Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ mời tân Ngoại trưởng Trung Quốc đến Washington sau khi ông Tần Cương ngã ngựa
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự cuộc họp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, hôm 26/7/2023. Ông Vương Nghị tuần này trở lại với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bắt đầu công việc mà ông đã đảm nhiệm trong gần một thập kỷ. (Ảnh: Pool/AFP/Getty Images)
Hôm 1/8, Mỹ cho biết nước này đã chính thức mời tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Washington sau khi ông Tần Cương bị ngã ngựa.
Ông Tần bị bãi nhiệm vào ngày 25/7, chỉ 7 tháng sau khi đảm nhận chức Ngoại trưởng và một tháng sau khi ông biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Lần cuối cùng ông xuất hiện trên truyền thông nhà nước là vào hôm 25/6, khi ông tiếp đón các quan chức Nga, Sri Lanka và Việt Nam.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tái bổ nhiệm ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, vị trí mà ông đã đảm đương trong 10 năm cho đến cuối năm 2022. ĐCSTQ không đưa ra lời giải thích nào về sự thay đổi nhân sự này.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, Washington đã gửi lời mời tới ông Vương trong cuộc gặp giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và châu Đại Dương Dương Đào hôm 31/7 tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller: “Trong cuộc họp ngày hôm qua, chúng tôi đã mở rộng lời mời trước đó được gửi tới ông Tần Cương và nói rõ rằng lời mời đã được chuyển [đến ông Vương]”.
Hôm 18/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã mời ông Tần đến Washington trong chuyến thăm đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới Trung Quốc sau 5 năm.
Cả hai bên đã nhất trí lên lịch “chuyến thăm lẫn nhau vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên”.
Khi được hỏi liệu ông Vương Nghị có chấp nhận lời mời hay không, ông Miller nói rằng vấn đề này do Bắc Kinh quyết định. Ông Miller cũng nói thêm rằng đây là dự định của Mỹ và nước này kỳ vọng chuyến thăm sớm diễn ra.
“Chúng tôi chắc chắn mong đợi rằng họ sẽ chấp nhận [lời mời] và kỳ vọng rằng chuyến thăm sẽ diễn ra, nhưng chúng tôi vẫn chưa ấn định ngày [cụ thể]”, ông nói.
Ông Kritenbrink đã gặp ông Vương Nghị ở Washington trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Cuộc gặp còn có sự tham dự của bà Sarah Beran, Giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Hai bên đã tổ chức một cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất và hiệu quả như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh liên lạc cởi mở”.
Tại cuộc gặp, quan chức ngoại giao hai nước cũng đề cập đến loạt “vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, bao gồm cả xung đột Nga – Ukraine và các vấn đề xuyên Eo biển Đài Loan”.
Ba nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên về khí hậu John Kerry, đã đến thăm Bắc Kinh trong những tháng gần đây để gặp gỡ các quan chức Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Vụ mất tích bí ẩn của ông Tần Cương
Hiện vẫn chưa rõ lý do ông Tần Cương biến mất. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trước đó nói rằng ông Tần gặp vấn đề về “sức khỏe”.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen ở tiểu bang Colorado (Mỹ) hôm 22/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cũng được hỏi về nơi ở của ông Tần Cương, tuy nhiên ông trả lời rằng: “Chúng tôi không biết, chúng tôi thực sự không biết”.
Ông Sullivan đề cập rằng ông Blinken lẽ ra sẽ gặp ông Tần tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia, nhưng thay vào đó lại gặp ông Vương.
Theo nguồn tin từ giới truyền thông Hong Kong và Đài Loan, sự vắng mặt của ông Tần Cương có thể là do ông vướng phải lùm xùm ngoại tình với bà Phó Hiểu Điền – từng là người dẫn chương trình của đài truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix) – một cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đăng ký tại Hong Kong.
Tuy nhiên, giới quan sát đã bác bỏ giả định này. Họ cho rằng câu chuyện ngoại tình thường được các nhà lãnh đạo ĐCSTQ lấy làm cái cớ để loại bỏ đối thủ. Thay vào đó, họ nêu bật những sai lầm chính trị và tranh giành quyền lực, đặc biệt là việc ông Vương Nghị không hài lòng với những nỗ lực của ông Tần.
Học giả nổi tiếng Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) sống ở Úc lập luận rằng việc ông Tần Cương đột ngột bị miễn nhiệm là kết quả của cuộc đấu đá chính trị trong nội bộ Đảng. Ông Tần Cương đã cách chức một số nhân vật được ông Vương Nghị trọng dụng, trong đó nổi tiếng nhất là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.
Ông Viên Hồng Băng nói với The Epoch Times hôm 25/7: “Chính ông Vương Nghị là người muốn loại bỏ ông Tần Cương, vì ông Tần Cương đã loại bỏ [phát ngôn viên Bộ ngoại giao] Triệu Lập Kiên và các thân tín khác của ông Vương kể từ khi ông Tần nhậm chức”.
Ông Triệu Lập Kiên sau đó đã được chuyển đến Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 1, một động thái được coi là giáng cấp.
Ngoài ra, ông Viên Hồng Băng nói thêm rằng ông Tần còn điều chỉnh chức vụ của một loạt quan chức cấp trung và cấp cao trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, điều này động chạm đến lợi ích của ông Vương Nghị. Do đó, cuộc đấu đá giữa hai người này đã đến mức như nước với lửa.
Lam Giang tổng hợp
Từ Manila, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen “đá xéo” Trung Quốc
Việt Bình /SGN
2 tháng 8, 2023
Trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Romualdez Marcos Jr. và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sau khi tổ chức các cuộc đàm phán ở Manila nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế và an ninh ngày 31 Tháng Bảy 2023, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã “đá xéo” Trung Quốc khi viện dẫn cuộc xâm lược Ukraine của Nga để cảnh báo về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt việc Bắc Kinh liên tục hù dọa tấn công Đài Loan. Bằng ngôn ngữ cứng rắn, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng EU sẽ không dung thứ cho hành động gây hấn ở cả hai khu vực.
Ursula von der Leyen cũng cho biết, khối EU với 27 quốc gia sẽ nối lại đàm phán với Philippines về một hiệp định thương mại tự do vốn bị đình trệ vào năm 2017 dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Marcos, ông Rodrigo Duterte; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác an ninh, khi nêu rằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine cho thấy các nhà lãnh đạo độc đoán “sẵn sàng hành động như thế nào”.
“Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Nó vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chẳng hạn như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,” bà nói. “Đây là lý do tại sao châu Âu ủng hộ cuộc chiến dũng cảm của Ukraine chống lại kẻ xâm lược, bởi vì việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp là không thể dung thứ, không phải ở Ukraine, không phải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” von der Leyen nói. “An ninh ở châu Âu và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể chia cắt. Những thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ trong thế giới liên kết với nhau của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”
“Đây là lý do tại sao chúng tôi lo ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” Ursula von der Leyen nói, và rằng EU ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở “vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không có các mối đe dọa cưỡng bức là chìa khóa cho tất cả các hoạt động của chúng ta, cho sự ổn định hòa bình của chúng ta, và cho sự thịnh vượng của nhân dân chúng ta.”
Dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng bà von der Leyen tái khẳng định sự công nhận của EU đối với phán quyết của một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Phần mình, như đã biết, Trung Quốc luôn bác bỏ quyết định trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Chuyến thăm của Von der Leyen đến Philippines là dấu hiệu cải thiện quan hệ sau thời kỳ sóng gió giữa EU và cựu Tổng thống Duterte về vấn đề nhân quyền. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên như vậy trong gần sáu thập niên quan hệ giữa châu Âu và Philippines. Trong một buổi nói chuyện khác tại một diễn đàn kinh doanh ở Manila, Ursula von der Leyen phát biểu mạnh mẽ và trực diện hơn khi cảnh báo rằng những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở châu Á “cũng có thể gây ra hậu quả toàn cầu”.
Bà chỉ trích lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine, các hành động ngày càng hung hăng của nước này ở vùng biển châu Á đang tranh chấp và các động thái khiêu khích của nước này đối với Đài Loan. Ursula von der Leyen nói: “Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như ở eo biển Đài Loan ảnh hưởng trực tiếp đến Philippines và các đối tác khác trong khu vực. Và điều này cũng có thể có tác động toàn cầu vì bất kỳ sự suy yếu nào của sự ổn định khu vực ở châu Á đều ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, dòng chảy thương mại tự do và lợi ích của chính chúng ta trong khu vực.”
Cần nhắc lại, trong một thập niên qua, Bắc Kinh đã biến bảy rạn san hô tranh chấp thành các căn cứ đảo được bảo vệ bằng tên lửa, khiến các chính phủ phương Tây và các bên tranh chấp chủ quyền, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, ngày càng tỏ ra lo ngại.
Hạm đội tàu bảo vệ duyên hải của Trung Quốc và các nhóm tàu dân quân thường xuyên thị uy, “cảnh cáo” các tàu từ các quốc gia tranh chấp và thậm chí cả quân đội Hoa Kỳ và đồng minh không được “đi lạc” vào các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp, nằm trên một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới và cũng là khu vực có nhiều dầu khí.
Viện dẫn việc “Nga đã cố gắng tống tiền chúng tôi” bằng cách cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước châu Âu sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine, bà Von der Leyen kêu gọi các quốc gia châu Á đừng bao giờ dựa vào một nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô duy nhất. “Chúng ta không thể chọn hàng xóm, nhưng chúng ta có thể chọn làm ăn với ai và với những điều kiện gì,” bà nói.
Philippines đã bị EU chỉ trích dữ dội trong nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Duterte, người thực hiện cuộc đàn áp chống ma túy đẫm máu khiến hơn 6,000 nghi phạm bị giết. Marcos kế nhiệm Duterte vào Tháng Sáu 2022. Các vụ giết người đã gây ra một cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế như một tội ác chống lại loài người. Duterte đã rút Philippines khỏi ICC (International Criminal Court) vào năm 2018 nhưng công tố viên nước này đã tiến hành điều tra những cái chết xảy ra trong những năm Philippines vẫn còn là một phần của tòa án có trụ sở tại The Hague. Duterte thường đả kích những lời chỉ trích của EU về cuộc đàn áp tàn bạo chống ma túy bằng lời lẽ thô tục.
Phần mình, Tổng thống Marcos nói quan hệ giữa EU và Philippines đang bước vào một kỷ nguyên mới. Marcos nhận định: “Chúng tôi là những đối tác có cùng chí hướng thông qua các giá trị chung về dân chủ, thịnh vượng bền vững và toàn diện, pháp quyền, hòa bình và ổn định cũng như nhân quyền”.
Mỹ lo ngại về sự tham gia của công ty Trung Quốc trong việc cải tạo vịnh Manila
03/8/2023
Một thiếu nữ trong trang phục truyền thống tham dự biểu tình chống việc cải tạo Vịnh Manila, nhân kỷ niệm Ngày Trái đất 21/4/2013 ở Philippines.
Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về sự tham gia của một công ty nhà nước Trung Quốc trong các dự án cải tạo của Philippines. Công ty này vốn đã bị đưa vào danh sách đen vì đóng vai trò xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Tòa đại sứ Mỹ tại Manila, Kanishka Gangopadhyay, cho biết Washington cũng bày tỏ với chính phủ Philippines quan ngại về “tác động tiêu cực lâu dài và không thể đảo ngược” của dự án và các hoạt động cải tạo khác đối với môi trường.
Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) nằm trong số hàng chục công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen năm 2020 vì vai trò giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
“Chúng tôi lo ngại về tác động của dự án đối với môi trường và về cả sự tham gia của CCCC. Đây là hai vấn đề riêng biệt”, ông Gangopadhyay nói với các phóng viên.
Ông cho biết CCCC cũng đã bị Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á nêu tên vì tham gia vào các hoạt động kinh doanh gian lận.
Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin, khi đó cho biết ông sẽ đề nghị chính phủ Philippines chấm dứt các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc có trong danh sách.
Hai trong số sáu dự án cải tạo đã được phê duyệt ở Vịnh Manila đang được thực hiện bởi các đơn vị CCCC, công ty China Harbour Engineering và China First Highway Engineering, cùng với các công ty Philippines và chính quyền thành phố, Cơ quan cải tạo đảo Philippine (PRA) cho biết.
Không có bình luận ngay từ CCCC.
Bờ biển của Vịnh Manila là nơi tọa lạc của một số di tích lịch sử và văn phòng chính phủ, bao gồm cả Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Môi trường Antonia Loyzaga cho biết trong một cuộc họp báo ngày 2/8 rằng Bộ sẽ tiến hành đánh giá tác động của các dự án đã được phê duyệt.
Ông Joseph John Literal, phụ tá tổng giám đốc PRA về cải tạo và quy định, cho biết PRA sẽ trao đổi với chính quyền thành phố. Ông nói thêm rằng những người đề nghị các dự án đã có được giấy phép của nhiều cơ quan trước khi các dự án được PRA phê duyệt.
Nga thừa nhận ‘chuyển’ 4.8 triệu người Ukraina sang Nga
Liên Thành
Nga thừa nhận ‘chuyển’ 4,8 triệu người Ukraina sang Nga (ảnh: Marcus Yam/Thời báo Los Angeles).
Maria Lvova-Belova, Ủy viên phụ trách quyền trẻ em do Điện Kremlin bổ nhiệm xác nhận vào ngày 31 tháng 7 rằng, Nga đã chuyển 4,8 triệu người Ukraina, trong đó có hơn 700.000 trẻ em đến Liên bang Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Trong một báo cáo về các hoạt động “được Tổng thống Liên bang Nga ủy quyền vì quyền trẻ em” vào năm 2022, bà Lvova-Belova tuyên bố rằng, Nga đã “tiếp nhận” 4,8 triệu người Ukraina kể từ tháng 2 năm 2022, và lưu ý rằng phần lớn trong số 700.000 trẻ em đến Nga không có sự giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Báo cáo thận trọng định hình các hoạt động này như những cử chỉ thiện chí nhân đạo. Tuy nhiên, luật nhân đạo quốc tế định nghĩa việc buộc phải chuyển thường dân đến lãnh thổ của một thế lực chiếm đóng là “trục xuất”.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, hoàn cảnh cuộc xâm lược Ukraina của Nga và tình hình ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có khả năng đủ cưỡng chế, nghĩa là hầu hết các vụ “chuyển giao” thường dân Ukraina sang Nga đều đáp ứng ngưỡng trục xuất bắt buộc, bị cấm theo Điều 49 của Công ước Geneva lần thứ tư, bất kể động cơ tuyên bố của Nga là gì.
ISW tiếp tục đánh giá rằng, chính quyền Nga đang tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm trục xuất người Ukraina về Liên bang Nga.
Quân đội Myanmar ân xá cho bà Aung San Suu Kyi (một số tội danh)
Liên Thành
Quân đội Myanmar ân xá cho bà Aung San Suu Kyi (ảnh: CNN).
Chính quyền quân sự Myanmar hôm 1/8 đã ân xá cho bà Aung San Suu Kyi về 5 trong số 19 tội danh mà bà bị kết án nhưng bà sẽ vẫn bị quản thúc tại gia, theo Reuters đưa tin.
Quyết định ân xá đồng nghĩa là án tù 33 năm của bà Suu Kyi sẽ giảm bớt 6 năm. Hành động này nằm trong lệnh ân xá hơn 7.000 tù nhân trên khắp đất nước.
Hôm 31/7, chính quyền quân sự đã hoãn cuộc bầu cử được hứa hẹn vào tháng 8 năm nay và gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng nữa, động thái mà những người chỉ trích cho là sẽ kéo dài khủng hoảng.
Bà Aung San Suu Kyi (78 tuổi), người từng đoạt giải Nobel hòa bình và bị bắt giữ trong cuộc đảo chính, tuần trước đã được đưa khỏi nhà tù về quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyitaw. Bà phủ nhận tất cả các cáo buộc mà bà bị kết án, từ kích động và gian lận bầu cử cho đến tham nhũng, và đã kháng cáo.
Phát ngôn nhân của chính quyền quân sự nói rằng, Hội đồng Hành chính Nhà nước của chính quyền quân sự cũng giảm 4 năm tù cho cựu tổng thống Win Myint, người bị bắt giữ cùng lúc với bà Suu Kyi.
Một nguồn tin cho biết cả bà Suu Kyi và ông Win Myint sẽ vẫn bị giam hãm.
Các tội mà bà Suu Kyi được ân xá là những tội nhẹ, bao gồm vi phạm luật khắc phục thiên tai do vi phạm các quy tắc phòng chống dịch COVID-19 khi vận động bầu cử, nguồn tin cho biết.
Kyaw Zaw – người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, chính phủ hoạt động ngầm do phe ủng hộ bà Suu Kyi và những người chống đối quân đội thành lập cho biết, việc ân xá một phần cho bà Suu Kyi và ông Win Myint cho thấy quân đội đang cảm thấy áp lực khi không chỉ các nước phương Tây, mà cả các nước láng giềng ở Đông Nam Á đều kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.
Kyaw Zaw nói: “Đây chỉ là chiêu trò chính trị… nhằm giảm bớt áp lực. Họ phải được thả vô điều kiện vì họ bị bắt giữ tùy tiện. Tất cả tù nhân chính trị phải được thả”.
Đại diện khoảng 40 quốc gia sẽ thảo luận về hòa bình ở Ukraina tại Ả Rập Xê Út
Liên Thành
Tổng thống Mỹ Biden đã đến Ả Rập Xê-út vào tháng 7. (Ảnh: New York Times).
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đại diện của khoảng 40 quốc gia, sẽ tham dự một cuộc họp không chính thức tại Ả Rập Xê Út vào cuối tuần nay – nơi các cách thức đạt được hòa bình ở Ukraina sẽ được thảo luận, theo tờ European Pravda.
Tờ European Pravda dẫn các nguồn tin của EU tại cuộc họp ở Ả Rập Xê Út cho biết: các nước sẽ có đại diện ở cấp cố vấn an ninh quốc gia tham gia, giống như cuộc họp trước đó ở Copenhagen vào tháng 6. Một đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ có mặt. Nga không có khả năng tham gia cuộc thảo luận.
Theo nguồn tin của Europa Press tại Brussels (Bỉ): Cuộc gặp này là cơ hội để các đối tác toàn cầu của EU tiếp xúc với nhau thảo luận về các biện pháp giành lại Hòa bình ở Ukraina, nhằm triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu.
Nguồn tin nói thêm: “Bất kỳ sáng kiến nào nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraina phải dựa trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này trong các đường biên giới được quốc tế công nhận”.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin về việc đại diện 30 nước đã được mời tham dự một cuộc họp tại thành phố Jeddah của Ả Rập Xê Út vào ngày 5-6/8, để họp bàn về Ukraina. Các quan chức Ukraina và phương Tây hy vọng nỗ lực này có thể lên đến đỉnh điểm trong một hội nghị thượng đỉnh về hòa bình vào cuối năm nay, tại đó các nhà lãnh đạo thế giới sẽ ký kết các nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh.
Ukraina tung đòn chính xác, 7 kho đạn của Nga bị phá hủy
Liên Thành
Ảnh minh họa.
Hôm 31/7, Chỉ huy của nhóm lực lượng tác chiến và chiến lược Tavria cho biết, lực lượng phòng không Ukraina đã phá hủy hàng loạt thiết bị quân sự của Nga, trong đó có 7 nhà kho chứa đạn pháo.
Trang UNN của Ukraina ngày 31/7 đưa tin, ông Oleksandr Tarnavskyi – chỉ huy của nhóm lực lượng tác chiến và chiến lược Tavria cho biết, lực lượng phòng không Ukraina tiếp tục tấn công chính xác vào các trang thiết bị của đối phương.
Ông Tarnavskyi nói rằng, ở hướng Tavria, các đơn vị pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraina đã thực hiện 1.359 nhiệm vụ hỏa lực trong ngày. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraina đã phá hủy 16 đơn vị thiết bị quân sự của Nga, trong đó có một xe tăng, 4 xe chiến đấu bọc thép, pháo tự hành 2S19 Msta, 5 hệ thống pháo và súng cối, cùng các thiết bị khác.
Ngoài ra, 7 nhà kho chứa đạn pháo của Nga cũng đã bị phá hủy trong ngày. Phía Nga chưa bình luận về thông tin về Ukraina đưa ra.
Càng nhiều cáo trạng tỉ lệ ủng hộ Trump trong đảng Cộng hoà càng tăng
Vào thứ Năm, Donald Trump sẽ bị buộc tội tại tòa án liên bang ở Washington, DC, về các cáo buộc nghiêm trọng nhất trong danh sách rắc rối pháp lý của ông: âm mưu lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử 2020. Nhưng rõ ràng là các bản cáo trạng hình sự không hề phá vỡ quyền lực tuyệt đối kéo dài gần mười năm qua trong đảng Cộng hòa của ông.
Cựu tổng thống một lần nữa tỏ ra vô cùng lạc quan. “Cảm ơn tất cả mọi người!!! Tôi chưa bao giờ nhận được nhiều ủng hộ như vậy về bất cứ điều gì trước đây,” ông viết trên mạng. Còn nhớ hồi tháng 3 khi Trump bị các công tố viên New York truy tố về sai phạm tài chính khi tranh cử, tỉ lệ ủng hộ ông đã tăng lên. Đến tháng 6, ông bị truy tố vì giữ thông tin tình báo tuyệt mật tại nhà riêng; ngay sau khi rời tòa án liên bang ở Miami, ông vẫn ghé vào một nhà hàng món Cuba nổi tiếng như bình thường.
Các chiến lược gia của đảng Cộng hòa dự đoán các bản cáo trạng hoặc sẽ không gây nguy hiểm cho Trump hoặc đơn giản là tăng cường ủng hộ cho ông. Nó làm người ta liên tưởng đến loài sinh vật hydra trong thần thoại Hy Lạp: cứ mỗi cái đầu mà các công tố viên cố gắng chặt đi, thì lại có hai cái khác xuất hiện.
Quyết định khó khăn của Ngân hàng Trung ương Anh
Hầu hết giới quan sát kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Anh sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 5,25%, vào thứ Năm. Nếu thật vậy, quyết định này sẽ theo sau các động thái tương tự của ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu vào tuần trước, đồng thời đưa chi phí đi vay lên mức cao nhất 15 năm qua.
Giá nhà đã giảm 3,8% kể từ năm ngoái, cho thấy tác động của lãi suất tăng. Nhưng sau gần hai năm thắt chặt, ngân hàng trung ương vẫn chịu nhiều áp lực siết chặt hơn nữa. Nền kinh tế tiếp tục tỏ ra không hề hấn trong khi Anh đối mặt lạm phát cao nhất trong số các nước G7, mặc cho mức giảm lớn hơn dự kiến vào tháng trước. Tỉ lệ phê duyệt thế chấp đã tăng trong tháng 6 và vay ròng của người tiêu dùng gần đây đã đạt mức cao nhất 5 năm.
Do đó, thị trường không loại trừ khả năng ngân hàng sẽ tiến xa hơn và tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm. Với ít công cụ sẵn có, Ngân hàng Anh phải rất khéo léo để vừa giải quyết lạm phát vừa không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Philippines chật vật giải quyết xung đột với các nhóm Hồi giáo
Vào thứ Năm, khoảng 1.300 du kích Hồi giáo sẽ giao nộp vũ khí trong tiến trình chấm dứt hàng chục năm nội loạn ở Philippines. Các tay súng này thuộc Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, lực lượng đã chiến đấu đòi độc lập ở miền nam của một nước Philippines chủ yếu Kitô giáo.
Hồi năm 2014, Mặt trận đã đồng ý dàn xếp để có quyền tự trị lớn hơn cho một khu vực được gọi là Bangsamoro. Khu vực này hiện có cả nghị viện riêng. Chính phủ và các nhà lãnh đạo của nhóm chiến binh hiện đang gấp rút hoàn thành việc giải giáp khoảng 40.000 quân du kích — và biến họ thành thường dân — trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2025. Những người hạ vũ khí sẽ được hỗ trợ sinh kế mới.
Nhưng hòa bình vẫn rất bấp bênh. Vào tháng 6, các lực lượng chính phủ đã tiêu diệt bảy thành viên của Mặt trận, với lý do nhầm với thành viên của các nhóm vũ trang khác. Nhưng đáng ngại hơn là khả năng các chiến binh ngả sang Nhà nước Hồi giáo. IS từng chiếm giữ thành phố Marawi trong một thời gian ngắn hồi năm 2017 và vẫn khao khát lập một vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Amazon sắp công bố kết quả quý
Vào thứ Năm, Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, sẽ báo cáo kết quả quý hai. Giới phân tích cho rằng doanh số bán hàng sẽ chỉ tăng ít ỏi 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu không tính bộ phận đám mây. Đó chỉ là một phần nhỏ so với mức tăng 42% trong cùng quý hồi năm 2020. Khi ấy, với phong tỏa buộc người tiêu dùng phải chuyển phần lớn chi tiêu lên mạng, nhiều người đã dự đoán một thời kỳ hoàng kim cho thương mại điện tử. Nhưng rồi thực tế khiêm tốn hơn.
Sau khi tăng từ 12% lên 16% vào đầu năm 2020, tỷ trọng của Amazon trong tổng doanh số bán lẻ trực tuyến ở Mỹ đã chững lại ở mức 15%. Hiện tại nó ở đúng bằng mức giả định nếu xu hướng trước đại dịch không bị gián đoạn.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Amazon đã mở rộng mua sắm hàng tạp hóa. Nhưng tiến độ không như ý, vì hàng tạp hóa cho ra lợi nhuận thấp, trong khi chi phí giao hàng khiến bán hàng tạp hóa online là không thực tế trừ khi phải thu thêm phí. Thương mại điện tử có thể đang bước vào một giai đoạn giảm tốc.
Pháp và EU lên án Nga “cố tình” gây nguy hiểm cho an toàn lương thực toàn cầu
Thu Hằng /RFI
03/8/2023
Nga bị Pháp lên án « cố tình » gây bất ổn lương thực trên thế giới sau khi oanh kích các cảng và kho ngũ cốc ở vùng Odessa, miền nam Ukraina, ngày 02/08/2023, phá hủy khoảng 40.000 tấn ngũ cốc. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu cảnh báo các nước đang phát triển rằng Nga đề xuất tặng ngũ cốc nhằm « tạo ra những phụ thuộc mới và làm trầm trọng tình trạng bấp bênh về kinh tế và mất an ninh lương thực toàn cầu ».
Ảnh minh họa : Lúa mì trên một cánh đồng ở vùng Zaporijjia, Ukraina, ngày 04/07/2023. © Reuters – Alexander Ermochenko
Trong thông cáo ngày 02/08, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Pháp Anne-Claire Legendre lên án việc Nga « cố tình » đánh phá « các công trình hạ tầng trọng yếu » cho xuất khẩu ngũ cốc cho thấy Matxcơva « chỉ tìm lợi ích riêng mà không màng đến những dân tộc bị khó khăn nhất, bằng cách làm tăng giá nông phẩm, cố tình cản trở một trong những đối thủ xuất khẩu nông phẩm của họ », ý muốn nói đến Ukraina. Pháp khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ lương thực cho « những nước bị tác động nặng nhất về an ninh lương thực do cuộc xâm lược của Nga gây ra ».
Trước đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng cam kết tương tự và khẳng định khối 27 nước « sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực bền bỉ » của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để tái khởi động thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell kêu gọi các nước đang phát triển và thành viên nhóm G20 cùng có « tiếng nói rõ ràng và đoàn kết » để buộc Matxcơva trở lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Trong thư gửi đến những nước này hôm 31/07, ông Borrell cáo buộc Nga « tiếp cận các nước đang gặp khó khăn bằng những đề xuất song phương bán ngũ cốc giá rẻ » và tự nhận là « giải quyết vấn đề » mà thực chất « do chính họ gây ra ». Đây là « một chính sách đáng xấu hổ, cố tình dùng thực phẩm làm vũ khí để tạo ra sự phụ thuộc mới, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu ».
Bức thư được hãng tin Anh Reuters tham khảo hôm 02/08 sau khi ông Borrell chia sẻ bức thư này với các đồng nghiệp châu Âu nhằm « chống lại thông tin sai lệch của Nga về an ninh lương thực toàn cầu và tác động các lệnh trừng phạt của Liên Âu ».
Ngày 02/08, giáo hoàng Phanxicô, trong bài diễn văn đầu tiên tại Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra ở Lisboa, đã kêu gọi châu Âu « xây dựng cầu nối » cho hòa bình ở Ukraina và không biết châu Âu « sẽ đi về đâu nếu không đề xuất được tiến trình hòa bình, những con đường sáng tạo để chấm dứt chiến tranh ở Ukraina ».
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân tuyên bố ly thân
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie Trudeau năm 2015. (Nguồn: Art Babych/ Shutterstock)
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire Trudeau cho biết họ sẽ ly thân sau 18 năm chung sống. Trong một tuyên bố trên Instagram vào thứ Tư (2/8), cặp đôi nói rằng họ đã đi đến quyết định sau nhiều cuộc trò chuyện “khó khăn nhưng đầy ý nghĩa”.
Cặp đôi kết hôn tại thành phố Montreal vào năm 2005. Họ có 3 người con là Xavier 15 tuổi, Ella-Grace 14 tuổi và Hadrien 9 tuổi.
Một tuyên bố từ văn phòng của Thủ tướng Trudeau vào ngày 2/8 cho biết: “Thủ tướng và phu nhân đảm bảo rằng họ đã thực hiện các bước pháp lý và đúng chuẩn mực đạo đức để ly thân. Họ vẫn là một gia đình, Thủ tướng cùng bà Sophie đang tập trung nuôi dạy con cái trong môi trường an toàn, đầy tình thương. Họ sẽ đi nghỉ cùng nhau vào tuần tới.”
Một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng cho biết cặp đôi đã ký một thỏa thuận ly thân hợp pháp.
Ông Trudeau (51 tuổi) là con trai của một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất của Canada. Ông đã tuyên thệ nhậm chức vào năm 2015. Bà Sophie Trudeau là một người mẫu, kiêm người dẫn chương trình truyền hình.
Bà Sophie thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Bà từng làm phát thanh viên, người dẫn chương trình. Bà tham gia nhiều hoạt động từ thiện và công tác xã hội, tập trung vào các vấn đề về môi trường, phụ nữ và trẻ em.
Cặp đôi kết hôn năm 2005. Họ cùng nhau mang lại sức mạnh ngôi sao cho Văn phòng Thủ tướng và xuất hiện trên các trang của tạp chí Vogue.
Cặp đôi viết trên Instagram: “Như mọi khi, chúng tôi vẫn là một gia đình thân thiết với rất nhiều tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau, vì tất cả những gì chúng tôi đã và sẽ tiếp tục xây dựng”.
Một quan chức biết nội tình tiết lộ, hai người dự kiến sẽ có quyền giám hộ chung. Ông Trudeau sẽ tiếp tục sống tại Rideau Cottage ở thủ đô Ottawa, nơi ông đã sống từ năm 2015, cũng là nơi những đứa trẻ sẽ sinh sống chủ yếu, để duy trì sự ổn định.
Quan chức này cho biết, phu nhân Sophie Trudeau đã chuyển đến một nơi cư trú khác ở Ottawa, nhưng thi thoảng vẫn ở lại Rideau Cottage, kể cả khi ông Trudeau đi du lịch. Vị quan chức phát biểu với điều kiện giấu tên, vì họ không được phép phát biểu công khai.
Hình ảnh của phu nhân Sophie Trudeau đã giảm dần trong những năm gần đây, bà hiếm khi cùng Thủ tướng tham dự các chuyến thăm chính thức. Cặp đôi đã xuất hiện trước công chúng tại một sự kiện Ngày Canada ở Ottawa vào tháng trước.
Văn phòng của Thủ tướng Trudeau yêu cầu sự riêng tư của họ cần được tôn trọng.
Thủ tướng Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire gặp nhau khi còn nhỏ. Khi đó, bà Sophie là bạn học của Michel, em trai của Thủ tướng. Sau khi trưởng thành, họ đã kết nối lại trong một buổi đồng tổ chức dạ tiệc từ thiện vào năm 2003.
Ông Trudeau là Thủ tướng thứ hai tuyên bố ly thân khi đang tại chức.
Cha của ông, Pierre Trudeau và mẹ ông Margaret Trudeau ly thân năm 1979 và ly dị năm 1984, năm cuối cùng ông Pierre Trudeau làm Thủ tướng.
Khi lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng vào năm 2015, ông Justin Trudeau đã tận dụng sức mạnh ngôi sao của cha mình như một tiêu chuẩn của Đảng Tự do. Sau 8 năm cầm quyền, các vụ bê bối, sự mệt mỏi của cử tri và lạm phát kinh tế đã ảnh hưởng đến uy tín của ông.
Hồi tháng 5, Thủ tướng Trudeau và bà Sophie đã cùng nhau tới London, Anh, dự lễ đăng quang của Vua Charles III. Hồi tháng 3, hai người cũng cùng nhau đón tiếp vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chính thức Ottawa.
Chỉ vài tháng trước, ông Trudeau đã đăng một bức ảnh nắm tay vợ nhân kỷ niệm ngày cưới của họ và viết: “Mỗi dặm đường này là một cuộc phiêu lưu. Anh yêu em Sophie. Chúc ngày kỷ niệm vui vẻ!”
Bình Minh (t/h)
Trung Quốc: Mưa lớn phá kỷ lục 140 năm, gần 50 người chết và mất tích
Liên Thành
Bắc Kinh đã trải qua 40 giờ mưa không ngừng.
Trong vài ngày qua, Bắc Kinh ghi nhận lượng mưa kỷ lục lên đến 744,8 mm – là lượng mua lớn nhất trong vòng ít nhất 140 năm qua khiến ít nhất 20 người chết và 27 người mất tích.
Tờ AP ngày 2/8 dẫn thông tin từ Cục Khí tượng Bắc Kinh cho biết: ngày 2/8, thành phố đã ghi nhận lượng mưa 744,8mm chỉ trong vòng 5 ngày kể từ ngày 29/7 đến nay.
Bắc Kinh ghi nhận lượng mưa kỷ lục khi miền bắc Trung Quốc xảy ra mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri di chuyển lên phía bắc, sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền nam Trung Quốc trước đó.
Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc đã bị lũ lụt nghiêm trọng, với mực nước dâng cao ở mức nguy hiểm. Những cơn mưa đã phá hủy các con đường, làm mất điện và thậm chí cả các đường ống dẫn nước uống.
Trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Trác Châu, một thành phố nhỏ ở tỉnh Hà Bắc giáp với phía tây nam Bắc Kinh.
Vào tối ngày 1/8, cảnh sát thành phố Trác Châu đã kêu gọi trên Weibo về đèn chiếu sáng để hỗ trợ việc cứu hộ.
Hiện chưa có thông tin chính xác về việc có bao nhiêu người bị mắc kẹt trong các khu vực bị lũ lụt trong thành phố và các làng xung quanh.
Ngày 2/8, nước ở một quận thuộc tỉnh Hà Bắc, giáp với Trác Châu, dâng cao đến nửa cột lắp đặt camera giám sát.
Các nhà báo của AP bắt gặp một cặp vợ chồng đang cố gắng đi qua vùng ngập lụt để giải cứu người thân bị mắc kẹt ở một ngôi làng gần đó. Họ đã từ chối phỏng vấn.
Ngày 2/8, nhà chức trách Trung Quốc cho biết, mưa lớn quanh thủ đô Bắc Kinh đã khiến ít nhất 20 người chết và 27 người mất tích.
Cục Khí tượng Bắc Kinh cho biết trên tài khoản Weibo ngày 2/8, kỷ lục trước đó về lượng mưa là vào năm 1891, Bắc Kinh ghi nhận lượng mưa là 609 mm.
Bắc Kinh xả lũ, Hà Bắc nước dâng cao 4-5 mét, người dân mắc kẹt la hét cầu cứu
Liên Thành
Người dân sơ tán băng thuyền ở Trác Châu, Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AP).
Nhân viên Cục quản lý tình trạng khẩn cấp Trác Châu thừa nhận với truyền thông rằng, việc xả lũ từ thượng nguồn (Bắc Kinh) đã khiến mực nước ở Trác Châu dâng cao. Ở một số nơi, nước lũ đã ngập đến tầng 2 của các ngôi nhà, người dân la hét cầu cứu sự giúp đỡ; nhiều nơi khác đã bị bị cô lập hoàn toàn.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, một số khu vực của thành phố Trác Châu ngập sâu từ 4 đến 5 mét khiến các khu dân cư và làng mạc trong thành phố bị ngập lụt. Thị trấn bến tàu thuộc thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, nơi ba con sông gặp nhau, là khu vực nguy hiểm và nghiêm trọng nhất trong đợt lũ này. Tính đến sáng sớm ngày 2/8, đã có rất nhiều người bị mất liên lạc.
Liên quan đến việc Trác Châu đang phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, một quan chức Hà Bắc đã thừa nhận là do Bắc Kinh xả lũ.
Nhân viên Cục quản lý tình trạng khẩn cấp Trác Châu thừa nhận với truyền thông rằng việc xả lũ từ thượng nguồn (Bắc Kinh) đã khiến mực nước ở Trác Châu dâng cao.
Nhiều khu vực ở Bắc Kinh và Hà Bắc tiếp tục hứng chịu lũ lụt.
Người dân Trác Châu nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, gần như toàn bộ thành phố Trác Châu bị ngập lụt do xả lũ. Ở một số nơi, nước lũ đã ngập đến tầng 2 của các ngôi nhà, người dân la hét cầu cứu sự giúp đỡ; nhiều nơi khác đã bị bị cô lập hoàn toàn.
XEM THÊM (HD Press)
- ĐÁNH GIÁ CHIẾN DỊCH TẤN CÔNG CỦA NGA, NGÀY 2 THÁNG 8 NĂM 2023August 3, 2023
- Cập nhật chiến tranh Ukraine-Nga: *Nga ‘rút lui’ khỏi các vị trí xung quanh Andriivka *Nga ‘đốt cháy’ kho chứa ngũ cốc ở Odesa *Đức Thánh Cha kêu gọi ‘các con đường hòa bình…’ cho Ukraine *Hơn 10 máy bay không người lái Nga bị ‘bắn hạ’ trên bầu trời KievAugust 2, 2023
- Tình hình ở Ucraina ngày thứ #525 (ngày 02.08.2023) theo Bộ Tổng Tham Mưu và một số nguồn khácAugust 2, 2023