Thời sự Thứ Sáu 19/05/2023: *G7: trừng phạt mới vào Nga, Ô Zelensky sẽ tham dự, TT Hàn Quốc dự hội nghị *Montana là tiểu bang đầu tiên cấm TikTok *TQ hợp tác với các nước Trung Á *Anh nói “di dân nhập cư quá cao” *

Friday, May 19th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


G7 thông báo các trừng phạt mới nhằm vào “cỗ máy chiến tranh” của Nga

19/5/2023

Các lãnh đạo G7 họp thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/05/2023. AP 

Anh Vũ /RFI

AFP dẫn một thông cáo của thượng đỉnh G7, tại Hiroshima , Nhật Bản, cho biết, hôm nay, 19/05/2023, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu đã quyết định các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt nguồn cung cấp công nghệ, thiết bị công nghiệp và các dịch vụ của G7 mà Nga có thể sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng, phục vụ cho cuộc chiến tranh tại Ukraina 

Ngay trước giờ khai mạc thương đỉnh G7 tại Hiroshima, Hoa Kỳ và các đồng minh lớn đã thông báo các trừng phạt tiếp tục đánh vào nguồn tài chính của Nga, nhằm chủ yếu vào buôn bán kim cương. 

Washington thông báo những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào “ cỗ máy chiến tranh” của Nga. Theo lời một quan chức Mỹ, các trừng phạt này nhắm vào khoảng 70 thực thể tại Nga và tại các nước khác. Quan chức này cho biết thêm, các nước G7 khác cũng chuẩn bị các trừng phạt mới về xuất nhập khẩu liên quan đến Nga. 

Luôn Đôn đã thông báo các biện pháp trừng phạt lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, trong đó có buôn bán kim cương mà Nga thu về hàng tỷ đô la mỗi năm. Cũng trong ngày hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, có mặt tại Hiroshima dự thượng đỉnh G7, thông báo Liên Hiệp Châu Âu sẽ “ hạn chế mua bán kim cương Nga” trong khuôn khổ các trừng phạt Matxcơva xâm lược Ukraina. 

Theo một quan chức cao cấp của chính quyền Joe Biden, thượng đỉnh G7 lần này đặt mục tiêu phối hợp ngăn chặn các nguồn tài chính giúp Nga nuôi dưỡng cuộc chiến tại Ukraina, đồng thời lấp những kẽ hở giúp Nga lách trừng phạt, giảm hơn nữa lệ thuộc vào Nga, tiếp tục ngăn cản Matxcơva tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, cam kết phong tỏa các tài sản của Nga cho đến khi chiến tranh chấm dứt, 


Hội nghị thượng đỉnh G-7 đang diễn ra ở Hiroshima với các lệnh trừng phạt mới dành cho Nga 

Tổng thống Ukraine dự kiến ​​sẽ thực hiện một chuyến đi cá nhân tới Hiroshima để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật 

Tác giả Emel Akan 

19/5/2023

Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) bước ra khỏi Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình để dự lễ đặt vòng hoa ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, hôm 19/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/POOL/AFP qua Getty Images) 

HIROSHIMA, Nhật Bản — Cuộc chiến ở Ukraine trở thành tâm điểm tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) năm nay, với các nhà lãnh đạo dự định đưa ra các lệnh trừng phạt mới “để tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga” khi họ bắt đầu cuộc họp kéo dài ba ngày ở Hiroshima. 

Theo một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về “sự đoàn kết, sức mạnh, và cam kết” để đáp trả cuộc xâm lược của Nga. 

“Cam kết tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga của chúng ta vẫn mạnh mẽ như năm ngoái. Và vì vậy, tôi nghĩ ngày mai quý vị sẽ chứng kiến biện pháp mới sẽ được thực hiện nhằm cô lập Nga về kinh tế và làm suy yếu khả năng gây chiến của nước này,” quan chức này nói với các phóng viên hôm 18/05 trước thềm hội nghị thượng đỉnh. 

Theo Tòa Bạch Ốc, đây sẽ là bộ các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng toàn diện nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn. 

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các quốc gia dân chủ tiên tiến nhất thế giới — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada — sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21/05. 

Trong hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo sẽ tiết lộ các kế hoạch nhằm làm gián đoạn hơn nữa khả năng cung cấp nguồn đầu vào của Nga cho cuộc chiến của họ, loại bỏ các thủ thuật né tránh thuế, hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Moscow vào hệ thống ngân hàng quốc tế. Ngoài ra, các tài sản quốc gia của Nga sẽ vẫn bị đóng băng cho đến khi cuộc chiến này kết thúc. 

Mỗi thành viên của G7 sẽ tuyên bố các lệnh trừng phạt mới và hạn chế xuất cảng nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Nga. 

Quan chức này cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát xuất cảng đối với Nga, khiến việc duy trì cỗ máy chiến tranh của nước này trở nên khó khăn hơn. 

“Bên cạnh những thứ khác, thì việc này liên quan đến việc hạn chế trên diện rộng các loại hàng hóa quan trọng cho chiến trường và cũng ngăn chặn khoảng 70 tổ chức từ Nga và những nước thứ ba nhận hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ bằng cách thêm họ vào danh sách đen của Bộ Thương mại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ công bố hơn 300 lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân, tổ chức, tàu thuyền, và phi cơ.” 

Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022, các quốc gia G7 đã đồng ý giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. 

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen chụp ảnh cùng nhau sau khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Nạn nhân của Bom Nguyên tử trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 18/05/2023. (Ảnh: Franck Robichon/Getty Images) 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức một năm trước, các nhà lãnh đạo đã đồng ý áp dụng một chiến lược hạn chế giá dầu của Nga để bóp nghẹt doanh thu của Điện Kremlin. 

“Sau khi thực hiện chính sách mức trần giá, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm đáng kể so với cả các mức trước chiến tranh và mức giá cao khi bắt đầu cuộc chiến tranh,” Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo tiến độ công bố hôm 18/05. 

Báo cáo này cho biết: “Sự sụt giảm doanh thu này đã xảy ra mặc dù trong tháng 04/2023 Nga xuất cảng dầu thô nhiều hơn khoảng 5 đến 10% so với tháng 03/2022.” 


Ông Zelensky dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh

Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ đích thân tham gia các cuộc thảo luận của hội nghị thượng đỉnh vào Chủ Nhật (21/05). 

Ông Zelensky luôn tham gia vào các cuộc gặp gỡ trước đây của các nhà lãnh đạo G7 về Ukraine, quan chức cao cấp này cho biết nhưng không bình luận về hình thức hoặc thời gian của cuộc họp. 

Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo đã tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa, chụp ảnh chung, và trồng cây tại Bảo tàng và Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để vinh danh những người đã thiệt mạng tại thành phố này 78 năm về trước trong các vụ đánh bom nguyên tử. Sau đó, các nhà lãnh đạo vừa dùng bữa trưa vừa làm việc.

Cẩm An biên dịch


Tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị G7 mở rộng và cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn

19/5/2023

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đến Hirsoshima, Nhật Bản, dự thượng đỉnh G7 ngày 19/05/2023. AP 

Trần Công /RFI

Theo lời mời của thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất, tổng thống Yoon Seok-yeol hôm nay 19/05/2023 đã  tới Hiroshima, Nhật Bản, để dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. 

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm thông tin:

“Việc tổng thống Yoon Seok-yeol được mời tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản khẳng định vị thế, vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để nguyên thủ Hàn Quốc gặp gỡ các đồng nhiệm, lãnh đạo chính phủ, nhằm tăng cường quan hệ song phương. 

Trong thời gian ở Nhật, từ 19 đến 21/05/2023, tổng thống Hàn Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật, ông sẽ hội đàm với thủ tướng Fumio Kishida. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tổng thống Yoon Seok-yeol sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như Úc, Anh, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. 

Điểm nhấn trong chuyến đi lần này đó là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật và cuộc hội đàm 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật vào ngày 21.5.2023. Tổng thống Yoon, cùng với đồng nhiệm Mỹ Biden và thủ tướng Nhật Kishida, sẽ điểm lại việc thực hiện nội dung “chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa” đã được nhất trí vào tháng 11 năm 2022. Ngoài ra, lãnh đạo 3 nước cũng sẽ thảo luận về sự bất ổn của chuỗi cung ứng khu vực và khủng hoảng năng lượng. Được biết, ba nước sẽ không đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp này.

Để khẳng định vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, tổng thống Yoon dự thượng đỉnh G7 mở rộng, bày tỏ ý định mở rộng đóng góp của chính phủ Seoul cho các chương trình nghị sự toàn cầu như lương thực, sức khỏe, khí hậu và năng lượng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Yoon Seok-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến viếng các nạn nhân bom nguyên tử, trong đó có nhiều người Triều Tiên, ở khu tưởng niệm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima “


Montana trở thành tiểu bang đầu tiên cấm TikTok

Việt Bình /SGN
18/5/2023

Thống đốc Montana, Greg Gianforte (ảnh: William Campbell/Getty Images) 

Thống đốc Greg Gianforte đã ký Dự luật Thượng viện 419 (Senate Bill 419) vào Thứ Tư 17 Tháng Năm 2023 để chính thức cấm TikTok trên toàn tiểu bang Montana; và nói rằng luật cấm này nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của cư dân bang khỏi bị xâm phạm; và rằng chính phủ Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng khi đứng sau TikTok.

Vào Thứ Tư, Gianforte đã ký một sắc lệnh hành pháp riêng cấm sử dụng bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào “gắn liền với các đối thủ nước ngoài” trên các thiết bị của chính quyền, bao gồm CapCut và Lemon8 thuộc sở hữu của ByteDance và Telegram Messenger (do một người Nga tạo ra nhưng có trụ sở ở Dubai).

Thống đốc Gianforte nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ, vi phạm quyền riêng tư của họ và thu thập thông tin cá nhân, riêng tư và nhạy cảm của họ”. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy chính phủ Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng TikTok. Tuy nhiên, những người chỉ trích TikTok chỉ ra rằng luật ở Trung Quốc cho phép chính phủ truy cập vào hồ sơ khách hàng của công ty.

Theo luật Montana, các nền tảng cung cấp ứng dụng trên thị trường của tiểu bang, chẳng hạn như Google Play Store và Apple App Store, sẽ bị phạt tới $ 10000 một ngày nếu vi phạm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Giêng 2024. Dự kiến, TikTok sẽ phản đối dự luật tại tòa án liên bang. TikTok và các nhóm như Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã nói rằng lệnh cấm là vi hiến.

Tháng Mười Hai 2022, Thống đốc Gianforte đã cấm TikTok trên các thiết bị điện tử của chính quyền bang. Ngày 17 Tháng Năm 2023, ông nói thêm rằng lệnh cấm sẽ mở rộng để bao gồm “tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội liên quan việc thu thập và cung cấp thông tin hoặc dữ liệu cá nhân của người dùng cho một kẻ thù nước ngoài; một người hoặc tổ chức ở một quốc gia được coi là kẻ thù nước ngoài.”

Với chính quyền liên bang, Tổng thống Biden đã ký luật cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ vào Tháng Mười Hai 2022 và đang xem xét lệnh cấm toàn diện nếu công ty mẹ của TikTok – ByteDance – không tìm được người mua ở Mỹ. Hoa Kỳ và các đối tác bảo mật “Five Eyes” – gồm Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh – cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ liên bang, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Tháng trước, các nhà lập pháp tại Hạ viện Montana đã bỏ phiếu 54-43 để thông qua dự luật, được gọi là SB419 và chuyển dự thảo luật đến bàn của Thống đốc Gianforte. Phần mình, đại diện TikTok nói rằng “Thống đốc Gianforte đã ký một dự luật vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp, một nền tảng trao quyền cho hàng trăm nghìn người trên khắp tiểu bang. Chúng tôi muốn trấn an người dân Montana rằng họ có thể tiếp tục sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, kiếm sống và tìm kiếm cộng đồng khi chúng tôi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana.”

NetChoice, một nhóm thương mại công nghệ bao gồm TikTok với tư cách là thành viên, đã gọi dự luật Montana là vi hiến. Carl Szabo, cố vấn của NetChoice, nói: “Chính quyền không được chặn khả năng chúng tôi tiếp cận những phát ngôn được bảo vệ theo Hiến pháp – cho dù đó là trên một tờ báo, trên một trang web hay thông qua một ứng dụng. Khi thực thi luật này, Montana đã bỏ qua Hiến pháp Hoa Kỳ, thủ tục pháp lý và quyền tự do ngôn luận bằng cách từ chối quyền truy cập vào trang web và ứng dụng mà công dân của họ muốn sử dụng.”

Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) cũng không ủng hộ dự luật. Họ nói, “với lệnh cấm, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và làm ăn, nhân danh chống Trung Quốc.”

Giới chuyên gia an ninh mạng nói rằng có thể khó thực thi lệnh cấm. Vào Tháng Ba, Thượng nghị sĩ Rand Paul (GOP, Kentucky) đã chặn dự luật cấm TikTok trên toàn quốc. Paul cho rằng dự luật sẽ vi phạm Hiến pháp và khiến cử tri quen dùng ứng dụng này tức giận. Ứng dụng mạng xã hội TikTok đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và được coi là mối đe dọa cạnh tranh đối với những gã khổng lồ công nghệ khác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Meta. Vào năm 2020, TikTok đã vượt qua hai tỷ lượt tải xuống trên thiết bị di động trên toàn thế giới.


Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Trung Á vốn là sân sau của Nga

Trung Quốc tuần này sẽ lần đầu tiên chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các quốc gia Trung Á nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ với khu vực vốn được xem là sân sau của Nga trong bối cảnh Moscow đang phải tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận làm sâu sắc các mối liên kết kinh tế và an ninh với những người đồng cấp đến từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là 5 quốc gia từng thuộc Liên Xô và được cho là đang mong muốn tìm các nguồn lực thay thế các khoản đầu tư từ Nga khi Moscow phải dồn lực vào cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á sẽ diễn ra trong hai ngày từ thứ Năm (18/5), gần như trùng khớp với hội nghị G7 họp tại Nhật Bản nơi các quốc gia phát triển nhất thế giới bàn thảo về nỗ lực ứng phó với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Adina Masalbekova của Học viện OSCE tại Bishkek nhận định: “Bắc Kinh muốn thúc đẩy thay thế trật tự toàn cầu, và cố gắng thuyết phục khu vực Trung Á rằng trật tự toàn cầu mới cũng là tốt hơn cho họ”.

Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Trung Quốc – Trung Á được tổ chức lần đầu vào năm ngoái, nhưng là dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tây An, Trung Quốc được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á trực tiếp lần đầu tiên. Thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây này là biểu tượng về tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế vì nơi đây đóng vai trò then chốt trong con đường thương mại Tơ Lụa cổ đại bao trùm Trung Á.

Hướng tới hội nghị thượng đỉnh này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực là cánh cổng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – chính sách cơ sở hạ tầng chính được ông Tập Cận Bình loan báo khi đến thăm Kazakhstan năm 2013.

Hai dự án BRI chính hiện tại đang được thảo luận là một hệ thống đường sắt kết nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan.

Cũng theo Reuters, các lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đã đến Tây An để họp một – một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm (18/5) trước khi họp thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á vào thứ Sáu (19/5).

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh của 6 nhà lãnh đạo vào 19/5, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu “quan trọng” và các bên cũng sẽ ký kết một văn kiện chính trị “quan trọng”.

Nguyên thủ Trung Á đầu tiên đến Tây An là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan. Ông Tokayev đã họp với Chủ tịch Tập hôm thứ Tư (17/5) và hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng “mối quan hệ hữu nghị lâu dài” và “chia ngọt sẻ bùi”. Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Trung Á.

“Chúng ta có một mục tiêu chung là tăng cường mối quan hệ song phương”, Reuters dẫn lời ông Tokayev nói với ông Tập.

“Chúng ta cũng thống nhất mong muốn củng cố an ninh và hợp tác khu vực và quốc tế”, ông Tokayev nói thêm.

Hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định đoạn đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc – Trung Á đi qua Kazakhstan và cũng làm sâu sắc thêm hợp tác về dầu mỏ và uranium.

Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cũng đã họp với ông Tập Cận Bình và nói rằng ông mong muốn làm sâu sắc thêm các liên kết thương mại, kinh tế và đầu tư.

“Không có các bất đồng chính trị hay các vấn đề không thể giải quyết giữa hai nước chúng ta”, ông Japarov nói.

“Chúng ta đem đến cho nhau sự ủng hộ về các vấn đề mang tính thời sự và quan trọng đối với mỗi nước”, ông Japarov nói thêm.

Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Trung Á đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với trị giá 70 tỷ USD. Kazakhstan dẫn dầu với 31 tỷ USD, tiếp đến là Kyrgyzstan 15,5 tỷ USD, Turkmenistan 11,2 tỷ USD, Uzbekistan 9,8 tỷ USD và Tajikistan 2 tỷ USD.

Hải Đăng


Nền kinh tế lớn nhất của EU có thể rơi vào suy thoái

(Ảnh minh họa: Pedrosek/Shutterstock) 

Niềm tin của các nhà đầu tư vào Đức đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, khi triển vọng tăng trưởng xấu đi, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể rơi vào suy thoái, theo hãng tin Bloomberg.

Cụ thể, chỉ số tâm lý kinh tế của Đức được đo bởi Viện nghiên cứu kinh tế ZEW đã giảm từ mức 4,1 trong tháng 4 xuống -10,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số này rơi xuống mức dưới 0. Hãng tin cho biết chỉ số về các điều kiện kinh tế của Đức cũng đang cũng xấu đi.

Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng sản xuất sụt giảm sâu hơn dự kiến trên hầu hết các ngành công nghiệp ở Đức. Đơn đặt hàng mới cho các công ty sản xuất đã giảm 10,7% trong tháng 3 so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyên gia thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế vốn đã bất lợi sẽ càng tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Kết quả là, nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, mặc dù ở mức độ nhẹ”.

Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán ngành công nghiệp Đức sẽ dậm chân tại chỗ thay vì phục hồi như kỳ vọng, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế.

Ông Carsten Brzeski, Giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, cho biết trong một báo cáo với khách hàng: “ZEW hôm nay gửi một thông điệp đáng lo ngại. Ba lần giảm liên tiếp là một xu hướng mới, một xu hướng đáng lo ngại”.

Trong báo cáo quốc gia hôm 17/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc giá năng lượng tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Berlin trong ngắn hạn.

Phan Anh


Thủ tướng Anh nói “di dân nhập cư quá cao” sau con số 1,1 triệu/nửa năm

19/5/2023

Trả lời BBC News bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak nói ông “muốn xem xét các biện pháp khác nhau để giảm số người vào Anh hợp pháp”.

Khi được hỏi ông có muốn ngăn không cho sinh viên nước ngoài sang Anh học hưởng quyền đón thân nhân sang thăm, Rishi Sunak chỉ nói ông sẽ xem xét các cách để “giảm con số đó xuống”.

Đảng Bảo thủ của ông Sunak đang chịu sức ép về những lời hứa trước trưng cầu dân ý Brexit, khi họ hứa sẽ kiểm soát chặt hơn biên giới, giảm số người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Năm 2019, đảng Bảo thủ nêu ra trong Cương lĩnh tranh cử của họ là sẽ bằng mọi cách giảm số người vào Anh (say khi trừ số ra khỏi Anh), xuống 226 nghìn/năm.

Yêu sách và mục tiêu của Brexit

Một trong những yêu sách của phe hữu tại Anh trước Brexit là không để công dân các nước EU khác tới Anh định cư. Họ nói việc đó chỉ làm được khi Anh không còn là thành viên EU.

Mục tiêu này xem ra đã đạt được vì dân EU thôi không sang Anh nữa nhưng người tới Anh từ các vùng khác lại tăng.

Trả lời BBC ở Hiroshima bên lề hội nghị G7, ông Sunak thừa nhận “số người nhập cư vào Anh quá cao”

Theo một bài trên BBC tháng 11/2022, trong sáu tháng đầu năm đó, có tới 504 nghìn người vào sống ở Anh hợp pháp, trên tổng số người đến 1,1 triệu (xem thêm: UK net migration hits all-time record at 504,000)

Trước luồng người vào, và ra rất lớn, Anh chỉ coi số nhập cư ròng để định cư ngắn hạn, và dài hạn là vấn đề cần bàn thảo, sau khi đã trừ đi số người rời đi.

̀Theo Cục Thống kê Quốc gia (ONS), trong 1,1 triệu người tới Anh tháng 1-6/2022, số người tỵ nạn Ukraine là 170 nghìn, cộng với 76 nghìn từ Hong Kong. 

Còn lại là 277 nghìn sinh viên tới Anh du học, và dân nhập cư hợp pháp từ các nước khác.

Nhưng sau khi trừ đi tổng số người ra khỏi Anh (đi sống nơi khác, người Anh di cư, ngoại kiều hồi hương…) thì con số nhập cư ròng là 504 nghìn.

Con số này được tính vào mục “dân số tại Anh tăng lên nửa triệu” chỉ trong nửa đầu năm 2022.

Theo BBC News, đây là con số tăng vọt, so với 330 nghìn năm 2016, khi công dân tại Anh bỏ phiếu chọn Brexit.

Từ đầu năm 2022 tới tháng 9/2022, có trên 76 nghìn đơn tỵ nạn do người vượt biên vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu lục địa được nộp lên Bộ Nội vụ.

Đa số người tới Anh hợp pháp là người Hong Kong và công dân Ukraine, vượt xa con số dân EU vào Anh.

Thậm chí, có thể nói rằng người dân EU đã không sang Anh sinh sống, làm việc bao nhiêu nữa. Trong bảng số liệu của ONS, do BBC soạn thành đồ họa, con số này nằm dưới ngưỡng 10.000.

Hiện nay tại Anh, sức ép của dân số lên thị trường nhà ở rất lớn. Số nhà xây thêm nhiều năm qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua, thuê, khiến giá thuê tại nhiều vùng ở nước Anh lên cao chóng mặt.

Theo trang Telegraph hồi tháng 1/2023, giá thuê căn hộ tại nội đô London lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bảng/tháng. 

Tính trung bình trên cả nước, công ty địa ốc Rightmove cung cấp con số giá thuê nhà trung bình là 1.172 bảng/tháng.

Vẫn trang báo này nói một số ước tính cho hay số người nhập cư vào Anh (net migration -số ròng, sau khi trừ số xuất cảnh) trong năm 2022 có thể đạt 650-675 nghìn. 

Giá thuê nhà ở Anh lên cao chóng mặt mấy năm qua

Theo họ, con số ước tính tương tự được nêu ra cho năm nay, 2023. Tuy nhiên, BBC News không đăng tải các thông tin này.


Xem thêm:

Mỹ, Đài Loan đạt thỏa thuận phần đầu của hiệp định thương mại ‘Thế kỷ 21’ (Reuters)

Thursday, May 18th, 2023

Bởi David Lawder

Cờ của Đài Loan và Hoa Kỳ được đặt cho một cuộc họp ở Đài Bắc
Cờ của Đài Loan và Hoa Kỳ được đặt trong một cuộc họp ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 27 tháng 3 năm 2018. REUTERS/Tyrone Siu

WASHINGTON, ngày 18 tháng 5 (Reuters) – Hoa Kỳ và Đài Loan đã đạt được thỏa thuận phần đầu của sáng kiến ​​thương mại “Thế kỷ 21” của họ, bao gồm các thủ tục hải quan và biên giới, thực tiễn quản lý và doanh nghiệp nhỏ, văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm.

Sau khi thỏa thuận ban đầu của Sáng kiến ​​Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 được ký kết, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trên các lĩnh vực thương mại khác, phức tạp hơn bao gồm nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, doanh nghiệp nhà nước cũng như các chính sách và thông lệ phi thị trường , USTR cho biết.

(more…)

Thời sự Thứ Tư 17/05/2023: *Hội Đồng Châu Âu buộc Nga trách nhiệm thiệt hại gây ra ở Ukraina *Mỹ chưa có giải pháp tránh vỡ nợ, ông Biden cắt ngắn chuyến công du châu Á *

Wednesday, May 17th, 2023

Võ Thái hà tổng hợp


Hội Đồng Toàn Châu Âu nhất trí buộc Nga gánh chi phí thiệt hại gây ra ở Ukraina

17/5/2023

Lãnh đạo 46 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu họp tại Reykjavik, Iceland, ngày 16/05/2023. AP – Alastair Grant 

Thu Hằng /RFI

(more…)

Thời sự Thứ Tư 10/05/2023: *Prigozhin: Vẫn rút quân nếu thiếu đạn, *Pháp muốn EU liệt Wagner là ‘khủng bố’; *Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bắt, bạo lực lan nhanh; *Lạm phát cao dai dẳng ở Mỹ; *Ukraine sẽ có hỏa tiễn tầm xa 300km, Nga lo sợ; *Mỹ kêu gọi WHO mời Đài Loan họp quan sát;

Wednesday, May 10th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Prigozhin: Vẫn rút quân nếu thiếu đạn, dù Nga coi ai tự rút khỏi Bakhmut là phản bội

Yevgeny Prigozhin đang phân trần trong video đăng hôm 9/5. 

Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner, người mấy ngày nay liên tục đe dọa rút quân khỏi Bakhmut, hôm 9/5 nói trên mạng xã hội ông được thông báo rằng ông và Wagner sẽ bị coi là phản quốc nếu tự ý rút quân khỏi các vị trí ở chiến trường Bakhmut. Tuy nhiên, ông tuyên bố vẫn cứ rút quân nếu không nhận đủ đạn dược.

(more…)

Thời sự Thứ Ba 09/05/2023: *Tàu dân quân TQ đi vào vùng tập trận Ấn Độ-Asean ở Biển Đông. *Canada trục xuất nhà ngoại giao TQ vì đe dọa gia đình nghị sĩ. *Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng nhưng không có chiến thắng nào. *Mỹ: căng thẳng trần nợ công, các công ty công nghệ sa thải hàng loạt. *EU chế tài các công ty Trung Quốc

Tuesday, May 9th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Tàu dân quân Trung Quốc vào vùng tập trận của Ấn Độ-ASEAN ở Biển Đông 

09/05/2023 

Reuters 

Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông. 

Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tiếp cận một khu vực mà hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN đang tập trận ở Biển Đông, hai nguồn tin Ấn Độ cho biết ngày 8/5.

Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như đang sử dụng lực lượng dân quân để đe dọa và phá rối cuộc tập trận hải quân này.

(more…)

Lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật quyết tâm duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh 

Monday, May 8th, 2023

AP 

08/5/2023

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, phải, và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Seoul, ngày 7/5/2023. 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm thứ Hai (8/5) kêu gọi các quan chức vạch ra các bước cụ thể để đẩy nhanh hợp tác kinh tế và an ninh với Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh cuối tuần của ông với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Seoul, theo AP.

Trong cuộc họp hôm 7/5, ông Kishida bày tỏ sự thông cảm đối với những người Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 khi các nhà lãnh đạo cam kết vượt qua những bất bình lịch sử và tăng cường hợp tác trước mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và những thách thức khác.

(more…)

Thời sự Thứ hai 08/05/2023: *Liên đoàn Ả Rập vừa bỏ phiếu cho Syria trở lại. *Nhật Bản – Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ. *NATO tập trận phòng không lớn ở gần Bắc Cực, *Trung Quốc xếp áp chót Tự do Báo chí Thế giới.

Monday, May 8th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Liên đoàn Ả Rập vừa bỏ phiếu cho Syria, nước bị đình chỉ tư cách thành viên từ năm 2011, tái gia nhập khối tại cuộc họp khẩn ở Ai Cập. Liên đoàn cũng thảo luận về nội chiến ở Sudan. Các nước láng giềng của Syria đã bình thường hóa quan hệ với nước này trong những tháng gần đây. Ả Rập Saudi, quốc gia sẽ tổ chức cuộc họp dự kiến của Liên đoàn vào ngày 19 tháng 5, gần đây thừa nhận những nỗ lực bài xích nhà độc tài Bashar al-Assad của họ đều không thành công.

(more…)

Chính quyền Biden muốn phục hồi đối thoại với Trung Quốc

Saturday, May 6th, 2023
Chính quyền Biden muốn khôi phục đối thoại với Trung Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nusa Dua, trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, ngày 14/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

 Bình luận Emel Akan • 10:55, 06/05/23

Tòa Bạch Ốc mong muốn khôi phục các kênh đối thoại thường xuyên với Bắc Kinh. Vài tháng trước, khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua không phận Hoa Kỳ, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hủy chuyến công du tới Trung Quốc vào đầu tháng 2 và làm quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.

(more…)

Chuyển động Quốc Phòng Thế Giới từ 28/04 – đến 04/05/2023

Friday, May 5th, 2023

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:


Nga dùng tên lửa do Iran sản xuất tấn công Ukraine

(more…)

Thời sự Thứ sáu 05/05/2023: *Hạ viện HK: Mỹ Nhật nên có trò chơi hạt nhân với TQ. *Mỹ phủ nhận tấn công vào điện Kremlin. *Mỹ, Philippines chia sẻ thông tin tình báo. *Hỏa tiễn tự chế Ukraine xa gấp đôi Himmars. *Báo cáo việc làm tháng Tư tăng

Friday, May 5th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp – HD Press bổ sung


Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nói Mỹ và Nhật nên tiến hành trò chơi mô phỏng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc

Liên Thành 

Dân biểu Hoa Kỳ Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) (Trái). (Ảnh: Alex Wong/Getty Images). 

Nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa Michael McCaul trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Nikkei cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản nên tiến hành các trò chơi mô phỏng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc để bảo đảm rằng họ có thể sẵn sàng đáp trả.

McCaul, một người có quan điểm diều hâu nổi tiếng với Trung Quốc, là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện. Vị chủ tịch đóng vai trò lớn trong việc giám sát chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden, bao gồm các vấn đề như tình trạng hỗn loạn rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và làn sóng di cư gia tăng ở biên giới phía nam.

McCaul đã dẫn đầu một phái đoàn quốc hội lưỡng đảng đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vào tháng trước.

Vị dân biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Ông nói: “Kho vũ khí hạt nhân của họ rất lớn, và đó là điều đáng lo ngại”.

McCaul đánh giá nó mang lại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rất nhiều đòn bẩy” để ngăn chặn Mỹ, Nhật Bản và các nước khác can thiệp vào cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan, mặc dù ông cho rằng ít có khả năng Tập Cận Bình sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trong cuộc chiến Ukraina. Lời lẽ hiếu chiến của ông được cho là nhằm mục đích một phần khiến Mỹ và các đồng minh NATO miễn cưỡng gửi quân tới Ukraina để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Khi được hỏi liệu Washington và Tokyo có nên thực hiện các cuộc tập trận hạt nhân được mô phỏng trên game để chuẩn bị cho hành động cưỡng ép hạt nhân của Trung Quốc hay không, McCaul đã trả lời “chắc chắn”. Ông nói điều đó có lợi “bất cứ lúc nào chúng tôi có thể tập trận chung với Nhật Bản để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, cho dù đó là hạt nhân hay chỉ là một cuộc tấn công tên lửa hoặc trong một cuộc xâm lược”.

Trong một báo cáo thường niên được quốc hội ủy quyền về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố vào tháng 11, Ngũ Giác Đài ước tính rằng Trung Quốc sẽ sở hữu 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035. Điều đó sẽ tăng gấp ba tổng số đầu đạn của Bắc Kinh và đưa nước này tiến gần hơn đến ngang bằng hạt nhân với Mỹ.


Mỹ phủ nhận chủ mưu vụ tấn công bằng drone vào điện Kremlin

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Không phận Điện Kremlin được cho là được bảo vệ nghiêm ngặt

George Wright – BBC News

05/5/2023

Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng nước này chủ mưu vụ tấn công bằng drone vào Điện Kremlin nhằm ám sát Tổng thống Vladimir Putin hôm 3/5.

Một ngày sau khi cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công, người phát ngôn của Putin cho biết vụ tấn công được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Washington.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby gọi đó là một “tuyên bố lố bịch”.

Ukraine cho biết họ không liên quan gì đến vụ tấn công. Tổng thống Putin không có mặt trong tòa nhà vào thời điểm đó.

Ukraine đã cáo buộc Moscow dàn dựng vụ việc nhằm leo thang chiến sự.

Mặc dù số lượng các vụ tấn công của Nga không giảm sút, khiến 21 người thiệt mạng tại khu vực Kherson ở phía nam Ukraine hôm 3/5, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Moscow sẽ tăng cường công kích.

Tuy nhiên, vào tối 30/4, lực lượng Ukraine đã bắn hạ một chiếc drone tại thủ đô Kyiv, cách văn phòng tổng thống không xa. Các quan chức sau đó thừa nhận đó là một chiếc drone của Ukraine đã “mất kiểm soát” và bị phá hủy để tránh gây ra “hậu quả không mong muốn”.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Putin, vụ tấn công nhằm vào Điện Kremlin – khu phức hợp chính phủ rộng lớn ở trung tâm Moscow – xảy ra vào sáng sớm 3/5. Các video đăng trên mạng xã hội cho thấy khói bốc lên bao trùm Điện Kremlin. Một video khác cho thấy một vụ nổ nhỏ phía trên tòa nhà Thượng viện, trong khi có hai người đàn ông có vẻ như đang trèo lên mái vòm.

Hôm 4/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Mỹ “chắc chắn” đứng sau vụ tấn công bị cáo buộc mà không cung cấp bằng chứng.

“Các quyết định về các cuộc tấn công như vậy không được đưa ra ở Kyiv, mà ở Washington”, ông Peskov nói.

Đáp lại, ông Kirby nói với truyền thông Mỹ: “Peskov đang nói xạo, đơn giản là vậy.”

“Mỹ không liên quan gì đến vụ tấn công. Chúng tôi thậm chí không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra ở đây, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Mỹ không có vai trò gì trong đó.”

Quan chức Mỹ cho biết Washington không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của họ, và không tán thành các cuộc tấn công nhằm vào cá nhân các nhà lãnh đạo.

Ukraine đã nói rằng cuộc tấn công bị cáo buộc là một chiến dịch “ngụy tạo bằng chứng giả” của Moscow.

Tuy nhiên, trái lại, nhiều ý kiến cho rằng Nga sẽ ít tập trung vào việc dàn dựng một cuộc tấn công khiến Điện Kremlin trông có vẻ dễ bị tổn hại.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Volodymyr Zelensky có bài phát biểu tại The Hague

Tuyên bố mới nhất của Điện Kremlin được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan.

Trong một bài phát biểu sau đó, ông kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để buộc “tội ác xâm lược” mà Nga phải chịu trách nhiệm.

Ông nói rằng nhà lãnh đạo Nga “đáng bị kết án vì hành động tội phạm theo luật pháp quốc tế”.

Ông Zelensky liệt kê các tội ác chiến tranh bị cáo buộc của Nga – bao gồm “hàng triệu” cuộc tấn công vào vùng Donbas ở miền đông Ukraine, và những người thiệt mạng trong thời gian chiếm đóng Bucha, gần thủ đô Kyiv, khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm ngoái.

ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Theo Tòa án Hình sự Quốc tế, ông Putin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh trong cuộc chiến Ukraine, bao gồm cả việc đưa trẻ em từ Ukraine sang Nga bất hợp pháp. Nhưng họ không có thẩm quyền để truy tố Tổng thống Nga về tội xâm lược.


Mỹ, Philippines tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

04/5/2023

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2023. AP – Andrew Harnik 

Trọng Thành /RFI

Mỹ và Phillippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng nhân chuyến công du  Hoa Kỳ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr.. Hôm qua, 03/05/2023, bộ Quốc Phòng Mỹ công bố các nội dung chính của hợp tác quốc phòng song phương nhằm sẵn sàng chống lại các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là thỏa thuận ‘‘tăng cường chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực’’ về các hoạt động của Trung Quốc ‘‘tại Biển Đông và eo biển Đài Loan’’

Văn bản có tên gọi chính thức là ‘‘Hướng dẫn Phòng thủ Song phương’’ (Bilateral Defense Guidelines) đã được bộ trưởng Quốc Phòng hai nước thông qua hôm qua. Hợp tác chia sẻ thông tin tình báo là một nội dung chủ yếu của văn bản, bên cạnh việc ‘‘hiện đại hóa năng lực quốc phòng’’ và tăng cường phối hợp diễn tập tác chiến và bảo vệ an ninh hàng hải. 

Cụ thể là hai bên cam kết ‘‘mở rộng chia sẻ thông tin về các dấu hiệu ban đầu liên quan đến các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của cả hai quốc gia, để bảo đảm sẵn sàng giải quyết các thách thức chính mà liên minh phải đối mặt. Hai nước sẽ cố gắng chia sẻ thông tin theo thời gian thực, với sự cộng tác của các bộ và các ban ngành khác để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động’’

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 04/05, Lầu Năm Góc đã công bố văn bản nói trên sau cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington. Vẫn theo South China Morning Post, các thông báo hôm qua của bộ Quốc Phòng Mỹ về hợp tác với Philippines đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng bất cứ một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương tại “bất cứ nơi nào ở Biển Đông, nhắm vào lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Hoa Kỳ – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia” sẽ dẫn đến việc kích hoạt các cam kết phòng thủ chung. 

Cũng trong buổi làm việc hôm qua, tổng thống Philippinnes và bộ trưởng Mỹ đã thảo luận về kế hoạch vận hành nhanh chóng 4 căn cứ quân sự mới mà Manila giao quyền sử dụng cho Quân đội Mỹ theo thỏa thuận EDCA (Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường) ở đảo Palawan và phía bắc đảo Luzon, cách đảo Đài Loan vài trăm cây số. 

Do thủ đô Manila của Philippines cách Đài Loan chưa đến 800 dặm, cho nên một cuộc xâm lược hòn đảo, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ cần thu hồi, sẽ ảnh hưởng đến an ninh ở Philippines. Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Renato Cruz De Castro, đại học De La Salle ở Manila: Quyết định của Manila, được đưa ra hồi tháng 02/2023, cho phép Washington sử dụng 4 căn cứ quân sự nói trên giúp tăng cường khả năng đối phó với một nước Trung Quốc ‘‘hiếu chiến và bành trướng”.


Ron DeSantis và tranh cử tổng thống

Vào thứ Sáu, nghị viện bang Florida sẽ khép lại kỳ họp hiện tại sau 60 ngày tranh cãi. Với kế hoạch tranh cử tổng thống vào năm tới, thống đốc Cộng hòa Ron DeSantis của Florida đã thúc đẩy các chính sách cánh hữu nhằm tăng ủng hộ của cử tri vòng sơ bộ. Chúng bao gồm lệnh cấm phá thai sáu tuần sau khi mang thai và cho phép “mang [súng ngắn] không cần giấy phép.” Đa số Cộng hòa trong cả hai viện lập pháp của Florida đã thông qua chương trình nghị sự của ông.

Sau khi ông DeSantis tái đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa bắt đầu coi ông là ứng viên tổng thống khả thi nhất thay thế cho Donald Trump. Nhưng giờ đây, nhiều người tự hỏi liệu lập trường của ông về phá thai và súng, cũng như một số chương trình nghị sự “chống woke” và cuộc tranh cãi với Disney, có phải là sai lầm hay không. Tỷ lệ ủng hộ Trump gần đây đã tăng lên trong khi tỉ lệ ủng hộ DeSantis giảm: khoảng 53% cử tri Cộng hòa hiện nói họ muốn thấy ông Trump giành được đề cử của đảng vào năm tới, so với 31% của DeSantis, theo thăm dò của The Economist và YouGov.


Campuchia tổ chức SEA Games

Chỉ có 11 quốc gia tham gia Đại hội thể thao Đông Nam Á khai mạc tại Campuchia vào thứ Sáu. Nhưng với 581 huy chương — gần gấp đôi số huy chương tại Olympics gần đây nhất — SEA Games trong một nghĩa nào đó có thể được xem là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Các môn thể thao ít người biết đến là một truyền thống của SEA Games, phần lớn vì chủ nhà có nhiều quyền quyết định môn thi. Cách dễ nhất để tăng số lượng huy chương là tổ chức các môn ít cạnh tranh. Do đó, Campuchia đã đưa ouk chaktrang (cờ ốc), một phiên bản cờ vua của Campuchia, và kun bokator, một môn võ thuật địa phương, vào nội dung thi đấu năm nay. Cách làm này thường thành công. Khi Philippines tổ chức SEA Games 2019, nước này đã về nhất toàn đoàn với 387 huy chương — một phần nhờ bóng chày và các bộ môn bản địa khác của Philippines. Việt Nam, nơi tổ chức của năm 2022, đã bỏ chúng, khiến số huy chương của Philippines giảm xuống chỉ còn 226.


Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tổ chức sự kiện ở Hungary

Tucker Carlson có thể không còn được hoan nghênh tại Fox News, nhưng ông vẫn có thể được chào đón tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ CPAC ở Budapest. Một đoạn video được chiếu vào thứ Năm, ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài hai ngày, đã quay cảnh ông Carlson hứa trực tiếp đến tham dự “nếu tôi bị sa thải.” Nhưng rồi ông đã không xuất hiện dù mất việc từ tháng trước.

Suốt nhiều thập niên qua, CPAC đã là sự kiện tụ họp thường kỳ của các nhân vật cánh hữu Mỹ. Năm ngoái, nhóm này đã tổ chức sự kiện đầu tiên ở Hungary, nơi mà các chính sách phi tự do, chống người nhập cư, chống người đồng tính đã biến thủ tướng của nước này, Viktor Orban, trở thành một anh hùng theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy cả trong và ngoài nước.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Orban kêu gọi Donald Trump trở lại làm tổng thống Mỹ và lặp lại lời của Vladimir Putin khi lên án “các cuộc cách mạng màu.” Ông Orban gọi CPAC là vườn ươm cho “tương lai” của chính trị bảo thủ. Nhưng danh sách diễn giả cho ngày thứ Sáu có rất nhiều nhân vật là “cựu.” Nó bao gồm Janez Jansa, cựu thủ tướng Slovenia, và Steve Bannon, cựu chiến lược gia của ông Trump.


Adidas nỗ lực lấy lại thị phần ở Trung Quốc

Liệu một thương hiệu nước ngoài có thể được coi là yêu nước ở Trung Quốc? Adidas, một nhà bán lẻ đồ thể thao của Đức, muốn có danh xưng đó. Cùng với nhiều công ty phương Tây khác, Adidas đã mất thị phần ở Trung Quốc trong những năm gần đây sau khi ngừng mua bông Tân Cương, nơi mà Mỹ cho rằng Trung Quốc đã dùng lao động cưỡng bức để trồng bông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng bằng cách kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các nhà bán lẻ nước ngoài và ủng hộ các công ty địa phương, chẳng hạn như Li-Ning.

Để giành lại khách hàng, Adidas đã đưa ra một dòng quần áo thể thao mới được thiết kế cho thị trường bản địa. Theo Financial Times, thương hiệu này đang bán những chiếc áo khoác có in chữ “Trung Quốc” viết bằng tiếng Trung. Đây chỉ là một phần của kế hoạch tăng trưởng rộng lớn hơn. Nhà đầu tư sẽ có được bức tranh tổng thể vào thứ Sáu khi Adidas công bố thu nhập quý đầu năm.


Ukraina chế tạo hỏa tiễn tự chế với tầm bắn gấp đôi HIMARS

Liên Thành 

Hình ảnh các kỹ sư Ukraina tuyên bố họ đã thiết kế hỏa tiễn với tầm bắn gần gấp đôi Himars do Mỹ cung cấp. 

Tờ Telegraph của Anh cho biết, các kỹ sư Ukraina tuyên bố họ đã thiết kế một “hỏa tiễn nhân dân” có thể được chế tạo trong một khu vườn cỡ trung bình ở tiền tuyến với tầm bắn gần gấp đôi Himars do Mỹ cung cấp.

Hỏa tiễn sử dụng công nghệ tương tự như Hỏa tiễn V1 của Đức, về cơ bản là một ống thép chạy bằng động cơ gắn với một cặp cánh lượn và được bắn từ máy phóng.

Nhóm chống Nga có tên Vidsich là tác giả của thiết kế Hỏa tiễn có tên là Trembita này. Vidsich nói rằng Hỏa tiễncó thể được sản xuất với chi phí thấp, từ các vật liệu hàng ngày. 

Một hình ảnh được nhóm công bố giải thích về công nghệ cho thấy có tới ba Hỏa tiễn được lắp bên trong nhà để xe dành cho một chiếc xe ô tô.

Theo nhóm Vidsich, tên lửa “chế tạo trong gara” sẽ không thể tấn công với độ chính xác như các hệ thống Hỏa tiễn dẫn đường bằng laser. Nhưng khi phóng một loạt 20 tên lửa, vũ khí mới có khả năng “vượt qua hệ thống phòng không của kẻ thù và tấn công mục tiêu ở độ sâu vừa đủ”.

Các video ban đầu về “Hỏa tiễn nhân dân” được chia sẻ trên mạng xã hội dường như cho thấy các nhà chế tạo đang khai hỏa một động cơ phản lực thô sơ.

Các kỹ sư Ukraina tuyên bố việc sử dụng xăng làm nhiên liệu có thể đẩy tên lửa đi khoảng 140 km, gấp đôi tầm bắn của tên lửa HIMARS mà Mỹ cung cấp.

Đầu đạn của Trembita có thể chứa bộ điện tích nhiệt áp hoặc điện tích nổ kết hợp, nặng 20kg, có khả năng gây hỗn loạn đội hình quân địch ở gần khu vực mục tiêu.

Theo các nhà phát triển, Trembita sẽ tạo ra một tín hiệu nhiệt được các hệ thống phòng không của đối phương thu được, sau đó hệ thống đó sẽ bắn các loại đạn dược đắt tiền để hạ gục Hỏa tiễn rẻ tiền này.

Các nhà phát triển cho biết: “Hỏa tiễn đơn giản của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều so với hỏa tiễn từ các hệ thống hỏa tiễn phòng không của kẻ thù”.

Họ tuyên bố tiếng ồn động cơ 100 decibel cũng sẽ có tác động về mặt tinh thần đối với quân đội Nga. Hỏa tiễn V1, hay Doodlebug, của Đức quốc xã từng khủng bố người dân London trong Thế chiến thứ hai với tiếng kêu đặc biệt của nó.

Hamish de Bretton-Gordon, một cựu tư lệnh NATO, cho biết: “Vũ khí cải tiến có thể rất hiệu quả và người Ukraina rất khôn ngoan. Chúng có thể là một hệ số nhân lực lượng khổng lồ, đặc biệt là để tiết kiệm việc sử dụng vũ khí tinh vi của phương Tây”.

Cái khó ló cái khôn

Không chỉ ra mắt “Hỏa tiễn nhân dân”, các xưởng chế tạo trên khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá còn có nhiều sáng kiến như biến những chiếc xe bán tải thành bệ phóng tên lửa Grad và phát triển các thiết bị nổ điều khiển từ xa.

Sau khi các lực lượng Nga bị đẩy lùi khỏi các khu vực ở miền đông Ukraina bởi cuộc phản công của Ukraina vào năm ngoái, mìn vẫn còn trên nhiều cánh đồng, khiến nông dân gặp nguy hiểm khi gieo hạt cho vụ thu hoạch mới.

Hôm 2/5, Oleksandr Kryvtsov, một nông dân gần làng Hrakove, cho biết ông đã nghĩ ra một cách mới để gỡ mìn bằng cách gắn máy kéo của mình với các tấm thép bảo vệ lấy từ xe tăng Nga bị bỏ lại và vận hành xe bằng điều khiển từ xa.

Máy kéo có thể chịu được các vụ nổ khi sử dụng lớp giáp từ các phương tiện quân sự bị hư hại của Nga để bảo vệ thân xe.

Ông Kryvtsov, Tổng Giám đốc một công ty nông nghiệp tư nhân, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu làm cách này chỉ vì thời điểm gieo trồng đã đến và các dịch vụ cứu hộ đang rất bận rộn”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã cán phải một quả mìn chống tăng. Lớp bảo vệ bị bung ra nhưng chiếc máy kéo vẫn an toàn”, “Mọi người đều an toàn. Thiết bị đã được khôi phục và sửa chữa”.


Tòa Bạch Ốc cảnh báo hàng triệu người mất việc làm, ‘thiệt hại nghiêm trọng’ đối với nền kinh tế nếu Hoa Kỳ vỡ nợ 

Katabella Roberts 

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen lắng nghe trong một phiên họp mở của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính tại Bộ Ngân khố hôm 21/04/2023 tại Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images) 

Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo rằng việc tiếp tục chạm mức trần nợ của Hoa Kỳ có thể dẫn đến “sự gián đoạn đáng kể” đối với thị trường tài chính và “thiệt hại nghiêm trọng” đối với nền kinh tế, trong đó hơn 8 triệu người sẽ mất việc làm. 

Trong một báo cáo được công bố hôm 03/05, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng việc Hoa Kỳ không thực hiện các nghĩa vụ nợ mang tính lịch sử của mình — được gọi là “ngày X” — đang đến rất nhanh, và một hành động như vậy sẽ chứng kiến nền kinh tế “nhanh chóng chuyển sang hướng ngược lại.” 

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ có thể không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình trước ngày 01/06 trừ khi Quốc hội có hành động nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia. 

Các nhà kinh tế của Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo về ba kịch bản có thể xảy ra nếu các cuộc đàm phán giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ về giới hạn nợ tiếp tục kéo dài: tình trạng bên bờ vực, vỡ nợ trong thời gian ngắn, và vỡ nợ trong thời gian dài. 

Theo chính phủ TT Biden, trong kịch bản đầu tiên, trong đó giới hạn trên được tiếp cận nhưng tránh được tình trạng vỡ nợ, có thể bị mất 200,000 việc làm và 0.3 điểm phần trăm GDP hàng năm, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0.1%. 

Trong một vụ vỡ nợ trong thời gian ngắn, trong đó Quốc hội hành động nhanh chóng để cho phép quốc gia vay lại sau khi vỡ nợ, khoảng nửa triệu việc làm, 0.6 điểm phần trăm GDP hàng năm sẽ bị mất và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0.3%. 

Trong trường hợp vỡ nợ kéo dài, kịch bản nguy hiểm nhất mà Hoa Kỳ không tăng mức vay trong hơn ba tháng, khoảng 8.3 triệu việc làm sẽ bị mất, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% do người tiêu dùng cắt giảm mua sắm và doanh nghiệp sa thải nhân viên, và GDP sẽ giảm 6.1 điểm phần trăm. 

 ‘Tương đương với cuộc Đại suy thoái’

Các nhà kinh tế nhận thấy kết quả sẽ là một “cuộc suy thoái nghiêm trọng, ngay lập tức” tương đương với cuộc Đại suy thoái trong khi thị trường chứng khoán cũng sẽ giảm khoảng 45%. 

“Một vụ vỡ nợ kéo dài có thể sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng việc làm dao động từ tốc độ tăng mạnh hiện tại sang thiệt hại lên đến hàng triệu việc làm,” các nhà kinh tế viết. “Không giống như cuộc Đại suy thoái và cuộc suy thoái do COVID, chính phủ không thể giúp đỡ người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Khi tình trạng chạm mức trần nợ tiếp tục, thì nền kinh tế phục hồi chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn 3 điểm phần trăm vào cuối năm 2023.” 

Các nhà kinh tế viết: “Mặc dù các nhà hoạch định chính sách cho đến nay, trong lịch sử lâu dài của Quốc gia chúng ta, đã tránh gây ra những thiệt hại như vậy đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và thậm chí toàn cầu, nhưng hầu như mọi phân tích mà chúng tôi biết đều cho thấy vỡ nợ dẫn đến tình trạng suy thoái sâu sắc và ngay lập tức. Các nhà kinh tế có thể không đồng ý lắm, nhưng khi nói đến mức độ rủi ro phát sinh do tiến sát hoặc chạm mức trần nợ, thì chúng tôi cùng chia sẻ lo ngại sâu sắc này.” 

Các dự đoán của Tòa Bạch Ốc tương tự như một báo cáo gần đây của Moody’s Analytics sử dụng một mô hình kinh tế vĩ mô khác nhưng đưa ra kết luận tương tự, lưu ý rằng cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra sau đó sẽ “có thể so sánh với những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.” 

Ông Biden và các thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) đã rơi vào bế tắc về giới hạn nợ và chi tiêu của chính phủ, với việc Chính phủ từ chối cắt giảm chi tiêu cho đến khi giới hạn nợ được nâng lên. 

Tuần trước, các nhà lập pháp GOP đã thông qua một dự luật cho phép tăng mức trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD để đổi lấy việc thắt chặt chi tiêu của chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra. 

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói trước các nhà lập pháp trong một phiên họp của Knesset, Quốc hội Israel, tại Jerusalem, hôm 01/05/2023. (Ảnh: Ohad Zwigenberg/AP) 

Ông Biden chỉ trích dự luật về mức trần nợ của Đảng Cộng Hòa

Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Tòa Bạch Ốc đã cáo buộc Đảng Cộng Hòa “bắt giữ niềm tin và uy tín của quốc gia làm con tin trong nỗ lực áp đặt các khoản cắt giảm mang tính tàn phá vốn sẽ làm tổn thương các cựu chiến binh, tăng chi phí cho các gia đình chăm chỉ làm việc và cản trở tăng trưởng kinh tế.” 

Chính phủ cảnh báo rằng nếu được ban hành, dự luật của GOP sẽ “làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế và dẫn đến việc mất hơn 780,000 việc làm vào cuối năm 2024” đồng thời “cắt giảm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chương trình cung cấp bữa ăn cho người cao niên Meals on Wheels, và an toàn công cộng của cựu chiến binh, tước đi dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người Hoa Kỳ, và đưa công việc sản xuất ra hải ngoại.” 

Tuyên bố viết: “Và các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang yêu cầu những khoản cắt giảm này trong khi đưa ra các đề nghị khác nhằm bổ sung hơn 3 ngàn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách thông qua cắt giảm thuế và ưu đãi thiên vị cho các tập đoàn lớn và giàu có.” 

Ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo quốc hội hôm 09/05 để thảo luận về giới hạn nợ và chi tiêu của chính phủ. 

Một phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử hôm thứ Tư rằng Đảng Dân Chủ phải chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc tiếp diễn này. 

Phát ngôn viên của ông McCarthy, ông Chad Gilmartin viết: “Không có lý do chính đáng nào khác ngoài sự sơ suất chính trị khiến Hoa Kỳ vỡ nợ. Rất nhiều doanh thu đang chảy vào để trả lãi cho khoản nợ này.” 

Khi được hỏi hôm thứ Tư về hậu quả nào có thể xảy ra nếu nền kinh tế Hoa Kỳ vỡ nợ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết các quan chức “thậm chí không nên nói về một thế giới mà Hoa Kỳ không thanh toán các hóa đơn của mình. Điều đó chỉ đơn giản là không tồn tại.”

Ông Powell nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau khi ngân hàng trung ương biểu quyết tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, “Không ai nên cho rằng Fed thực sự có thể bảo vệ nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của chúng ta trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện đó có thể gây ra.”

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Vân Du biên dịch


Pháp – Ý lại bị khủng hoảng ngoại giao vì vấn đề di dân

05/5/2023

Một nhóm người di cư đợi chờ trên những tảng đá, ở biên giới Saint Ludovic trên Biển Địa Trung Hải giữa Vintimille, Ý và Menton, Pháp, ngày 17/06/2015. REUTERS/Eric Gaillard 

Thu Hằng /RFI

Ngày 04/05/2023, ngoại trưởng Ý Antonio Tajani thông báo hủy chuyến công du Paris đầu tiên sau khi bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin, trong chương trình Les Grandes gueules của đài RMC, đã đánh giá thủ tướng Giorgia Meloni « không có khả năng giải quyết các vấn đề di dân » của Ý. Phát biểu này đã bị Roma coi là « không chấp nhận được ». 

Thêm một cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra chỉ trong 6 tháng và cho thấy vấn đề di dân vẫn là hồ sơ vô cùng nhạy cảm giữa hai nước. Thông tín viên RFI Anne Treca tại Roma giải thích :

« Tháng 11/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích gay gắt Ý từ chối đón tầu cứu hộ trên biển Océan Viking. Lời chỉ trích lúc đó mang khía cạnh đạo đức. Hôm qua (04/05), bộ trưởng Nội Vụ Pháp Darmanin đã ám chỉ đến năng lực của bà Giorgia Meloni trong việc xử lý dòng người tị nạn. Nhận xét đó lại mang tính chính trị, trái với những thông lệ giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng tại Paris cũng như ở Roma, tất cả cho thấy là người ta tránh leo thang căng thẳng. Việc này được công khai trên mạng xã hội Twitter giữa các nhà ngoại giao. Ngoại trưởng Ý thông báo hủy chuyến thăm Paris. Vài tiếng sau, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cũng đăng trên Twitter những từ được chọn lọc để sửa sai. Bà viết : « Tôi đã điện đàm với đồng nhiệm Ý, tôi nói với ông ấy rằng mối quan hệ giữa Pháp Ý dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước và các nhà lãnh đạo và tôi hy vọng sớm được tiếp ông ở Paris ».

Đối với báo chí Ý sáng nay (05/05), Darmanin chủ yếu chỉ nghĩ đến chính sách trong nước để chống lại bà Marine Le Pen. Điều quan trọng là bà Meloni, người bị nhắc đến, đã lờ đi việc này ».

Những căng thẳng song phương trong 6 tháng

Tháng 11/2022, sau khi Ý từ chối tiếp nhận tầu Ocean Viking của tổ chức phi chính phủ SOS Méditerrannée chở 230 di dân, Paris đã cho tầu này cập cảng Pháp. Để đáp trả Roma, Pháp đã đình chỉ tiếp nhận 3.500 di dân khác đã có mặt trên lãnh thổ Ý. Sự kiện này đã khiến Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn.

Tuy nhiên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp bà Georgia Meloni, chỉ vài ngày sau khi đắc cử thủ tướng Ý, bên lề một diễn đàn vì hòa bình tại Roma tập trung vào Ukraina, được Ý và Pháp hỗ trợ.

Quan hệ Pháp và Ý căng thẳng thêm một chút sau khi thủ tướng Ý không được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh giữa Pháp, Đức và Ukraina. Trong khi chưa đầy một năm trước đó, ông Macron mời ông Mario Draghi, người tiền nhiệm của bà Georgia Meloni, cùng với thủ tướng Đức đến Kiev.


XEM THÊM:


Báo cáo việc làm tháng 4 vững chắc của Hoa Kỳ làm suy yếu trường hợp cắt giảm của Fed sớm

Reuters

Thứ Sáu, ngày 5 tháng 5 năm 2023 lúc 8:57 sáng EDT· 6 phút đọc

FILE PHOTO: Mọi người đi bộ trên đường phố Thành phố New York

NEW YORK (Reuters) – Các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ đã gia tăng tuyển dụng vào tháng 4 trong khi tăng lương cho người lao động, chỉ ra sức mạnh thị trường lao động bền vững có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất cao hơn trong một thời gian.

Bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 253.000 việc làm, báo cáo việc làm của Bộ Lao động cho thấy vào thứ Sáu, trong khi tháng 3 được điều chỉnh thấp hơn xuống 165.000 việc làm được thêm từ 236.000. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo biên chế tăng 180.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% từ 3,5% trong tháng 3 và thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,5% sau khi tăng 0,3% trong tháng 3.

PHẢN ỨNG THỊ TRƯỜNG:

CỔ PHIẾU: Hợp đồng tương lai e-mini S&P kéo dài mức tăng và cuối cùng tăng 0,8%

TRÁI PHIẾU: Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm tăng và cuối cùng tăng 10,8 điểm cơ bản so với mức đóng cửa ở mức 3,460%; Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm tăng 15,6 điểm cơ bản so với thứ Năm ở mức 3,883%.

NGOẠI HỐI: Đồng euro trượt giá nhiều hơn và thấp hơn 0,3% so với đồng đô la, trong khi chỉ số đô la ổn định hơn khoảng 0,3%

BÌNH LUẬN:

ART HOGAN, TRƯỞNG CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG, B. RILEY WEALTH, NEW YORK

“Thị trường lao động này trong khi đang chậm lại, chắc chắn không có dấu hiệu cho thấy chúng ta sắp bước vào suy thoái. Đó là một tin tốt.”

“Chúng tôi tin rằng Fed đã hoàn thành việc tăng lãi suất, do đó, giờ đây chúng ta có thể xem dữ liệu kinh tế tốt là tốt cho thị trường. Chúng tôi có thể loại bỏ lăng kính ‘điều này có ý nghĩa gì đối với chính sách tiền tệ’ và nhìn vào tin tức như là một tin tốt.”

ADAM SARHAN, TRƯỞNG ĐIỀU HÀNH CỦA 50 CÔNG VIÊN ĐẦU TƯ TẠI NEW YORK

“Kỳ vọng (đối với NFP) đã chậm hơn bởi vì bạn có nhiều người lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong tương lai gần.”

“Và cho đến nay dữ liệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh. Thị trường không muốn Fed tăng quá nhiều vì khi đó bạn sẽ có lạm phát cao, nhưng con số này không quá mạnh.”

“Đây là điểm dữ liệu lớn đầu tiên chúng tôi nhận được kể từ cuộc họp của Fed và cho chúng tôi thấy rằng Fed đang ngưng tình huống không buộc phải tăng lãi suất mạnh mẽ hơn, nhưng cũng không phải là tình huống phải cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn.

ANTHONY SAGLIMBENE, TRƯỞNG CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG, AMERIPRISE FINANCIAL, TROY, MICHIGAN

“Nó chắc chắn nói với bạn rằng thị trường việc làm vẫn còn nóng. Có một chút lo ngại rằng con số lạm phát, tiền lương trung bình theo giờ, đã tăng lên. Đối với tôi nó truyền đạt hai điều. Fed vẫn còn một số việc phải làm và thị trường việc làm đang rất nóng. Vì vậy, 25 điểm cơ bản (0.25% – HDP) mà họ đưa ra trong tuần này là hợp lý. Nó cũng cho tôi biết rằng có thể Fed đúng ở khía cạnh họ có thể giảm bớt một số áp lực lạm phát ở các khu vực khác của nền kinh tế, biết rằng điều đó sẽ không có tác động bất lợi thực sự lớn đối với lực lượng lao động.”

“Thị trường phấn khích vì có thể Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất và họ thực sự sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, đồng thời Fed cũng nói với bạn rằng đó không thực sự là quan điểm của họ. Và chúng tôi có những con số công việc cho thấy rằng vẫn còn một số việc phải làm.

“Tôi chỉ không thấy môi trường mà Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, ngoài việc lạm phát đang giảm nhanh chóng, điều đó có nghĩa là tăng trưởng trong nền kinh tế đang giảm nhanh chóng. Điều đó không có khả năng tích cực cho sự phát triển công việc trong môi trường đó.

“Cách giải thích của thị trường về chính sách của Fed sẽ như thế nào vào cuối năm nay không phù hợp với những con số mà chúng tôi đang nhận được hoặc những gì Fed đã nói với chúng tôi.

PETER CARDILLO, TRƯỞNG NHÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VỐN SPARTAN, NEW YORK

“Đó là một báo cáo nóng hơn dự kiến, chắc chắn không cho thấy bất kỳ sự hạ nhiệt nào trên thị trường lao động. Thu nhập hàng giờ cao hơn một chút so với những gì tôi đang tìm kiếm.”

“Tóm lại, đây là một báo cáo mạnh mẽ và cho thấy thị trường lao động có khả năng phục hồi. Nó bảo đảm cho Fed vì đã tăng thêm một phần tư điểm. Sự suy yếu của thị trường việc làm dường như đã bị chậm lại.”

“Điều khó hiểu là chúng tôi không thấy số lượng nhân viên bị sa thải, chúng tôi thấy tình trạng sa thải ở khắp mọi nơi nhưng khả năng tạo việc làm vẫn rất mạnh.”

“Chúng tôi không thấy lương giảm. Đây vẫn là một thị trường cho thấy rằng người sử dụng lao động đang phó mặc cho người lao động.”

RICK MECKLER, ĐỐI TÁC, CHERRY LANE INVESTMENTS, NEW VERNON, NEW JERSEY

“Tôi không nghĩ rằng nó thực sự nằm ngoài những gì được mong đợi theo nghĩa nó là một nền kinh tế rất khởi đầu và dừng lại, và các con số hàng tháng có một chút không nhất quán. Vì vậy, tôi nghĩ trọng tâm thực sự là các con số lạm phát và điều gì đang xảy ra với tăng trưởng tiền lương. Luôn có sự thiếu hụt lao động trong nhiều ngành công nghiệp và những gì bạn đang thấy là mặc dù sa thải nhưng một số công việc còn trống vẫn được lấp đầy.”

PETER ANDERSEN, NGƯỜI SÁNG LẬP, QUẢN LÝ VỐN ANDERSEN, BOSTON

“Đó là một con số mạnh mẽ và sẽ chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn liên tục của các nhà phân tích.”

“Nếu chỉ là số liệu này trong chân không, các nhà đầu tư sẽ vui mừng về kết quả và thị trường sẽ phục hồi, tuy nhiên, nó được đưa ra cho chúng tôi trong bối cảnh rất khó chịu khi các ngân hàng tiếp tục phá sản, suy đoán rằng nhiều ngân hàng có thể phá sản, Fed sẽ làm thế nào phản ứng với những thất bại mới gần đây, vì vậy đó là một kịch bản phức tạp.”

“Chúng ta có một bên nói rằng chúng ta đang hướng tới suy thoái, bên còn lại, không đông dân cư bằng nhau, nói rằng chúng ta đang tận hưởng sự phục hồi.”

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tận hưởng sự phục hồi bất chấp tất cả những sự kiện tiêu cực đã xảy ra trong tuần qua.”

BRIAN JACOBSEN, NHÀ KINH TẾ TRƯỞNG, ANNEX WEALTH MANAGEMENT, MENOMONEE FALLS, WISCONSIN

“Tình hình việc làm đã chuyển từ tốt sang tốt. Về mặt định hướng, đó là điều mà Fed đã hy vọng, mặc dù việc tăng thu nhập hàng giờ có thể khiến một số người nhướng mày. Việc sửa đổi các con số của tháng trước là rất quan trọng, vì vậy mọi thứ không tuyệt vời như báo cáo đầu tiên. Chỉ số tổng số giờ hàng tuần đã tăng lên một chút trong tháng 4 so với tháng 3, nhưng nó đang có xu hướng giảm. Sản xuất bị mắc kẹt trong bùn với chỉ 45% các ngành công nghiệp sản xuất đăng tuyển dụng. Tổng mức tăng của khu vực tư nhân đã giảm xuống còn 57,4%. Cho đến nay, đó là một bước trượt chậm vào suy thoái nông, nhưng đó là một bước trượt từ một vị trí tương đối tốt.”

STEVE RICK, NHÀ KINH TẾ TRƯỞNG, TẬP ĐOÀN MUTUAL CUNA, MADISON WISCONSIN (đã gửi qua email)

“Thật đáng khích lệ khi thấy báo cáo việc làm khả quan trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế, sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng và tình trạng sa thải nhân công đang diễn ra. Chúng tôi hy vọng sức mạnh liên tục của thị trường việc làm và các dấu hiệu lạm phát chậm lại sẽ làm giảm bớt sự biến động của thị trường trong những tháng tới. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì dưới tỷ lệ tự nhiên 4,5% vào năm 2023. Chúng tôi sẽ tiếp tục đặc biệt chú ý đến các yếu tố có thể tác động đến thị trường việc làm, chẳng hạn như lãi suất tiếp tục tăng, hoạt động ngân hàng tiếp tục biến động, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng .”

“Chúng tôi dự đoán một đợt suy thoái nhẹ vào nửa cuối năm 2023 do chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại. Công bố tỷ lệ GDP quý đầu tiên vào tuần trước thấp hơn dự kiến ​​và là bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu chậm lại. Những yếu tố này có thể dẫn đến việc tăng trưởng việc làm bị đình trệ trong vài tháng tới, nhưng báo cáo mạnh mẽ của tháng này cho thấy rằng việc tăng lãi suất vẫn chưa ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp thắt chặt.”

(Biên soạn bởi nhóm Global Finance & Markets Breaking News)

Theo Reuters


XEM THÊM:

Thời sự Thứ năm 04/05/2023: *Kiev bác bỏ tấn công bằng drone vào điện Kremlin. *Tổng thống Ukraina công du Hà Lan. *Mỹ cấp thêm 300 triệu đô quân sự cho Ukraine. *Đài Loan muốn Mỹ giúp phát triển chiến đấu cơ

Thursday, May 4th, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Kiev bác bỏ mọi cáo buộc tấn công bằng drone vào điện Kremlin

04/5/2023

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky họp báo tại Helsinki, Phần Lan, ngày 03/05/2023. REUTERS – STAFF 

Thu Hằng /RFI

Ngay sau khi thông báo bắn hạ 2 drone định “tấn công khủng bố” điện Kremlin, “ám sát” tổng thống Vladimir Putin, Matxcơva thông báo mở điều tra. Nguyên thủ quốc gia Nga không có mặt ở điện Kremlin lúc xảy ra vụ việc mà ở vùng ngoại ô Novo-Ogariovo. Ngày 03/05/2023, Ukraina bác bỏ mọi cáo buộc của Nga. 

(more…)

Thời sự Thứ Tư 03/05/2023: *Mỹ sát cánh với Philippines chống Trung Quốc. *Việt Nam, Trung Quốc ủng hộ nghị quyết LHQ xác nhận Nga xâm lược Ukraine. *Miến Điện ân xá hơn 2.000 tù chính trị. *NATO mở văn phòng tại Nhật Bản..

Wednesday, May 3rd, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Mỹ sát cánh với Philippines đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông 

03/5/2023 

Tổng thống Ferdinand Marcos vừa có chuyến thăm Washington nhằm hâm nóng mối quan hệ với Mỹ 

Mỹ sát cánh với Philippines – nước đồng minh có hiệp ước – trước sự quấy rối của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông và Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc về ‘sự hăm dọa’ của Bắc Kinh, một quan chức Mỹ cấp cao cho biết hôm 2/5.

Chuyến công du Mỹ trong tuần này của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) nêu bật lên sức mạnh và tính bền vững của liên minh hai nước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel J. Kritenbrink, nói.

Philippines hôm 28/4 cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc ‘chuyến hướng nguy hiểm’ và ‘có chiến thuật hung hăng’ ở Biển Đông, trong sự cố đối đầu trên biển nữa giữa hai nước.

Phía Trung Quốc cho biết các tàu Philippines đã có ‘những động thái khiêu khích có chủ ý’.

“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục hăm dọa và quấy rối các tàu Philippines khi họ tiếp tục tuần tra thường xuyên thật sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”, ông Kritenbrink phát biểu trong cuộc họp qua truyền hình từ Mỹ.

“Những hành động và hành vi như của Bắc Kinh thực sự là không thể chấp nhận được”.

Ông Kritenbrink cũng cho biết Mỹ và các đối tác ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan.

Philippines và Mỹ hôm 1/5 đã tái khẳng định liên minh an ninh kéo dài hàng chục năm giữa hai nước trong chuyến công du đánh dấu bước ngoặt đột phá trong quan hệ song phương, trong lúc cả hai nước đang cố gắng đẩy lùi sự hăng của Trung Quốc ở gần Đài Loan và trên Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/5 nói với Tổng thống Philippines Marcos rằng cam kết của Mỹ vững chắc như ‘sắt đá’ về việc bảo vệ đồng minh theo hiệp ước . Ông Marcos nói khu vực này ‘hẳn là nơi có tình hình địa chính trị phức tạp nhất thế giới hiện nay’.

Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos có lập trường chống Mỹ, mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi khi ông Duterte tìm cách tranh thủ Trung Quốc và công khai chỉ trích Washington.

Ông Kritenbrink nói ông ‘đặc biệt tin tưởng’ về quan hệ song phương.


Việt Nam, Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của LHQ nói Nga xâm lược Ukraine

Nguồn hình ảnh, UN / Chụp lại hình ảnh, 

03/5/2023

BBC News

Việt Nam, Trung Quốc bất ngờ bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc về hành động xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine vào hôm 26/4.

Cụ thể, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 26/4 đã thông qua Nghị quyết khuyến khích Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề khác nhau.

Nghị quyết do 48 quốc gia đề xuất, trong đó có Ukraine, có đoạn đề cập đến “những thách thức chưa từng có mà châu Âu phải đối mặt, sau hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine và Gruzia”.

Bà Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam bình luận với BBC về việc bỏ phiếu cho Nghị quyết mới nhất này:

“Chúng tôi hoan nghênh sự đoàn kết trong việc xác định hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine và Gruzia cùng những thách thức mà hành động đó gây ra đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Điều quan trọng là phải hiểu lý do của một vấn đề để tìm giải pháp thích hợp.”

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào 24/02/2022, Hà Nội đã kiên trì với đường lối đối ngoại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh là “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”.

Giáo sư Carl Thayer nói với BBC, việc bỏ phiếu này phản ánh Việt Nam chọn ủng hộ chủ nghĩa đa phương để làm giàn giáo, chống đỡ áp lực từ các cường quốc.


Việt Nam, Trung Quốc theo đa số

Nghị quyết A/RES/77/284 đã được thông qua với 122 phiếu thuận. 18 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 bỏ phiếu chống.

Lần đầu tiên, tất cả các quốc gia thuộc khối ASEAN lần đầu tiên thống nhất bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết có liên quan đến cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine. 

Khối này từng bị chỉ trích về sự chia rẽ, thông qua vấn đề Biển Đông, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc đảo chính ở Myanmar và gần nhất là cuộc chiến giữa Ukraine – Nga.

Đây cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc và Việt Nam theo phe đa số ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong đó có phần nêu rõ hành động “Nga xâm lược ở Ukraine và Gruzia trước đó”.

Báo chí nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn gọi cuộc xâm lược của Nga là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo đúng cách truyền thông Nga sử dụng, trong khi đối với các nước phương Tây, đây thực sự là cuộc xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền, lãnh thổ. 

Nguyên văn đoạn thứ chín của nghị quyết A/RES/77/284:

“Cũng công nhận rằng những thách thức chưa từng có mà Châu Âu đang phải đối mặt sau cuộc xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine và Gruzia trước đó, cũng như việc chấm dứt tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Châu Âu, đòi hỏi tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu, đặc biệt là để nhanh chóng khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào, đảm bảo việc tuân thủ nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế trong thời gian chiến sự, bồi thường cho các nạn nhân và đưa tất cả những người chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật quốc tế ra trước công lý.”

Nguồn hình ảnh, UN

Với diễn biến mới nhất, nhiều người chỉ ra sự “đồng điệu” cả sáu lần bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cụ thể, lần đầu tiên, ngày 1/3/2022, khi bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ, Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Lần thứ hai, ngày 24/3, Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.

Lần thứ ba, ngày 7/4/2022, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống.

Lần thứ tư, ngày 12/10 rạng sáng 13/10/2022 theo giờ Việt Nam, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine.

Lần thứ năm, ngày 23/2/2023, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng như Trung Quốc đối với nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong bối cảnh tròn một năm chiến sự.

Lần mới nhất này, ngày 26/4, Việt Nam và Trung Quốc “gia nhập” phe đa số, ủng nghị quyết về Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó có việc thừa nhận hành động xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine.


Trung Quốc – nhà kiến tạo hòa bình?

Cũng trong hôm 26/4, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo trên Twitter rằng ông “đã có một cuộc điện đàm dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Tập Cận Bình”, 

Đây là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine. Theo đó, ông Tập nói với ông Zelensky rằng “đối thoại và đàm phán” là “lối thoát duy nhất” cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vốn đã dẫn đến thương vong trực tiếp cho hơn 350.000 binh sĩ.

Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên tới Ukraine và “các quốc gia khác” sau cuộc điện đàm đầu tiên này.

Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn “đứng về phía hòa bình” và 

“thúc đẩy các cuộc hòa đàm”, theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.

Tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố một tài liệu gồm 12 điểm. Trong đó, Bắc Kinh kêu gọi một “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Bắc Kinh cũng làm trung gian giúp giảm thiểu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran trong một trong sự xoay trục chính sách ngoại giao lớn nhất của chính quyền Tập Cận Bình; Trung Quốc đã thực hiện được điều này ở Trung Đông, nơi mà sự can thiệp của Mỹ đã bị sa lầy trong những khó khăn và thất bại – đó mới là điều được coi là quan trọng bật nhất.

Chủ tịch Trung Quốc sau đó đến thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 3, với vai trò “nhà kiến tạo hòa bình” và ngoại giao “đắc nhân tâm” mà Bắc Kinh thể hiện, nhiều người kỳ vọng ông Tập sẽ thuyết phục Moscow kết thúc xung đột.

Nỗ lực ngoại giao trên đặt Trung Quốc vào vị trí là một nhà trung gian quyền lực toàn cầu có thể có cội nguồn từ chủ trương “Trung Hoa dân tộc phục hưng”, một khái niệm dân tộc chủ nghĩa lâu đời nhằm đưa Trung Quốc giành lại vị trí trung tâm của mình trên thế giới.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh Phương Tây có sự ngờ vực sâu sắc về động cơ của Trung Quốc, đề cập Bắc Kinh đã từ chối lên án Nga và cung cấp nguồn sống kinh tế cho Moscow trong khi các nước khác đang gia tăng các lệnh trừng phạt.

Trả lời phỏng vấn đài Pháp LCI hôm 21/4, Đại sứ Trung quốc Lư Sa Dã ở Pháp (Lu Shaye) nêu ra quan điểm gợi ý rằng các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine “không có chủ quyền quốc gia thực thụ”.

Phát biểu này của ông Lư vấp phải sự phê phán từ ông Mykhaylo Podolyak, trợ lý cho tổng thống Ukraine, cho rằng Trung Quốc “nếu muốn làm nhà đàm phán trung gian hòa giải thì không thể chỉ nhai lại quan điểm của Nga”.

Một số báo châu Âu cho rằng phát biểu của ông Lư chứng tỏ những lời hoa mỹ mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói về vai trò trung gian kiến lập hòa bình trong xung đột Nga-Ukraine chỉ là nói suông.

Theo họ, Trung Quốc thực chất là đồng minh chủ chốt của Nga vì Moscow lâu nay tìm cách hạ thấp chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ.

Hôm 24/04, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, bà Mao Ninh bác bỏ quan điểm của ông Lư Sa Dã.


Mỹ phát hiện thêm một ‘khí cầu bí ẩn’ lơ lửng ngoài khơi bờ biển Hawaii

Các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã trục vớt khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, vào ngày 5/2, sau khi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa từ máy bay đánh chặn F-22 của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ) 

Hôm 1/5, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Mỹ đang theo dõi một khinh khí cầu tầm cao khác bay qua bờ biển Hawaii và hiện đang hướng tới Mexico.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với The Epoch Times vào ngày 1/5 rằng, thông qua “các thông số mới được thiết lập để giám sát không phận Hoa Kỳ”, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên phát hiện ra khí cầu này vào ngày 28/4 ở ngoài khơi bờ biển Hawaii trong lúc nó đang lơ lửng ở độ cao khoảng 36.000 feet (khoảng 10.973 mét), 

Mỹ vẫn đang trong quá trình xác định mục đích và chủ sở hữu của khinh khí cầu không người lái này. Tuy nhiên, người phát ngôn cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy nó được vận hành hoặc kiểm soát bởi bất kỳ tác nhân hoặc đối thủ nước ngoài nào”.

“Khinh khí cầu không bay trực tiếp qua cơ sở hạ tầng quốc phòng trọng yếu hoặc các địa điểm nhạy cảm khác của Chính phủ Hoa Kỳ, nó cũng không gây ra mối đe dọa quân sự hoặc thể chất cho những người trên mặt đất”, vị phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đồng thời nói thêm rằng mặc dù vật thể này bay trong phạm vi của máy bay thương mại, nhưng khinh khí cầu “không gây ra mối đe dọa nào đối với hàng không dân dụng ở Hawaii”.

Theo vị phát ngôn viên, những quan sát này đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đồng ý với các chỉ huy quân sự của ông rằng “không cần thực hiện hành động nào đối với khinh khí cầu này”.

Bộ Quốc phòng cho biết khinh khí cầu hiện đã rời khỏi không phận Hawaii và họ sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Hàng không Liên bang để theo dõi lộ trình của nó.

Thông tin về khinh khí cầu xuất hiện trong không phận Mỹ gần ba tháng sau khi một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay trên không phận Mỹ hơn một tuần, đi ngang qua một số địa điểm quân sự nhạy cảm của nước này.

Vật thể này lần đầu tiên được phát hiện ở phía bắc tiểu bang Montana, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang do thám các cơ sở hạt nhân của Washington.

Hôm 4/2, Không quân Mỹ đã bắn hạ chiếc khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào lúc 14h40 (theo giờ địa phương).

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng, một máy bay chiến đấu F-22 đã dùng 1 tên lửa AIM-9X Sidewinder để bắn hạ chiếc khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Các mảnh vỡ của vật thể bay này đã rơi xuống biển, cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý (khoảng 11 km).

Trước đó, khinh khí cầu này cũng đã tiến vào vào không phận Canada, xuất hiện cùng thời điểm với một khinh khí cầu của Trung Quốc đi ngang qua châu Mỹ Latinh. Cuối cùng khí cầu này đã bị chính quyền Trung Quốc bắn hạ khi nó đến Đại Tây Dương.

Hôm 3/2, chính quyền Trung Quốc cho biết, thiết bị này là một “khinh khí cầu dân sự” đang tiến hành nghiên cứu khí tượng và “đã đi chệch khỏi lộ trình dự kiến” do bất ngờ bị gió thổi bay khỏi lộ trình.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố trên của Trung Quốc.

Hôm 3/2, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết trong một cuộc họp báo rằng, “Chúng tôi hiểu rằng khinh khí cầu này đã vi phạm không phận Mỹ và luật pháp quốc tế, điều này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã thông báo trực tiếp sự việc này tới quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp”.

“Sự hiện diện của chiếc khinh khí cầu này trong không phận của Hoa Kỳ rõ ràng là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế. Điều này là không thể chấp nhận được”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bày tỏ “sự bất bình và phản đối mạnh mẽ” trước việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này, đồng thời cho rằng, Washington đã “phản ứng thái quá” và “vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/2.

“Trung Quốc bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực để tấn công thiết bị bay dân sự. Phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho Mỹ sau khi xác minh rằng khí cầu được sử dụng cho mục đích dân sự và [thiết bị này] tiến vào Mỹ với lý do bất khả kháng. Đó hoàn toàn là một tai nạn”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố đăng sáng 5/2, đài CNN đưa tin.

“Trung Quốc rõ ràng đã yêu cầu Mỹ xử lý vụ việc một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố rằng khinh khí cầu sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự nào đối với lực lượng mặt đất”, tuyên bố cho hay.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty có liên quan, đồng thời bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.

Kể từ đó, các quan chức Mỹ đã chia sẻ thông tin với các quốc gia khác về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Washington cho rằng, Trung Quốc đã tiến hành chương trình này để nhắm vào ít nhất 40 quốc gia trên khắp năm châu lục.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (1/5), Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã chuyển các câu hỏi cho Bộ Quốc phòng.

Tháng trước, các nguồn tin trích dẫn hai quan chức cấp cao ẩn danh của Hoa Kỳ và một cựu quan chức cấp cao của chính quyền tuyên bố rằng khinh khí cầu Trung Quốc đi qua lục địa Hoa Kỳ có thể gửi dữ liệu trở lại Trung Quốc trong thời gian thực, mâu thuẫn với tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ rằng họ đã bảo vệ thành công lợi ích của Mỹ khỏi hoạt động thu thập thông tin tình báo của khí cầu nói trên.

Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh từ chối xác nhận thông tin này và nói thêm rằng việc truyền tải thông tin theo thời gian thực có xảy ra hay không là “điều chúng tôi hiện đang phân tích”.

Lam Giang tổng hợp


Giao tranh ác liệt gần Bakhmut và Marinka, các lực lượng Ukraina đã đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công

Tạ Linh

Giao tranh ác liệt gần Bakhmut và Marinka, các lực lượng Ukraina đã đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công. (Ảnh: Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine). 

Giao tranh ác liệt gần Bakhmut và Marinka, các lực lượng Ukraina đã đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công, ngăn chặn quân Nga chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraina.

Đánh giá này được Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraina đưa ra hôm 02/05 trong bản cập nhật chiến sự hàng ngày.

Theo Bộ này, các lực lượng chiếm đóng của Nga đang tập trung nỗ lực chính vào việc tiến hành các chiến dịch tấn công trên các mặt trận Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka. Các lực lượng Ukraina đã đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công của Nga trong ngày qua. Giao tranh ác liệt nhất hiện đang diễn ra ở Bakhmut và Marinka, nơi các lực lượng Ukraina đang trấn giữ phòng tuyến.

Bản cập nhật cũng cho biết, trong ngày 02/05, các lực lượng Nga đã thực hiện ba cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 30 cuộc không kích và khai triển các hệ thống pháo phản lực phóng loạt để tấn công vào các vị trí của lực lượng Ukraina và vào các khu định cư dân sự. Một số thường dân bị thương, một số ngôi nhà và các cơ sở hạ tầng dân sự khác bị hư hại.


Nữ ứng cử viên thủ tướng Thái Lan tranh cử trở lại sau khi sinh con 

03/5/2023 – Reuters 

Paetongtarn Shinawatra của đảng Pheu Thai được coi là ứng viên hàng đầu trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan năm 2023 

Một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra, hôm 3/5 cho biết bà sẽ nối lại vận động tranh cử vào tuần tới sau khi sinh con cách nay vài ngày, và vẫn tự tin bà sẽ có chiến thắng bầu cử vang dội.

Bà Paetongtarn, 36 tuổi, ứng cử viên hàng đầu trong nhiều cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 14/5, vừa xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau một tháng để giới thiệu người con thứ hai của bà có tên là Prutthasin, tên trìu mến là Thasin, chào đời hôm 1/5.

Đảng Pheu Thai của bà cũng đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây và đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ năm 2001, trong đó có hai chiến thắng áp đảo.

“Thái Lan cần phải thay đổi và đảng Pheu Thai là câu trả lời duy nhất”, bà phát biểu tại một cuộc họp báo trong một bệnh viện ở Bangkok, ngay sau khi giới thiệu người con vừa chào đời của mình trong lồng ấp, được bà gọi là ‘ân phước’.

“Chúng ta không thể chờ thêm nữa… Nếu đảng Pheu Thai có thể thắng vang dội và lập chính phủ, chúng ta có thể thay đổi ngay lập tức”.

Hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán Pheu Thai sẽ không thắng áp đảo và họ sẽ phải lập liên minh, điều mà họ không làm được trong cuộc bầu cử hồi năm 2019. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, người cô ruột của bà Paetongtarn, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2014.

Một đảng đối lập khác, đảng Tiến Lên, được nhiều người coi là đối tác liên minh khả dĩ nhất của Pheu Thai, hiện có tỷ lệ ủng hộ gia tăng muộn trong các cuộc thăm dò.

Một cuộc thăm dò của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia với 2.500 người trên toàn quốc hôm 3/5 cho thấy nhà lãnh đạo đầy sức hút của đảng là Pita Limjaroenrat lần đầu tiên đã dẫn trước bà Paetongtarn, với tỷ lệ ủng hộ là 35,4% so với 29,2% của bà Paetongtarn.

Khi được hỏi về khả năng liên minh với đảng Tiến lên, bà cho biết Pheu Thai sẽ liên minh ‘với các đảng phái ủng hộ chính sách của chúng tôi’ và loại trừ các đối thủ được quân đội hậu thuẫn.

Gia tộc Shinawatra vẫn gây chia rẽ ở Thái Lan. Họ được nhiều người dân yêu mến với những chính sách dân túy trong nhiều năm nhưng bị một số định chế và gia tộc quyền lực nhất của Thái Lan căm ghét.

Thân phụ của bà Paetongtarn, ông Thaksin Shinawatra, là thủ tướng Thái Lan trong 5 năm cho đến khi ông bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006. Ông và em gái Yingluck đều đang sống lưu vong để tránh phải đi tù về tội lạm dụng quyền lực, những cáo buộc mà họ nói là có động cơ chính trị.

Hôm 1/5, ông Thaksin, hiện 73 tuổi, viết trên Twitter nhắc lại lời hứa rằng ông sẽ trở về Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong. Bà Paetongtarn hôm 3/5 nhấn mạnh rằng cho dù cha của bà có trở về nước như thế nào đi nữa cũng không liên quan đến chính trị.

“Cha tôi muốn về nước để chăm sóc cháu ngoại. Ông không nói ông muốn làm thủ tướng”, bà nói.


Miến Điện: Chính quyền quân sự ân xá hơn 2 nghìn tù chính trị

03/5/2023

Một chiếc xe buýt chở các tù nhân được thả rời nhà tù Insein ở Rangoon (Miến Điện) ngày 03/05/2023. AP – Thein Zaw 

Anh Vũ /RFI

Theo AFP, hôm nay, 03/05/2023, chính quyền quân sự Miến Điện thông báo nhân ân xá cho 2.153 tù nhân đã bị kết án vì tội ly khai chống chính quyền quân sự. 

Thông cáo của chính quyền cho biết, quân đội đã trả tự do “2153 tù nhân đang thụ án theo điều khoản 505 (a)”. Điều khoản luật này thường xuyên được chính quyền áp dụng từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 để xử phạt các nhà báo hay nhà hoạt động với lý do có những tuyên bố gây sợ hãi, hoang mang trong dân chúng. Mức án cho cáo buộc  theo điều khoản này lên tới 3 năm tù giam.

Thông cáo cho biết thêm là lệnh ân xá lần này dựa trên cơ sở nhân đạo và những người được thả nếu tái phạm sẽ phải tiếp tục thi hành phần còn lại của án tù cộng thêm với hình phạt bổ sung. 

Theo ghi nhận của AFP, sau khi lệnh ân xá được công bố, sáng hôm nay nhiều người dân đã  tập trung trước nhà tù Insein ở Rangoon. Một chiếc xe bus chở tù nhân đã ra khỏi nhà tù. 

Từ sau cuộc đảo chính, hơn 21 nghìn người đã bị bắt giam vì chống chính quyền quân sự. Giải Nobel Hòa Bình, Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, đã bị kết án tổng cộng 33 năm tù với các cáo buộc ngụy tạo vì mục đích chính trị, theo đánh giá của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền. 

Chính quyền quân sự bị quốc tế thường xuyên tố cáo đã tiến hành trấn áp bằng vũ lực mọi tiếng nói ly khai. Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc thẩm định có ít nhất 170 nhà báo đã bị kết án tù tại Miến Điện. Ngoài ra chính quyền quân sự đã đẩy đất nước vào một cuộc xung đột quân sự giữa quân đội và những nhóm chính trị đối kháng hay các sắc tộc nổi dậy, khiến hơn 3400 người chết, theo con số của  các tổ chức bảo vệ nhân quyền.     

Thông báo thả tù chính trị lần này được đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa lãnh đạo của chính quyền quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing với ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Rangoon  Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đến Miến Điện kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. 

Trung Quốc là một đồng minh lớn và là nhà cung cấp vũ khí cho chính quyền quân sự. Bắc Kinh đã không lên án cuộc đảo chính cách đây hai năm. Mặc dù vậy theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc cũng hậu thuẫn và trang bị vũ khí cho nhiều nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số chống lại quân đội chính phủ. 


NATO mở văn phòng tại Nhật Bản, tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

03/5/2023

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (T) bắt tay thủ tướng Nhật Fumio Kishida, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/01/2023. via REUTERS – POOL 

Thanh Phương /RFI

Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Tokyo, Nhật Bản, vào năm tới, theo tin của trang mạng Nikkei Asia hôm nay, 03/05/2023. Đây sẽ văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở châu Á. 

Văn phòng NATO tại Tokyo sẽ giúp liên minh quân sự tiến hành tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực như Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên như một thách thức mới đối với NATO, bên cạnh đối thủ trọng tâm truyền thống của khối này là Nga. 

Theo Nikkei Asia, NATO và Nhật Bản cũng sẽ nâng cấp hợp tác, hướng tới ký kết Chương trình Đối tác phù hợp với từng nước (ITPP) trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva, vào ngày 11-12/07. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa trên mạng, phối hợp lập trường về các công nghệ mới nổi và mang tính đột phá, đồng thời trao đổi các tài liệu về việc chống thông tin sai lệch. Các kế hoạch nói trên đã được cả quan chức Nhật Bản và NATO xác nhận.

Dự định mở văn phòng liên lạc lần đầu tiên được thảo luận giữa thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Tokyo của lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương vào cuối tháng 1 năm nay. Đến giữa tháng 4, NATO đã đưa ra một dự thảo đề xuất cho 31 nước thành viên của khối này, dự kiến mở văn phòng liên lạc ở Tokyo vào năm 2024. 

NATO hiện đã có các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên Hiệp Quốc ở New York, tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Vienna, cũng như ở các nước Gruzia, Ukraina, Bosnia- Herzegovina, Moldova và Koweït. Theo Nikkei Asia, Nhật Bản cũng có kế hoạch thành lập một phái bộ độc lập tại NATO, tách phái bộ này khỏi sứ quán Nhật ở Bỉ.

Hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius dự kiến sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – giống như năm ngoái – thể hiện sự tham gia sâu hơn của NATO vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 


XEM THÊM

Thời sự Thứ Ba 02/05/2023: *Mỹ yểm trợ “không gì lay chuyển” với Philippines. *Morgan Stanley sẽ cắt giảm 3,000 việc. *Vấn đề đạo đức tại Toà án Tối cao Hoa Kỳ. *Kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ và Trung Quốc? *Từ 01/06 CP Liên bang không đủ tiền chi tiêu

Tuesday, May 2nd, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Biden bảo đảm với Marcos Jr. sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Mỹ với Philippines

02/5/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) đón tiếp đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/05/2023. AP – Brendan Smialowski 

Thanh Phương /RFI

Khi tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng hôm qua, 01/05/2023, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố bảo đảm sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Washington với Manila, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.  

Theo hãng tin AFP, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. và phu nhân đã được đón tiếp long trọng hơn một chút so với phần lớn các vị nguyên thủ quốc gia mà tổng thống Hoa Kỳ tiếp ở Nhà Trắng. 

Trước khi hội đàm song phương, hai vị tổng thống đã phát biểu vài câu trước báo chí. Ông Joe Biden nhấn mạnh đến “cam kết không gì lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Philippines, kể cả tại khu vực Biển Đông”, đồng thời ông hứa sẽ “hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Philippines”. Hoa Kỳ đặc biệt dự trù chuyển các phi cơ quân sự đến Philippines và giúp Manila tăng cường đội máy bay chiến đấu. 

Về phần tổng thống Marcos Jr., ông cho rằng Philippines ở trong một khu vực mà nay trở nên “phức tạp hơn” về mặt địa chính trị, cho nên Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đó là Hoa Kỳ. 

Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả hai tổng thống Mỹ và Philippines đều nghĩ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ mới nhất xảy ra hôm 23/04 vừa qua, khi các tàu của Trung Quốc và của Philippines suýt nữa đã đụng nhau trên biển tại khu vực cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km. 

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Ferdinand Marcos Jr. thi hành một chính sách ngoại giao theo hướng giữ quan hệ cân bằng giữa Philippines với hai cường quốc Mỹ Trung. Trước khi đi thăm Hoa Kỳ, tháng 1 năm nay, ông đã đến Bắc Kinh với lời hứa Philippines sẽ là “bạn với mọi người, không là kẻ thù của bất cứ ai”. 

Nhưng Washington hy vọng là với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Manila sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Quân đội của Hoa Kỳ và Philippines vừa kết thúc đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Biển Đông. Manila cũng vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có những căn cứ nằm không xa Đài Loan. 

Theo AFP, hôm qua, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Hoa Kỳ bảo đảm việc sử dụng các căn cứ nói trên “sẽ có sự phối hợp và hợp tác hoàn toàn với chính quyền Philippines”.


Trong cơn bão tài chính ở Phố Wall, Morgan Stanley lên kế hoạch cắt giảm 3,000 việc làm

Cảnh bên ngoài Trụ sở Morgan Stanley tại 1585 Broadway ở Quảng trường Thời đại ở Thành phố New York, Mỹ, vào tháng 07/2021. (Ảnh: Gabriel Pevide / Getty Images cho Morgan Stanley) 

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đang lên kế hoạch cắt giảm 3.000 việc làm vào cuối tháng 6/2023 trong bối cảnh các giao dịch tài chính ở Phố Wall sụt giảm, cơn bão khủng hoảng ngân hàng đang manh nha khiến 4 NHTM Hoa Kỳ sụp đổ, các sản phẩm đầu tư dài hạn bắt đầu ghi nhận thua lỗ do lãi suất tăng cao.

Theo Financial Times, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, với tổng tài sản 1.180 tỷ USD, một trong tám ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng trọng yếu toàn cầu của Mỹ, đang lên kế hoạch cắt giảm 3.000 việc làm.

Ngân hàng Morgan Stanley được thành lập năm 1935 bởi cháu trai của J.P Morgan là Henry Morgan. JP Morgan (ông của Henry Morgan) sở hữu và vận hành JPMorgan Chase; ngân hàng vừa mua lại First Republic Bank ngày hôm qua. Theo truyền thông Hoa Kỳ, Morgan Stanley là một ngân hàng đầu tư độc lập và hiện không có bất kỳ mối quan hệ nào với J.P. Morgan.

Morgan nằm trong nhóm 13 gia tộc giầu có nhất thế giới, nắm giữ huyết mạch tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn ở quy mô toàn cầu.

Hãng tin đã trích nguồn tin quen thuộc từ Morgan Stanley cho biết các nhà quản lý cấp cao của ngân hàng đang nhắm đến việc cắt giảm thêm 5% nhân viên. Nhóm nhân viên không bị cắt giảm việc làm là những người thuộc bộ phận quản lý tài sản được đánh gia cao của Morgan Stanley .

Cắt giảm việc làm sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn bộ phần còn lại của ngân hàng, tổng nhân viên hiện có của Morgan Stanley là 82.000 nhân viên. Bộ phận ngân hàng đầu tư và chứng khoán dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các bộ phận khác.

Đây là đợt cắt giảm việc làm lần thứ hai của Morgan Stanley trong 6 tháng gần đây. Tháng 12/2022, ngân hàng này đã sa thải 1.200 nhân viên.

Không chỉ Morgan Stanley, làn sóng sa thải ở Phố Wall đã bắt đầu trong 6 tháng qua khi các thị trường tài sản tài chính lao dốc; một số thị trường đầu cơ đã vỡ trong khi các thị trường đầu tư tài chính ghi nhận lỗ do lãi suất tăng cao. Làn sóng này đã bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại lớn và thậm chí gây ra phá sản 4 ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ của Mỹ. Trên thế giới, ngân hàng nằm trong danh sách 30 ngân hàng có tầm ảnh hưởng trọng yếu toàn cầu G-SIPs là Credit Suisse cũng bị phá sản, buộc phải bán lại cho người đồng hương UBS với giá 3 tỷ USD.

Trước thực trạng kinh tế suy thoái, các khoản đầu cơ và đầu tư sụt giảm giá vì lãi suất tăng, cung tiền thu hẹp, các hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng như hoạt động sáp nhập và mua lại đã cạn kiệt. Năm 2023, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một năm giao dịch tài chính toàn cầu yếu nhất trong một thập kỷ, theo Financial Times.

Bối cảnh ngày hoàn toàn đi ngược lại với giai đoạn Đại dịch Covid-19 trước đó, khi tiền lãi suất thấp tràn ngập thị trường, hoạt động đầu cơ, đầu tư liều lĩnh bùng nổ; các tổ chức tài chính đã vội vã thuê nhân viên nhiều hơn mức họ cần. Một lượng lớn nhân viên đã trở nên dư thừa khi điều kiện thị trường tài chính thắt chặt.

Giám đốc điều hành James Gorman của Morgan Stanley đã cảnh báo vào tháng trước rằng các hoạt động ngân hàng đầu tư “vẫn rất trầm lắng” và dự đoán doanh thu có thể không phục hồi cho đến năm 2024. Lợi nhuận quý đầu tiên của ngân hàng đã giảm năm thứ năm so với cùng kỳ năm ngoái. Gorman đã giảm 10% lương cho năm 2022, phản ánh hiệu suất hoạt động yếu hơn của công ty so với năm 2021.

Định chế quản lý tài sản Lazard cho biết vào tuần trước rằng họ có kế hoạch cắt giảm 10% nhân viên và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tuyên bố sẽ cắt giảm 3.200 việc làm vào tháng 1/2023; những đợt cắt giảm đó chiếm khoảng 6,5% nhân viên của Goldman.

Citigroup, Bank of America và Wells Fargo cũng lần lượt cắt giảm nhiều lao động. Không chỉ ngành tài chính, các công ty luật ở Mỹ cũng liên tiếp cắt giảm việc làm, trong đó có Kirkland & Ellis, và các công ty kiểm toán Big Four….

Quang Nhật tổng hợp


Báo cáo: Tin tặc đánh cắp tiền Cơ quan An ninh liên bang Nga chuyển tiền cho Ukraina

Liên Thành 

Ảnh minh hoạ. 

Theo công ty theo dõi tiền điện tử Chainalysis, một hacker vô danh đã đánh cắp tiền từ ví điện tử do cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) và tình báo của Liên bang Nga kiểm soát rồi chuyển chúng cho lực lượng vũ trang Ukraina.

Ấn phẩm cho biết hai địa chỉ ví tiền điện tử bị tin tặc tấn công có liên quan đến cuộc tấn công vào công ty Solarwinds của Mỹ vào năm 2020, đã ảnh hưởng đến hơn 200 tổ chức. Tại Hoa Kỳ, nó được coi là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, dẫn đến rò rỉ dữ liệu từ một số cơ quan của Hoa Kỳ.

Ví tiền điện tử thứ ba đã được sử dụng để thanh toán cho các máy chủ tham gia vào chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

Chainalysis cho biết tin tặc đã lấy số bitcoin trị giá 300.000 đô la từ các ví được tìm thấy. Nhưng sau cuộc xâm lược Ukraina của Nga, hacker này bắt đầu gửi tiền điện tử đến các ví do chính phủ Ukraina mở, để gây quỹ chống lại sự xâm lược của Nga.

Hiện chưa rõ thông tin Chainalysis cung cấp có chính xác hay không, nhưng cơ quan An ninh liên bang Nga và tình báo của Liên bang Nga không bình luận về vụ việc.


Các y tá Anh đình công

Hội đồng nhân viên NHS, một cơ quan đại diện cho các công đoàn trong Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, sẽ họp vào thứ Ba để quyết định một thỏa thuận tăng lương cho hầu hết nhân viên lên 5%. Lời đề nghị do chính phủ đưa ra đã bị các thành viên của Đoàn Điều dưỡng Hoàng gia (RCN), hiệp hội điều dưỡng chính, từ chối. Song các công đoàn khác có nhiều phiếu hơn.

Suốt nhiều tháng qua phần lớn nhân viên của NHS đã đình công vì lương thưởng. Nhưng vấn đề của các y tá mới leo thang gần đây. Các thành viên của RCN — bao gồm cả những người làm việc trong các dịch vụ cấp cứu và ung thư — mới quay lại biểu tình từ Chủ nhật. Cuộc đình công cũng ngắn hơn 24 giờ so với kế hoạch vì RCN tính sai thời hạn được phép đình công của mình. Đáp lại, chính phủ đã đưa họ ra toà và tuyên bố hành động hôm thứ Ba là bất hợp pháp. Nhưng RCN không nản lòng. Ngay cả khi hội đồng quyết định tăng lương, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục đình công ngay khi các thành viên giao sứ mệnh mới cho họ.


ECB gặp khó khăn trong hoạch định chính sách

Trong nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB đã sử dụng “định hướng chính sách” để điều chỉnh kỳ vọng của thị trường về các động thái tiếp theo của mình. Nhưng lạm phát và số liệu kinh tế không ổn định của giai đoạn hiện tại khiến chiến lược này trở nên khó thực hiện hơn. Thay vào đó, thiết lập chính sách của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào thông tin mới nhất. Hai dữ liệu quan trọng sẽ được công bố vào thứ Ba: khảo sát cho vay ngân hàng trong quý đầu năm 2023 và số liệu lạm phát tháng 4.

Khảo sát cho vay theo dõi các tiêu chuẩn tín dụng và nhu cầu cho vay, qua đó giúp cho thấy liệu chính sách tiền tệ thắt chặt của ECB có đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế hay không. Các tiêu chuẩn tín dụng đã thắt chặt hơn trong quý cuối năm 2022 trong khi nhu cầu vay vốn giảm xuống. Nếu đà giảm đó tiếp tục trong quý đầu năm 2023, các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất. Nhưng lạm phát theo năm có thể vẫn cao trong tháng 4. Ở Đức, nó giảm nhẹ từ 7,8% xuống 7,6%, song tăng từ 6,7% lên 6,9% ở Pháp. Chính sách phụ thuộc vào dữ liệu sẽ còn phức tạp hơn nếu dữ liệu chỉ theo các hướng khác nhau.


Các vấn đề đạo đức tại Toà án Tối cao Hoa Kỳ

Vào thứ ba, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức một phiên điều trần về hành vi tại Tòa án Tối cao. Hiện có những lời kêu gọi tăng cường trách nhiệm giải trình ở toà sau các tiết lộ gần đây về hành vi đáng ngờ của các thẩm phán — đặc biệt là tin tức cho thấy Thẩm phán Clarence Thomas có mối liên hệ tài chính bí mật với Harlan Crow, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa. Thẩm phán Thomas đã thực hiện các giao dịch bất động sản với ông Crow, người cũng đã chi hàng triệu đô la cho vị quan toà đi nghỉ trong hơn hai thập niên qua.

Phiên điều trần sẽ diễn ra mà không có Chánh án John Roberts, người đã từ chối lời mời của Thượng nghị sĩ Dick Durbin, chủ tịch ủy ban. Thay vào đó, chánh án đã đệ trình một “Tuyên bố về các Nguyên tắc và Thực hành Đạo đức” có chữ ký của cả chín thẩm phán và trình bày chi tiết về cách toà sẽ tự giải quyết các vấn đề đạo đức. Nó không làm hài lòng những người chỉ trích, đặc biệt là Fix the Court, một tổ chức giám sát. Angus King, một thượng nghị sĩ độc lập từ Maine, cho biết dự luật lưỡng đảng được ông giới thiệu vào tuần trước — trong đó yêu cầu Tòa án thông qua một bộ quy tắc ứng xử — sẽ “giúp tòa án tự cứu mình” và đảo ngược “sự suy giảm nghiêm trọng về niềm tin của công chúng [dành cho toà].”


HSBC đứng dưới áp lực từ cổ đông

Sẽ là một tuần quan trọng và căng thẳng cho HSBC. Ngân hàng này sẽ báo cáo thu nhập quý đầu vào thứ Ba, nhưng sự kiện đáng quan tâm là cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vào thứ Sáu. Công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An và cổ đông lớn nhất của HSBC (với khoảng 8% cổ phần) có thể sẽ nhân cơ hội này để chia tách ngân hàng. Từ lâu họ đã hối thúc hội đồng quản trị HSBC tách hoạt động kinh doanh ở châu Á ra riêng. Năm ngoái, công ty bảo hiểm công khai chiến dịch của mình và vào tháng 4 đã công bố một tuyên bố dài 2.200 từ chỉ trích ban quản trị của HSBC.

Những lời phàn nàn của Ping An bao gồm hiệu suất mờ nhạt và cắt giảm chi phí không thỏa đáng. Nhưng vấn đề lớn nhất trong mắt họ là việc hội đồng quản trị đã “rút cổ tức và vốn tăng trưởng của HSBC Châu Á” để hỗ trợ các bộ phận kinh doanh ít hứa hẹn hơn. (Cổ tức cấp tập đoàn giảm cũng khiến các cổ đông khó chịu.) Một hội đồng quản trị không đổi ý khó có thể sớm chấp nhận yêu cầu của Ping An, và căng thẳng sẽ chỉ càng gia tăng.


Kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc?

John Mac Ghlionn

Người mua sắm tập trung tại một con phố thương mại trước lệnh phong tỏa COVID-19 vào Chủ nhật ở Chennai, Ấn Độ, vào ngày 08/01/2022. (Ảnh: ARUN SANKAR / AFP qua Getty Images) 

Với đà phát triển, những lợi thế về nhân khẩu học và khoa học kỹ thuật, cộng với việc đề cao giáo dục, Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế. Đặc biệt, đây còn là một quốc gia ủng hộ dân chủ, thứ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.

Ấn Độ là một quốc gia đang lên.

Quốc gia Nam Á này đã giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Tuy nhiên, nền kinh tế của nước này chỉ bắt đầu có những cải thiện đáng kể vào những năm 1990 sau khi một số cải cách kinh tế được đưa ra. Ngoài việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và hiện đại hóa thị trường chứng khoán, những cải cách này đã mở cửa nền kinh tế Ấn Độ, giúp nước này đón được một lượng rất lớn đầu tư nước ngoài.

Vào năm 2015, Ấn Độ là một nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Đến năm 2075, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ.

Trước khi thời điểm đó diễn ra, người ta tự hỏi liệu Ấn Độ có thể làm được điều từng là không thể tưởng tượng được và vượt qua nền kinh tế Trung Quốc hay không. Câu hỏi này trở nên rõ ràng khi ta xem xét các xu hướng hiện tại ở Trung Quốc, với ảnh hưởng của việc phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 vẫn còn, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và bong bóng bất động sản có vẻ như sắp vỡ.

Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, chỉ trong 4 năm tới, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba, vượt qua cả Nhật Bản và Đức. Đến năm 2030, nhờ các khoản đầu tư khôn ngoan vào công nghệ và lĩnh vực năng lượng, các nhà phân tích kỳ vọng Ấn Độ sẽ có thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới vào cuối thập kỷ.

Sự phát triển kinh tế gắn liền với chất lượng giáo dục. Đây là một thực tế mà có vẻ chính phủ Ấn Độ đã không bỏ qua. South China Morning Post đưa tin, Ấn Độ gần đây đã đề xuất việc cho phép các tổ chức nước ngoài thành lập cơ sở ở nước này. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Thủ tướng Narendra Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm giáo dục có giá trị thực sự, một trung tâm có khả năng cạnh tranh với cả Mỹ và Trung Quốc.

Việc ông Modi tập trung vào việc cải thiện giáo dục diễn ra khi Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, một danh hiệu nổi tiếng do Trung Quốc nắm giữ. Một số nhà bình luận nổi tiếng cho rằng việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc không chỉ mang tính biểu tượng – nó thể hiện một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.

Những cơ sở cho sự vươn lên của Ấn Độ

Ông Geoffrey Garrett là một nhà khoa học chính trị và hiện là trưởng khoa của Trường Kinh doanh Marshall thuộc Đại học Nam California. Ông Garrett trước đây đã lưu ý, Trung Quốc đang trên đà trở thành “quốc gia đầu tiên trong lịch sử già trước khi giàu”. Mặc dù con số GDP của Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này không cao (chỉ ở mức $12.556).

Khi dân số già đi và bị thu hẹp, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu những tác động. Đến năm 2050, ông Garrett lưu ý, “tỷ lệ phụ thuộc” của Trung Quốc sẽ tăng từ 35% lên 70%. “Tỷ lệ phụ thuộc” được dùng để chỉ những người dưới 15 tuổi hoặc trên 64 tuổi sống dựa vào dân số trong độ tuổi lao động (những người ở độ tuổi 15 – 64). Trung Quốc có một hệ thống phúc lợi xã hội yếu kém, một hệ thống y tế rất cần được chỉnh đốn. Trung Quốc cũng đang mất đi trung bình 5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mỗi năm. Do đó, rất khó để tưởng tượng ra việc nước này sẽ đối phó như thế nào khi dân số trở nên già hơn, bệnh tật hơn. kém hiệu quả hơn trong sản xuất và phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cấu trúc nhân khẩu học của Ấn Độ rất khác. Hơn một phần tư dân số dưới 15 tuổi và chưa đến một phần tám trên 60 tuổi. Nhà triết học người Pháp Auguste Comte đã gọi nhân khẩu học là định mệnh. Mặc dù tuyên bố này đã và vẫn là hơi phóng đại, nhưng một nhân khẩu học lành mạnh chắc chắn là điều cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh và một tương lai lành mạnh. Ở Ấn Độ, khá đáng chú ý, tỷ lệ phụ thuộc đang tiếp tục giảm. Tỷ lệ này hiện ở mức 48% và dự kiến sẽ chỉ ở mức trên 40% vào năm 2050. Mặt khác, vào năm 2050, Mỹ có thể có một tỷ lệ khá đáng kinh ngạc là 66%. Đến năm 2050, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc sẽ là 50, ở Mỹ là 42,3 và ở Ấn Độ chỉ là 37,5. Các thành viên của Ủy ban Ganesh Utsav đứng cạnh tấm áp phích tuyên bố ‘Tẩy chay Sản phẩm Trung Quốc’ ở Hyderabad, Ấn Độ, vào ngày 03/11/2016. (Ảnh: Noah Seelam/AFP/Getty Images)

Khi cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên gắn bó hơn với công nghệ, tương lai sẽ thuộc về những quốc gia với những bộ óc khoa học tốt nhất. Ấn Độ là đất nước nổi tiếng về việc đào tạo ra những nhà khoa học lỗi lạc. Nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã học tập tại Mỹ, sau đó tiếp tục theo đuổi các cơ hội việc làm tại Mỹ, từ đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, giờ đây, với nỗ lực của ông Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm giáo dục toàn cầu có khả năng cạnh tranh với Mỹ, Ấn Độ có nhiều khả năng sẽ giữ chân được một số lượng lớn hơn các nhà khoa học lỗi lạc này. Họ sẽ có thể đóng góp cho nền kinh tế Ấn Độ. Khi chúng ta xem xét các xu hướng khoa học và công nghệ, Ấn Độ vốn đã có những kết quả đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, với những cải cách giáo dục mới này và một lực lượng dân số trẻ, năng động, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở Ấn Độ trong hai đến ba thập kỷ tới.

Cuối cùng, không giống như Trung Quốc, nơi mà ngay cả việc nhắc đến từ “dân chủ” cũng có thể khiến người ta phải vào tù, Ấn Độ là một quốc gia có vẻ coi trọng ý tưởng bầu cử công khai. Ấn Độ vốn được coi là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Những hạn chế thể hiện rõ ràng hơn gấp nhiều lần ở một đất nước như Trung Quốc, nơi có một chế độ độc tài. Phương thức quản trị như vậy không phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững. Về lâu dài, thứ có thể hạ bệ Trung Quốc [vấn đề dân chủ] rất có thể sẽ giúp Ấn Độ vươn lên đỉnh cao về kinh tế.

John Mac Ghlionn

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.


Bộ Tài Chính Mỹ cảnh báo: Từ 01/06 chính quyền Liên bang có thể không đủ tiền để chi trả

02/5/2023

Ảnh minh họa; Trụ sở Quốc Hội Mỹ trên Đồi Capitol, Washington, ngày 08/09/2022. AP – Jacquelyn Martin 

Trọng Thành /RFI

Bất đồng giữa chính phủ Mỹ và đối lập đảng Cộng Hòa, kiểm soát Hạ Viện, trong việc nâng trần nợ có thể khiến chính quyền Liên bang không đủ tiền chi trả trong một số lĩnh vực, cụ thể như trong việc trả tiền hưu, kể từ ngày 01/06/2023. Bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo như trên vào hôm qua, 01/05. 

Lý do chính là chính quyền Biden không chấp nhận đòi hỏi của Hạ Viện, gắn liền việc thông qua ngân sách liên bang trong năm tài chính mới với việc cắt giảm tổng cộng khoảng 4.500 tỷ đô la chi phí công trong 10 năm tới, trong đó chủ yếu là các trợ cấp xã hội. 

Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm: 

‘‘Chuyện đã kéo dài từ nhiều tuần nay, từ khi tổng thống Joe Biden đưa ra đề xuất ngân sách cho năm tài chính mới, vào hồi đầu tháng 3. Để có tiền cho ngân sách năm mới này, Hạ Viện sẽ phải ‘‘nâng trần nợ’’, có nghĩa là cho chính quyền liên bang được phép vay nhiều tiền hơn. Hồi tuần trước, Hạ Viện đã thông qua một văn bản luật, quy định việc ‘‘nâng trần nợ’’ (thêm 1.500 tỷ đô la) phải đi kèm với một số cắt giảm về ngân sách, đặc biệt liên quan đến các khoản trợ cấp xã hội. 

Đối với tổng thống Biden, đây là điều không thể chấp nhận. Tổng thống muốn nâng trần nợ không được đi kèm với các điều kiện, trước khi tiến hành các cuộc thảo luận: 

‘‘Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải làm là bảo đảm đặt sang một bên mối đe dọa của chủ tịch Hạ Viện về việc nước Mỹ không trả được nợ. Từ hơn 200 năm nay, Hoa Kỳ chưa bao giờ bị thất tín trong việc trả nợ. Nước Mỹ không bao giờ là một quốc gia bất tín’’. 

Trong lúc đó, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy, đang trong chuyến công du Israel, cho biết sẵn sàng thương lượng, nhưng theo các điều kiện của ông. Hiện tại, chủ tịch Hạ Viện chưa nhận được hồi âm.  

Vào lúc hạn chót ngày càng gần lại, vẫn không bên nào chấp nhận nhân nhượng. Việc chính quyền Mỹ không thanh toán đúng hạn nợ công sẽ gây ra những hậu quả ghê gớm đối với đất nước, cũng như đối với sự ổn định tài chính toàn cầu’’.


XEM THÊM

Phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp hé lộ việc ĐCSTQ muốn cải tổ trật tự thế giới

Monday, May 1st, 2023
Phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp hé lộ nỗ lực cải tổ trật tự thế giới của ĐCSTQ

Ông Dư Mậu Xuân, cựu Cố vấn chính sách cấp cao về Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh Tal Atzmon/The Epoch Times)

 Bình luậnHuyền Anh • 16:25, 01/05/23

(more…)

Thời sự Thứ Hai 01/5/2023: *Đức GH kêu gọi Hung “mở cửa di dân”. *Lãnh đạo Mỹ và Ấn sắp gặp các đảo quốc Thái Bình Dương. *Pháp: biểu tình chống cải tổ hưu trí. *Công ty TQ cung cấp và hỗ trợ trùm ma túy Mexico. *Lý do trì hoãn giao F-16. *OEM Đài Loan của Apple dẫn đầu ra khỏi TQ. *Nga có 5.990 ca COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong…

Monday, May 1st, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Thăm Hungary, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi nước này “mở cửa đón di dân”

01/5/2023

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Người dân đóng Giáo hoàng Francis tại Hungary

Sau 10 năm Hungary, quốc gia có đa số dân theo Công giáo La Mã, mới lại đón một Giáo hoàng tới thăm.

Chuyến ‘tông giáo’ của Giáo hoàng Francis tới Hungary ba ngày tuy thế đã không thể tránh khỏi vấn đề Ukraine và người nhập cư.

Kết thúc chuyến thăm, Đức Giáo hoàng nói ngài đã thảo luận vấn đề không dễ dàng này với chính phủ cánh hữu ở nước chủ nhà, vốn có đường biên giới với Ukraine.

Giáo hoàng cho hay ngài thảo luận về người nhập cư với Thủ tướng Victor Orban, và kêu gọi Hungary “mở rộng vòng tay” đón thêm.

Chừng 100 nghìn người gồm cả Thủ tướng Orban đã dự thánh lễ ở Budapest do Giáo hoàng Francis cử hành hôm Chủ Nhật ở quảng trường gần tòa Nghị viện. 

Bản thân ông Orban luôn phê phán làn sóng nhập cư, nhất là từ Trung Đông, và ra lệnh cho cảnh sát, biên phòng dựng hàng rào ở biên giới.

Giáo hoàng Francis kêu gọi “hãy đón những người không khác gì chúng ta, và đóng cửa là biểu hiện của sự ích kỷ…”

Ngài nói một cách hình ảnh:

“Cánh cửa chúng ta đang đóng lại, là đóng trước những người nước ngoài, vì họ khác chúng ta, đóng trước người nhập cư, người nghèo.”

Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock

Chụp lại hình ảnh, 

Thủ tướng Viktor Orban (hàng đầu, giữa) dự Thánh lễ hôm 30/04 ở Budapest

Giáo hoàng cũng nói ngài đã thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine với ông Orban và một vị đại diện của Giáo hội Chính thống Nga. 

Theo phóng viên BBC News Nick Thorpe ở Budapest, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Vatican và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu có mục đích ủng hộ người Công giáo Hungary và vì lý do chiến tranh ở Ukraine. 

Khác các nước trong EU, chính phủ Hungary nhận người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine nhưng không bỏ phiếu thông qua các gói hỗ trợ quân sự cho Kyiv và vẫn giữ quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ sắp gặp lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương 

30/04/2023 

  • Reuters 

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape. 

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cùng các nhà lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương tham gia một cuộc họp “mang tính lịch sử” hướng tới tương lai.

Ông Marape nói trong một tuyên bố: “Đây là cuộc gặp đầu tiên mang tính lịch sử và đồng thời là cuộc họp ‘hướng tới’ tương lai của các siêu cường toàn cầu, tại quốc gia lớn nhất ở Thái Bình Dương”.

Chặng dừng chân ngày 22 tháng 5 của ông Biden tại thủ đô Port Moresby sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia giàu tài nguyên với 9,4 triệu dân nhưng vẫn còn chưa phát triển, nằm ở phía bắc Australia.

Papua New Guinea (PNG) đang được Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của họ ve vãn trong khi ông Marape tìm cách thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm quốc gia này vào năm 2018.

Washington đã tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào năm ngoái. Trung Quốc đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận an ninh và thương mại rộng lớn hơn với 10 quốc đảo Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Úc là các nước tài trợ cơ sở hạ tầng và viện trợ lớn.

Papua New Guinea đang đàm phán các hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và Úc, và ông Marape đã được mời đến thăm Bắc Kinh trong năm nay.

18 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bao phủ 30 triệu km2 đại dương. Các nhà lãnh đạo khu vực nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ, trong bối cảnh các cơn lốc xoáy ngày càng tồi tệ và mực nước biển dâng cao.

Ông Modi và Biden sẽ dừng chân ở Papua New Guinea trên đường tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ vào ngày 24 tháng 5, bao gồm cả Nhật Bản và Úc.

Ông Marape cho biết ông đã mời ông Biden khi họ gặp nhau ở Washington vào năm ngoái và “rất vinh dự vì ông ấy đã thực hiện lời hứa với tôi là đến thăm đất nước chúng tôi”.


Pháp: Tiếp tục biểu tình chống cải tổ hưu trí nhân Ngày Quốc tế Lao động

01/5/2023

Một cuộc biểu tình của giới nghiệp đoàn phản đối cải cách hưu trí, quảng trường Nation, Paris, Pháp, ngày 28/03/2023. © REUTERS/Nacho Doce 

Thanh Phương /RFI

Tại Pháp, các công đoàn hy vọng sẽ huy động được đến 1,5 triệu người biểu tình trên toàn quốc hôm nay, 01/05/2023, nhân Ngày Quốc tế Lao động, để chứng minh là cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí vẫn tiếp diễn, cho dù giới công đoàn vẫn chưa thống nhất ý kiến về chiến lược tiếp theo của phong trào.  

Các công đoàn khẳng định ngày 1 tháng 5 năm nay sẽ là một ngày “lịch sử” và “mang tính lễ hội”. Nhưng nhà chức trách Pháp dự báo tổng số người xuống đường hôm nay sẽ chỉ là khoảng từ 500.000 đến 650.000 người, trong đó có từ 80.000 đến 100.000 người ở Paris.

Tại thủ đô Pháp, đoàn biểu tình xuất phát lúc 14 giờ từ quảng trường République để tuần hành đến quảng trường Nation, với sự tham gia của các đại diện công đoàn nhiều nước trên thế giới. 

Theo nguồn tin cảnh sát được hãng tin AFP trích dẫn, tham gia biểu tình hôm nay còn có từ 1.500 đến 3.000 người “Áo Vàng” và từ 1.000 đến 2.000 phần tử “nguy cơ cao”. Nhà chức trách Pháp phải huy động đến 12.000 cảnh sát và hiến binh để bảo đảm an ninh, trong đó ở Paris là 5.000. 

Về tình hình đình công, các phương tiện chuyên chở công cộng hôm nay không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về giao thông hàng không thì có từ 25% đến 30% số chuyến bay bị hủy tại các sân bay lớn của Pháp. Riêng sân bay Orly thì tình hình rối loạn sẽ kéo dài đến ngày mai. 

Đây là cuộc biểu tình thứ 13 theo lời kêu gọi của các công đoàn để đòi chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron rút lại luật cải tổ hưu trí. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra mặc dù Hội đồng Bảo Hiến đã thông qua nội dung chủ yếu của luật và văn bản này đã được tổng thống ký ban hành. 

Với hy vọng phong trào rồi sẽ lắng dịu, thủ tướng Elisabeth Borne sẽ gởi lời mời đến các công đoàn vào tuần tới để thảo luận với họ, theo tin của văn phòng thủ tướng. Trước thông tin này, các công đoàn bắt đầu thể hiện sự bất đồng với nhau. Hôm qua, lãnh đạo của công đoàn CFDT Laurent Berger cho biết là công đoàn của ông sẽ thảo luận với thủ tướng Borne nếu được mời, trong khi đó lãnh đạo của công đoàn CGT thì nhắc lại là đến sáng nay, các công đoàn mới ra một quyết định chung. 


Điều tra ma túy Hoa Kỳ: Công ty Trung Quốc cung cấp nguyên liệu và hỗ trợ kỹ thuật các trùm ma túy Mexico

Liên Thành

Thuốc chưa fentanyl được trưng bày tại Cơ Quan Chống Ma Túy ở New York năm 2019. (Hình minh họa: Don Emmart/AFP qua Getty). 

Giữa tháng 4, Mỹ đệ đơn kiện một số thành viên quan trọng của nhóm trùm ma túy Mexico, trong đó có 4 người con trai của trùm buôn ma túy “El Chapo Guzman” bị bắt. Ngoài ra, còn có các công ty và cá nhân Trung Quốc tham gia vào cuộc khủng hoảng fentanyl này, họ cung cấp nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất fentanyl cho các trùm ma túy Mexico, khiến Mỹ phải đưa ra lệnh trừng phạt. Nhưng một số chuyên gia cho rằng hiệu quả của việc kiện các công ty Trung Quốc này là không rõ ràng.

Theo báo cáo “The Washington Post” của Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 4, Công ty Công nghệ sinh học Thạc Khang của Trung Quốc, trước đây đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, không chỉ cung cấp nguyên liệu chính để sản xuất fentanyl cho các băng đảng buôn lậu ma túy, mà còn hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho tổ chức buôn ma túy “cartel” khét tiếng ở Mexico. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc truy tố các công ty Trung Quốc bán nguyên liệu thô cho Mexico khó có thể xảy ra.

Văn phòng kiểm soát tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thông báo vào ngày 14 tháng 4 rằng họ sẽ xử phạt toàn diện đối với Công ty công nghệ sinh học Thạc Khang, và đại diện pháp lý của công ty là Diêu Hoa Đào và ba cá nhân có liên quan, bao gồm đại diện bán hàng của công ty là Ngô Nhã Cầm, Ngô Vĩnh Hạo và cộng tác viên của công ty Vương Hồng Phi. Ngoài ra, Công ty công nghệ dược phẩm Tiểu Lật Tô Châu cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Động thái của Hoa Kỳ làm dấy lên sự bất mãn với Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời rằng việc Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đã “làm tổn hại nghiêm trọng” đến hợp tác song phương trong việc kiểm soát ma túy.

Đồng thời, Đại diện Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Lance Gooden đã đề xuất “Đạo luật công lý chống lại những tập thể tài trợ Fentanyl bất hợp pháp năm 2023” tại Quốc hội. Luật này sẽ cho phép các công tố viên Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc chống lại Trung Quốc, Mexico cùng các quốc gia, tổ chức và cá nhân khác sản xuất và vận chuyển fentanyl.

Nhưng Vanda Felbab-Brown, một chuyên gia về buôn bán (thuốc) opioid quốc tế tại Viện Brookings, một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington, nói với “The Washington Post” rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng trấn áp các lô hàng hóa chất bất hợp pháp của chính họ, thì việc truy tố của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực hạn chế. Bà cho biết các công ty Trung Quốc trong bản cáo trạng có thể thay đổi tên hoặc trang web của họ, còn các cá nhân bị buộc tội có thể tránh đến các quốc gia mà Hoa Kỳ có hiệp ước dẫn độ.

Các dữ liệu cho thấy, lạm dụng fentanyl là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi, và là một loại thuốc phiện mạnh gấp 50 lần so với heroin, hơn nữa nó còn dễ dàng nhập lậu vào Hoa Kỳ hơn.


Đây mới là câu chuyện đắt giá nhất’: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina giải thích lý do đối tác trì hoãn giao tiêm kích F-16

Liên Thành 

Reznikov giải thích sự trì hoãn của các đối tác với quyết định về máy bay (ảnh chụp màn hình informator). 

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraina, ông Oleksiy Reznikov tin rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại cuối cùng cũng sẽ tới Ukraina và giải thích lý do vì sao các đồng minh đang trì hoãn việc đưa F-16 tới chiến trường nóng bỏng nhất thế giới hiện nay.

Reznikov đã nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Andrii Tsaplienko, theo Informator.

Bộ trưởng cho biết: “Mọi thứ không thể xảy ra vào hôm nay sẽ có thể xảy ra vào ngày mai. Iris-T, Samp-T, NASAMS, Crotale, tất cả những thứ này đều phục vụ và bảo vệ bầu trời của chúng ta. Đó là lý do tại sao các máy bay thế hệ thứ tư cũng sẽ tới”.

Trả lời câu hỏi tại sao các đối tác lại trì hoãn việc giao máy bay cho Ukraina, ông Reznikov trả lời rằng sau khi đưa ra quyết định đưa máy bay vào chiến đấu, cần có thời gian chuẩn bị, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và huấn luyện các phi công Ukraina. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mọi chuyện sẽ không kết thúc ở đó, các đối tác sẽ tiếp tục phải duy trì các máy bay trong tình trạng thích hợp, cũng như cung cấp cho chúng các loại vũ khí: bom và tên lửa.

Ông nói: “Đây là một câu chuyện rất đắt giá. Đây là câu chuyện đắt giá nhất. Họ muốn về đích trong cuộc đua marathon này một cách có ý thức và có trách nhiệm, đó là chiến thắng của Ukraina”.

Đồng thời, Ukraina có ý định chuyển toàn bộ phi công sang dùng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Tất cả những gì cần thiết là một quyết định chính trị để đào tạo nhân viên mặt đất. Ông Yuriy Ignat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraina, đã nói về điều này trên sóng truyền hình quốc gia “Edyny Novyny”.

Ông Ignat cho biết: “Chúng tôi dự định chuyển tất cả các phi công (sang F-16.). Chúng tôi cần đào tạo tất cả mọi người. Nhưng chỉ huy Lực lượng Không quân đã xác định các phi công đã có trình độ tiếng Anh nhất định, kinh nghiệm chiến đấu và đây là những người trẻ phi công. Họ đã sẵn sàng chiến đấu ngay cả ngay ngày mai. Ở đây cần có một quyết định chính trị để chúng tôi bắt đầu quá trình đào tạo nhân viên mặt đất, đó là các sĩ quan quản lý chiến đấu, kỹ sư quân sự. Vài chục phi công đã sẵn sàng chiến đấu”.

Vào ngày 28 tháng 4, Tổng thống Cộng hòa Séc và Slovakia đã đến Kyiv để đàm phán với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, và các nguyên thủ quốc gia đã đưa ra một số quyết định chiến lược liên quan đến sản xuất máy bay và vũ khí trong cuộc họp chung. Đồng thời khẳng định nguyện vọng châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraina bằng cách thông qua một tuyên bố chung.


Chuỗi cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, OEM Đài Loan của Apple dẫn đầu

Các OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc) Đài Loan của các công ty Mỹ như Apple đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc Đại Lục. Các công ty này đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất có chi phí lao động thấp hơn và ít rủi ro địa chính trị hơn, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia) 

Theo Nikkei (Nihon Keizai Shimbun), các công ty Đài Loan bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc từ những năm 1990 và đóng vai trò then chốt trong việc biến Trung Quốc Đại Lục thành công xưởng của thế giới. Ba thập kỷ trôi qua, các công ty Đài Loan hiện đang đi đầu trong việc chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Các OEM của Apple tìm cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất, Việt Nam và Ấn Độ trở thành những chiếc bánh ngọt

Nhà sản xuất điện tử Quanta Computer là nhà sản xuất MacBook theo hợp đồng lớn nhất của Apple. Quanta đã ký một thỏa thuận trong tháng này để xây dựng nhà máy Việt Nam đầu tiên của công ty tại tỉnh Nam Định, miền bắc của Việt Nam.

“Chúng tôi quyết tâm hoàn thành dự án này,” Giám đốc Quanta C.T. Huang (Hoàng Kiện Đường) cho biết tại một buổi lễ ký kết vào tuần trước. “Chúng tôi hy vọng khởi động nhà máy mới càng sớm càng tốt.”

Chi phí lao động thấp của Việt Nam là một phần quan trọng trong việc thu hút các nhà sản xuất. Theo dữ liệu của JETRO, mức lương cơ bản trung bình hàng tháng cho công nhân sản xuất là 277 đô la, thấp hơn một nửa so với mức trung bình 607 đô la của Trung Quốc. Dự đoán dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu trong năm nay. Ông Ryotaro Hagiwara, một nhà nghiên cứu thực địa tại văn phòng Hà Nội của “Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản”, cho biết điều này đã mang lại cho các doanh nghiệp nhiều hy vọng về nhu cầu địa phương.

Nikkei cho biết, động thái đa dạng hóa sản xuất bằng cách dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc và đến các nơi khác, đã được thực hiện trong nhiều năm đối với các nhà sản xuất đang chứng kiến ​​chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc. Bên cạnh chi phí gia tăng, một động lực khác là căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quanta đã sử dụng cơ sở sản xuất tập trung ở Trung Quốc để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng một năm trước, thành phố Thượng Hải phong tỏa vì dịch bệnh đã khiến họ phải đóng cửa một nhà máy có 40.000 công nhân, công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Với việc cắt đứt chuỗi cung ứng, Quanta không thể sản xuất sản phẩm chủ lực của mình là MacBook Pro và việc giao hàng bị trì hoãn hơn hai tháng, điều này cũng làm gián đoạn các kế hoạch của Apple.

Nikkei cho rằng việc mở rộng sang Việt Nam đánh dấu một bước đột phá thực sự của Quanta trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc. Theo ước tính từ TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc và các nguồn khác, trong vòng 3 năm tính đến năm 2025, sản xuất của công ty (Quanta) bên ngoài Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 30% tổng sản lượng.

Không chỉ MacBook Pro mà cả việc sản xuất iPhone của Apple tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vào năm ngoái. Vào tháng 10 năm ngoái, một đợt bùng phát dịch tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, thậm chí đã gây ra các cuộc biểu tình, nhiều nhân viên chọn cách rời đi. Apple cho biết vào thời điểm đó rằng nhà máy đang hoạt động với “công suất giảm đáng kể”.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã nổ ra một cuộc biểu tình của nhân viên mới. (Ảnh chụp màn hình video) 

Mặc dù hoạt động tại nhà máy Trịnh Châu đã được phục hồi, nhưng các vấn đề về nguồn cung đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong mùa mua sắm quan trọng vào dịp nghỉ lễ.

Hiện Foxconn đang đầu tư mạnh vào tỉnh Bắc Giang của Việt Nam. Truyền thông địa phương đưa tin vào mùa hè năm ngoái rằng Foxconn đã lên kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD và thuê 30.000 công nhân. Hồi tháng 2, Foxconn đã ký hợp đồng thuê 45 ha đất đến năm 2057. Ước tính đến năm 2025, khoảng 30% hoạt động sản xuất của Foxconn sẽ được hoàn thành bên ngoài Trung Quốc.

Pegatron, nhà sản xuất iPhone lớn thứ hai của Apple, đã đầu tư mạnh vào thành phố Hải Phòng của Việt Nam. Wistron của Đài Loan có kế hoạch bắt đầu vận hành một nhà máy máy tính cá nhân tại Việt Nam vào năm tới.

Ngoài Việt Nam, các OEM Đài Loan của Apple cũng đang đầu tư vào Ấn Độ. Ấn Độ dự kiến ​​đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối tháng này. Lực lượng lao động lớn và rẻ của Ấn Độ, bao gồm cả những công nhân có kỹ năng kỹ thuật quan trọng, là một sức hút lớn đối với các nhà sản xuất.

Chủ tịch Foxconn Lưu Dương Vĩ (Young Liu) đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ vào cuối tháng Hai. Tại một sự kiện của ngành công nghiệp Đài Loan vào tháng Ba, ông Lưu nói rằng nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn sẽ bay cao, Đài Loan cần nắm bắt cơ hội này.

Foxconn lắp ráp iPhone 14 tại Chennai, Ấn Độ. Công ty cũng đã đảm bảo các địa điểm cho các nhà máy mới ở các bang Karnataka và Telangana. Foxconn đang muốn mở rộng dấu chân của mình ở Ấn Độ.

Ngoài Foxconn, Wistron và Pegatron cũng sản xuất các thiết bị của Apple tại Ấn Độ. Apple thường bắt đầu lắp ráp các mẫu ở Ấn Độ từ 7 đến 8 tháng sau khi ra mắt sản phẩm. Nhưng điều này đã thay đổi vào năm ngoái, khi công ty bắt đầu sản xuất các thiết bị iPhone 14 mới ở Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi chúng được tung ra thị trường.

Nikkei cho biết, các thay đổi cũng đang diễn ra trong bảng mạch in, một thành phần quan trọng trong máy tính và thiết bị gia dụng. Một giám đốc điều hành ngành điện tử Đài Loan cho biết, việc sản xuất đã bắt đầu chuyển từ trung tâm sản xuất hiện tại ở Vũ Hán sang Thái Lan. Dự đoán Thái Lan sẽ vượt qua Trung Quốc về sản lượng bảng mạch in.

Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng các thành phần linh kiện toàn cầu. Nhưng chỉ trong tháng 3 và tháng 4, các nhà cung cấp Đài Loan của Apple là Unimicron Technology và Compeq Manufacturing đã công bố sự hiện diện của họ tại Thái Lan.

Doanh nghiệp Mỹ mệt mỏi với rủi ro sản xuất tại Trung Quốc

Sự bất ổn định của môi trường sản xuất của Trung Quốc đã gây ra tác động rất lớn đến các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Nikkei cho biết, kế hoạch đầu tư vào Việt Nam của xưởng đúc Đài Loan phản ánh rằng các khách hàng Mỹ của họ đã quá mệt mỏi với những rủi ro do sản xuất mà thị trường Trung Quốc mang lại.

Một báo cáo của Wall Street Journal năm ngoái, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Việt Nam và Ấn Độ đang được Apple xem là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Apple đã nói với một số nhà sản xuất hợp đồng của mình rằng họ muốn tăng sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Dẫn đầu là các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt vào Việt Nam đã tăng đều đặn, đạt 38 tỷ USD vào năm 2019, tăng khoảng 80% so với một thập kỷ trước. Mặc dù xu hướng này đã bị đình trệ trong một vài năm khi COVID-19 càn quét thế giới, nhưng hiện đang bắt đầu khôi phục.

Trong quý 1 năm 2023, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đài Loan vào Việt Nam tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Ryotaro Hagiwara của “Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản” cho biết: “Đặc biệt, miền bắc Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất mới cho các sản phẩm của Apple.”

Chính phủ Việt Nam rất muốn tận dụng cơ hội này. Vào ngày 22/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói với đại diện các công ty nước ngoài rằng thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Tại cuộc họp, ông đã thúc giục các quan chức khác trong Chính phủ Việt Nam lắng nghe những quan tâm của các công ty nước ngoài.

TrendForce dự đoán rằng đến năm 2028, 30% đến 35% tổng số iPhone sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Nhà phân tích Mia Huang cho biết, sản xuất trong nước là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ, do mức thuế cao của Ấn Độ đối với điện thoại thông minh nhập khẩu.

Vào ngày 18/4, cửa hàng do Apple trực tiếp điều hành đầu tiên ở Ấn Độ đã khai trương và đích thân CEO Tim Cook của Apple đã có mặt. Tim Cook cho biết ông rất lạc quan về việc Apple vào thị trường Ấn Độ.

Trong quý đầu tiên của năm nay, hơn 90% đầu tư trực tiếp của các công ty Đài Loan bên ngoài Đài Loan đã đến những nơi bên ngoài Trung Quốc Đại Lục. Đầu tư vào các nước Đông Nam Á và Ấn Độ tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư vào Trung Quốc giảm khoảng 10%.

Theo Trương Đình, Epoch Times


Đấu tranh phe phái, ông Tập Cận Bình thanh trừng các ngân hàng và hệ thống tài chính

Tạ Linh 

Một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở Bắc Kinh. (Ảnh Frederic J. Brown/AFP/Getty). 

Kể từ đầu năm 2023, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng cao cấp ở Trung Quốc đã từ chức hoặc bị điều tra. Theo một chuyên gia về Trung Quốc, hiện tượng này đánh dấu một cuộc cải tổ lĩnh vực tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với nhiều phe phái khác nhau trong chính quyền này đấu tranh vì lợi ích của chính họ.

Trong tháng này, vị trí giám đốc điều hành cao cấp của các ngân hàng thường xuyên được bổ nhiệm người mới. Theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc, gần 10 ngân hàng đã có những thay đổi lớn về nhân sự, trong đó có Ngân hàng Tiết kiệm Bưu chính Trung Quốc thông báo hai phó chủ tịch từ chức.

Hôm 13/04, ông Trịnh Quốc Vũ (Zheng Guoyu), phó chủ tịch của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đã rút khỏi ban hội đồng quản trị. ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản.

Hôm 17/04, bốn giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng CITIC Trung Quốc, Ngân hàng Nông thôn Tô Châu Giang Tô, và Ngân hàng Trịnh Châu đã tuyên bố từ chức.

Các cơ quan quản lý đã điều tra lĩnh vực ngân hàng trong thời gian diễn ra những vụ từ chức này. Theo các bản tin của Trung Quốc, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng đang bị điều tra, và các tội danh bị cáo buộc liên quan đến hối lộ và cho vay bất hợp pháp.

ĐCSTQ sở hữu các ngân hàng lớn, và các ngân hàng khu vực thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương trực thuộc chính quyền trung ương. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản đều đến từ Trung Quốc, trong đó bốn ngân hàng Trung Quốc vượt qua cả hai ngân hàng JP Morgan Chase và Bank of America.

Lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng. Nhiều phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát tài chính và chính trị.

Theo nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming), lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã bị phe cánh của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và cựu phó chủ tịch Ủy ban ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) chi phối. Ông Lý cho biết họ bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động mờ ám trong thị trường chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Mặc dù Giang Trạch Dân đã qua đời hồi tháng Mười Một năm ngoái, nhưng đồng minh thân cận của ông ta  trong băng đảng Thượng Hải là Tăng Khánh Hồng, vẫn đang đe dọa đến quyền lực của ông Tập, và các thành viên của phe này không trung thành với ông Tập.

Ông Lý lưu ý rằng các cuộc điều tra gần đây tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang diễn ra trong khi các giám đốc điều hành của công ty cổ phần hạng A đang cùng nhau giảm lượng nắm giữ của họ thành tiền mặt, và thị trường chứng khoán đang lao dốc.

Ông nói rằng đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang tranh giành quyền thống trị trong lĩnh vực ngân hàng.


Nga ghi nhận 5.990 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong

Liên Thành 

Ảnh minh hoạ: Sergey Bobylev/TASS. 

TASS ngày 29 tháng 4 dẫn báo cáo từ Trung tâm khủng hoảng chống vi-rút corona liên bang cho biết, các trường hợp được xác nhận là mắc COVID-19 ở Nga đã tăng lên 5.990 người trong ngày qua, với 32 trường hợp tử vong.

Một ngày trước đó, Nga đã báo cáo 6.548 trường hợp nhiễm COVID-19 mới hàng ngày và 31 trường hợp tử vong. Tổng cộng, Nga đã ghi nhận 22.845.868 trường hợp mắc COVID-19 và 398.271 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở nước này.

Trung tâm khủng hoảng cũng báo cáo, số ca phục hồi do coronavirus đã tăng lên 7.186 trong 24 giờ qua so với 7.775 một ngày trước đó. Trong khi đó có tới 920 người phải nhập viện trong 24h qua, tăng tăng 1,7% so với 905 người của một ngày trước đó.

Tại Mát-xcơ-va, có tới sáu bệnh nhân coronavirus đã chết ở thủ đô của Nga trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 48.683 trường hợp.


Quân đội Sudan chặn hơn 100 người Anh khỏi chuyến bay di tản cuối cùng

Liên Thành 

Một gia đình lên chuyến bay sơ tán của RAF tại căn cứ không quân Wadi Seidna (ảnh: Hải quân Hoàng gia). 

Hơn 100 công dân Anh có khả năng mắc kẹt ở Sudan khi quân đội nước này cấm họ lên chuyến bay di tản cuối cùng. Thông tin này được nhật báo Anh The Guardian loan báo hôm 29/04.

Ấn phẩm lưu ý Vương Quốc Anh đã thực hiện 21 chuyến bay di tản 1.888 người, nhưng hơn 100 người vẫn còn ở Sudan. Họ được cho là sẽ rời đi vào ngày 29 tháng 4 lúc 18:00, nhưng quân đội Sudan không cho phép họ rời đi. 

Vào tối thứ Bảy, ngay sau 9 giờ tối, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chuyến bay cuối cùng, dự kiến ​​​​khởi hành lúc 18:00, vẫn ở sân bay gần Khartoum. Không có lý do nào được đưa ra cho sự chậm trễ.

Trước đó, nghị sĩ Anh Alicia Kearns cho biết bà có tin quân đội Sudan đang ngăn cản công dân đi tới Khartoum để lên máy bay di tản.

Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét vấn đề này và xem liệu có sự thật nào trong đó không. Nếu đúng như vậy, bạn có những công dân Anh đang mắc kẹt và không thể đến nơi di tản”.

Hiện những người mắc kẹt ở Sudan đang đối diện với tương lai không chắc chắn. Họ có thể chọn đi phía bắc tới Ai Cập, hoặc là về phía đông tới Cảng Sudan trên Biển Đỏ.

Về phía Ai Cập, Bộ Y tế nước này cho biết họ đã khai triển thêm nhân viên tới hai cửa khẩu biên giới với Sudan để hỗ trợ những người mới đến cần được chăm sóc, gần hai tuần sau khi giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bắt đầu.


Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ cam kết xử lý nhanh các di dân không giấy tờ 

01/5/2023 

Bộ trưởng An ninh Nội đia Mỹ Alejandro Mayorkas  

Người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hôm 30/4 cam kết vận dụng luật nhập cư hiện hành để xử lý hàng ngàn người di cư dự đoán sẽ vượt biên ở biên giới tây nam với Mexico bắt đầu từ ngày 12/5.

Ngày 12/5 là thời hạn chính quyền của Tổng thống Joe Biden chấm dứt áp dụng luật về đại dịch virus corona mà trong đó cho phép trục xuất ngay những di dân đến Mỹ không có giấy tờ vì lý do y tế.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của đài NBC rằng khi các gia đình di dân đến cửa khẩu, họ ‘sẽ được xúc tiến trình tự thực thi luật nhập cư, trình tự trục xuất. Nếu họ có đơn xin miễn trục xuất, chúng tôi sẽ nhanh chóng phân xử đơn xin đó’.

Ông cho biết cơ quan ông sẽ quyết định các trường hợp di dân tìm cách ở lại Mỹ ‘trong vài ngày hay vài tuần. Sẽ không mất hàng tháng trời’, và các trường hợp này sẽ được các quan chức di dân phân xử trước 2 triệu đơn nhập cư tồn đọng hiện đang chờ được xử lý ở Mỹ.

Ông Mayorkas nói nếu trẻ em không có người lớn đi kèm đến biên giới, ‘Chúng tôi sẽ tuân theo pháp luật và pháp luật quy định rằng chúng tôi có quyền giam giữ đứa trẻ đó và chúng tôi có 72 tiếng đồng hồ để chuyển đứa trẻ đó, đứa trẻ không có người lớn đi kèm đó, qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh’.

“Việc này là để cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh… xác định người thân hay người bảo trợ ở Mỹ để họ bàn giao việc chăm sóc đứa trẻ,” ông Mayorkas nói. “Theo quy định của luật pháp, chúng tôi có thể cứu giúp nhân đạo những đứa trẻ này và chúng tôi đang thực thi điều luật đó.”

Hơn 2,4 triệu di dân đã đến biên giới với Mỹ trong năm ngoái, nhiều người trong số họ đến từ các quốc Trung Mỹ, nhưng cũng có người đến từ các nước Caribe, Châu Phi, Ukraine và các nơi khác. Nhiều người đã bị đuổi về, trong khi những người khác đã trốn vào trong nước Mỹ hoặc được xác định ngày ra tòa án di dân nhiều tháng hay nhiều năm sau đó và được thả ra trong nước Mỹ.

Ông Mayorkas cho thấy quy mô của vấn đề di dân mà nước Mỹ phải đối mặt khi các di dân, nhiều người tìm cách thoát nghèo và đàn áp chính trị ở trên đất nước của họ, cố gắng chạy đến quốc gia giàu có nhất thế giới để có cuộc sống tốt hơn.

“Đây là thách thức thực sự khó khăn và như tất cả chúng ta đều nhận ra, nó diễn ra trong nhiều năm,” ông Mayorkas nói.

“Chúng ta đang chứng kiến mức độ di cư không chỉ ở biên giới phía nam của chúng ta, mà trên khắp Tây bán cầu, đó là điều chưa từng thấy.”

“Tôi nghĩ đây là cuộc di cư lớn nhất ở bán cầu của chúng ta kể từ Đệ nhị Thế chiến,” ông nói thêm.

“Cách làm của chúng tôi là xây dựng các con đường hợp pháp, loại bỏ những kẻ buôn người tàn nhẫn, đem đến các con đường hợp pháp để mọi người có thể được cứu trợ nhân đạo mà không phải thực hiện hành trình nguy hiểm ra đi từ đất nước của họ,” ông Mayorkas nói. “Và đồng thời, nếu họ đến biên giới phía nam giữa các cửa khẩu, họ sẽ hứng chịu hậu quả.”

Nhưng ông cũng thừa nhận ‘hệ thống nhập cư vỡ nát’ ở Mỹ, với việc Quốc hội trong hàng chục năm đã không thể cải cách luật nhập cư.

“Tôi chỉ muốn nói rõ rằng chúng tôi đang làm việc với rất nhiều hạn chế,” ông nói. “Chúng tôi cần nhân lực, chúng tôi cần công nghệ, chúng tôi cần cơ sở vật chất, chúng tôi cần nguồn lực để vận chuyển, tất cả các yếu tố để giải quyết nhu cầu của một lượng lớn di dân đến biên giới phía nam một cách bất thường.”

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-an-ninh-noi-dia-my-cam-ket-xu-ly-nhanh-cac-di-dan-khong-giay-to/7073395.html