầu tư vào đây.”
“Điều họ không thể làm … là định đoạt tương lai cho quý vị. Chúng tôi muốn hợp tác với quý vị, chúng tôi muốn đồng hành với quý vị và chúng tôi muốn bảo đảm rằng quý vị có quyền lựa chọn tương lai của chính mình và không phải chúng tôi hay bất kỳ ai khác quyết định điều đó cho quý vị.”
Hồi tháng 05/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Tonga và ký một loạt thỏa thuận song phương cho phép Trung Quốc trang bị cho Tonga phòng thí nghiệm của cảnh sát, cung cấp thiết bị kiểm tra hải quan, cứu trợ thiên tai, hợp tác kinh tế xanh, và một dự án cải tạo lăng mộ.
Các thỏa thuận nói trên được đưa ra sau khi Tonga, một trong những quốc gia nghèo nhất Thái Bình Dương, đồng ý tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vào năm 2021. Báo cáo ngân sách của Tonga cho thấy, nước này đang nợ ngoại quốc 195 triệu USD, ⅔ trong số này là nợ Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc.
Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng đã ký nhiều thỏa thuận với một số quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, cho phép Bắc Kinh phái cử cảnh sát, quân đội, trang thiết bị vũ khí, và tàu hải quân đến quốc gia này. Quần đảo Solomon có một vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương và cách Úc chưa đầy 1,200 dặm (1,920km).
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tìm cách có được chữ ký của các quốc gia trong khu vực cho một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng vào tháng 05/2022 nhưng bất thành vì thiếu sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo trong Quần đảo Thái Bình Dương.
Victoria Kelly-Clark, và Reuters
Vấn đề người di cư ở biên giới phía Nam nước Mỹ nóng lên
Có rất ít chính sách mà cả Donald Trump lẫn Joe Biden đều tán thành. Song khi nhậm chức, ông Biden đã giữ nguyên Tiêu đề 42, một quy tắc y tế cộng đồng do ông Trump ban hành từ tháng 3 năm 2020 để cho phép chính phủ nhanh chóng trục xuất những người nhập cư trái phép. Chính sách này nhìn bề ngoài là nhằm ngăn covid-19 lây lan. Nhưng kể từ đó, Tiêu đề 42 đã được dùng để trục xuất 2,7 triệu người di cư (dù nhiều trong số những người bị trục xuất đã tìm cách nhập cảnh trở lại).
Thứ Năm này đánh dấu kết thúc giai đoạn khẩn cấp covid-19 và cùng với đó là Tiêu đề 42. Các quan chức dự đoán số lượng người vượt biên sẽ gia tăng. Hàng ngàn người đã lên đường sẵn và đợi ở miền bắc Mexico đến khi chính sách mất hiệu lực.
Chính quyền Biden đang mở rộng các con đường hợp pháp vào Mỹ đồng thời trấn áp nhập cảnh bất hợp pháp. Nhưng hệ thống có thể bị quá tải bởi số lượng lớn người di cư. Chỉ Quốc hội mới có quyền phân bổ nhiều nguồn lực hơn để xử lý người di cư và yêu cầu tị nạn, nhưng tình trạng bế tắc chính trị hiện tại khiến điều đó trở nên bất khả thi.
Liệu Trung Quốc có trên bờ vực giảm phát?
Trung Quốc nhìn chung tránh được tai họa lạm phát đã ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia khác sau đại dịch. “Tất cả các ngân hàng trung ương khác thực sự sẽ rất vui khi có… tỉ lệ lạm phát của ông,” người ta đã nói với thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ gần đây của ông như vậy. Nhưng liệu Bắc Kinh có phải đối mặt với vấn đề ngược lại?
Các số liệu công bố vào thứ Năm có thể cho thấy trong tháng 4, lạm phát giảm xuống còn 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát “tại cổng nhà máy” (bao gồm giá mà các công ty trả cho các nhà sản xuất khác) đã ở mức âm. Dù lạm phát thấp là điều tốt cho các ngân hàng trung ương, giảm phát sẽ khiến họ rất lo lắng.
May mắn là Trung Quốc có thể sẽ không đi vào vùng giảm phát. Giá nhiên liệu cao bất thường một năm trước khiến giá hiện nay trông có vẻ yếu hơn khi so sánh. Tín dụng cũng đang tăng lên. Khi Trung Quốc phục hồi, các nhà máy sẽ tăng tốc và cửa hàng được lấp đầy, qua đó gây áp lực tăng giá – miễn là những lo ngại về giảm phát không làm suy yếu chính sự phục hồi có thể ngăn chặn nó.
SoftBank công bố kết quả kinh doanh
Vào thứ Năm, tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank sẽ công bố kết quả cho năm tài chính tính đến cuối tháng 3. Đây là cơ hội cho thị trường thấy được mức độ thiệt hại mà lãi suất cao và định giá ngành công nghệ thấp hơn đã gây ra cho một trong những nhà đầu tư tăng trưởng nổi bật nhất.
Năm 2000, SoftBank đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba, một công ty công nghệ Trung Quốc. Giá trị của Alibaba sau đó tăng lên hàng trăm tỷ đô la; và đến năm 2014 SoftBank sở hữu tới một phần ba cổ phần của công ty này. Alibaba trở thành nguồn thu đều đặn – nhưng giờ đây SoftBank được cho là đã bán phần lớn cổ phần.
Các nhà đầu tư muốn biết thông tin cập nhật về chiến lược của SoftBank dành cho Arm, một nhà thiết kế chip Anh được họ mua lại từ năm 2016. Hồi tháng 3, SoftBank đã công bố kế hoạch niêm yết Arm ở New York. Một đợt IPO thành công sẽ mang lại lợi nhuận tốt trong bối cảnh con bò sữa Alibaba đã bị vắt kiệt.
Xây dựng thư viện gen người
Về mặt di truyền, con người rất giống nhau. Khoảng 99,6% bộ gen của bạn — tức chuỗi DNA duy nhất nằm trong hầu hết các tế bào của cơ thể — có thể được tìm thấy ở mọi người khác. Ngay cả những khác biệt còn lại cũng là phổ biến: hơn 95% các khác biệt sẽ được chia sẻ bởi hàng chục triệu người khác.
Nhưng những biến thể nhỏ có thể gây ra hậu quả quan trọng cho khả năng nhiễm bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học có thể sử dụng một “thư viện” bộ gen đầy đủ để nghiên cứu các bản sắc di truyền khác nhau. Một nghiên cứu như vậy cũng có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về chức năng gen của họ và yêu cầu điều trị tốt hơn. Theo một bài báo mới trên tạp chí khoa học Nature, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế hiện đã tạo ra một “pangenome” như vậy.
Mỗi bộ gen được lắp ráp tỉ mỉ từ các đoạn DNA lấy từ các mẫu máu. Một tệp kỹ thuật số hiện chứa trình tự bộ gen của 47 người. Gen của khoảng 300 người nữa sẽ được bổ sung, bao gồm cả từ các khu vực ít đại diện như Trung Đông. Đa dạng thông tin di truyền hơn sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu rõ về cách đột biến phát sinh qua không gian cũng như thời gian.
Ngành sản xuất của Hoa Kỳ bùng nổ?
Chi tiêu để tăng năng lực sản xuất đã tăng lên một cách thông minh
Tác giả Milton Ezrati
11/5/2023
Công nhân lắp ráp xe hơi tại nhà máy lắp ráp mới được sửa sang lại của Ford ở Chicago, hôm 24/06/2019. (Ảnh: Jim Young/AFP/Getty Images)
Khi các công ty Hoa Kỳ suy nghĩ lại về việc sử dụng nguồn cung ứng ở Trung Quốc, có vẻ như một số công ty đã quyết định đưa hoạt động của họ về nước.
Từ năm 2022 và cho tới thời điểm hiện tại trong năm nay, đầu tư vào sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã tăng lên một cách thông minh. Một phần khoản chi tiêu này là nhằm mục đích tận dụng các khoản tài trợ, trợ cấp, và lợi thế về thuế của liên bang để sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước, xe điện (EV), và các sản phẩm tương tự. Nhưng xu hướng này dường như cũng có được sự hậu thuẫn từ các nguyên tắc kinh tế căn bản khác bền vững hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi này liên quan nhiều đến năng lực sản xuất và sản lượng hơn là về việc làm.
Năm ngoái (2022), Bộ Thương mại đã báo cáo rằng chi tiêu cho năng lực sản xuất mới tương đương với khoảng 108 tỷ USD, tăng 12.5% so với năm 2021. Năm 2023 chỉ có dữ liệu cho hai tháng, nhưng các dữ liệu này cho thấy sự tăng tốc rõ rệt so với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái (2022). Mức chi tiêu hồi tháng Hai đã tăng 8.2% so với mức chi tiêu của tháng 12/2022. Năng lực sản xuất tổng thể đã chỉ tăng ở mức khiêm tốn 1.4% trong 12 tháng qua, nhưng mức tăng này cũng là hợp lý vì ngay cả một năm bội thu đầu tư mới cũng không làm thay đổi được nhiều năng lực tổng thể được hình thành trong năm. Tuy nhiên, xu hướng này rất đáng khích lệ, cho thấy sự tăng trưởng năng lực sản xuất sau hơn 10 năm suy giảm từ năm 2007 đến năm 2020.
Không nghi ngờ gì rằng một phần trong số những khoản đầu tư tăng đột biến này phản ánh Đạo luật CHIPS cho Hoa Kỳ và đạo luật được đặt tên kỳ lạ là Đạo luật Giảm Lạm Phát. Cả hai đạo luật này đều đã được thông qua vào năm ngoái (2022) và cung cấp các khoản trợ cấp cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn trong nước. Ngay sau khi các đạo luật này được thông qua, Intel và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đều đã công bố ý định xây dựng các cơ sở mới ở Hoa Kỳ và tiền đã bắt đầu chảy vào. Intel đã lên kế hoạch cho cơ sở của mình từ trước khi luật được thông qua, nhưng chắc chắn chi tiêu đã tăng tốc theo sau các luật mới.
Mặc dù luật rõ ràng đã có tác dụng, nhưng không thể duy trì chi tiêu đầu tư với tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Một khi các nhà sản xuất thay thế các hoạt động ở ngoại quốc và tích hợp vào các cơ sở hiện đang được lên kế hoạch cho những năm tới ở Hoa Kỳ, thì tốc độ tăng trưởng đầu tư sẽ chậm lại để bằng với tốc độ tăng trưởng của thị trường toàn cầu trong các lĩnh vực chất bán dẫn và xe điện. Không còn nghi ngờ gì nữa, vi mạch bán dẫn, xe điện, và pin sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn so với các hình thức sản xuất khác, nhưng sẽ không gì sánh được với tốc độ tăng trưởng đột biến hiện nay. Nhưng nếu luật sẽ có một tác động giảm dần, thì những ảnh hưởng khác, căn bản hơn sẽ duy trì sự mở rộng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ.
Các cân nhắc về chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng, và lãi suất tăng là ba trong số những yếu tố này. Câu chuyện về chuỗi cung ứng giờ đây đã trở nên quen thuộc. Trong thời kỳ đại dịch và trong quá trình phục hồi, khi các biện pháp kiểm dịch và phong tỏa được dỡ bỏ, các doanh nghiệp đã phát hiện ra rằng các nguồn cung ứng và việc tìm nguồn cung ứng ở ngoại quốc là kém tin cậy hơn họ từng nghĩ và chắc chắn là cần thiết. Do đó, một số công ty đã quyết định đưa một số hoặc toàn bộ các hoạt động của họ về nước. Xu hướng đó được củng cố khi chi phí năng lượng và độ tin cậy về năng lượng ở Trung Quốc và các nơi khác trở nên tệ hơn.
Cùng lúc, lãi suất tăng cũng đóng một vai trò trong xu hướng này. Bằng cách thúc đẩy người mua sỉ và lẻ giữ lượng hàng tồn kho của họ gọn gàng hơn, các nhà sản xuất sẽ đối diện với nhu cầu giao hàng nhanh hơn và thường xuyên hơn, điều có thể được đáp ứng tốt nhờ các cơ sở sản xuất gần đó.
Chênh lệch tiền lương đặc biệt ảnh hưởng đến phương trình sản xuất này. Trong nhiều năm, nhân công giá rẻ, đáng tin cậy ở Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á đã khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ chấp nhận rủi ro về các tuyến đường cung cấp dài và những ẩn số khác để xây dựng và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc. Sự khác biệt về tiền lương chắc chắn đã là một yếu tố hấp dẫn. Năm 2000, ngay sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình của Hoa Kỳ cao gấp 33 lần mức lương trung bình ở Trung Quốc. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc dần dần phát triển, thì tiền lương ở đó đã bắt đầu bắt kịp mức lương ở Hoa Kỳ. Vào lần thống kê mới đây nhất, mức lương của người Mỹ cao gấp khoảng 6.5 lần so với mức lương của người Trung Quốc ở vị trí công việc tương đương, vốn vẫn là một khoản chênh lệch lớn nhưng đã không còn hấp dẫn như trước đây.
Trong khi đó, bằng cách làm giảm nhu cầu về nhân công, tự động hóa đã tiếp tục làm mất đi bất kỳ lợi thế về tiền lương nào mà Trung Quốc vẫn được hưởng. Nhận xét của Giám đốc điều hành Black and Decker, ông Donald Allan Jr., đã làm rõ hiệu ứng này một cách ngắn gọn. Ông so sánh các nhà máy của công ty mình ở Trung Quốc và Mexico với một nhà máy vừa mới xây xong ở North Carolina. Ông giải thích, các nhà máy ở Mexico và Trung Quốc cần 50 đến 75 công nhân trên dây chuyền, nhưng nhà máy ở North Carolina chỉ cần 10 đến 12 công nhân; và trong giai đoạn tự động hóa tiếp theo, nhà máy này sẽ chỉ cần hai hoặc ba công nhân.
Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy rất nhiều tiền được chi nhằm mục đích tự động hóa chứ không phải là mở rộng sản xuất thô. Thống kê của Bộ Thương mại chỉ ra rằng chỉ có khoảng 15% tổng chi tiêu đầu tư kinh doanh là dành cho việc xây dựng các công trình kiến trúc. 85% còn lại dành cho thiết bị và tài sản trí tuệ — nói cách khác, tập trung vào các khoản đầu tư nâng cao tính hiệu quả, chẳng hạn như các hệ thống, robot, v.v.
Sản xuất của Hoa Kỳ sẽ phát triển, nhưng lĩnh vực này sẽ không sử dụng những con số từng đạt được trong quá khứ hay thậm chí là những con số từng sử dụng ở ngoại quốc cách đây không lâu.
Nhật Thăng biên dịch
Mỹ ra quy định mới đối phó với di dân bất hợp pháp đang tràn vào biên giới
11/5/2023
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết quy định mới sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt hơn cho những người vượt biên trái phép.
Hoa Kỳ ngày 10/5 triển khai một quy định mới mà qua đó sẽ từ chối tị nạn đối với hầu hết những di dân vượt biên giới Hoa Kỳ-Mexico bất hợp pháp, một phần quan trọng trong việc thực thi kế hoạch của Tổng thống Joe Biden giữa lúc điều luật 42 vốn hạn chế di dân vào biên giới Mỹ thời đại dịch hết hạn vào ngày 11/5.
Theo quy định mới, những di dân đến biên giới Mỹ sẽ không đủ điều kiện xin tị nạn nếu họ đã đi qua các nước khác mà không xin tị nạn trước hoặc không dùng các con đường hợp pháp để nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết quy định mới sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt hơn cho những người vượt biên trái phép. Thay vì nhanh chóng bị trục xuất về Mexico, họ có thể bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 5 năm nếu không đủ điều kiện xin tị nạn.
“Chúng tôi nói rất rõ ràng rằng biên giới của chúng tôi không mở cửa, việc vượt biên trái quy định là phạm pháp và những người không đủ điều kiện được cứu giúp sẽ nhanh chóng bị trả về,” ông Mayorkas nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Washington.
Ông đổ lỗi cho Quốc hội vì đã không thông qua cải cách di trú có ý nghĩa “trong hơn hai thập niên,” đồng thời nói thêm rằng các nhà lập pháp đã không cung cấp kinh phí theo yêu cầu của chính quyền Biden cho các nhân viên biên giới, cơ sở vật chất và phương tiện đi lại.
Chính quyền ông Biden đang vật lộn với sự gia tăng kỷ lục các cuộc vượt biên trái phép vì các hạn chế do COVID được triển khai từ tháng 3 năm 2020 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 11/5. Di dân tuần này đã tập trung đông đảo ở Mexico trong khi những người đã vào được lãnh thổ Mỹ đang gây căng thẳng cho các thành phố biên giới.
Các hạn chế theo điều luật 42 cho phép chính quyền Hoa Kỳ nhanh chóng trục xuất nhiều di dân không phải là người Mexico qua lãnh thổ Mexico mà không cho cơ hội xin tị nạn tại Mỹ. Người Mexico, quốc tịch thường xuyên bị bắt gặp nhất, có thể nhanh chóng được đưa trở lại Mexico theo các thỏa thuận song phương có trước các hạn chế về COVID.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên vào tối 9/5 rằng quy định mới, có hiệu lực vào ngày 11/5 và sẽ hết hạn sau hai năm, không có thay đổi lớn nào so với bản dự thảo được công bố vào tháng Hai năm nay.
Quy định này sẽ áp dụng cho đại đa số di dân không phải người Mexico, những người thường phải đi qua nhiều quốc gia rồi mới tới được biên giới giữa Mexico với Mỹ.
Một số di dân đang tranh nhau vào Mỹ trước khi quy định mới có hiệu lực.
Ông Brandon Judd, chủ tịch hiệp hội các nhân viên tuần tra biên giới cho biết, trong hai ngày 8 và 9 tháng Năm, mỗi ngày có hơn 10.000 di dân đã bị bắt khi vượt biên giới Mỹ-Mexico bất hợp pháp. Con số này đã vượt con số ước đoán của một quan chức biên giới hồi tháng trước một khi điều luật 42 chấm dứt.
Ông Judd cho biết các nhân viên biên giới được phép thả di dân ở các thành phố biên giới nếu Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) và các tổ chức từ thiện không có khả năng tiếp nhận họ.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) không trả lời yêu cầu bình luận.
Chỉ trích của cả hai bên
Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Biden, một đảng viên Dân chủ đang vận động tái tranh cử vào năm 2024, vì đã đẩy lùi các chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu hiện tại cho sự đề cử của đảng Cộng hòa.
Nhưng một số đảng viên Dân chủ và những người ủng hộ di dân đã chỉ trích quy định mới của ông Biden, nói rằng giống các biện pháp tương tự được thực hiện dưới thời ông Trump vốn đã bị tòa án Hoa Kỳ chặn lại và hạn chế các bảo đảm về quyền tị nạn trong luật pháp Hoa Kỳ và các hiệp định quốc tế.
Động thái này cũng đi ngược lại với những tuyên bố trước đó mà ông Biden từng đưa ra vào năm 2020 trong chiến dịch tranh cử khi ông nói rằng việc mọi người không thể xin tị nạn trên đất Mỹ là “sai lầm”. Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã báo hiệu rằng họ sẽ kiện chính sách này.
Ở phía bên kia của hệ tư tưởng, một liên minh gồm 22 tổng chưởng lý của các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa đã phản đối riêng biệt biện pháp này, nói rằng nó “đầy những ngoại lệ.”
Ngoài lệnh cấm đối với những người xin tị nạn, vốn có thể làm gia tăng các vụ trục xuất, vào cuối tháng Tư, các quan chức của ông Biden cho biết họ đang mở rộng các con đường hợp pháp cho di dân nước ngoài nhằm cung cấp các cách thay thế để vào Hoa Kỳ và ngăn chặn các cuộc vượt biên trái phép.
Trả lời phóng viên hôm 9/5, các quan chức của ông Biden cho biết chính quyền đã lên kế hoạch mở hơn 100 trung tâm xử lý di trú ở Tây Bán cầu và sẽ ra mắt một nền tảng đặt lịch hẹn trực tuyến mới xin phỏng vấn tị nạn trong những ngày tới.
Các quan chức cũng cho biết họ dự kiến Mexico sẽ tăng cường thực thi nhập cư trong tuần này, bao gồm cả ở miền nam Mexico.
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc trở về cảng nhà sau chuyến phô diễn sức mạnh
10/5/2023
Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Quốc.
Hôm 10/5, quân đội Trung Quốc cho biết hàng không mẫu hạm Sơn Đông đã trở về cảng nhà ở Hải Nam “trong những ngày gần đây”, sau chuyến hải hành kéo dài một tháng bao gồm các chuyến đi vòng quanh Đài Loan để tập trận và phô diễn sức mạnh hải quân đến tận Tây Thái Bình Dương, theo Reuters.
Năm nay, tàu Sơn Đông đã được nhìn thấy ở eo biển Đài Loan, kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines, và thậm chí đến tận đảo Guam. Vào đầu tháng 4, lần đầu tiên con tàu này tham gia cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu được phóng từ một hàng không mẫu hạm vào Đài Loan.
Màn phô trương lực lượng diễn ra sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy, khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc vốn coi cuộc gặp này là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Tàu Sơn Đông vừa tham gia cuộc tuần tra an ninh xung quanh đảo Đài Loan trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự “song kiếm”, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
“Nhóm tàu sân bay Sơn Đông, lần đầu tiên xuất hiện với đội hình và quy mô như vậy, đã đi đến vùng biển phía tây Thái Bình Dương”, tuyên bố nói thêm.
Tàu Sơn Đông được đưa vào hoạt động vào năm 2019, đã nổi bật trong công tác tuyên truyền quân sự của Trung Quốc. Trong cuộc tập trận hồi tháng 4, Trung Quốc trưng bày nhiều hình ảnh về tàu Sơn Đông và các máy bay chiến đấu được phóng từ tàu sân bay.
Vài ngày sau khi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận mới nhất quanh đảo Ðài Loan, tàu chiến USS Milius của Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan trong hoạt động mà Hải quân Hoa Kỳ mô tả là quá cảnh “thường lệ”.
Hồi tháng 3/2022, tàu Sơn Đông, một trong hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc, đi qua eo biển Đài Loan chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ chuẩn bị đàm thoại.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự để cố gắng buộc Đài Loan chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này.