Posts Tagged ‘Trung cộng’


Thời sự Thứ năm 04/05/2023: *Kiev bác bỏ tấn công bằng drone vào điện Kremlin. *Tổng thống Ukraina công du Hà Lan. *Mỹ cấp thêm 300 triệu đô quân sự cho Ukraine. *Đài Loan muốn Mỹ giúp phát triển chiến đấu cơ

Thursday, May 4th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Kiev bác bỏ mọi cáo buộc tấn công bằng drone vào điện Kremlin

04/5/2023

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky họp báo tại Helsinki, Phần Lan, ngày 03/05/2023. REUTERS – STAFF 

Thu Hằng /RFI

Ngay sau khi thông báo bắn hạ 2 drone định “tấn công khủng bố” điện Kremlin, “ám sát” tổng thống Vladimir Putin, Matxcơva thông báo mở điều tra. Nguyên thủ quốc gia Nga không có mặt ở điện Kremlin lúc xảy ra vụ việc mà ở vùng ngoại ô Novo-Ogariovo. Ngày 03/05/2023, Ukraina bác bỏ mọi cáo buộc của Nga. 

(more…)

Nghị quyết A/RES/77/284 ngày 26/4/2023 của LHQ nói ‘Nga xâm lược Ukraine’ với 122 phiếu thuận trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Việt Nam… 5 nước chống.

Wednesday, May 3rd, 2023

Bấm để xem nghị quyết A/RES/77/284 trong đó có nói: Nga đã xâm lược Ukraine và Georgia.

Trang 2, đoạn 5:

Recognizing also that the unprecedented challenges now facing Europe
following the aggression by the Russian Federation against Ukraine, and against
Georgia prior to that, and the cessation of the membership of the Russian Federation
in the Council of Europe, call for strengthened cooperation between the United
Nations and the Council of Europe, notably in order to promptly restore and maintain
peace and security based on respect of the sovereignty, territorial integrity and
political independence of any State, ensure the observance of human rights and
international humanitarian law during the hostilities, provide r edress to victims and
bring to justice all those responsible for the violations of international law,

(more…)

Liên Hiệp Quốc: Trung Quốc và Ấn Độ bỏ phiếu cho nghị quyết của LHQ liên quan đến ‘sự gây hấn’ của Nga đối với Ukraine (Euronews)

Wednesday, May 3rd, 2023
Nghị quyết kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu.

Nghị quyết kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa Liên hiệp quốc và Hội đồng châu Âu.   –   Bản quyền   John Minchillo/Copyright 2023 The AP. Đã đăng ký Bản quyền.  

Jorge Liboreiro  •   Cập nhật:  05/02/2023 – 22:27

Nghị quyết không tập trung vào cuộc chiến Ukraine và thay vào đó kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa LHQ và Hội đồng châu Âu.

(more…)

Mỹ-Đài Loan – Phái đoàn công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ đến Đài Loan

Tuesday, May 2nd, 2023

Tạ Linh 

Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. (Ảnh Wikimedia Commons).

Một phái đoàn gồm 25 đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ, bao gồm các thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan, đã đến Đài Loan trước Diễn đàn Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng Hoa Kỳ-Đài Loan sẽ diễn ra vào thứ Tư (ngày 3 tháng 5).

Phái đoàn do Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Steven Rudder dẫn đầu, là phái đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ đầu tiên đến thăm Đài Loan kể từ năm 2019. Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan, Rupert Hammond-Chambers, và một số chuyên gia về máy bay không người lái cũng sẽ đi cùng phái đoàn.

(more…)

Hoa Kỳ đang theo dõi một khinh khí cầu chưa rõ nguồn gốc khác được phát hiện ngoài khơi bờ biển Hawaii

Tuesday, May 2nd, 2023
Hoa Kỳ đang theo dõi một khinh khí cầu chưa rõ gốc tích khác được phát hiện ngoài khơi bờ biển Hawaii

Một phi công lái phi cơ U-2 của Không quân Hoa Kỳ nhìn xuống khinh khí cầu giám sát bị nghi ngờ là của Trung Quốc khi khinh khí cầu này bay trên vùng trung tâm lục địa Hoa Kỳ hôm 03/02/2023 trước khi bị Không quân bắn hạ ngoài khơi bờ biển South Carolina, trong ảnh này do Không Lực Hoa Kỳ công bố thông qua Bộ Quốc phòng hôm 22/02/2023. (Không quân Hoa Kỳ/Bộ Quốc phòng/Bản phát hành qua Reuters)

(more…)

Thời sự Thứ Ba 02/05/2023: *Mỹ yểm trợ “không gì lay chuyển” với Philippines. *Morgan Stanley sẽ cắt giảm 3,000 việc. *Vấn đề đạo đức tại Toà án Tối cao Hoa Kỳ. *Kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ và Trung Quốc? *Từ 01/06 CP Liên bang không đủ tiền chi tiêu

Tuesday, May 2nd, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Biden bảo đảm với Marcos Jr. sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Mỹ với Philippines

02/5/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) đón tiếp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/05/2023. AP – Brendan Smialowski 

Thanh Phương /RFI

Khi tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng hôm qua, 01/05/2023, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố bảo đảm sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Washington với Manila, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.  

Theo hãng tin AFP, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. và phu nhân đã được đón tiếp long trọng hơn một chút so với phần lớn các vị nguyên thủ quốc gia mà tổng thống Hoa Kỳ tiếp ở Nhà Trắng. 

Trước khi hội đàm song phương, hai vị tổng thống đã phát biểu vài câu trước báo chí. Ông Joe Biden nhấn mạnh đến “cam kết không gì lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Philippines, kể cả tại khu vực Biển Đông”, đồng thời ông hứa sẽ “hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Philippines”. Hoa Kỳ đặc biệt dự trù chuyển các phi cơ quân sự đến Philippines và giúp Manila tăng cường đội máy bay chiến đấu. 

Về phần tổng thống Marcos Jr., ông cho rằng Philippines ở trong một khu vực mà nay trở nên “phức tạp hơn” về mặt địa chính trị, cho nên Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đó là Hoa Kỳ. 

Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả hai tổng thống Mỹ và Philippines đều nghĩ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ mới nhất xảy ra hôm 23/04 vừa qua, khi các tàu của Trung Quốc và của Philippines suýt nữa đã đụng nhau trên biển tại khu vực cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km. 

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Ferdinand Marcos Jr. thi hành một chính sách ngoại giao theo hướng giữ quan hệ cân bằng giữa Philippines với hai cường quốc Mỹ Trung. Trước khi đi thăm Hoa Kỳ, tháng 1 năm nay, ông đã đến Bắc Kinh với lời hứa Philippines sẽ là “bạn với mọi người, không là kẻ thù của bất cứ ai”. 

Nhưng Washington hy vọng là với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Manila sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Quân đội của Hoa Kỳ và Philippines vừa kết thúc đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Biển Đông. Manila cũng vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có những căn cứ nằm không xa Đài Loan. 

Theo AFP, hôm qua, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Hoa Kỳ bảo đảm việc sử dụng các căn cứ nói trên “sẽ có sự phối hợp và hợp tác hoàn toàn với chính quyền Philippines”.


Trong cơn bão tài chính ở Phố Wall, Morgan Stanley lên kế hoạch cắt giảm 3,000 việc làm

Cảnh bên ngoài Trụ sở Morgan Stanley tại 1585 Broadway ở Quảng trường Thời đại ở Thành phố New York, Mỹ, vào tháng 07/2021. (Ảnh: Gabriel Pevide / Getty Images cho Morgan Stanley) 

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đang lên kế hoạch cắt giảm 3.000 việc làm vào cuối tháng 6/2023 trong bối cảnh các giao dịch tài chính ở Phố Wall sụt giảm, cơn bão khủng hoảng ngân hàng đang manh nha khiến 4 NHTM Hoa Kỳ sụp đổ, các sản phẩm đầu tư dài hạn bắt đầu ghi nhận thua lỗ do lãi suất tăng cao.

Theo Financial Times, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, với tổng tài sản 1.180 tỷ USD, một trong tám ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng trọng yếu toàn cầu của Mỹ, đang lên kế hoạch cắt giảm 3.000 việc làm.

Ngân hàng Morgan Stanley được thành lập năm 1935 bởi cháu trai của J.P Morgan là Henry Morgan. JP Morgan (ông của Henry Morgan) sở hữu và vận hành JPMorgan Chase; ngân hàng vừa mua lại First Republic Bank ngày hôm qua. Theo truyền thông Hoa Kỳ, Morgan Stanley là một ngân hàng đầu tư độc lập và hiện không có bất kỳ mối quan hệ nào với J.P. Morgan.

Morgan nằm trong nhóm 13 gia tộc giầu có nhất thế giới, nắm giữ huyết mạch tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn ở quy mô toàn cầu.

Hãng tin đã trích nguồn tin quen thuộc từ Morgan Stanley cho biết các nhà quản lý cấp cao của ngân hàng đang nhắm đến việc cắt giảm thêm 5% nhân viên. Nhóm nhân viên không bị cắt giảm việc làm là những người thuộc bộ phận quản lý tài sản được đánh gia cao của Morgan Stanley .

Cắt giảm việc làm sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn bộ phần còn lại của ngân hàng, tổng nhân viên hiện có của Morgan Stanley là 82.000 nhân viên. Bộ phận ngân hàng đầu tư và chứng khoán dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các bộ phận khác.

Đây là đợt cắt giảm việc làm lần thứ hai của Morgan Stanley trong 6 tháng gần đây. Tháng 12/2022, ngân hàng này đã sa thải 1.200 nhân viên.

Không chỉ Morgan Stanley, làn sóng sa thải ở Phố Wall đã bắt đầu trong 6 tháng qua khi các thị trường tài sản tài chính lao dốc; một số thị trường đầu cơ đã vỡ trong khi các thị trường đầu tư tài chính ghi nhận lỗ do lãi suất tăng cao. Làn sóng này đã bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại lớn và thậm chí gây ra phá sản 4 ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ của Mỹ. Trên thế giới, ngân hàng nằm trong danh sách 30 ngân hàng có tầm ảnh hưởng trọng yếu toàn cầu G-SIPs là Credit Suisse cũng bị phá sản, buộc phải bán lại cho người đồng hương UBS với giá 3 tỷ USD.

Trước thực trạng kinh tế suy thoái, các khoản đầu cơ và đầu tư sụt giảm giá vì lãi suất tăng, cung tiền thu hẹp, các hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng như hoạt động sáp nhập và mua lại đã cạn kiệt. Năm 2023, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một năm giao dịch tài chính toàn cầu yếu nhất trong một thập kỷ, theo Financial Times.

Bối cảnh ngày hoàn toàn đi ngược lại với giai đoạn Đại dịch Covid-19 trước đó, khi tiền lãi suất thấp tràn ngập thị trường, hoạt động đầu cơ, đầu tư liều lĩnh bùng nổ; các tổ chức tài chính đã vội vã thuê nhân viên nhiều hơn mức họ cần. Một lượng lớn nhân viên đã trở nên dư thừa khi điều kiện thị trường tài chính thắt chặt.

Giám đốc điều hành James Gorman của Morgan Stanley đã cảnh báo vào tháng trước rằng các hoạt động ngân hàng đầu tư “vẫn rất trầm lắng” và dự đoán doanh thu có thể không phục hồi cho đến năm 2024. Lợi nhuận quý đầu tiên của ngân hàng đã giảm năm thứ năm so với cùng kỳ năm ngoái. Gorman đã giảm 10% lương cho năm 2022, phản ánh hiệu suất hoạt động yếu hơn của công ty so với năm 2021.

Định chế quản lý tài sản Lazard cho biết vào tuần trước rằng họ có kế hoạch cắt giảm 10% nhân viên và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tuyên bố sẽ cắt giảm 3.200 việc làm vào tháng 1/2023; những đợt cắt giảm đó chiếm khoảng 6,5% nhân viên của Goldman.

Citigroup, Bank of America và Wells Fargo cũng lần lượt cắt giảm nhiều lao động. Không chỉ ngành tài chính, các công ty luật ở Mỹ cũng liên tiếp cắt giảm việc làm, trong đó có Kirkland & Ellis, và các công ty kiểm toán Big Four….

Quang Nhật tổng hợp


Báo cáo: Tin tặc đánh cắp tiền Cơ quan An ninh liên bang Nga chuyển tiền cho Ukraina

Liên Thành 

Ảnh minh hoạ. 

Theo công ty theo dõi tiền điện tử Chainalysis, một hacker vô danh đã đánh cắp tiền từ ví điện tử do cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) và tình báo của Liên bang Nga kiểm soát rồi chuyển chúng cho lực lượng vũ trang Ukraina.

Ấn phẩm cho biết hai địa chỉ ví tiền điện tử bị tin tặc tấn công có liên quan đến cuộc tấn công vào công ty Solarwinds của Mỹ vào năm 2020, đã ảnh hưởng đến hơn 200 tổ chức. Tại Hoa Kỳ, nó được coi là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, dẫn đến rò rỉ dữ liệu từ một số cơ quan của Hoa Kỳ.

Ví tiền điện tử thứ ba đã được sử dụng để thanh toán cho các máy chủ tham gia vào chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

Chainalysis cho biết tin tặc đã lấy số bitcoin trị giá 300.000 đô la từ các ví được tìm thấy. Nhưng sau cuộc xâm lược Ukraina của Nga, hacker này bắt đầu gửi tiền điện tử đến các ví do chính phủ Ukraina mở, để gây quỹ chống lại sự xâm lược của Nga.

Hiện chưa rõ thông tin Chainalysis cung cấp có chính xác hay không, nhưng cơ quan An ninh liên bang Nga và tình báo của Liên bang Nga không bình luận về vụ việc.


Các y tá Anh đình công

Hội đồng nhân viên NHS, một cơ quan đại diện cho các công đoàn trong Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, sẽ họp vào thứ Ba để quyết định một thỏa thuận tăng lương cho hầu hết nhân viên lên 5%. Lời đề nghị do chính phủ đưa ra đã bị các thành viên của Đoàn Điều dưỡng Hoàng gia (RCN), hiệp hội điều dưỡng chính, từ chối. Song các công đoàn khác có nhiều phiếu hơn.

Suốt nhiều tháng qua phần lớn nhân viên của NHS đã đình công vì lương thưởng. Nhưng vấn đề của các y tá mới leo thang gần đây. Các thành viên của RCN — bao gồm cả những người làm việc trong các dịch vụ cấp cứu và ung thư — mới quay lại biểu tình từ Chủ nhật. Cuộc đình công cũng ngắn hơn 24 giờ so với kế hoạch vì RCN tính sai thời hạn được phép đình công của mình. Đáp lại, chính phủ đã đưa họ ra toà và tuyên bố hành động hôm thứ Ba là bất hợp pháp. Nhưng RCN không nản lòng. Ngay cả khi hội đồng quyết định tăng lương, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục đình công ngay khi các thành viên giao sứ mệnh mới cho họ.


ECB gặp khó khăn trong hoạch định chính sách

Trong nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB đã sử dụng “định hướng chính sách” để điều chỉnh kỳ vọng của thị trường về các động thái tiếp theo của mình. Nhưng lạm phát và số liệu kinh tế không ổn định của giai đoạn hiện tại khiến chiến lược này trở nên khó thực hiện hơn. Thay vào đó, thiết lập chính sách của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào thông tin mới nhất. Hai dữ liệu quan trọng sẽ được công bố vào thứ Ba: khảo sát cho vay ngân hàng trong quý đầu năm 2023 và số liệu lạm phát tháng 4.

Khảo sát cho vay theo dõi các tiêu chuẩn tín dụng và nhu cầu cho vay, qua đó giúp cho thấy liệu chính sách tiền tệ thắt chặt của ECB có đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế hay không. Các tiêu chuẩn tín dụng đã thắt chặt hơn trong quý cuối năm 2022 trong khi nhu cầu vay vốn giảm xuống. Nếu đà giảm đó tiếp tục trong quý đầu năm 2023, các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất. Nhưng lạm phát theo năm có thể vẫn cao trong tháng 4. Ở Đức, nó giảm nhẹ từ 7,8% xuống 7,6%, song tăng từ 6,7% lên 6,9% ở Pháp. Chính sách phụ thuộc vào dữ liệu sẽ còn phức tạp hơn nếu dữ liệu chỉ theo các hướng khác nhau.


Các vấn đề đạo đức tại Toà án Tối cao Hoa Kỳ

Vào thứ ba, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức một phiên điều trần về hành vi tại Tòa án Tối cao. Hiện có những lời kêu gọi tăng cường trách nhiệm giải trình ở toà sau các tiết lộ gần đây về hành vi đáng ngờ của các thẩm phán — đặc biệt là tin tức cho thấy Thẩm phán Clarence Thomas có mối liên hệ tài chính bí mật với Harlan Crow, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa. Thẩm phán Thomas đã thực hiện các giao dịch bất động sản với ông Crow, người cũng đã chi hàng triệu đô la cho vị quan toà đi nghỉ trong hơn hai thập niên qua.

Phiên điều trần sẽ diễn ra mà không có Chánh án John Roberts, người đã từ chối lời mời của Thượng nghị sĩ Dick Durbin, chủ tịch ủy ban. Thay vào đó, chánh án đã đệ trình một “Tuyên bố về các Nguyên tắc và Thực hành Đạo đức” có chữ ký của cả chín thẩm phán và trình bày chi tiết về cách toà sẽ tự giải quyết các vấn đề đạo đức. Nó không làm hài lòng những người chỉ trích, đặc biệt là Fix the Court, một tổ chức giám sát. Angus King, một thượng nghị sĩ độc lập từ Maine, cho biết dự luật lưỡng đảng được ông giới thiệu vào tuần trước — trong đó yêu cầu Tòa án thông qua một bộ quy tắc ứng xử — sẽ “giúp tòa án tự cứu mình” và đảo ngược “sự suy giảm nghiêm trọng về niềm tin của công chúng [dành cho toà].”


HSBC đứng dưới áp lực từ cổ đông

Sẽ là một tuần quan trọng và căng thẳng cho HSBC. Ngân hàng này sẽ báo cáo thu nhập quý đầu vào thứ Ba, nhưng sự kiện đáng quan tâm là cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vào thứ Sáu. Công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An và cổ đông lớn nhất của HSBC (với khoảng 8% cổ phần) có thể sẽ nhân cơ hội này để chia tách ngân hàng. Từ lâu họ đã hối thúc hội đồng quản trị HSBC tách hoạt động kinh doanh ở châu Á ra riêng. Năm ngoái, công ty bảo hiểm công khai chiến dịch của mình và vào tháng 4 đã công bố một tuyên bố dài 2.200 từ chỉ trích ban quản trị của HSBC.

Những lời phàn nàn của Ping An bao gồm hiệu suất mờ nhạt và cắt giảm chi phí không thỏa đáng. Nhưng vấn đề lớn nhất trong mắt họ là việc hội đồng quản trị đã “rút cổ tức và vốn tăng trưởng của HSBC Châu Á” để hỗ trợ các bộ phận kinh doanh ít hứa hẹn hơn. (Cổ tức cấp tập đoàn giảm cũng khiến các cổ đông khó chịu.) Một hội đồng quản trị không đổi ý khó có thể sớm chấp nhận yêu cầu của Ping An, và căng thẳng sẽ chỉ càng gia tăng.


Kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc?

John Mac Ghlionn

Người mua sắm tập trung tại một con phố thương mại trước lệnh phong tỏa COVID-19 vào Chủ nhật ở Chennai, Ấn Độ, vào ngày 08/01/2022. (Ảnh: ARUN SANKAR / AFP qua Getty Images) 

Với đà phát triển, những lợi thế về nhân khẩu học và khoa học kỹ thuật, cộng với việc đề cao giáo dục, Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế. Đặc biệt, đây còn là một quốc gia ủng hộ dân chủ, thứ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.

Ấn Độ là một quốc gia đang lên.

Quốc gia Nam Á này đã giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Tuy nhiên, nền kinh tế của nước này chỉ bắt đầu có những cải thiện đáng kể vào những năm 1990 sau khi một số cải cách kinh tế được đưa ra. Ngoài việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và hiện đại hóa thị trường chứng khoán, những cải cách này đã mở cửa nền kinh tế Ấn Độ, giúp nước này đón được một lượng rất lớn đầu tư nước ngoài.

Vào năm 2015, Ấn Độ là một nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Đến năm 2075, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ.

Trước khi thời điểm đó diễn ra, người ta tự hỏi liệu Ấn Độ có thể làm được điều từng là không thể tưởng tượng được và vượt qua nền kinh tế Trung Quốc hay không. Câu hỏi này trở nên rõ ràng khi ta xem xét các xu hướng hiện tại ở Trung Quốc, với ảnh hưởng của việc phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 vẫn còn, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và bong bóng bất động sản có vẻ như sắp vỡ.

Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, chỉ trong 4 năm tới, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba, vượt qua cả Nhật Bản và Đức. Đến năm 2030, nhờ các khoản đầu tư khôn ngoan vào công nghệ và lĩnh vực năng lượng, các nhà phân tích kỳ vọng Ấn Độ sẽ có thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới vào cuối thập kỷ.

Sự phát triển kinh tế gắn liền với chất lượng giáo dục. Đây là một thực tế mà có vẻ chính phủ Ấn Độ đã không bỏ qua. South China Morning Post đưa tin, Ấn Độ gần đây đã đề xuất việc cho phép các tổ chức nước ngoài thành lập cơ sở ở nước này. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Thủ tướng Narendra Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm giáo dục có giá trị thực sự, một trung tâm có khả năng cạnh tranh với cả Mỹ và Trung Quốc.

Việc ông Modi tập trung vào việc cải thiện giáo dục diễn ra khi Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, một danh hiệu nổi tiếng do Trung Quốc nắm giữ. Một số nhà bình luận nổi tiếng cho rằng việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc không chỉ mang tính biểu tượng – nó thể hiện một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.

Những cơ sở cho sự vươn lên của Ấn Độ

Ông Geoffrey Garrett là một nhà khoa học chính trị và hiện là trưởng khoa của Trường Kinh doanh Marshall thuộc Đại học Nam California. Ông Garrett trước đây đã lưu ý, Trung Quốc đang trên đà trở thành “quốc gia đầu tiên trong lịch sử già trước khi giàu”. Mặc dù con số GDP của Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này không cao (chỉ ở mức $12.556).

Khi dân số già đi và bị thu hẹp, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu những tác động. Đến năm 2050, ông Garrett lưu ý, “tỷ lệ phụ thuộc” của Trung Quốc sẽ tăng từ 35% lên 70%. “Tỷ lệ phụ thuộc” được dùng để chỉ những người dưới 15 tuổi hoặc trên 64 tuổi sống dựa vào dân số trong độ tuổi lao động (những người ở độ tuổi 15 – 64). Trung Quốc có một hệ thống phúc lợi xã hội yếu kém, một hệ thống y tế rất cần được chỉnh đốn. Trung Quốc cũng đang mất đi trung bình 5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mỗi năm. Do đó, rất khó để tưởng tượng ra việc nước này sẽ đối phó như thế nào khi dân số trở nên già hơn, bệnh tật hơn. kém hiệu quả hơn trong sản xuất và phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cấu trúc nhân khẩu học của Ấn Độ rất khác. Hơn một phần tư dân số dưới 15 tuổi và chưa đến một phần tám trên 60 tuổi. Nhà triết học người Pháp Auguste Comte đã gọi nhân khẩu học là định mệnh. Mặc dù tuyên bố này đã và vẫn là hơi phóng đại, nhưng một nhân khẩu học lành mạnh chắc chắn là điều cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh và một tương lai lành mạnh. Ở Ấn Độ, khá đáng chú ý, tỷ lệ phụ thuộc đang tiếp tục giảm. Tỷ lệ này hiện ở mức 48% và dự kiến sẽ chỉ ở mức trên 40% vào năm 2050. Mặt khác, vào năm 2050, Mỹ có thể có một tỷ lệ khá đáng kinh ngạc là 66%. Đến năm 2050, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc sẽ là 50, ở Mỹ là 42,3 và ở Ấn Độ chỉ là 37,5. Các thành viên của Ủy ban Ganesh Utsav đứng cạnh tấm áp phích tuyên bố ‘Tẩy chay Sản phẩm Trung Quốc’ ở Hyderabad, Ấn Độ, vào ngày 03/11/2016. (Ảnh: Noah Seelam/AFP/Getty Images)

Khi cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên gắn bó hơn với công nghệ, tương lai sẽ thuộc về những quốc gia với những bộ óc khoa học tốt nhất. Ấn Độ là đất nước nổi tiếng về việc đào tạo ra những nhà khoa học lỗi lạc. Nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã học tập tại Mỹ, sau đó tiếp tục theo đuổi các cơ hội việc làm tại Mỹ, từ đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, giờ đây, với nỗ lực của ông Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm giáo dục toàn cầu có khả năng cạnh tranh với Mỹ, Ấn Độ có nhiều khả năng sẽ giữ chân được một số lượng lớn hơn các nhà khoa học lỗi lạc này. Họ sẽ có thể đóng góp cho nền kinh tế Ấn Độ. Khi chúng ta xem xét các xu hướng khoa học và công nghệ, Ấn Độ vốn đã có những kết quả đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, với những cải cách giáo dục mới này và một lực lượng dân số trẻ, năng động, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở Ấn Độ trong hai đến ba thập kỷ tới.

Cuối cùng, không giống như Trung Quốc, nơi mà ngay cả việc nhắc đến từ “dân chủ” cũng có thể khiến người ta phải vào tù, Ấn Độ là một quốc gia có vẻ coi trọng ý tưởng bầu cử công khai. Ấn Độ vốn được coi là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Những hạn chế thể hiện rõ ràng hơn gấp nhiều lần ở một đất nước như Trung Quốc, nơi có một chế độ độc tài. Phương thức quản trị như vậy không phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững. Về lâu dài, thứ có thể hạ bệ Trung Quốc [vấn đề dân chủ] rất có thể sẽ giúp Ấn Độ vươn lên đỉnh cao về kinh tế.

John Mac Ghlionn

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.


Bộ Tài Chính Mỹ cảnh báo: Từ 01/06 chính quyền Liên bang có thể không đủ tiền để chi trả

02/5/2023

Ảnh minh họa; Trụ sở Quốc Hội Mỹ trên Đồi Capitol, Washington, ngày 08/09/2022. AP – Jacquelyn Martin 

Trọng Thành /RFI

Bất đồng giữa chính phủ Mỹ và đối lập đảng Cộng Hòa, kiểm soát Hạ Viện, trong việc nâng trần nợ có thể khiến chính quyền Liên bang không đủ tiền chi trả trong một số lĩnh vực, cụ thể như trong việc trả tiền hưu, kể từ ngày 01/06/2023. Bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo như trên vào hôm qua, 01/05. 

Lý do chính là chính quyền Biden không chấp nhận đòi hỏi của Hạ Viện, gắn liền việc thông qua ngân sách liên bang trong năm tài chính mới với việc cắt giảm tổng cộng khoảng 4.500 tỷ đô la chi phí công trong 10 năm tới, trong đó chủ yếu là các trợ cấp xã hội. 

Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm: 

‘‘Chuyện đã kéo dài từ nhiều tuần nay, từ khi tổng thống Joe Biden đưa ra đề xuất ngân sách cho năm tài chính mới, vào hồi đầu tháng 3. Để có tiền cho ngân sách năm mới này, Hạ Viện sẽ phải ‘‘nâng trần nợ’’, có nghĩa là cho chính quyền liên bang được phép vay nhiều tiền hơn. Hồi tuần trước, Hạ Viện đã thông qua một văn bản luật, quy định việc ‘‘nâng trần nợ’’ (thêm 1.500 tỷ đô la) phải đi kèm với một số cắt giảm về ngân sách, đặc biệt liên quan đến các khoản trợ cấp xã hội. 

Đối với tổng thống Biden, đây là điều không thể chấp nhận. Tổng thống muốn nâng trần nợ không được đi kèm với các điều kiện, trước khi tiến hành các cuộc thảo luận: 

‘‘Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải làm là bảo đảm đặt sang một bên mối đe dọa của chủ tịch Hạ Viện về việc nước Mỹ không trả được nợ. Từ hơn 200 năm nay, Hoa Kỳ chưa bao giờ bị thất tín trong việc trả nợ. Nước Mỹ không bao giờ là một quốc gia bất tín’’. 

Trong lúc đó, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy, đang trong chuyến công du Israel, cho biết sẵn sàng thương lượng, nhưng theo các điều kiện của ông. Hiện tại, chủ tịch Hạ Viện chưa nhận được hồi âm.  

Vào lúc hạn chót ngày càng gần lại, vẫn không bên nào chấp nhận nhân nhượng. Việc chính quyền Mỹ không thanh toán đúng hạn nợ công sẽ gây ra những hậu quả ghê gớm đối với đất nước, cũng như đối với sự ổn định tài chính toàn cầu’’.


XEM THÊM

Tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông (các tổ chức dân sự trong nước)

Tuesday, May 2nd, 2023

02/5/2023

(more…)

Phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp hé lộ việc ĐCSTQ muốn cải tổ trật tự thế giới

Monday, May 1st, 2023
Phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp hé lộ nỗ lực cải tổ trật tự thế giới của ĐCSTQ

Ông Dư Mậu Xuân, cựu Cố vấn chính sách cấp cao về Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh Tal Atzmon/The Epoch Times)

 Bình luậnHuyền Anh • 16:25, 01/05/23

(more…)

Song Phan – Lệnh cấm đánh cá của Tàu Cộng

Monday, May 1st, 2023

30-4-2023

Ngày mai 01/5/2023 lệnh cấm đánh cá đơn phương mùa hè của Tàu Cộng bắt đầu có hiệu lực ở biển Đông, tạm bỏ qua chuyện 30/4 xưa, bàn một chút về vụ này.

(more…)

Thời sự Thứ Hai 01/5/2023: *Đức GH kêu gọi Hung “mở cửa di dân”. *Lãnh đạo Mỹ và Ấn sắp gặp các đảo quốc Thái Bình Dương. *Pháp: biểu tình chống cải tổ hưu trí. *Công ty TQ cung cấp và hỗ trợ trùm ma túy Mexico. *Lý do trì hoãn giao F-16. *OEM Đài Loan của Apple dẫn đầu ra khỏi TQ. *Nga có 5.990 ca COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong…

Monday, May 1st, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Thăm Hungary, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi nước này “mở cửa đón di dân”

01/5/2023

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Người dân đóng Giáo hoàng Francis tại Hungary

Sau 10 năm Hungary, quốc gia có đa số dân theo Công giáo La Mã, mới lại đón một Giáo hoàng tới thăm.

Chuyến ‘tông giáo’ của Giáo hoàng Francis tới Hungary ba ngày tuy thế đã không thể tránh khỏi vấn đề Ukraine và người nhập cư.

Kết thúc chuyến thăm, Đức Giáo hoàng nói ngài đã thảo luận vấn đề không dễ dàng này với chính phủ cánh hữu ở nước chủ nhà, vốn có đường biên giới với Ukraine.

Giáo hoàng cho hay ngài thảo luận về người nhập cư với Thủ tướng Victor Orban, và kêu gọi Hungary “mở rộng vòng tay” đón thêm.

Chừng 100 nghìn người gồm cả Thủ tướng Orban đã dự thánh lễ ở Budapest do Giáo hoàng Francis cử hành hôm Chủ Nhật ở quảng trường gần tòa Nghị viện. 

Bản thân ông Orban luôn phê phán làn sóng nhập cư, nhất là từ Trung Đông, và ra lệnh cho cảnh sát, biên phòng dựng hàng rào ở biên giới.

Giáo hoàng Francis kêu gọi “hãy đón những người không khác gì chúng ta, và đóng cửa là biểu hiện của sự ích kỷ…”

Ngài nói một cách hình ảnh:

“Cánh cửa chúng ta đang đóng lại, là đóng trước những người nước ngoài, vì họ khác chúng ta, đóng trước người nhập cư, người nghèo.”

Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock

Chụp lại hình ảnh, 

Thủ tướng Viktor Orban (hàng đầu, giữa) dự Thánh lễ hôm 30/04 ở Budapest

Giáo hoàng cũng nói ngài đã thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine với ông Orban và một vị đại diện của Giáo hội Chính thống Nga. 

Theo phóng viên BBC News Nick Thorpe ở Budapest, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Vatican và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu có mục đích ủng hộ người Công giáo Hungary và vì lý do chiến tranh ở Ukraine. 

Khác các nước trong EU, chính phủ Hungary nhận người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine nhưng không bỏ phiếu thông qua các gói hỗ trợ quân sự cho Kyiv và vẫn giữ quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ sắp gặp lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương 

30/04/2023 

  • Reuters 

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape. 

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cùng các nhà lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương tham gia một cuộc họp “mang tính lịch sử” hướng tới tương lai.

Ông Marape nói trong một tuyên bố: “Đây là cuộc gặp đầu tiên mang tính lịch sử và đồng thời là cuộc họp ‘hướng tới’ tương lai của các siêu cường toàn cầu, tại quốc gia lớn nhất ở Thái Bình Dương”.

Chặng dừng chân ngày 22 tháng 5 của ông Biden tại thủ đô Port Moresby sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia giàu tài nguyên với 9,4 triệu dân nhưng vẫn còn chưa phát triển, nằm ở phía bắc Australia.

Papua New Guinea (PNG) đang được Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của họ ve vãn trong khi ông Marape tìm cách thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm quốc gia này vào năm 2018.

Washington đã tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào năm ngoái. Trung Quốc đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận an ninh và thương mại rộng lớn hơn với 10 quốc đảo Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Úc là các nước tài trợ cơ sở hạ tầng và viện trợ lớn.

Papua New Guinea đang đàm phán các hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và Úc, và ông Marape đã được mời đến thăm Bắc Kinh trong năm nay.

18 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bao phủ 30 triệu km2 đại dương. Các nhà lãnh đạo khu vực nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ, trong bối cảnh các cơn lốc xoáy ngày càng tồi tệ và mực nước biển dâng cao.

Ông Modi và Biden sẽ dừng chân ở Papua New Guinea trên đường tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ vào ngày 24 tháng 5, bao gồm cả Nhật Bản và Úc.

Ông Marape cho biết ông đã mời ông Biden khi họ gặp nhau ở Washington vào năm ngoái và “rất vinh dự vì ông ấy đã thực hiện lời hứa với tôi là đến thăm đất nước chúng tôi”.


Pháp: Tiếp tục biểu tình chống cải tổ hưu trí nhân Ngày Quốc tế Lao động

01/5/2023

Một cuộc biểu tình của giới nghiệp đoàn phản đối cải cách hưu trí, quảng trường Nation, Paris, Pháp, ngày 28/03/2023. © REUTERS/Nacho Doce 

Thanh Phương /RFI

Tại Pháp, các công đoàn hy vọng sẽ huy động được đến 1,5 triệu người biểu tình trên toàn quốc hôm nay, 01/05/2023, nhân Ngày Quốc tế Lao động, để chứng minh là cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí vẫn tiếp diễn, cho dù giới công đoàn vẫn chưa thống nhất ý kiến về chiến lược tiếp theo của phong trào.  

Các công đoàn khẳng định ngày 1 tháng 5 năm nay sẽ là một ngày “lịch sử” và “mang tính lễ hội”. Nhưng nhà chức trách Pháp dự báo tổng số người xuống đường hôm nay sẽ chỉ là khoảng từ 500.000 đến 650.000 người, trong đó có từ 80.000 đến 100.000 người ở Paris.

Tại thủ đô Pháp, đoàn biểu tình xuất phát lúc 14 giờ từ quảng trường République để tuần hành đến quảng trường Nation, với sự tham gia của các đại diện công đoàn nhiều nước trên thế giới. 

Theo nguồn tin cảnh sát được hãng tin AFP trích dẫn, tham gia biểu tình hôm nay còn có từ 1.500 đến 3.000 người “Áo Vàng” và từ 1.000 đến 2.000 phần tử “nguy cơ cao”. Nhà chức trách Pháp phải huy động đến 12.000 cảnh sát và hiến binh để bảo đảm an ninh, trong đó ở Paris là 5.000. 

Về tình hình đình công, các phương tiện chuyên chở công cộng hôm nay không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về giao thông hàng không thì có từ 25% đến 30% số chuyến bay bị hủy tại các sân bay lớn của Pháp. Riêng sân bay Orly thì tình hình rối loạn sẽ kéo dài đến ngày mai. 

Đây là cuộc biểu tình thứ 13 theo lời kêu gọi của các công đoàn để đòi chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron rút lại luật cải tổ hưu trí. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra mặc dù Hội đồng Bảo Hiến đã thông qua nội dung chủ yếu của luật và văn bản này đã được tổng thống ký ban hành. 

Với hy vọng phong trào rồi sẽ lắng dịu, thủ tướng Elisabeth Borne sẽ gởi lời mời đến các công đoàn vào tuần tới để thảo luận với họ, theo tin của văn phòng thủ tướng. Trước thông tin này, các công đoàn bắt đầu thể hiện sự bất đồng với nhau. Hôm qua, lãnh đạo của công đoàn CFDT Laurent Berger cho biết là công đoàn của ông sẽ thảo luận với thủ tướng Borne nếu được mời, trong khi đó lãnh đạo của công đoàn CGT thì nhắc lại là đến sáng nay, các công đoàn mới ra một quyết định chung. 


Điều tra ma túy Hoa Kỳ: Công ty Trung Quốc cung cấp nguyên liệu và hỗ trợ kỹ thuật các trùm ma túy Mexico

Liên Thành

Thuốc chưa fentanyl được trưng bày tại Cơ Quan Chống Ma Túy ở New York năm 2019. (Hình minh họa: Don Emmart/AFP qua Getty). 

Giữa tháng 4, Mỹ đệ đơn kiện một số thành viên quan trọng của nhóm trùm ma túy Mexico, trong đó có 4 người con trai của trùm buôn ma túy “El Chapo Guzman” bị bắt. Ngoài ra, còn có các công ty và cá nhân Trung Quốc tham gia vào cuộc khủng hoảng fentanyl này, họ cung cấp nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất fentanyl cho các trùm ma túy Mexico, khiến Mỹ phải đưa ra lệnh trừng phạt. Nhưng một số chuyên gia cho rằng hiệu quả của việc kiện các công ty Trung Quốc này là không rõ ràng.

Theo báo cáo “The Washington Post” của Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 4, Công ty Công nghệ sinh học Thạc Khang của Trung Quốc, trước đây đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, không chỉ cung cấp nguyên liệu chính để sản xuất fentanyl cho các băng đảng buôn lậu ma túy, mà còn hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho tổ chức buôn ma túy “cartel” khét tiếng ở Mexico. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc truy tố các công ty Trung Quốc bán nguyên liệu thô cho Mexico khó có thể xảy ra.

Văn phòng kiểm soát tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thông báo vào ngày 14 tháng 4 rằng họ sẽ xử phạt toàn diện đối với Công ty công nghệ sinh học Thạc Khang, và đại diện pháp lý của công ty là Diêu Hoa Đào và ba cá nhân có liên quan, bao gồm đại diện bán hàng của công ty là Ngô Nhã Cầm, Ngô Vĩnh Hạo và cộng tác viên của công ty Vương Hồng Phi. Ngoài ra, Công ty công nghệ dược phẩm Tiểu Lật Tô Châu cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Động thái của Hoa Kỳ làm dấy lên sự bất mãn với Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời rằng việc Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đã “làm tổn hại nghiêm trọng” đến hợp tác song phương trong việc kiểm soát ma túy.

Đồng thời, Đại diện Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Lance Gooden đã đề xuất “Đạo luật công lý chống lại những tập thể tài trợ Fentanyl bất hợp pháp năm 2023” tại Quốc hội. Luật này sẽ cho phép các công tố viên Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc chống lại Trung Quốc, Mexico cùng các quốc gia, tổ chức và cá nhân khác sản xuất và vận chuyển fentanyl.

Nhưng Vanda Felbab-Brown, một chuyên gia về buôn bán (thuốc) opioid quốc tế tại Viện Brookings, một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington, nói với “The Washington Post” rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng trấn áp các lô hàng hóa chất bất hợp pháp của chính họ, thì việc truy tố của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực hạn chế. Bà cho biết các công ty Trung Quốc trong bản cáo trạng có thể thay đổi tên hoặc trang web của họ, còn các cá nhân bị buộc tội có thể tránh đến các quốc gia mà Hoa Kỳ có hiệp ước dẫn độ.

Các dữ liệu cho thấy, lạm dụng fentanyl là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi, và là một loại thuốc phiện mạnh gấp 50 lần so với heroin, hơn nữa nó còn dễ dàng nhập lậu vào Hoa Kỳ hơn.


Đây mới là câu chuyện đắt giá nhất’: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina giải thích lý do đối tác trì hoãn giao tiêm kích F-16

Liên Thành 

Reznikov giải thích sự trì hoãn của các đối tác với quyết định về máy bay (ảnh chụp màn hình informator). 

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraina, ông Oleksiy Reznikov tin rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại cuối cùng cũng sẽ tới Ukraina và giải thích lý do vì sao các đồng minh đang trì hoãn việc đưa F-16 tới chiến trường nóng bỏng nhất thế giới hiện nay.

Reznikov đã nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Andrii Tsaplienko, theo Informator.

Bộ trưởng cho biết: “Mọi thứ không thể xảy ra vào hôm nay sẽ có thể xảy ra vào ngày mai. Iris-T, Samp-T, NASAMS, Crotale, tất cả những thứ này đều phục vụ và bảo vệ bầu trời của chúng ta. Đó là lý do tại sao các máy bay thế hệ thứ tư cũng sẽ tới”.

Trả lời câu hỏi tại sao các đối tác lại trì hoãn việc giao máy bay cho Ukraina, ông Reznikov trả lời rằng sau khi đưa ra quyết định đưa máy bay vào chiến đấu, cần có thời gian chuẩn bị, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và huấn luyện các phi công Ukraina. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mọi chuyện sẽ không kết thúc ở đó, các đối tác sẽ tiếp tục phải duy trì các máy bay trong tình trạng thích hợp, cũng như cung cấp cho chúng các loại vũ khí: bom và tên lửa.

Ông nói: “Đây là một câu chuyện rất đắt giá. Đây là câu chuyện đắt giá nhất. Họ muốn về đích trong cuộc đua marathon này một cách có ý thức và có trách nhiệm, đó là chiến thắng của Ukraina”.

Đồng thời, Ukraina có ý định chuyển toàn bộ phi công sang dùng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Tất cả những gì cần thiết là một quyết định chính trị để đào tạo nhân viên mặt đất. Ông Yuriy Ignat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraina, đã nói về điều này trên sóng truyền hình quốc gia “Edyny Novyny”.

Ông Ignat cho biết: “Chúng tôi dự định chuyển tất cả các phi công (sang F-16.). Chúng tôi cần đào tạo tất cả mọi người. Nhưng chỉ huy Lực lượng Không quân đã xác định các phi công đã có trình độ tiếng Anh nhất định, kinh nghiệm chiến đấu và đây là những người trẻ phi công. Họ đã sẵn sàng chiến đấu ngay cả ngay ngày mai. Ở đây cần có một quyết định chính trị để chúng tôi bắt đầu quá trình đào tạo nhân viên mặt đất, đó là các sĩ quan quản lý chiến đấu, kỹ sư quân sự. Vài chục phi công đã sẵn sàng chiến đấu”.

Vào ngày 28 tháng 4, Tổng thống Cộng hòa Séc và Slovakia đã đến Kyiv để đàm phán với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, và các nguyên thủ quốc gia đã đưa ra một số quyết định chiến lược liên quan đến sản xuất máy bay và vũ khí trong cuộc họp chung. Đồng thời khẳng định nguyện vọng châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraina bằng cách thông qua một tuyên bố chung.


Chuỗi cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, OEM Đài Loan của Apple dẫn đầu

Các OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc) Đài Loan của các công ty Mỹ như Apple đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc Đại Lục. Các công ty này đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất có chi phí lao động thấp hơn và ít rủi ro địa chính trị hơn, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia) 

Theo Nikkei (Nihon Keizai Shimbun), các công ty Đài Loan bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc từ những năm 1990 và đóng vai trò then chốt trong việc biến Trung Quốc Đại Lục thành công xưởng của thế giới. Ba thập kỷ trôi qua, các công ty Đài Loan hiện đang đi đầu trong việc chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Các OEM của Apple tìm cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất, Việt Nam và Ấn Độ trở thành những chiếc bánh ngọt

Nhà sản xuất điện tử Quanta Computer là nhà sản xuất MacBook theo hợp đồng lớn nhất của Apple. Quanta đã ký một thỏa thuận trong tháng này để xây dựng nhà máy Việt Nam đầu tiên của công ty tại tỉnh Nam Định, miền bắc của Việt Nam.

“Chúng tôi quyết tâm hoàn thành dự án này,” Giám đốc Quanta C.T. Huang (Hoàng Kiện Đường) cho biết tại một buổi lễ ký kết vào tuần trước. “Chúng tôi hy vọng khởi động nhà máy mới càng sớm càng tốt.”

Chi phí lao động thấp của Việt Nam là một phần quan trọng trong việc thu hút các nhà sản xuất. Theo dữ liệu của JETRO, mức lương cơ bản trung bình hàng tháng cho công nhân sản xuất là 277 đô la, thấp hơn một nửa so với mức trung bình 607 đô la của Trung Quốc. Dự đoán dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu trong năm nay. Ông Ryotaro Hagiwara, một nhà nghiên cứu thực địa tại văn phòng Hà Nội của “Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản”, cho biết điều này đã mang lại cho các doanh nghiệp nhiều hy vọng về nhu cầu địa phương.

Nikkei cho biết, động thái đa dạng hóa sản xuất bằng cách dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc và đến các nơi khác, đã được thực hiện trong nhiều năm đối với các nhà sản xuất đang chứng kiến ​​chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc. Bên cạnh chi phí gia tăng, một động lực khác là căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quanta đã sử dụng cơ sở sản xuất tập trung ở Trung Quốc để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng một năm trước, thành phố Thượng Hải phong tỏa vì dịch bệnh đã khiến họ phải đóng cửa một nhà máy có 40.000 công nhân, công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Với việc cắt đứt chuỗi cung ứng, Quanta không thể sản xuất sản phẩm chủ lực của mình là MacBook Pro và việc giao hàng bị trì hoãn hơn hai tháng, điều này cũng làm gián đoạn các kế hoạch của Apple.

Nikkei cho rằng việc mở rộng sang Việt Nam đánh dấu một bước đột phá thực sự của Quanta trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc. Theo ước tính từ TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc và các nguồn khác, trong vòng 3 năm tính đến năm 2025, sản xuất của công ty (Quanta) bên ngoài Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 30% tổng sản lượng.

Không chỉ MacBook Pro mà cả việc sản xuất iPhone của Apple tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vào năm ngoái. Vào tháng 10 năm ngoái, một đợt bùng phát dịch tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, thậm chí đã gây ra các cuộc biểu tình, nhiều nhân viên chọn cách rời đi. Apple cho biết vào thời điểm đó rằng nhà máy đang hoạt động với “công suất giảm đáng kể”.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã nổ ra một cuộc biểu tình của nhân viên mới. (Ảnh chụp màn hình video) 

Mặc dù hoạt động tại nhà máy Trịnh Châu đã được phục hồi, nhưng các vấn đề về nguồn cung đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong mùa mua sắm quan trọng vào dịp nghỉ lễ.

Hiện Foxconn đang đầu tư mạnh vào tỉnh Bắc Giang của Việt Nam. Truyền thông địa phương đưa tin vào mùa hè năm ngoái rằng Foxconn đã lên kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD và thuê 30.000 công nhân. Hồi tháng 2, Foxconn đã ký hợp đồng thuê 45 ha đất đến năm 2057. Ước tính đến năm 2025, khoảng 30% hoạt động sản xuất của Foxconn sẽ được hoàn thành bên ngoài Trung Quốc.

Pegatron, nhà sản xuất iPhone lớn thứ hai của Apple, đã đầu tư mạnh vào thành phố Hải Phòng của Việt Nam. Wistron của Đài Loan có kế hoạch bắt đầu vận hành một nhà máy máy tính cá nhân tại Việt Nam vào năm tới.

Ngoài Việt Nam, các OEM Đài Loan của Apple cũng đang đầu tư vào Ấn Độ. Ấn Độ dự kiến ​​đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối tháng này. Lực lượng lao động lớn và rẻ của Ấn Độ, bao gồm cả những công nhân có kỹ năng kỹ thuật quan trọng, là một sức hút lớn đối với các nhà sản xuất.

Chủ tịch Foxconn Lưu Dương Vĩ (Young Liu) đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ vào cuối tháng Hai. Tại một sự kiện của ngành công nghiệp Đài Loan vào tháng Ba, ông Lưu nói rằng nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn sẽ bay cao, Đài Loan cần nắm bắt cơ hội này.

Foxconn lắp ráp iPhone 14 tại Chennai, Ấn Độ. Công ty cũng đã đảm bảo các địa điểm cho các nhà máy mới ở các bang Karnataka và Telangana. Foxconn đang muốn mở rộng dấu chân của mình ở Ấn Độ.

Ngoài Foxconn, Wistron và Pegatron cũng sản xuất các thiết bị của Apple tại Ấn Độ. Apple thường bắt đầu lắp ráp các mẫu ở Ấn Độ từ 7 đến 8 tháng sau khi ra mắt sản phẩm. Nhưng điều này đã thay đổi vào năm ngoái, khi công ty bắt đầu sản xuất các thiết bị iPhone 14 mới ở Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi chúng được tung ra thị trường.

Nikkei cho biết, các thay đổi cũng đang diễn ra trong bảng mạch in, một thành phần quan trọng trong máy tính và thiết bị gia dụng. Một giám đốc điều hành ngành điện tử Đài Loan cho biết, việc sản xuất đã bắt đầu chuyển từ trung tâm sản xuất hiện tại ở Vũ Hán sang Thái Lan. Dự đoán Thái Lan sẽ vượt qua Trung Quốc về sản lượng bảng mạch in.

Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng các thành phần linh kiện toàn cầu. Nhưng chỉ trong tháng 3 và tháng 4, các nhà cung cấp Đài Loan của Apple là Unimicron Technology và Compeq Manufacturing đã công bố sự hiện diện của họ tại Thái Lan.

Doanh nghiệp Mỹ mệt mỏi với rủi ro sản xuất tại Trung Quốc

Sự bất ổn định của môi trường sản xuất của Trung Quốc đã gây ra tác động rất lớn đến các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Nikkei cho biết, kế hoạch đầu tư vào Việt Nam của xưởng đúc Đài Loan phản ánh rằng các khách hàng Mỹ của họ đã quá mệt mỏi với những rủi ro do sản xuất mà thị trường Trung Quốc mang lại.

Một báo cáo của Wall Street Journal năm ngoái, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Việt Nam và Ấn Độ đang được Apple xem là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Apple đã nói với một số nhà sản xuất hợp đồng của mình rằng họ muốn tăng sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Dẫn đầu là các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt vào Việt Nam đã tăng đều đặn, đạt 38 tỷ USD vào năm 2019, tăng khoảng 80% so với một thập kỷ trước. Mặc dù xu hướng này đã bị đình trệ trong một vài năm khi COVID-19 càn quét thế giới, nhưng hiện đang bắt đầu khôi phục.

Trong quý 1 năm 2023, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đài Loan vào Việt Nam tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Ryotaro Hagiwara của “Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản” cho biết: “Đặc biệt, miền bắc Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất mới cho các sản phẩm của Apple.”

Chính phủ Việt Nam rất muốn tận dụng cơ hội này. Vào ngày 22/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói với đại diện các công ty nước ngoài rằng thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Tại cuộc họp, ông đã thúc giục các quan chức khác trong Chính phủ Việt Nam lắng nghe những quan tâm của các công ty nước ngoài.

TrendForce dự đoán rằng đến năm 2028, 30% đến 35% tổng số iPhone sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Nhà phân tích Mia Huang cho biết, sản xuất trong nước là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ, do mức thuế cao của Ấn Độ đối với điện thoại thông minh nhập khẩu.

Vào ngày 18/4, cửa hàng do Apple trực tiếp điều hành đầu tiên ở Ấn Độ đã khai trương và đích thân CEO Tim Cook của Apple đã có mặt. Tim Cook cho biết ông rất lạc quan về việc Apple vào thị trường Ấn Độ.

Trong quý đầu tiên của năm nay, hơn 90% đầu tư trực tiếp của các công ty Đài Loan bên ngoài Đài Loan đã đến những nơi bên ngoài Trung Quốc Đại Lục. Đầu tư vào các nước Đông Nam Á và Ấn Độ tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư vào Trung Quốc giảm khoảng 10%.

Theo Trương Đình, Epoch Times


Đấu tranh phe phái, ông Tập Cận Bình thanh trừng các ngân hàng và hệ thống tài chính

Tạ Linh 

Một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở Bắc Kinh. (Ảnh Frederic J. Brown/AFP/Getty). 

Kể từ đầu năm 2023, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng cao cấp ở Trung Quốc đã từ chức hoặc bị điều tra. Theo một chuyên gia về Trung Quốc, hiện tượng này đánh dấu một cuộc cải tổ lĩnh vực tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với nhiều phe phái khác nhau trong chính quyền này đấu tranh vì lợi ích của chính họ.

Trong tháng này, vị trí giám đốc điều hành cao cấp của các ngân hàng thường xuyên được bổ nhiệm người mới. Theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc, gần 10 ngân hàng đã có những thay đổi lớn về nhân sự, trong đó có Ngân hàng Tiết kiệm Bưu chính Trung Quốc thông báo hai phó chủ tịch từ chức.

Hôm 13/04, ông Trịnh Quốc Vũ (Zheng Guoyu), phó chủ tịch của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đã rút khỏi ban hội đồng quản trị. ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản.

Hôm 17/04, bốn giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng CITIC Trung Quốc, Ngân hàng Nông thôn Tô Châu Giang Tô, và Ngân hàng Trịnh Châu đã tuyên bố từ chức.

Các cơ quan quản lý đã điều tra lĩnh vực ngân hàng trong thời gian diễn ra những vụ từ chức này. Theo các bản tin của Trung Quốc, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng đang bị điều tra, và các tội danh bị cáo buộc liên quan đến hối lộ và cho vay bất hợp pháp.

ĐCSTQ sở hữu các ngân hàng lớn, và các ngân hàng khu vực thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương trực thuộc chính quyền trung ương. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản đều đến từ Trung Quốc, trong đó bốn ngân hàng Trung Quốc vượt qua cả hai ngân hàng JP Morgan Chase và Bank of America.

Lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng. Nhiều phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát tài chính và chính trị.

Theo nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming), lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã bị phe cánh của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và cựu phó chủ tịch Ủy ban ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) chi phối. Ông Lý cho biết họ bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động mờ ám trong thị trường chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Mặc dù Giang Trạch Dân đã qua đời hồi tháng Mười Một năm ngoái, nhưng đồng minh thân cận của ông ta  trong băng đảng Thượng Hải là Tăng Khánh Hồng, vẫn đang đe dọa đến quyền lực của ông Tập, và các thành viên của phe này không trung thành với ông Tập.

Ông Lý lưu ý rằng các cuộc điều tra gần đây tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang diễn ra trong khi các giám đốc điều hành của công ty cổ phần hạng A đang cùng nhau giảm lượng nắm giữ của họ thành tiền mặt, và thị trường chứng khoán đang lao dốc.

Ông nói rằng đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang tranh giành quyền thống trị trong lĩnh vực ngân hàng.


Nga ghi nhận 5.990 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong

Liên Thành 

Ảnh minh hoạ: Sergey Bobylev/TASS. 

TASS ngày 29 tháng 4 dẫn báo cáo từ Trung tâm khủng hoảng chống vi-rút corona liên bang cho biết, các trường hợp được xác nhận là mắc COVID-19 ở Nga đã tăng lên 5.990 người trong ngày qua, với 32 trường hợp tử vong.

Một ngày trước đó, Nga đã báo cáo 6.548 trường hợp nhiễm COVID-19 mới hàng ngày và 31 trường hợp tử vong. Tổng cộng, Nga đã ghi nhận 22.845.868 trường hợp mắc COVID-19 và 398.271 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở nước này.

Trung tâm khủng hoảng cũng báo cáo, số ca phục hồi do coronavirus đã tăng lên 7.186 trong 24 giờ qua so với 7.775 một ngày trước đó. Trong khi đó có tới 920 người phải nhập viện trong 24h qua, tăng tăng 1,7% so với 905 người của một ngày trước đó.

Tại Mát-xcơ-va, có tới sáu bệnh nhân coronavirus đã chết ở thủ đô của Nga trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 48.683 trường hợp.


Quân đội Sudan chặn hơn 100 người Anh khỏi chuyến bay di tản cuối cùng

Liên Thành 

Một gia đình lên chuyến bay sơ tán của RAF tại căn cứ không quân Wadi Seidna (ảnh: Hải quân Hoàng gia). 

Hơn 100 công dân Anh có khả năng mắc kẹt ở Sudan khi quân đội nước này cấm họ lên chuyến bay di tản cuối cùng. Thông tin này được nhật báo Anh The Guardian loan báo hôm 29/04.

Ấn phẩm lưu ý Vương Quốc Anh đã thực hiện 21 chuyến bay di tản 1.888 người, nhưng hơn 100 người vẫn còn ở Sudan. Họ được cho là sẽ rời đi vào ngày 29 tháng 4 lúc 18:00, nhưng quân đội Sudan không cho phép họ rời đi. 

Vào tối thứ Bảy, ngay sau 9 giờ tối, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chuyến bay cuối cùng, dự kiến ​​​​khởi hành lúc 18:00, vẫn ở sân bay gần Khartoum. Không có lý do nào được đưa ra cho sự chậm trễ.

Trước đó, nghị sĩ Anh Alicia Kearns cho biết bà có tin quân đội Sudan đang ngăn cản công dân đi tới Khartoum để lên máy bay di tản.

Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét vấn đề này và xem liệu có sự thật nào trong đó không. Nếu đúng như vậy, bạn có những công dân Anh đang mắc kẹt và không thể đến nơi di tản”.

Hiện những người mắc kẹt ở Sudan đang đối diện với tương lai không chắc chắn. Họ có thể chọn đi phía bắc tới Ai Cập, hoặc là về phía đông tới Cảng Sudan trên Biển Đỏ.

Về phía Ai Cập, Bộ Y tế nước này cho biết họ đã khai triển thêm nhân viên tới hai cửa khẩu biên giới với Sudan để hỗ trợ những người mới đến cần được chăm sóc, gần hai tuần sau khi giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bắt đầu.


Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ cam kết xử lý nhanh các di dân không giấy tờ 

01/5/2023 

Bộ trưởng An ninh Nội đia Mỹ Alejandro Mayorkas  

Người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hôm 30/4 cam kết vận dụng luật nhập cư hiện hành để xử lý hàng ngàn người di cư dự đoán sẽ vượt biên ở biên giới tây nam với Mexico bắt đầu từ ngày 12/5.

Ngày 12/5 là thời hạn chính quyền của Tổng thống Joe Biden chấm dứt áp dụng luật về đại dịch virus corona mà trong đó cho phép trục xuất ngay những di dân đến Mỹ không có giấy tờ vì lý do y tế.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của đài NBC rằng khi các gia đình di dân đến cửa khẩu, họ ‘sẽ được xúc tiến trình tự thực thi luật nhập cư, trình tự trục xuất. Nếu họ có đơn xin miễn trục xuất, chúng tôi sẽ nhanh chóng phân xử đơn xin đó’.

Ông cho biết cơ quan ông sẽ quyết định các trường hợp di dân tìm cách ở lại Mỹ ‘trong vài ngày hay vài tuần. Sẽ không mất hàng tháng trời’, và các trường hợp này sẽ được các quan chức di dân phân xử trước 2 triệu đơn nhập cư tồn đọng hiện đang chờ được xử lý ở Mỹ.

Ông Mayorkas nói nếu trẻ em không có người lớn đi kèm đến biên giới, ‘Chúng tôi sẽ tuân theo pháp luật và pháp luật quy định rằng chúng tôi có quyền giam giữ đứa trẻ đó và chúng tôi có 72 tiếng đồng hồ để chuyển đứa trẻ đó, đứa trẻ không có người lớn đi kèm đó, qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh’.

“Việc này là để cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh… xác định người thân hay người bảo trợ ở Mỹ để họ bàn giao việc chăm sóc đứa trẻ,” ông Mayorkas nói. “Theo quy định của luật pháp, chúng tôi có thể cứu giúp nhân đạo những đứa trẻ này và chúng tôi đang thực thi điều luật đó.”

Hơn 2,4 triệu di dân đã đến biên giới với Mỹ trong năm ngoái, nhiều người trong số họ đến từ các quốc Trung Mỹ, nhưng cũng có người đến từ các nước Caribe, Châu Phi, Ukraine và các nơi khác. Nhiều người đã bị đuổi về, trong khi những người khác đã trốn vào trong nước Mỹ hoặc được xác định ngày ra tòa án di dân nhiều tháng hay nhiều năm sau đó và được thả ra trong nước Mỹ.

Ông Mayorkas cho thấy quy mô của vấn đề di dân mà nước Mỹ phải đối mặt khi các di dân, nhiều người tìm cách thoát nghèo và đàn áp chính trị ở trên đất nước của họ, cố gắng chạy đến quốc gia giàu có nhất thế giới để có cuộc sống tốt hơn.

“Đây là thách thức thực sự khó khăn và như tất cả chúng ta đều nhận ra, nó diễn ra trong nhiều năm,” ông Mayorkas nói.

“Chúng ta đang chứng kiến mức độ di cư không chỉ ở biên giới phía nam của chúng ta, mà trên khắp Tây bán cầu, đó là điều chưa từng thấy.”

“Tôi nghĩ đây là cuộc di cư lớn nhất ở bán cầu của chúng ta kể từ Đệ nhị Thế chiến,” ông nói thêm.

“Cách làm của chúng tôi là xây dựng các con đường hợp pháp, loại bỏ những kẻ buôn người tàn nhẫn, đem đến các con đường hợp pháp để mọi người có thể được cứu trợ nhân đạo mà không phải thực hiện hành trình nguy hiểm ra đi từ đất nước của họ,” ông Mayorkas nói. “Và đồng thời, nếu họ đến biên giới phía nam giữa các cửa khẩu, họ sẽ hứng chịu hậu quả.”

Nhưng ông cũng thừa nhận ‘hệ thống nhập cư vỡ nát’ ở Mỹ, với việc Quốc hội trong hàng chục năm đã không thể cải cách luật nhập cư.

“Tôi chỉ muốn nói rõ rằng chúng tôi đang làm việc với rất nhiều hạn chế,” ông nói. “Chúng tôi cần nhân lực, chúng tôi cần công nghệ, chúng tôi cần cơ sở vật chất, chúng tôi cần nguồn lực để vận chuyển, tất cả các yếu tố để giải quyết nhu cầu của một lượng lớn di dân đến biên giới phía nam một cách bất thường.”

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-an-ninh-noi-dia-my-cam-ket-xu-ly-nhanh-cac-di-dan-khong-giay-to/7073395.html

Chuyển động Quốc Phòng  thế giới từ 21/4  đến  27/4 năm 2023

Friday, April 28th, 2023

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

28/4/2023

Chiến tranh Nga – Ukraine:

(more…)

Thời sự Thứ Sáu 28/4/2023: *TQ lên án Đài Loan. *Chủ tịch Fed bị người Nga lừa. *Tái nhiễm COVID tại Trung Quốc? *02 chỉ huy KQ Mỹ bị ngưng chức. *TT Biden bác bỏ lo ngại về tuổi tác. *Mỹ chi 11 tỷ MK xây dựng bán dẫn quốc gia. *Ấn Độ tố TQ vi phạm thỏa thuận biên giới. *Chuyển động quốc phòng thế giới…

Friday, April 28th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Trung Quốc nói Đài Loan ‘rước sói vào nhà’ – 28/4/2023 

Trung Quốc ngày 27/4 nói Đài Loan ‘rước sói vào nhà’ khi tổ chức một diễn đàn công nghiệp quốc phòng Mỹ vào tuần tới, đồng thời tố cáo rằng tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ tìm cách xuất khẩu chiến tranh để kiếm lợi nhuận.

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan dù thiếu quan hệ ngoại giao chính thức, và đề tài này là nguồn căng thẳng thường xuyên giữa Bắc Kinh với Washington. Bắc Kinh nói Đài Loan thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ-Đài Loan, cùng với Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan, sẽ tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Hoa Kỳ-Đài Loan tại Đài Bắc vào ngày 3/5, tập hợp các công ty Mỹ và Đài Loan để thảo luận hợp tác.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đàm Khắc Phi, tuyên bố trong một cuộc họp báo hàng tháng rằng Trung Quốc ‘hết sức quan ngại’ khi hay tin về diễn đàn này.

“Những ‘tổ hợp công nghiệp-quân sự’ của Mỹ muốn bán vũ khí trên khắp thế giới, xuất khẩu chiến tranh và tìm kiếm lợi nhuận trên trời rơi xuống,” ông nói.

“Việc chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan rước sói vào nhà thật đáng ghê tởm và sẽ chỉ mang đến thảm họa sâu sắc cho đồng bào Đài Loan,” ông nói thêm, đề cập đến đảng cầm quyền của Đài Loan.

Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan để tìm cách và ép buộc hòn đảo dân chủ này phải chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh, trong đó có việc tổ chức các cuộc tập trận trong tháng này.

Chính phủ Đài Loan bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và nói rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của mình.


Chủ tịch Fed cũng bị lừa bởi hai người Nga giả làm Tổng thống Ukraina

Liên Thành 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: NYTimes). 

Mạng truyền hình Bloomberg đưa tin, một đoạn video phát trên truyền hình nhà nước Nga cho thấy, ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tổ chức một cuộc họp video với hai người Nga giả làm Tổng thống Ukraina -Volodymyr Zelensky trong năm nay. Ông còn đàm luận về các vấn đề kinh tế chung với hai người giả danh này một cách nghiêm túc.

Trong video, ông Powell rõ ràng nghĩ rằng đối phương chính là ông Zelensky nên ông ấy đã trả lời các câu hỏi của đối phương một cách rất chân thành, các chủ đề trải dài từ triển vọng lạm phát đến ngân hàng trung ương Nga. Trong đó có một số clip ngắn kéo dài khoảng 15 phút và không rõ liệu các hình ảnh có bị giả mạo hay không.

Một phát ngôn viên của Fed cho biết trong một tuyên bố vào ngày 27/4 rằng: “Chủ tịch Powell đã tham gia vào một cuộc trò chuyện với một người tự xưng là tổng thống Ukraina vào tháng 1 năm nay. Cuộc trò chuyện diễn ra thân mật và trong bầu không khí mà đất nước chúng tôi đang sát cánh cùng người dân Ukraina vượt qua thời kỳ khó khăn. Không có thông tin nhạy cảm hoặc bí mật nào được thảo luận”. Ông Powell nói rằng ông đã thông báo cho các cơ quan thực thi pháp luật thích hợp về vấn đề này và sẽ không cung cấp thêm thông tin chi tiết vì tôn trọng các nhân viên thực thi pháp luật.

Ngoài ra, Fed cũng cho biết đoạn video dường như đã được chỉnh sửa nhưng không thể xác nhận tính xác thực của nó.

Bloomberg chỉ ra rằng hai kẻ chơi khăm, Vladimir Kuznetsov và Alexei Stolyarov, là những người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã sử dụng biệt danh “Vovan” và “Lexus” trong nhiều năm, bất chấp ngôn hành cử chỉ đôi khi thô lỗ của mình, họ vẫn lừa được nhiều chính trị gia nước ngoài nói chuyện với mình, với mục đích khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây bối rối.

Những người bị lừa bao gồm ông Boris Johnson, khi đó còn là Ngoại trưởng Anh và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Người phát ngôn của ECB cho biết vào ngày 27/4 rằng: “Chủ tịch đã đồng ý với cuộc đối thoại này vì thiện chí, đồng thời muốn thông qua cuộc đối thoại để bày tỏ sự ủng hộ của bà ấy đối với Ukraina và người dân Ukraina, ủng hộ họ tự bảo vệ mình trước cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

Hai kẻ lừa đảo người Nga còn đóng giả là cựu Tổng thống Ukraina – Petro Poroshenko và nói chuyện với cựu Thủ tướng Đức – Angela Merkel, nhưng người ta thấy bà Merkel tỏ ra nghi ngờ trong video nhưng bà không đặt câu hỏi ngay tại chỗ về danh tính của đối phương.

Năm ngoái, bộ đôi này cũng đã giả danh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để đánh lừa Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Đoạn video về cuộc trò chuyện với Chủ tịch Fed -Power đã được phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga với ý đồ giễu cợt. Hai kẻ lừa đảo còn có các kênh riêng trên mạng xã hội VK của Nga.


Tin tức về việc tái nhiễm COVID tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc 

Chính quyền Trung Quốc phủ nhận rằng dịch bệnh đang quay trở lại 

Tác giả Alex Wu 

28/4/2023

Một nhân viên an ninh trong trang phục bảo hộ theo dõi các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại khoa sốt của Bệnh viện Đồng Tể, cơ sở chính dành cho bệnh nhân COVID-19, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 01/01/2023. (Ảnh: Reuters) 

Trong những ngày gần đây, một số lượng lớn công dân Trung Quốc đã đăng trên các nền tảng mạng xã hội tiết lộ việc họ tái nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng đăng một bài báo để phủ nhận rằng Trung Quốc đang trải qua một làn sóng COVID-19 khác. 

Nhiều người trên khắp đất nước này tuyên bố rằng họ đã bị tái nhiễm COVID-19 và đăng kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính của họ lên mạng xã hội. Hôm 20/04, “dương tính quay trở lại” đã trở thành cụm từ được tìm kiếm trực tuyến nhiều nhất ở Trung Quốc. 

Hôm 23/04, anh Vi Miên (bí danh), một cư dân Nam Kinh, nói với The Epoch Times rằng anh đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hôm 21/04. Anh đã mua một bộ dụng cụ thử kháng nguyên COVID-19 để xét nghiệm tại nhà và kết quả là dương tính. 

Anh nói: “Trên thực tế, virus có ở khắp mọi nơi.” 

Anh Vi cho biết anh đã đến một khu vực khác ở Trung Quốc hôm 21/04 và anh có thể đã bị nhiễm bệnh ở đó. Đây là lần thứ hai anh bị nhiễm COVID-19. 

Đã hơn năm tháng trôi qua kể từ khi đỉnh điểm của đợt lây nhiễm COVID-19 hàng loạt xảy ra ở Hoa lục hồi cuối năm ngoái (2022). Các ca tái nhiễm đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng của công chúng. 

Nhà virus học hàng đầu của Trung Quốc đề nghị mọi người nên chuẩn bị cho một đợt bùng phát khác. 

Hôm 20/04, tại Hội nghị thượng đỉnh về Nhiễm trùng và Miễn dịch, ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm và Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn, trực thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết rằng khi chủng virus này đột biến, các ca tái nhiễm COVID-19 sẽ xảy ra sau sáu tháng. Nếu chủng đột biến của virus mới này phá vỡ hiệu quả hàng rào miễn dịch do cơ thể con người hình thành để đối phó với đợt virus trước đó, thì sẽ có một đợt bùng phát ca nhiễm đỉnh điểm trong làn sóng dịch tiếp theo. 

Ông đã kêu gọi dự trữ thuốc kháng sinh phân tử nhỏ cho COVID-19 và khuyến nghị các nhóm dễ bị tổn thương nên chích ngừa trở lại sau sáu tháng. 

Biến chủng XBB.1.16 ‘Arcturus’

Người dân ở Trung Quốc lo ngại về các chủng virus mới đang lây lan trong nước, chẳng hạn như XBB.1.16. 

XBB.1.16 là một biến chủng tái tổ hợp của biến thể Omicron và thường được gọi là “Arcturus.” Biến chủng này đã gây ra các ca tử vong. Thái Lan đã báo cáo một trường hợp tử vong do XBB.1.16 hồi đầu tháng này. 

Theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố hôm 22/04, từ hôm 14/04 đến hôm 20/04, 275 bệnh nhân đã bị nhiễm các biến chủng đột biến chính và mới được phát hiện, bao gồm 42 ca nhiễm do XBB.1.16, và 12 biến chủng đột biến chính tại địa phương mới được phát hiện. Hôm 15/04, CDC Trung Quốc đã báo cáo 15 ca nhiễm XBB.1.16 đầu tiên của quốc gia này, có nghĩa là nước này đã tăng thêm 27 ca trong vòng một tuần. 

Các số liệu này có thể không phản ánh quy mô thực sự của đợt bùng phát ca nhiễm, bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã che giấu sự thật về đợt bùng phát COVID-19 ở nước này kể từ khi bắt đầu đại dịch, và rất khó để thế giới bên ngoài có được dữ liệu chính xác. 

Theo truyền thông Trung Quốc, giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Thiệu Dật Phu, trực thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang, cho biết vì biến chủng XBB đã được phát hiện ở trong nước, nên những bệnh nhân trước đó đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 có thể bị tái nhiễm với biến chủng này. Ông Lý Thống (Li Tong), bác sĩ trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hữu An Bắc Kinh, cho biết XBB.1.16 dễ lây lan hơn nhưng khả năng gây bệnh không thay đổi đáng kể.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) phiên bản Anh ngữ đã nhanh chóng đăng một bài báo hôm 23/04 phủ nhận rằng Trung Quốc đang trải qua một đợt bùng phát COVID-19 khác. Họ đã hạ thấp quy mô có thể xảy ra của làn sóng tiếp theo này, đồng thời trích dẫn lời của các nhà virus học Trung Quốc nói rằng “các trường hợp tái nhiễm rất hiếm” và “quy mô của làn sóng tiếp theo sẽ không lớn.”

Bản tin có sự đóng góp của Tiêu Luật Sinh và Hồng Ninh

Thanh Tâm biên dịch


Hai chỉ huy Không quân Hoa Kỳ bị ngưng chức vì vụ rò rỉ thông tin tình báo

Ngày 26/4, phát ngôn viên của Không quân Hoa Kỳ cho biết, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã đình chỉ hai chỉ huy của đơn vị Vệ binh Quốc gia mà Jack Teixeira – người bị cáo buộc rò rỉ những tài liệu mật của Mỹ phục vụ.

Jack Teixeira (21 tuổi) đã bị FBI bắt giữ vào ngày 13/4 tại nhà riêng ở Massachusetts và bị buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp. Theo các công tố viên, Teixeira đã làm rò rỉ tài liệu mật cho một nhóm game thủ trên ứng dụng nhắn tin Discord. Teixeira hiện bị tạm giam, chờ xét xử sau phiên điều trần ngày 19/4.

Phát ngôn viên của Lực lượng Không quân không tiết lộ danh tính hai chỉ huy, nhưng lưu ý rằng họ đã đình chỉ chỉ huy hoạt động và chỉ huy biệt đội của Cánh Tình báo 102, nơi mà Teixeira phục vụ.

“Điều này có nghĩa là cả hai chỉ duy đều bị đình chỉ trong khi chờ hoàn tất cuộc Điều tra của Tổng Thanh tra Lực lượng Không quân,” ông nhấn mạnh.

“Ngoài ra, Bộ Không quân đã tạm thời loại bỏ quyền truy cập của những cá nhân này vào các hệ thống và thông tin mật,” ông nói thêm.

Vụ việc được coi là vi phạm an ninh nghiêm trọng nhất của Hoa Kỳ kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2010.

Các chuyên gia pháp lý cho hay, Teixeira có thể phải đối mặt với nhiều cáo buộc hơn, khi bồi thẩm đoàn thu thêm nhiều bằng chứng khác. Nếu bị kết tội vi phạm Luật Gián điệp, người này có thể ngồi tù 10 năm.

Minh Ngọc (Theo Reuters)


TT Biden bác bỏ những lo ngại về tuổi tác khi tái tranh cử

Hôm 26/4, Tổng thống Joe Biden đã phát biểu về ý định tái tranh cử năm 2024 của mình. Trên thực tế, ông đã là Tổng thống lớn tuổi nhất từ trước đến nay và sẽ 86 tuổi khi rời nhiệm sở nếu thắng cử kỳ hai.

Embed from Getty Images

Mặc dù ông Biden hiếm khi nói về tuổi tác của mình, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy đây là vấn đề được cử tri hết sức quan tâm, và là vấn đề mà đối thủ bên phía đảng Cộng hòa sẽ tận dụng.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, một ngày sau khi công bố chiến dịch tranh cử, vị Tổng thống 80 tuổi nói rằng việc mọi người đặt câu hỏi về tuổi tác là điều bình thường.

Ông Biden thừa nhận bản thân đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này trước khi quyết định tái tranh cử.

Phát biểu cùng với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Vườn hồng Nhà Trắng, ông Biden cho biết ông tự tin trước cuộc bầu cử cam go sắp tới.

“Tôi cảm thấy ổn, tôi cảm thấy hào hứng với những triển vọng,” ông nói. “Mọi người sẽ thấy. Họ sẽ xem cuộc chạy đua và họ sẽ đánh giá xem tôi có như vậy hay không.”

Ông Biden cũng đã nói đùa rằng “Tôi thậm chí không thể nói rằng tôi bao nhiêu tuổi. Tôi thậm chí không thể nói con số…”

Những câu nói đùa khác về việc ông đã làm việc được bao lâu – bao gồm làm Thượng nghị sĩ trong 36 năm và làm phó Tổng thống cho Barack Obama trong 8 năm – thường là điều duy nhất mà ông Biden thảo luận về câu hỏi tuổi tác.

Tuy nhiên, cử tri dường như đặc biệt quan tâm tới vấn đề này.

Một cuộc thăm dò của NBC News được công bố vào cuối tuần trước cho thấy 70% người Mỹ, trong đó có 51% đảng viên Đảng Dân chủ, tin rằng ông không nên tranh cử vào năm 2024. Và 69% trong số những người được hỏi nói rằng ông không nên tranh cử vì lý do tuổi tác.

Nếu tái đắc cử, ông Biden sẽ 82 tuổi khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1 năm 2025. Tổng thống lớn tuổi nhất trước đây là Ronald Reagan, 77 tuổi khi hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1989.

Ông Biden dường như được thúc đẩy để tiếp tục tranh cử không chỉ vì đó là điều mà các Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên luôn làm, mà còn vì ý thức về “sứ mệnh lịch sử” là ngăn chặn cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại.

Ông Trump hiện đang dẫn đầu áp đảo cho đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa, mặc dù là đối tượng của nhiều vụ kiện pháp lý.

Khi được hỏi hôm thứ Tư rằng liệu ông có coi mình là người duy nhất có thể đánh bại ông Trump hay không, ông Biden nói: “Tôi có thể không phải là người duy nhất, nhưng tôi biết rõ về ông ấy, và tôi biết mối nguy hiểm mà ông ấy gây ra cho nền dân chủ của chúng ta.”

Nhật Minh (theo AFP)


Hoa Kỳ chi 11 tỷ USD xây dựng Trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia

Ngày 25/4/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch về chính sách cho chiến lược nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, sẽ chi 11 tỷ USD xây “Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia” ở nhiều nơi. (Ảnh: Iaroslav Neliubov / Shutterstock) 

Hôm thứ Ba (25/4), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch về chính sách cho chiến lược phát triển và nghiên cứu chất bán dẫn, sẽ chi 11 tỷ USD xây dựng “Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia” (NSTC) ở nhiều nơi, nhằm củng cố nền kinh tế Hoa Kỳ và an ninh quốc gia.

Theo tài liệu chính sách (link) do Bộ Thương mại công bố, Hoa Kỳ sẽ thành lập “Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia” (National Semiconductor Technology Center, NSTC) ở nhiều nơi, kết hợp với giới học thuật và ngành công nghiệp, nhằm tạo ra thế hệ công nghệ chip mới, với mục tiêu sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm nay.

Mục tiêu của chương trình này bao gồm các công nghệ sản xuất bán dẫn mới nhất của Hoa Kỳ, rút ​​ngắn thời gian và chi phí từ thiết kế đến thương mại hóa, đồng thời đào tạo các kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề.

Bộ Thương mại cho biết NSTC nhằm mục đích cung cấp một nền tảng “để các cơ quan chính phủ, phòng thí nghiệm quốc gia, đại diện ngành công nghiệp và lao động, khách hàng, nhà cung cấp, tổ chức giáo dục, doanh nhân và nhà đầu tư cùng nhau hợp tác”.

Đây là kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn, đảm bảo Hoa Kỳ có nguồn cung chip ổn định, đáp ứng nhu cầu của ngành và hỗ trợ quốc phòng. Khi thành lập trung tâm, Bộ Thương mại sẽ làm việc với Lầu Năm Góc để tạo ra liên minh công-tư này.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại nhấn mạnh, NSTC là một tổ chức độc lập, các thành viên hội đồng quản trị được bổ nhiệm bởi một ủy ban tuyển chọn độc lập.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo, cho biết NSTC là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được các doanh nghiệp tin tưởng, coi là trung lập và có định hướng khoa học.

Bà Raimondo nói: “Nó cho phép chúng ta phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ… để giành lại vị trí dẫn đầu của Mỹ trong việc phát triển các công nghệ của tương lai”.

Ngày 25/7/2022, tại cánh phía Nam của Nhà Trắng, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã tham gia một cuộc họp trực tuyến về “Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ”. (Ảnh: Anna Moneymaker / Getty Images)

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Khoa học và CHIPS” năm 2022 vào năm ngoái, thúc đẩy các hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến quay trở lại Hoa Kỳ.

Luật này quy định rằng Bộ Thương mại phải phân bổ 11 tỷ USD trong 5 năm, nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển, cũng như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Trung tâm công nghệ này dự kiến ​​sẽ là hạt nhân của nỗ lực đó.

Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng cần có biện pháp khuyến khích trị giá 39 tỷ USD, để khởi động sản xuất.

Nhiều chi tiết về NSTC vẫn chưa được quyết định, như vị trí trụ sở chính và vị trí của các chi nhánh trên khắp Hoa Kỳ. Bà Raimondo cho biết, một thông báo sẽ được đưa ra trong vài tháng tới.

Bà nói rằng NSTC cho phép ngành công nghiệp, giới học thuật, công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư cùng nhau giải quyết những thách thức lớn nhất và khó khăn nhất, điều mà các doanh nghiệp khó có thể làm được, vì các công ty phải tập trung vào kỹ thuật và lợi nhuận ngắn hạn.

“Nó cho phép mọi người lùi lại một bước, và suy nghĩ xem liệu có cơ hội để đạt được lợi nhuận gấp 100 lần hay không, và làm thế nào để chúng ta đạt được điều đó?”

Bà Raimondo cho biết: “Các biện pháp khuyến khích sản xuất của Đạo luật CHIPS sẽ đưa ngành sản xuất chất bán dẫn trở lại Hoa Kỳ, nhưng hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh mẽ do NSTC dẫn đầu sẽ giữ nó ở lại đây”.

Cuộc đua giành vị thế thống lĩnh về chip bán dẫn trở nên ngày càng sôi động. Cả Mỹ, EU và nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều tích cực chạy đua để mở rộng thị phần chip, và hướng tới mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực này.

Chất bán dẫn là chìa khóa cho một số công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện tự hành và internet vạn vật (IoT). Nhiều công nghệ trong số này có giá trị chiến lược trong quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia.

Giáo sư Mark Lundstrom – Phụ trách Văn phòng Linh kiện bán dẫn tại Đại học Purdue, Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ ai cũng hiểu rằng, bất kỳ quốc gia nào muốn kiểm soát vận mệnh của mình đều phải có một ngành công nghiệp bán dẫn vững mạnh”.

Bình Minh (t/h)


Người “làm nhục Trung Quốc” nhỏ tuổi nhất: Đi học là để lớn lên định cư ở Anh

Một bé trai 5 tuổi khi được hỏi tại sao lại đến trường đã trả lời rằng, “Vì khi lớn lên không muốn sống ở Trung Quốc, muốn đến Vương quốc Anh.” Sau khi video này được lan truyền trên internet, có thông tin nhà trường và các giáo viên liên quan đã bị cơ quan chức năng điều tra.
Một bé trai 5 tuổi tại một trường mẫu giáo ở Quảng Đông nói rằng học tập là để lớn lên di cư đến Vương quốc Anh. (Ảnh chụp màn hình video)

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin hôm 24/4, một bé trai 5 tuổi học mẫu giáo ở Quảng Đông đã trả lời với giáo viên rằng “con đến đến trường là để di dân sang Vương quốc Anh”, giáo viên mẫu giáo này sau đó đã bị cáo buộc “không làm trong bổn phận trong giáo dục”, và bị cơ quan chức năng điều tra. Thông tin chia sẻ trên mạng cho biết, cơ quan liên quan đã bắt đầu truy cứu trách nhiệm đối với trường học liên quan đến việc này. Video cho thấy, khi một bé trai được hỏi “Tại sao con lại đến trường?”, bé trai này quay mặt về phía máy quay và nói: “Vì lớn lên con không muốn sống ở Trung Quốc, con muốn đến Anh.”

Ông Trương (Zhang), một phụ huynh có hai con ở tỉnh Sơn Đông, nói với RFA rằng nhóm WeChat đã thảo luận về điều này trong hai ngày qua, “Trẻ em có quyền tự do được giáo dục, cha mẹ [có quyền] đặt mục tiêu cho con cái của mình. Con cái của tôi, tôi cũng muốn chúng đến Vương quốc Anh học từ nhỏ, không muốn mãi ở trong nước. Con nhỏ nói gì thì cũng không phải là vấn đề của trường mẫu giáo, họ không chịu trách nhiệm việc trẻ nói những gì. Trách nhiệm của trường mẫu giáo là chăm sóc trẻ em, nhưng bây giờ [chính quyền lại buộc] trường nhấn mạnh vào ý thức hệ.”

Về vấn đề này, tài khoản Twitter “@XIAOMIEHM” đã tweet vào ngày 22/4, “Kẻ làm nhục Trung Quốc nhỏ tuổi nhất thế giới! Chàng trai trẻ, em có tiền đồ, em có thể đăng ký Kỷ lục Guinness thế giới vì là người đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trên thế giới làm nhục Trung Quốc!”

Cư dân mạng “Silent Lambs” cũng cho rằng: “Lời nói của trẻ em không có kiêng kỵ gì, người nói vô tội, ngay cả lời nói của một đứa trẻ mà đất nước này còn không thể chịu đựng được, vậy thì đất nước này không cần thiết phải tồn tại. Lại nói, đứa trẻ này đã trải qua 3 năm xét nghiệm axit nucleic, nên đã nhìn rõ cái xã hội này, nhưng rất nhiều người lớn vẫn còn sống trong mộng, đây mới là điều đáng buồn.”

Có cư dân mạng liên tục bình luận: “Đây là kết luận của một đứa trẻ 5 tuổi có được sau khi đã dành phần lớn cuộc đời (5 năm) của mình để làm xét nghiệm axit nucleic.”

“Sự tự tin của nước lớn đâu? Ngay cả một câu nói của đứa con nít mà đã không chịu đựng được rồi sao? Rốt cuộc là tự tin hay là tự ti?”

“Sự tự tin từ tận trong xương tủy.”

“Tự do ngôn luận hay nói đâu rồi?”

“Không cho phép trẻ em nói những điều như vậy, đây mới là bi kịch lớn nhất của giáo dục”

“Ngay cả trẻ em bây giờ cũng biết điều đó”.

“Tốt lắm bạn nhỏ! Có lý tưởng và đầu óc thanh tỉnh. Hãy cố gắng vì quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của mình!”

“Không cho trẻ mẫu giáo nói muốn đến Vương quốc Anh, và sau đó là con cháu của các quan chức cấp cao Trung Quốc đều ở nước ngoài”.

Lý Mộc Tử, Vision Times


Ấn Độ tố Trung Quốc vi phạm thỏa thuận biên giới – 28/4/2023 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (thứ ba bên trái) tham dự cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc (thứ ba bên phải) trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở New Delhi, ngày 27 tháng 4 năm 2023. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ ngày 27/4 cáo buộc Trung Quốc làm xói mòn ‘toàn bộ cơ sở’ của mối quan hệ giữa hai nước khi vi phạm các thỏa thuận song phương, ám chỉ cuộc đối đầu kéo dài gần 3 năm liên quan đến hàng ngàn binh sĩ đóng quân dọc theo biên giới tranh chấp ở khu vực phía đông Ladakh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc, và ‘đã có cuộc thảo luận thẳng thắn về những diễn biến ở khu vực biên giới Ấn-Trung cũng như quan hệ song phương,’ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Ông Singh nói với ông Lý rằng ‘sự phát triển của mối quan hệ Ấn-Trung dựa trên cơ sở hòa bình và sự yên tĩnh ở biên giới’ và rằng tất cả các vấn đề biên giới cần được giải quyết theo các thỏa thuận và cam kết hiện có, theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Chưa có bình luận từ phía Trung Quốc.

Ấn Độ nói việc triển khai một số lớn binh sĩ Trung Quốc, hành vi hung hăng của họ và nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng biên giới là vi phạm thỏa thuận giữa hai nước.

Ông Singh nhấn mạnh các vi phạm đó ‘làm xói mòn toàn bộ cơ sở của mối quan hệ song phương.’

Một cuộc đụng độ cách đây 3 năm ở vùng Ladakh đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 người Trung Quốc thiệt mạng. Vụ này biến thành một cuộc đối đầu kéo dài ở khu vực núi non hiểm trở, nơi mỗi bên đồn trú hàng chục ngàn quân nhân được hỗ trợ bởi pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu.

Vài ngày trước chuyến thăm của ông Lý, các chỉ huy quân đội hàng đầu của Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức vòng đàm phán thứ 18 nhằm tìm cách giải quyết vấn đề rút quân khỏi các khu vực căng thẳng.

Đường kiểm soát thực tế phân chia các vùng lãnh thổ do Trung Quốc và Ấn Độ nắm giữ từ Ladakh ở phía tây đến bang Arunachal Pradesh ở phía đông của Ấn Độ, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ.

Hai nước từng có chiến tranh biên giới vào năm 1962.


XEM THÊM:

Chiến tranh Ukraine-Nga (27/4/2023) Telegraph: Putin cách chức ‘Đồ tể Mariupol’. *Wagner nói dối ngưng pháo Bakhmut để báo chí Mỹ tham quan. *Anh, Đức hợp tác chế tạo đạn xe tăng. *NATO: Ukraine nhận 1.550 xe bọc thép và 230 xe tăng. *Bình luận: Putin đã thua ở Ukraine; cuộc chiến sắp tới của Trung Quốc ở Đài Loan…

Thursday, April 27th, 2023

Ngày 27 tháng 4 năm 2023 • 6:50 chiều

Nga
ĐẠI TÁ MIKHAIL MIZINTSEV PHỤ trách hậu cần quân sự – Credit : Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images

Vladimir Putin đã sa thải một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng phụ trách hậu cần quân sự.

Việc sa thải Đại tướng Mikhail Mizintsev được đưa ra sau khi cuộc tấn công của Nga ở miền đông Ukraine gặp khó khăn trong bối cảnh các vấn đề liên tục về cung cấp đạn dược.

(more…)

Cánh tay dài của Trung Quốc ở nước ngoài gây ảnh hưởng đến các hoạt động… (FP)

Thursday, April 27th, 2023

Các đồn cảnh sát bất hợp pháp chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bởi Danielle Pletka, một thành viên cao cấp xuất sắc tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Một người đi ngang qua một tòa nhà (giữa) được cho là nơi đặt đồn cảnh sát bí mật do chính phủ Trung Quốc sử dụng ở thành phố New York ngày 18 tháng 4. Hình ẢNH CỦA SPENCER PLATT/GETTY

6:00 SÁNG NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2023

Vào ngày 17 tháng 4, FBI đã bắt giữ hai người đàn ông, Lu Jianwang và Chen Jinping, với cáo buộc tội hình sự liên bang liên quan đến hoạt động của một tiền đồn cảnh sát Trung Quốc ở Brooklyn, New York. Đây là một số trong những cáo buộc đầu tiên như vậy đối với hơn một trăm “đồn cảnh sát” người Hoa ở nước ngoài hoạt động trên phạm vi quốc tế, nhiều trong số đó không được phép của nước sở tại. “Các cáo buộc ngày hôm nay là một phản ứng rõ ràng đối với CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] rằng chúng tôi chống lại các bạn, chúng tôi biết các bạn đang làm gì và chúng tôi sẽ ngăn chặn điều đó xảy ra ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,” Breon Peace, một công tố viên Hoa Kỳ cho biết .

(more…)

Chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Trung Quốc khó hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt (ET)

Thursday, April 27th, 2023
Chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Trung Quốc khó hàn gắn mối quan hệ vốn đã rạn nứt

Một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (trên cùng) và một tàu tiếp nhiên liệu của Philippines tham gia vào cuộc cản phá khi thuyền của Philippines cố gắng tiếp cận Bãi cạn Thomas thứ hai (Bãi Cỏ Mây), một phần của Quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông xa xôi mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, hôm 29/3/2014. (Ảnh: Jay Directo/Getty Images)

 Bình luậnAlex Wu • 16:12, 27/04/23

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nóng lên, Philippines đã nổi lên như một quốc gia quan trọng bậc nhất trong hệ thống địa chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã đến thăm Philippines nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương vốn đã ‘rạn nứt’ do hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.


  1. Philippines ‘quay lại’ với đồng minh Mỹ
  2. Chuyến viếng thăm ‘gấp gáp’ của ông Tần Cương

Tuy nhiên, một chuyên gia lập luận rằng chuyến thăm của ông Tần Cương có thể sẽ trở nên vô ích.

Philippines gần đây đã tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Năm nay, Philippines cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, trong đó có hai căn cứ nằm hướng về phía Đài Loan. Với 4 căn cứ mới, Mỹ sẽ có tổng cộng 9 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines.

Ngoài ra, Philippines cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác quân sự với nước này.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Philippines và chính quyền Trung Quốc đã xấu đi do hành vi hung hăng của nước này ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có chuyến thăm Philippines từ ngày 21/4 đến 23/4. Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines để giải quyết những khác biệt ở Biển Đông.

Nhưng các chuyên gia tin rằng ĐCSTQ sẽ rất khó khôi phục quan hệ với Philippines.Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trong lễ kỷ niệm 126 năm ngày thành lập Quân đội Philippines tại Pháo đài Bonifacio gần Manila, Philippines, hôm 22/3/2023. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Philippines ‘quay lại’ với đồng minh Mỹ

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Ferdinand Marcos Jr. cam kết sẽ duy trì các chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm Duterte. Vào thời điểm đó, ông nói rằng chính sách ngoại giao của ông Rodrigo Duterte với Trung Quốc “thực sự là lựa chọn duy nhất của Philippines”.

Tuy nhiên, sau khi đắc cử vào tháng 5/2022, ông Marcos đã ngay lập tức thay đổi quan điểm. Lúc này, ông tuyên bố rằng Philippines sẽ không nhượng lại một mét vuông lãnh thổ cho bất kỳ thực thể nước ngoài nào.

Ông Song Guocheng, một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc lập Chính trị, nói với The Epoch Times rằng có hai lý do chính dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Philippines đối với ĐCSTQ.

“Trong những ngày đầu, ông Marcos Jr. bày tỏ quan điểm tương đối thân Trung Quốc với hy vọng ĐCSTQ sẽ tăng cường đầu tư hoặc cho Philippines vay, nhưng ĐCSTQ đã không thực hiện lời hứa của mình nên ông Marcos Jr. có cảm giác như mình bị lừa”, ông lập luận.

Philippines được hưởng lợi rất ít từ các chính sách thân Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Duterte. Hãng truyền thông Nhật Bản Nikkei đưa tin rằng mặc dù ông Duterte thường xuyên đến thăm Trung Quốc và nước này thường đưa ra “những lời hứa có cánh” về việc chi hàng chục tỷ USD cho Philippines, song chưa đến một nửa trong số đó được thực hiện.

“Một lý do khác là ĐCSTQ từ lâu đã sách nhiễu ngư dân Philippines trên các đảo và rạn san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Gần đây nhất là vụ việc Trung Quốc chiếu tia laser “cấp độ quân sự” vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông vào hôm 13/2, gây ‘mù tạm thời’ (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu. Đây là một cuộc tấn công quân sự”, ông Song phân tích.

“Hai yếu tố này đã khiến ông Marcos Jr quyết tâm ‘quay lại’ với đồng minh Mỹ”.Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (thứ 2 từ phải sang) và Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) (phải) tham dự cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo tại khách sạn Diamond ở Metro Manila, Philippines, hôm 22/4/2023. (Ảnh: Gerard Carreon/Pool/AFP/Getty Images)

Chuyến viếng thăm ‘gấp gáp’ của ông Tần Cương

Chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm Philippines và Hoa Kỳ mở các cuộc tập trận chung cho đến ngày 28/04, với sự tham gia của 17.000 quân nhân từ cả hai nước.

Ông Song tin rằng chuyến viếng thăm khẩn cấp của ông Tần Cương tới Philippines được thúc đẩy bởi mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, cũng như sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Philippines. Chuyến thăm nhằm mục đích hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc khuyến khích kinh tế.Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (giữa bên trái) tham dự một cuộc tập trận bắn đạn thật vào ngày 26/4/2023, tại San Antonio, Zambales, Philippines. Cuộc diễn tập bắn đạn thật là một phần của cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Philippines có tên là Balikatan, nghĩa là “kề vai sát cánh” trong tiếng Tagalog. (Ảnh: Jes Aznar/Getty Images)

Trong chuyến thăm, ông Tần Cương tuyên bố rằng Trung Quốc mong muốn hợp tác với Philippines để giữ cho mối quan hệ Trung Quốc – Philippines đi đúng hướng, tăng cường hợp tác để “đôi bên cùng có lợi” và giải quyết thỏa đáng những khác biệt giữa hai nước.

Sau cuộc gặp với ông Tần, ông Marcos cho biết hai nước đã nhất trí thiết lập thêm các kênh đối thoại để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Song cho rằng các kênh liên lạc của ĐCSTQ đã đánh mất lòng tin của cộng đồng quốc tế, và chính ĐCSTQ đã cắt đứt các đường dây nóng được thiết lập trước đó giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

“Tôi nghĩ Marcos Jr. không thể duy trì quan hệ hữu nghị với ĐCSTQ. Ông đã quyết tâm xoay trục sang Hoa Kỳ. Thông qua hợp tác với Hoa Kỳ, ông ấy sẽ chống lại sự xâm lược và gây hấn của ĐCSTQ cũng như bảo vệ an ninh quốc gia và khu vực”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

NTDVN.NET